Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 48

12 Tháng Ba 202110:21 CH(Xem: 7692)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 48

  NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 48



Thứ hai 8 tháng 2


Có rất nhiều cách để tỏ lòng tri ân tùy theo trình độ, và khả năng của mỗi người. Họa sĩ Jayashree Krishnan dùng màu sắc để bày tỏ lòng cảm ơn của mình với những "nhân viên tuyến đầu" trong ngành y tế từ cả năm nay, khi đại dịch tấn công loài người ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Mỹ.


Bà Krishnan vốn là một giáo sư Toán ở trường Đại học tư Seattle ở tiểu bang Tây Bắc, Washington. Đã  5 năm nay, tình yêu hội họa lớn hơn tình yêu dành cho môn Toán. Từ cầm phấn, cầm viết mỗi ngày, professor Krishnan chuyển sang cầm cọ. Bà thuê một studio nhỏ ở downtown Seattle làm phòng vẽ tranh và bán họa phẩm của mình. 


Tháng 3 năm ngoái khi đại dịch bùng phát, cả nước Mỹ bị lockdown, bà đón sinh nhật 50 của mình lặng lẽ với màu sắc của hội họa. Một trong những bức tranh  bà vẽ rất có hồn là chân dung của một người em họ làm việc trong một bệnh viện ở Michigan 13 tiếng mỗi ngày, bảy ngày một tuần, trong suốt thời gian đại dịch.

[Thử tưởng tượng bạn làm việc liên tục cả năm không có ngày nghỉ, chỉ 8 tiếng mỗi ngày, đủ cảm thấy mệt mỏi. Trường hợp này lại làm trong bệnh viện thời đại dịch, chứng kiến mỗi ngày người ta không thở được, và chết trong phòng cách ly một mình.]


Từ hình của người em họ trong PPE (personal protective equipment), họa sĩ Krishnan vẽ một bức chân dung với đôi mắt rất có hồn. Bức tranh đó được upload lên trang web trưng bày họa phẩm của bà. "Tiếng lành đồn xa", bà nhận được cả trăm bức hình chụp chân dung "thiên thần áo trắng" đang làm việc trong các bệnh viện khắp nước Mỹ, yêu cầu bà phác họa lại bằng màu nước.


Thế là những bức tranh chân dung với đôi mắt rất có hồn, biểu lộ sự quan tâm của nhân viên bệnh viện đến bệnh nhân lần lượt ra đời từ tháng 3 năm ngoái đến nay. Những ánh mắt rạng ngời hạnh phúc khi thấy tình hình sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Những ánh mắt ảm đạm, buồn bã khi họ không thể dành lại được bệnh nhân từ tay thần chết.


"Thiên thần áo trắng"  thứ hai được họa sĩ Krishnan vẽ bằng màu nước là bác sĩ gây mê Eliot Fagley, người đứng đầu ICU của bệnh viện Virginia Mason ở Seattle, thành phố nhà của bà. Mặc dù không quen biết bác sĩ Fagley, chưa bao giờ gặp ông,  nhưng khi thấy hình ông trên một tờ báo địa phương, bà đã vẽ lại được chân dung ông rất sống động vì theo bà "Trong mắt của Dr. Fagley, có nụ cười, và lòng tử tế. Và điều đó đã lộ rõ trong họa phẩm của tôi" .


Người được vẽ, bác sĩ Fagley thì cho biết ông cảm nhận được sự ủng hộ, và quý trọng từ cả họa sĩ Krishnan và cộng đồng Seattle, ông rất cảm động (very touching) khi thấy chân dung của mình.



blank

     Anesthesiologist,  Dr. Eliot Fagley by Krishnan 


Các thiên thần áo trắng làm việc thời đại dịch, ngoài khẩu trang, còn có face shield, blouse, và cả PPE, chỉ có cặp mắt lộ rõ, và họa sĩ Krishnan đã diễn tả được những ánh mắt của từng người trong các bức vẽ các nhân viên tuyến đầu (front line worker) là "những đôi mắt biết nói".


Một trong những lần rất buồn, người họa sĩ có lòng nhận được yêu cầu từ gia đình của cô Vedika Sharma, một nhân viên X ray ở bệnh viện Modesto, California đã phải chấm dứt cuộc đời ở tuổi 36 vì Coronavirus Chân dung của người quá cố vẫn rất sống động vì họa sĩ Krishnan cảm nhận được đôi mắt rất sáng trong tấm ảnh bán thân gia đình cô Sharma gởi đến, nhờ bà vẽ lại.


blank

                                                           X-ray technician Vedika Sharma (1984-2020) by Krishnan 


Vào đầu tháng 11, họa sĩ đã vẽ xong chân dung của Dr. Anthony Fauci, vị Bác sĩ tài năng, người đứng đầu tổ chức chuyên về dịch bệnh của Hoa kỳ (National Institute of Allergy and Infectious Diseases), cố vấn y tế của bảy Tổng thống (từ Tổng thống Ronald Reagan đến nay). Bà đang tìm cách để gởi bức tranh này đến BS Fauci như một lời cảm ơn đến người đã đóng góp tim óc nhiều nhất trong việc chống đại dịch ở Hoa kỳ.


blankblank

         Dr. Anthony Fauci by Krishnan          The Front Line Workers by Krishnan


Một năm trôi qua, họa sĩ Jayashree Krishnan đã lặng lẽ bày tỏ lòng biết ơn với các nhân viên ngành y tế bằng 150 bức chân dung. Mỗi bức chân dung là một lời cảm ơn chân thành từ người họa sĩ tài năng đến những "thiên thần áo trắng" đã làm việc kiên trì, không mệt mỏi từ một năm qua vì đại dịch cúm Tàu.



***


Thứ ba 9 tháng 2


Hôm nay, Inspira Medical Center Mullica Hill, phía Nam của  Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania ở Đông Bắc Hoa kỳ đón tiếp bốn người khách đặc biệt. Bốn cụ bà cùng hẹn nhau đi chích ngừa COVID dose thứ hai Đặc biệt hơn nữa, họ là bốn chị em ruột.


blank

                          From left: Nora McDonald, Edith Camp, Rose Ramsey, and Bernice Cecil  - Courtesy of CNN


Dù đã cao tuổi, cả bốn chị em: Edith Camp, 96 tuổi, Bernice Cecil, 92 tuổi,  Nora McDonald, 86 tuổi, và cô em út Rose Ramsey mới có... 84 tuổi đều khỏe mạnh. Họ rất sáng suốt, và có thể tự lo được cho mình, chưa phải làm phiền người khác.

Trên ngực trái của các bà cụ, ở chỗ trái tim có đeo hình của hai bà cụ khác. Hai bà chị Edith, và Bernice đeo hình của một người em gái, yếu hơn, không thể đến với "cái hẹn cùng chích ngừa" với họ. Cũng ở chỗ trái tim nơi ngực trái, hai bà em Nora, và Rose đeo hình của một người chị khác đã qua đời năm 2011.


Bà cụ Rose, em út, trẻ nhất, sáng suốt nhất, đã sắp xếp cho cả bốn chị em được lấy hẹn chích ngừa ở Inspira Medical Center Mullica Hill cùng lúc. Đó là dịp để họ gặp nhau từ cả năm nay (tháng hai năm 2020 đến tháng hai năm 2021) mặc dù họ ở gần nhau.


Họ đều nghe nói là mũi chích thứ hai sẽ gây phản ứng nhiều hơn dose thứ nhất, nên quyết định đi cùng nhau để hỗ trợ tinh thần cho nhau. Và bốn chị em đã được chích ngừa lần hai, ra về bình yên khỏe mạnh. Tưởng cũng nên biết cả bốn cụ bà đều được chủng ngừa với vaccine do Pfizer sản xuất.

Họ về nhà, bình yên khỏe mạnh. và đang đếm từng ngày, sau 3 tuần, để họ có thể thăm nhau, như trước đại dịch, cả bốn chị em vẫn đi ăn trưa cùng nhau mỗi tuần một lần.


blank

Courtesy of David Williams  & CNN


Tổng số con, cháu, chắt của cả bốn chị em lên đến hơn 100 người. Họ rất mong được gặp lại con cháu của mình sau một năm không  gặp được ai vì đại dịch. Thuốc chích ngừa Coronavirus đã đưa họ trở lại được thú vui của người lớn tuổi, được quây quần bên nhau, và bên con cháu mỗi cuối tuần.

Coronavirus đúng là "chính danh thủ phạm" cướp đi niềm vui còn lại duy nhất của những bậc lão thành.


***



Thứ tư 10 tháng 2


Một trong những ca sĩ nổi tiếng lẫy lừng ở Mỹ đã đóng góp rất nhiều vào việc chống đại dịch với tấm lòng và khả năng tài chính lẫn tài năng âm nhạc của mình.


Hơn một năm trước, bà Parton đã đóng góp một triệu đồng cho bệnh viện Vanderbilt University Medical Center (VUMC) ở Nashville,tiểu bang Tennessee. Toàn bộ số tiền này được VUMC chuyển qua quỹ nghiên cứu (research) của thuốc chủng ngừa Moderna (lúc đó chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm đầu tiên).


Khi cả hai loại thuốc chủng ngừa Pfizer và Moderna được chuẩn thuận (Pfizer vào ngày 11 tháng 12  năm 2020 và Moderna ngày 18 tháng 12) bởi FDA ở Mỹ, bà Dolly Parton một lần nữa lại đóng góp phần mình vào việc chống đại dịch bằng cách sửa lời bài hát "Jolene" do chính bà sáng tác, và trình bày  đã đưa tên tuổi cô ca/ nhạc sĩ trẻ Dolly Parton lên hàng đầu trong âm nhạc từ năm 1974. 


Điệp khúc của bài "Jolene" nguyên thủy là : 


"Jolene, Jolene, Jolene, Jolene

I'm begging of you please don't take my man"


được chính tác giả đổi thành :


Vaccine/ Vaccine/ Vaccine/ Vaccine
I'm begging of you please don't hesitate."

để kêu gọi người Mỹ đừng ngần ngại khi đến phiên mình được chủng ngừa COVID. 


Ở tuổi 75, bà Dolly Parton vẫn thanh mảnh, vẫn đẹp, và hát vẫn hay bài "Jolene" với điệp khúc mới. Ngày xưa người ta ái mộ bà vì giọng hát rất khỏe, ấm áp của cô Dolly Parton. Bây giờ, bà được quý trọng vì đã tự nguyện đóng góp cả của lẫn công cho việc đẩy lùi dịch bệnh. 


 Thế mà, Dolly Parton vẫn kiên nhẫn xếp hàng, và vừa được chích ngừa trung tuần tháng giêng năm nay vì đã bước vào tuổi 75. Bà được chích thuốc Moderna ở Vanderbilt University Medical Center  bởi chính người bạn thân của mình, bác sĩ Naji Abumrad.


blank

Courtesy of Dolly Parton / Instagram  & GMA

 

Vốn sợ bị chích thuốc, Dolly Parton đã rất mừng khi chủng ngừa Coronavirus không đau như bà nghĩ. Bà vui vẻ cho biết thêm:


"Tôi đã chờ đợi mũi chích này khá lâu. Tôi đủ già để đến phiên được chích, và tôi đủ khôn để đi chích thuốc khi đến phiên"


Những người đã đóng góp cho COVID vaccine sớm được tiêm chủng vào tay người Mỹ, vào tay nhân loại, vẫn kiên nhẫn xếp hàng. Chuyện chen ngang (cut line) rất hiếm hoi ở Mỹ vì đất nước này tôn trọng pháp luật, và người tốt không bao giờ "break the law".


***



Thứ năm 11 tháng 2


Trong khi trung tâm phòng chống dịch bệnh CDC vẫn khuyên người Mỹ nên đeo khẩu trang bất kể đã được chích đủ hai doses vaccine hay mới được chích lần thứ nhất. Những người chưa đến phiên được chích ngừa thì dĩ nhiên face mask là một vũ khí rất quan trọng để đề phòng Coronavirus xâm nhập cơ thể mình. Ở các văn phòng Chính phủ liên bang trải dài khắp 51 tiểu bang của Hoa kỳ, việc đeo khẩu trang khi vào các công sở này là điều bắt buộc. Không mang facemask thì không được đặt chân vào các building của liên bang.


Thế mà đã có 3 tiểu bang đã "coi thường" Coronavirus, và các biến thể của nó, không bắt buộc đeo khẩu trang.


blank

         Courtesy of cartoonstock.com

Mở đầu là Texas, tiểu bang đông dân hàng thứ hai ở Mỹ, chỉ đứng sau California về dân số, Thống đốc Greg Abbott thông báo kể từ ngày 10 tháng 3, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở Texas sẽ chấm dứt, và các cơ sở thương mại được mở cửa với 100% sức chứa như trước đại dịch.


Sau đó vài giờ, cùng ngày, Thống đốc Tate Reeves của tiểu bang miền Nam, Mississippi cũng có chỉ thị tương tự: lệnh bắt buộc đeo khẩu trang chấm dứt và các cơ sở thương mại lớn, nhỏ được mở cửa đón tiếp khách hàng như bình thường. Quy định này được áp dụng vào tuần lễ đầu tiên của tháng 3 năm 2021.


Hai ngày sau, Thống đốc Kay Ivey của tiểu bang Alabama(cũng là một tiểu bang miền Nam) tuyên bố bắt đầu từ ngày 9 tháng 4, khẩu trang là trách nhiệm, và lựa chọn của mỗi người dân, chính quyền Alabama không bắt buộc mang facemask ở nơi công cộng.


Sau Alabama một ngày, Thống đốc Doug Ducey của tiểu bang Arizona cũng loan báo tất cả các cơ sở thương mại có thể mở cửa bình thường (không hạn chế số khách vào tiệm như trước đại dịch) . Nhưng Arizona vẫn duy trì lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, và vẫn phải giữ khoảng cách giao tiếp xã hội 6 feet (hai mét)


Ngay lập tức, Tổng thống Joe Biden đã phê bình quyết định của các Thống đốc Texas, Mississippi, và Alabama khá nặng nề, ông dùng chữ "Neanderthal thinking"(một suy nghĩ ngu xuẩn, kém thông minh)**


Nhẹ nhàng hơn, chuyên viên y tế đứng đầu việc chống đại dịch của Hoa kỳ, Bác sĩ Anthony Fauci nhỏ nhẹ, nhưng không kém phần cương quyết cho là các quyết định này “very risky”  (rất liều lĩnh).


Từ cái nhìn của một người dân chịu khó theo dõi tin tức về  đại dịch và chưa đến phiên được chích ngừa, chúng tôi sẽ không đến các tiểu bang miền Nam: Texas, Mississippi,  Alabama trong lúc này. Ngay cả nếu được offer vé máy bay, và khách sạn miễn phí, câu trả lời chắc chắn là "Thank you, but no, a big no no". 


***



Thứ sáu 12 tháng 2 


Là một y tá chuyên về thần kinh (neurology nurse), Megan Patterson, 32 tuổi tình nguyện vào làm ở khoa chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 khi thấy sự vất vả, khó nhọc của các đồng nghiệp làm ở khu chăm sóc đặc biệt  của bệnh viện Bayfront Health St. Petersburg ở Florida. 


Sau nhiều tháng tình nguyện chuyển qua ICU "đồng cam cộng khổ" với đồng nghiệp, vừa giúp giảm được gánh nặng cho người khác, vừa nâng cao kinh nghiệm chuyên môn, Megan được điều động qua công tác chích ngừa COVID-19 bắt đầu từ trước lễ Giáng sinh năm 2020.


Đã tiêm chủng cho cả ngàn người, những mũi chích của cô y tá trẻ càng lúc càng nhẹ nhàng,  nhanh chóng, góp phần nhỏ của mình vào việc đẩy nhanh tiến độ chích ngừa chống đại dịch.


Vào đầu tháng giêng và cuối tháng 2 năm 2021, cô được chích cả  hai doses cho hai bệnh nhân đặc biệt: bà nội và bà ngoại của mình. Như truyền thống chí công vô tư của người Mỹ, hai bà cụ ghi danh, lấy hẹn chủng ngừa ở bệnh viện này như mọi người, không nghĩ là mình sẽ được chính cô cháu của mình chích ngừa. 

Đầu ngày làm việc, khi các cô y tá nhận danh sách người đến chích ngừa trong ngày, đã được nghe Megan kể hai bà nội và ngoại của mình đã ghi danh chích ngừa COVID ở Bayfront Health St. Petersburg, họ để Megan được đem "tình riêng vào  việc chung", trực tiếp chích ngừa cho thân sinh của cha và mẹ.


blankblank

Megan Patterson vaccinates for her her maternal grandmother (left) and paternal grandmother - Courtesy of GMA



Lần chích ngừa đầu tiên của hai bà cụ (ở hai ngày khác nhau) cũng là lần đầu tiên Megan được gặp trực tiếp bà nội và bà ngoại của mình. Một năm trôi qua, kể từ cuối tháng 2 năm 2020, Megan chỉ có thể thầy bà qua khung cửa kính, mặc dù thỉnh thoảng cô vẫn đi chợ, và mang thức ăn đến nhà cho bà. Nhưng thức ăn chỉ được đặt ở hàng hiên, cô không vào nhà vì không muốn bà bị nhiễm Coronavirus.  Cả hai bà cụ đều bắt đầu bước vào tuổi 80 và đều mang bệnh phổi mãn tính COPD (chronic obstructive pulmonary disease) nên lại càng phải tuyệt đối theo chính sách cách ly trong thời đại dịch.


Bằng chuyên môn của một y tá, và bằng tấm lòng của một người cháu đã được  bà nội và ngoại chăm sóc thời thơ dại, Megan Patterson đã chích những mũi thuốc nhẹ nhàng nhất vào cánh tay trái của hai bà cụ. 


Cô cho biết:

- Tôi cảm thấy rất vui khi có thể chích ngừa COVID  các cụ, giúp họ có được những điều bình thường trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

(It was a good feeling to be able to give them something that will protect them and give them some normalcy in the years they have left)


***



Thứ bảy 13 tháng 2


Theo CDC (US Centers for Disease Control and Prevention), trong suốt một năm qua, thời đại dịch, con số người Mỹ bị trầm cảm(depression) và có ý muốn tự tử tăng cao. Trong năm 2019, trước đại dịch, ở Mỹ chỉ có 7% người lớn bị bệnh trầm cảm, so với năm 2020, có đến 23.5% (gần như một trong bốn người Mỹ) mắc bệnh trầm cảm trong thời đại dịch. 


Phân tích chi tiết hơn, trong số này, nhiều nhất là người Mỹ gốc Hispanic(có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha), rồi đến người Mỹ gốc Phi Châu. Nguyên nhân chính gây ra bệnh trầm cảm ở hai nhóm này , đặc biệt là nhóm người Mỹ gốc Hispanic vì không có nhà cửa ổn định và không đủ thực phẩm để ăn.


Đó là di chứng tai hại nhất, ngoài bệnh tật, đại dịch COVID-19 đã để lại với người Mỹ, cùng toàn thể nhân loại.  Trước đại dịch, vẫn có những người homeless không có nhà, vẫn có những người không được ăn no (tỷ lệ này rất thấp) , nhưng điều đó không tệ hại như trong thời đại dịch.


Tình hình ở Mỹ là như thế, bên Brazil còn tồi tệ hơn. Những người phụ nữ ở đây, ngoài những thiếu thốn kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch, họ còn bị Coronavirus mang đến một gánh nặng tinh thần: bị hành hạ, đánh đập bởi chồng, hay bạn trai của mình gần như mỗi ngày trong suốt năm qua. 


blank

                                                        Courtesy of Mary Long / Shutterstocks & brazilian.report


Trong thời gian lockdown, họ không thể ra khỏi nhà, không kiếm được tiền, và không thể trốn khỏi những trận đòn chí tử, những lời đay nghiến từ chồng, bạn trai, hôn phu, hay thậm chí cả chồng cũ.


Con của họ, vì không đi học do trường đóng cửa, cũng bị chứng kiến, bị ám ảnh bởi nạn bạo hành trong gia đình. Thế giới trẻ thơ của các em đã xám xịt vì đại dịch, lại còn ảm đạm hơn vì phải chứng kiến thảm cảnh của gia đình. Các em này lớn lên, hẳn là không có cái nhìn về gia đình một cách bình thường. 


Hơn 70% phụ nữ ở Brazil đã một hay nhiều lần trong đời, bị chồng, hôn phu, hay bạn trai của mình đánh đập, hành hạ theo tổ chức bảo vệ phụ nữ (Specialized Delegation for Support of Women).

Trong thời đại dịch, tình hình này xấu hẳn đi, hầu hết các phụ nữ nạn nhân ở độ tuổi từ 18 đến 38. 

Buồn thay, ở một đất nước đã sản sinh  huyền thoại đá banh Pelé, và nhiều ngôi sao soccer lẫy lừng khác, cũng là một đất nước sản xuất ra rất nhiều người đàn ông vũ phu.


Chợt nhớ lời Đức Phật dạy : "Mọi bất hạnh, khổ đau trên đời đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết"


****


Chủ Nhật 14 tháng 2


Tết Nguyên đán Tân Sửu và ngày lễ Valentine's năm 2021 buồn thiu vì dịch bệnh dù đã bớt hoành hành vì đã có thuốc chủng ngừa, vì trời ấm dần lên trong tháng cuối cùng của mùa Đông, số người mới nhiễm bệnh, và số người bị Coronavirus cắt ngắn cuộc đời dù có giảm đi so với tháng 12 và tháng giêng, nhưng con số vẫn khá cao so với lúc COVID-19 bắt đầu "tổng tấn công" nhân loại. Màu hồng của lễ tình yêu, và màu vàng của cúc đại đóa, của mai vàng ngày Tết đều có pha màu xám của đại dịch.


Vì đã biết Coronavirus sẽ "nằm vùng" cùng loài người, nên người ta cũng phải sống với một "bình thường mới". Các trường học, từ Tiểu học đến Đại học sẽ lần lượt mở cửa từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 với  nhiều nguyên tắc mới. Dù muốn, dù không, "lâu dần rồi đời cũng quen".


Theo New England Journal of Medicine, cả hai loại thuốc chủng ngừa Pfizer và Moderna có thể bảo vệ người được chích khá tốt với biến thể B117 đến từ Anh, nhưng hiệu quả với biến thể B1351 đến từ Nam Phi (South Africa) không cao như người ta kỳ vọng. 


Mỹ hiện đang chủng ngừa COVID-19 với tốc độ 2.1 triệu người được chích mỗi ngày, và đến cuối tháng 2 mới chỉ có 17.3% dân số Hoa kỳ được ra khỏi đường hầm đen tối của đại dịch


Chỉ xin được phép nhắc nhở những bậc cao niên đã được chủng ngừa về các biến thể của Coronavirus (đến từ Anh, Nam Phi, và Brazil) để nên đề phòng cẩn thận, để tự bảo vệ mình. Xin đừng "ngủ quên trên chiến thắng" của thuốc chủng ngừa. Vì trong đại dịch, ngoài vaccine, khẩu trang, và khoảng cách xã hội vẫn là đồng minh hữu hiệu nhất của mỗi người. 


Nguyễn Trần Diệu Hương

Đầu tháng 3/ 2021

Nhật ký ngày thứ năm xin dành cho quý Thầy, Dr. Vi Hồ, và các chs Ngô Quyền ở Texas



**" Neanderthal" là cổ ngữ của Đức, đã trở thành một tĩnh từ của người Anh (British English) chỉ sự ngu ngốc.


 

 
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76188)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76780)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73829)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73927)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72661)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72009)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75526)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74203)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80493)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74072)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75832)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69092)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73726)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69336)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66508)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73069)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65423)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76739)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!