Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hà Thu Thủy - NỒNG NÀN HƯƠNG CỎ

10 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 132582)
Hà Thu Thủy - NỒNG NÀN HƯƠNG CỎ


NỒNG NÀN HƯƠNG CỎ


_1_co-may

 

 Tôi ghìm đò lại, cột chặt vào gốc sung và dẫn tay từng đứa học trò một bước lên bờ. Bé Vi nhận xét;

 - Nhà cô nhiều cỏ quá, hèn gì cô tên Cỏ May

Trầm Hương nói:

 - Cỏ này là cỏ may hở cô? Em nhớ cỏ may màu tím và cứng mà

Tôi giải thích :

 - Cỏ mật đấy, thơm và ngọt, nhưng ngọt đối với trâu bò thôi chứ không ngọt với mấy em đâu.

 - Nhiều cỏ mật quá sao cô không tên cỏ mật mà tên Cỏ May?

 

Tôi nhìn mấy đứa học trò nghịch ngợm lắc đầu cười. Từ lúc học cấp một tôi đã thắc mắc về cái tên của mình và địa chỉ nhà tôi. Nhà của bạn nào cũng có số, tên đường phố, khóm phường trong khi tôi chỉ có duy nhất Cù Lao Cỏ. Cũng là cù lao mà Cù Lao Phố bên kia thênh thang đường xe chạy, đông đúc nhà cửa đến thế còn Cù Lao Cỏ chỉ vỏn vẹn hai nhà. Đó là nhà tôi và nhà bác Nam. Giữa dòng sông, bên kia là Cù Lao Phố, bên này là Vĩnh Thị nổi lên một chòm đất xanh đầy cỏ cây hoa trái. Cơ ngơi thơ mộng này không biết bác Nam và ba tôi gây dựng từ bao giờ. Chỉ biết hai người là anh em kết nghĩa. Bác Nam có con gái đầu mang tên ba tôi là Thái Hà, chị Thanh Nam của tôi là tên của bác. Hai ông già hứa hẹn sẽ là thông gia của nhau vậy mà lần lượt các anh chị nhà bác Nam và nhà tôi đều lấy chồng, lấy vợ đâu đâu để hai ông già mãi mãi là anh em kết nghĩa. Tôi sinh ra và lớn lên ở đấy. Học cấp một tôi đã biết chèo đò sang sông ngày hai lượt đi và về. Không biết ba má tôi nghĩ gì khi đặt tên cho tôi là Cỏ May trong khi chung quanh bến sông nhà tôi mênh mông cỏ mật lao xao gió và thơm nồng nàn khi hoàng hôn xuống. Người bên Vĩnh Thị hay sang nhà tôi để cắt cỏ mật. Nghe nói cỏ ấy nuôi trâu bò mau lớn. Còn tên Cỏ May tôi nghĩ chắc lúc má tôi đi sinh cỏ may trên đường đê đã ghim đầy ống quần nên mới tức mình đặt cho tôi tên Cỏ May. Thoạt đầu tôi ghét cái thứ cỏ này lắm, cho đến một buổi chiều năm tôi học lớp mười hai… Về tới bến sông thì không thấy con đò đâu cả. Ngồi trên bờ sông tẩn mẩn gỡ cỏ may ghim đầy hai vạt áo dài trắng . Tôi bứt cỏ may bó lại thành bó, nhũng cọng cỏ may gầy gầy màu tim tím bé nhỏ gom lại trông thật dễ thương. Đang ngắm nghía bó cỏ chợt có tiếng gọi dưới bến song:

 - Cô lái đò ơi, trả ghe đây.

Từ lúc nào hoàng hôn đã nhuộm tím bến sông nhưng mắt cận của tôi vẫn nhìn thấy hai tên con trai cầm trên tay chùm mận đỏ đang đi lên.

 - Trả công mượn ghe, Tụi này dông sang Cù Lao Phố để nghiên cứu lúa đó mà.

Mấy năm về trước, cứ vài hôm hắn lại cùng bác Tư sang nhà tôi cắt cỏ mật. Chị em tôi gọi hắn là anh cỏ mật. Lâu không gặp giờ hắn đã là sinh viên đang đi nghiên cứu. Trên tay hắn và bạn đang cầm những bó lúa đấy thôi. Hắn xin tôi bó cỏ may và ấn vào tay tôi chùm mận đỏ:

-Em là Cỏ May phải không? Mình là hàng xóm với nhau mà.

Từ đó, chủ nhật nào hắn cũng về thăm nhà và luôn mượn cớ để sang Cù Lao Cỏ, còn tôi hay nhìn về bên kia sông kiếm tìm bóng dáng chùm mận đỏ. Hôm nhận được bài hát do hắn phổ nhạc từ bài thơ “Nhắn với dòng sông” của tôi đăng trên báo Mực Tím tôi đã nghe bốn ngăn tim mình đập rộn ràng mãi cái tên Ngân Hạ thân yêu. Từ băng nhạc, giọng anh vẳng ra trầm ấm theo tiếng ghi ta bập bùng “Nhờ dòng sông mang hộ em sang bên ấy một nhành thạch thảo. Nhớ reo lên khi người ta bên ấy cấm cành hoa đưa lên mũi nhìn sang bên đây âu yếm mĩm cười”.

 

Cả Biên Hòa này chắc chỉ nhà tôi mới có trái hồng nhung. Cây to vững chải, lá dày xanh láng giống lá đa. Hoa cũng thường như hoa mận nhưng trái thì thơm cực kỳ. Thơm lồng lộng từ ngọn cây lan xuống quấn quít khó quên. Da trái hồng mịn màng những lông tơ nhỏ, sờ như nhung, cơm xốp màu ngà, ăn không ngon lại ngứa cổ nhưng nhờ màu sắc và hương thơm quyến rũ nên tới mùa hồng nhung nhà tôi luôn có khách. Hồng nhung chín tôi chịu khó đưa đò cho lũ bạn sang hái hồng nhung. Hương thơm từ trong cặp sách, trong lòng con đò cứ vương mãi trên dòng sông lộng gió. Tốt nghiệp Sư Phạm, tôi về dạy tại ngôi trường mà ngày bé tôi học cấp một. Ngôi trường nằm giữa đồng lúa mênh mông dưới bóng tàng giáng hương cổ thụ. Cô giáo mới ra trường còn nhiều tính trẻ con theo học trò lang thang khắp đầu làng cuối bãi. Học trò đi trên đê thường tránh không giẫm lên cỏ may vì đấy là tên cô giáo. Lớp trưởng Tú Hà ngày nào cũng chịu khó hái cỏ may bó lại cắm vào lọ đặt lên bàn cô. Hương đồng cỏ nội chan hòa trong lớp học khiến bài giảng thêm đậm đà dễ nhớ. Hôm nay là hai mươi ba tết, tôi đưa học trò về nhà ăn xôi chè cúng ông Táo. Phải bốc thăm vì cả lớp đều thích theo cô. Nhà tôi thì hẹp, con đò thì nhỏ, bốn bên là sông nước nên tôi phải bốc thăm. Bốn công chúa và một hoàng tử trúng thăm, nhưng hoàng tử rất phì nhiêu và trắng nõn như bột lại lắc đầu nguầy nguậy:

 - Cô ơi! Em sợ ghe lắm. Thôi em nhường lớp trưởng Tú Hà đi vậy.

 Đang phụng phịu rơm rớm nước mắt, nghe nói thế Tú Hà quay phắt lại cười toe toét và nắm tay hoàng tử mập:

 - Cảm ơn bạn Ú ạ! Tớ sẽ mang về cho bạn một nắm xôi thật to.

 Sông Đồng Nai chiều xuân xanh ngăn ngắt, hai bên bờ dừa la đà rủ ngọn. Đoạn bờ sông cạnh nhà tôi bạt ngàn lau trắng. Bông lau bay rập rờn trong gió xuân gợi nhớ chút gì đó bâng khuâng xao xuyến. Học trò reo lên:

 - A! Cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh tập trận cô ơi. Hái được không cô?

 - Không được hái, té xuống sông thì sao. Em nào không nghe lần sau cô không cho sang nữa.

 Bọn nhóc le lưỡi nhìn những bông lau tiếc rẻ.

Mấy cô trò ngồi dưới gốc hồng nhung. Tháng ba hồng nhung mới chín. Bây giờ trái còn nhỏ nhưng cũng đã thoảng hương. Hai bác Nam và ba má tôi đi vắng. Nhà chỉ còn cô Nhu đang lúi húi nhổ rau ngoài bãi. Xôi hoa cau vàng óng, chè đậu trắng thơm lừng cô đã dọn sẵn trên bàn. Tôi chạy ra bãi rau. Cô đang nhổ cải chất vào giỏ, tí nữa là có người sang lấy để ngày mai ra chợ bán. Ngày xưa, cô là hoa khôi của Đại học Văn Khoa. Trắc trở chuyện tình duyên cô ở vậy. Chung quanh nhà tôi không thấy một ngọn cỏ dại nào, chỉ toàn lá lốt và rau má. Ngoài bãi thì rau cải, rau dấp cá mùa nào thức ấy xanh tươi mơn mởn nhờ bàn tay cần mẫn của cô tôi. Quá khứ đẹp đẽ cô đã chôn chặt tận nơi nào cùng với bóng hình người yêu dấu đã vĩnh viễn mù khơi. Thỉnh thoảng bạn bè cũ ghé thăm, nhắc nhở lại chuyện ngày xưa. Khi ấy má cô hồng lên và mắt sáng bừng những tia hồi ức. Bạn cô là đại gia khen Cù Lao Cỏ rất đẹp và có ý muốn đầu tư làm khu du lịch. Tôi không hề thích thế. Chỉ mãi mãi muốn nó là Cù Lao Cỏ bạt ngàn cỏ mật, trắng ngần bông lau, lồng lộng hương trái hồng nhung cùng chiếc ghe nhỏ ngày hai lần đưa cô giáo đi và về trên dòng sông nhỏ. Mùa xuân ở đây thật êm đềm. Trời cao xanh vời vợi mây trắng xây thành, lác đác vài cánh én liệng trên mặt sông. Hoa cải vàng rung rinh đùa cùng đàn bướm đủ màu. Bên nhà bác Nam anh Quân, chị Giang đem theo lũ nhóc từ Sài Gòn về cười đùa rộn rã. Chị Giang gọi vọng sang:

 - Cỏ May ơi, khi nào đưa học trò về nhớ cho Bòn Bon đi theo chơi với.

Tôi hét lại:

 - Em sắp đi rồi đó. Bòn Bon ơi sang đây.

 

Mặt trời đỏ rực dần dần khuất sau rặng tre. Hoàng hôn chập choạng trên mặt sông. Tôi dắt học trò đi trên đường đê lộng gió. Tú Hà nói:

 -Tới xóm rồi, cô về đi tụi em đi được mà.

 Tôi nắm tay Bòn Bon dừng lại nhìn đám học trò vừa chạy vừa vẫy tay dễ thương như đàn chim nhỏ. Hai cô cháu trở lại bến sông. Cuối năm, trời mau tối. Có ít mù sương giăng mờ mờ hàng cây trước mặt. Tôi bế Bòn Bon lên ghe, mở dây và đẩy con đò ra khỏi bến. Ngày nào cũng sang sông, cũng đưa đẩy mái chèo mà tôi không thấy chán. Vẫn thương da diết bến sông và con đò cũ kỹ. Không biết anh chị tôi khi rời Cù Lao Cỏ lên thành phố lập nghiệp họ có buồn không nhỉ?... Còn tôi, cứ nghĩ đến lúc phải rời xa nơi nầy lại nghe quặn lòng và muốn khóc. Nhưng nhà tôi ở đây. Trường tôi dạy bên đấy thì tôi – Cô giáo của xóm Cù Lao Cỏ vẫn mãi mãi khua mái chèo sang sông nối tiếp nghiệp đưa đò của ba tôi. Tự nhiên tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được sống trên dòng sông quê hương thân yêu này. Nhìn lên trời chi chít sao, hít một hơi thật dài mùi cỏ mật, tôi hét thật to:

 - Vui quá Bòn Bon ơi!

 Nhóc tì chẳng biết gì cũng cười lên nắc nẻ. Tôi vung mạnh mái chèo cho những hạt nước bắn lên lấp lánh. Tiếng cười của hai cô cháu lan dài trên dòng sông yên ả.

 

 HÀ THU THỦY


-co-may-1

 

 

18 Tháng Bảy 2012(Xem: 156391)
Không quen em, nhưng sao tôi yêu mến em đến thế. Mỗi sáng lạy Phật, ngoài cầu nguyện cho cha mẹ, anh, em, tôi cầu nguyện cho Tuyết Mai, một người em Ngô Quyền rất đặc biệt trong tôi.
16 Tháng Bảy 2012(Xem: 158109)
Bài Văn Tế sau đây do cố Kiến Trúc Sư Đỗ Hữu Nam (vừa mệnh chung ngày 13 tháng 7 năm 2012, tại Biên Hòa) viết và đọc nhân ngày Sinh Hoạt Truyền Thống của nhóm Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh, để thành kính dâng lên các vị Thầy đã khuất.
14 Tháng Bảy 2012(Xem: 136420)
Thời gian làm phôi pha nhiều thứ, lãng quên nhiều điều nhưng mãi mãi trong ký ức nhớ của em vẫn ngập tràn hình bóng cô giáo ngày xưa lớp một.
13 Tháng Bảy 2012(Xem: 181904)
Một lần nữa xin cám ơn Buổi Họp Mặt Truyền Thống Ái Hữu Ngô Quyền Biên Hòa đã cho tôi cơ hội hiếm có trong đời, được gặp lại Thầy Cô, Bạn Bè...Thật như một giấc mơ...
13 Tháng Bảy 2012(Xem: 142823)
....em sẽ tiếp nhận được ánh sáng từ bi rực rỡ từ Nguồn Sáng Vô Lượng của Đức Phật A Di Đà để thăng hoa và an trú thiên thu nơi miền đất Tịnh Lành.
12 Tháng Bảy 2012(Xem: 159654)
Gần 200 chs NQ (trong số 230 khách mời) đã về miền Bắc CA dự họp mặt truyền thống lần 11 ở San Jose, California.
30 Tháng Sáu 2012(Xem: 219267)
Liệu lịch sử có sang trang, câu trả lời sẽ có sau đêm Kiev huyền diệu vào chủ nhật tới...
28 Tháng Sáu 2012(Xem: 160053)
Đến các bạn 1A2 năm xưa (1968): Đỗ Cao Thông (Pháp) , Nguyễn Thị Sang (Thụy Sĩ) , Nguyễn Thị Kim Hoàng (Đức) , Trần Thị Kim Ngân (Canada) , Trương Thị Liên (Úc) , Nguyễn Kim Phố (Đức)
21 Tháng Sáu 2012(Xem: 165067)
Bà cầm "Cẩm Nang Kontum" ngần ngừ một chốc rồi đưa vào lò, nhưng kịp rút lại. Bà do dự... hồi lâu rồi cất vào hồ sơ cá nhân của mình để mang qua Mỹ. Vẫn còn vương tơ! Hành trang của mẹ tôi đó, nhẹ như tơ trời nhưng cũng nặng ngàn cân.
21 Tháng Sáu 2012(Xem: 232645)
Gia Phả Hướng Đạo Sinh Biên Hòa - mà cụ thể là cựu HĐS của hai đơn vị “anh em ruột thịt ” Trấn Biên và Bửu Long - đã có hơn hai trăm anh chị em “Tung cánh chim tìm về tổ ấm…” rồi.
20 Tháng Sáu 2012(Xem: 156088)
(Xin gởi đến những Người Cha Tinh Thần đã khuất cũng như còn hiện hữu trên cõi tạm này tấm lòng yêu thương và nhớ ơn của chúng con)
14 Tháng Sáu 2012(Xem: 143697)
Ba ơi! Mùa lễ Father’s Day lại về. Nhìn hình ba trên bàn thờ. Con lại nhớ những giọt nước mắt ngày xưa. Làm cha mẹ không ai không một lần rơi nước mắt vì con cái.
08 Tháng Sáu 2012(Xem: 171213)
Ngày Lễ Cha không những là ngày để vinh danh cha của bạn mà còn vinh danh tất cả những người mang chức cha,
08 Tháng Sáu 2012(Xem: 131614)
Đó là sự hi sinh vô bờ bến của cha mẹ dành cho tôi. Tôi cũng là niềm hy vọng của gia đình, các chị đã nghỉ học sớm, giúp đỡ cha mẹ để các em được ăn học.
26 Tháng Năm 2012(Xem: 151461)
Riêng tôi, đá banh đã là phần hồn, đã ăn sâu trong lòng và đã cho tôi vô khối kỷ niệm, vô khối buồn vui lẫn lộn và có lẽ tôi sẽ đá bóng mãi cho đến cuối cuộc đời, cho đến khi “mỏi gối, chồn chân”!
25 Tháng Năm 2012(Xem: 135161)
Tôi mơ đến một ngày không xa lắm chắc chắn sẽ có một buổi họp mặt đông đủ các bạn Tứ 1,2,3. Các bạn ủng hộ ý kiến nầy của tôi nhé!
21 Tháng Năm 2012(Xem: 168909)
Video này được thực hiện dưới dạng Playlist, gồm 10 bài hát: Anh cần em Anh trao em Khúc xuân cho em Một ngày bình yên...
19 Tháng Năm 2012(Xem: 160568)
Bài viết sau đây của tôi là để chỉnh sửa và bổ túc thêm thêm vào một bài viết trước đây về Phạm Duy. Đó là bài Phạm Duy còn đó hay đã chết?
18 Tháng Năm 2012(Xem: 135328)
khi viết về mẹ, ngòi bút tôi như con sông cứ trôi hoài, trôi mãi, không nhớ đường về. Tôi đang muốn nói về -Niềm vui của một bà mẹ.