Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hồng Bạch - Nhớ Về Một Người Bạn.

02 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 65490)
Hồng Bạch - Nhớ Về Một Người Bạn.

 

 

 

Nhớ Về Một Người Bạn

 

 

Cũng lâu lắm rồi, tôi không có dịp viết lại những dòng chữ đã lắng đọng tận trong tâm tư, những cảm nghĩ của thời niên thiếu mà trải qua bao năm tháng tôi tưởng đã bị nhạt nhòa vì tuổi đời chồng chất, vì cuộc sống bận rộn bon chen, và vì cuộc đời đầy phiền toái trắc trở. Nhưng thật ra những kỷ niệm thời thơ ấu ấy, những tình cảm trân quí thuở học trò vẫn còn nguyên vẹn, tình bạn vẫn thắm thiết như ngày xưa.

            Nhớ lại ngày xưa, chúng tôi là hai đứa bạn thân rất thân, bạn bè ai cũng cho là vậy mà, vì đi đâu và làm gì dường như lúc nào cũng có mặt cả hai chúng tôi. Tôi còn nhớ nhất là những giờ tan học sớm, hai đứa chúng tôi thường đi bộ dung dăng dung dẻ từ trường xuống chợ, rồi từ chợ về nhà khoảng đường cũng khá xa, đó là một trong những con đường chính của tỉnh Biên Hòa, có lẽ nhờ vậy mới có được “mình hạc xương mai” mà khỏi cần tập thể dục, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện huyên thuyên từ việc học đến chuyện bạn bè, nhất là lớp của chúng tôi là lớp vừa con trai và con gái học chung nên có rất nhiều hiện tượng “vua phá phách” và vì vậy có nhiều chuyện để nói lắm, rồi nói sang chuyện gia đình, chuyện nắng mưa, không biết chuyện ở đâu mà lúc nào chúng tôi cũng có. Đôi lúc có dư vài đồng trong túi thì chúng tôi mới dám đi xe “lam”, mà có khi cũng tại vì đôi guốc gỗ của tôi bị đứt quai mà bạn tôi không thể nào sửa chữa nổi thì chúng tôi mới quyết định đi xe “lam” về nhà vì thuở học trò “hàn vi” tiền bạc rất là eo hẹp. Cũng vì vậy nên chúng tôi lúc nào cũng đắn đo trong vấn đề chi tiền, chẳng hạn như nếu muốn đi chụp hình thì phải nhịn ăn quà sáng cả tuần lễ mới đủ tiền chụp hình. Rồi khi lấy hình, xem xong thấy hình mình không đẹp, thì lại cằn nhằn cho là ông thợ chụp hình chơi xấu không biết cách chụp hình, thêm nỗi tiếc tiền nữa. Không biết các bạn có giống tụi này không vậy? Muốn đi “xi nê” cũng phải nhịn quà cả mấy hôm, nói tóm lại nếu muốn gì thêm ngoài những việc bình thường mỗi ngày thì phải “bóp bụng”.

Nhớ lại tôi thấy thương chúng tôi hồi đó quá, cực khổ như vậy mà rất vui vẻ yêu đời chẳng thấy tội nghiệp chút nào cả. Buổi trưa chúng tôi thường đi học sớm rồi tụm năm tụm ba dưới những gốc cây dương mát rượi để cùng kể cho nhau nghe những bài nhạc nào mới nhất, mới được ca sĩ ưa thích nhất trình bày trên radio buổi trưa trước khi đi học. Cũng hay thích đứng la cà gần phòng hiệu trưởng để ngắm nhìn các thầy cô rồi bình luận hôm nay cô Trí mặc áo dài màu xanh rất đẹp, cô Lan mới đổi kiểu tóc hay thầy Hiệp hôm nay có vẻ nghiêm quá “coi chừng” nghe. Nhưng rồi chúng tôi cũng không quên hối hả nhau lo dò lại bài chứ nếu không may thì bị con zero như chơi, vì tôi ngán ăn “hột vịt” lắm, có thầy dễ dãi thì tặng con số một để phòng thân.

Ngoài giờ học trong trường chúng tôi thường gặp nhau cuối tuần. Ngày chủ nhật, tôi đến nhà bạn hay bạn tôi đến nhà tôi nói là để làm bài học bài, thật ra học thì cũng có học nhưng chúng tôi nói chuyện “tầm phào” thì nhiều, hay họp các bạn lại ca hát vui đùa thật hồn nhiên. Bạn tôi thì có khiếu về ca nhạc, lại có giọng ca trong trẻo, cũng là ca sĩ có hạng trong trường đó, mà lại rất dạn dĩ, được yêu cầu là hát ngay không có yểu điệu thục nữ như thường tình, rất là điệu nghệ.

 

 

            Chúng tôi tuy tương đắc với nhau như vậy nhưng thật ra điểm bất đồng thì cũng nhiều. Này nhé, nói về hình dáng thì bạn tôi có dáng người cao cao, khuôn mặt dễ nhìn có thể nói là đẹp, tánh tình phóng khoáng vui vẻ hoạt bát nên có nhiều kẻ nam nhi thích làm quen, tuy nhiên bạn tôi cũng dè dặt lắm. Còn tôi thì trái lại, có dáng người nho nhỏ, tôi không thích nói chữ “thấp” đâu nhen, rất nhút nhát rụt rè, nói năng không được lưu loát gì mấy khi có người lạ. Vậy mà không hiểu sao bây giờ tôi thay đổi nhiều quá, ông xã của tôi lại cho là tôi hay thích nói nhiều, nhất là khi tôi nổi giận thì có bao nhiêu chữ nói hết bấy nhiêu. Chúng tôi đôi khi cũng hờn giận nhau kỹ lắm, thế là bạn bè đều biết cả, vì không thấy chúng tôi đi chơi chung, ai ai cũng

hỏi thăm. Thật là buồn cười! Chẳng ai chịu làm quen trước đến khi không ai chịu nổi sự im lặng nên chúng tôi đành phải làm huề với nhau.

            Nhưng rồi những ngày tháng ngồi trong lớp học cũng đi qua mau. Hồi đó thì chúng tôi cho là sao lâu quá, nhưng rồi chúng tôi cũng theo dòng đời mà khôn lớn. Bạn tôi lập gia đình khi còn đi học, tiểu đăng khoa trước rồi mới đại đăng khoa mà. Đó là một sự cách mạng trong học đường lúc bấy giờ, vì ít có ai có thể đã có gia đình mà còn cắp sách đến trường vì họ rất ngại và sợ “kỳ”. Nhưng bạn tôi thì khác, rất cương quyết và mạnh dạn cắp sách đến trường đều đều cho đến khi đậu bằng tốt nghiệp trung học và rồi bạn tôi đi dạy. Còn tôi thì cũng có việc làm và vừa đi học, sau đó tôi cũng có một thời đi dạy.

            Chúng tôi thỉnh thoảng cũng liên lạc nhau, tôi thường đến thăm bạn tôi vì bạn tôi ngoài việc đi dạy học còn lo cho gia đình nên rất bận rộn, chúng tôi vẫn thân nhau như ngày xưa còn học chung lớp. Chúng tôi thường giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc hoạn nạn khó khăn. Đôi khi bạn tôi thấy tôi còn lẻ loi một mình thì cũng ráng làm “bà mai” mấy lần, nhưng có lẽ vì tôi “cao số” hay “nặng bóng vía” không biết, mà vụ nào cũng không thành, thì thôi đành nựng đỡ mấy đứa con của bạn tôi…

Vì ra đi bất chợt nên tôi không có giữ địa chỉ của bạn tôi, bởi có khi nào tôi nghĩ là sẽ cần địa chỉ đâu, tôi thất lạc tin tức của bạn tôi từ khi đó. Sau gần ba mươi năm xa cách, tình cờ gặp được người bạn dạy cùng trường với bạn tôi, tôi mới liên lạc được với người bạn cũ thân thương ngày nào. Lần đầu tiên nghe tiếng nói của nhau trên điện thoại viễn liên, chúng tôi không cầm được xúc động và đã kể thật nhiều với nhau những chuyện đã trải qua trong cuộc đời của hai chúng tôi. Bạn tôi không nghĩ là tôi vẫn còn sống vì đã mấy chục năm qua, có biết bao nhiêu người về thăm quê nhà mà sao không có tôi, có lẽ tôi đã gửi thân xác ở biển Đông rồi chăng? Cũng “xém chút” thôi. Thật là không còn vui mừng nào hơn!

 

 

            Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi thân nhau như vậy nhưng lúc nào cũng rất khác biệt nhau về nhân dáng cũng như hoàn cảnh. Bạn tôi thì hối hả lập gia đình sớm, còn tôi thì thủng thẳng từ từ cho nên hơn ba mươi mới “chịu” nên gia thất. Bạn tôi giờ đã có mấy tiểu thư và công tử, và còn được gọi là bà ngoại nữa, còn tôi thì đã lập gia đình hơn hai chục năm mà chẳng có được mụn nào để nựng nịu cho vui nhà vui cửa. Đôi khi cũng rất cô đơn, nhưng tôi không cảm thấy đơn độc vì tôi vui với cái vui của bạn tôi khi nghĩ tới tôi vẫn còn một người bạn lúc nào cũng thông cảm và hiểu tôi. Biết được bạn tôi đang sung sướng hạnh phúc bên cạnh các con cháu, không còn vất vả nữa là điều tôi rất mừng. Chúng tôi thường chúc lẫn nhau là hãy ráng giữ gìn sức khoẻ để hẹn có ngày sẽ gặp lại tha hồ mà hàn huyên tâm sự, vì bây giờ tuổi của chúng tôi hai người cộng lại cũng đã hơn một trăm rồi, đâu còn trẻ trung gì nữa.

            Cho dù cuộc đời của tôi có nhiều chuyện không được toại nguyện cho lắm, những chuyện không như ý thì nhiều mà điều mong ước thì ít khi tới. Nhưng thật ra nói thì nói vậy chứ những chuyện vui mừng tới rồi lại đi nhanh làm cho mình mau quên, còn chuyện không vừa ý thì mình cứ nhớ hoài cho nên thấy khổ, tại vì mình mơ ước nhiều quá mà không được bao nhiêu. Cho nên nói đi thì phải nói lại, tôi cũng rất cám ơn Trời Phật và cám ơn cuộc đời đã cho tôi một cuộc sống bình an bên cạnh những người thân thương, cho dù tôi không được thành tựu nhiều nhưng cũng có cái ăn cái mặc. Nhìn lên thì không bằng ai mà ngó tới ngó lui thì cũng vẫn có nhiều người vất vả hơn tôi. Tôi cũng cám ơn cuộc đời đã cho tôi một người bạn rất tâm giao, chúng tôi đã cùng trải qua thời thơ ấu vui vẻ hồn nhiên và cùng chia sẻ ngọt bùi với nhau trong những lúc thăng trầm của cuộc đời. Cuối cùng đã cho tôi tìm lại được người bạn thân thương tưởng chừng như không bao giờ có thể gặp lại.

 Hồng Bạch  

chsNQLớp Tứ Hai 65 – Mùa hè 2004

           

21 Tháng Tám 2014(Xem: 15100)
Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hóa thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi.
15 Tháng Tám 2014(Xem: 28222)
Chuyện cổ tích của con kể bắt đầu bằng ngày xưa con có ba, ngày xưa con có má, ba má là mãi mãi ... là cho đi không đòi lại bao giờ ...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 25442)
GS. Nguyễn Xuân Hoàng giảng bài say sưa, trong đam mê dù triết học hay văn chương,... Vị thầy mà khoảng cách thời gian lớn hơn chúng tôi độ một giáp...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 24760)
Biết đến bao giờ tôi lại trở về? Để được sống yên bình ngắm hàng phượng vĩ vào mỗi mùa Hè, và sống lại thời xưa cùng các bạn vui chơi những ngày Hè thong thả....
14 Tháng Tám 2014(Xem: 15001)
Và trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 25147)
"Mẹ mày có khỏe không?' Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy. Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 29156)
Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 23279)
Những ước muốn thật xanh, thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời. Ai bảo”Người đi trên mây” dửng dưng? Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15248)
Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam…
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15281)
Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 20986)
Tiễn chân Quỳnh Giao về bên kia thế giới. Tôi lại nghĩ đến đời người, duyên và nghiệp. Quỳnh Giao là con chim quý đã có một phước báo từ kiếp trước nên tiếng hát đi vào lòng người.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 28083)
Khi tôi viết những dòng này thì đại diện gia đình đang chuẩn bị để lên những chuyến bay về tham dự buổi lễ gắn lon Chuẩn Tướng cho Việt
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 17999)
Hoàng ngồi trên xe lăn, tóc bạc trắng, áo pull đen, gầy yếu, thăm thẳm, tôi nghe thấy hơi ấm mỏng len qua những ngón tay của hai đứa tôi xiết nhẹ.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 17369)
Ngồi trong tòa soạn báo Việt Tribune, chúng tôi vẫn hồn nhiên “mày tao”. Như những ngày Văn Học năm xưa. Có chi thay đổi đâu! Tôi muốn mượn câu thơ của Phạm Nhuận để tặng Nguyễn Xuân Hoàng.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 15303)
Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau. “Cô có khỏe không? Em bé tên gì vậy cô? Em dễ thương quá!” Tám ẵm bé lên, áp má mình vào má bé.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 18375)
Với nữ lực của Vy, chắc chắn tác giả Người Đi Trên Mây sẽ luôn bước trên những đám mây mịn màng, bồng bềnh, thư thái nhất giữa nụ cười e lệ ...
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 22670)
Quỳnh nhắc lại chuyện tối qua, khi cả xóm bị khích động bởi tiếng kêu la giữa khuya của căn nhà đâu lưng bên kia hẻm.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 23219)
Nguyễn Xuân Hoàng là người nghệ sĩ đích thực, nhưng tư chất nhà giáo đặt ra những giới hạn không thể vượt qua cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật. Hình như A. Camus bảo nghề giáo là chỗ sa lầy ...
19 Tháng Bảy 2014(Xem: 20439)
Ông lại nghĩ đến người nghèo ở VN và những ngôi nhà bạc tỉ, dát vàng lộng lẫy. Ông nghĩ đến dàn khoan đang chễm chệ ngoài khơi và lời nói trịnh thượng của đại diện Trung Cộng.
18 Tháng Bảy 2014(Xem: 23113)
Xin được một lời cám ơn Thầy, cám ơn Cô. Cám ơn quý anh chị và các bạn đã thực lòng với trường xưa, cùng góp bàn tay mang bao nụ cười, niềm vui nhiều kỷ niệm trên hai chuyến đi về.