Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NHỚ VỀ THẦY PHAN THANH HOÀI

22 Tháng Tám 20208:23 CH(Xem: 9397)
Nguyễn Thị Thêm - NHỚ VỀ THẦY PHAN THANH HOÀI
NHỚ VỀ THẦY PHANTHANH HOÀI TỰA


Hôm nay là ngày cử hành tang lễ Thầy Phan Thanh Hoài. Các bạn tôi đã hẹn nhau đến Feek Family để thăm viếng Thầy Hoài lần cuối.

Tôi ở đây không yên, cứ đoán từng giờ. Trong lòng tôi luôn nghĩ đến các Thầy Cô còn hiện tiền, những Thầy Cô đã khuất núi và con đường đi về Feek Family của mình.

Cách đây một tuần Thầy Hà Tường Cát đã nằm ở đây phòng số 5. Hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài nằm ở phòng số 1. Cách đây 3 năm ông xã tôi cũng đã book vé “Khách Sạn Vĩnh Cữu” này ở phòng số 3. Còn tôi đã có sẵn vé và chỉ chờ đến thời điểm là xe chở đến tận nơi nhưng chưa biết phòng số mấy.

Dù ở phòng nào trong khuôn viên lặng lẽ trầm mặc khói hương này, khách sạn Vĩnh Cữu Feek Family cũng tinh tươm và phục vụ chu đáo. Không làm tủi lòng khách đến và làm yên lòng người thân đến tiễn đưa.

 

Thầy Cát, thầy Hoài, ông xã tôi và rất nhiều người VN ở miền Nam Cali đều có dịp đến đây vài lần tiễn đưa thân nhân và bạn bè. Mọi người đến thăm viếng đều lặng lẽ đốt hương, cúi đầu tưởng niệm và thấy con đường trần ai ai cũng phải đi qua. Rồi thì không ngại dị đoan, không tin điềm gở đều một thoáng nghĩ đến ngày cuối của mình. Về nhà những ý nghĩ đó lại càng thôi thúc khi những cơn đau tuổi già mỗi ngày thêm nhiều. Thôi thì để nhẹ cho con cháu sau này, mình sắm sẵn  hành lý và chọn nơi đây là ga chiều để đưa mình về cát bụi.

 

Vốn giản đơn và cũng không muốn làm bận lòng những thế hệ, cháu chắt (không biết sẽ đi phương trời nào) vấn vương một nấm mồ lặng lẽ, phương thức hỏa thiêu là tốt nhất để trở về tro bụi. Chỉ cần 24 tiếng phù du, con cái có thể ôm cha mẹ vào lòng và sau đó cho bay xa, lan tỏa về với đồi núi, biển khơi.

 

Bay lên đi tro ơi!
Nhẹ nhàng ra biển khơi
Gió đưa về núi đồi
Ta đi giữa đất trời
Nhẹ nhàng không vướng bận.
 

……

 

Bây giờ là 3 giờ chiều, giờ này có lẽ các bạn tôi đã đến Feek Family để tiễn đưa Thầy. Tôi thay áo quần tề chỉnh. Chọn tấm hình thầy Phan Thanh Hoài rõ nhất mà hội AHCHSNQ đăng cáo phó. Tôi xoay máy Laptop lại và quỳ xuống tưởng niệm Thầy. Tôi niệm Phật và cầu nguyện. Cầu nguyện Thầy được nhiều phước báo. Cầu nguyện Phật Tử Nhật Quang siêu sinh Tịnh Độ.

Tôi chân thành lạy Thầy bốn lạy để tỏ chút lòng thành.

 

Thầy Phan Thanh Hoài không để lại một tài sản văn chương đồ sộ như Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. Thầy không tham gia làm báo, không có một quá khứ hoạt động văn nghệ, xã hội nổi bật như thầy Hà Tường Cát. Thầy trong chúng tôi hình ảnh rõ nhất của một người Thầy giáo.

 

Thầy Phan Thanh Hoài và Thầy Trương Phan Nam Minh về dạy sớm nhất khi trường Ngô Quyền mới bắt đầu thành lập. Thầy Hoài lúc đó khoảng 24 hay 25 tuổi. Một Thầy giáo trẻ măng, đẹp trai mới ra trường (tôi nghĩ vậy). Ngôi trường Ngô Quyền đi song song với thiên chức của hai người Thầy của chúng ta. Như vậy tính ra khi thầy vào dạy Ngô Quyền thì một số lớn cựu học sinh Ngô Quyền chưa sinh ra đời. Lúc đó tôi được 8 tuổi đang học lớp ba trường làng.

 

Để biết về con đường đi dạy của thầy Hoài và những gì thầy gắn bó với Biên Hòa, chúng ta trở về quá khứ, lần theo những bánh xe lăn đưa thầy về tới lớp. Thầy kể:

 

"...Trước đây, vào những năm cuối của thập niên 50 và những năm đầu của thập niên 60, những ngày lên dạy ở trường Ngô Quyền, Biên Hòa, tôi thường đón xe đò Liên Hiệp ở trạm Công Trường Dân Chủ, nơi tiếp nối của hai đường Hiền Vương và đường 20 (nay là đường Võ Thị Sáu và đường 3 Tháng 2), và trên đường đến thành phố Biên Hòa, xe đò Liên Hiệp đã vượt sông Sài Gòn nơi cầu Bình Lợi để chạy theo quốc lộ số 1 cũ, xuyên qua quận Thủ Đức, hướng về quận Dĩ An để rồi vượt sông Đồng Nai ở hai chiếc cầu Gành và cầu Rạch Cát và dừng lại ở Công Trường Sông Phố, trạm trước chót, nơi tôi xuống xe để vào trường Nguyễn Du, nơi đây những lớp đệ thất và đệ lục Ngô Quyền đầu tiên được tạm mượn phòng ốc để thầy trò dạy và học, và sau cùng xe đò vào bến đỗ cạnh chợ Biên Hòa."

 

Như vậy ngày xưa mình chưa có ngôi trường Ngô Quyền bề thế như bây giờ. Thành hình lớp Đệ thất đầu tiên là phòng học của trường Tiểu học Nguyễn Du, sau này số lớp tăng thêm, Ban Giám Hiệu đã mượn thêm phòng ở trường Nữ Công Gia Chánh tỉnh Biên Hòa và hai vị hiệu trưởng, hiệu phó đầu tiên của chúng ta là Thầy Phan văn Ngà và Hồ văn Tam.

 

Cũng ở bài viết này chúng ta thấy lại các con đường cây cầu từ Sài Gòn về Biên Hòa của một thời xa xưa. Bây giờ chế độ đã thay đổi, mọi hình ảnh cũ đã đi về quá khứ. Những con đường, cây cầu có lẽ đã bị xóa đi dấu vết để thay vào những con đường mới và tên mới. Cũng như rồi đây tên Thầy đã không còn được chúng ta hoan hỉ đọc lên để tiếp đón và trao hoa tri ân mỗi khi Đại Hội NQ. Thầy đã rời xa chúng ta đi về nơi bình an nhất.

 

Trở lại kỷ niệm những ngày đi dạy của thầy Giám Học Phan Thanh Hoài, chúng ta hãy nghe Thầy kể:

 

"... Kỷ niệm thứ nhì là nơi tôi nghỉ trọ lại đêm sau một ngày dạy học khá nhọc nhằn để đi dạy tiếp trong ngày hôm sau, rồi mới về lại với gia đình ở Sài Gòn. Quí vị Hiệu Trưởng và Hiệu Phó của trường Ngô Quyền, ông Phan Văn Nga và ông Hồ Văn Tam, đã có nhã ý đề nghị với tòa Hành Chánh Tỉnh xin cho các giáo sư ở Sài Gòn lên dạy, được sử dụng tòa nhà lầu Lục Giác xây cất ở bên bờ sông Đồng Nai, ngôi nhà nầy nằm giữa tòa Hành Chánh và ty Bưu Điện Biên Hòa. Ngôi nhà được xây cất từ hồi Pháp thuộc, để làm nơi trọ cho các quan lại, các vị thanh tra trong khi họ thi hành công vụ tại tỉnh Biên Hòa. Lúc nầy tầng dưới được dùng làm văn phòng làm việc của Hội Phụ Nữ tỉnh Biên Hòa, tầng trên thì còn trống. Đề nghị của Ty Trưởng Tiểu Học Biên Hòa đồng thời là Hiệu Trưởng Ngô Quyền được chấp thuận, nên chúng tôi, các nam giáo sư có giờ dạy liên tiếp hai ngày liền được về nghỉ đêm tại đây. Vì được xây cất như một nhà nghỉ mát với những tiện nghi cần thiết ngay trên bờ sông Đồng Nai, nên nơi trọ nầy hơn hẳn các khách sạn sang trọng của thành phố Biên Hòa vào thời ấy. Sau những buổi dạy trong tiết trời oi bức, chúng tôi thấy rất thoải mái khi được về nghỉ đêm nơi gác trọ với sông nước Đồng Nai chảy bên dưới, và từng cơn gió mát lòng qua khung cửa đem đến sự sảng khoái cho mọi người trong chúng tôi. Tôi luôn tiếc rẽ phải trả lại căn gác trọ nầy để dời lên khu phố của ông Tám Mộng xây cất phía trước rạp hát Biên Hùng, nơi đây khá ồn ào và oi bức, nhưng không thể làm gì hơn vì số giáo sư càng ngày càng đông, trong khi nhà trọ ở bờ sông thì chỉ có thể nghỉ lại mỗi đêm bốn hoặc năm người mà thôi."

 

Như vậy Thầy Hoài và một số Thầy của chúng ta đã có một thời gian ở nơi xinh đẹp sang trọng nhất của Tỉnh Biên Hòa. Đó là tòa nhà lầu lục giác ở bờ sông Đồng Nai. Khi số lượng giáo sư về dạy tại trường đã tăng, Thầy chuyển ra  trọ ở khu phố của ông Tám Mộng. Có lẽ những anh chị khóa 1, khóa 2 hoặc những anh chị sinh trưởng ở Biên Hòa có thể nhớ và biết rõ về khu phố của ông Tám Mộng, nơi các Thầy đã ở trọ để đi dạy Ngô Quyền.

 

 Thầy ở như vậy, còn ăn thì sao? Đây nè, Thầy kể chi tiết và rất vui. Mỗi một nơi của Biên Hòa đều là những ký ức tốt đẹp nhất đối với Thầy. Thầy nhớ từng tiệm ăn và những món đặc biệt ở đó. Mỗi một nơi thầy kể đều chi tiết chi li và có những kỷ niệm về những người bạn dạy chung trường.

Đây là một đoạn thầy Hoài kể về ăn uống có thầy Phan Thông Hào trong đó:

 

"... Buổi sáng, chúng tôi, các giáo sư Ngô Quyền, khi trường còn mượn phòng ốc ở trường tiểu học Nguyễn Du, hoặc ở trường Nữ Công Gia Chánh, bên cạnh nhà hội làng Bình Trước, thường kéo nhau ra ăn điểm tâm ở quán hủ tiếu Tuyết Sơn, trên đường đi vào chợ Biên Hòa, hoặc ở quán bà Tư Mập, bên cạnh trường Nữ Công Gia Chánh; tại quán nầy, chúng tôi thường dùng món bánh mì hột gà ô-plat và được thưởng thức loại cà phê đặc sản do thầy Phan Thông Hảo chế biến, trong ly cà phê có cho vào nửa muỗng bơ Bretel, nên mùi vị thơm hơn ly cà phê thông thường. Sau nầy khi trường Ngô Quyền dời lên trường sở mới, chúng tôi thường đến ăn sáng nơi quán hủ tiếu Nam Vang (thường gọi là quán cây trứng cá, vì phía trước quán có trồng vài cây trứng cá), quán nầy ở cạnh rạp hát Biên Hùng, nằm bên trái đường vào nhà ga xe lửa Biên Hòa

 
Sau ngày rời Biên Hòa và cho đến nay, sống ở quận Cam, miền Nam tiểu bang Ca-li, với nhiều quán ăn của người Việt có bán đủ món hủ tiếu như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Thanh Xuân, nhưng tôi không có may mắn được ăn lại tô hủ tiếu Nam Vang với hương vị đậm đà của quán cây trứng cá ngày xưa của thành phố Biên Hòa. Để thay đổi món, chúng tôi cũng thường đến quán cháo lòng Huỳnh Của, một quán bình dân nhưng rất ngon không thua gì các quán cháo lòng nổi tiếng ở Chợ Đồn, bên kia cầu Gành, thuộc xã Bửu Hòa, và cũng tại xã nầy có gia cư của ông Phan Văn Nga, vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường Ngô Quyền; quán Huỳnh Của nằm ở khoảng giữa đường đi từ quán cây trứng cá đến cổng trường Ngô Quyền; cạnh quán Huỳnh Của là nhà của ông Hồ Văn Tam, Hiệu Trưởng trường Nguyễn Du đồng thời là Hiệu Phó trường Ngô Quyền trong thời gian mà ông Phan Văn Nga giữ chức vụ Hiệu Trưởng."

 

Qua đoạn hồi ức của Thầy, chúng ta được biết Thầy Phan Thông Hào lúc đó đã là một tay pha chế cà phê rất điệu nghệ.

Chúng ta biết thêm thời đó có quán Bà Tư Mập, quán Hủ tiếu Nam Vang “Cây Trứng Cá”, quán cháo lòng Huỳnh Của nổi tiếng đến bây giờ.

Ngoài ra thêm một chi tiết khá thú vị là nhà thầy hiệu trưởng Phan văn Ngà ở Chợ Đồn và Thầy hiệu Phó Hồ Văn Tam cạnh quán cháo lòng Huỳnh Của rất gần với trường Ngô Quyền. Không biết bây giờ những căn nhà đó có còn không và ai đang ở?

 Bây giờ chúng ta hãy nghe Thầy Hoài kể về các quán ăn có sự hiện diện của thầy Hoàng Phùng Võ. 

 

"... Cho buổi cơm trưa và cơm chiều, tùy theo khẩu vị của các giáo sư gốc Bắc hay Nam, chúng tôi rủ nhau đến ăn ở những quán sau đây: hôm nào có thầy Phan Thông Hảo thì chúng tôi ra quán bà Tư Mập với các món đặc sản Biên Hòa như canh chua cá lóc, lươn um, gà kho sả, thịt heo ram mặn, thịt nai xào bạc hà; hôm nào có thầy Hoàng Phùng Võ, thì chúng tôi ra quán Thịnh Vượng, nằm trên đường Phan Đình Phùng, theo hướng đi về ngã ba Dốc Sỏi để lên phi trường Biên Hòa, nơi đây chúng tôi được dùng cơm nấu với gạo tám thơm của tỉnh Đồng Nai nhưng với các món ăn miền Bắc, ba món mà tôi còn nhớ là món giò chả (chả lụa), gà luộc và món canh miến gà; bà chủ quán cơm có hai cô con gái trẻ đẹp, cô chị tên Thịnh và cô em tên Vượng, do đó quán cơm mang tên là quán Thịnh Vượng."

 

Các bạn thấy sao? Riêng tôi chảy nước miếng khi đọc những dòng này. Những món ăn miền Nam ngon thật là ngon mà Thầy đã thưởng thức và nhớ mãi sau này.

 

Và đây là một đoạn có nói về Thầy Nguyễn văn Hảo thư ký cho trường Ngô Quyền thời đó và cái duyên tơ tóc với con gái bà chủ quán Thịnh Vượng. Nhờ Thầy Hảo chúng ta có bức ảnh ban giám hiệu và ban giảng huấn trường Ngô Quyền thời đó trong Kỷ yếu Ngô Quyền.

 

"...Sau nầy, khi thầy Nguyễn Văn Hảo được bổ dụng về làm thơ ký văn phòng cho trường Biên Hòa, thầy Hảo có cùng đi với chúng tôi ra ăn ở quán Thịnh Vượng, và một thời gian sau thầy Hảo đã thành con rể của bà chủ quán. Hiện nay, hai vợ chồng thầy Hảo còn ở lại Biên Hòa, và làm sở hữu chủ hai cửa hàng kinh doanh rất “Thịnh Vượng” bên cạnh rạp hát Biên Hùng (tôi không nhớ có phải lúc sau nầy rạp hát đã đổi tên mới là rạp Thống Nhất hay không?). Gần đây, thầy Hảo đã có nhã ý gởi tặng cho các em cựu học sinh Ngô Quyền một bức ảnh chụp toàn thể ban giám hiệu và ban giảng huấn trường Ngô Quyền và các em cho biết là sẽ cho in trên quyển kỷ yếu năm nay vì đây là một bức ảnh tập thể và một kỷ niệm rất quí báu về trường Ngô Quyền.."

 

Chưa hết các bạn ơi! Trong quá trình đi dạy của Thầy Hoài, có những chi tiết rất thú vị mà nếu Thầy không kể ra thì chúng ta không biết. Thí dụ như Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo đã có sáng kiến thật hay để nối kết các Thầy Cô giáo NQ được gần gũi quen biết lẫn nhau. Trong đó có phần ẩm thực “Có thực mới vực được đạo”

 

"...Và khi trường Ngô Quyền có các lớp đệ nhị cấp, số giáo sư và nhân viên văn phòng và giám thị ngày càng đông hơn, thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo có đề nghị là mỗi tháng một lần, sau khi lãnh lương cuối tháng, các thầy cô cùng nhau ra quán Tân Hiệp trên đường Hàm Nghi, bên bờ sông Đồng Nai để dùng buổi cơm tối tập thể, và tổng số chi cho buổi cơm sẽ được chia đều cho những người tham dự. Tại đây chúng tôi được ăn những món đặc sản của tỉnh Biên Hòa như: món gỏi ngó sen trộn với tôm luộc, thịt ba chỉ, rau răm, đậu phộng rang, món bánh canh đầu cá (cá lóc bắt lên từ đồng ruộng ven sông Đồng Nai), cá hấp cuốn bánh tráng và rau sống, món xôi chiên ăn với gà nướng da giòn (xôi nấu với gạo nếp thơm Biên Hòa, rồi được chiên phồng lên như cái bánh tiêu của người Tàu, nhưng to bằng một cái dĩa cỡ trung) để rồi kết thúc bữa ăn với những lát thơm hay những múi bưởi Thanh của vùng đất Biên Hòa."

 

Thầy Hoài không những có cái nhìn rất đẹp về ẩm thực Biên Hòa Thầy còn nặng lòng với sông nước Đồng Nai. Trong bài viết “Sông Nước Đồng Nai” đăng trong Web Ngô Quyền mà tôi đã dùng trích dẫn đã viết rất rõ về Biên Hòa của chúng ta.

https://ngo-quyen.org/p7952a589/gs-phan-thanh-hoai-song-nuoc-dong-nai

 

Thầy đã kể rất chi tiết về vị công thần Trịnh Hoài Đức của hai triều vua đầu tiên nhà Nguyễn là vua Gia Long và Minh Mạng. Ngoài ra còn có những công thần có công khai phá và bảo vệ vùng đất Trấn Biên Biên Hòa như Ngài Trần Thượng Xuyên, Nguyễn Hữu Cảnh, Đoàn văn Cừ.

 

Với những nhà văn tên tuổi của vùng đất Biên Hòa như Bình Nguyên Lộc, Lương Văn Lựu, Lý văn Sâm Thầy cũng kể rất chi tiết về tiểu sử cũng như kho tàng văn chương đồ sộ của họ.

 

Thầy Phan Thanh Hoài rất nặng lòng với Biên Hòa và ngôi trường Ngô Quyền. Khi còn trẻ Thầy là một giáo sư mẫn cán yêu nghề, khi làm Giám Học Thầy đã tận tụy bỏ rất nhiều công sức và tâm trí xây dựng trường vững mạnh. Học trò Ngô Quyền thành tích học tập có tiếng ở miền Nam VN. Khi ra nước ngoài, Thầy đã khuyến khích và giúp đỡ cựu học sinh Ngô Quyền thành lập hội Cựu Học Sinh Ngô Quyền như ngày nay. Thầy hết lòng giúp đỡ Ban Báo Chí mỗi lần ra đặc san, thành lập kỷ yếu hay Ngô Quyền Toàn Tập. Thầy cung cấp tài liệu, hình ảnh và tham mưu trong bất cứ vấn đề nào các cựu học sinh cần.

Thầy là một người Thầy, một vị Giám Học tận tụy với học trò cho đến cuối đời trong lòng của mỗi người cựu học sinh Ngô Quyền. Hình ảnh cao cao, nụ cười hiền hòa và cây gậy chống mỗi lần tham dự họp mặt đi vào lòng tôi mãi mãi.

 

Ngọc Dung đã face time cho tôi ở xa được nhìn mặt Thầy lần cuối. Thầy nằm trong quan tài như ngủ, giấc ngủ ngàn đời của một kiếp người. Nhìn các bạn Ngô Quyền ăn mặc trang trọng đến tiễn đưa thầy làm lòng tôi nao nao xúc động. Tấm banner của cựu học sinh trường Ngô Quyền đã nói lên được tấm lòng tri ân sâu sắc đối với  thầy Giám Học Phan Thanh Hoài.

Từ nay mỗi năm họp mặt Ngô Quyền, không còn thấy Thầy Phan Thanh Hoài hiện diện. Người Thầy thân yêu luôn luôn sát cánh với học trò Ngô Quyền đã mãi mãi vắng mặt.

 

Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.

 

Nguyện cầu hương linh Thầy Phan Thanh Hoài pháp danh Nhật Quang được siêu sinh Tịnh Độ.

 

Nguyễn thị Thêm.

 

24 Tháng Mười 2020(Xem: 12556)
Căn nhà như chiếc áo rách toang Mưa tuôn, gió thổi sẽ tan hoang Tôi thân các cháu chờ người cứu Xin trời thương xót kiếp cơ hàn.
18 Tháng Mười 2020(Xem: 12990)
Khi xe lửa rời bến, tôi đứng ở cửa sổ để nhìn lại Huế một lần cuối thì khói xe lửa tạt vào mặt tôi và từ đó bụi khói vào mắt tôi làm tôi chảy nước mắt suốt một đoạn đường dài.
18 Tháng Mười 2020(Xem: 12456)
vẫn cằm vuông. vẻ cương nghị nét phong trần, theo thời gian, phủ dầy vai áo chiếc chemise carreaux thầy thường mặc như một chọn lựa dấn thân ngày tuổi trẻ cho tuổi trẻ lần cuối cùng tôi gặp lại thầy, đã quá tám năm...
18 Tháng Mười 2020(Xem: 13337)
Thế đành... dang dở... âu đành thế Thôi vậy... ngậm ngùi... cũng vậy thôi Bạn hỡi! Hãy quên đi bạn hỡi Đời vui như thuở mới vui đời!
10 Tháng Mười 2020(Xem: 11003)
Màu da ngâm ngâm hơi rám nắng, mũi không cao, mắt mí lót, mặt có những nốt tàn nhang li ti. Nụ cười cũng chẳng làm nghiêng nước nghiêng thành nhưng biểu cảm sự thành thực và thân thiện.
10 Tháng Mười 2020(Xem: 13453)
Thôi nhé! Nghìn thu em ngủ yên Nỗi đau chị không muốn khêu thêm Tiễn em bàn phiếm buồn rưng rức Những dòng chữ viết cũng ưu phiền.
09 Tháng Mười 2020(Xem: 13260)
Thôi thì trước mặt sông sâu Lá xuôi dòng nước biệt sầu thế gian Đẹp thay chiếc lá thu vàng Bềnh bồng trên nước thênh thang giữa trời...
04 Tháng Mười 2020(Xem: 12447)
Những giọt nước mắt của mùa thu yêu thương và hoài niệm. Rồi mọi thứ sẽ qua, rồi tôi cũng sẽ đi vào hư vô. Mọi vật đều vô thường. Hãy nghĩ như vậy để yên vui.
30 Tháng Chín 2020(Xem: 14274)
Dĩ vãng chợt về ta đứng lặng. Chuyện của ngày xưa, thu của Thu. Ta đến giữa mùa thu lá vàng. Ta đi màu sắc vẫn ngập tràn. Giữ mãi trong tim vàng, tím, đỏ Như giữ một thời đã sang trang.
30 Tháng Chín 2020(Xem: 13481)
Người đi vượt chốn ba đào Mùa thu ở lại ngắm sao nguyên cầu Thời gian cõi tạm bao lâu? Mùa thu ở lại ngậm sầu lá rơi! Mong người đến chốn đúng nơi Thành tâm chung sức giúp đời an yên
24 Tháng Chín 2020(Xem: 15004)
Trăng viễn xứ trở về trên bến đợi Lòng thuyền xưa rời bến đã lâu rồi Trăng viễn xứ mờ mờ trên bến cũ Lòng thuyền nào đã chứa nửa vầng trăng?!
24 Tháng Chín 2020(Xem: 12951)
Trăng Thu đủng đỉnh qua vườn Chén trà hỏi bánh người thương đâu rồi? Gió thu lùa vạt mây trôi Để trăng in đậm dáng người phương xa
19 Tháng Chín 2020(Xem: 12200)
Nguyện cầu cho sân si con người dịu lại, thấy được sự vô thường của cuộc sống. Nguyện cầu cho lửa mau tàn, cho người dân trở về nhà sinh sống bình an. Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.
19 Tháng Chín 2020(Xem: 14047)
Từ biệt Portland về Cali Hai nơi cháy lớn ở và đi Tàn tro mắt đỏ tôi xoa mãi. Tháng chín năm nay thật ai bi.
12 Tháng Chín 2020(Xem: 12796)
Viết vài dòng này để tạ tội với dì tôi đã một thời mù đôi mắt vì tình lụy và nhất là tạ tội với ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ vì tôi đã hiểu lầm ông. Hắt hơi là tình hận chứ không phải muốn hù dọa, khoe danh.
05 Tháng Chín 2020(Xem: 15622)
..Mỗi người sống chết an bài? Tin buồn loan tới Anh Hoài đã đi Một tuần Vĩnh biệt chia ly Thanh Hoài, Tường Cát viết chi, nói gì? Sinh hữu hạn, tử vô kỳ? Bạn hiền thân ái sầu vì mất Anh.
05 Tháng Chín 2020(Xem: 12085)
Gió Thu nhè nhẹ vẫy tay chào Nàng Thu xinh đẹp đã bước vào Lá đỏ nghiêng mình soi dòng nước Trăng vàng lộng lẫy giữa ngàn sao
05 Tháng Chín 2020(Xem: 12937)
Xuân đi, Xuân tới bao lần, Nhớ mùa Xuân cũ tần ngần ngóng trông Đất Trời, Biển rộng mênh mông? Niềm vui, hy vọng sẽ không phai mờ.?
04 Tháng Chín 2020(Xem: 11948)
Bây giờ Tháng Chín Mùa Thu Trăng treo đỉnh núi vọng mù tóc bay Biển đời gió đọng mưa lay Cầu mong được phút giây này bình yên...
29 Tháng Tám 2020(Xem: 11939)
. Các Tăng Ni dù không được tập trung cầu nguyện như những mùa Vu Lan trước, nhưng năm nay bà Tâm tin tưởng Thầy, Sư Cô và các vị Sư sẽ trì chú tụng kinh nhiều hơn ở mỗi đêm.
27 Tháng Tám 2020(Xem: 13980)
Cám ơn cháu cho ta giác ngộ Một lạy thôi rực rỡ hào quang Cử chỉ khiêm cung bát ngát sen vàng Ta học Phật, học từ đứa bé.
26 Tháng Tám 2020(Xem: 13801)
Rất muốn ngắm biển đêm bằng đôi mắt Tìm những điều ẩn ý dưới hoang mang Và muốn thấy giữa vô cùng tịch mịch Trăng lạc đường vì gió mãi lang thang.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 9957)
Buổi tưởng niệm kết thúc qua phần tri ơn của gia đình “Chúng con vô cùng tri ơn quý Thầy Cô và quý anh chị cựu học sinh Ngô Quyền đã mang đến cho ba chúng con một cuộc đời, một cuộc sống đầy ý nghĩa”.
22 Tháng Tám 2020(Xem: 14434)
Khủng khiếp ngoài trời lửa bốc nhanh Cali hỏa hoạn đã tung hoành Mây đen chế ngự vùng trời rộng Lửa cháy tràn lan khắp núi xanh
14 Tháng Tám 2020(Xem: 15282)
Ta đã mệt nhoài bao năm tháng Buông tay rủ sạch, ta rút lui. Ta nghe văng vẳng những hồi chuông. Tiếng mõ ngân nga vọng vô thường Khoan thai ta bước vào vô tận Một kiếp phù du chẳng vấn vương.
12 Tháng Tám 2020(Xem: 13793)
Tai nghe chim hót ngất ngây. Hồ Thu in bóng rừng cây muôn mầu. Vui lên xin chớ u sầu! Hẹn ngày tái ngộ bắt đầu thu sang ? Viễn du thế giới thênh thang . Ngày Xưa Thân Ái kiên gan đợi chờ...
09 Tháng Tám 2020(Xem: 12805)
Con tạ ơn Thầy Cô đã cho chúng con qua sông yên bình, cho chúng con có căn bản đạo đức và kiến thức làm người hữu dụng. Ở nơi xa không thể về đốt hương tưởng niệm. Con xin kính gửi đến Thầy cô tất cả lòng kính yêu trân trọng nhất.
04 Tháng Tám 2020(Xem: 11130)
Nhà báo Hà Tường Cát, cựu tổng thư ký nhật báo Người Việt, qua đời lúc 7 giờ 30 phút sáng Thứ Hai, 3 Tháng Tám, tại bệnh viện Fountain Valley, California, thọ 80 tuổi, vì bệnh già.