Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - KÝ ỨC VỀ XÓM CHỢ LÒ BÒ - ĐƯỜNG TRỊNH HOÀI ĐỨC (THĐ)

17 Tháng Sáu 202312:59 SA(Xem: 3468)
Phan Phú Hiệp - KÝ ỨC VỀ XÓM CHỢ LÒ BÒ - ĐƯỜNG TRỊNH HOÀI ĐỨC (THĐ)
MỘT GÓC BIÊN HÒA XƯA.

KÝ ỨC VỀ XÓM CHỢ LÒ BÒ - ĐƯỜNG TRỊNH HOÀI ĐỨC (THĐ)


(Nguồn ảnh: Người Viễn Xứ - BHQT)Cho Lo Bo-2) (1)

(Nguồn ảnh: Người Viễn Xứ - BHQT)

 



 

Sinh ra và lớn lên nơi phố thị, ký ức về thời niên thiếu của tôi không có hình ảnh được vẫy vùng tắm mát ở bến sông quê, hay tung tăng chạy nhảy trên đồng lúa xanh mướt để dõi theo cánh diều tuổi thơ, mà thay vào đó, là nhịp sống sôi động của một đô thị lớn.

Nhà tôi tọa lạc tại trung tâm đường THĐ, phía đối diện bên đường là một con hẻm lớn thông qua đường Hưng Đạo Vương (HĐV). Bên trong hẻm có một lò mổ bò. Tại đầu hẻm có một chợ chồm hỗm nhóm từ 5 giờ sáng đến 10 giờ sáng mỗi ngày. Người dân trong vùng quen gọi chợ này là chợ Lò Bò (LB). Không gian chợ LB không lớn lắm, chỉ từ đầu hẻm kéo dài độ khoảng 100 mét là hết. Các mặt hàng ở chợ cũng rất phong phú, đầy đủ các loại thịt cá, rau củ quả…

Sinh hoạt hàng ngày của gia đình tôi ít nhiều gắn liền với chợ LB. Lúc nhỏ, tôi có thói quen dậy sớm để ôn lại bài vở trước khi đi học. Lúc 5:30 sáng, tôi đã nghe tiếng xe ngựa lộp cộp ngoài đường từ hướng nhà ga Biên Hòa (BH) chở các bà bán hàng bông ra chợ BH. Vào lúc này, chợ LB cũng bắt đầu khởi động.

Tôi không rõ chính xác là chợ LB hình thành từ lúc nào, nhưng nghe Mẹ tôi kể, thì chợ này đã có trước khi tôi ra đời. Đường THĐ cách chợ BH không xa, nhưng cư dân khu vực này thích xách giỏ đi chợ LB vì gần nhà, tiện lợi khi mua những thực phẩm cần thiết cho bữa cơm gia đình. Hơn nữa, các bác các cô bán hàng tại chợ rất thân thiện, vui vẻ, hàng hoá thì tươi roi rói, giá cả phải chăng không kém chợ BH. Ở đây, người mua kẻ bán đều quen biết nhau, thậm chí cùng là bà con chòm xóm với nhau, nên buổi sáng ở chợ thường rôm rả những tiếng nói cười hỏi thăm nhau, không khí vui tươi tràn đầy năng lượng cho một ngày mới. Chợ LB không chỉ là nơi giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đẹp, nơi kết nối cộng đồng, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người dân trong khu vực.

Lúc còn nhỏ, mỗi lần Mẹ sai tôi qua chợ mua ít đồ, tôi thích nhất là được nghe các câu chào mời ngọt ngào từ người bán: “Mua giúp dùm dì đi con”, hoặc nhận được những câu chào tạm biệt dễ thương: “Lần sau con nhớ ghé mua giúp dì nha”. Do phần lớn người mua người bán đều quen biết nhau, nên tôi để ý những người mua, nếu có trả giá thì cách trả giá của họ cũng nhẹ nhàng lịch thiệp, không miệt thị mắc rẻ hay nặng lời chê bai hàng hoá. Nhiều người khi mua rau, người bán đôi khi còn hào phóng “khuyến mãi” thêm cọng hành trái ớt là chuyện thường tình.

Ngày xưa, Mẹ hay Chị tôi chỉ cần xách giỏ băng qua đường là có thể mua đầy đủ những thức ăn tươi cho bữa ăn hàng ngày mà không cần dự trữ đồ ăn nhiều trong tủ lạnh.

Phía bên trái đường đi vào chợ là tiệm nước Hiệp Lợi (HL), chủ là người Hoa, bán hủ tiếu mì và các món điểm tâm sáng: bánh mì xíu mại, bánh bao, cà phê phin rất đặc sắc. Bên cạnh tiệm nước HL là xe bánh mì của gia đình chị Thư, với bánh mì nóng giòn rất ngon. Chị bán vào buổi sáng đến khi tan chợ và vào buổi chiều tối. Góc bên phải đầu chợ là gánh phở bò bình dân với nồi nước lèo nghi ngút khói, tái gầu, tái nạm đủ cả, hương vị thơm ngon không kém các tiệm phở nổi tiếng trên đường THĐ, nhưng giá cả bình dân chỉ bằng ½ giá ở tiệm.  Kế bên là dì bán xôi bắp, một cô bán bánh ướt, một bác bán bánh canh cá. Kế tiếp là hàng đậu hủ, hàng rau, hàng thịt, hàng tôm, cá …

Vào buổi chiều tối, phía đầu chợ LB là điểm hẹn lý tưởng cho khách hàng thích ăn vặt: bên cạnh xe bánh mì của chị Thư, có dì bán cháo lòng, hột vịt lộn, khô mực nướng. Đối diện là một cô bận rộn bên chảo dầu sôi để cho ra những chiếc bánh cay khoai mì hoặc miếng chuối chiên nóng hổi và giòn rụm rất ngon. Gần đó là một dì ngồi bên cạnh một bếp than nhỏ nướng những trái bắp tráng mở hành và cũng bếp than ấy, đôi khi dì cho ra sản phẩm mới là những miếng chuối nếp nướng bọc lá thơm lừng. Bên cạnh hàng bắp nướng là một chiếc xe ba gác nhỏ bán mía hấp, tỏa làn khói trắng mang thoang thoảng hương thơm mùi mật mía khi người bán mở nắp nồi... Những hình ảnh sống động mà rất đổi bình thường ấy đã len lỏi đi vào ký ức của tôi lúc nào không hay.

Nhiều người khi nghe nói xóm LB, nơi phía trong có lò sát sinh lớn, thì họ tỏ ra e dè ngần ngại và nghĩ đây là vùng đất dữ, nhưng kỳ thực, xóm LB rất hiền và an ninh. Lúc nhỏ, tôi thường xuyên đi vào xóm này, khi thì Mẹ sai đi chợ, khi thì vào lò mua bánh mì hoặc hủ tiếu tươi, khi thì đi học thêm... nhưng tôi cảm thấy rất gần gũi thân quen, không xảy ra việc gì.

Trong xóm, có nhiều gia đình giáo chức, quân nhân, công chức, công nhân, thương gia, tiểu thương, giới cần lao… Có gia đình bác chủ tiệm chụp hình nổi tiếng Phạm Lung ở chợ BH. Có gia đình bác Bảy Dẫn (Chủ tiệm tạp hóa, nơi hội tụ nhóm đờn ca tài tử trên đường THĐ). Có một lò bánh hủ tiếu tươi của ông chủ người Hoa. Có một lò bánh mì của chủ người Việt. Có gia đình rất hiền lành thân thiện của anh ba Sáng, anh Tư, anh Thành và còn có nhiều gia đình bạn học thời tiểu học/trung học với tôi…

Mùa hè năm 1969-1970, tôi có theo học lớp luyện thi đệ thất của cô Lệ Hoa trong xóm LB. Các dãy bàn đều chật kín học sinh. Phía sau vách của lớp học là một ao rau muống và một khoảnh đất trống trải dài đến phần cuối hẻm thông qua đường HĐV.    

Một kỷ niệm khó quên của tôi là vào một buổi xế chiều, trong lúc cả lớp đang ngồi học, thì nghe một tiếng súng nổ từ xa. Một bạn nam ngồi ở bàn sát vách phía sau bỗng la thét lên. Bạn bị một viên đạn ghim vào bắp đùi, máu chảy ướt đẫm dưới chân bàn. Cô Hoa cùng người nhà đưa bạn vào bệnh viện cấp cứu. May mắn là vết thương chỉ ở phần mềm nên không nguy hiểm đến tính mạng. Sau này, cảnh sát điều tra cho biết nguyên do, là một anh chàng Nhân Dân Tự Vệ trẻ ở trạm gác cuối hẻm phía đường HĐV, ngồi buồn táy máy khẩu Cacbin thế nào không biết, đã làm súng cướp cò gây nên tai nạn. Sau sự kiện hi hữu này, không bạn nào dám ngồi ở dãy bàn sát vách ấy nữa.

Ngày nay, xã hội ngày càng tân tiến, cuộc sống mọi người trở nên hối hả tất bật hơn. Cách đi chợ của nhiều người cũng đã thay đổi nhiều. Việc đi chợ thường diễn ra tại các siêu thị. Người dân bây giờ dường như bớt gắn bó với những chợ quê, chợ chồm hỗm như ngày xưa. Đặc biệt là ở hải ngoại, chúng tôi vô cùng hiếm gặp những loại chợ như vậy. Cuộc sống hối hả bận rộn nơi xứ người đã khiến việc đi chợ của nhiều gia đình người Việt tại hải ngoại, giờ đây dường như rất thực dụng. Cần gì ra siêu thị mua, không còn cơ hội để mặc cả, trả giá. Chọn hàng xong, ra cashier tính tiền rồi đi về. Thậm chí sau mùa đại dịch Covid, khi cần mua gì, chỉ cần nhấc chiếc phone gọi người mang đến tận nhà (DoorDash) chứ không còn sự giao lưu chân tình như xưa ở quê nhà.

Gần đây, qua thông tin của bè bạn trong nước, tôi được biết chợ LB vẫn còn hoạt động nhộn nhịp với nhiều hàng hoá phong phú và khang trang hơn xưa. Có lẽ việc đi chợ LB cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày vẫn còn là một thói quen và không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người dân quê tôi.

Việc tồn tại của chợ LB trong một thời gian dài, trải qua bao biến động của lịch sử, đã chứng minh rằng nhu cầu mua sắm tại một địa điểm thuận lợi, với giá cả hợp lý, hàng hoá tươi tốt đáng tin cậy, thông qua việc tương tác trực tiếp giữa người mua và người bán, cùng với nhu cầu được gặp gỡ trò chuyện, trao đổi thông tin giữa người dân với nhau, tôi nghĩ có lẽ đây là yếu tố quyết định cho sự tồn tại lâu bền của ngôi chợ nhỏ này.

Việc gắn bó gần gũi với chợ LB ngay từ hồi niên thiếu đã cho tôi một miền ký ức ngọt ngào khó quên dù đã nhiều năm sống xa quê hương.

 

Hiep Phan – SJ- 6/2023


12 Tháng Tư 2024(Xem: 612)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 450)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 511)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 716)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1204)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 869)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 801)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 769)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1540)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1140)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1249)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1213)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1085)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 1115)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1390)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1156)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1247)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 850)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1073)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1140)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.