Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Thích Nữ Hằng Như - TÌM HIỂU Ý NGHĨA KINH “THỪA TỰ PHÁP”

24 Tháng Mười 20202:52 CH(Xem: 5806)
Thích Nữ Hằng Như - TÌM HIỂU Ý NGHĨA KINH “THỪA TỰ PHÁP”



 
TÌM HIỂU Ý NGHĨA

KINHTHỪA TỰ PHÁP”

Thích Nữ Hằng Như

kinh-thua-tu-phap

 

I. DẪN NHẬP

            “Thừa Tự”, theo quan niệm phong kiến xưa, có nghĩa là thọ hưởng của “hương hỏa” với trách nhiệm nối dõi việc thờ cúng Tổ tiên. Của hương hỏa là gia tài của ông bà cha mẹ để lại. Người “thừa kế ” được chỉ định trong cương vị này được gọi là “người thừa tự ”, mà người thừa tự phải là người con trai trưởng trong gia đình. Thông thường những gia đình giàu có sở hữu một công ty hay một xí nghiệp, khi chủ nhân nghỉ hưu, người được thừa  kế cơ nghiệp là người con trai trưởng trong gia đình. Vì người xưa có quan niệm như thế, nên nam nữ khi thành hôn với nhau đều mong muốn sớm sinh một cậu quý tử để nối dõi tông đường. Đó là điều trông đợi của ông bà, cha mẹ nhà chồng.  Nếu sau một thời gian người phụ nữ không sinh được con trai sẽ bị gia đình nhà chồng coi thường, hất hủi. Như vậy ý nghĩa của “thừa tự ” theo quan niệm thế gian là thừa hưởng gia tài của cải vật chất. Riêng trong đạo Phật, Đức Thế Tôn lại đề cao “thừa tự Pháp” hơn là “thừa tự tài vật”. Tại sao thế ? Để có câu giải đáp, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa “bài kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadàyàda Sutta)”. Bài kinh này là bài kinh thứ ba, được ghi lại trong Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya), do Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pãli sang tiếng Việt.

 

II. TÌM HIỂU Ý NGHĨA “KINH THỪA TỰ PHÁP”

            Đức Phật thuyết kinh “Thừa Tự Pháp” cho các tỷ-kheo, tại Kỳ Viên Tịnh Xá trong khu rừng Kỳ Đà (Jetavana), vườn ông Cấp-Cô-Độc (Anathapindika) thuộc thành Xá-Vệ (Savatthi). Ngài giảng bài kinh này, vì trong thời gian đó có một số vị Tỷ-kheo dính mắc vào tài sản vật chất. Sự dính mắc này rất tai hại bởi nó sẽ khiến cho người ta lơ là với pháp tu Giới-Định-Huệ là con đường đưa tới giác ngộ giải thoát. Vì lòng thương yêu đệ tử nên Đức Phật đã nhẹ nhàng cảnh tỉnh các Tỷ-kheo qua bài kinh “Thừa Tự Pháp”.

Bài kinh này gồm hai bài pháp khác nhau:

Bài thứ nhất do Đức Phật thuyết, nội dung sách tấn chư Tỷ-kheo hãy nên thừa tự ba mươi bảy phẩm trợ đạo như là tài sản Pháp của Như Lai trao truyền, và không nên ham thích sở hữu tài sản vật chất nhiều hơn tứ vật dụng.

Bài thứ hai do Tôn giả Sariputta (Xá-Lợi-Phất) giảng. Tôn giả Sariputta khuyên chư Tỷ-kheo nên  noi gương Đức Phật sống đời độc cư (viễn ly), tu tập bát thánh đạo đắc các tầng thiền và nỗ lực phấn đấu đoạn tận tham, sân, si… hầu được sống trong trạng thái an vui Niết-bàn.

           

A. NGUYÊN VĂN BÀI PHÁP, ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG:

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-Vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp-Cô-Độc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”, -- “Bạch Thế Tôn”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói:

-- Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật”. Và này các Tỷ-kheo, nếu các Ngươi là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Ngươi trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải  là những người thừa tự Pháp”.

Và này các Tỷ-kheo, nếu các Ngươi là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Ngươi trở thành những người mà người ta nói: “Cả Thầy và trò là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?”

B. Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ:

            - Thừa tự: Là thừa kế hay thừa hưởng, thọ hưởng.  Thí dụ như thừa hưởng gia tài của cải từ Cha Mẹ để lại. Hay thừa hưởng sự thông minh của Cha Mẹ v.v…

            - Pháp: Pháp (Dhamma) ở đây có nghĩa là những chân lý, lời dạy của Đức Phật. Những lời dạy này nhằm củng cố đạo đức, phát huy tuệ giác giúp cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc giai cấp, nếu thực hành đúng theo Chánh pháp sẽ đưa đến kết quả thoát khổ giải thoát.

- Thừa tự Pháp (Dhammadàyàda): Là thừa tự sự giác ngộ của Đức Phật được thể hiện qua sự truyền dạy của Ngài bằng cách thực hành nghiêm túc con đường  Giới-Định-Huệ nhắm tới mục tiêu giải thoát giác ngộ. Hay nói cách khác là kế thừa gia tài Phật Pháp, mà Đức Thế Tôn đã dày công hoằng pháp giảng dạy trong suốt 45 năm sau khi thành đạo.

- Tài vật: Là của cải vật chất như tiền bạc, vòng vàng, đá quý, nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn v.v…

- Thừa tự tài vật (Àmisadàyàda): Thừa hưởng hay kế thừa gia tài của Cha Mẹ hay bất cứ người thân nào để lại. Nói chung đó là tài sản thế gian, như vàng bạc, ngọc ngà, châu báu, nhà cửa, ruộng vườn, máy móc, công cụ sinh hoạt, sàng  tọa, y phục và thực phẩm v.v… Tài sản vật chất của người xuất gia chung quy chỉ là bốn món vật dụng cần thiết cho cuộc sống như y áo, thức ăn, thuốc men và sàng tọa. Đối với người xuất gia việc “thừa tự tài vật” theo kiểu thế gian là điều cấm kỵ, vì tài vật trói buộc con người vào sự hưởng thụ, đam mê và chấp thủ.

 

C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH:

Đại ý đoạn kinh này, Đức Thế Tôn đã khuyên bảo các đệ tử hãy là những người “thừa tự Chánh Pháp” của Ngài, chớ nên để vật chất lôi cuốn mà “thừa tự tài vật”, rơi vào cuộc sống tham dục, khát ái, ham ăn, thích ngủ…  Người xuất gia theo đạo Phật là người từ bỏ mọi của cải vật chất, lìa xa gia đình, từ chối các thú vui trần thế chọn con đường tu tập Giới-Định-Huệ  là con đường mà Đức Phật đã đi qua để thành tựu Thánh quả. Tất cả những gì Đức Phật giảng dạy được xem là một gia tài Pháp Bảo vô cùng quý giá. Muốn đạt được mục tiêu giải thoát thì người đệ tử hãy nên “thừa tự di sản quý báu” như ba mươi bảy phẩm trợ đạo (Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát thánh đạo…) của Phật để lại. Còn như, phủi tóc cạo đầu, khoác áo cà-sa làm vị Tỷ-kheo mà lại “thừa tự tài vật” thì sớm muộn gì, người này cũng buông lung xa rời Chánh Pháp, bị người đời đàm tiếu chê bai. Người đời không chỉ xem thường đệ tử của Phật, mà còn phê phán chê bai luôn đến Ngài. Họ cho rằng: “Cả thầy lẫn trò đều là những người thừa tự tài vật không phải là những người thừa tự Pháp” không xứng đáng được kính trọng là các bậc tu hành chân chính.

Đức Phật khuyên các Tỷ-kheo hãy “thừa tự Pháp” bằng cách học hỏi thâm nhập những lời Phật dạy, nỗ lực hành trì và thực chứng trên thân tâm của mình. Sau đó, đem Pháp Phật quảng bá giúp cho chúng sanh thoát khỏi mê lầm đau khổ hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc lâu dài.

Tuy trong bài kinh, Đức Phật giảng cho các vị Tỷ-kheo nhưng bài học này cũng bao hàm cho cả hàng đệ tử tại gia có niềm tin bất thối nơi Ngài.

 

A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo):

Này các Tỷ-kheo, ở đây, một thời Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực của Ta đáng được quăng bỏ. Khi ấy có hai Tỷ-kheo đến, đói lả và kiệt sức. Ta có thể nói với hai vị ấy: “Này các Tỷ-kheo, Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực này của Ta đáng được quăng bỏ. Nếu các Ngươi muốn, hãy ăn đi. Nếu các Ngươi không muốn ăn, Ta sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh hay Ta sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy”.

Rồi một Tỷ-kheo có thể nghĩ như sau: “Nay Thế Tôn đã ăn xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý; và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Nhưng Thế Tôn có dạy như sau: “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật”. Đây là loại tài vật, món đồ ăn này, ta hãy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày hôm nay bị đói lả và kiệt sức”. Rồi vị ấy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày ấy, đói lả và kiệt sức. 

Tỷ-kheo thứ hai nghĩ như sau: “Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý; và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm nay như vậy”. Rồi vị ấy ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy.

Này các Tỷ-kheo, dầu cho Tỷ-kheo này, sau khi ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy, nhưng đối với Ta, Tỷ-kheo đầu tiên đáng được kính nể hơn, và đáng được tán thán hơn. Vì sao vậy? Vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỷ-kheo ấy, trong một thời gian lâu ngày, ít dục, biết đủ, khổ hạnh, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là ngươi thừa tự Pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật.

 

B. NỘI DUNG ĐOẠN KINH:

            Đoạn kinh này, Đức Phật đưa ra một ví dụ về hai vị Tỷ-kheo từ xa đến viếng thăm vừa lúc Ngài hoàn tất bữa ăn. Đức Phật nói Ngài có thức ăn dư thừa phải đổ bỏ và họ có thể ăn nếu họ thích. Một trong hai vị Tỷ-kheo nhớ lời dạy của Đức Phật:  “Hãy “thừa tự Pháp” chứ không nên “thừa tự tài vật” của Ta”. Vị Tỷ-kheo này, thà chịu đói lả và kiệt sức qua ngày đêm chứ không ăn thức ăn được xem là “tài vật”còn lại của Đức Phật. Trong khi đó thì vị Tỷ-kheo thứ hai, ăn thức ăn còn lại của Đức Phật. Bữa ăn này đáp ứng được cơn đói và phục hồi được sức lực của vị ấy qua đêm.

Qua hành động của hai vị Tỷ-kheo, Đức Phật tuyên bố vị Tỷ-kheo thứ nhất từ chối thức ăn trong cơn đói lả và kiệt sức đáng được kính trọng và tán thán.

Trong câu chuyện ví dụ này, Đức Phật không hề khiển trách vị Tỷ-kheo thứ hai, bởi vì Đức Phật đã cho phép ai muốn ăn thức ăn dư thừa của Đức Phật thì ăn, nếu không thì Ngài cũng đem đổ đi. Vị Tỷ-kheo thứ hai nhờ bữa ăn thừa này, mà lấy lại được sinh lực. Có sinh lực thì việc hành pháp của vị đó được hăng hái và mạnh mẽ hơn là tình trạng đói lả kiệt sức trong hiện tại.

 Riêng vị Tỷ-kheo thứ nhất  được Đức Phật tán thán khen ngợi là vì Ngài nhận xét về mặt tinh thần. Một người biết tiết chế và kiểm soát sự tham muốn, sự đòi hỏi cồn cào của bao tử và chấp nhận chịu cơn đói hành hạ suốt cả ngày đêm như vậy, cho thấy vị này có khả năng sẽ tự thắng được những đòi hỏi ngũ dục, không dễ dàng bị lôi kéo vào những ham muốn phàm tục. Vị này sẽ nỗ lực tinh cần trau dồi pháp học, pháp hành, giữ vững tinh thần không chao đảo buông lung trước những quyến rủ của vật chất. Vị này sẽ tiếp tục trau dồi đức “thiểu dục tri túc”, để thăng hoa tinh thần của mình, đưa đến sự thành tựu quả Thánh trong tương lai.

 

            A. NGUYÊN VĂN BÀI PHÁP DO TÔN GIẢ SARIPUTTA THUYẾT GIẢNG:

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Nói xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh xá. Lúc ấy, Tôn giả Sariputta (Xá-Lợi-Phất), sau khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, liền gọi các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả Tỷ-kheo!” -- “Thưa vâng Hiền giả”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói:

“Này các Hiền giả, như thế nào là vị Đạo sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly?” -- “Này Hiền giả, chúng tôi từ xa lại để được hiểu nghĩa lý câu nói này từ Tôn giả Sariputta. Lành thay, nếu Tôn giả Sariputta thuyết giảng nghĩa lý câu nói ấy. Sau khi được nghe Tôn giả Sariputta thuyết giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì”—“Chư Hiền, vậy hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng”—“Thưa vâng, Hiền giả”, những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:

--  Này chư Hiền, ở đây vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ, và họ sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

            Này chư Hiền, các Thượng Tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị Đạo Sư sống viễn ly các đệ tử không tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, nhưng pháp ấy họ không từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các Thượng Tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này đáng bị quở trách.      

            Này chư Hiền, các Trung Tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách … (như trên)…

            Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng bị quở trách.

            Này chư Hiền, như vậy là những trường hợp vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly.

 

            B. Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ:

            - Sống Viễn ly: Nền tảng của đời sống xuất gia giúp cho hành giả đạt giá trị về tâm linh. Về phương diện địa lý, sống viễn ly là sống ở nơi thanh vắng (thân viễn ly) thường là ở nơi rừng núi nhằm hỗ trợ cho đời sống nội tâm được thanh tịnh, trong sáng (tâm viễn ly). Về phương diện tâm sinh lý đoạn tận tất cả những ham muốn hưởng thụ phàm tục đưa đến luân hồi (sanh y viễn ly). Tóm lại sống viễn ly là sống hướng tâm về Niết-bàn.

            - Đạo Sư : Ở đây là Đức Phật, bậc Thầy hướng dẫn trên đường tâm linh.

            - Hiền giả: Bậc hiền, chỉ chung cho các vị đã dự vào dòng Thánh (Dự lưu) đang trên con đường tu tập đời sống tâm linh hướng đến giải thoát.

            - Tôn giả: Tiếng gọi có tính cách kính trọng của các Tỷ-kheo đối với chư vị giáo thọ trong Tăng đoàn, như Tôn giả Xá-Lợi-Phất; Tôn giả Mục-Kiền-Liên, Tôn giả Đại-Ca-Diếp v.v….

            - Thượng Tọa Tỷ-Kheo: Các bậc Tỷ-kheo trưởng lão lớn tuổi Hạ.

            - Trung Tọa Tỷ-kheo: Các vị Tỷ-kheo có tuổi Hạ nhỏ hơn Thượng Tọa.

            - Các vị mới thọ Tỷ-kheo: Là các vị mới xuất gia tuổi Hạ một hoặc hai năm.

- Tùy học: Noi gương học tập và thực hành theo lời dạy của vị Đạo Sư.

            - Tín thọ : Tin theo, chấp nhận tu tập, hành trì.

            - Đọa lạc: Sa xuống cõi thấp, hưởng thụ ăn chơi, sa sút đạo đức.

 

C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH

            Đức Phật giảng đoạn kinh trên cho các Tỷ-kheo xong, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá. Sau khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, Tôn giả Sariputta nêu câu hỏi: “Thế nào là vị Đạo Sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly, và ngược lại thế nào vị Đạo Sư sống viễn ly mà các đệ tử của Ngài tùy học viễn ly?” Khi nghe câu hỏi của Tôn giả Sariputta, các Tỷ-kheo đã thỉnh cầu Tôn giả thuyết giảng ý nghĩa của câu hỏi ấy.

Tôn giả Sariputta đặt câu hỏi này là nhắm khai triển bài kinh “Thừa Tự Pháp” mà Đức Phật vừa mới giảng.  Sống viễn ly là cách sống của Đức Thế Tôn. Ngài sống viễn ly nên cũng đã dạy các đệ tử sống viễn ly giống như Ngài. Sống viễn ly mang ý nghĩa trên ba phương diện: Thân viễn ly, Tâm viễn ly và Sanh y viễn ly.

            - Thân viễn ly:  Tập sống một mình ở nơi vắng vẻ, cắt bớt tri kiến và nhân duyên thế gian bao nhiêu là bớt được bấy nhiêu phiền não lo âu. Thân viễn ly ở đây còn bao hàm việc rời xa cuộc sống hưởng thụ theo sự đòi hỏi của bản năng ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy là ham ăn ham ngủ, say đắm nhan sắc, tham tiền tài vật chất, mê danh vọng quyền lực. Người sống với “thân viễn ly” là người chọn lối sống đơn giản, thiểu dục tri túc, tuân thủ nếp sống có giới đức, chuyên tâm tu học và hành trì.

            - Tâm viễn ly: Sau khi đã thích ứng với đời sống thân viễn ly. Hành giả tiếp tục thực tập “tâm viễn ly” bằng cách nhiếp phục các pháp ô nhiễm dục tầm, sân tầm, hại tầm từ bên trong tâm thức. Tâm không còn lăng xăng vọng động chạy theo thế giới ngã tưởng bên ngoài, mà luôn được thanh tịnh trong sáng. Nói cách khác “tâm viễn ly” đồng nghĩa với “thực hành thiền định”, nghĩa là thực tập an trú trong một tâm thức trong sáng thanh tịnh, không dao động, không luyến ái, không hệ lụy, không dính mắc, thấy biết như thật (yatha-bhuta) khi lục căn tiếp xúc với lục trần. 

            - Sanh y viễn ly: Sanh y (upadhi) là thuật ngữ trong kinh tạng Pãli chỉ cho những nhân tố khiến con người tiếp tục trôi lăn trong vòng luân hồi sanh tử. Những nhân tố này, Đức Phật nhận dạng qua nhiều trạng thái như:

            - Tam độc: Tham, sân, si.

            - Năm triền cái: Tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo cử, hoài nghi.

            - Bảy tùy miên: Tham tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên.

            - Mười kiết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh.

            - Mười hai nhân duyên: Vô minh, hành, thức, danh-sắc, lục-nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết.

            Sống với “Sanh y” là sống với luân hồi sinh tử khổ đau. “Viễn ly sanh y” là thoát khỏi khổ đau sinh tử, nên “viễn ly sanh y” cũng có thể hiểu là Diệt đế (hết khổ) là Niết-bàn.

            “Đức Đạo Sư sống viễn ly các đệ tử không tùy học viễn ly” nghĩa là Đức Phật đã và đang sống theo đúng với những gì Ngài dạy, nhưng các đệ tử không học theo, không làm theo. Tôn giả Sariputta phân chia nếp sống viễn ly thành ba trường hợp dành cho tất cả các Tỷ-kheo không phân biệt những vị Tỷ-kheo nhiều tuổi hạ hay những vị mới thọ Tỷ-kheo. - Trường hợp thứ nhất là không tùy học viễn ly. -Trường hợp thứ hai là những pháp Đức Phật dạy từ bỏ mà không không từ bỏ. - Trường hợp thứ ba là nghiêng về đời sống đọa lạc hưởng thụ vật chất, lười biếng, sa sút đạo đức, tức không tuân thủ giới luật của người xuất gia. Những Tỷ-kheo nào phạm vào một trong ba trường hợp vừa nêu đều đáng bị quở trách.

 

A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)

            Và như thế nào, vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly? Này chư Hiền, vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Những pháp nào, vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ; và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly.

            Này chư Hiền, các Thượng Tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo Sư sống viễn ly các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Thượng Tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán.

            Này chư Hiền, các Trung Tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán… (như trên)…

            Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán.

            Này chư Hiền, như vậy là những trường hợp vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly.

           

B. NỘI DUNG ĐOẠN KINH:

Đoạn kinh này Tôn giả Sariputta giảng ngược lại với đoạn kinh ở trên như sau: “ Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly” nghĩa là các vị đệ tử nghiêm túc theo gương của Đức Phật mà tu hành. Các vị ấy thực thi nếp sống xuất gia đúng mực, tuân theo giới luật, nhiếp phục và buông bỏ các pháp trói buộc vào vòng sinh tử luân hồi (sanh y viễn ly), từ thân đến tâm, từ thô kệch đến vi tế (thân và tâm viễn ly). Thực hành các bước tu học theo Giới-Định-Huệ không để vật chất lôi cuốn vào cuộc sống sa đọa mất đạo đức (không thừa tự vật chất). Những vị Tỷ-kheo tinh tấn tu tập theo lời dạy của Đức Phật trên ba phương diện nêu trên xứng đáng được tán thán ngợi khen.

 

A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)

            Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền con đường Trung đạo ấy là gì – (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

            Ở đây, này chư Hiền, phẫn nộ là ác pháp và hiềm hận cũng là ác pháp, giả dối là ác pháp và não hại cũng là ác pháp, tật đố là ác pháp và xan lẫn cũng là ác pháp, man trá là ác pháp và tăng thượng mạn cũng là ác pháp, kiêu là ác pháp và phóng dật cũng là ác pháp. Có một con đường Trung đạo diệt trừ kiêu và diệt trừ phóng dật, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền, con đường Trung đạo ấy là gì – (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh , hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

            Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời giảng của Tôn giả Sariputta.

 

            B. Ý NGHĨA CÁC THUẬT NGỮ:

            - Tịch tịnh:  Nghĩa phổ thông là yên lặng, yên tĩnh không tiếng động. Nghĩa trong nhà Phật là: Tâm cảnh vắng lặng, thoát mọi lo âu, phiền não.

            - Chân trí: Trí tuệ chân thật, thấu đạt sự lý. Tên gọi khác là chánh trí hay thánh trí.

            - Tịnh nhãn: Thấy như thật, thanh tịnh, trong sáng, không điên đảo khen chê.

            - Thắng trí: Là khả năng hiểu biết (jànana)của người tu hành trong đạo Phật. Thấy biết thù thắng vượt lên trên sự hiểu biết thông thường của thế gian (Tưởng tri, Thức tri). Thắng trí là thấy biết đưa đến ly tham nhờ tu tập Tăng thượng giới, Tăng thượng Tâm, Tăng thượng trí tuệ (Giới Định Huệ). Thấy biết vượt ra ngoài mọi vọng niệm. (Khi thắng tri phát triển mạnh thông hiểu các pháp Phật dạy như Tứ diệu đế, Nhân quả…  buông bỏ mọi tập quán tham ái và chấp thủ, trong nhà Phật gọi cái thấy biết này là Tuệ tri. Còn Liễu tri là thấy biết đầy đủ rốt ráo viên mãn về bốn chân lý, tu tập và thành tựu mười thánh đạo.)

            - Con đường Trung đạo: Bát chánh đạo là con đường trung đạo  gồm tám ngành: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, gọi chung là Đạo đế. Đạo đế là một trong bốn đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế trong bài kinh “Tứ Thánh Đế”, Đức Phật giảng cho năm anh em Kiều Trần Như. Qua thời gian dài sáu năm trải nghiệm pháp tu Khổ Hạnh. Đức Phật nhận thấy hai đường lối cực đoan khổ hạnh và lợi dưỡng đều không phát huy trí huệ. Ngài đưa ra con đường trung đạo. Con đường trung đạo ở đây, không phải là con đường giữa hai thái cực khổ hạnh và lợi dưỡng, mà là con đường vượt trên thái độ và lối sống cực đoan đó.

            - Chánh tri kiến: (Là hiểu đúng) -  Biết rõ thiện ác, đúng sai, không lầm lẫn. Chánh tri kiến là nhận thấy một cách khách quan ngay thẳng, thấy như thật, không ảo giác, không bị thành kiến hay tình cảm ảnh hưởng làm sai lệch sự nhận xét chân chính. Trong bài kinh này, Chánh tri kiến còn có nghĩa là hiểu biết đúng về “Tứ thánh đế ”, hiểu rõ đặc tính “vô thường, khổ, vô ngã” của con người và hiện tượng thế gian.

            - Chánh tư duy: (Suy nghĩ đúng) - Suy nghĩ đúng với lẽ phải. Ở đây, tư duy về bài học “Tứ Diệu Đế”, suy xét vô minh, tham ái là nguyên nhân gây đau khổ, là nguồn gốc của tội ác. Suy nghĩ chọn phương pháp đúng tu hành giải thoát cho mình và cho người. Tóm lại tư duy đúng là từ bỏ mọi dục vọng tham sân si.

            - Chánh ngữ: (Nói đúng) - Nói lời thành thật, không ba hoa, dối trá, không ác độc, không chia rẻ, không dèm pha hại người.

            - Chánh nghiệp: (Làm đúng)- Hành động chân chánh, đúng lẽ phải, có lợi ích chung, thân không có những hành động xấu như tà dâm, trộm cắp, tổn hại tha nhân. Trong vấn đề tu tập nên giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, bằng cách luôn thực hành các nghiệp lành, xa lìa các nghiệp dữ.

            - Chánh mạng: (Mưu sinh đúng) – Nuôi thân bằng đường lối chân chính lương thiện, không kiếm tiền bằng những nghề sát sanh hại vật như đồ tể, đi săn, buôn bán vũ khí, xì ke ma túy v.v… Tăng đoàn thời Phật nuôi thân bằng cách đi khất thực mỗi ngày. Người ta cúng dường gì thì ăn cái nấy không khen chê.

            - Chánh tinh tấn: (Nỗ lực đúng) – Chánh tinh tấn trong nhà Phật có bốn loại tu tâm: 1- Nỗ lực ngăn ngừa những trạng thái tâm bất thiện pháp chưa sanh. 2.  Nỗ lực tiêu trừ những trạng thái tâm bất thiện đã sanh. 3) Nỗ lực phát sanh tâm thiện. 4) Nỗ lực duy trì và phát triển tâm thiện đã sanh cho đến khi chứng quả A-la-hán. Ngoài ra trong đời sống hằng ngày Chánh tinh tấn có nghĩa là siêng năng làm việc thiện lành tránh việc ác. Tóm lại Chánh tinh tấn có nghĩa là vun bồi thiện nghiệp cùng lúc đoạn diệt các ác nghiệp.

            - Chánh niệm: (Chú tâm đúng) – Niệm là tưởng nhớ, suy nghĩ, biết v.v..  Chánh niệm là nhớ, nghĩ đến những điều hay lẽ phải, quán tưởng về cảnh đời đau khổ, bệnh tật, mê mờ…  của chúng sanh mà khuyến tu. Nhớ, nghĩ làm những điều lợi ích chung. Trong vấn đề tu tập, Đức Phật giải thích Chánh niệm dưới dạng Niệm Xứ. Đó là niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm và niệm các Pháp (dục tham, sắc, sắc trần v.v..). Ngoài ra, Chánh niệm còn được hiểu là luôn chú ý tỉnh giác, giữ niệm Biết khi giác quan tiếp xúc với pháp trần. Nếu quên niệm Biết thì xem như bị thất niệm, tâm đi lang thang.

- Chánh định: Thành tựu bốn tầng định. Bước thứ nhất: Định có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục ly bất thiện pháp sanh. Bước thứ hai Định không tầm không tứ, hỷ lạc toàn thân do Định sanh. Bước thứ ba Chánh Niệm Tỉnh Giác hay Ly Hỷ Trú Xả. Bước thứ tư ngôn hành, ý hành và thân hành hoàn toàn yên lặng, hành giả đạt được Định Bất Động, an trú trong tâm Tathà.

- Phẫn nộ: Cơn giận dữ biểu lộ ra ngoài bằng lời nói hay hành động.

            - Hiềm hận: Giận mà không biểu lộ. rằng

            - Giả dối: Không trung thực, không đúng sự thật.

            - Não hại: Tức giận, xao xuyến đưa đến não loạn thân tâm. Đạo Phật cho                            ba món phiền não chính là tham, sân, si.

            - Tật đố: ganh tỵ, ghen ghét.

            - Man trá: Mưu chước thâm độc hại người khác.

            - Phản bội: Không trung thành, lừa dối, bất trung.

            - Ngoan cố: Bướng bỉnh, cứng đầu.

            - Bồng bột: Sôi nổi, hăng hái nhưng thiếu chín chắn, dễ thay đổi không lâu bền.

            - Nông cạn: Không có phẩm chất.

            - Xan: Bỏn xẻn, keo kiệt.

            - Kiêu: Tự cho mình hơn người, có thái độ xem thường người khác.

            - Tăng thượng mạn: Cực kỳ tự cao, kiêu ngạo. Trong vấn đề tu tập tự  tuyên bố dối trá rằng: mình đã chứng được chân lý tối hậu và có thần thông hoặc tự cho mình có đức hạnh lớn trong khi mình không có.

            - Phóng dật: Giải đãi, lười biếng đồng nghĩa với buông lung, không kiểm soát được tâm.

            C. NỘI DUNG ĐOẠN KINH:

Đại ý của đoạn kinh cuối cùng này, Tôn giả Sariputta nhắc lại những ác pháp cần từ bỏ như:  tham lam, giận dữ, dối trá, ngã mạn, kiêu căng,  ganh ghét, bỏn xẻn, khoe khoang, phóng dật, nông nổi, bồng bột, lười biếng , vô ơn, tự phụ v.v… bằng cách tu tập theo con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh niệm, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Thành tựu con đường trung đạo này, sẽ diệt trừ các ác pháp, phát huy tuệ nhãn, tuệ trí, chân trí… tâm hành giả hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

 

III. KẾT LUẬN

            Bài kinh “Thừa Tự Pháp” phác họa cho thấy hình ảnh của người xuất gia chân chánh phải là người “thừa tự Pháp” chứ “không thừa tự tài vật”. Thật vậy, mục đích của người xuất gia vào Tăng đoàn của Đức Phật là muốn cầu tìm giá trị tâm linh, muốn có một đời sống thanh cao hướng đến giác ngộ giải thoát. Chính vì vậy, nên người đó đã không màn đến việc sở hữu tài sản vật chất thế gian. Người đó đã chấp nhận lìa xa đời sống gia đình, chấm dứt liên hệ yêu đương giữa vợ chồng con cái (ly gia cắt ái), từ bỏ cuộc sống hưởng thụ vật chất thế gian (viễn ly tài vật). Phát nguyện ban đầu dũng mãnh như thế, thì không lý gì trên con đường tu đạo lại để cho ý tưởng muốn trụ trì chùa lớn, muốn nổi danh, muốn được nhiều người cung kính cúng dường mà xao lãng việc chánh của mình là tu hành, khiến bị sa vào cuộc sống đọa lạc thế gian gây nhiều nghiệp xấu, đưa đến hậu quả nguy hiểm là hiện tại sống trong phiền não và tương lai nhiều đời nhiều kiếp chịu trầm luân trong vòng sinh tử.

            Trong kinh ngài Sariputta đã nhắc nhở các Tỷ-kheo chớ lơ là việc tuân thủ Giới luật trong Tăng chúng. Giới luật Đức Phật đưa ra nhằm áp dụng cho tất cả Tỷ-kheo bất kể tuổi tác hay địa vị tinh thần. Những ai không tuân thủ Giới luật, không nghe, không học, lười biếng không thực hành Pháp Phật dạy, hoặc có thực hành Pháp, cũng chỉ cho có lệ, để có được sự cúng dường tài sản vật chất từ các cư sĩ.  Những người đó thật đáng bị khiển trách. Ngược lại những vị nào sốt sắng tìm cầu giá trị tâm linh, người ấy noi gương theo lối sống của bậc Đạo Sư là sống viễn ly.  Người ấy tinh tấn tu hành theo con đường trung đạo tám ngành mà Đức Phật đã truyền dạy, khởi đầu bằng sự hiểu biết đúng đắn (Chánh tri kiến), tư duy đúng đắn (Chánh tư duy), tuân thủ giới luật (Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng). Tiếp theo thành tựu con đường tâm linh tám ngành bằng đời sống thiền định (Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định). Tu tập theo Chánh Pháp sẽ dần dần thanh lọc những ác pháp ô nhiễm ra khỏi thân tâm. Một người thực hành nghiêm túc Giới-Định-Huệ như thế, đưa đến kết quả là đoạn trừ được mọi phiền não để có một đời sống thanh tịnh và an lạc. Ngài Sariputta nói rằng những vị Tỷ-kheo gương mẫu này rất đáng được ngợi khen. Ngợi khen hay tán thán là lời nói khích lệ nhằm truyền thêm cảm hứng cho các vị Tỷ-kheo trên con đường tu tập, đồng thời cũng nêu lên ý của Ngài là không có gì quý bằng Chánh Pháp. Chánh Pháp là con đường giác ngộ và giải thoát. Muốn đạt được mục đích giác ngộ giải thoát thì người tu phải thực hành theo Chánh Pháp không có lựa chọn khác.

            Tuy bài kinh “thừa tự Pháp”, Đức Phật giảng cho các vị Tỷ-kheo, nhưng giá trị của bài kinh này rất phổ quát có thể áp dụng cho tất cả mọi người không chỉ riêng cho các vị xuất gia. Là Phật tử tại gia thời nay, chúng ta cũng nên thực hành lời Phật dạy để có đời sống an lạc hạnh phúc. Còn những ai không theo đạo Phật thì các bậc ông bà, cha mẹ cũng có thể áp dụng nguyên tắc “thừa tự Pháp” bằng cách dạy dỗ, khuyên bảo, trao truyền cho con cháu một gia tài học vấn, đạo đức hơn là chỉ nhắm vào việc chia gia tài, sản nghiệp cho con cháu sau này. Tại sao? Bởi vì tài sản dù có kếch sù, đối với một người sống sa đọa lười biếng chỉ biết tiêu xài hưởng thụ thì cũng có lúc phá sản trắng tay.  Ở đời có biết bao nhiêu người tuy may mắn trúng số mấy trăm triệu đô la, nhưng cuối cùng không có được căn nhà để trú ngụ phải làm thân “homeless”. Cho nên, chỉ có đạo đức và trí khôn là tài sản quý báu sẽ ở lại lâu dài với chúng ta mà thôi!

  

Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(Chân Tâm Thiền Thất, 24-10-2020

10 Tháng Hai 202312:03 SA(Xem: 6300)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
05 Tháng Hai 202311:54 CH(Xem: 4748)
Cuộc đời của Ba là sống cho người khác, cho gia đình, và giúp ích cho mọi người, xã hội, đúng với tên ông bà Nội đã đặt cho.Ba là thứ sáu trong gia đình, nên mọi người quen biết đều biết đến Ba là ông Sáu Nhơn.
03 Tháng Hai 202311:09 CH(Xem: 5913)
Sống nơi đất mới tới giờ Qua nửa thế kỷ đôi bờ Đại dương Xuân Quý Mão Tết yêu thương Tâm thành cầu nguyện quê hương rạng ngời
01 Tháng Hai 20237:20 CH(Xem: 3816)
Ngày Tết, thật trang trọng đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên. Ta sẽ cảm nhận được những người muôn năm cũ đang hiện diện trong tâm ta.
01 Tháng Hai 20235:01 CH(Xem: 5764)
Tình yêu Đã cất cánh bay Ta ngơ ngác gọi Môi say nhớ người. Ừ thôi Tết đã qua rồi Mồng ba vụt mất Mồng mười hạ nêu.
01 Tháng Hai 20234:57 CH(Xem: 5852)
Tình nhà đã lỡ phai thề ước Nợ nước chưa đền uổng chí trai Đếm bước lưu vong chừng mệt mỏi Nếm mùi nhân thế lắm chua cay Tri âm, tri kỷ...còn ai nữa Nhắm mắt là xong một kiếp này
31 Tháng Giêng 202310:35 CH(Xem: 3191)
Tôi tự hỏi mình, Mai Thảo cuối cùng chỉ là một nhà thơ xuất chúng. Hay trong văn của ông đã có thơ và trong thơ là cả trời đất.
31 Tháng Giêng 20235:03 CH(Xem: 3423)
Một mai hoa rụng chỗ nằm Xuân tàn, lịm giấc tình thâm mộ sầu Kiếp này nếu lỡ đời nhau Thì xin người ngọc, kiếp sau tìm về.
30 Tháng Giêng 202311:22 CH(Xem: 5387)
Cho con Quạ già tròn một kiếp phù sinh Mấy chục năm còn gặp lại bạn mình Trong khóc cười, say tĩnh Ngửi hơi cay mà xĩn như cạn một Hồ Trường
30 Tháng Giêng 20239:37 CH(Xem: 4491)
Vậy là đã rõ, chính mấy con mèo được cho là mẫn cán và đã được rèn luyện-tu dưỡng... của ông chánh đã làm nên những chuyện này.
28 Tháng Giêng 202311:16 CH(Xem: 3986)
Những tưởng người cùng thời so bề tài sắc, so bề tài năng, so bề thời vận, có thể có cái gì giống nhau vậy mà cũng khác nhau.
24 Tháng Giêng 20231:04 SA(Xem: 5180)
Đối với tôi, mùa Xuân sẽ kém phần lãng mạn, tươi vui và mất đi ý nghĩa rất nhiều khi thiếu vắng những bản nhạc Xuân.
23 Tháng Giêng 202312:10 SA(Xem: 5585)
Nhà nhà hết sợ con vi rút Chốn chốn mừng vui cảnh thái bình Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng Ngày Xuân Quý Mão biết bao tình
22 Tháng Giêng 202311:25 CH(Xem: 5194)
QUÝ Xuân buông bỏ những sầu vương MÃO đến đem theo mọi cát tường CHÀO tải công thành tươi nhuận thất MỪNG mang danh toại phủ phê đường
22 Tháng Giêng 202311:17 CH(Xem: 5629)
Sống đây mà chết dần dà Tháng năm chồng chất thân già cưu mang Thôi thì thỉnh thoảng lang thang Mượn vui ngoại cảnh nhẹ nhàng suy tư!
22 Tháng Giêng 202311:12 CH(Xem: 5901)
Chúc khách văn đàn ngàn chữ hỷ Mừng cùng bạn hữu vạn lời ca Hạnh tài trăm sắc ngời tâm ngọc Phúc đức muôn màu rạng ánh ngà
22 Tháng Giêng 202311:09 SA(Xem: 4998)
Người đi vào dâu biển, Có thấy gió trăng xưa? Ngày môi hồng mắt sáng, Thủa hoa bướm dại khờ? Xuân yêu kiều bao độ, Đời có mãi như mơ? Dặm ngàn sương khói phủ, Trăm năm... giấc mộng hờ...
22 Tháng Giêng 202310:57 SA(Xem: 4085)
rằng từ lúc ông quản lý được bọn mèo rồi thì kho lúa nhà ông không hề có con chuột nào dám bén mảng đến nên chẳng một hột lúa nào bị thất thoát!
22 Tháng Giêng 20231:25 SA(Xem: 10675)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
21 Tháng Giêng 202311:24 SA(Xem: 4536)
Một năm hương lửa cho đời Ba trăm sáu lăm ngày trôi bình thường Đâu cần mỹ vị cao lương Chỉ là bóng đổ trên đường phù vân...
19 Tháng Giêng 202311:46 CH(Xem: 4071)
Thế Chiến II xảy ra như nó đã xảy ra và chúng ta cũng đã chứng kiến, nhưng những ước mơ khanh tướng còn vương vấn nơi những tấm lòng trần tục thì chắc chắn đường trần còn mang nhiều gió cuốn mưa bay.
14 Tháng Giêng 20237:47 CH(Xem: 7083)
Hai ba tháng chạp Thần táo Ngô Quyền Quỳ trước bệ tiền Về chầu thượng đế. Thần xin kể lể Một chút ưu phiền Máy hư triền miên Ráp po viết trễ
13 Tháng Giêng 202311:31 CH(Xem: 8625)
Trầm hương tưởng niệm Mẹ hiền Siêu sinh, tịnh độ cửa Thiền ngát hoa Mỗi năm tháng Chạp hai ba Là ngày giỗ Mẹ xót xa tủi buồn.
13 Tháng Giêng 202310:54 CH(Xem: 4486)
Dù không khí và cách đón Tết mỗi thời, mỗi nơi, mỗi khác nhưng trong tâm hồn của mỗi người dân Việt lúc Xuân về, Tết đến vẫn luôn có cảm xúc lâng lâng khó tả.
13 Tháng Giêng 20231:52 CH(Xem: 5563)
Tôi thèm thưởng thức cái mùi hăng hắc, nồng nồng của một loài hoa dân dã mà miền Nam tôi gọi là BÔNG VẠN THỌ.
12 Tháng Giêng 202310:09 CH(Xem: 6314)
Chủ nhật sau, tết tới rồi Một tuần lễ nữa tết trôi định kỳ Nhọc nhằn hạn xấu quên đi Hãy vui vẻ với những gì trong tay.
12 Tháng Giêng 20232:19 SA(Xem: 7245)
Như chia ly tiếng còi tàu Tiếng chim buổi sáng xôn xao lòng người Tưởng chim hót sáng làm vui Ngờ đâu chim rải bùi ngùi vào tim.
11 Tháng Giêng 20231:49 SA(Xem: 2288)
Chương trình Nhạc Tình Chọn Lọc với chủ đề “ Đón Xuân “ do Như Hương và bạn hữu tổ chức ngày thứ bảy Jan 7th - 2023 - Washington, DC.
11 Tháng Giêng 20231:15 SA(Xem: 4601)
Rồi những cái Tết tha hương ở “xứ lạnh tình nồng” Canada với bên ngoài tuyết trắng phủ đầy vạn vật khiến tôi thèm những cái Tết quê nhà ấm áp.
11 Tháng Giêng 202312:24 SA(Xem: 7924)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
09 Tháng Giêng 20237:09 CH(Xem: 6643)
Nàng Thơ ơi ! Hãy đến bên anh trong từng giây phút Để cùng nhau ấp ủ cuộc tình đầy Cho chữ nghĩa thăng hoa, tràn nghĩa sống Cho bước đời rạng rỡ lối tương lai
01 Tháng Giêng 20239:17 CH(Xem: 4287)
Chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ nữa thôi, con tàu thời gian sẽ đứa chúng ta đổ bến 2023. Chúng ta xuống tàu và đến một năm mới. Mọi thứ đã bỏ lại phía sau không thể lấy lại. Những gì đã làm trong năm 2022 chỉ là quá khứ.
31 Tháng Mười Hai 20221:51 SA(Xem: 10136)
Thương thương lắm, thầy cô giáo cũ trường mình… Ngôi trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa dấu yêu, năm nay vừa đầy sáu mươi sáu năm tuổi.
31 Tháng Mười Hai 20221:31 SA(Xem: 4540)
Chúng ta hãy nhìn về tương lai bốn năm tới tại ba quốc gia ở vùng Bắc Mỹ và tiếp tục chào đón cầu thủ bóng tròn Mbappé ngày càng sáng ngời trên sân cỏ
31 Tháng Mười Hai 202212:24 SA(Xem: 4980)
Mỗi chuyện là một góc nhìn xoáy vào những nết ăn, nết ở tiêu biểu cho một con người và tiêu biểu cho một nét Văn Hóa một thời dần biến dạng.
30 Tháng Mười Hai 202211:41 CH(Xem: 4816)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Hoàng Mai Đạt - Chiếc Xe Đồ Chơi Của Ông Wes Người Đọc: Đồng Phúc
30 Tháng Mười Hai 20222:25 SA(Xem: 3810)
Để ra khỏi vòng trầm luân khổ ải, có lẽ chúng ta phải nên đồng hoá Cho và Nhận để không có sự phân biệt, không cả sự phân biệt giữa người và ta
29 Tháng Mười Hai 20228:47 CH(Xem: 5603)
Với người ta vẹn sắt son Với đời thơ vẫn ví von sắc màu Xuân về nâng chén chúc nhau Bảy mươi là tuổi "Qua cầu gió bay".
29 Tháng Mười Hai 20227:29 CH(Xem: 6224)
Nghìn sau nối tiếp nghìn xưa Tử sinh, sinh tử vật vờ theo nhau Gọi tên em Ta gục đầu. Lệ ta nhỏ xuống - bể sầu dâng lên.
29 Tháng Mười Hai 20221:02 SA(Xem: 6430)
Liên Khúc Nhạc Giáng Sinh. Sáng tác: Nguyên Vũ; Tiếng hát: Đèo Văn Sách & Kim Phụng Kiều Oanh thực hiện youtube
29 Tháng Mười Hai 202212:54 SA(Xem: 6003)
Nguyện cầu thế giới bình an Chim bồ câu trắng từng đàn bay cao Một năm rồi sẽ qua mau Mùa xuân réo gọi vẫy chào thế nhân...
20 Tháng Mười Hai 20229:51 CH(Xem: 6334)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
20 Tháng Mười Hai 20229:46 SA(Xem: 4709)
Khi trái banh lăn trên sân cỏ, người cầu thủ đem hết nhiệt huyết và tài năng để giành chiến thắng cho màu cờ sắc áo, cho đơn vị mà họ đại diện. Chúc Mừng Argentina. Chúc Mừng World Cup 2022 đã thành công rực rỡ.
18 Tháng Mười Hai 202210:26 CH(Xem: 4743)
Xin cảm ơn Canada, ..đã cho chúng tôi cơ hội tạo dựng lại cuộc sống đúng nghĩa của con người với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ và đã cho chúng tôi hưởng những mùa Giáng Sinh an bình.
17 Tháng Mười Hai 202212:32 SA(Xem: 6251)
Đêm đông lạnh giá hang sâu Hài đồng xuất thế nhiệm mầu thánh ân Trần gian ngàn vạn lỗi lầm Cường quyền bạo chúa gieo mầm khổ đau.
14 Tháng Mười Hai 20221:57 SA(Xem: 4708)
World Cup 2022 sắp đến hồi kết thúc. Hàng tỷ người trên thế giới đang háo hức theo dõi và trông chờ. Nhân dịp này, tôi xin được ‘’bàn ngang” về World Cup trong quá khứ gọi là giúp vui, hay chia sẻ cũng được.
14 Tháng Mười Hai 20221:37 SA(Xem: 5748)
Dần dà, người Bắc di cư tự coi mình là người miền Nam nhứt là sau khi miền Nam sụp đổ. Họ không muốn người ta đánh đồng mình với người miền Bắc vào Nam sau 1975.
14 Tháng Mười Hai 20221:17 SA(Xem: 6308)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: CÒN NHỚ THƯƠNG HOÀI - Nhạc : Lê Hữu Nghĩa Lời: Thy Lệ Trang Ca sĩ : Lina Nguyễn Hòa âm / Video : Sonar Production
14 Tháng Mười Hai 202212:14 SA(Xem: 7013)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: BÀI TANGO RIÊNG CHO EM - Nhạc Hoàng Nguyên - Quý Hương trình bày
13 Tháng Mười Hai 20228:48 CH(Xem: 2706)
. Đó là hạng người thuận dòng, hạng người ngược dòng, hạng người tự đứng lại và vị thánh A-La-Hán đã giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử.
13 Tháng Mười Hai 20221:20 CH(Xem: 6230)
Yêu Trăng yêu Gió yêu Thơ Yêu thời áo trắng mộng mơ sân trường Áo bay tha thướt nghê thường Yêu thương nhưng sợ con đường tương lai
04 Tháng Mười Hai 20224:16 CH(Xem: 5248)
Nhiều bình luận gia danh tiếng trên thế giới tiên đoán đội vô địch kỳ nầy sẽ là một trong bốn đội Ba Tây, Argentina, Anh hay Pháp nhưng cũng không thể bỏ qua những kết cuộc bất ngờ
03 Tháng Mười Hai 20224:16 CH(Xem: 4831)
(Xin phép “lấn sân” anh Lê Quý Thể, người từng dìu dắt hai đội banh Châu Văn Tiếp và Ngô Quyền)
03 Tháng Mười Hai 20223:37 CH(Xem: 5864)
Nhưng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh Thầy Cô khi đứng trên bục giảng, dùng bảng đen phấn trắng để truyền bá kiến thức, khơi gợi và thắp sáng cho chúng tôi những ước mơ, những hoài bão,
03 Tháng Mười Hai 20223:02 CH(Xem: 4881)
Bao mùa World Cup đã qua, bao chàng trai trên sân có thuở nào đã là “người tình” của Bông. “Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người?”
03 Tháng Mười Hai 20222:37 CH(Xem: 4141)
Chẳng bao lâu nữa World Cup sẽ khép lại, còn nhiều bất ngờ thú vị. Ai buồn ai vui, ai thất vọng nhảy cầu tự tử, ai hớn hở thắng cá độ là chuyện của họ.
02 Tháng Mười Hai 202212:07 SA(Xem: 6297)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 202211:52 CH(Xem: 2477)
Rót đầy ly rượu thi nhân Uống cho quên nỗi trầm luân kiếp người Hằng ơi! Xin một nụ cười Không trăng, rượu cũng thức đòi tri âm!
01 Tháng Mười Hai 202211:47 CH(Xem: 7042)
Hững hờ chợt giấc bình yên Em xưa còn vọng tiếng huyền hoặc sao Thì thầm con mộng qua mau Bước chân làm bạc mái đầu thanh xuân
01 Tháng Mười Hai 202211:27 CH(Xem: 7278)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
01 Tháng Mười Hai 202212:35 SA(Xem: 4401)
Còn nhớ đến nhau, còn thương tưởng là trân quý. Tan rồi hợp. Hợp rồi tan. Người đi sau đốt nén hương cho người đi trước.
01 Tháng Mười Hai 202212:18 SA(Xem: 6617)
Bàn tròn tiếng nói cười vang Nhắm nghiền đôi mắt theo làn khói bay Ta vui Bên Tuổi Bảy Hai Còn bao lâu để nguôi ngoai đất trời...
23 Tháng Mười Một 20226:39 CH(Xem: 5364)
Em thành thật tri ân các Thầy Cô đã cho chúng em được là học sinh của một nền giáo dục nhân bản VNCH.. Chúng em kính chúc các thầy cô một lễ Tạ Ơn vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc an lạc bên gia đình, con cháu.
21 Tháng Mười Một 20221:31 SA(Xem: 5971)
chúc mừng anh Hoàng duy Liệu nhận lãnh trách nhiệm thành lập ban điều hành mới của hội AHCHS trung học Ngô Quyền Bắc California.
21 Tháng Mười Một 20221:14 SA(Xem: 7171)
ngày cuối Thu buồn tênh… vầng trăng chưa tỏ bóng những chiếc lá thoi thóp trong đêm sẽ vùi chôn theo… mùa Thu chết!*
21 Tháng Mười Một 202212:08 SA(Xem: 6975)
Tôn sư trọng đạo hiền nhân Túi khôn rộng mở bàn cân đèn trời Nửa chữ cũng gọi Thầy ơi, Mênh mông biển học ngọt lời chữ thông...
20 Tháng Mười Một 202211:25 CH(Xem: 6737)
Lễ Tạ ơn thực linh đình Cám ơn nước Mỹ ân tình biết bao! Cuộc đời tựa giấc chiêm bao? Hư vô thực ảo ước ao đợi chờ
20 Tháng Mười Một 202212:54 SA(Xem: 6228)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: THU VIẾT CHO NGƯỜI - Nhạc Lê Hữu Nghĩa Thơ Thy Lệ Trang - Ca sĩ Tâm Thư trình bày
20 Tháng Mười Một 202212:17 SA(Xem: 4539)
Cái giá phải trả cho sự hội nhập. Không thể lấy thước nào mà đo đếm được. Đành chịu và bất lực trước những khuynh hướng bảo thủ như một tiếng thở dài.
20 Tháng Mười Một 202212:13 SA(Xem: 2827)
Đương nhiên sống ở đời không ai là không lầm lỗi. Chúng ta phải học hạnh nhẫn nhịn và tha thứ của đất về những lỗi lẫm nho nhỏ của nhau thì tình bạn mới được bền lâu./.
19 Tháng Mười Một 20222:05 SA(Xem: 2427)
Sáng mai khi nắng ấm của mặt trời lên cao hai chúng tôi sẽ đứng đâu đó nhìn ông, để biết mình vẫn chưa hiểu nổi monsieur Xương. Sao lại đi bảo vệ những người mình biết họ không như mình.
18 Tháng Mười Một 202212:36 CH(Xem: 3165)
Biết ai hứa hẹn mà chờ Như mưa chiều - vẫn mịt mờ không gian Hạt mưa gội những phai tàn Héo hon tình sử, ngổn ngang cõi buồn. Nhạt nhòa lịm tắt hoàng hôn Hỏi người có lạnh những cơn mưa chiều?
13 Tháng Mười Một 202211:59 SA(Xem: 4748)
Nhớ lại "Hồi Đó" nhiều khi muốn khóc Mới hồi nào... giờ già chát nhăn nheo Cha mẹ mất các anh cũng đi theo Trai cũng chết viết thư tình ai đọc.
13 Tháng Mười Một 20221:22 SA(Xem: 4968)
Trong chuyến đi vòng quanh trái đất lần nầy tôi đã ghé qua hai quốc gia cũng “xưa” như trái đất, đó là Ai Cập ở phía bắc của Phi Châu và Ấn Độ ở phía nam của Á Châu.
12 Tháng Mười Một 20229:34 SA(Xem: 6883)
Gặp lại nhau khi tóc đen đã bạc Bạn bè xưa .. Người mất. ..Kẻ đi xa Một quãng đời... Có thủy chung bội bạc Chút tình riêng còn thất lạc quê nhà.
11 Tháng Mười Một 202211:55 SA(Xem: 6624)
Và thế có gì phải muộn phiền Tuổi này ta được sống bình yên Tháng 11 tạ ơn người và vật Tạo hóa đất trời thật linh thiêng.
11 Tháng Mười Một 202212:56 SA(Xem: 5081)
Phần công trình biên khảo của ông Nguyễn Văn Trung, tôi nghĩ, ông đã làm trọn vẹn công việc của một nhà biên khảo đã dành lại một địa vị xứng đáng cho miền Nam trong văn học.
10 Tháng Mười Một 20221:52 SA(Xem: 4886)
Trong bài này tôi chỉ xin giới thiệu điểm dừng đầu tiên của tour du lịch qua Vân Nam: Thăm khu rừng đá Thạch Lâm , một nơi đặc biệt có một không hai của Vân Nam
09 Tháng Mười Một 202212:44 SA(Xem: 4842)
Người ta nói: làm thầy thuốc sai lầm thì giết chết một người, làm chính trị sai lầm thì giết một thế hệ nhưng làm văn hoá sai lầm thì giết cả muôn đời.
08 Tháng Mười Một 202211:48 CH(Xem: 3035)
Đọc qua lịch sử của Tỳ-khưu-ni Khema, chúng ta biết rằng chết không phải là hết! Cho nên đời này may mắn gặp Phật pháp ...
06 Tháng Mười Một 20229:31 CH(Xem: 6374)
Đường vào kỷ niệm quanh co Đến đây một chuyến hẹn hò cuộc vui Khi em quay gót đi rồi Cỏ cây cũng sẽ ngậm ngùi nhớ nhung.
06 Tháng Mười Một 20229:23 CH(Xem: 7029)
Dĩ vãng giờ đã lu mờ Tương lai chưa biết thẫn thờ lo chi? Hãy vui hiện tại ngay đi Lang thang dạo cảnh ngay khi Thu vàng
05 Tháng Mười Một 20222:45 CH(Xem: 4810)
Ta cầu nguyện cho em Hồn thiêng được giải thoát Được sống đời an lạc. Không vướng khổ ưu phiền Không uất hận triền miên. Tái sinh nhiều phước báo.
30 Tháng Mười 20225:58 CH(Xem: 4762)
Bạn bè nửa thế kỷ gặp mặt. Cô đọng trong những lần gặp gỡ. Rồi lại chia tay phương trời. Kỹ niệm theo nhau suốt cuộc đời. Hy vọng sẽ có lần gặp gỡ nữa.
30 Tháng Mười 20224:57 CH(Xem: 7540)
Trăng ơi! Nguyệt hỡi bóng tà Soi đi để thấy cũng ta với mình Thu về đông đến xuân tình Chỉ trăng với gió chúng mình yêu nhau.
29 Tháng Mười 20221:11 SA(Xem: 4968)
Thầy chính là người truyền lửa ham học cho học trò, và luôn khơi gợi lên trong họ những hoài bão, những ước mơ để vươn tới những khát vọng cao đẹp trong tương lai
29 Tháng Mười 20221:11 SA(Xem: 4830)
Sau này khi nhắc tới giai đoạn này, Nguyễn Văn Trung vẫn cho là những năm tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời cầm bút của ông.
28 Tháng Mười 20226:17 CH(Xem: 6684)
Xin đừng trống chiếc ghế nào Cà phê thương mến đổi trao tâm tình Khấn nguyện bát nhã tâm kinh Đại bi chú pháp vượt trình tử qui...
28 Tháng Mười 20222:20 SA(Xem: 7487)
Xin cho ta được sống âm thầm Mơ bóng hình em theo tháng năm Mơ cuộc tương phùng trông khắc khoải Trao người tha thiết tiếng thu tâm
28 Tháng Mười 20221:15 SA(Xem: 7240)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
28 Tháng Mười 202212:39 SA(Xem: 6804)
Mùa thu nữa đến thật mau Mong được gặp lại bên nhau chờ hoài! Tuy xa quê chẳng lạc loài Trời cao ban Phước an bài chúng ta
22 Tháng Mười 20221:39 SA(Xem: 4750)
Cứ để Hải lãng mạn nuối tiếc tiếp tục đi tìm cố nhân, cứ để anh suốt đời còn nợ tôi một đóa hoa Phù Dung và giữ mãi hình ảnh tình cảm thuở ban đầu.
22 Tháng Mười 20221:20 SA(Xem: 7114)
Nếu mình mất nhau anh sẽ khó quên, Cô gái Bắc một thời anh xao xuyến, Quen bao nhiêu người mà anh vẫn tiếc Bóng hình em một cô bé Bắc kỳ.
17 Tháng Mười 20229:43 CH(Xem: 6868)
Rôì một ngày kia tôi sẽ đến Nói lời chào đất nước Việt Nam Một ngày kia rôì tôi sẽ tới Tôi chào tôi, hồn Việt mênh mang, Tôi chào người, thương mến Việt Nam.
16 Tháng Mười 202211:49 CH(Xem: 5121)
Trong quang cảnh rộng rãi khoáng đạt nơi miền quê, có một chút nắng nhàn nhạt và gió hiu hiu mát rượi của buổi chiều cận Tết, cánh diều tuổi thơ của tôi no gió vi vu bay cao vút trên bầu trời.
16 Tháng Mười 202211:24 CH(Xem: 5775)
Trong 21 năm tồn tại, miền Nam tự do đã để lại cho nền âm nhạc nước ta một gia tài đồ sộ gồm hàng ngàn tác phẩm của nhiều nhạc sĩ mà tên tuổi của họ không bao giờ quên
16 Tháng Mười 202210:25 CH(Xem: 6343)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: MẤT MÁT = Nhạc: Lê Hữu Nghĩa - Lời: Thy Lệ Trang Ca sĩ : Ngọc Quy Sonar Production
16 Tháng Mười 202212:39 SA(Xem: 5060)
Chiều chủ nhật 9 tháng 10 năm 2022, tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng vẫy tay giã từ giới yêu thơ ông sau 90 năm rong chơi cõi đời
15 Tháng Mười 202210:54 SA(Xem: 5157)
Nó đâu phải là con cọp... thật. Trên đầu nó vẫn còn mang cặp sừng của giống loài nó mà ?! Đồng loại của nó phần đông thì oán ghét và khinh miệt,