Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NGÔI CHÙA VÀ ÔNG NỘI-

05 Tháng Mười 201810:56 CH(Xem: 20016)
Nguyễn Thị Thêm - NGÔI CHÙA VÀ ÔNG NỘI-
Ngôi Chùa và Ông Nội 2

                                                                              

Chùa khiêm nhường nằm trong một thôn xóm thuộc quận lỵ. Nơi đây đã nhiều năm về trước Sư Bà đã được một Phật Tử cúng dường miếng đất để xây dựng một ngôi chùa nhỏ để tu. Đây là ngôi chùa thứ hai mà Sư Bà thành lập sau khi ngôi chùa cũ đã tan nát trong một một lần pháo kích.

Sư Bà về sống với một chú tiểu mà sư bà nhận làm con. Chú tiểu ấy là Thầy trụ trì bây giờ. Lúc Sư Bà về đây, Thầy đang bước vào Trung Học.

 

Nghe ông nội kể lại nhà cha mẹ Thầy ở cùng xóm với gia đình nội. Khi Thầy còn bé, cha mẹ đút Thầy một miếng thịt hay miếng cá là Thầy đều ói ra không ăn được. Do đó vô hình chung Thầy đã ăn chay từ nhỏ cho đến tận bây giờ.

 

 Hồi đó cả làng chỉ có một nhà thờ và một ngôi chùa nhỏ của Sư Bà. Nhà thờ nằm giữa làng rất rộng rãi khang trang, có nhiều con chiên sùng đạo. Chuông nhà thờ vang vang thôi thúc mỗi sáng mỗi chiều. Con chiên tấp nập, cuộc sống an vui.

 

Cuối làng, nơi yên tịnh nhất là  ngôi chùa của Sư Bà. Sau này chùa cũng có đại hồng chung nhưng chỉ đánh vào những dịp lễ lớn. Còn thì Sư Bà chỉ dùng  mõ và chuông khánh giản đơn. Chuông nhà thờ vang xa đến tận ngôi chùa cuối làng. Và đó cũng là thời gian con chiên đi nhà thờ, người bên lương  cũng chuẩn bị lên chùa để tụng kinh sám hối buổi tối.

 

Sư Bà từ phương xa về đây khai đất lập chùa để Phật Tử có nơi nương náu tâm linh. Những ngày mới đến thật vô cùng khó khăn với đất lạ, người không quen. Lúc ấy Sư Bà là một sư cô còn trẻ, vâng lệnh Sư Ông về đây lập mái chùa riêng. Sư Ông sau khi giúp phát hoang miếng đất và cất lên một thảm am tranh lá thì giao lại cho Sư Bà. Ngài và các đệ tử quay về chùa tổ. Cũng may người dân nơi đây khao khát có một mái chùa nên hết lòng bảo bọc sư bà và tích cực làm công quả.

 

 Người góp công, kẻ góp sức. Ông thầy giáo già hiệu trưởng trường làng  là một Phật tử thuần hành. Ông kêu gọi phụ huynh học sinh theo đạo Phật đến chùa làm công quả. Cuối tuần ông hay dẫn các học sinh bên lương đến chùa để  làm cỏ hay dọn dẹp vệ sinh. Từ từ trên miếng đất cuối làng hoang vu thành hình một ngôi chùa khang trang, rộng rãi hơn nhưng cũng chỉ mái lợp tôn, vách bằng đất đơn sơ. Vườn chùa được trồng cây ăn trái, bông hoa nhiều hơn để Sư bà cúng Phật.

 

Vì đây là vùng định cư của đa số dân miền Bắc di cư lập nghiệp nên niềm tin tôn giáo của họ rất mãnh liệt và có phần háo thắng. Ngôi chùa nhỏ là cái gai trong mắt của một số tín đồ cuồng đạo. Sư Bà chịu không ít những lời thóa mạ hay phá phách để người tu hành phải nản lòng bỏ đi nơi khác.

 

Nhiều lần họ quăng phân vào sân chùa. Có lần phân bay vào dính tượng ông Thiện đứng trước chùa. Sư Bà im lặng dọn dẹp, lau chùi. Có khi họ trét vào vách khi Sư Bà đi khỏi. Những hoa trái cúng ngoài bàn hộ pháp hay cúng vong đều bị đánh cắp. Thỉnh thoảng lại có vài người đến gây hấn một cách vô lý. Thế nhưng Sư Bà không nãn lòng mà coi đó là thử thách trên con đường tu tập. Phá mãi cũng chán, lần hồi những người nơi đây đều thấy rằng có thêm một ngôi chùa cũng chẳng ảnh hưởng chi đến tín ngưỡng của mình. Ngôi chùa nhỏ và vị sư cô trẻ đã có những ngày bình yên. Phật Tử cũng hoan hỉ có nơi để đến tụng kinh, cầu nguyện và tu tập.

 

Thầy là bạn hồi nhỏ của chú Út chú Thảo. Hai người mỗi ngày đều thích lên chùa lễ Phật. Trong vườn chùa có trồng nhiều cây ăn trái rất ngon và sư bà thì rất yêu thương con nít. Sư Bà dạy cho các chú học chữ, học kinh, tập đánh mõ, đánh chuông và cho các chú ăn thức ăn chay thật ngon do chính tay Sư Bà nấu.

 

Mỗi khi có người trong làng bệnh nặng hay qua đời, Phật tử đi theo Sư Bà tụng kinh cầu an hay cầu siêu. Các chú cũng được đi theo. Các chú còn trẻ con nên năng động, hay nghịch hay đùa. Sư Bà thường phạt bằng cách bắt quỳ hương sám hối.

 

Năm thầy 6, hay 7 tuổi gì đó, Thầy bỏ nhà lên chùa ở luôn, gia đình làm thế nào Thầy cũng không chịu về. Cuối cùng cha mẹ Thầy đồng ý cho Thầy xuất gia và Sư Bà nhận Thầy làm dưỡng tử. Thầy được Sư Bà cạo trọc đầu, chỉ chừa cái vá ở trước mỏ ác. Thầy chính thức làm một chú tiểu nhỏ dễ thương. Theo ngày tháng chỗ tóc ấy dài ra. Thầy móc nó ở vành tai trông rất buồn cười.

Thầy học chung cùng lớp ở trường làng với chú út. Dù đã được Sư Bà cho xuất gia, nhưng tính tình Thầy rất hiếu động, hay nghịch phá và ham chơi. Do đó Thầy thường bị Sư Bà phạt quỳ hương. Chú út của chú Thảo lén Sư Bà thổi cho nhang mau tàn để xong sớm, hai chú được đi chơi với nhau. Sư Bà có lúc giả vờ như không biết, chỉ mỉm cười khoan dung. Nhưng có lúc cũng phạt hai chú cùng quỳ hương vì cái tội gian dối không thực hành đúng tam quy, ngũ giới của nhà Phật.

 

Bà nội chú Thảo kể về Sư Bà với một lòng tôn kính. Chính Bà Nội đã cúng dường Đại Hồng Chung cho chùa. Bà nội tâm niệm đem tiếng chuông nhà Phật vang xa, để mọi người nghe mà bớt làm điều ác. Ai có gây lộn hay ăn cắp ăn trộm cũng giật mình mà dừng lại.

 

Sư Bà là một người uyên bác kinh sách, giỏi nấu ăn cũng như thêu may. Nghe nói Sư Bà xuất thân từ một gia đình danh giá nhưng không biết vì sao chọn con đường tu hành. Có những mùa An Cư Kiết Hạ. Sư Bà  vào tịnh thất một hoặc hai tháng. Sư Bà phải tịnh khẩu và không giao tiếp với bất cứ ai trong thời gian nhập Hạ. Mỗi khi có việc thật cần Phật Tử phải viết giấy lòn vào cửa phòng để hỏi. Cửa phòng thật ra chỉ là một liếp cửa được đan bằng những cây trúc nhỏ và được trét đất cho kín.

 

Mùa mưa, đất ẩm, kiến từng đàn bò vào phòng, Phật tử muốn tìm cách diệt kiến nhưng Sư Bà viết giấy gửi ra không cho sát sanh. Chỉ khuyên là mỗi đêm nên cầu nguyện và tụng kinh cho kiến đi hướng khác. Ngày Sư Bà ra Hạ với một thân thể gầy nhom, người đầy những vết ghẻ vì kiến cắn. Phật Tử ai thấy cũng đau lòng.

 

Khi chiến tranh đến hồi ác liệt, ngôi chùa vắng cuối làng là nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh đụng độ. Chùa bị nhiều lần pháo kích lẫn đụng độ nên hư hại nặng. Lần pháo kích cuối, đạn pháo rớt vào ngay chánh điện. Ngôi chánh điện tan hoang, Phật bể nát, vườn chùa xơ xác.

Rất may một Phật tử rất kính mến Sư Ông, đã cúng dường một phần miếng đất của mình để đệ tử Ngài lập một thảo am nương náu. Sư Bà chia tay Phật Tử, dẫn Thầy ra đi. Thầy rời bỏ làng quê, gia đình, người thân và người bạn thời thơ ấu để theo Sư Bà.

 

 Sư Bà về đây được một thời gian thì người Phật Tử giàu lòng bố thí đó cúng dường nguyên phần đất của mình để theo con. Sư Bà từng bước xây dựng thành ngôi chùa nhỏ để tiếp tục tu hành và hoằng dương Phật Pháp. Thời gian trôi qua Thầy lớn dần không còn là một chú tiểu nhỏ mà là một vị tăng sĩ được tu học ở Cao Đẳng Phật Học và sau này là Viện Đại Học Vạn Hạnh tại Thành Phố Sài Gòn.

 

Chú Út của chú Thảo vào quân đội và theo từng chuyến hãi hành ra khơi. Mỗi khi tàu về bến có dịp chú lại ghé chùa thăm Sư Bà và người bạn cũ. Một người tu hành, một người lính chiến hai mảnh đời trái ngược nhau, nhưng tình bạn của họ không vì vậy mà thay đổi.

 

Ngày 30 tháng tư năm 1975, chú Út theo tàu di tản ra nước ngoài. Thầy về chùa cùng Sư Bà tiếp tục tu hành. Sư Bà viên tịch Thầy chính thức làm trụ trì ngôi chùa này. Khi ấy Thầy đã là một Đại Đức được nhiều người kính nể.

 

Những ngày Bà Nội chú Thảo còn sống, bà cũng hay lên chùa của Sư Bà để thăm viếng. Bà thường dặn dò con cháu. Nếu một mai bà có nằm xuống thì tuyệt đối không rước thầy Tụng về tụng kinh đám ma. Họ ê a để lấy tiền chứ không có công đức gì. Hãy lên chùa Sư Bà, thỉnh Thầy về tụng kinh cho nội. Thầy tu từ nhỏ, ăn chay từ nhỏ, con người đạo đức, kinh pháp uyên thâm, sẽ giúp cho hương linh bà siêu thoát.

 

Những ngày lễ tang bà nội, Thầy đã đến nhà và cùng tăng chúng tụng kinh siêu độ hương linh một cách chí thành. Tình hàng xóm láng giềng ngày xưa bây giờ thêm gắn bó. Thầy tôn kính ông nội như một người bác họ. Dìu dắt ông nội trên con đường tu tập tại gia. Ông Nội cũng thỉnh thoảng lên chùa với Thầy để nghe kinh và nghe Thầy giảng Pháp. Lần lần ông nội giác ngộ, không muốn sống ở nhà với những ràng buộc của gia đình, con cái. Ông không còn muốn vướng bận về nhà cửa, đất đai, những vui buồn đời thường do con cháu tạo ra. Ông dứt khoát tìm con đường giải thoát.

 

Thầy nói với ông nội: Đi tu không bao giờ là muộn, miễn mình có thể dứt bỏ được trần duyên, tâm không bị ràng buộc bởi tham, sân, si, ái, dục là con đường tu rộng mở. Thầy sẳn sàng tạo mọi điều kiện cho ông nội xuất gia lên chùa Thầy tu hành.

Và thế ông nội chú Thảo trở thành một sa di già trong ngôi chùa này. Chú Thảo vì thương ông nội cũng theo ông lên chùa mà không biết rằng số phận mình đã thay đổi từ đây.

 

Ông Nội được Thầy cho ở một căn phòng nhỏ sau hậu liêu gần phòng của Thầy. Phòng nhỏ nhưng cũng tạm đầy đủ tiện nghi cho một tăng sĩ già. Chiếc giường nhỏ, bàn viết, kinh sách là gia tài bây giờ của ông nội.

 

Khi chú Thảo đến ở, Thầy cho đem vô một cái ghế bố để chú Thảo làm giường. Từ đây chú Thảo không còn lo lắng cho ông nội như lúc chú còn ở nhà. Chú là thị giả, là người sẽ phục vụ ông nội mỗi khi ông cần. Chú rất vui mỗi khi ông nội sai bảo. Tối đến chú chờ ông nội lên giường rồi chú mới đi ngủ. Mà thật lạ, trong giấc say của trẻ con, chú lại có cảm giác đêm đêm ông nội lại đến đắp mền hay tấn mùng cho chú.

 

Cảm giác yêu thương và hạnh phúc đó khiến chú gần gũi với nội hơn. Chú không còn sợ ông nội như xưa. Ông nội đi tu dường như ông nội ít nghiêm hơn. Ông nội hay cười, nụ cười hiền lành ấm áp.

Chú thật là thương, thương ông nội vô cùng. Chú không còn thấy nhớ nhà mà lại thích được ở đây cùng ông nội hàng ngày tụng kinh lễ Phật.

Nguyễn Thị Thêm
Trích " Quét Lá Sân Chùa"

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76190)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76780)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73829)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73927)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72669)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72009)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75530)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74207)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80496)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74073)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75834)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69094)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73729)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69337)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66510)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73069)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65423)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76740)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!