Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thanh Dương - Ở TRỌ

15 Tháng Ba 201811:34 CH(Xem: 16583)
Nguyễn Thị Thanh Dương - Ở TRỌ
   

Ở TRỌ

  Nguyễn Thị Thanh Dương.

quan tro
 
Chị Bông dứt phone với anh thợ làm hàng rào và lẩm bẩm: “Anh ta cho gía thay toàn bộ hàng rào 6,000 đồng, hao tốn quá”.
Chị bực mình liếc mắt sang nhà hàng xóm có chung cái hàng rào sau vườn và lẩm bẩm tiếp: “Mà cái nhà hàng xóm này lại không biết điều”.
Trước đó anh hàng xóm người Mễ đã vài lần thẳng thắn từ chối hợp tác cùng chị Bông thay phía hàng rào chung của hai nhà với lý do hàng rào chưa hư hỏng gì và tiền thì họ chưa có luôn.
Trong vườn chị Bông trồng nhiều cây hoa hồng, mái hiên patio treo chiếc chuông gío nên thơ, nếu được hàng rào đẹp thì khu vườn sẽ càng đẹp thêm.

Cái cell phone chị để trên bàn trong sân patio reo lên, không lẽ anh thợ hàng rào gọi lại…giảm gía? Hay là anh hàng xóm Mễ gọi sang báo tin đã đồng ý làm hàng rào?
Chị Bông vội vàng mở phone, thì ra là chị Huê, người bạn thân thiết. Giọng chị Huê tưng bừng vui:
-  Bông ơi, hai vợ chồng mình mới mua một căn biệt thự đẹp mà gía khá rẻ so với thị trường, vợ chồng chủ nhà ly
dị cần bán nhà nhanh, ưu tiên cho tiền mặt, mình đủ điều kiện. Tháng sau bạn sẽ đến ăn mừng tân gia nhé.
Chị Bông ngạc nhiên:
-  Ơ kìa, nhà Huê đang ở cũng mới cũng đẹp mà lại đổi nhà à?
- Nhà này mới hơn đẹp hơn và sang trọng hơn. Đây đúng là căn nhà ước mơ của mình. Hàng xóm toàn là triệu phú trở lên đó nha.

Chị Huê say sưa tả ngôi biệt thự từ ngoài sân vào bên trong đến cả khu vườn, chị Bông nghe đến đâu choáng váng đến đó. Một tiếng sau buông phone mà chị Bông còn thẫn thờ như người mới bị bỏ bùa chưa tỉnh.
Bất giác chị ngó quanh khu vườn nhà mình bỗng thấy… tủi, gía mà chị giàu có như chị Huê thì đã thay quách toàn bộ hàng rào khỏi cần kêu gọi anh hàng xóm Mễ đóng góp.
Chị Bông đang ganh tị với căn biệt thự chị Huê vừa khoe. Anh Bông lững thững ra vườn và bắt gặp vợ ngồi im lặng trong ghế xích đu, anh thắc mắc:
- Em nghĩ gì mà thẫn thờ ra thế? Lại bực mình vì anh hàng xóm Mễ vẫn chưa chịu chung tiến thay cái hàng rào mới hả?
- Tại anh Mễ và… tại chị Huê.
- Anh biết rồi, bà Huê không khoe stock của bà ấy lên gía thì cũng khoe cửa hàng bánh mì thịt nguội, giò chả, chè cháo của bà ấy doanh thu ngày càng tăng.
Chị Bông thán phục:
- Anh nói đúng đó, cửa hàng chị ấy đắt hàng lắm, dù đã thuê mướn cả chục người mà hai vợ chồng vẫn bận rộn cả ngày, trong khi vợ chồng mình cùng tuổi về hưu như anh chị Huê thì ăn không ngồi rồi chẳng kiếm ra xu nào ngoài mấy đồng tiền hưu.
- Tội nghiệp, anh chị Huê lớn tuổi rồi mà vẫn làm việc đầu tắt mặt tối. Tóm lại giàu có mà vẫn… ”khổ” vì kiếm tiền. Anh nghe kể rằng có bà gìa luôn than thở mình mẩy tay chân đau nhức, tai điếc mắt mờ thế mà vẫn… thích mở hầu bao ra đếm tiền, chẳng than mỏi tay đau tay hay mờ mắt gì cả. Thiếu đồng nào bà phát hiện ra ngay.
Chị Bông cãi lại:
- Càng có tiền càng sướng chứ, tội nghiệp gì chị Huê. Vợ chồng chị Huê mới mua một căn biệt thự hơn một triệu, trả tiền mặt nhé. Em nghe mà phát ham, trong khi em muốn thay cái hàng rào chỉ 6,000 đồng cũng không dám làm. Nãy giờ em cứ mơ ước nếu mình trúng số thì sẽ mua căn biệt thự trong khu ấy làm hàng xóm các triệu phú cho oai, hàng xóm với mấy nhà Mễ này chỉ thêm bực mình.
Anh Bông an ủi:
- Hàng rào sau vườn còn tốt chán, anh hàng xóm Mễ từ chối thay mới là đúng rồi. Em đừng “khủng bố” tinh thần nhà anh ta nữa, lần nào gặp mặt họ em cũng hỏi chỉ một câu: “Anh chị suy nghĩ kỹ chưa? Có thay hàng rào với tôi không?”. Mà em không nhớ bài thuyết giảng ở chùa hôm nào à, cuộc đời là cõi tạm, chúng ta đang ở trọ trần gian, đòi chi những điều hoàn hảo.
- Anh chỉ chuyên môn bênh hàng xóm, xe nó đậu đầy lề đường, trở ngại lối đi, chướng cả mắt, anh lại khen xe đậu thế này trông… nhộn nhịp khu phố. Cuối tuần nó tụ họp bạn bè uống bia trước sân mở nhạc tiếng Spanish ầm ĩ anh cũng khen… vui cả khu phố.
- Sống hòa đồng và nhịn hàng xóm một tí có sao đâu.
- Nếu thế em cũng sẽ đậu xe lòng lề đường và cuối tuần tụ họp bạn bè ngoài sân mở ầm ĩ nhạc Bolero Thanh Tuyền Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ cho hàng xóm Mễ nghe chơi nhá.
- Vợ chồng Mễ hàng xóm hiền lành dễ thương, chả lẽ vì cái hàng rào mà em đành hanh với họ thế à! Thuyết nhà Phật…

Chị Bông ngắt lời chồng:
- Ôi,  anh lại thuyết nhà Phật lắm bi quan, nào đời là bể khổ, đời là cõi tạm, kiếp người mong manh, trở về cát bụi, ai mà đang tuyệt vọng sẽ chẳng muốn kiếp lai sinh. Em muốn như anh chị Huê lúc nào cũng phơi phới kiếm tiền và hưởng đời, muốn gì cũng có. Hay là mình gom góp vốn liếng, vay mượn thêm con cái đầu tư mutual fund hay địa ốc đi anh, chơi stock thì càng kiếm nhanh hơn nữa. Vậy anh muốn cái nào?
- Nghĩa là sao? Mình mua nhà cho thuê hoặc mua mutual fund, hoặc chơi stock đu dây với may rủi ấy hả?
Chị Bông giảng giải:
- Anh nhát gan không chơi stock thì thôi. Mua nhà mình chỉ cần down khoảng 20% và lấy tiền thuê hàng tháng trả mortgage, 10 hay 15 năm sẽ trả xong nợ, căn nhà thuộc về mình. Hay là đầu tư mutual fund chậm hơn nhưng 10 năm sau số tiền đầu tư có thể tăng gấp đôi. Tới lúc đó  mình lấy cả vốn lẫn lời ra… mua nhà biệt thự làm hàng xóm các triệu phú luôn.
- Nghe em nói kiếm tiền nhẹ nhàng dễ dàng qúa. Anh… không chọn cái nào cả.
Chị Bông cụt hứng giận dỗi trách:
- Hèn gì số mình nghèo là phải. Suốt đời ở căn nhà xấu này thôi.
- Ai mà chẳng muốn cuộc sống đầy đủ cao sang, anh cũng thích nhà cao cửa rộng lắm chứ, nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Bao nhiêu năm nay không giàu có được nói chi tuổi xế chiều.
Rồi anh Bông vỗ về:
- Thôi em đừng ganh đua với chị Huê nữa, mình không có tiền bạc và càng không có thời gian để đầu tư đường dài. Em cứ an phận làm hàng xóm mấy anh chị Mễ, mấy anh chị Mỹ đen như hiện nay đi. Vợ chồng mình là khách hàng thường xuyên của CVS pharmacy tại thành phố này, các nhân viên bán thuốc full time thậm chí nhân viên part time thay đổi soành soạch mà họ còn nhớ tên nhớ mặt mình. Vậy thì hơn 10 năm nữa mình 80 tuổi, bệnh tình mình đi tới đâu? liệu có còn sức khỏe mà hưởng nhà to nhà đẹp không, hả? nếu có thay đổi nhà thì anh sẵn sàng moving  đến căn nhà nào… gần bệnh viện nhất để mỗi lần gọi 911 cấp cứu cho tiện.

                ***************.

Đến dự buổi tiệc tân gia nhà chị Huê, căn biệt thự lộng lẫy ấy chị Bông khó thể nào quên, vừa trầm trồ khen ngợi vừa mơ ước khi chị Huê dắt khách đi từng phòng giới thiệu, đây là phòng khách của tôi, phòng bếp của tôi, phòng nào cũng đẹp cũng sang.
Bước vào căn phòng ngủ kê hai chiếc giường mà vẫn còn rộng mênh mông với những tủ, gương sang trọng, chị Huê lại hãnh diện sung sướng:
- Các bạn ơi, đây là phòng ngủ yêu qúy của tôi, từ cái giường, khăn trải nệm, gối mền, rèm cửa đều là hàng hiệu….
Bạn bè ai cũng khen vợ chồng chị Huê có phước, con cái đứa nào cũng ăn học thành đạt, gia đình đề huề, anh chị Huê thì giàu có làm ăn tiền vô như nước. Chị Bông hỏi:
- Bao giờ thì anh chị Huê nghỉ bán buôn, ở nhà hưởng nhàn thảnh thơi trong căn nhà đẹp này?.
Chị Huê phân trần:
- Mình cũng muốn nghỉ lắm. Con cái có công việc của chúng, chẳng đứa nào thích cái nghề bán bánh mì thịt nguội này cả, sang cửa hàng cho người khác thì tiếc rẻ vì công việc làm ăn càng ngày càng phát đạt, tiền cứ chạy vô túi vô nhà băng nên chẳng nỡ ngừng, thôi thì còn sức còn làm, có nhiều tiền tiêu xài cũng sướng tay. Nhờ thế vợ chồng mình mới mua căn biệt thự này dễ dàng.
Chị Huê ghé tai chị Bông khoe thêm:
- Trừ mọi chi phí mỗi tháng vợ chồng mình kiếm mười mấy ngàn, chẳng cần ăn học bằng cấp gì mà tính ra hơn hẳn lương kỹ sư lâu năm, tự mình làm chủ mình và làm chủ gần chục nhân viên từ khâu làm bánh mì, làm giò chả thịt nguội, đến khâu đứng bán cho khách hàng. Thử hỏi là chị có chịu buông bỏ cửa hàng ngồi nhà lãnh vài đồng lương hưu không chứ.

Sau dịp ăn tân gia ấy chị Bông ít có dịp đến nhà chị Huê nhưng thường gặp chị ở cửa hàng bánh mì thịt nguội nổi tiếng ngon nhất của thành phố này. Vợ chồng chị Huê nhanh nhẹn xã giao với khách hàng và tháo vát với công việc, chỉ huy nhân viên đâu ra đấy.

Thế mà một hôm chị Bông nghe hung tin, một người bạn gọi phone báo tin:
- Chị Huê đã qua đời trong giấc ngủ đêm qua vì heart attack.
Trời ơi, một cái chết quá bất ngờ, không hề báo trước. Chơi thân với chị Huê nhưng chị Bông có nghe chị Huê than thở gì về bệnh tim mạch đâu.
Hay là chị Huê làm việc nhiều quá nên căng thẳng và kiệt sức, ảnh hưởng đến tim mạch??

Sau đám tang chị Huê, cửa hàng bánh mì thịt nguội trở lại hoạt động bình thường, bạn bè ai cũng ngạc nhiên, tưởng anh Huê mất đi người vợ yêu dấu mấy chục năm bên nhau anh sẽ mất nguồn cảm hứng kiếm tiền.

Vài tháng sau chị Bông đã nghe bạn bè chung của chị Huê truyền nhau tin đồn anh Huê đang “tình ý” với chị Sương nhân viên quản lý cửa hàng.
Đó là một thiếu phụ khoảng 45 tuổi, chị ta là mẹ độc thân của ba đứa con. Được bà chủ tin cậy chị ta nhanh nhẹn khôn ngoan chăm chỉ làm việc và bây giờ thì được ông chủ độc thân ưu ái.
Ai cũng tưởng họ chỉ “tình ý” và bồ bịch cho đời nhau đỡ buồn. Nhưng một năm sau thì anh Huê chính thức đi thêm bước nữa với chị Sương với lý do để có người phụ anh công việc kinh doanh, cứ làm như anh chỉ cần người làm hơn là cần người tình.

Căn biệt thự lộng lẫy của chị Huê nay đã có nữ chủ nhân mới, thêm ba đứa con của chị ta nên cửa nhà đông vui hẳn lên, lúc nào cũng có một hai chiếc xe loại sang đậu trước sân, chiều tối các khung cửa sổ căn biệt thự đều sáng đèn ấm cúng.
Cửa hàng sản xuất bánh mì thịt nguội đã có nữ chủ nhân mới.

Ngày nào chị Huê từng hãnh diện khoe công việc và tiền bạc nay những huê lợi ấy đã vào túi người khác.
Ngày nào chị Huê từng sung sướng khoe căn phòng ngủ xinh đẹp sang trọng, nay căn phòng ngủ ấy cũng thuộc về người phụ nữ khác.
Và người chồng suốt mấy chục năm thân ái chung đôi của chị cũng thuộc về người khác luôn.

Chị Bông thấy xót xa giùm người bạn đã nằm dưới nấm mộ. Chị than thở với chồng:
- Thương chị Huê quá. Nhớ ngày mới mua căn biệt thự chị Huê hớn hở vui mừng bao nhiêu, chị trang hoàng chăm sóc từng căn phòng, thế mà ở chẳng bao lâu…
Anh Bông lại triết lý nhà phật:
- Chị Huê đã “ở trọ” trong căn biệt thự ấy, chứ có gì là của chị Huê đâu, kể cả bạc tiền và người chồng yêu dấu. Hết thời hạn thì ra đi. Vợ chồng mình cũng đang “ở trọ” trong chính căn nhà của mình đây. Cuộc sống luôn đi bên cạnh những rủi ro bất trắc, tai nạn hay bệnh hoạn có thể đến bất cứ lúc nào. Chúng ta không chết vì tại nạn, bệnh hoạn thì cũng chết vì tuổi gìà sức yếu, mười năm, hai mươi năm nữa thôi căn nhà này sẽ thuộc về ai…
Chị Bông giật mình, anh Bông nói đúng quá, sau này vợ chồng chị chết đi, con cái đều có nhà riêng và công việc ở xa, chẳng đứa nào có nhu cầu dọn về đây. Căn nhà này sẽ bán đi và thuộc về người khác.

Chị Bông chợt nhớ tới gia đình một người quen biết, sang Mỹ diện H.O. năm 1990. Sau 5 năm làm việc cật lực họ có chút tiền down một căn nhà. Người vợ lãnh đồ từ hãng và may tại nhà, vừa chăm chỉ may vừa lo cơm nước cho chồng đi làm con đi học, chị hết sức tiết kiệm tiền bạc và cả thời gian, ít giao du với bạn bè, thậm chí từng là con chiên ngoan đạo chị cũng “né” màn đi nhà thờ hàng tuần, chỉ đi vào những dịp lễ lớn, vì đi nhà thờ là “tốn kém”, luôn có mục đóng góp đủ thứ, nay món này mai món khác chẳng bao giờ hết việc. Mục đích chính của chị là làm việc tối đa và tiết kiệm tối đa để có tiền trả nợ căn nhà .
Nhà cửa trả xong, vốn liếng bắt đầu rủng rỉnh thì đùng một cái chị H.O lâm trọng bệnh qua đời. Chồng quan niệm con cái đứa nào cũng có ăn học và có gia đình riêng không phải lo cho chúng nữa, ông ta về Việt Nam cưới một cô hàng xóm lỡ thì nhưng vẫn còn trẻ chán so với ông, bán căn nhà cũ đang ở để mua căn nhà khác mới hơn đẹp hơn cho xứng và le lói với người mới.
Chị H.O này cũng “ở trọ” và ra đi “trắng tay” như chị Huê.

Thế là chị Bông lại an phận tìm vui với căn nhà của mình, khu vườn sau hoa lá và chuông gió vẫn đẹp và nên thơ với cái hàng rào cũ mà chị từng muốn thay bỏ chúng.

Một buổi sáng chị Bông mang rác ra sân trước thì thấy chị Mễ hàng xóm cũng kéo thùng rác ra sân liền tươi cười xã giao, bù đắp cho những ngày chị Bông liếc mắt hay lườm lườm sang nhà nó với vẻ lạnh lùng:
-  Chị khỏe không? Hôm nay chị không đi làm hả ?
Chị Mễ than thở và e dè:
- Tôi bị mất việc rồi, đang hưởng tiền thất nghiệp. Chị đừng rủ tôi thay cái hàng rào nữa nghe
Xong chị ta nửa đùa nửa thật:
-  Chỉ còn chồng tôi đi làm, nhà 4 đứa con, nếu tôi mà thất nghiệp dài lâu thì không có tiền trả mortgage căn nhà này đâu, lúc ấy chị sẽ có hàng xóm mới để rủ họ thay hàng rào mới.
Chị Bông cảm thấy như mình có lỗi và ái ngại qúa. Hoàn cảnh nhà hàng xóm chẳng khá gỉa gì thế mà bấy lâu chị cứ “mặt sưng mày xỉa” ngầm với họ vì cái tội không chịu chung tiền làm hàng rào mới. Chị Bông dịu dàng thân mật:
- Chúc chị mau kiếm được việc làm, còn cái hàng rào chung của chúng ta, đúng như chồng chị đã nói, vẫn tốt lắm, thay làm chi cho phí tiền.
Trong ánh mắt chị Mễ thoáng vẻ ngạc nhiên và vui. Chắc vì lần gặp mặt này chị ta thấy chị Bông đã thay đổi thái độ qúa bất ngờ.

Chị Bông lại thấy anh Bông nói đúng, chẳng có ai dám bảo đảm ở căn nhà của mình dài lâu chứ đừng nói suốt đời. Ngoài cái chết, người ta phải rời xa căn nhà vì hàng đống lý do, vì công việc, vì trường học của con cái hay vì mất job, vì li dị… v.v… và biết đâu chỉ vì… nhà hàng xóm. Gia đình anh chị Mễ này không chịu nổi mụ hàng xóm khó tính như chị Bông, một ngày nào đó họ cũng sẽ dọn đi cho khuất mắt?

Chị Bông chẳng cần cái hàng rào mới đẹp nữa cho hao tốn bạc tiền của mình và của hàng xóm và chị càng không mơ nhà to đẹp cao sang nữa khi tuổi đã xế chiều. Vì nhà to đẹp hay nhà cũ xấu cũng chỉ là quán trọ ven đường đời cho ta dừng chân và một ngày nào đó ta sẽ về nơi yên nghỉ sau cùng đó mới là căn nhà vĩnh cửu của riêng ta.
 
Nguyễn Thị Thanh Dương.
    ( Dec. 21, 2017 )
 
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76192)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76782)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73830)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73927)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72671)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72009)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75530)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74210)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80496)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74079)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75834)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69095)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73730)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69338)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66510)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73069)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65423)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76740)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!