Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hạnh Phạm - CƠN MƯA CUỐI ĐÔNG.

18 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 100373)
Hạnh Phạm - CƠN MƯA CUỐI ĐÔNG.

633939358190897500_300x206


CƠN MƯA CUỐI ĐÔNG

(Riêng tặng Hà và Hồng)

 

Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại. Những buổi sáng gần đây, qua khung cửa kính ở sau nhà, tôi có thể thấy những con chim pelican (còn gọi là chim bồ nông) đã trở lại tắm nắng trên sông. Loại chim này là loại chim rất lớn, với mỏ rất rộng và dài dùng để mót cá.Tuy to xác nhưng xương của chim rất rỗng nên chim có thể nổi trên mặt nước mà không phải bơi. Xa xa, phía bên kia sông, trong đám đất hoang mấy chú kangaroos chạy nhảy tung tăng, hai chân trước chụm lại trước ngực, thỉnh thoảng ngừng lại vểnh tai nghe ngóng. Sau hơn một tuần nắng ráo, vùng đất này như được hồi sinh một cách thình lình, đám cỏ hoang đã chuyền từ màu nâu ủ rũ sang một màu xanh mướt, màu mạ non của quê nhà. Lẫn lộn vào đám cỏ xanh là những đám hoa sour sob vàng óng ả trông rất đẹp.Loại hoa này là loại hoa dại, rất dễ mọc vì có rễ rất dài. Cây có thể mọc chồng lên, lấn lướt những loại thảo mộc khác. Hồi còn nhỏ, các con tôi hay ra vườn nhổ loại cỏ này, vứt hết lá đi rồi nhâm nhi cái cuống hoa. Vị của cuống hoa chua chua nhè nhẹ, từa tựa như vị chua của trái khế bên mình.

Nhân tiện trời đẹp, hôm qua tôi lò mò ra vườn nhổ cỏ dại và nhổ đi một mớ cây hoa sour sob lì lợm. Vừa làm vườn, vừa nghe radio đài Tiếng Nước Tôi tiếp vận từ Hoa Kỳ. Khu nhà tôi rất xa khu người Việt Nam, tôi ít khi có cơ hội dùng tiếng Việt nên mỗi khi nghe được người nói tiếng Việt là cảm thấy rất gần gũi.

Cả tuần trời đang đẹp như thế thì bỗng dưng chiều hôm nay trời trở chứng, mây đen u ám kéo về, rồi mưa trút xuống như là thác đổ. Gió ào ạt thổi khiến những trái chanh mọng nước chưa kịp hái rơi lả tả xuống đất. Như chưa hết cơn thịnh nộ, những giọt nước mưa vội vã biến thành những viên đá, giận dữ đập vào mái nhà và trên những khung cửa kiếng kêu lộp độp. Đứa con trai út của tôi mười ba tuổi, thích chí chạy ra sân hốt một ly đầy đá đem vào, người nó ướt sũng nước nhưng nó quên cả lạnh. Anh chàng cứ hí ha hí hửng làm tôi phải bật cười, lấy vội máy chụp hình ra chụp cho chàng ta một tấm làm kỷ niệm. Hồi xưa tôi cũng đã từng chạy ra sân tắm mưa hoặc ra lượm những cục mưa đá vô uống. Những hình ảnh đó vẫn còn rõ như mới ngày hôm qua nhưng có điều là đứa con gái vô tư năm nào nay đã bước qua phía “bên kia đồi” như Nguyễn Trần Diệu Hương mô tả. Ở bên kia đồì, hành trang của tôi chỉ còn là một trái tim đầy ắp với kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đẹp cả, kỷ niệm nào bây giờ cũng được tôi nâng niu, trân trọng nhưng phải nói là kỷ niệm của những năm mới lớn thời trung học là những kỷ niệm vẫn làm hồn tôi rung động và xao xuyến mỗi khi thả hồn về lối cũ.

Gia đình tôi dọn về Biên Hòa khi tôi được mười hai tuổi, năm tôi bắt đầu học đệ thất ở trường Ngô Quyền. Trước đó gia đình tôi ở Sài Gòn sau khi dọn vào từ Đà Nẵng. Trước đó nữa là Hội An, nơi tôi được sinh ra. Bố tôi hồi đó ở trong quân đội nên thường di chuyển nhiệm sở luôn. Sự di chuyển thường xuyên này làm cho cuộc sống của tôi kém phần ổn định. Dọn về chỗ khác, chưa có dịp quen thân với bạn bè mới thì lại phải dọn đi rồi. Thời gian học ở Ngô Quyền là thời lâu nhất (bảy năm, từ đệ thất đến đệ nhất ) mà tôi được học tại một trường mà không phải đổi trường học.

Nhà tôi ở Hố Nai, cách xa trường khoảng tám cây số. Có lẽ tôi là một trong số vài học sinh sống xa trường nhất. Hằng ngày tôi đón xe lam đi học. Đầu ngõ nhà tôi có một đám con trai hơn tôi vài tuổi, người thì học ở Khiết Tâm, người thì học ở đại học Phú Thọ. Bọn con trai này ỷ đông nên hay chọc ghẹo tôi. Mỗi lần ra đầu đường đón xe, tôi run lắm mặc dầu mặt cứ giả vờ tỉnh bơ.

Thường thường thì bố tôi hay lên trường đón tôi về bằng xe Honda. Có những lần gặp người chị bà con ở gần nhà, học ở trường Trần Thượng Xuyên ra, bố tôi chở chị ấy về trước rồi trở lại đón tôi sau. Tôi miễn cưỡng đứng ở cổng trường chờ bố. Chiều xuống dần, sân trường vắng hoe, thầy cô cũng lục đục ra về mà bố tôi vẫn biền biệt. Chợt đúng khi tôi bắt đầu lên cơn hoảng hốt thì bố tôi xuất hiện. Trời ơi, bốn mươi phút mà tôi thấy dài như cả thế kỷ!

Năm đệ thất, tôi ngồi chung bàn Hà và Hồng. Nhà Hà ở Phúc Hải, còn Hồng ở Dưỡng Trí Viện (ba Hồng là nhân viên ở đây) xa hơn nhà Hà một chút. Những hôm học buổi sáng nhưng cần ở lại trường để sinh hoạt thêm vào buổi chiều, tôi hay được ghé nhà bạn tôi ăn trưa vì nhà tôi quá xa. Hà tính thẳng thắn, chậm rãi và tự tin. Hồng lô bô, ào ào, vui tính còn tôi thì nhút nhát, kém phần ngoại giao nên quân bình ra bộ ba tụi tôi chơi rất hợp. 

Trong những năm học trung học, tôi học rất dở. Ngồi trong lớp, tuy mắt ngoan ngoãn hướng về bục giảng, nơi thầy cô đang thao thao giảng dậy nhưng hồn của tôi cứ lãng đãng nơi nao. Hôm nay báo Tuổi Ngọc ra, giờ ra chơi chắc mình phải nhịn uống nhãn nhục ở quán nước để dành tiền mua báo. Hmm! Sao ban văn nghệ trường vẫn chưa gọi mình xuống thư viện tập văn nghệ ? Năm nay mình có được chọn đi bán báo Xuân cho trường không? Vì không để tâm vào việc học nên hàng tháng tôi thường được (?) xếp hạng trung bình vào khoảng bốn mươi lăm trên tổng số sáu mươi học sinh của lớp. Ấy là chưa kề đến những tháng bị đến hai cặp zero tròn xoe do cúp cua học để đi coi phim ở rạp Biên Hùng. Những tháng như thế thì tôi hoàn toàn đội sổ. Tuy nhiên có những giờ học mà tôi mê man theo dõi từ đầu đến cuối. Đó là những giờ học lạc đề của cô N.T. Những giờ học đó thay vì dạy toán, cô tâm tình với đám học sinh về cuốn sách yêu thích của cô (sau này là của tôi luôn), cuốn “Cuốn theo chiều gió” của nhà văn nữ Margaret Mitchell. Ánh mắt của cô long lanh như những giọt sương khi cô tả vể anh chàng Rhett Butler hào hoa phong nhã và đầy đàn ông tính. Môi của cô thắm hồng lên khi cô nói về vẻ đẹp thu hút nhưng sắc sảo của Scarlett O Hara rồi mắt cô lại ươn ướt ở đoạn cuối khi Rhett quyết định phải chia tay với người mình yêu. Lúc đó, Scarlett mới nhận ra chỉ có chàng mới là người yêu muôn thuở của mình thì đã muộn mất rồi. Tôi bị lôi cuốn bởi câu chuyện lãng mạn này đến nỗi mấy bữa sau tôi đi mua ngay cuốn sách dịch sang tiếng Việt dầy cộm này về say sưa đọc. Sau này qua bên đây, tôi lại ra thư viện mượn ấn bản bằng tiếng Anh đọc thêm để khỏi bị thiếu sót chi tiết nào.

Những năm trung học của tôi cũng là thời kỳ ra mắt của những film thật lãng mạn như “Romeo and Juliet”, “Love Story”, “Cleo Patra”, etc… Ngồi trong bóng tối mờ ảo của rạp Biên Hùng với Hà, thế giới của tôi là thế giới của những mối tình bất hủ và trong cái không gian thơ mộng này, trái tim nhỏ ngây ngô của tôi đã tập tành những rung động, những thổn thức đầu tiên. 

Ngày tháng cứ êm đềm trôi, chiến tranh lúc ẩn lúc hiện, lúc gần lúc xa chưa gây được một ấn tượng rõ rệt dưới con mắt của tôi, cho đến Tết năm Mậu Thân 1968. Sự giao tranh khốc liệt của hai bên ngay trong những khu dân sự đã làm bố tôi trúng đạn và tử nạn. Lúc này bố tôi mới được giải ngũ vài tháng. Những chiếc áo dài tơ trắng đồng phục của tôi nay được chị tôi lấy ra, gắn thêm một miếng tang đen nhỏ ở ngay dưới cái phù hiệu của trường. Từ đó, miếng tang đen nhỏ quấn quít bên tôi đến trường như những lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sự mong manh dễ vỡ của những tháng ngày bình yên. 

Sau khi bố tôi qua đời, tôi phải đón xe lam từ trường về nhà. Bến xe đi Hố Nai đậu ở Vườn Mít, cách trường khoảng năm trăm thước và gần rạp cine Thanh Bình sau này. Tan học, Hà và Hồng thường đi bộ với tôi đến Vườn Mít rồi mới đón xe về nhà. Những buổi chiều tan học đó thật tuyệt vời, ba đứa vừa đi bộ vừa nói chuyện luyên thuyên. Con đường quốc lộ số 1 sau giờ tan học trở nên rộn rã hẳn lên. Học trò từ ba trường Ngô Quyền, Trần Thượng Xuyên và Khiết Tâm ùa ra như một bầy ong vỡ tổ. Lẫn lộn với đám học trò là những chàng lính không quân hào hoa tan sở về từ cổng phi trường Biên Hòa. Tha hồ mà nhìn mà liếc, tha hồ mà được nhìn được liếc.

Tuy tính của ba đứa tôi không giống nhau nhưng cả ba đều có cùng dòng máu yêu văn nghệ và thể thao. Nhờ có giọng hát không đến nỗi nào (tôi đã từng được thầy Tỵ cho 18/20 trong môn thi hát) nên Hà và tôi thường có cơ hội trình diễn văn nghệ cho trường hoặc được theo phái đoàn trường đi ủy lạo các chiến sĩ vào dịp xuân. Những bài hát hùng tráng của trường ca “ Con đường cái Quan”, hoặc giai điệu nhịp nhàng quyến rũ “ Thu Vàng” của Cung Tiến hay những tình khúc nồng nàn của Ngô Thụy Miên và Từ Công Phụng như những viên thuốc an thần, che chở khung trời nhỏ bé của tôi khỏi những hình ảnh hãi hùng của một cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt. 

Học chung lớp 12A4 với tôi có Đinh Công Hoàng, một cầu thủ đá banh rất giỏi. Mỗi lần có trận đấu với trường bạn là cả lớp đi theo cổ võ. Sau năm 75, tình cờ gặp lại Hoàng thì Hoàng cho biết là đang chơi cho đội tuyển quốc gia. Rồi từ đó mất tin của Hoàng luôn. Cũng trong thời gian này, đội bóng chuyền của trường nổi hẳn lên. Toàn là những anh chàng cao ráo đẹp trai chơi trận nào thắng trận đó. Bọn con gái lớp tôi mê say theo dõi không thiếu trận nào. Những hôm biết là sẽ có trận đấu, tôi và các bạn rối rít ra balcony dành chỗ tốt.Từ trên lầu nhìn xuống, tụi tôi hồi hộp,la hét, vỗ tay, reo hò. Khi người trọng tài thổi ré lên tiếng còi kết thúc thì bọn cổ động viên tụi tôi đứa nào mặt cũng đỏ như gấc (nhất là Hồng) và mệt nhoài như chính mình cũng vừa chơi bóng xong vậy.

Vào những ngày tháng cuối cùng của năm lớp 12, tự nhiên (đúng là tự nhiên) có những thay đổi lớn trong nhóm ba đứa tôi, Hồng đột ngột đính hôn với một người quen biết của gia đình.

Đám cưới sẽ được tổ chức sau khi Hồng học xong lớp 12. Thật là tin như sét đánh ngang tai. Với con mắt của tôi, Hồng vẫn là một nữ sinh ngây thơ và hồn nhiên. Hồng chưa một lần tâm sự là đã để ý hoặc yêu ai mà giờ đây sắp lên xe hoa về nhà chồng. Chưa hết bàng hoàng thì Hà cũng rục rịch có bạn trai. Hôm Hà đưa tôi sang quán café đối diện trường để gặp anh S, lòng tôi buồn vui lẫn lội. Vui vì thấy anh S dáng người từ tốn và lại khá đẹp trai, anh nói chuyện rất có duyên, mỗi khi anh cười cặp mắt anh cũng cười theo. Buồn vì biết rằng từ đây Hà sẽ không còn là của riêng tôi nữa. Từ đó, tôi thường một mình đi bộ ra Vườn Mít để đón xe về. Cũng một đoạn đường quốc lộ 1 như xưa, nhưng không còn sự rộn rã, nôn nao của những ngày tháng cũ. Thay vào đó tâm tư tôi nặng với những lo âu cho một tương lai còn rất là mơ hồ.

Mùa thi Tú Tài hai năm ấy, tôi cắm đầu cắm cổ học. Có nhiều đêm thức đến hai, ba giờ sáng học rồi ngủ gục trên bàn luôn. Mẹ tôi sốt ruột sợ tôi bị muỗi cắn mất xác nên bà mắc một cái mùng chung quanh cái bàn học cho tôi. Mấy hôm trước ngày thi, tôi mê mải học đến nỗi quên cả ăn cơm. Cũng lại là mẹ tôi, lệ khệ bưng mâm cơm lên lầu, nơi tôi học. Bà đứng đợi ngoài mùng cho đến khi tôi ăn xong rồi mới chịu xuống.

Cuối cùng rồi ngày thi cũng đến.So với kỳ thi Tú Tài 1 thì kỳ này bài tôi làm có phần vững hơn. Tuy nhiên tôi vẫn không chắc là mình có đậu hay không. Cái câu “ Học tài thi phận” lúc nào cũng ám ảnh và dễ dàng đánh thắng niềm tự tin khiêm nhường của tôi.

Sự lo lắng trước khi thi qua đi thì nay lại đến sự hồi hộp trong khi chờ kết quả. Tôi còn nhớ rõ một buồi trưa đang lẩn quẩn ờ nhà thì đầu ngõ có tiếng xe gắn máy đi vào. Nhìn ra tôi thấy có một thanh niên đang cỡi chiếc xe Suzuki đen đang hướng vào cổng nhà tôi. Sau khi dựng xe, anh bước vào nhà tôi tủm tỉm cười. Anh Sinh! Nụ cười của anh Sinh đúng là nhãn hiệu cầu chứng cùa anh, nụ cười thật tươi và trẻ thơ.Tôi còn đang ngơ ngác về sự thăm viếng bất thình lình của anh thì anh nhẹ nhàng nói với một nụ cười trên môi:

- “Hạnh đậu rồi!”.

Tôi sửng sờ nhìn anh Sinh bán tín bán nghi. Anh Sinh vẫn nhìn tôi cười tủm tỉm. Sau khi định thần lại, tôi lắp bắp hỏi:

- “Thật không?”

- “Thật! Đậu Bình Thứ cơ”

Đến đây thì tôi tin anh Sinh hết nổi. Có lẽ nãy giờ anh chỉ đùa dai với tôi. Có lẽ tôi rớt mất rồi. Anh Sinh ác quá. Tôi như trái bong bóng bị xì hơi, lặng người nhìn anh Sinh oán trách. Anh Sinh vẫn từ tốn:

- “Anh nói thật đấy”

Tôi thách thức:

- Anh thề đi!”

Anh Sinh cười cười:

- “ Thề! Mai Hạnh đi lên trường mà xem.”

Tôi lườm anh:

- “ Anh vừa nói vừa cười khó tin quá. Còn Hà thì sao?”

- “Hà đậu luôn”

Sáng hôm sau tôi nao nức lên trường. Chen chúc mãi mới đến gần được cái bảng kết quả dán ở đằng sau phòng thí nghiệm. Giữa những tờ giấy chi chit với tên tuổi và số báo danh, tôi tìm thấy được tên tôi. Anh S đã nói thật, tôi đã đậu hạng BT, một điều tôi mà không bao giờ mơ đến. Sau khi định thần lại và biết đây là sự thật hoàn toàn, tôi len lỏi ra khỏi đám đông. Thay vì đi thẳng về nhà, tôi lững thững đi ra phía dãy lầu trước, ngang qua văn phòng của trường. Cô giám thị Giàu với mái tóc búi tó muôn thuở và cái lưng cong cong đang đứng nói chuyện với vài học sinh ở cửa văn phòng. Tôi nhoẻn miệng cười, cúi đầu chào cô. Tạm biệt cô, một người giám thị thật hiền hoà, không bao giờ nặng tiếng với một học sinh nào ngay cả đối với những đứa thật phá phách. Đi hết dãy lầu trước, tôi quẹo phải ra hướng thư viện. Thư viện hôm nay đóng cửa im lìm khác với những ngày huyên náo với tiếng đàn tiếng hát của những buổi tập dượt văn nghệ. Sát thư viện là quán nước giải khát, nơi tề tựu của đám học sinh với những ly chanh muối, chè đậu hay nhãn nhục trên tay, líu lo cười nói. Kế đến là cái cầu thang đưa đến lớp học của tôi ở trên dẫy lầu sau.Từ dưới nhìn lên, hành lang không một bóng người, không một âm thanh. Bỗng dưng tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn ngay giữa cái khung cảnh đã từng quá quen thuộc này.Trên đường ra cổng trường, ngang qua mấy cây phượng vĩ đang trổ bông, tôi nhặt vội mấy cánh hoa rơi vương trên đất rồi thì thầm với chính mình “ Vĩnh biệt Ngô Quyền, vĩnh biệt một khung trời đầy kỷ niệm ”.

Cơn mưa nay đã dịu dần. Những viên mưa đá ở ngoài vườn bắt đầu tan nhỏ lại như những hột bột báng đã nấu chín. Trong vòng khoảnh khắc nữa đây, tất cả sẽ biến thành những giòng nước nhỏ, chảy theo con dốc đề đổ ra con sông nhỏ dưới kia và rồi vội vã chạy ra biển. Ở đó, những giọt nước biển này sẽ chờ ngày biến thành mây rồi thành mưa để rồi một ngày nào đó được tái ngộ với khu vườn của tôi. Mưa ơi, khi mưa đến nữa thì mưa nhớ đừng quên đem cùng những kỷ niệm của tôi, của một thời nên thơ ấy nhé. Nghe mưa!

Hạnh Phạm

Cuối đông 2009


633939371748553750_111x180

24 Tháng Mười 2020(Xem: 10800)
Tên thanh niên không thèm ngoái đầu nhìn lại, nó ôm con gà ngồi ở yên sau. Chiếc xe rồ máy lao ra khỏi cổng. Chị Mận đứng yên như trời trồng miệng lẩm bẩm: - Không biết sáng giờ nó ăn uống gì chưa?
24 Tháng Mười 2020(Xem: 12712)
Căn nhà như chiếc áo rách toang Mưa tuôn, gió thổi sẽ tan hoang Tôi thân các cháu chờ người cứu Xin trời thương xót kiếp cơ hàn.
18 Tháng Mười 2020(Xem: 13334)
Khi xe lửa rời bến, tôi đứng ở cửa sổ để nhìn lại Huế một lần cuối thì khói xe lửa tạt vào mặt tôi và từ đó bụi khói vào mắt tôi làm tôi chảy nước mắt suốt một đoạn đường dài.
18 Tháng Mười 2020(Xem: 12670)
vẫn cằm vuông. vẻ cương nghị nét phong trần, theo thời gian, phủ dầy vai áo chiếc chemise carreaux thầy thường mặc như một chọn lựa dấn thân ngày tuổi trẻ cho tuổi trẻ lần cuối cùng tôi gặp lại thầy, đã quá tám năm...
18 Tháng Mười 2020(Xem: 13645)
Thế đành... dang dở... âu đành thế Thôi vậy... ngậm ngùi... cũng vậy thôi Bạn hỡi! Hãy quên đi bạn hỡi Đời vui như thuở mới vui đời!
10 Tháng Mười 2020(Xem: 11200)
Màu da ngâm ngâm hơi rám nắng, mũi không cao, mắt mí lót, mặt có những nốt tàn nhang li ti. Nụ cười cũng chẳng làm nghiêng nước nghiêng thành nhưng biểu cảm sự thành thực và thân thiện.
10 Tháng Mười 2020(Xem: 13633)
Thôi nhé! Nghìn thu em ngủ yên Nỗi đau chị không muốn khêu thêm Tiễn em bàn phiếm buồn rưng rức Những dòng chữ viết cũng ưu phiền.
09 Tháng Mười 2020(Xem: 13403)
Thôi thì trước mặt sông sâu Lá xuôi dòng nước biệt sầu thế gian Đẹp thay chiếc lá thu vàng Bềnh bồng trên nước thênh thang giữa trời...
04 Tháng Mười 2020(Xem: 12608)
Những giọt nước mắt của mùa thu yêu thương và hoài niệm. Rồi mọi thứ sẽ qua, rồi tôi cũng sẽ đi vào hư vô. Mọi vật đều vô thường. Hãy nghĩ như vậy để yên vui.
30 Tháng Chín 2020(Xem: 14737)
Dĩ vãng chợt về ta đứng lặng. Chuyện của ngày xưa, thu của Thu. Ta đến giữa mùa thu lá vàng. Ta đi màu sắc vẫn ngập tràn. Giữ mãi trong tim vàng, tím, đỏ Như giữ một thời đã sang trang.
30 Tháng Chín 2020(Xem: 13639)
Người đi vượt chốn ba đào Mùa thu ở lại ngắm sao nguyên cầu Thời gian cõi tạm bao lâu? Mùa thu ở lại ngậm sầu lá rơi! Mong người đến chốn đúng nơi Thành tâm chung sức giúp đời an yên
24 Tháng Chín 2020(Xem: 15355)
Trăng viễn xứ trở về trên bến đợi Lòng thuyền xưa rời bến đã lâu rồi Trăng viễn xứ mờ mờ trên bến cũ Lòng thuyền nào đã chứa nửa vầng trăng?!
24 Tháng Chín 2020(Xem: 13100)
Trăng Thu đủng đỉnh qua vườn Chén trà hỏi bánh người thương đâu rồi? Gió thu lùa vạt mây trôi Để trăng in đậm dáng người phương xa
19 Tháng Chín 2020(Xem: 12616)
Nguyện cầu cho sân si con người dịu lại, thấy được sự vô thường của cuộc sống. Nguyện cầu cho lửa mau tàn, cho người dân trở về nhà sinh sống bình an. Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.
19 Tháng Chín 2020(Xem: 14596)
Từ biệt Portland về Cali Hai nơi cháy lớn ở và đi Tàn tro mắt đỏ tôi xoa mãi. Tháng chín năm nay thật ai bi.
12 Tháng Chín 2020(Xem: 12928)
Viết vài dòng này để tạ tội với dì tôi đã một thời mù đôi mắt vì tình lụy và nhất là tạ tội với ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ vì tôi đã hiểu lầm ông. Hắt hơi là tình hận chứ không phải muốn hù dọa, khoe danh.
05 Tháng Chín 2020(Xem: 15795)
..Mỗi người sống chết an bài? Tin buồn loan tới Anh Hoài đã đi Một tuần Vĩnh biệt chia ly Thanh Hoài, Tường Cát viết chi, nói gì? Sinh hữu hạn, tử vô kỳ? Bạn hiền thân ái sầu vì mất Anh.
05 Tháng Chín 2020(Xem: 12202)
Gió Thu nhè nhẹ vẫy tay chào Nàng Thu xinh đẹp đã bước vào Lá đỏ nghiêng mình soi dòng nước Trăng vàng lộng lẫy giữa ngàn sao
05 Tháng Chín 2020(Xem: 13089)
Xuân đi, Xuân tới bao lần, Nhớ mùa Xuân cũ tần ngần ngóng trông Đất Trời, Biển rộng mênh mông? Niềm vui, hy vọng sẽ không phai mờ.?
04 Tháng Chín 2020(Xem: 12241)
Bây giờ Tháng Chín Mùa Thu Trăng treo đỉnh núi vọng mù tóc bay Biển đời gió đọng mưa lay Cầu mong được phút giây này bình yên...
29 Tháng Tám 2020(Xem: 12093)
. Các Tăng Ni dù không được tập trung cầu nguyện như những mùa Vu Lan trước, nhưng năm nay bà Tâm tin tưởng Thầy, Sư Cô và các vị Sư sẽ trì chú tụng kinh nhiều hơn ở mỗi đêm.
27 Tháng Tám 2020(Xem: 14177)
Cám ơn cháu cho ta giác ngộ Một lạy thôi rực rỡ hào quang Cử chỉ khiêm cung bát ngát sen vàng Ta học Phật, học từ đứa bé.
26 Tháng Tám 2020(Xem: 13949)
Rất muốn ngắm biển đêm bằng đôi mắt Tìm những điều ẩn ý dưới hoang mang Và muốn thấy giữa vô cùng tịch mịch Trăng lạc đường vì gió mãi lang thang.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 10071)
Buổi tưởng niệm kết thúc qua phần tri ơn của gia đình “Chúng con vô cùng tri ơn quý Thầy Cô và quý anh chị cựu học sinh Ngô Quyền đã mang đến cho ba chúng con một cuộc đời, một cuộc sống đầy ý nghĩa”.
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9488)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
22 Tháng Tám 2020(Xem: 14596)
Khủng khiếp ngoài trời lửa bốc nhanh Cali hỏa hoạn đã tung hoành Mây đen chế ngự vùng trời rộng Lửa cháy tràn lan khắp núi xanh
14 Tháng Tám 2020(Xem: 15474)
Ta đã mệt nhoài bao năm tháng Buông tay rủ sạch, ta rút lui. Ta nghe văng vẳng những hồi chuông. Tiếng mõ ngân nga vọng vô thường Khoan thai ta bước vào vô tận Một kiếp phù du chẳng vấn vương.
12 Tháng Tám 2020(Xem: 13978)
Tai nghe chim hót ngất ngây. Hồ Thu in bóng rừng cây muôn mầu. Vui lên xin chớ u sầu! Hẹn ngày tái ngộ bắt đầu thu sang ? Viễn du thế giới thênh thang . Ngày Xưa Thân Ái kiên gan đợi chờ...