Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Oanh Trịnh - VĨNH BIỆT CÔ PHAN THỊ LỆ HOA

06 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 52185)
Kiều Oanh Trịnh - VĨNH BIỆT CÔ PHAN THỊ LỆ HOA

Vài dòng Vĩnh Biệt


Cô Phan Thị Lệ Hoa đáng kính


cophalehoa--large-content

 

Tin có bịnh đến với tôi thật đột ngột, mà tin có mất càng làm tôi ngỡ ngàng, chơi vơi hơn. Mới ngày nào đó, mới tháng giêng vừa qua, tôi được nhìn hình ảnh của cô tươi cười trên website Hội Ái Hữu Biên Hòa vào ngày đầu Xuân, trông cô vẫn tươi vui, khỏe mạnh, không một dấu vết bịnh hoạn, thế mà bỗng chốc cô đã vĩnh viễn lìa xa. 

Ngày còn học ở trường Tiểu Học Nguyễn Du, tôi học lớp Nhất C của Cô Ngọc Anh, nhưng lâu lâu khi cô Ngọc Anh bận việc thì Cô Lệ Hoa đảm trách hai lớp nhất A và C nên tôi cũng có dịp học với cô mấy lần... do một sự ngẫu nhiên, và cũng do cơ duyên nên anh Bảy (Ông Xã của Cô) lại là bạn đồng sở và rất thân với anh Kiều (ông xã của tôi), nên hai gia đình thật gần, và thân thiết như ruột thịt, bất cứ chuyện vui, buồn gì bên gia đình cô thì Kiều Oanh luôn luôn được anh Bảy thông báo cho biết trước để được cùng chia sẻ.

Ngày còn dạy học, Cô thường hay mặc những chiếc áo dài màu nhàn nhạt, màu trắng, hay cream, dáng cô thật trang nhã, dịu dàng, nhất là giọng nói của cô thì nhẹ và êm lắm, qua những năm tháng thăng trầm, tuổi già chồng chất, mà tiếng nói của cô vẫn như xưa, không thay đổi. Mỗi lần gọi phone cho cô, câu đầu tiên mà tôi luôn luôn được nghe và nhớ mãi:

“Oanh đó hả Oanh?” sau đó thì hai thầy trò mới tha hồ trò chuyện…

Với Cô, tôi có rất nhiều kỷ niệm, kỷ niệm thầy trò thì ít, mà kỷ niệm của những năm tháng nuôi chồng nơi trại tù “Nhà Đỏ, Phú Giáo” thì không biết bao nhiêu mà kể cho hết.

Ngày hai anh bị gọi ra trình diện tập trung, rồi họ đưa các anh đi biền biệt. Cô và tôi lặn lội khắp nơi, hỏi han tin tức các anh mà vẫn mịt mùng xa xăm... Tôi thường đạp xe đến nhà cô ở Khu Lò Bò trên đường Trịnh Hoài Đức, thăm Bà Bác (mẹ của cô), ngồi chơi với cô và cháu Khánh Dung bằng tuổi con gái thứ 3 của chúng tôi, mới vừa được 5 tháng thì Ba bị bắt “đi tù”. Họ bảo là 1 tháng, mà chúng tôi chờ hoài, chờ mãi, tháng này sang tháng khác, rồi năm này sang năm kia vẫn mịt mù thăm thẳm... Tôi và cô chỉ biết ôm con, ngóng trông và chờ đợi..….

Cho đến một hôm, nhờ chỗ quen biết nên cô là người lần đầu tiên được đi thăm anh Bảy tại trại tù “Nhà Đỏ” và cô thấy được anh Kiều, đang cuốc đất bên bờ rào. Cô lật đật đến cho tôi hay để tôi yên lòng. Vài tháng sau thì họ cho thăm nuôi mỗi tháng 1 lần. Nhờ chị Hai (chị chồng tôi có xe hàng và xe đò Liên Hiệp), nên hàng tháng xe của chị chở tất cả chúng tôi lên trại tù Nhà Đỏ đi thăm các anh. Cô và tôi lại có dịp cùng nhau trên những chuyến xe đi về, ngắn ngủi từ Biên Hòa lên Phú Giáo. Nhờ đi xe nhà đỡ vất vả nên chúng tôi đều ẵm theo cháu bé lên thăm ba. Mỗi lần đi thăm là một lần tốn kém, tiền mua thức ăn, mua thuốc men, rồi còn tiền đem gửi cho các anh nữa, với số lương khiêm nhường của giáo viên không được bao nhiêu, cô phải chắt chiu từng đồng, bán từng món đồ trong nhà để mua thức ăn đem lên cho anh Bảy. Tôi may mắn hơn nhờ chị của anh Kiều còn buôn bán khá, cấp dưỡng cho chúng tôi, nên tôi đỡ phải cực khổ lo kiếm gạo nuôi chồng.

Cứ thế mà tháng tháng Cô dù có gom góp tiền lương giáo chức vẫn không đủ, cô phải bán dần những món còn lại trong nhà hầu kiếm thêm chút đỉnh mua thức ăn, thuốc men tiếp tế cho anh Bảy. Cuộc đổi đời 30 tháng Tư đem đến rất nhiều khổ lụy cho các gia đình sĩ quan chế độ cũ. Nhìn cô tiều tụy, lo lắng, tôi xót xa vô cùng, tuy tôi cũng trong hoàn cảnh chồng bị tù đày, nhưng dù sao kinh tế gia đình tôi vẫn còn đủ sống, riêng gia đình cô thật khốn khó.

Vì chung số phận nên đã đưa đẩy cho cô và tôi càng ngày càng gần gũi như người trong một nhà. Hàng tháng, chúng tôi gói ghém, nấu nướng những món ngon dành dụm đem lên cho các anh. Thấm thoát cũng hơn 2 năm, anh Kiều được thả về, xe hàng, xe Liên Hiệp của chị chồng tôi đều bị xung công vào quốc doanh, chúng tôi không còn đi thăm nuôi nữa, lúc này là lúc cô vô cùng cực khổ? Có lẽ cô phải lặn lội đi thăm nuôi anh Bảy bằng những cuốc xe lambretta từ Biên Hòa đi Nhà Đỏ thật vất vả. Thời gian trôi qua, cô nghỉ dạy dọn về quê ngoại của cô ở Sa Đéc. Chúng tôi mất liên lạc với gia đình cô từ đó.

Năm 1978 chúng tôi sang Mỹ, nơi xứ người phải tất bật bôn ba việc “cơm áo, gao tiền” lo cho đàn con 5 đứa nên cũng không có dịp tìm kiếm bạn bè. May sao, nhờ có chương trình HO, nên chúng tôi được tin gia đình cô đã sang định cư tại thành phố San José, California… từ đó, hai gia đình nối lại tình thâm giao, tôi được trò chuyện với cô thường xuyên qua phone, thầy trò ngồi ôn lại những lúc vui buồn cực khổ ngày trước, sự gian nan trong những chuyến thăm nuôi…đong đầy kỷ niệm đáng nhớ.

Năm 2011, nhân chuyến sang San José tham dự Đại Hội 45 năm Học Viện Cựu SVCSQG, chúng tôi có ghé thăm gia đình Cô. Tuy chỉ có mấy ngày ngắn ngủi mà tràn ngập niềm vui, đầy tình thân ái. Trong khi các anh ngồi kể cho nhau nghe chuyện thời chinh chiến, chuyện tù tội, v.v. Cô cùng tôi và mấy chị thì tâm tình chuyện bếp núc, chuyện con cái, thăm hỏi nhau, cho nhau những nụ cười dòn tan.

Gặp lại cô sau mấy chục năm mà cô không thay đổi, vẫn dáng dấp thon thả, mái tóc bới gọn phía sau, giọng nói vẫn ngọt ngào chậm rãi. Nghe tôi cứ xưng hô “Cô và Em”, cô bảo:

"Thôi, Oanh đừng gọi Cô nữa, cứ gọi chị như mấy chị kia đi, vì anh Bảy là bạn của Kiều mà”.

Tôi không chịu, cô đành chiều theo ý tôi. Các chị bạn hơi ngạc nhiên khi nghe tôi gọi Cô mà lại gọi phu quân của Cô bằng “anh Bảy”, ngồ ngộ làm sao! Nhưng khi hiểu ra thì mọi người hết thắc mắc.

Khi Bác gái (Mẹ của Cô) còn sinh thời, cô hay về VN thăm bà Bác, lần nào từ VN trở qua, cô cũng gói ghém gửi cho tôi những món quà quê hương thật chân tình: Gói bánh phồng tôm Sa Đéc, rồi thì tôm khô 2 ba loại, cô dặn kỹ loại tôm to thì để ăn sống, loại nhỏ để nấu bún riêu, v.v. Những món quà nho nhỏ đầy ắp tình nghĩa thầy trò lúc nào cũng hằn sâu trong lòng tôi. Ngày cháu Khánh Dung sinh cháu trai đầu lòng, cô vui mừng gọi phone báo tin. Tôi chúc mừng…

Cô nói.

“Tới tuổi này rồi, cô mới có chút xíu này thôi đó Oanh… thằng bé dễ cưng hết sức”

Nghe giọng nói của cô đầy ắp tình yêu thương của một Bà ngoại hạnh phúc, và chan chứa tình mẫu tử của một bà mẹ hiền, mừng con gái vừa đi biển một mình đã đuợc “Mẹ tròn, con vuông”. Tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây giọng nói reo vui của cô vừa rộn ràng, vừa sung sướng. Thế mà chỉ mới hơn một năm thôi, cô đã vĩnh viễn lìa xa, cô chẳng chịu nán lại để nhìn thằng bé cháu ngoại lớn thêm và biết gọi tiếng “Ngoại ơi!”

Tin cô mất quá bàng hoàng. Không nghe cô bịnh hoạn gì cả mà cô vội vã ra đi... Nhớ những lần phone qua hỏi thăm, thì cô đều bảo cô rất khỏe, không có bịnh gì hết, có ngờ đâu chỉ mới trong vòng hơn một tháng, căn bịnh ngặt nghèo chợt đến quá nhanh đã cướp đi mạng sống của Cô. Giờ thì Cô vĩnh viễn lìa xa thật rồi, chỉ vài ngày nữa đây, cô sẽ đi vào cát bụi. Cô ra đi để lại tiếc thương trong lòng tất cả người thân, bạn bè, và các học trò của cô ngày xưa. 

Riêng tôi, thương nhớ cô không những trong tình thầy trò ngắn ngủi, mà còn trong tình cảm gia đình, thân thương, cô như một người chị đáng kính của tôi, nhớ những ngày tháng cùng nhau chia sẻ những tin tức nghe được từ trong trại tù cải tạo, những lo âu sợ hãi về số phận các anh Bảy, anh Kiều.

Cô đã vĩnh viễn không còn? Không bao giờ tôi còn được nghe lại những lời nói thân thương nhẹ nhàng của cô nữa? Thật xót xa khi nghĩ đến cô đang yên nghỉ giữa một nơi hiu quạnh, lạnh lẽo vô cùng, và rồi mai đây, ngọn lửa kia sẽ biến cô thành những hạt tro, hạt bụi mênh mông, rồi sẽ tan theo vào lòng đất. Đời thật vô thường, “chợt đến, chợt đi, sắc sắc, không không”.

 

Cô kính yêu:

Hôm nay, ngồi viết những dòng chữ này, trong niềm tiếc nuối, ngậm ngùi, em xót xa nhớ về cô, nhớ mãi vóc dáng mảnh mai, nhớ giọng nói dịu dàng khi cô giảng bài cũng như khi cô trò chuyện. Cô trong tâm tưởng của em lúc nào cũng là một vị thầy đáng kính, và tình cảm cô dành cho em qúa ấm cúng, bao la, tình cảm của một người chị cả luôn luôn che chở các em. Em nhớ cô trong muôn vàn nuối tiếc. Em không biết nói sao để tả hết nỗi lòng thương cảm của em khi nghĩ về cô, và từ đây, em sẽ vĩnh viễn không còn được nghe giọng nói nhẹ nhàng thanh thoát của cô nữa. Em kính mong cô thanh thản, yên nghỉ an nhàn nơi cõi vĩnh hằng.

Kính nguyện hương linh cô phù hộ cho anh Bảy, gia đình cháu Khánh Dung và tất cả người thân thương được yên vui, hạnh phúc.

 

Kiều Oanh Trịnh

Virginia July 3, 2013

23 Tháng Tư 2024(Xem: 448)
Thế là gia đình tôi đã tham gia vượt biên đủ cả đường biển và đường bộ, ngoài ra còn đi chính thức bằng đường bay.
22 Tháng Tư 2024(Xem: 328)
Vào tháng ba và đầu tháng tư năm nay, tôi đã đi du lịch 28 ngày bằng đường thủy và đường bộ. Chuyến đi kỳ này gồm hai giai đoạn:
22 Tháng Tư 2024(Xem: 410)
Về đến nhà với nỗi lo âu tột cùng, suốt ngày hôm đó, 30 tháng tư hình như tôi không có một hạt cơm trong bụng, tôi như người thất thần,
22 Tháng Tư 2024(Xem: 686)
Mong sao tiếng dạ lời thưa sẽ tiếp tục được duy trì và sẽ không trở thành một thứ “Cổ Ngữ” hoặc là hàng hiếm trong tương lai.
22 Tháng Tư 2024(Xem: 404)
Tôi không khóc trong những ngày 30/4 sao được khi biết mình và mọi người sẽ không bao giờ tìm lại được những ngày tháng hạnh phúc như trước ngày 30/4/75
12 Tháng Tư 2024(Xem: 740)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 550)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 645)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 859)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1370)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1016)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 937)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 904)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1734)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1230)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1431)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1310)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1211)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 1237)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1483)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…