Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Một Góc Thầy Trò 2 - Trương Đức Hoàng.

07 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 82248)
Một Góc Thầy Trò 2 - Trương Đức Hoàng.



Năm 2001, anh Trương Đức Hoàng, Trưởng Khối Xã Hội Học Tập - Ban Điều Hành Học sinh Ngô Quyền 1972-73, từ Úc về Việt Nam thăm cô Đinh Thị Hòa ở Tân Mai, Biên Hòa.

 

Anh được anh Nguyễn Hồng Phúc, một người bạn cùng lớp thời Trung học đưa anh đến thăm Cô giáo dạy Pháp văn khi anh còn học đệ lục (lớp Bảy).

 

Chỉ vài năm sau, cô Hòa đã yếu hơn trước, và anh Phúc đã thành người thiên cổ. 

 

Gần đây, qua website của CHS NQ, anh Hoàng tìm lại được nhiều bạn bè và đàn em của thời mới lớn ở trường Ngô Quyền yêu dấu của chúng ta. Anh E-mail cho đàn em (Nguyễn Trần Diệu Hương, cũng là học trò của cô Hòa và rất kính thương Cô) để chia sẻ những xúc cảm rất chân thành của anh đối với cô Hòa, quý Thầy Cô, và tất cả CHS NQ trên toàn thế giới.

 

Cả người gởi và người nhận đều đồng ý chia sẻ cái E-mail có nội dung “mời người lên xe tìm về quá khứ” với quý Thầy Cô và tất cả CHS Ngô Quyền (nhất là những anh chị có sinh ngữ chính là Pháp văn, -Nous aimons notre école et tous nos maitres & amis-) và cũng để gọi là một nén hương lòng tưởng nhớ đến hai anh Nguyễn Hồng Phúc và Dương Ngọc Mai, cùng tất cả các Thầy Cô và CHS NQ đã về với “hạc nội mây ngàn”.

 

Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…

 

 


 blank

 Ban Điều Hành Học Sinh Ngô Quyền niên khóa 1972-1973

Từ Trái qua phải: Nguyễn Văn Lịnh, Phạm Kim Ngọc, Đinh Quang Bình, Trương Đức Hoàng, Nguyễn Văn Tất, Lê Phong Quan, Nguyễn Văn Vinh, Diệp Hoàng Mai, Nguyễn Thị Thu Vân, Lê Thị Thanh Loan và Huỳnh Thị Mộng Hoàn.

 

 

…Khi ở chợ về, anh mới rủ anh Phúc đi thăm cô Đinh Thị Hòa. Lúc đó, tụi anh đèo nhau trên một chiếc xe đạp "đòn dông" (có thanh sắt nằm ngang giữa tay cầm và yên xe, mình có thể ngồi lên thanh sắt này). Ban đầu, anh Phúc chở anh từ chợ Biên Hòa về. Khi qua khỏi rạp hát Biên Hùng một chút, gần quán hủ tíu "Cây Trứng Cá", anh kêu anh ấy ra phía trước ngồi, vì anh muốn hai đứa thay phiên nhau đạp cho đở mỏi. Hơn nữa, anh sợ anh Phúc ốm "cà tong cà teo", đạp lên dốc không nổi. Aí dè khi lên dốc, một phần vì xe anh Phúc hơi cao, một phần lúc anh rướn người để đạp xe, anh Phúc nghiêng qua một bên; anh không kềm được và chiếc xe lật ngang làm hai đứa té "chổng gọng". Thiệt tình, khi đó tụi anh quê ơi là quê, nhứt là cảnh hai ông già gần 50 tuổi quần áo dính đầy đất cát, trông không giống ai hết!

Anh Phúc mới cự nự:"Tao nói mày để tao chở vì tao quen rồi mà mày cứ giành, thôi bây giờ tới phiên tao". Anh cũng không muốn anh ta chở mình để lên con dốc "trần ai khoai củ" đầy kỷ niệm này (có lẽ tất cả CHS NQ đều nhớ đoạn đường từ rạp hát Biên Hùng đến trường của mình?). Cuối cùng tụi anh dắt chiếc xe đạp và đi bộ...lên dốc. Khi về nhà, anh Phúc đã lấy xe Honda của người em để chở anh. Tụi anh chất bánh trái lên xe rồi đi thăm Cô Hòa trong khu phố mới ở Tân Mai.

Khi mới gặp tụi anh, Cô không biết hai đứa là ai. Cô chỉ nhớ lại khi được tụi anh tự giới thiệu. Nhìn lại Cô mình sau hơn 33 năm xa cách, anh đã không cầm được nước mắt. Vẫn giọng nói khoan thai đó, vẫn ánh mắt hiền từ và nụ cười dịu dàng đó, nhưng sao anh thấy Cô tiều tụy quá! Anh đã nhìn Cô mình qua màn nước mắt để nghe Cô kể chuyện đi xe đạp và té gãy tay trước đó mấy tháng. Bây giờ anh đang ngồi đây gõ phím mà vẫn nghe rưng rưng khi nhớ về kỷ niệm xưa!

Anh học với cô Hòa năm đệ lục 4 (lớp Bảy) và còn nhớ rất nhiều kỷ niệm đối với Cô. Hồi đó lớp của anh phá phách hơn quỉ nữa (chứ không phải đứng sau quỉ và ma đâu!). Vào một buổi chiều, trong giờ học Pháp văn với Cô, vì tụi anh phá và làm ồn quá, Cô la rầy không được và đã lặng lẽ khóc. Lúc đó, tự nhiên cả lớp im phăng phắc, có lẽ vì sợ và ái ngại. Khi nhìn hai hàng nước mắt lăn dài trên má của Cô, anh thấy thương Cô vô cùng và tự hứa, từ rày về sau, mình sẽ không làm bất cứ một điều gì để cho Cô buồn. Sau một lúc lâu, Cô mĩm miệng cười như tha thứ đám học trò nghịch ngợm của mình, anh và lũ bạn đã thở phào nhẹ nhỏm. Cho đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ hình ảnh "thánh thiện" của Cô mình trong ngày hôm đó.

Năm 2002, anh về Biên Hòa và thăm Cô một lần nữa nhưng Cô đã dọn đi. Từ đó đến nay, anh không biết tin tức gì của Cô nữa. Hôm trước, khi đọc Tuyển tập CHS NQ 2006, anh thấy hình của Cô chụp chung với các Thầy Cô khác (năm 2005) mà ứa nước mắt. Anh cũng không tin ở mắt mình, vì trong vòng có 4 năm mà cô thay đổi quá nhiều, dáng Cô gầy gò và héo hắt hơn trước.

 

Biết rằng thời gian qua rất nhanh và không ai thoát khỏi qui luật của tạo hóa là có sinh thì có diệt, nhưng anh vẫn ray rức, trăn trở hoài. Cách nay hai năm, anh Phúc đã mất vì bị bịnh ung thư cổ. Đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ lời anh ấy nói qua điện thoại khi anh gọi về: "Khi nào về Biên Hòa, mày cứ vô đây ở với tao". Năm rồi, anh Dương Ngọc Mai trong lớp anh cũng đã ra đi vì bịnh ung thư.

Hương ơi, dù cho Cô Hòa, quí Thầy Cô và những đứa con của trường Trung học Ngô Quyền có ở phương trời nào, anh cũng cầu chúc cho mọi người bình yên và hạnh phúc...

 

 

blank

Lễ ra mắt Ban Điều Hành Học Sinh Ngô Quyền niên khóa 1972-1973 

Từ trái qua phải: Nguyễn Trí Dũng, Trần Văn Sĩ, Trương Đức Hoàng, Nguyễn Văn Lịnh, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Văn Vinh, Diệp Hoàng Mai, Lê Phong Quan, Lê Thị Thanh Loan, Nguyễn Thị Thu Vân, Huỳnh Thị Mộng Hoàn, Đinh Quang Bình. 

12 Tháng Mười 2012(Xem: 52945)
Khi thưởng thức một bài hát hay, có khi nào bạn nghĩ đến bảy nốt nhạc Do Re Mi Fa Sol La Si, căn bản của nhạc lý, nằm trên các dòng kẻ mà bạn đã được học từ thời mới vào Trung học?
30 Tháng Chín 2012(Xem: 20766)
Nhìn đám học trò cứ như từ cung trăng mới xuống, Thầy bảo “Thôi, cứ nhớ ít thôi, bốn chữ là đủ, Tu Tề Trị Bình, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Eo ôi! Thầy dạy học trò đệ tứ nuôi mộng lớn “trị quốc, bình thiên hạ“.
07 Tháng Chín 2012(Xem: 17257)
Cả học trò anh (chị) lẫn học trò em đều nhớ đến quý Thầy cũng như tất cả Thầy Cô đã dạy bảo chúng tôi thời mới lớn. Ngày xưa, chúng tôi học Toán từ quý Thầy; bây giờ, chúng tôi học được những kinh nghiệm sống quý báu từ Thầy.
20 Tháng Tư 2012(Xem: 23244)
MGTT số 24 được thực hiện không những với tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo" mà còn bằng tất cả tấm lòng, tình thương yêu, sự quý mến, trân trọng của ChsNQ dành cho Thầy Hiệu Trưởng,
08 Tháng Ba 2012(Xem: 15819)
Chưa có dịp gặp lại Cô Hòa, học trò của Cô thuộc rất nhiều niên khóa xin mượn "Một góc Thầy trò" để cùng bạn bè xưa nhớ lại một thời êm đềm trong các giờ Pháp văn năm lớp 7.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 20873)
Xin tạ ơn các đấng sinh thành đã nuôi dạy chúng ta nên người. Xin tạ ơn Thầy Cô đã giảng dạy cho chúng ta những kiến thức đầu đời suốt một thời thơ dại.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 53601)
KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ TOÀN THỂ CHS NGÔ QUYỀN, BIÊN HÒA MỘT NGÀY LỄ TẠ ƠN THẬT HẠNH PHÚC, ĐẦM ẤM BÊN GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI THÂN.
07 Tháng Mười Một 2011(Xem: 17732)
Những bài học sơ khai về thân phận con người, về thế giới quan và nhân sinh quan thầy dạy chúng tôi còn dang dở, thì cơn lốc dữ đã xô dạt thầy trò chúng tôi tan tác muôn nơi…
26 Tháng Chín 2011(Xem: 16795)
Cô yêu văn chương Việt Nam, đặc biệt là Cổ văn, nên dạy học trò không chỉ bằng sách giáo khoa mà còn bằng trái tim. Vì vậy, Cô đã góp phần lớn đào tạo được nhiều thi sĩ học trò.
22 Tháng Ba 2011(Xem: 19277)
Cụ Dương quảng Hàm là một nhà giáo có công dựng nền tảng cho văn học Việt Nam, một người uyên bác, tài hoa đã bị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nên đã lìa đời lúc chưa đến 48 tuổi...
30 Tháng Mười Một 2010(Xem: 62938)
Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California,
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 31374)
Mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn ờ Mỹ, chs NQ nhắc nhau cùng bày tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành, quý Thầy Cô đúng như tinh thần lễ giáo Đông phương...
04 Tháng Mười 2010(Xem: 40322)
Mời các chs NQ (nhất là các anh chị khóa 11, đã mang phù hiệu NQ từ năm 1966 đến năm 1973) cùng trở về Ngô Quyền xưa như chúng ta chưa từng có trên dưới bốn mươi năm ngăn cách mình với thời mới lớn
30 Tháng Chín 2010(Xem: 19207)
các cô bé học trò đệ nhất cấp nâm xưa vẫn nhớ rõ ràng trái tim và hệ thống tuần hoàn trong giờ Vạn vật của Cô Phạm Thị Khang như vừa mới xảy ra hôm qua.
08 Tháng Chín 2010(Xem: 37884)
môn Triết được giảng dạy ở Ngô Quyền lần lượt bởi quý Thầy: Nguyễn Xuân Hoàng, Lưu Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lan, Vũ Khánh Thành, Nguyễn Minh Lý, Trương Hữu Chí, và Nguyễn Văn Lục.