Truyện năm Canh Tý: ÔNG TRÙM BẪY CHUỘT
(... Viết theo lời kể của một bạn... cà phê. Chuyện đầy dí dỏm và có lẽ có chút ít hư cấu... )
Hồi còn nhỏ tôi đã nghe Ba tôi từng kể...
Ông nội tôi là một nông dân cần cù siêng năng, rất giỏi làm ruộng trồng lúa. Nhưng ngoài ra ông còn nổi tiếng là một người rất giỏi... bẫy chuột! Bà con chòm xóm đặt cho ông biệt danh là ông... trùm bẫy chuột !!!...
Ngày ấy, nơi làng quê xưa, nơi mà tôi chưa ra đời và Ba tôi hãy còn là một cậu thiếu niên nông thôn quê mùa. Lúc ấy Ba tôi là thành viên của một gia đình nông dân - là gia đình ông nội tôi - có tám thành viên: gồm hai vợ chồng và sáu người con trai gái. Tất cả sống bình dị nơi một làng quê nhỏ nhắn yên bình...
Dân làng quanh năm sống nhờ vào một vụ lúa mùa và có thể thêm một vụ rau màu... . Những người nông dân cần cù, chấp nhận một cuộc sống bình thường, khiêm tốn với mảnh đất mà cha ông truyền lại từ không biết bao đời... .
Thế nhưng... . Thành quả ít ỏi của họ nào được hưởng trọn vẹn ! Đó là do sự phá hoại của loài chuột. Nghe đâu đây là loài vật phá hại nhưng đã tồn tại với đời sống của con người ngay từ thuở... hồng hoang (!?) Nghĩa là khi có con người hình thành thì cũng có loài chuột hiện diện theo như bóng với hình.
Cái giống loài xấu xa, chỉ chờ đợi thành quả lao động của con người vừa có được - chưa kịp hưởng - là chúng cùng bè lũ có mặt ngay để ăn trên ngồi trước bằng cách đánh cắp thành quả lao động của người ta!
Loài chuột phá hại ! Chúng sinh sôi nẫy nở thật nhanh, nhất là khi có cơ chế thuận lợi, những thứ chúng muốn ăn phơi bày ra đó, chúng dễ dàng muốn ăn lúc nào cũng được. Thậm chí những thứ người dân đã mang cất dấu kỹ càng rồi bọn chúng vẫn tìm cách moi ra mà ăn... !!!
Những người nông dân tuy hiền lành chất phác nhưng đâu có chịu đựng được mãi cái lũ gian tham ăn cắp nhưng lại nhơn nhơn tự đắc như vậy. Chúng hành động như là cánh đồng lúa chín vàng là của... chúng nó. Ngôi nhà có lẫm lúa là của... chúng nó. Chúng muốn ăn là ăn, chúng muốn phá là phá, hoặc vừa ăn vừa phá!
Không thể chịu được, trong số những người muốn tiêu diệt lũ chuột có ông nội của tôi nổi tiếng như đã nói ở trên.
Thời ấy, nếu không ra tay thì thôi, một khi ông tôi đã bẫy thì lúc nào cũng bắt trọn được cả một đàn chuột lớn đông đúc lên đến mấy chục con. Ông mà ra tay vài lần là triệt hạ có thể đến vài trăm "tên trộm cắp" như chơi... .
Người dân trong làng dĩ nhiên ai ai cũng biết bẫy chuột, từ ông lão lớn tuổi hơn cả ông nội tôi cho đến đứa nhỏ học trường làng nhỏ tuổi hơn ba tôi lúc ấy. Nếu đồng lòng và quyết tâm thì việc tiêu diệt lũ phá hại đó ai cũng làm được hết.
Đặc biệt ở chỗ ông nội tôi bẫy được số lượng lớn chuột trong chỉ một lần đặt bẫy. Tất nhiên cái bẫy của ông nội tôi cũng to lớn hơn cái bẫy thường thường của thiên hạ.
Ba tôi nói là ông nội tôi không hề giấu diếm "bí quyết" gì hết. Ông nói : Chuột sống bầy đàn, có một "xã hội" thu nhỏ của bầy đàn đó. Nếu so sánh với con người thì con chuột cũng có một tập thể giống như một... "bộ tộc" (?!) vậy. Mà đã là bộ tộc thì phải có lãnh đạo giống như là... là... "tù trưởng" chẳng hạn. Cái quan trọng trước tiên là phải để ý, rình rập xem con đầu đàn là con nào? Sinh hoạt đi đứng ra sao?
Làm sao để biết con chuột nào là con đầu đàn? Không khó lắm đâu. Khi đã là "đàn trưởng" rồi thì con đầu đàn trở thành yếu... thú ! ( con người thì gọi là yếu nhân- người trọng yếu ! ). Khi đó nó có kẻ hầu người hạ, đi đứng... thận trọng vì sợ... chết ! Lâu lâu để lấy uy, vào những đêm trăng mờ nó cũng đi ra ngoài hang ổ một vòng. Tuy nhiên phải có trinh sát thân tín dò đường trước, chuyến đi ngắn nhưng được bảo vệ chặc chẽ, tiền hô hậu ủng !...
Nhưng cái bí quyết bí mật và cũng quan trọng nhất là khi tìm ( hoặc đoán ra ) được con đầu đàn rồi phải làm sao "nghe" được tiếng gọi đàn của nó. Ai cũng biết rằng loài chó nghe được siêu âm, trong khi loài người có lẽ do bước tiến hóa riêng mà khả năng nghe được siêu âm đã không còn. Còn theo ông tôi, có lẽ loài chuột có khả năng nghe được âm thanh... "cận siêu âm" và loài người cũng có một số cá thể đặc biệt vẫn có khả năng tương tự... .
Ban đầu khi thành lập đàn, con đầu đàn có công dùng miệng lưỡi tức là lời nói để mê hoặc và thu phục những đồng loại nhẹ dạ ! Khi đã tập hợp được một số đông rồi và trở thành đầu đàn thì càng lúc nó càng phát huy... miệng lưỡi để củng cố và tiếp tục tạo thêm quyền lực nữa.
Vì biết tầm quan trọng của con đầu đàn như vậy nên ông tôi nói muốn thành công phải cố tìm cho được đường "di hành" của nó. Xong ông làm một cái bẫy lớn, thật lớn. Bẫy này đặc biệt có 2 ngăn, ngăn ngoài để mồi, ngăn tiếp theo kín, rộng và... đẹp !(?).
Còn nói về mồi : phải là sản vật đặc biệt mà vùng đất này không có, thí dụ như cơm gạo thơm nấu với nước cốt dừa từ lúa thơm của địa phương khác, hay là cá thòi lòi biển nướng vàng ngậy.
Ông tôi quả thật là giỏi. Ông quá hiểu rằng đã là bậc "quyền quý" rồi thì nhu cầu ( hay lòng tham? ) của họ là... vô tận !!!...
Xong xuôi đâu đó ông chỉ chờ một đêm mờ trăng, thời tiết tốt... , rồi đem bẫy đặt vào nơi ông đã tìm tòi nghiên cứu mấy ngày trước.
Trên đường "di hành", tất nhiên công lao phát hiện ra "cao lương mỹ vị" ( chính là mồi bẫy ) là do đám tiền trạm dẫn đầu. Nhưng đám này đâu dám... phạm thượng, chúng sẽ báo cáo lên con đầu đàn để lập công rồi biết đâu chúng sẽ được... thăng tiến?!
Thế là con chuột đầu đàn sẽ cố ra vẻ đầy uy lực, dương dương tự đắc tiến lên và... chui vào bẫy! Ngăn ngoài một khi đã vô rồi thì không thể đi ra, cửa bẫy được thiết kế như van một chiều vậy. Chuột chúa có vẻ chột dạ, nhưng giữa đám tùy tùng thân cận nó cố giữ bình tĩnh và tiếp tục quan sát... .
Nó nhận thấy ngăn thứ hai đẹp đẻ bề thế hơn ngăn thứ nhất nhiều ( ông nội tôi đã cố ý làm như vậy ! ). Nó nghĩ trong đầu chuột của nó rằng biết đâu ngăn thứ hai có nhiều thứ quý giá hơn ? Và, và đã đến nước này rồi thì cũng... đánh liều ! Nó hiên ngang oai dũng chui vào ngăn kế tiếp! Vào trong ngăn thứ hai rồi nó hoàn toàn hiểu ra sự thật. Nó đã sập bẫy không chỉ một lần.
Bây giờ vấn đề tối quan trọng của sự việc là tư duy của chuột đầu đàn. Biết rằng không thể thoát thân được, nhưng nếu nó lên tiếng kêu gọi cầu cứu thì chắc chắn là cả bầy nó sẽ nhanh chóng bỏ rơi nó mà chạy mất tăm trong vòng một nốt nhạc. Chi bằng nó giả vờ như vừa đến được chốn thiên đường... .
Nó dùng "miệng lưỡi" phát ra thứ tiếng nói "cận siêu âm" với tùy tùng và đồng loại. Nó lớn tiếng kêu gọi toàn thể hãy tiếp bước theo nó để chui vào... bẫy ! Như thế biết đâu nhờ số đông bọn chúng có cơ may chiến thắng bằng cách phá bẫy mà cùng nhau thoát thân?! Còn ngược lại ( khả năng rất cao hầu như là tuyệt đối ) thì cùng chết chùm với nhau !!! Bỡi không lẽ nó chịu chỉ một mình nó trở thành mồi nhậu cho con người trong khi đám "dân đen" kia lại được nhởn nhơ hưởng tự do bên ngoài !?
Chính vì con đầu đàn ranh ma như vậy mà cả đàn chuột mấy mươi con đều hùa nhau vô bẫy là thế.
Nhờ nắm bắt được bí mật này của loài chuột đồng mà ông tôi bẫy hết bầy chuột này đến bầy chuột khác từ cánh đồng làng của mình sang đến các làng lân cận. Ông nội tôi nổi tiếng là "ông trùm bẫy chuột" từ đó... .
Ba tôi còn kể thêm. Những lúc rảnh rỗi, chiều về bên bàn nhậu thịt chuột cùng với mấy ông bạn chòm xóm thân tình. Ông tôi bộc bạch rằng có khi cũng có vài con chuột thức tỉnh, hiểu được sự lừa dối của con đầu đàn, chúng không nghe lời kêu gọi mà chui vào bẫy. Chúng rút lui khỏi nơi đó, tách ra sống trên cây cao, ăn những trái cây hoang dại, nếu có đụng chạm đến cây trái của nông dân thì chỉ là số ít, nhất là không đụng đến các thứ lương thực thiết yếu của con người. Theo ông nói, chúng tiến hóa thành loài sóc hoang dã (?), không biết có đúng không ?
HUỲNH VĂN HUÊ (9-1-2020)