Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trần Minh Tâm - Nghiệp Báo.

29 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 38717)
Trần Minh Tâm - Nghiệp Báo.

 

                                     NGHIỆP BÁO!

                                                 

                                                    Trần Minh Tâm

                                                              (1962-1969)

 

     Ngồi trước màn ảnh monitor đọc lướt qua những bản tin trong trang nhà Ngô-quyền.org mà lòng tôi bỗng nhiên xao xuyến lạ. Giờ đây Trần Kim Vy, người bạn phối ngẫu bấy lâu nay hiện vắng mặt trong tòa soạn, vì trong thời điểm này có lẽ nàng đang viếng một cảnh chùa trên ngọn núi nào đó bên Trung Quốc. Hơn một tháng qua, tôi sống thui thủi, bù đầu vì chuyện làm báo, địa ốc, lo việc chăm sóc bà mẹ già, để ý đến sức khoẻ của nhạc phụ... vì đã “uống thuốc liều” khuyến khích Kim Vy rũ bỏ công ăn việc làm và gánh nặng gia đình, thực hiện một chuyến hành hương thứ nhì dài sáu tuần lễ cùng các bạn đạo qua Ấn Độ, Nepal và Trung Quốc. Mỗi ngày nhìn qua văn phòng của nàng, trông thấy bàn giấy vắng chủ, bộ computer thinh lặng khiến tôi không khỏi vương nỗi nhớ nhung. Có thể nói rằng từ ngày vợ chồng chúng tôi rời xa thành phố Biên Hòa thân yêu vào năm 1975 để tị nạn bên Mỹ đến nay, đây là khoảng thời gian dài nhất hai vợ chồng phải xa vắng nhau lâu thế. Đây là giai đoạn thử lửa của vợ chồng tôi để dọn đường cho những ngày còn lại trong đời sống lứa đôi, tuy gần mà xa trong tình chồng vợ hầu chuẩn bị cho cuộc sống cuối đời nặng về tâm linh hơn, cùng nhau hướng thượng để trả bớt cái nghiệp, Nghiệp Làm Báo, Nghiệp Viết Văn mà cả hai vợ chồng vô tình chọn chung từ thuở còn mài đũng quần dưới mái trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.

 

       Hồi tưởng lại chuyện xưa, thắm thoát vợ chồng chúng tôi đã kết hôn với nhau được 33 năm, chưa kể đến 6 năm dài yêu nhau, tìm hiểu nhau trước đó. Đây có thể nói là một cuộc tình “sweet heart” giữa hai cựu học sinh trung học chung trường, giữa một cậu học sinh Đệ Tam và cô học trò lớp đệ Ngũ. Số là hai đứa chúng tôi đã tình cờ quen nhau qua mối tình văn nghệ, báo chí. Chàng là Trưởng Ban Báo Chí toàn trường, nàng là Trưởng Khối Học Tập, Văn Nghệ Báo Chí lớp. Ông Tơ Bà Nguyệt đã dẫn lối đưa đường cho Thầy Đoàn Viết Biên, giáo sư Cố Vấn Báo Chí chọn một lượt 3 bài: tùy bút, truyện ngắn lẫn thơ của trò Võ Kim Huê, bút hiệu Thi Lệ Kiều để đăng vào Giai Phẩm Xuân 1967 của trường và giao cho trò Trần Minh Tâm là trưởng ban báo chí lo phần đánh máy, layout, in ấn. Khi đọc qua những tác phẩm cùng một tuồng chữ thật đẹp thật bay bướm của trò Võ Kim Huê (Thi Lệ Kiều), tôi và một số bạn bè như Diệp Cẩm Thu, Mai Quỳnh Lâm, Trầm Vĩnh Châu, Phạm Sơn Danh, Nguyễn Ngọc Xuân... (trong nhóm 13) đã không thể tránh khỏi sự tò mò lần dò đến lớp của nàng để tìm xem ai là tác giả của cả ba bài được chọn này. Và cuộc tình gần bốn mươi năm nay của chúng tôi đã bắt đầu từ đấy, khởi sự bằng việc kết nghĩa anh em văn nghệ, sau đó là lần tỏ tình, trao nhau nụ hôn đầu vào ngày 15 tháng 3 năm 67 tại góc cầu thang dãy lầu hai. Cuộc tình này đem lại biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên, kể cả việc trò Võ Kim Huê vì bị tiếng sét ái tình lần đầu tiên mà đâm ra biếng học, trong suốt cuộc đời đi học từ nhỏ đến khi ra trường, nàng luôn đứng trong số ba trò đầu lớp lãnh thưởng cuối năm (kể cả lần lãnh giải Tổng Thống), nhưng năm đó nàng bị sụt xuống hạng Năm, không được lãnh thưởng khiến nhạc phụ tôi buồn không ít. Tuy nhiên, để vun bồi cho cái nghiệp vừa mới nhú mầm, trong những năm yêu nhau trong trường cũng như lúc tôi đang phục vụ trong quân chủng Hải Quân trước khi cưới nhau, tình yêu của chúng tôi đã được kết chặt bởi các cuốn nhật ký được trao đổi thường xuyên, bằng những lá thư tình thật dài, mà lá thư dài nhất khoảng hai mươi tám trang, tôi đã viết trọn một đêm trong lúc đang lênh đênh trên chiến hạm tuần dương ngoài biển khơi. Khi nhắc đến các cuốn nhật ký, đến những lá thư tình, tôi không bao giờ quên được cô Võ Thu Thủy, giáo sư Công Dân của tôi (giáo sư Anh Văn của nàng), người đã khuyến khích chúng tôi tập viết nhật ký vào năm học lớp đệ Lục, cô Bạch Thị Bê, cô Đặng Thị Trí, cô Phạm Thị Nhã Ý... là những giáo sư Việt Văn đã mở mang trí óc tôi trong nghiệp dĩ văn chương, báo chí Việt ngữ. Riêng giáo sư Đoàn Viết Biên lại là vị thầy đã hướng dẫn tôi cách làm báo, cách làm thầy cò cho những quyển Giai Phẩm Xuân của trường mà tôi đã tích cực phụ thầy một tay từ năm đệ Tứ đến năm đệ Nhất. Tuy là dân học trò trường tỉnh, nhưng nhờ vụ làm báo Xuân mà tôi đã có dịp lang thang xuống Sài Gòn, liên lạc với các nhà in để in báo, đem chuông đi đánh xứ người, bán báo Xuân cho học sinh các trường trung học bạn như Gia Long, Petrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt v.v... Trong những quyển giai phẩm Xuân sau này, các bài của Thi Lệ Kiều hoặc Võ Kim Huê đều được các giáo sư cố vấn tuyển đăng, khiến nàng và tôi thêm phấn khởi trong việc sáng tác. Âu cũng là cái nghiệp mà tôi và nàng đã vô tình chọn từ ngày còn nhỏ, dưới mái trường xưa.

 

     Cuối năm 1969 tôi ra trường rồi gia nhập Hải Quân, trong khi Kim Huê còn tiếp tục mài giũa sách đèn cùng bạn bè và sau đó nàng đã thi vào Trường Sư Phạm Sài Gòn để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Tôi có trở lại thăm trường vào khoảng giữa năm 1971, để đón người yêu đi học về và đã gặp Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo đang đứng trước cánh cửa văn phòng Giám Thị. Thầy Bảo rất vui khi thấy lại trò Tâm, nay đã là một sĩ quan Hải Quân dạn dày sương gió trong bộ quân phục tiểu lễ màu trắng. Lúc chuyện trò thăm hỏi học trò cũ về cuộc đời quân ngũ, Thầy đã không quên thách trò kéo tay ngay trên cánh cửa “swing door” xem ai thắng ai thua, một môn chơi thể thao mà lúc nào thầy Hiệu Trưởng cũng thắng cuộc, dù rằng học trò cũ của thầy hằng ngày đã từng hít đất hàng trăm cái trong quân trường! Lần đó cũng là lần cuối tôi trở lại thăm trường xưa vì lúc sau này, mức độ chiến tranh càng ngày càng gia tăng đã khiến tôi phải nhập vào cuộc sống của người lính chiến thời loạn, thường xuyên xa gia đình, xa người yêu. Tôi đã không còn cơ hội để viết văn, làm thơ như thời đi học, trong khi đó thì Kim Huê được may mắn hơn, vẫn còn cơ hội để tiếp tục sáng tác những tùy bút, thơ văn cho báo Xuân Ngô Quyền, báo Sư Phạm hoặc một vài tờ báo ở Sài Gòn.

 

      Vào giữa tháng Tư năm 1975, trong lúc tin tức chiến sự Miền Trung càng lúc càng bi đát, chiếc Hộ Tống hạm Đống Đa HQ 07 của tôi sau khi rút lui từ Huế vào Cam Ranh (trên đường rút lui, tàu tôi vớt được người bạn cùng nhóm 13 là Ngô Đình Dũng) rồi xuôi về Nam tuần tiễu trong vùng biển Bình Tuy, Rừng Sát, lại nhận được lệnh chuẩn bị trực chỉ Trường Sa để bảo vệ quần đảo này đang bị tàu chiến Trung Cộng bao vây. Tôi được hạm trưởng cho về phép ngắn hạn ba ngày để thăm gia đình và thi hành một vài công tác khẩn cho đơn vị. Tôi rất mừng vì có thể đây là cơ hội cuối cùng gặp mặt gia đình và người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng, trước khi đơn vị lên đường tử chiến cùng một lực lượng Hải Quân hùng hậu của địch quân, với hỏa lực tối tân gấp ba bốn lần so với các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Ba ngày phép ngắn ngủi này thật đầy kỷ niệm, đầy những hình ảnh khó quên của một thành phố Biên Hòa đang lo âu sợ hãi trước viễn ảnh Cộng quân sắp tràn về từ Long Khánh.  Dù rất muốn ở lại với đại gia đình hai, với người vợ trẻ trong những giờ phút cuối quan trọng này, nhưng bổn phận và trách nhiệm của một quân nhân thời loạn đã khiến tôi quyết định trở lại đơn vị để cùng chiến đấu với anh em đồng đội. Và cũng không ngờ vào giờ chót, Kim Huê lại nhất định đòi đi theo ra Vũng Tàu để tiễn đưa chồng xuống tàu ra đảo Trường Sa, vì có lẽ trong thâm tâm nàng đã có phần lo sợ cho một cuộc chia tay có thể trở thành vĩnh viễn của người chinh phụ trẻ, tuổi vừa tròn 23 đang trong thời kỳ thai nghén đứa con đầu lòng. Trưa ngày 25 tháng 4, trên đường rời Biên Hòa đi Vũng Tàu, chúng tôi đã đi ngang trường Ngô Quyền, nhìn cổng trường đóng kín, chúng tôi có nhắc nhở lại những kỷ niệm khó quên hồi mới quen nhau, mà không ngờ đấy là lần cuối cùng hai đứa nhìn thấy mái trường thân yêu nơi chứa đựng bao nhiêu hình ảnh đẹp của cuộc tình tuổi học trò.       

            Vận nước đẩy đưa, vợ chồng tôi đã rời Việt Nam sang Mỹ một cách bất đắc dĩ, chẳng một dự mưu, toan tính vào những ngày cuối tháng Tư năm Ất Mão, 1975. Kim Huê cứ tưởng rằng nàng chỉ đi ra Vũng Tàu tiễn đưa chồng “bước chân xuống tàu, nước mắt như mưa”, cầu nguyện Trời Phật cho chồng trở về bình yên, sau đó nàng sẽ trở về Biên Hòa lo cho gia đình hai bên “chạy giặc, trốn pháo kích”. Không ngờ chiến tranh lan quá nhanh, Vũng Tàu trở thành một thành phố bỏ ngỏ, đường về bị cắt, nàng không thể nào trở lại Biên Hòa mà phải chạy giặc theo chồng “tạm trú” trên HQ 802 rồi sau đó qua HQ 07 của tôi, trở thành người đàn bà duy nhất sống trên tàu chiến! Vài ngày sau đó, khi đã trải qua những cơn sóng to, bão lớn, khóc cho vận nước đổi thay, những trận nôn mửa lã người vì bị thai hành, say sóng, Kim Huê đã cùng chồng và cả thủy thủ đoàn khóc cho đất nước, cho thân phận long đong vô tổ quốc của đoàn người trên tàu khi nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh qua hệ thống truyền tin. Kể từ đó chúng tôi đã trở nên những người tị nạn bất đắc dĩ, lênh đênh trên biển, đi theo sau đoàn tàu của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, tiến về quần đảo Phi Luật Tân để xin tị nạn chính trị. Và cũng kể từ đó, vợ chồng chúng tôi đi đâu cũng có đôi có bạn; cùng nhau chia đắng xẻ bùi. Đời sống lứa đôi cũng có khi vui khi buồn, nhưng nhờ những thông cảm, những hiểu biết tâm can của nhau, nhờ những năm dài yêu nhau trước khi cưới nhau nên qua ánh mắt, qua tiếng cười, chúng tôi đã cố gắng vượt qua sự khó khăn trong cuộc sống hôn nhân.

 

       Mười ba năm đầu tiên sống trên đất Mỹ, mang hai cháu trai trôi dạt qua ba tiểu bang từ Bắc chí Nam, thay đổi tám, chín công việc; rốt cuộc cả hai vợ chồng đều gạt bỏ tất cả những nghề nghiệp tạm nhưng khá vững vàng trên đất mới, đồng tâm hiệp ý chọn nghề làm báo, viết văn, làm thơ là Nghề, là Nghiệp chính từ đây. Năm 1988, Võ Kim Huê với bút hiệu Trần Kim Vy, sau khi phát hành tác phẩm đầu tiên “Lỡ Một Chuyến Đi”; với sự hỗ trợ của chồng, văn thi hữu và hơn 3,000 độc giả mua sách trong kỳ phát hành sách lần đầu, nàng đã dấn thân vào nghề làm báo. Trần Kim Vy trở thành chủ nhiệm của bán nguyệt san Đẹp, sau đó tờ báo được sự yêu mến của độc giả đã trở thành tuần san phát hành mỗi thứ Sáu tại thành phố Houston, Texas. Chủ bút Trần Minh Tâm luôn đứng sau lưng nàng hỗ trợ, phụ giúp nàng trong việc điều hành tờ báo, giúp tờ báo sống được hơn 18 năm qua. Trong những số báo đầu tiên mới phát hành, cũng nhờ sự giúp đỡ hết lòng của Nguyễn Liễu, người bạn học nối khố từ thời niên thiếu trong nhóm 13 và hai anh bạn Tạ Quốc Quang, Nguyễn Văn Thọ, cùng với nhà văn Nguyễn Vạn Lý mà tờ báo mới đến tay độc giả đúng hạn kỳ. Cũng nhờ làm báo mà sau này trò Võ Kim Huê rất may mắn được các thầy Doãn Quốc Sỹ, Phạm Kim Thư từng dạy nàng ở trường Sư phạm Sài Gòn thường xuyên cộng tác trên báo Đẹp giúp cho nội dung tờ báo thêm khởi sắc.

 

      Giờ đây ngồi trong tòa soạn, giật mình không ngờ chúng tôi lại sống bằng nghề nầy, hay nói đúng hơn, lại đang chìm trong Nghiệp Báo này. Cũng may là dù đã trải qua nhiều trận bút chiến, nhiều cuộc tranh luận dữ dội trên mặt báo với đồng nghiệp, chúng tôi đã không sử dụng phương tiện truyền thông sẵn có, với vũ khí bén nhọn của tờ báo trong tay để hạ độc thủ, hoặc tạo danh vọng, thỏa mãn tự ái riêng tư cho mình. Ngược lại, ngoài nhiệm vụ truyền thông đại chúng, vợ chồng chúng tôi đã cố gắng dùng tờ báo làm phương tiện phát triển những công tác thiện nguyện, xã hội, tôn giáo, phục vụ cộng đồng... đóng góp vào sự phát triển văn hóa, chính trị, xã hội của cộng đồng người Việt Tị nạn tại hải ngoại (chúng tôi có lập được một cơ quan thiện nguyện lấy tên là Đẹp Charity Fund, nhằm phục vụ, trợ giúp các cơ sở thiện nguyện - không phân biệt tôn giáo -  bên nhà và tại địa phương). Vào những năm gần đây lại có dịp tâm sự, bàn chuyện tu hành chuẩn bị cho “kiếp sau” cùng đôi uyên ương Tuấn Tô-Hiền Nguyễn trong nhóm bạn cũ, (Nguyễn Thị Hiền lại là đồng nghiệp dạy học trường Nguyễn Du cùng với Võ Kim Huê, Hiền lên xe hoa về với Tô Anh Tuấn cùng một ngày cưới với vợ chồng tôi và Hiền lại là em gái của Nguyễn Thanh Tùng trong nhóm 13 - trường Ngô Quyền và thành phố Biên Hòa nhỏ thật!) nên những việc “hướng thiện” trong nghề nghiệp càng gia tăng.

       Trong một thể chế dân chủ, truyền thông nắm giữ một vai trò rất quan trọng, đứng vào hàng thứ Tư sau Tam đầu chế. Nhưng nếu những ai thực thi quyền hạn thứ Tư này mà không ý thức được những hậu quả không tốt do quyền lực này tạo ra, nhất là đối với những người làm báo “tắt” như chúng tôi thì “Nghiệp Quả” khó lường! Chúng tôi vẫn nhớ đến câu nói của một văn hào Mỹ rằng “Ngòi bút còn nguy hiểm hơn lưỡi gươm”, giờ đây qua phím chữ của máy điện toán, những bài viết còn nguy hiểm gấp vạn lần. Một cá nhân lỡ thốt câu nói “ác” sẽ làm nhiều người nghe đau khổ, nhưng một bài viết trên mặt báo, trên mạng lưới thông tin toàn cầu Internet, trên trang nhà Depweekly.com, v.v... nếu người viết không tự chế sẽ gây phiền muộn cho hàng chục, hàng trăm ngàn người đọc... mà “hậu quả” tai hại ra sao, thực khó nghĩ bàn. Và cũng vì thường xuyên suy nghĩ về chuyện Nghiệp Quả mà vợ chồng chúng tôi dẫu biết rằng vẫn đam mê nghề báo, nhưng vẫn mong muốn có một ngày nào đó sẽ rũ gánh ra đi, không còn bị vướng bận vào vòng hỉ, nộ, ái, ố, tham, giận, sân, si... để kiếp sau khỏi gánh nhiều tội lỗi. Ôi cũng là Nghiệp Duyên, Nghiệp Báo!

Thôi thì:

   “Đã mang lấy Nghiệp vào thân

 Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!” (ND).

 

 

04 Tháng Hai 2009(Xem: 47220)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 82021)
  Như mây xuống phố chiều nay , Nhớ về trường cũ những ngày xa xưa. Môt mình lê bước trong mưa, Mang theo kỷ niêm trường xưa Ngô Quyền .  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 37851)
  Một ngày cuối tháng 5 năm 2004, nhóm CHS/NQ/NCA tề tựu lại làm một cuộc viễn du lên miền Bắc Cali. Trước mắt là để xả hơi sau những ngày vật lộn với miếng cơm manh áo, sau là họp mặt với nhóm CHS/NQ/BCA để cùng ra mắt cuốn Kỷ Yếu CHS/NQ 2004.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 73696)
  Bốn mươi năm lẻ: nửa bóng câu. Em biết đến ta bạc mái đầu. Lầu chiều Hoàng Hạc còn đứng đợi. Mang hết niềm riêng tới muôn sao.    
04 Tháng Hai 2009(Xem: 77504)
Mưa rơi trên phố vắng, Mưa rơi trên đường xưa Ta, nỗi buồn sâu lắng, Ngồi quạnh hiu, nghe mưa!
04 Tháng Hai 2009(Xem: 36142)
  Dù biết rằng viết những lời tán tụng nhan sắc của cô, tôi đã làm một việc quá thừa, nhưng tôi vẫn muốn cô biết những ý nghĩ của tôi và biết đâu của nhiều bạn khác cùng lứa đã “say mê” cô như tôi vậy!    
03 Tháng Hai 2009(Xem: 40390)
Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp không nói ra lời. Đối với bạn bè là những điều trân quý và đối với học trò là những kỷ niệm. Đời tôi sinh ra là như thế với nhiều mảnh vụn làm nên cuộc sống hiện sinh. Hiện sinh trong cuộc đời và hiện sinh trong đời người.
03 Tháng Hai 2009(Xem: 75494)
  Gặp nhau truyện cũ vui như tết, Nhắc lại ngày xưa, đẹp tựa hoa.  
03 Tháng Hai 2009(Xem: 39188)
  Cho đến nay 50 năm trôi qua với bao nhiêu biến động khủng khiếp của lịch sử, được diễm phúc là một học sinh lớp B3 của trường Ngô Quyền thuở sơ khai tôi xin ghi lại đây bằng ký ức của mình và vài bạn trong ba lớp Ngô Quyền I hình ảnh Trường Ngô Quyền chúng ta được khai sanh giữa thời đất nước chuyển tiếp từ chế độ thuộc địa Pháp sang nền Đệ Nhất Cộng Hòa
03 Tháng Hai 2009(Xem: 34064)
  Tất cả kỷ niệm về trường Ngô Quyền là nỗi ngậm ngùi của những cựu học sinh, vì trường cũ còn đâu!
03 Tháng Hai 2009(Xem: 36882)
  Thế hệ chúng tôi ăn sinh nhật tuổi 18 của mình ngay năm 1975, bài viết này xin dành cho những bạn học, từ lớp 6 đến lớp 12 của trường Ngô Quyền năm 1975. Bao nhiêu người đã như một đàn chim tung cánh, bước ra khỏi cổng trường và bay đi tứ phương. Có những người hạnh phúc và thành đạt, có những người lầm than và khắc khoãi.
03 Tháng Hai 2009(Xem: 69140)
  Ta vẫn là ta tự thủa nào Môi hồng, mắt sáng, mộng trăng sao… Trùng Phùng mở hội, mười phương nhạc , Xuân ngát một trời, tình vời cao !                                
03 Tháng Hai 2009(Xem: 39308)
  . Mười ba năm đi dạy, là mười ba năm tôi sống hạnh phúc nhất đời tôi. Người thầy là con đò chở các em sang bờ khác. Cuộc hành trình không nhàm chán, rất thú vị và “tích lũy” kỷ niệm.
03 Tháng Hai 2009(Xem: 80536)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74010)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65687)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 33839)
  Phải chi dòng sông Đồng Nai chảy ngược, có thể tôi đã thấy lại mình trong sân trường ngày trước, thuở học trò vô tư
02 Tháng Hai 2009(Xem: 42888)
Trong đời làm việc của tôi, từ dân tới lính, ông là vị chỉ huy duy nhất mà tôi còn nhớ tới, với lòng kính trọng.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 38587)
  Một ngọn gió dịu mát của mùa Xuân đã đưa tư tưởng tôi bỗng dưng trở về nơi chốn cũ, nơi đó có bày chim con chưa ra ràng nhưng đã muốn tập tễnh bay lượn, vỗ đôi cánh non nớt như muốn tung bay ra khỏi tổ ấm êm đềm và sự che chở thương yêu của chim mẹ, muốn tìm hiểu chân trời ngoài kia bao la rực rỡ muôn màu ra sao .
02 Tháng Hai 2009(Xem: 46353)
Những ngày xa quê hương, lưu lạc xứ người, bận biụ với cuộc sống, tôi luôn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về xứ Cù Lao với dòng sông Đồng Nai yêu dấu; gần đây tôi có tìm đọc thêm về xứ Đồng Nai thuở ban sơ cùng sự nghiệp khai sáng miền Nam của Ngài Nguyễn Hữu Cảnh. Nay tôi xin ghi lại những sự kiện, kiến thức tìm học đựơc bằng tấm chân tình cuả người con đất Cù Lao Phố, Đồng Nai.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 71717)
Ngày nay con đã là cô giáo, "Mộng" đã thành rồi!...Mẹ thấy đâu? Đầu xanh bao mái nhòa trong mắt, Vẳng nghe tiếng mẹ ở nơi nao?...
02 Tháng Hai 2009(Xem: 34524)
  Năm đó, tôi về Việt Nam ăn Tết và cũng để mừng má tôi tròn một trăm tuổi. Đó là lần thứ hai tôi về Việt Nam . Kỳ trước về với vợ con nên đi đâu chúng tôi cũng dùng xe nhà của thằng em bà con cho mượn với tài xế (Thằng em này "biết làm ăn" nên bây giờ nó khá lắm). Kỳ này về một mình, tôi định nếu có dịp sẽ dùng xe công cộng một lần cho biết.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78452)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68754)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 66843)
*   Viết kính tặng thầy Nguyễn Xuân Hoàng với lòng Yêu Thương, Kính Trọng và Cảm Thông sâu xa nhất .  
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76188)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 81420)
(Thân tặng các em cựu học sinh Ngô Quyền, đặc biệt các em Ban Văn Nghệ Hiệu Đoàn thời 69-71 )
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76780)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?