Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Cuộc sống người dân miền Nam thời kỳ trước và sau thuộc địa Pháp (P1)

17 Tháng Mười Một 201612:31 CH(Xem: 18754)
GS. Nguyễn Văn Lục - Cuộc sống người dân miền Nam thời kỳ trước và sau thuộc địa Pháp (P1)

Cuộc sống người dân miền Nam thời kỳ trước và sau thuộc địa Pháp (P1)

gal-2738680“Họ chỉ trọng cái bề ngoài. Bề ngoài tỏ ra lễ phép lịch sự với người ngoại quốc, nhưng trong bụng lại khinh bỉ. Họ gian đối chỉ cốt thu lợi những gì họ không lấy cắp được.” (Pierre Poivre)

Đất miền Nam còn gọi là miệt vườn.

Miền Nam mà tôi muốn nói ở đây là khoảng thời gian từ 1954-1975. Một miền Nam đầy triển vọng và tốt đẹp. Tôi vốn nặng lòng với miền Nam ngay từ khi di cư năm 1954. Miền Nam như một miền đất hứa mà mọi thứ đều khác và trội vượt đất Bắc về chiều không gian rộng rãi bao la, về tâm tình con người và nhất nếp sống xã hội cởi mở. Tôi lớn lên ở đó và trưởng thành cũng ở đó. Cho nên không lấy gì làm lạ khi tôi tìm đọc Sơn Nam; tên thật của ông là Phạm Minh Tày, sinh 11/12/1926, ở U Minh Hạ. Ông là người mở đường, là ông thày khai lối cho tôi biết miền Nam là gì. Tôi đã thích thú và tin vào những gì ông viết thấy thân quen và gần gũi. Tóm lại trong một dòng: miền Bắc khổ quá trăm chiều, miền Nam sướng quá, trăm chiều.

Tôi đọc ông như một khám phá trong sự ngợp choáng về sự giầu có, sung túc của dân miền Nam. Đọc ông sướng rên lên: Làm chơi ăn thật. Ông cho người đọc cảm tưởng là mọi thứ ở miền Nam từ đất đai, ruộng vườn, hệ sinh thái, cá tính con người, mọi thứ đều như một ân huệ trời cho, có sẵn từ bao giờ, ưu đãi biệt lệ mà con người đã không phải vất vả lao đao với cuộc sống.

Ông viết trong cuốn “Đồng bằng sông Cửu Long”, nét sinh hoạt xưa bằng thứ ngôn ngữ ngon ơ, sự dễ dãi của sự phóng bút, sự buông thả khó kiểm chứng. Ông cho hay lúa gạo miền Nam thừa mứa đến độ cơm gạo xấu. người không thèm ăn, dùng dể nuôi gà lợn. Khi mất mùa thì cho mất luôn vì trả công gặt còn đắt hơn tiền lúa thu hoạch được. Nhất là câu nhận xét có phần phách lối: Dân làm thuê ngại cúi xuống gặt lúa, sợ đau lưng!

Viết dễ dãi như thế ai tin được thì tin, xin trích lại đoạn văn làm bằng cớ:

“Thiên nhiên ưu đãi, lương thực và thực phẩm có thừa, công việc nhàn rỗi, áo quần nhà cửa, chữ nghĩa còn thiếu, nhưng so sánh với một số địa phương khác thì đồng bằng sông Cửu Long quả là nơi lạc thổ. Lúa xấu, cá khô xấu khó bán. Lúa xấu, gạo lứt thường để nuôi heo, gà vịt. Ghe rổi (chuyên chở cá) từ Chợ Lớn đến không bao giờ chịu tốn hao sở phí “cơm ghe bè bạn” để mua có vài mươi tạ cá (…) Mãi đến thời Pháp thuộc, ta còn thấy sự kiện khó tin nhưng có thể giải thích: ruộng mất mùa mỗi công còn thâu hoạch vớt vát chừng hai gịa nhưng đành bỏ luôn, cho hư hao tại chỗ, vì tiền mướn gặt lắm khi cao hơn tiền bán hai giạ lúa ấy, vả lại lúa mất mùa thường lép hột, khó bán, thợ gặt chán nản khi đi gặt khom sát đất “đau lưng”.

(Sơn Nam, “Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa & văn minh miệt vườn”, nxb Tp. HCM, 1985, tr. 36-37)

Hãy đọc thêm một đoạn nữa để nghe ông ca tụng mảnh đất Đồng Nai:

“Sông Tiền, (Cửu Long) và sông Hậu rất rộng lượng, đôn hậu, ít khi trở chứng, cho rất nhiều, ít khi lấy lại, nước lụt hằng năm không gây tai họa nếu con người biết quy luật. Xử lý khôn khéo, lần hồi ta có lúa, có cá đồng, cá biển, cây củi, vườn cây trái hoa mầu, gió sẽ mát hơn, nắng bớt oi bức, mưa bớt lầy lội.”

(Sơn Nam, Ibid., trang 10)

Đây là những câu nói khống, rất vô tội vạ:

“Từ khung cảnh hoang vu với cọp sấu, muỗi, mòng, bịnh tật, ta đã vạch được một chân trời quang đãng, vui tươi, có văn hóa.”

(Sơn Nam, “Đất Gia Định – Bến Nghé xưa & người Sài Gòn”, nxb Trẻ, TP HCM, in lần thứ hai, trang 75)

Đọc các đoạn văn trên, vừa vắn, vừa gọn, vừa kêu, vừa khoa trương, nhưng thiếu tất cả các dữ kiện. Lần hồi ta có lúa, có cá đồng, cá biển, vườn cây trái hoa mầu? Lần hồi là thế nào? Ai cho ta? Ta vạch một chân trời quang đãng? Ai vạch? Làm sao gió sẽ mát hơn vì có máy lạnh? Mưa bớt lầy lội vì có Pháp đào kênh, nạo rạch? Bịnh tật mà không có Yersin, Pasteur thì tử xuất sẽ là bao nhiêu?

Để có được những điều nhưng không ấy, cả một quá trình khẩn hoang hàng hai ba thế kỷ với sự có mặt của người Pháp và sự hy sinh vô bờ bến của lớp người đầu tiên đi khẩn hoang. Nghĩ đến Sơn Nam, ông còn là ông thầy của Trump!

Công bằng mà nới, người ta có thể đồng ý một phần như trong Phủ Biên Tạp Lục, cuốn sách đầu tiên của chúng ta viết về đất Gia Định với những câu thơ, câu hò nhắn nhủ nghe rất mùi mẫn như:

Ai về Gia Định thì về
Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn

Hay:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.

Nhưng từ văn chương đến cuộc đời là một quá trình sàng lọc, tẩy rửa, hư cấu bao nhiêu cho vừa?

Những người có chút chữ nghĩa như Sơn Nam, có thể chưa hề biết cầm cái phảng phạt cỏ, chưa hề kéo xe trên đó có một thằng Tây nặng gấp đôi người phu kéo, chạy với tốc độ việt dã 12 km/giờ mà không biết mệt. Nhưng người ngoại quốc như ông bác sĩ Morice đã viết vào năm 1872 như sau:

"Máy" xay lúa ơ r Gò Công. Tranh do Rolan vẽ theo hình do ông Thomsón chụp. Nguồn:  Docteur Morice,  "Voyane en CochinChine

“Máy” xay lúa ơ r Gò Công. Tranh do Rolan vẽ theo hình do ông Thomsón chụp. Nguồn: Docteur Morice, “Voyane en CochinChine

“Leur manière de vivre est la plus insuffisante et la plus antihygénique que l`on puisse rêver. (…) Il n’est peut-être pas un peuple qui ait un mode de se nourrir aussi monotone et ausi fidèlement partout”.
(Lối sống của họ thật thiếu thốn và mất vệ sinh đến độ người ta không có thể tưởng tượng ra được. Không biết có dân tộc nào mà có lối ăn uống đạm bạc đến nhàm chán ở khắp nơi như vậy).

(Docteur Morice, “Voyage en Cochinchine, 1872”, trong Le tour du monde, volume 30-1875-2nd semestre, page 369-385)

Về trường hợp Sơn Nam, tôi vẫn nghĩ một cách độ lượng là người ngoại quốc như Morice nhận xét về con người Việt Nam không sai:

“L’annamite n’a que deux âges: “Il est enfant ou il est vieillard. Sa jeunesse se prolonge longtemps. Quant à l’âge mur, il n’a qu’une très courte période.””
(Người Annam chỉ có hai tuổi: Họ là một đứa trẻ hoặc họ là một ông già. Tuổi trẻ của họ kéo dài rất lâu. Khi đến tuổi già thì chỉ còn là một thời gian ngắn).

(Dr. Morice, Ibid., Chapitre I)

Con người Việt Nam thường lạc quan tếu, lấy ăn nhậu phét lác làm đầu, bốc đến trời nên trẻ mãi. Đến lúc chững chạc, hết nổ thì lúc đó đã già.

Nhưng nếu biện luận nghiêm chỉnh thì khác.

Thứ nhất, những lớp người có vốn may mắn có chút chữ nghĩa, dù chỉ nhỏ như chiếc lá đa, gốc gác ở miệt vườn cũng được kính nể là thầy thiên hạ như Sơn Nam. Hoặc chữ nghĩa có cả bồ do học hỏi từ người Pháp như gs Nguyễn Thế Anh thì lại thường có một tình tự dân tộc thấm đậm, suy nghĩ không đơn giản như người dân thường, bén nhậy cũng có, và thường không muốn nhìn nhận các công trình của người Pháp làm ở Việt Nam, ngay cả những việc làm đem lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam mà vua quan nhà Nguyễn đã không làm được trong ít nhất hai thế kỷ. Tôi sẽ lý giải điều này trong những lập luận sắp tới và nhất là ở phần kết luận.

Vì thế, ngay trong phần “Nhận xét tổng quát”, mở đầu cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của Sơn Nam, ông đã tránh né không nhắc nhở gì đến các công trình của người Pháp, hoặc viện chủ nghĩa dân tộc cực đoan như một thứ chân lý, đã phủi tuột tất cả công trình của người Pháp bằng một luận điệu lên án dễ dãi như sau:

“Thực dân Pháp đến, nhằm mục đích bóc lột nhân công rẻ tiền, và xuất cảng tài nguyên, đã thực hiện được vài việc đáng kể:

1. Cho đào kinh để chuyên chở lúa gạo, giúp giao thông vận tải được dễ dàng, đồng thời rút bớt nước vào mùa lụt từ Hậu Giang ra Vịnh Xiêm La. Vùng đất phèn, tạm gọi là phù sa mới, không còn bị nước ngập quá cao. Việc chuyên chở sản phảm về Sài Gòn ít tốn kém hơn trước.
Thành lập các tỉnh mới: Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vùng này trở thành nơi dư lúa gạo, nhờ dân ít mà mức sản xuất cao. Khai khẩn rừng tràm và đồng cỏ.

2. Thúc đẩy việc làm ruộng sạ, nhờ chọn các giống lúa thích hợp hơn, giúp vùng đất thấp ở Long Xuyên, Châu Đốc và Đồng Tháp Mười canh tác được. Còn lại là vùng rừng Sác Cần Giờ, rừng Đước Cà Mau, vùng than bùn U Minh, vùng đất quá nhiều phèn chung quanh Hà Tiên và Đồng Tháp Mười.

3. Lập đồn điền cao su ở miền Đông.”

(Sơn Nam, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/thu-vien-so-sach-anh-video/tu-sach-van-hoa-hoc/527-son-nam-lich-su-khan-hoang-mien-nam-1.html)


Việc lớn như thế, vĩ đại như thế mà chỉ coi là vài việc đáng kể! Hãy nghĩ lại xem, Nguyễn Ánh khi chiếm được Gia Định thì việc lớn đầu tiên ông làm là gì? Năm 1789, Nguyễn Ánh thắng được Tây Sơn, thâu được Sài Gòn thì ra lịnh xây đắp thành trì kiên cố. Ông cũng có công cho đào được hai kinh Vĩnh Tế và Thoại Hà. (Việc đào kinh thường bắt dân chúng trong vùng làm sâu, một năm phải làm sâu một số ngày nhất định. Sau này Pháp cho nạo vét lại kinh này).

Có lúc nào Nguyễn Ánh Gia Long nghĩ đến xây dựng và phát triển đất nước? Lên ngôi thì việc đầu tiên không phải là ban bỗng lộc cho bầy tôi đã vì mình lặn lội trong nhiều năm mà nghĩ ngay đến chuyện ân oán, xây thành quách và gửi một phái đoàn hùng hậu sang Tàu. Tôi đã đọc rất kỹ bản văn này và chỉ còn biết xấu hổ và nhục cho vua quan của mình. Và nếu nghĩ xa được đến đất nước thì chắc chắn ông đã phải chọn đất Gia Định làm kinh đô thay vì mảnh đất khô cằn, chật hẹp ở Huế! Chọn Huế là một thiển cận mọi mặt chỉ vì ông chỉ lo lắng bảo vệ cho sự an ninh của dòng họ thay vì xây dựng.

Tôi xin nêu một bằng chứng đầu tiên về công trình của Người Pháp. Đường bộ giao thông ở miền Nam trước khi người Pháp chiếm miền Nam hầu như chưa có. Mỗi cuộc tiến quân chinh phạt của Quang Trung Nguyễn Huệ là chờ đợi gió mùa kéo thủy binh vào Nam. Vì thế, con đường lộ duy nhất khi người Pháp đến xứ Nam Kỳ là trải đá con đường Trần Hưng Đạo nối Saigon với Chợ Lớn, sau đó trải nhựa. Đến năm 1872 thì đã hãnh diện có đại lộ Catinat, mạch sống của Saigon và Hotel gọi một cách kiêu hãnh là: Hotel de l’Univers. (Khách sạn hoàn vũ).

Hotel de l'Univers, 1906. Ảnh bưu thiếp 1909.

Hotel de l’Univers, 1906. Ảnh bưu thiếp 1909.

Vậy mà ngoảnh đi lại, cũng theo Sơn Nam, vào năm 1929 đã có:

“Quốc lộ Đông Dương, 1013 km; Liên tỉnh lộ, 1083; Tỉnh lộ, 1728 km. Tổng cộng 3824 km. Chưa kể 3243 là hương lộ xấu.”

(Sơn Nam, Ibid., Chương Tình hình các tỉnh dưới mắt người Pháp.)

Đến lượt Nguyễn Thế Anh 1939, nghĩa là chỉ 10 năm sau:

“Chính phủ bảo hộ đã cố gắng phát triển hệ thống giao thông. Chiều dài đường bộ đã lên đến con số 23.987 gồm 17.500 km lát đá, 5000 km trải nhựa. Và chi phí cho công việc này từ năm 1900 đến 1935 là: 145.800.000 đồng cho việc thiếp lập đường xe lửa và 44.900.000 cho việc thiếp lập đường bộ.”

(Nguyễn Thế Anh, “Việt Nam thời Pháp đô hộ”, Tủ sách sử địa Đại Học, Lửa Thiêng xuất bản 1970, trang 178-179)


Một chi tiết đáng ghi nhận, năm 1930 đã có phi trường Tân Sơn Nhất.

Ngoài cái tinh thần chủ nghĩa dân tộc có phần cực đoan, nhà văn Sơn Nam còn có liên hệ với cộng sản càng làm cho cái nhìn của ông vốn đã giới hạn càng trở thành hẹp hòi hơn. Sau 1975, Sơn Nam và Vương Hồng Sển là hai là nhà văn gốc gác miền Nam, được ân sủng không phải từ ruộng vườn mà từ nhà nước CNXH. Cả hai đã có cơ hội sáng tác nhiều nhất và khỏe nhất trong khi cả hai trăm nhà văn miền Nam khác, số phận hẩm hiu, đã bị tắt tiếng.

Sơn Nam với các cuốn Đất Gia Định xưa, Đồng Bằng sông Cửu Long, Người Sài gòn, Cá tính miền Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam v.v..., và nhất là cuốn cuối đời của ông, Hồi Ký Sơn Nam- từ U minh thượng đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An (2005).

Cho nên, cái sự ca tụng đất nước miền Nam ấy hẳn là có lý do bên trong của nó như trong cuốn Hồi ký cuối đời của ông. Hẳn là nó hợp với khẩu vị của chính sách nhà nước. Tuy nhiên, nó không đến nỗi quá lộ liễu như trường hợp Ca Văn Thỉnh, trong cuốn Hào khí Đồng Nai. (Ca Văn Thỉnh, nxb TP. HCM, 1983).

Đó là nhận xét cá nhân và cũng là nỗi không vui của tôi khi đọc sách của ông trước 1975 và sau 1975 cũng như khi đọc những tạp bút của Vương Hồng Sển.

Để công bằng, xin nói rõ, trước 1975, cuốn sách của ông mà tôi trân trọng nhất là cuốn Hương Rừng Cà Mau (1972, hai tập) với vài chục mẩu truyện ký về con người, về những sinh cảnh, về những tâm tình xem ra tầm thường của con người vùng đất mới. Nhưng lại đậm đà tinh con người. Mỗi con người là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Mỗi câu truyện kể đều có sức chuyên chở một cái gì đó. Cái gì cũng “ngộ”, cũng lạ. Từ lối kể truyện, từ ngôn ngữ viết như nói, từ cách dùng từ, cách đặt tên cho truyện đến lạ, bàng bạc tính chất phác dân giả, quê mùa mà đầy tình nghĩa xóm làng.

Và theo tôi, đó là nét đẹp nhất trong văn chương miệt vườn của Sơn Nam.

Trở về với Sơn Nam, cái ngôn ngữ kể truyện của ông với chuyện cà kê dê ngỗng ấy là thế giới riêng của ông không cách gì bắt chước được. Không biết phải uống bao nhiêu nước sông Đồng Nai? Rồi truyền đời, kế thừa từ đời cha đời ông đến con cháu, tích lũy, gạn lọc mới có thể có được thứ ngữ cảnh đó chăng? Sau này, ngoại trừ trường hợp Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên đã là một lẽ, những thế hệ đàn em theo sát ông như Hồ Trường An, Kiệt Tấn cũng không bắt kịp.

Ngòi bút ấy kể cũng xứng đáng bậc thầy bắt nhớ đến Nguyễn Tuân ngoài Bắc. Nhưng hai cá tính, hai miền coi vậy mà khác biệt trùng trùng như nước với lửa. Kẻ chẻ chữ uốn nắn từng câu chữ coi có phần vất vả. Kẻ chơi chữ, viết như đùa, dông dài mà bắt phải nhớ mãi.

Những sách khác của ông như Cá tính miền Nam (nxb Trẻ, tái bản lần 2, năm 1997). Người Saigon (nxb Trẻ 1990) với nhiều tích cũ chuyện xưa, kể như thật mà không cần bằng cớ đã mất một phần phản ảnh tính chất “lãng mạn” chất phác của miền Nam trước 1975.

Nhưng dù muốn dù không, viết trước 1975 và sau 1975 hẳn có sự khác biệt về thái độ cầm bút. Cái cá tính miệt vườn của một Sơn Nam và cái ngông nghênh của một người cầm bút miền Nam ba dòng máu Việt, Hoa và Khờ me Vương Hồng Sển hẳn đã được thử thách và đẽo gọt?

Nhiều lúc có cảm tưởng ông Sơn Nam đã viết cương, tiểu thuyết hóa nhiều chuyện, nhiều chi tiết hư hư, thật thật. Không cương thì làm sao mà những kẻ trộm cướp, kẻ trốn sâu, lậu thuế, kẻ lang bạt kỳ hồ cũng trở thành những mẫu anh chị, những tay hảo hán có cái đạo đức giang hồ, chơi đẹp!

Chính ông khi viết Hương Rừng Cà Mau đã gởi một cuốn về cho người Bác (Bác Hai, khoảng 90 tuổi) vốn không biết chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ, phải nhờ thằng cháu đọc. Đứa cháu sau đó có viết một lá thư gửi lên Sài Gòn cho ông đại ý nói:

“Thằng này nói dóc, nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ.”

(Sơn Nam, “Hồi Ký Sơn Nam”, bốn tập, nxb Trẻ 2003,2005, trang 22)

Nó có cái đẹp của giang hồ, rầy đây mai đó tạo ra những mẫu người hùng kiểu Lương Sơn Bạc. Có những phong cách người Sài Gòn, có những hãnh diện với một Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của hay một Đồ Chiểu. Cái hãnh diện của người Sài Gòn thời Sơn Nam những năm 1930 đậm nét thuộc địa với ba nhu cầu lớn là Đá banh, Nhựt trình và Sân khấu Cải lương. Cái thứ ba là sản phẩm chính gốc có nhãn hiệu Saigon thì tiếc thay nay nó hầu như tàn lụi.

Viết cương phải chăng cũng là cá tính miền Nam? Bởi vì Sơn Nam hơn ai hết đã để lại cho đời sau cái câu chết người:

Người dân miền Nam thảnh thơi “vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn”. Có thật như thế không?

Rồi đến hai cuốn sách mà tôi cho là có tính cách biên khảo nghiêm chỉnh nhất của ông là cuốn: Đất Gia Định xưa và cuốn: Lịch sử khẩn hoang miền Nam. Ông viết thẳng băng từ đầu tới cuối, chẳng cần trich dẫn tài liệu lấy ở đâu, ai tin được thì tin, mặc dầu cuối sách ông có dẫn chứng một số sách đã đọc.

Chính về điểm này mà tôi muốn viết  về cuộc sống của người dân miền Nam dưới thời kỳ đầu thời Pháp thuộc. Có thể, nó trái ngược và không giống như Sơn Nam viết hay như Vương Hồng Sển trong Phong lưu cũ mới.

Nó là sự thật khốn khổ trăm chiều, bị bóc lột đủ kiểu chứ không nhàn hạ làm chơi ăn thật như Sơn Nam đã gieo vào đầu mọi người.

Cuộc sống ấy mới là cuộc sống thật không phải cuộc sống trong tiểu thuyết của nhà văn Sơn Nam. Hay trong các thú Nuôi chim, Đá gà, thú đá cá Thia Thia của Vương Hồng Sển, v.v.

Càng đọc Sơn Nam càng hiểu gián tiếp rằng việc khẩn hoang miền Nam cũng như việc đô thị hóa Saigon là một quá trình tiến bộ vượt bực sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự có mặt của người Pháp.

Tôi cho rằng cái thành công nhất, cái làm nên Sơn Nam là Sơn Nam, chính là nó phơi bầy ra cá tính miền Nam với những nét đặc thù của dân miệt vườn.

Một thắc mắc của tôi ở đây về phương diện nhân chủng học là một phần không nhỏ đám lưu dân vào miền Nam có gốc gác là dân Ngũ Quảng (miền Trung). Vậy mà bằng cách nào cũng những con người ấy khi vào vùng đất mới thì như lột xác, rũ bỏ quá khứ trở thành một con người mới.

Cái rũ bỏ ấy là lấy vọng cổ làm nguồn vui mới. Lấy tôn giáo cải biên làm tôn giáo mới.

Vấn đề người ở lại thì vẫn chìm đắm trong nếp sống cũ, hủ lậu và dậm chân tại chỗ, kéo dài hết thế hệ này sang thế hệ khác. Vấn đề người ra đi có cơ hội mở ra những chân trời mới, một tương lai tốt đẹp hơn cho chính họ và con cái họ.

Các cuộc di cư của dân miền Bắc vào miền Nam 1954 cũng như cuộc di tản của người miền Nam 1975 ra nước ngoài là hai bằng cớ rõ nét nhất: Ra đi chưa hẳn đã là thiệt thòi mất mát. Ra đi là tìm được một cuộc sống tốt đẹp cho chính mình và tương lai con cái mình. Cái mất trở thành cái được đến nỗi mọi sự so sánh xem ra vô nghĩa.

Và cái rũ bỏ quan trọng nhất của người bỏ xứ ra đi là rũ bỏ được cá tính con người cũ thành một con người mới.

Một con người với tính tình hào sảng, rộng lượng, cởi mở, chơi đẹp theo cách sống giang hồ, lấy tình nghĩa làm đầu, lấy bạn bè xóm làng làm phương châm. Nó khác hẳn con người cũ bon chen, ty tiện, tinh thần xã thôn bảo thủ, chật hẹp, tinh thần cha chú phân chia giai cấp trong một guồng máy cùm kẹp con người.

Người dân gốc gác cũ đi vào vùng đất mới thì việc đầu tiên họ làm là tự giải phóng mình ra khỏi cái nhà tù giam hãm họ từ bao đời của tinh thần xã thôn ấy.

Ra đi là lời nguyền giải thoát. Thường vì thế họ không có tâm tư tìm về cội nguồn gốc gác cũ nữa. Giã từ quá khứ, cái đã làm nên thân phận họ.

Giữa con người cũ và con người vùng đất mới có một sự đổi thay kỳ diệu. Đến độ nói đến người miền Nam thì không còn chút chi giống mới dân miền Trung nữa. Đó là hai sắc dân mặc dầu gốc gác là một. Điều ấy kinh nghiệm trong việc giao tiếp đến bây giờ vẫn có thể là đúng.

Thắc mắc này của tôi sau này có thể gợi ý cho một công trình nghiên cứu về nhân chủng học trong các cuộc di dân như hiện nay trên thế giới.

Nhưng trước hết, xin hãy tìm hiểu giai đoạn từ các Chúa Nguyễn trước khi người Pháp trực tiếp làm chủ xứ Nam Kỳ.


(còn tiếp)

Nguyễn Văn Lục

Nguồn: DCVOnline
09 Tháng Ba 2024(Xem: 564)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 568)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 655)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 448)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 602)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 572)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 708)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 754)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 962)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1072)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 852)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 990)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 810)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1689)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 765)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 708)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1704)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 966)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri