Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Oanh Trịnh - VĨNH BIỆT CÔ PHAN THỊ LỆ HOA

06 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 51990)
Kiều Oanh Trịnh - VĨNH BIỆT CÔ PHAN THỊ LỆ HOA

Vài dòng Vĩnh Biệt


Cô Phan Thị Lệ Hoa đáng kính


cophalehoa--large-content

 

Tin có bịnh đến với tôi thật đột ngột, mà tin có mất càng làm tôi ngỡ ngàng, chơi vơi hơn. Mới ngày nào đó, mới tháng giêng vừa qua, tôi được nhìn hình ảnh của cô tươi cười trên website Hội Ái Hữu Biên Hòa vào ngày đầu Xuân, trông cô vẫn tươi vui, khỏe mạnh, không một dấu vết bịnh hoạn, thế mà bỗng chốc cô đã vĩnh viễn lìa xa. 

Ngày còn học ở trường Tiểu Học Nguyễn Du, tôi học lớp Nhất C của Cô Ngọc Anh, nhưng lâu lâu khi cô Ngọc Anh bận việc thì Cô Lệ Hoa đảm trách hai lớp nhất A và C nên tôi cũng có dịp học với cô mấy lần... do một sự ngẫu nhiên, và cũng do cơ duyên nên anh Bảy (Ông Xã của Cô) lại là bạn đồng sở và rất thân với anh Kiều (ông xã của tôi), nên hai gia đình thật gần, và thân thiết như ruột thịt, bất cứ chuyện vui, buồn gì bên gia đình cô thì Kiều Oanh luôn luôn được anh Bảy thông báo cho biết trước để được cùng chia sẻ.

Ngày còn dạy học, Cô thường hay mặc những chiếc áo dài màu nhàn nhạt, màu trắng, hay cream, dáng cô thật trang nhã, dịu dàng, nhất là giọng nói của cô thì nhẹ và êm lắm, qua những năm tháng thăng trầm, tuổi già chồng chất, mà tiếng nói của cô vẫn như xưa, không thay đổi. Mỗi lần gọi phone cho cô, câu đầu tiên mà tôi luôn luôn được nghe và nhớ mãi:

“Oanh đó hả Oanh?” sau đó thì hai thầy trò mới tha hồ trò chuyện…

Với Cô, tôi có rất nhiều kỷ niệm, kỷ niệm thầy trò thì ít, mà kỷ niệm của những năm tháng nuôi chồng nơi trại tù “Nhà Đỏ, Phú Giáo” thì không biết bao nhiêu mà kể cho hết.

Ngày hai anh bị gọi ra trình diện tập trung, rồi họ đưa các anh đi biền biệt. Cô và tôi lặn lội khắp nơi, hỏi han tin tức các anh mà vẫn mịt mùng xa xăm... Tôi thường đạp xe đến nhà cô ở Khu Lò Bò trên đường Trịnh Hoài Đức, thăm Bà Bác (mẹ của cô), ngồi chơi với cô và cháu Khánh Dung bằng tuổi con gái thứ 3 của chúng tôi, mới vừa được 5 tháng thì Ba bị bắt “đi tù”. Họ bảo là 1 tháng, mà chúng tôi chờ hoài, chờ mãi, tháng này sang tháng khác, rồi năm này sang năm kia vẫn mịt mù thăm thẳm... Tôi và cô chỉ biết ôm con, ngóng trông và chờ đợi..….

Cho đến một hôm, nhờ chỗ quen biết nên cô là người lần đầu tiên được đi thăm anh Bảy tại trại tù “Nhà Đỏ” và cô thấy được anh Kiều, đang cuốc đất bên bờ rào. Cô lật đật đến cho tôi hay để tôi yên lòng. Vài tháng sau thì họ cho thăm nuôi mỗi tháng 1 lần. Nhờ chị Hai (chị chồng tôi có xe hàng và xe đò Liên Hiệp), nên hàng tháng xe của chị chở tất cả chúng tôi lên trại tù Nhà Đỏ đi thăm các anh. Cô và tôi lại có dịp cùng nhau trên những chuyến xe đi về, ngắn ngủi từ Biên Hòa lên Phú Giáo. Nhờ đi xe nhà đỡ vất vả nên chúng tôi đều ẵm theo cháu bé lên thăm ba. Mỗi lần đi thăm là một lần tốn kém, tiền mua thức ăn, mua thuốc men, rồi còn tiền đem gửi cho các anh nữa, với số lương khiêm nhường của giáo viên không được bao nhiêu, cô phải chắt chiu từng đồng, bán từng món đồ trong nhà để mua thức ăn đem lên cho anh Bảy. Tôi may mắn hơn nhờ chị của anh Kiều còn buôn bán khá, cấp dưỡng cho chúng tôi, nên tôi đỡ phải cực khổ lo kiếm gạo nuôi chồng.

Cứ thế mà tháng tháng Cô dù có gom góp tiền lương giáo chức vẫn không đủ, cô phải bán dần những món còn lại trong nhà hầu kiếm thêm chút đỉnh mua thức ăn, thuốc men tiếp tế cho anh Bảy. Cuộc đổi đời 30 tháng Tư đem đến rất nhiều khổ lụy cho các gia đình sĩ quan chế độ cũ. Nhìn cô tiều tụy, lo lắng, tôi xót xa vô cùng, tuy tôi cũng trong hoàn cảnh chồng bị tù đày, nhưng dù sao kinh tế gia đình tôi vẫn còn đủ sống, riêng gia đình cô thật khốn khó.

Vì chung số phận nên đã đưa đẩy cho cô và tôi càng ngày càng gần gũi như người trong một nhà. Hàng tháng, chúng tôi gói ghém, nấu nướng những món ngon dành dụm đem lên cho các anh. Thấm thoát cũng hơn 2 năm, anh Kiều được thả về, xe hàng, xe Liên Hiệp của chị chồng tôi đều bị xung công vào quốc doanh, chúng tôi không còn đi thăm nuôi nữa, lúc này là lúc cô vô cùng cực khổ? Có lẽ cô phải lặn lội đi thăm nuôi anh Bảy bằng những cuốc xe lambretta từ Biên Hòa đi Nhà Đỏ thật vất vả. Thời gian trôi qua, cô nghỉ dạy dọn về quê ngoại của cô ở Sa Đéc. Chúng tôi mất liên lạc với gia đình cô từ đó.

Năm 1978 chúng tôi sang Mỹ, nơi xứ người phải tất bật bôn ba việc “cơm áo, gao tiền” lo cho đàn con 5 đứa nên cũng không có dịp tìm kiếm bạn bè. May sao, nhờ có chương trình HO, nên chúng tôi được tin gia đình cô đã sang định cư tại thành phố San José, California… từ đó, hai gia đình nối lại tình thâm giao, tôi được trò chuyện với cô thường xuyên qua phone, thầy trò ngồi ôn lại những lúc vui buồn cực khổ ngày trước, sự gian nan trong những chuyến thăm nuôi…đong đầy kỷ niệm đáng nhớ.

Năm 2011, nhân chuyến sang San José tham dự Đại Hội 45 năm Học Viện Cựu SVCSQG, chúng tôi có ghé thăm gia đình Cô. Tuy chỉ có mấy ngày ngắn ngủi mà tràn ngập niềm vui, đầy tình thân ái. Trong khi các anh ngồi kể cho nhau nghe chuyện thời chinh chiến, chuyện tù tội, v.v. Cô cùng tôi và mấy chị thì tâm tình chuyện bếp núc, chuyện con cái, thăm hỏi nhau, cho nhau những nụ cười dòn tan.

Gặp lại cô sau mấy chục năm mà cô không thay đổi, vẫn dáng dấp thon thả, mái tóc bới gọn phía sau, giọng nói vẫn ngọt ngào chậm rãi. Nghe tôi cứ xưng hô “Cô và Em”, cô bảo:

"Thôi, Oanh đừng gọi Cô nữa, cứ gọi chị như mấy chị kia đi, vì anh Bảy là bạn của Kiều mà”.

Tôi không chịu, cô đành chiều theo ý tôi. Các chị bạn hơi ngạc nhiên khi nghe tôi gọi Cô mà lại gọi phu quân của Cô bằng “anh Bảy”, ngồ ngộ làm sao! Nhưng khi hiểu ra thì mọi người hết thắc mắc.

Khi Bác gái (Mẹ của Cô) còn sinh thời, cô hay về VN thăm bà Bác, lần nào từ VN trở qua, cô cũng gói ghém gửi cho tôi những món quà quê hương thật chân tình: Gói bánh phồng tôm Sa Đéc, rồi thì tôm khô 2 ba loại, cô dặn kỹ loại tôm to thì để ăn sống, loại nhỏ để nấu bún riêu, v.v. Những món quà nho nhỏ đầy ắp tình nghĩa thầy trò lúc nào cũng hằn sâu trong lòng tôi. Ngày cháu Khánh Dung sinh cháu trai đầu lòng, cô vui mừng gọi phone báo tin. Tôi chúc mừng…

Cô nói.

“Tới tuổi này rồi, cô mới có chút xíu này thôi đó Oanh… thằng bé dễ cưng hết sức”

Nghe giọng nói của cô đầy ắp tình yêu thương của một Bà ngoại hạnh phúc, và chan chứa tình mẫu tử của một bà mẹ hiền, mừng con gái vừa đi biển một mình đã đuợc “Mẹ tròn, con vuông”. Tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây giọng nói reo vui của cô vừa rộn ràng, vừa sung sướng. Thế mà chỉ mới hơn một năm thôi, cô đã vĩnh viễn lìa xa, cô chẳng chịu nán lại để nhìn thằng bé cháu ngoại lớn thêm và biết gọi tiếng “Ngoại ơi!”

Tin cô mất quá bàng hoàng. Không nghe cô bịnh hoạn gì cả mà cô vội vã ra đi... Nhớ những lần phone qua hỏi thăm, thì cô đều bảo cô rất khỏe, không có bịnh gì hết, có ngờ đâu chỉ mới trong vòng hơn một tháng, căn bịnh ngặt nghèo chợt đến quá nhanh đã cướp đi mạng sống của Cô. Giờ thì Cô vĩnh viễn lìa xa thật rồi, chỉ vài ngày nữa đây, cô sẽ đi vào cát bụi. Cô ra đi để lại tiếc thương trong lòng tất cả người thân, bạn bè, và các học trò của cô ngày xưa. 

Riêng tôi, thương nhớ cô không những trong tình thầy trò ngắn ngủi, mà còn trong tình cảm gia đình, thân thương, cô như một người chị đáng kính của tôi, nhớ những ngày tháng cùng nhau chia sẻ những tin tức nghe được từ trong trại tù cải tạo, những lo âu sợ hãi về số phận các anh Bảy, anh Kiều.

Cô đã vĩnh viễn không còn? Không bao giờ tôi còn được nghe lại những lời nói thân thương nhẹ nhàng của cô nữa? Thật xót xa khi nghĩ đến cô đang yên nghỉ giữa một nơi hiu quạnh, lạnh lẽo vô cùng, và rồi mai đây, ngọn lửa kia sẽ biến cô thành những hạt tro, hạt bụi mênh mông, rồi sẽ tan theo vào lòng đất. Đời thật vô thường, “chợt đến, chợt đi, sắc sắc, không không”.

 

Cô kính yêu:

Hôm nay, ngồi viết những dòng chữ này, trong niềm tiếc nuối, ngậm ngùi, em xót xa nhớ về cô, nhớ mãi vóc dáng mảnh mai, nhớ giọng nói dịu dàng khi cô giảng bài cũng như khi cô trò chuyện. Cô trong tâm tưởng của em lúc nào cũng là một vị thầy đáng kính, và tình cảm cô dành cho em qúa ấm cúng, bao la, tình cảm của một người chị cả luôn luôn che chở các em. Em nhớ cô trong muôn vàn nuối tiếc. Em không biết nói sao để tả hết nỗi lòng thương cảm của em khi nghĩ về cô, và từ đây, em sẽ vĩnh viễn không còn được nghe giọng nói nhẹ nhàng thanh thoát của cô nữa. Em kính mong cô thanh thản, yên nghỉ an nhàn nơi cõi vĩnh hằng.

Kính nguyện hương linh cô phù hộ cho anh Bảy, gia đình cháu Khánh Dung và tất cả người thân thương được yên vui, hạnh phúc.

 

Kiều Oanh Trịnh

Virginia July 3, 2013

14 Tháng Tám 2013(Xem: 79492)
Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.
13 Tháng Tám 2013(Xem: 60683)
Với những phương tiện tân tiến nhất của thế kỷ thứ 21, một người con như ông Scott đã nói lời từ biệt người mẹ trong những giây phút cuối cùng trước khi hơi thở của bà tắt hẳn
13 Tháng Tám 2013(Xem: 86594)
Đôi khi bất chợt gặp lại, mùi hương nồng ấm của thứ dầu gió này có thể giúp ta dăm ba giây phút sống lại những kỷ niệm xa xưa, để tâm hồn dịu đi đôi chút giữa cuộc sống xô bồ.
09 Tháng Tám 2013(Xem: 56016)
Kể từ hôm ấy, hạnh phúc do sự lắng nghe đem lại, đối với tôi, đã là một kinh nghiệm có thật trong đời rồi đó bạn ơi.
07 Tháng Tám 2013(Xem: 78905)
Quý Thầy Cô, quý anh chị cũng chính là người trực tiếp góp bàn tay thiết thực nhất cho hội Ngô Quyền thêm vững mạnh. Xin hãy thực lòng với trường xưa...
03 Tháng Tám 2013(Xem: 67823)
Tựa Đề : HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải. Ca Sĩ: Duy Thiên
02 Tháng Tám 2013(Xem: 85535)
Từ tình cảm nầy tôi tự nguyện vững lòng tiến bước tiếp tục mang niềm vui cho mọi người suốt hơn 12 năm qua. Xin được cám ơn lòng bao dung tha thứ của Thầy Cô và đồng môn.
02 Tháng Tám 2013(Xem: 45505)
Có một lúc nào đó bạn nghĩ về các loại hoa và tự hỏi mình giống như loại hoa nào chưa? Mỗi người phụ nữ theo tôi có thể ví mình như hoa dù mình chỉ là một người bình thường.
02 Tháng Tám 2013(Xem: 64330)
hi vọng sẽ có ngày bạn bè mình có dịp uống chung dòng nước mát quê hương, uống tràn đầy ly rượu tương phùng. Thời gian ơi! bạn bè lớp thất 3 của tôi ơi!
31 Tháng Bảy 2013(Xem: 58295)
Theo triết lý của bài thơ thì sinh và tử chỉ là một trò chơi đuổi bắt. Chia tay hôm nay nhưng sẽ gặp lại ngày mai. Gặp lại trong những dạng khác nhau của cuộc sống
22 Tháng Bảy 2013(Xem: 87171)
Đó là cái đẹp của tình thương yêu. Luật tự nhiên của cái đẹp là sự truyền bá. Truyền bá tình thương yêu là ảnh đích của tinh thần Hướng Đạo.
20 Tháng Bảy 2013(Xem: 63783)
BẦU TRỜI TRÊN KIA - Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông - Hòa Âm: Cao Ngọc Dung - Ca Sĩ: Tâm Thư.
20 Tháng Bảy 2013(Xem: 62074)
Đêm bây giờ dài vô tận, anh bảo thế. Đêm mùa đông ở đây còn dài nhiều hơn nữa. Khi nào trống trải hãy cố nhớ đến lời em nói
18 Tháng Bảy 2013(Xem: 86504)
Qua bao gian nan Ngô Quyền bền vững mãi Mãi mãi một thời để nhớ để thương...
12 Tháng Bảy 2013(Xem: 60958)
Tôi xin gửi đến thầy cô, bạn bè tâm tư của mình để nhắc nhau còn hai tháng nữa là đúng 50 năm khóa 8 NQ bắt đầu nhập học.
06 Tháng Bảy 2013(Xem: 44251)
Môt ngày vui đã chấm dứt, nhưng cái tình Ngô Quyền vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Cám ơn thầy cô không ngại tuổi già, đường xa đã về đây họp mặt.
06 Tháng Bảy 2013(Xem: 69400)
Bảy năm gắn bó ở trung học Ngô Quyền đã cho tao nhiều kỷ niệm, nếu viết thành sách cũng mấy trăm trang. Viết thơ cũng mấy chục bài.
02 Tháng Bảy 2013(Xem: 53853)
Những cô giáo trường Nữ Tiểu học ngày xưa đã từng là niềm hãnh diện tự hào của người xứ Bưởi Biên Hòa .
29 Tháng Sáu 2013(Xem: 51429)
Hãy cho nhau nụ cười và vòng tay ấm thân thương. Ngô Quyền mãi là ngôi trường yêu dấu của những người con xứ Bưởi. Mong gặp lại các bạn trong ngày hội Ngô Quyền.