KHÓC CHO NGÀY 30/4
Đã 49 ngày 30/4 đi qua kể cả ngày 30/4/1975 và sắp tới đây sẽ là ngày 30/4 thứ 50. Ngày 30/4/1975 là ngày tôi cảm thấy hụt hẫng và hoang mang, lo lắng vì không biết đời mình sẽ ra sao? Ngày đó cũng là ngày dài nhất trong cuộc đời tôi. Bao nhiêu biến cố, diễn biến và cảnh tượng dồn dập đập vào mắt, vào tai tôi mà từ khi tôi bắt đầu đủ trí khôn cho đến ngày 30/4/75 chưa bao giờ xảy ra trường hợp tương tự như vậy.
Từ sáng, sau khi hết giờ giới nghiêm, vợ chồng tôi đèo nhau trên chiếc xe lambretta đi một vòng quanh Sài Gòn để quan sát coi tình hình thủ đô ra sao. Vẫn cảnh người ta phá cửa vào các công sở, kho hàng của nhà nước Việt Nam và cơ quan của các phái bộ Mỹ để vào hôi của. Không còn ai trách nhiệm giữ gìn các tài sản đó. Tình trạng vô chính phủ này đã diễn ra từ tối hôm 29/4. Tuy nhiên, khu vực hải quân ở bến Bạch Đằng vẫn còn các anh lính hải quân ghìm súng canh gác sau những vòng concertina. Bên trong đám đông người không biết vào được khi nào đang lũ lượt kéo lên một chiếc tàu hải quân còn cặp bến. Bên ngoài vòng rào, đám đông người khác đang tuyệt vọng vì không được vào trong. Tôi chạy đến toà đại sứ Mỹ thì thấy thiên hạ vẫn còn tụ tập trước cổng, họ chờ gì nữa vì từ sáng sớm người ta không còn nghe tiếng trực thăng trên không nữa. Trở về bến kho năm Khánh Hội, tôi cũng thấy cảnh người ta chen lấn leo lên một chiếc tàu hàng còn đậu tại bến. Sau này tôi mới biết chiếc đó là tàu Trường Xuân.
Trở về nhà tôi gần kho năm, chúng tôi mở radio nghe tin tức. Ban đầu, đài chỉ phát những bản quân nhạc, sau đó xướng ngôn viên loan báo mọi người chờ nghe một thông cáo quan trọng. Một lát sau, tôi nghe tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi toàn thể quân nhân các cấp không được nổ súng, ở đâu ở đó, chờ bàn giao chính quyền cho “chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”. Nhưng một lát sau thì tổng thống Minh lại đọc một thông cáo khác kêu gọi quân lực VNCH đầu hàng không điều kiện quân “giải phóng”.
Thế là hết, quân cộng sản đã chiếm được miền Nam. Người ta thấy những chiếc xe molotova xấu xí do Trung cộng sản xuất chạy trên đường phố và ngồi ở trên là những người lính Việt cộng mặc quân phục màu ô liu, rộng thùng thình và còn gắn những cành lá nguỵ trang, đầu đội nón tai bèo. Đầu xe có gắn lá cờ nửa đỏ, nửa xanh với ngôi sao vàng ở giữa. Đây là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt một đội quân không có vẻ gì oai hùng của những người chiến thắng khác với những hình ảnh tôi thấy trong phim ảnh tài liệu ghi lại ngày quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Leclerc tiến vào Paris ngày 25/8/1944. Những chiến binh cộng sản ngơ ngác nhìn quang cảnh hai bên đường phố chắc hẳn họ ngạc nhiên vì không thấy cảnh một thành phố điêu tàn vì bị “Mỹ nguỵ” cai trị tàn bạo như họ được nghe nói hàng ngày ngoài Bắc.
Trên vỉa hè, quân phục, giày, nón sắt và cả súng đạn của những người lính VNCH bỏ lại khắp nơi. Nhìn cảnh đó tôi thấy đau lòng vì trước đó tôi cũng từng mang những trang phục đó và đã hiên ngang xông pha nơi lửa đạn. Nhưng tôi thông cảm với những người lính đã trút bỏ vũ khí và quân phục của mình. Họ còn chiến đấu cho cái gì, cho ai, khi mà họ không còn đủ phương tiện, súng đạn đầy đủ để đối đấu với kẻ thù đông đảo hơn, trang bị đầy đủ hơn và nhứt là khi các cấp chỉ huy của họ đã bỏ chạy trước. Bây giờ ta không thể trách họ chỉ nghĩ đến bản thân họ và gia đình vì đó là những thứ cuối cùng còn lại của họ. Nếu lúc đó, tôi còn ở trong quân đội tôi cũng sẽ làm như họ. Những người lính đó cũng như tôi là những con người tầm thường không có trách nhiệm cao như những vị tướng tá đã tự sát để bảo vệ tiết tháo của cấp chỉ huy khi nhiệm vụ bảo vệ đất nước không tròn.
Ngày 30/4/75 tôi rất đau lòng vì đã mất tất cả nhưng tôi không khóc và sẵn sàng chờ đón những gì sễ đến với đời mình.
Trái lại, trong những ngày 30/4 khác tôi đã khóc mỗi khi đọc một bài viết của ai đó kể lại những thảm cảnh của quân dân ta trong những ngày tan đàn xẻ nghé của tháng 3 và tháng 4, năm 1975. Từ trận cộng quân tấn chiếm Ban Mê Thuột, cuộc lui binh bi thảm của quân khu 2 trên tỉnh lộ 7B, chuyện di tản hỗn loạn của quân khu 1 ở Huế và Đà Nẵng, sự thất thủ phòng tuyến Phan Rang, trận chiến đấu kiên cường của sư đoàn 18 bộ binh ở Xuân Lộc và những trận đánh anh dũng trong tuyệt vọng ở trường bộ binh Thủ Đức, trường thiếu sinh quân Vũng Tàu, ở Tân Cảng, Hóc Môn, Ngả tư Bảy Hiền, bộ Tổng Tham Mưu... làm cho tôi không cầm được nước mắt.
Qua những hồi ức của những chứng nhân kể lại, tôi thấy quân dân miền Nam mình đã làm hết sức mình để giữ phần đất tự do nhưng lực bất tòng tâm, chúng ta đã bị những thế lực quốc tế bán đứng vì quyền lợi của họ. Hiệp đinh hoà bình Ba Lê đã được Mỹ, VNCH, Việt cộng và Bắc Việt ký kết với sự bảo đảm của 15 nước khác nhưng khi Bắc Việt xua quân công khai xâm chiếm miền Nam thì chẳng có ai lên tiếng kể cả Đồng Mình từng cùng chung chiến tuyến. Chẳng những vậy họ còn phụ hoạ với cộng sản nhục mạ quân đội chúng ta là hèn nhát.
Và từng ngày 30/4 trôi qua, nhà cầm quyền cộng sản trong nước ngày càng lộng hành xem giang sơn Việt Nam là của riêng họ và coi người dân như nô lệ, họ chỉ biết làm sao cho bản thân họ và gia đình hưởng mọi vinh quang, phú quý mặc cho dân thống khổ, lầm than. Và đau lòng nhứt là người dân phải chấp nhận số phận nghiệt ngã đó của mình. Người nào dám phản ứng lại thì công an và nhà tù sẽ chờ đón họ.
Tôi không khóc trong những ngày 30/4 sao được khi biết mình và mọi người sẽ không bao giờ tìm lại được những ngày tháng hạnh phúc như trước ngày 30/4/75
Viết nhân mùa quốc hận 2024
Huỳnh Công Ân