Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 49

20 Tháng Ba 20219:34 CH(Xem: 7870)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 49

 NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 49



Thứ hai 15 tháng 2


Cả một năm trôi qua, COVID-19 tàn phá cả sức khỏe, kinh tế, và cả tình cảm của rất nhiều người. Nhưng đại dịch không gây ảnh hưởng xấu đến tình yêu của cụ ông John Shults và cụ bà Joy Morrow-Nulton. Họ có rất nhiều điểm giống nhau, cùng bước vào tuổi 94 năm 2021, cùng đã phải vĩnh biệt người hôn phối hai lần trong đời, cùng ở dọc theo bờ sông Hudson River ở ngoại ô thành phố New York, và khá sáng suốt, khỏe mạnh so với nhiều người già cùng tuổi hay ít tuổi hơn họ.  


Dù đã phải đi bằng walker (một cái khung nhôm có 4 chân để làm điểm tựa khi bước dành cho người bệnh hay người lớn tuổi đi không vững) nhưng trái tim của hai cụ vẫn còn thanh xuân. Vì đại dịch, họ không thể gặp nhau thường xuyên cả năm nay, nhưng cả hai cụ vẫn nói chuyện qua điện thoại mỗi ngày, dù... "ai nói người đó nghe".


blank

Courtesy of CBS News


Đầu tháng hai năm 2021, cả hai cụ đều đã được chích đủ hai doses thuốc chủng ngừa COVID-19 của Pfizer. Chờ thêm ba tuần để thuốc ngấm, Ngưu Lang, Chức Nữ đoàn tụ với nhau ở bên bờ Hudson River. Ở lần đoàn tụ đầu tiên sau đại dịch, cụ ông cầu hôn cụ bà. Vì đã 94 tuổi, nên ông phải lập đi lập lại lời cầu hôn cả chục lần trước khi bà cụ nghe được và đồng ý.


Ở tuổi ngoài 90, những ngày còn lại không còn nhiều, nên hai cụ quyết định sẽ tổ chức lễ cưới vào đầu mùa Xuân năm 2021. Hai cụ đã được chích ngừa, đã được miễn nhiễm COVID-19, có thể yên tâm sống những ngày còn lại bên nhau. Đúng là "hạnh phúc nào mong manh cũng cần gom góp hết" **


Đại dịch đã hoành hành thế giới, tấn công Hoa kỳ, cướp đi sinh mạng của hơn 2.5 triệu người trên toàn thế giới và hơn nửa triệu người Mỹ nhưng không thể lấy đi tình yêu cuối đời của hai cụ John Shults và cụ bà Joy Morrow-Nulton. 


Không có ai "bách chiến bách thắng", kể cả... Coronavirus và các biến thể của nó.



***


Thứ ba 16  tháng 2


Hầu hết người Mỹ biết Aaron Rodgers là một quarterback tài năng của đội banh bầu dục nổi tiếng đã bốn lần vô địch Super Bowl, nhưng ít ai biết tấm lòng của Aaron với quê nhà còn đáng trân quý hơn khả năng ném banh của anh.


Vốn đã đóng góp nhiều cho một số tổ chức thiện nguyện hàng năm, đặc biệt là tổ chức "Raise Hope for Congo"(Phi Châu), trong đại dịch Aaron Rodgers đã trích một triệu đồng từ tiền túi của mình để giúp đỡ cho 80 cơ sở thương mại ở sinh quán của anh, thành phố nhỏ Chico ở miền Bắc California.


blankblank

Aaron Rodgers  (AP Photo/Morry Gash)              Chico, California


Tất cả các cơ sở thương mại nhỏ ở Chico có ít hơn 20 nhân viên làm việc toàn thời gian (trên 32 tiếng mỗi tuần) đều có thể xin trợ giúp tài chính từ Aaron Rodgers.


Đó cũng là cách cầu thủ quarterback giỏi của đội Green Bay Packers góp phần giữ cho thành phố Chico, nơi anh chào đời, không bị chao đảo sau một năm đại dịch COVID hoành hành nước Mỹ, và cả thế giới.


Đầu tháng 2 năm nay, Aaron bỏ ra 500 ngàn dollars cho "Aaron Rodgers Small-Business COVID-19 Fund" thuộc  North Valley Community Foundation. Khi thấy có đến hơn 80 đơn xin, anh bỏ thêm 500 ngàn nữa. Rồi một số ủng hộ viên của anh đóng góp thêm 200 ngàn, đủ để cho các cơ sở thương mại nhỏ trả được từ 3 đến 6 tháng tiền thuê cửa tiệm, và tăng cường các biện pháp giữ an toàn cho khách hàng trong đại dịch.


Với Aaron, những cơ sở thương mại nhỏ của người dân địa phương là trái tim và linh hồn của cộng đồng (Small, locally owned businesses are the heart and soul of a community)

Nhiều cầu thủ thể thao chuyên nghiệp có thu nhập rất cao, nhưng không phải ai cũng biết cách chia xẻ tài sản của mình với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. 


Tấm lòng của Aaron Rodgers cũng đáng quý như khả năng chạy và ném banh của anh trên sân cỏ. Nghĩa cử này sẽ giúp đội Green Bay Packers có thêm nhiều ủng hộ viên mới, trong đó có chúng tôi.


***


Thứ tư 17 tháng 2


Một nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học tư USC (The University of Southern California) cho biết cứ một người qua đời vì COVID-19, có đến chín người phải chịu ảnh hưởng về tinh thần, vật chất, hay cả hai. 


Hai anh em Nathan và Isaiah là người phải chịu tổn thất cả hai mặt khi cha mẹ của các em qua đời chỉ cách nhau nửa tháng vào tháng 7 năm 2020. Đến bây giờ, hai cậu bé ở tuổi teenager vẫn yêu cầu bà ngoại chở các em đi "thăm" cha mẹ mỗi tuần ở nghĩa trang. Hai anh em vẫn "độc thoại" với cha mẹ ở một ngôi mộ hai tầng, tưởng như cha mẹ vẫn còn có thể nghe các em nói như cách đây chỉ vài tháng.


Vì cha mẹ các em qua đời khi vừa bước vào tuổi 40, nên không có di chúc để lại ai sẽ được quyền giám hộ hai anh em. Trong lúc chờ giấy tờ để các em chính thức trở thành con nuôi của cậu mợ, Nathan và Isaiah về ở với bà ngoại.


 Bà Rita Marquez-Mendoza tạm thời nuôi hai đứa cháu ngoại mồ côi cha mẹ vì đại dịch Coronavirus, mặc dù bà cũng đang phải nuôi năm đứa con chưa đến 21 tuổi của mình ở vùng ngoại ô Houston, Texas.


Mỗi ngày hai cậu bé giúp bà ngoại và các cậu, các dì chăm sóc mấy con ngựa, và bầy gà ở nông trại.


blank

  Nathan và Isaiah / Courtesy of www.wave3.com


Isaiah muốn trở thành một kỹ sư, nhưng chưa chắc chắn là lãnh vực nào. Nathan thì muốn theo đuổi ngành kỹ sư cơ khí. Bà ngoại của hai anh em có mở quỹ quyên tiền cho hai em trên trang GoFundMe chỉ mong xin được năm ngàn dollars. Thấy tình cảnh đáng thương của hai anh em mất cha mẹ, và mất cả tương lai, hơn 42 ngàn người đã góp tay vào giúp hai anh em, trong đó đóng góp nhiều nhất là năm ngàn đồng. Đến hôm nay, số tiền lên đến hơn 177 ngàn đồng.


Nếu chăm học, và biết cách sử dụng số tiền đến từ lòng hảo tâm của những người xa lạ, "giấc mơ Hoa kỳ" của các em sẽ thành sự thật trong vòng 10 năm nữa. 


Đã tạm yên ổn về vật chất, nhưng khoảng trống tinh thần mà đại dịch đã để lại khi lấy mất cha mẹ của Nathan và Isaiah sẽ mãi mãi không bao giờ có thể lấp đầy. Và hai anh em đủ lớn để hiểu đại dịch là thủ phạm đã chấm dứt cuộc đời của cha mẹ các em ở tuổi 44 và 39 . 


***


Thứ năm 18 tháng 2


Đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo, ngày lễ Phục sinh rất quan trọng, chỉ sau Lễ Giáng sinh. Đa số người Châu Âu là con chiên của Chúa, nên Lễ Phục sinh ở Châu Âu rất quan trọng. Không may, Lễ Phục sinh năm 2021, ngày 1 tháng 4 , hơn một năm từ ngày COVID-19 hoành hành Châu Âu nhất là nước Ý, lại có chiều hướng COVID-19 tổng tấn công Châu Âu đợt ba mặc dù thuốc chủng ngừa đang từng bước, chậm nhưng chắc, được phân phối .


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối ban hành lệnh lockdown toàn quốc thêm một lần nữa mặc dù số người nhiễm Coronavirus tăng cao ở Pháp trong hai tháng gần đây. (Tưởng cũng nên biết, quốc gia có hơn 65 triệu người này đứng thứ ba ở Châu Âu về tổng số bệnh nhân COVID , chỉ sau Nga và Anh, đứng trên cả Ý).


blankblank

      Courtesy of sudbury.com                       Courtesy of contractcomplete.com


Để đề phòng làn sóng đại dịch đợt 3 sẽ tăng cao vào dịp lễ Phục sinh năm 2021, Pháp vừa thông báo những hạn chế mới ở 16 khu vực, kể cả Paris và Nice, nơi có bãi biển đẹp nổi tiếng.


Trước cả Pháp, Ý ban hành lệnh lockdown nghiêm ngặt ở hầu hết các thành phố, ngay cả Rome, và Milan.

Tương tự, thủ đô Berlin của Đức cũng ngừng lại dự định bỏ lệnh lockdown. Tây Ban Nha thì hạn chế du lịch trong mùa lễ Easter để ngăn chận du khách mang Coronavirus đến gieo rắc cho những nạn nhân mới.


Ấy thế mà hầu hết các quốc gia Châu Âu đều bị phê bình là các chính trị gia, các nhà lãnh đạo đã chấm dứt lệnh lockdown quá sớm để cứu vãn tình hình kinh tế, gây ra làn sóng đại dịch đợt 3 chỉ trong vòng một năm.


Chuyên viên về dịch bệnh của Pháp, bà Catherine Hill cho là ngay từ khi làn sóng đại dịch tăng mạnh đợt hai, chưa chấm dứt, chính phủ các nước Châu Âu đã chấm dứt lệnh lockdown quá sớm, để người ta đi mua sắm vào dịp lễ Giáng sinh 2020. Bà cũng buồn bã cho biết thêm;


- Gần đây (tháng hai), số bệnh nhân phải nằm ở ICU (Intensive Care Unit) vì COVID-19 luôn luôn cao. Tình hình rất nghiêm trọng nhiều nơi ở Pháp, kể cả Paris.


Làn sóng lây lan đại dịch lần 3 không đến trực tiếp từ Coronavirus, mà đến từ biến thể B.1.1.7, được gọi theo tên của địa phương xuất phát là UK Variant (British Variant, hay cụ thể hơn Kent Variant)


B.1.1.7 đã đi rất xa, và lây lan còn nhanh hơn Coronavirus dù không gây ra tỷ lệ tử vong cao như Coronavirus. 

Từ Anh, B.1.1.7 đã nhanh chóng lây lan cả Châu Âu, qua Châu Mỹ, đến Hoa kỳ, và tấn công nhân loại ở hơn 30 nước khác nhau tính đến trung tuần tháng 2.


***


Thứ sáu 19 tháng 2 


Vào trung tuần tháng 2 năm 2021, tiến trình chủng ngừa COVID-19 ở Mỹ đã có "gia tốc". Đã đến phiên tất cả những người trên 65 tuổi, và tất cả những người từ 18 đến 65 có bệnh mãn tính, nặng quá khổ, hay những người có nghề nghiệp phải tiếp xúc hàng ngày với rất nhiều người như nhân viên ở các chợ, các thầy cô giáo... Lối ra khỏi đường hầm đen tối, dài hun hút của đại dịch đã rất rõ ràng.


Nhưng chỉ cách đây một tháng, khi những người ở lứa tuổi cao nhất, trên 75 tuổi, được chích ngừa thì việc lấy hẹn online không dễ dàng chút nào với những người ở độ tuổi này.


Florida là tiểu bang Đông Nam của Hoa kỳ, nơi đa số dân cư là những người đã về hưu. Họ lớn tuổi, không giỏi về computer, nên gặp nhiều trở ngại khi phải lấy hẹn chích ngừa COVID-19 online.


Russ Schwartz và Katherine Quirk biết cha mẹ mình sẽ không thể làm hẹn chủng ngừa COVID online. Họ phải làm hẹn cho thân sinh của mình, và nghĩ đến những người cao tuổi khác sẽ không lấy được hẹn vì không thể sử dụng thành thạo computer.


Họ cùng lập ra một trang Facebook, chỉ dẫn rõ ràng từng bước cách lấy hẹn online. Trang này cũng cập nhật tin tức hàng ngày, địa điểm nào chích thuốc, và sẽ lấy hẹn ở đường link nào. Tất cả để giúp người cao tuổi có thể làm hẹn tiện lợi, nhanh chóng.


blank

Katherine Quirk and Russ Schwartz / Courtesy of GMA



Chỉ một tháng sau trang Facebook có tên "South Florida COVID-19 Vaccination Info" của Russ  và Katherine đã có 120 thiện nguyện viên cùng góp tay với họ. Cùng nhau, họ đã giúp được cả ngàn người lớn tuổi lấy hẹn chủng ngừa COVID-19 qua Internet.


Một ông cụ 91 tuổi ở cùng thành phố với họ, sau khi đã được giúp lấy hẹn chích thuốc ngừa COVID-19, đã giới thiệu những người bạn của ông đến nhờ họ lấy hẹn giùm.

Ông cụ trở thành một người bạn thân của Russ và Katherine . Họ giúp ông lấy hẹn chủng ngừa, ông truyền lại cho họ những kinh nghiệm sống quý giá của một người đã sống gần một thế kỷ.


Tiếng lành đồn xa, Russ và Katherine còn giúp những người bạn Facebook của họ ở New York và Pennsylvania lập những nhóm tương tự giúp dân địa phương cao tuổi.

Bất cứ một hành động thiện nguyện nào cũng góp phần làm giảm màu xám buồn bã của đại dịch.


***


Thứ bảy 20  tháng 2


Đức, Ý, Pháp, và Tây Ban Nha vừa tiếp nối nhiều quốc gia Châu Âu khác ngưng dùng thuốc Oxford-AstraZeneca (AZD 1222) do Anh sản xuất.


Khởi đầu, một người dân ở miền Bắc nước Ý, sau khi được chủng ngừa COVID-19 với thuốc Oxford-AstraZeneca bị bệnh và từ trần. Rồi một người đàn bà ở Đan Mạch cũng qua đời sau khi được chích thuốc AstraZeneca. Mấy ngày sau, một người dân Na Uy cũng thiệt mạng sau khi được chích thuốc AstraZeneca.

 Mặc dù chưa có kết quả autopsy chính thức và chưa có dữ liệu khoa học chứng minh là AstraZeneca là thủ phạm gây ra những cái chết vừa nêu, nhưng để an toàn, chính phủ các nước Châu Âu tạm ngưng chích ngừa thuốc AstraZeneca.


Chưa kể một số người dân Bắc Âu bị bệnh sau khi được chủng ngừa với AZD 1222.

Rồi Hòa Lan cũng cho biết có mười trường hợp máu bị đông từ những người đã được chủng ngừa với thuốc của AstraZeneca.


blank



Về chuyện này, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã lên tiếng chính thức:


"Vào thời điểm này, không có bằng chứng cho thấy các trường hợp không may gây ra bởi thuốc chủng ngừa AstraZeneca. Và rất quan trọng, chuyện chủng ngừa phải tiếp tục để chúng ta có thể bảo vệ mạng sống và những trường hợp bệnh nặng do Coronavirus gây ra".


Liên minh Y khoa của Châu Âu EMA (The European Medicines Agency) cũng nhắc nhở các nước thành viên:


"Trong khi việc điều tra đang tiến hành, EMA vẫn tin là lợi ích ngừa được COVID-19 do AstraZeneca mang lại (tránh được những cái chết, và tình trạng bệnh viện đầy bệnh nhân nhiễm COVID-19) cao hơn nguy hiểm của di chứng (side effects) do thuốc chủng ngừa này gây ra"


Hẳn là không phải chỉ AstraZeneca, mà ngay cả những người có thẩm quyền quyết định thuốc chủng ngừa này có nên được tiếp tục dùng hay không cũng bạc đầu vì không có lựa chọn nào hoàn hảo.


***


Chủ Nhật 21 tháng 2


Hơn năm ngàn các em ở những năm cuối Trung học đã gởi ý kiến cá nhân đến Tạp chí Times để trả lời câu hỏi khảo sát: "đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào?".  "The Times" đã nhận được  trả lời chung từ đa số các em: “cảm thấy cô đơn, mất phương hướng, buồn chán, và ngột ngạt". Một em 16  tuổi còn cho biết thêm "ghi lại một dấu ấn trong lịch sử (made history) là một cách nói quá đáng".


Mỗi em có một cách đối phó khác nhau với đại dịch tùy theo hoàn cảnh gia đình, và tính cách cá nhân.. Tình hình cũng tương tự với người lớn. Trong thời gian shutdowns, những người làm ở các chợ, nhân viên Bưu điện và những người vận chuyển, giao nhận hàng hóa là những người giữ guồng máy quốc gia quay đều.


Thông thường khi con nít dưới 10 tuổi có được điều các em mong muốn, các em biểu lộ niềm vui vỡ òa bằng cách nhảy lên nhảy xuống, hay reo lên một cách hạnh phúc. Clara Zanotto, 9 tuổi, học lớp bốn, cũng không đi ngoài thông lệ.


Nhưng tuần này, khi nghe mẹ báo tin Redondo Beach School District sẽ cho trường Tiểu học nơi em đang theo học mở cửa (để các em đến trường học như trước đại dịch) kể từ ngày 3 tháng 3, Clara òa khóc như con nít đi lạc vừa tìm lại được cha mẹ.


blankblank

           Clara and Mom                    Clara Zanotto/ Courtesy of GMA



Tính đến ngày 3 tháng 3, Clara cùng các bạn của em ở học khu Redondo Beach (miền Nam California) đã học online (virtual learning) 358 ngày. Trong suốt thời gian đó, vì đại dịch, Clara chỉ quanh quẩn trong nhà, không được gặp cô giáo Hollow và các bạn cùng lớp.


Chúng tôi hiểu những giọt nước mắt nghẹn ngào, hạnh phúc của Clara. Thời thơ dại, lúc 6 tuổi, vì mãi nhìn hươu cao cổ trong sở thú Saigon, chúng tôi bị lạc trong sở thú vào buổi trưa. May mắn được một người dẫn về đồn cảnh sát gần nhất. Chiều hôm đó, được Ba Mẹ đến đón về, chúng tôi cũng òa vỡ những giọt nước mắt hạnh phúc như bé Clara bây giờ.


Ở tuổi lên 9, Clara đủ khôn để biết đại dịch đã ảnh hưởng đến các em như thế nào, và những giọt nước mắt hạnh phúc được trở lại trường, sẽ theo em suốt quãng đời còn lại.


Nguyễn Trần Diệu Hương

March 2021

Chân thành cảm ơn NQK13 Phạm Kim Luân về tư liệu thơ của Nguyễn Tất Nhiên


** Trích từ bài thơ "Mùa Xuân Chim Núi" của Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992)


...Hạnh phúc nào mong manh

cũng cần gom góp hết

Bởi tụi mình chung thân

bị trời hành trời phạt

giấu giếm mãi mùa xuân

ở một trần thế khác...






29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76192)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76782)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73832)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73928)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72671)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72011)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75533)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74212)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80496)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74079)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75835)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69095)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73733)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69338)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66511)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73069)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65423)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76740)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!