Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Bội Trân - Trường Ngô Quyền Của Tôi Và Sách.

03 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 36880)
Bội Trân - Trường Ngô Quyền Của Tôi Và Sách.

 

    Trường Ngô Quyền của tôi và Sách.

                            Bội Trân

(Lớp 10B1 niên khoá 1972-73, lớp 11B2 niên khoá 73-74 và lớp 12 A niên khoá 74-75).

 

   

 

    Mỗi người Việt Nam, nhất là những người miền Nam bây giờ hai thứ tóc dường như có một cuộc đời chẻ hai: trước 1975 và sau 1975.

    Thế hệ chúng tôi ăn sinh nhật tuổi 18 của mình ngay năm 1975, bài viết này xin dành cho những bạn học, từ lớp 6 đến lớp 12 của trường Ngô Quyền năm 1975. Bao nhiêu người đã như một đàn chim tung cánh, bước ra khỏi cổng trường và bay đi tứ phương. Có những người hạnh phúc và thành đạt, có những người lầm than và khắc khoải.

    Tôi thích đi học. Bởi vì đi học, tôi có bạn bè và mỗi môn học có một niềm lý thú riêng. Môn Hình Học khai triển những góc nhìn mới và đưa ra những kết luận chặt chẽ; môn Văn thú vị bởi vì tôi thích văn chương, tuy nhiên, không phải là Cổ văn; môn Vạn Vật vui vì vẽ nhiều hình, và nói chuyện hoa đực tiếp xúc với hoa cái. Tôi ngồi ở ghế học sinh, nhìn thầy cô giáo của mình bằng đôi mắt học trò đầy ngưỡng mộ và học hỏi, nhưng cũng rất hay quan sát. Cô giáo dạy Văn năm lớp 7 hay lớp 8 có một cái eo rất nhỏ, Cô giáo dạy Hoá Học năm 12 tên là Lý đẹp như một minh tinh màn ảnh, nhưng tôi mãi mê nhìn cô mà không hiểu Cô giảng gì hết! Thầy giáo dạy môn Vật Lý là Thầy Mai Kiến  Phúc giống như một kịch sĩ đại tài xoãi chân hết bục giảng, thao thao với những kiến thức về cơ, véc-tơ. Mấy lần tôi thấy Thầy cưỡi ngựa đi trong thành phố Biên Hoà.

    Tôi nhớ hồi cuối năm lớp 10, khi con gái và con trai bắt đầu học chung, tôi lãnh phần thưởng hạng nhất, qua mặt “địch thủ” con trai. Thật ra, con gái có nhiều cơ hội để “học giỏi”, nghĩa là đạt điểm cao, hơn con trai với kiểu tính thang điểm thời đó. Tôi không giỏi Toán bằng Phước, anh chàng đứng thứ hai năm đó, tôi cũng không đứng nhứt môn Hoá Học. Nhưng bù lại, tôi luôn đứng nhứt môn Việt Văn, hai môn sinh ngữ là Pháp Văn và Anh Văn và hầu như mọi môn “gạo” như Vạn Vật, Công Dân, Sử Ký đối với tôi như những câu chuyện kỳ thú. Thật không khó khăn gì mà kể mấy chuyện đó lại trên giấy làm bài. Đứng hạng nhất cuối lớp 10, nghĩa là qua mặt bọn con trai, bà nội tôi là người khoái chí nhất; bà mua tặng cho tôi chiếc xe đạp mini màu tím để làm quà. Trời đất chứng giám, đây là người phụ nữ có tinh thần nữ quyền (feminist) đầu tiên mà tôi biết và ngưỡng mộ trong đời.

    Nhưng con gái học giỏi trong một lớp có con trai là điều khó lòng chấp nhận. Một buổi học gần cuối năm, trong hộc bàn của tôi là tên tôi bị khắc vào bằng thuốc súng và đốt cháy! Trời đất, sao mà khủng bố quá vậy. Đầu năm lớp 11 tôi xin chuyển sang lớp khác, một lớp toàn con trai. Tôi  là nữ sinh duy nhất trong lớp, và tôi chuyển cả sinh ngữ chính của mình từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Tôi ngồi cạnh Phạm Kim Luân, được Luân nhường cho ngồi đầu bàn, với một lời đe doạ : “Chỗ ngồi thì nhường, nhưng chuyện học hành thì không nhường đâu!”. Luân sau này vượt biên và định cư ở Hoà Lan, trở thành một Kiến Trúc Sư.

 

    Những ngày còn đi học ở Ngô Quyền là những ngày thơ mộng, nhất là những buổi chiều tan học về, nữ sinh túa ra khỏi cổng trường như một đàn bướm trắng, hai cô đi từng cặp, phần lớn ôm cặp trước ngực khép nép, tà áo dài bay nhè nhẹ theo gió và theo bước chân đi. Hình ảnh đó khiến cho người ta cảm thấy một cảm giác yên bình, nhịp nhàng và đẹp. Sau 1975, tôi không thấy cảnh đó nữa, nữ sinh thời kỳ sau này hình như năng động hơn nhiều, các cô đi hàng ba hàng tư và phần lớn đi xe đạp, xe gắn máy. Những con bướm trắng hình như không còn nhẹ nhàng nữa.

    Một buổi tan học về, một bạn nam sinh học cùng lớp chạy theo tôi, hổn hển: “Cho tui gởi cái này”. Tim tôi đập mạnh, một lá thư! Tay tôi ôm chiếc cặp vào trong ngực, nhìn cái phong thư, ngần ngừ. Người bạn nói tiếp: “Nhờ đưa dùm cho Vân Anh nghen”. Vân Anh là em gái kế của tôi.

 

    Tôi yêu quí căn nhà của tôi, mỗi ngày đi học về tôi bước vô nhà với niềm hảnh diện vì những cuốn sách. Tiệm sách  dài hơn 30 mét, hun hút hai hàng kệ  gỗ đầy ắp sách và những chiếc kệ sắt quay. Tôi mê say nhìn những tủ sách, giá sách, những hàng ngay thẳng tắp. Những chiếc bìa sách đầy màu sắc. Mỗi buổi sáng, cô tôi và hai người giúp việc quét dọn sạch sẽ những ngăn kệ tủ kiếng và sàn nhà. Buổi tối, căn nhà sáng rực lên với ánh đèn néon, ánh sáng phản chiếu từ những bìa sách bóng láng. Và tối nào, cô tôi cũng bật nhạc lên, phát ra từ cái loa của một dàn Akai, tôi vẫn còn nhớ bản nhạc “Em đẹp nhất đêm nay” do ca sĩ Thanh Lan hát, có lẽ là bản nhạc ưa thích của cô tôi, còn tôi, tôi mê giọng ca Thái Thanh với bài “Giòng sông xanh” và bài “Cánh hồng Trung Quốc”, ai là ca sĩ, tôi không nhớ. Cho tới bây giờ, trái tim tôi vẫn có thể thổn thức khi nghe lại hai bản nhạc này. Vì sự liên kết với cái nhà sách, vì chính âm nhạc? Chịu, tôi không biết.

 

    Tôi bước vô nhà mình, mà cứ tưởng như mình bước vô một tòa lâu đài! Màu sắc và âm nhạc đưa tôi vào một thế giới đầy mơ mộng, tôi không biết rằng, ngoài kia, thế giới là một chốn nhiều trắc trở và nguy nan.

    Nhà sách của gia đình tôi trong nhiều năm trở thành chỗ hẹn hò của những cặp tình nhân học trò. Những đôi tình nhân đứng sau những chiếc kệ sắt này, quay lưng với bên ngoài, một hai quyển sách trên tay họ; nhưng họ không để ý mấy đến sách, họ nói chuyện rầm rì với nhau và thường chọn những góc trong cùng, nơi ánh sáng tự nhiên của vùng nhiệt đới không với tới. Tôi, cô gái mới lớn chưa có bạn trai, mở hết những ngọn đèn néon để xua đuổi những người không phải là khách hàng mua sách mà chỉ đến đây như một chỗ hẹn hò.

    Ngoài những giờ học, tôi có nhiệm vụ phải “coi nhà”, nghĩa là, đứng trong tiệm sách, thu tiền bán sách, gói hàng và coi chừng những kẻ xấu thói cầm sách đi ra khỏi tiệm mà quên trả tiền. Tôi không thích nhiệm vụ này, bởi vì những cuốn sách hấp dẫn tôi hơn. Mỗi bìa sách là một cánh cửa mở ra một chân trời mới, một câu chuyện mới, một thế giới mới mà tôi khao khát bước vào. Tôi chúi mũi vào cuốn sách, và rất thường xuyên, nhận một cái cú đầu vì tội “coi nhà cái kiểu này hả ? Thiên hạ có khiêng hết tiệm đi, mày cũng không biết!”  Tôi bị bao nhiêu cái cú đầu, tôi không nhớ. Tôi tự hẹn mình là hễ thi xong tú tài thì dành ra đúng một tháng để đọc sách cho đã. Tôi không làm được điều đó!

 

    Tháng 3 năm 1975, tôi được trường báo cho đi thi giải văn chương phụ nữ toàn quốc kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng. Tôi đoạt giải 3. Lúc đó, tôi học buổi sáng. Một người bạn kể lại rằng học sinh, phần lớn là nam sinh học buổi chiều, tung nón lên trời khi nghe thầy Thành báo tin trường Ngô Quyền đoạt một giải thưởng. Mấy bà hàng xóm nói với má tôi, “ Nhà chị một nhà sách mà làm sao con chị không giỏi được!” Tôi chỉ muốn cải lại rằng tôi chưa đọc hết. Và chuyện đoạt giải thưởng đó không có gì liên hệ với cái nhà sách hết. Một bà hàng xóm khác hỏi: “Nó là con nhỏ lùn nhất trong đám mà, phải không?” Ý bà muốn nói, tôi thấp nhất trong những cô nữ sinh nhận giải thưởng văn chương Hai Bà Trưng. Ngoài một cái mề đai bằng vàng chạm hình Hai Bà Trưng cởi voi (Má tôi sau 1975 đã gở ra và nấu chảy đi, để tránh “hoạn nạn”), còn có một điều khoản nữa là những nữ sinh đoạt giải sẽ nhận được học bổng để du học nếu điểm thi tú tài vượt lên bình thứ.

    Tôi viết bài luận văn dài gần 10 trang giấy chỉ kể lại niềm kính phục của tôi đối với cô giáo dạy lớp 5 của mình, cô Đoàn Trung Dung ở trường Nữ Tiểu Học. Cô nói “Dầu ngày mai mà chiến tranh có làm chết hết mọi người thì hôm nay các em vẫn phải học!” Cô nói điều đó năm 1968, khi mà chiến sự Mậu Thân làm hoang mang mọi người Việt Nam phía nam vĩ tuyến 17. Những đứa học trò nhỏ của cô, trong số đó chắc là tôi là kẻ thành tín nhất, đã nghe theo lời của cô. Năm đó, lớp của cô đậu vô trường Ngô Quyền với tỉ lệ cao và điểm cao nữa.

   

    Ngoài cái thú đọc sách, tôi rất ham học. Đinh ninh rằng mình là đứa con gái được sinh ra mà bà mụ quên tặng cho một chút sắc đẹp làm của hồi môn, tôi tin rằng mình phải sắm sửa cái bộ óc của mình kỹ lưỡng để hòng nhận được sự trìu mến và  chú ý của gia đình. Mộng ước lớn nhất của tôi là đi du học, chuyện này “sinh sự” khi tôi nghe câu chuyện về một học sinh trường Ngô Quyền, Huỳnh Quan Danh, nhận phần thưởng mà phải đón xích lô chở về trong thập niên 1960s, chắc là lúc mà chính quyền Ngô Đình Diệm muốn dùng giáo dục làm đòn bẩy cho những cải cách xã hội. Tiếc thay, những dự án tốt đẹp của chính quyền này không đi đến cùng. Anh Danh sau đó đã nhận học bổng Colombo và du học ở Sydney. Sydney ở đâu? Tôi không biết.

   

    Một buổi học, tôi vào trường và thấy bàn ghế ngổn ngang.  Ở cuối lớp mấy bạn nam sinh ngồi tư lự, một bạn khác đập tay xuống bàn và làm nứt cái mặt bàn, tôi nhăn mặt cảm giác như cái bàn biết đau. Các bạn nam sinh nghe tin về lệnh tổng động viên, và có thể, họ sẽ không kịp thi Tú Tài vì phải đi quân dịch!

    Tháng Tư, tôi vẫn vùi đầu học thi Tú Tài, học thi mà không biết là miền Nam sắp sửa xụp đổ, không biết cả chuyện ông tổng thống của mình đọc diễn văn từ chức. Tôi cứng đầu, học miệt mài, nhất định phải thi đậu cao cho cái bằng Tú Tài để còn đi du học! Tôi vào trường, ngơ ngẩn thấy Thầy giáo không lên lớp dạy, còn bạn bè thì tụ năm, tụ ba bàn tán về chuyện thời sự.

    Những ngày cuối tháng Tư của năm 1975, cả thành phố Biên Hòa có một bầu không khí khác lạ, mọi người vội vã, đầy lo âu. Cuối tháng Tư, hầu như không ai quan tâm tới sách vở, nhà sách vắng vẻ. Tôi ngó ra đường, xe cứu thương và những chuyến xe camion chở xác chết rầm rập đi về phía nhà thương. Một buổi sang, tôi nhìn thấy những xác chết nẩy lên khi chiếc xe tải dằn trên một ổ gà. Những xác chết có biết đau?

   

    Sau đó, nhà sách của ba tôi bị “niêm phong”, nghĩa là không được đụng đậy gì hết, từ những quyển tiểu thuyết Việt Nam và nước ngoài, những sách giáo khoa, những cuốn tự điển cho tới cục gôm, cây thước. Những cuốn sách, đối với tôi, trở thành một thế giới băng tảng đóng kín. Hình như những bìa sách cũng ỉu màu đi, úa tàn. Khi những quyển sách được đưa đi trên xe tải, tim tôi thắt lại, chia tay với những người bạn thân thiết, chia tay với thế giới mà tôi chưa được phép bước vào, tuy rằng nó chỉ ở ngưỡng cửa nhà tôi!

 

 

 

04 Tháng Hai 2009(Xem: 47212)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 82018)
  Như mây xuống phố chiều nay , Nhớ về trường cũ những ngày xa xưa. Môt mình lê bước trong mưa, Mang theo kỷ niêm trường xưa Ngô Quyền .  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 37850)
  Một ngày cuối tháng 5 năm 2004, nhóm CHS/NQ/NCA tề tựu lại làm một cuộc viễn du lên miền Bắc Cali. Trước mắt là để xả hơi sau những ngày vật lộn với miếng cơm manh áo, sau là họp mặt với nhóm CHS/NQ/BCA để cùng ra mắt cuốn Kỷ Yếu CHS/NQ 2004.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 73692)
  Bốn mươi năm lẻ: nửa bóng câu. Em biết đến ta bạc mái đầu. Lầu chiều Hoàng Hạc còn đứng đợi. Mang hết niềm riêng tới muôn sao.    
04 Tháng Hai 2009(Xem: 77495)
Mưa rơi trên phố vắng, Mưa rơi trên đường xưa Ta, nỗi buồn sâu lắng, Ngồi quạnh hiu, nghe mưa!
04 Tháng Hai 2009(Xem: 36137)
  Dù biết rằng viết những lời tán tụng nhan sắc của cô, tôi đã làm một việc quá thừa, nhưng tôi vẫn muốn cô biết những ý nghĩ của tôi và biết đâu của nhiều bạn khác cùng lứa đã “say mê” cô như tôi vậy!    
03 Tháng Hai 2009(Xem: 40388)
Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp không nói ra lời. Đối với bạn bè là những điều trân quý và đối với học trò là những kỷ niệm. Đời tôi sinh ra là như thế với nhiều mảnh vụn làm nên cuộc sống hiện sinh. Hiện sinh trong cuộc đời và hiện sinh trong đời người.
03 Tháng Hai 2009(Xem: 75489)
  Gặp nhau truyện cũ vui như tết, Nhắc lại ngày xưa, đẹp tựa hoa.  
03 Tháng Hai 2009(Xem: 39186)
  Cho đến nay 50 năm trôi qua với bao nhiêu biến động khủng khiếp của lịch sử, được diễm phúc là một học sinh lớp B3 của trường Ngô Quyền thuở sơ khai tôi xin ghi lại đây bằng ký ức của mình và vài bạn trong ba lớp Ngô Quyền I hình ảnh Trường Ngô Quyền chúng ta được khai sanh giữa thời đất nước chuyển tiếp từ chế độ thuộc địa Pháp sang nền Đệ Nhất Cộng Hòa
03 Tháng Hai 2009(Xem: 34060)
  Tất cả kỷ niệm về trường Ngô Quyền là nỗi ngậm ngùi của những cựu học sinh, vì trường cũ còn đâu!
03 Tháng Hai 2009(Xem: 69135)
  Ta vẫn là ta tự thủa nào Môi hồng, mắt sáng, mộng trăng sao… Trùng Phùng mở hội, mười phương nhạc , Xuân ngát một trời, tình vời cao !                                
03 Tháng Hai 2009(Xem: 39305)
  . Mười ba năm đi dạy, là mười ba năm tôi sống hạnh phúc nhất đời tôi. Người thầy là con đò chở các em sang bờ khác. Cuộc hành trình không nhàm chán, rất thú vị và “tích lũy” kỷ niệm.
03 Tháng Hai 2009(Xem: 80532)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74008)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65687)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 33834)
  Phải chi dòng sông Đồng Nai chảy ngược, có thể tôi đã thấy lại mình trong sân trường ngày trước, thuở học trò vô tư
02 Tháng Hai 2009(Xem: 42883)
Trong đời làm việc của tôi, từ dân tới lính, ông là vị chỉ huy duy nhất mà tôi còn nhớ tới, với lòng kính trọng.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 38584)
  Một ngọn gió dịu mát của mùa Xuân đã đưa tư tưởng tôi bỗng dưng trở về nơi chốn cũ, nơi đó có bày chim con chưa ra ràng nhưng đã muốn tập tễnh bay lượn, vỗ đôi cánh non nớt như muốn tung bay ra khỏi tổ ấm êm đềm và sự che chở thương yêu của chim mẹ, muốn tìm hiểu chân trời ngoài kia bao la rực rỡ muôn màu ra sao .
02 Tháng Hai 2009(Xem: 46350)
Những ngày xa quê hương, lưu lạc xứ người, bận biụ với cuộc sống, tôi luôn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về xứ Cù Lao với dòng sông Đồng Nai yêu dấu; gần đây tôi có tìm đọc thêm về xứ Đồng Nai thuở ban sơ cùng sự nghiệp khai sáng miền Nam của Ngài Nguyễn Hữu Cảnh. Nay tôi xin ghi lại những sự kiện, kiến thức tìm học đựơc bằng tấm chân tình cuả người con đất Cù Lao Phố, Đồng Nai.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 71706)
Ngày nay con đã là cô giáo, "Mộng" đã thành rồi!...Mẹ thấy đâu? Đầu xanh bao mái nhòa trong mắt, Vẳng nghe tiếng mẹ ở nơi nao?...
02 Tháng Hai 2009(Xem: 34517)
  Năm đó, tôi về Việt Nam ăn Tết và cũng để mừng má tôi tròn một trăm tuổi. Đó là lần thứ hai tôi về Việt Nam . Kỳ trước về với vợ con nên đi đâu chúng tôi cũng dùng xe nhà của thằng em bà con cho mượn với tài xế (Thằng em này "biết làm ăn" nên bây giờ nó khá lắm). Kỳ này về một mình, tôi định nếu có dịp sẽ dùng xe công cộng một lần cho biết.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78451)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68750)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 66840)
*   Viết kính tặng thầy Nguyễn Xuân Hoàng với lòng Yêu Thương, Kính Trọng và Cảm Thông sâu xa nhất .  
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76184)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 38716)
Thôi thì:    “Đã mang lấy Nghiệp vào thân   Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!” (ND).  
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 81407)
(Thân tặng các em cựu học sinh Ngô Quyền, đặc biệt các em Ban Văn Nghệ Hiệu Đoàn thời 69-71 )
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76772)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?