Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Quảng thị Hoa - ÔI! NHỮNG NẺO ĐƯỜNG-

03 Tháng Mười Một 20176:17 CH(Xem: 20707)
Quảng thị Hoa - ÔI! NHỮNG NẺO ĐƯỜNG-
Ôi! những nẻo đường

Dẫu biết trong cuộc đời chúng ta, ai cũng phải có rất nhiều nẻo đường lớn nhỏ để đi qua. Có khi là những con đường đất gồ ghề đầy bụi đỏ. Những con đường làng nắng cháy rát da. Những ngã ba, ngã tư, ngã sáu và rất nhiều lối rẽ trong cuộc đời mà chúng ta phải cần đối diện… Như những quyết định lớn nhỏ trong đời sống… Những khúc quanh lịch sử ảnh hưởng không ít thì nhiều và ai cũng phải có lần đương đầu.

 

Biết thế nhưng sao đa số chúng ta vẫn không quên đường xưa lối cũ. Vì vậy đã có rất nhiều nhạc sĩ tài danh đã đã dùng những lời ca, ý nhạc tạo thành bài hát để đưa chúng ta vào kỷ niệm. Những kỷ niệm đó, có lẽ khi chuyến ra đi cuối cùng trong đời ta cũng sẽ mang theo chớ không để lại.

 

Không nơi nào đẹp bằng nơi có những ngày thơ ấu. Những ngày cắp sách đến trường. Cơm cha, áo mẹ, công thầy … Tôi mong là không quá lời với sự suy nghĩ này. Bởi với tôi, nếu còn được hỏi :

“Nơi nào đẹp và đầy kỷ niệm?” Tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: ”Thành phố Biên Hòa, sông Đồng Nai và Quốc Lộ 1”

 

Sáu mươi năm cuộc đời… Vậy là tôi có được thêm gần 2 năm bonus. Ngần ấy tuổi mà tôi vẫn còn nhớ mãi những ngày của năm Tiểu học trường Đồ Chiểu, xóm Hãng Dầu, đình Phước Lư, Cầu Tàu… rồi Trung học Ngô Quyền. Con đường Quốc Lộ 1, tôi đã đi mòn không biết là bao nhiêu đôi guốc.

 

Ngày còn làm học trò tiểu học. Đi 5 ngày mỗi tuần. Ngày hai bận, từ xóm Hãng Dầu đến trường tiểu học Đồ Chiểu. Ngay ngã ba bùng binh, một bên là đường Hàm Nghi ( trước 75) và một bên là quốc lộ 1 dẫn thẳng đến bùng binh Biên Hùng. Leo lên con dốc để đến Ngô Quyền và đài Kỷ Niệm.

 

Nắng chang chang như có thể đốt được mọi thứ. Vậy mà chúng tôi (những người bạn thân từ tiểu học rồi đậu đệ thất Trung học Ngô Quyền) vẫn đầy ắp tiếng cười. Giờ nhớ lại, tiếc thời thơ dại qua mau, những ngày chưa biết thế nào là khổ đau hay mệt mõi.

 

Đây là những con đường đưa chúng tôi đến trường để học lễ, học văn. Để trả ơn cha mẹ, trả ơn thầy cô. Những người đã bỏ công sức nuôi nấng và dạy dỗ, mong mỏi chúng tôi được thành nhân chi mỹ

 

Nếu cuộc đời cứ trôi đi như những ước vọng bình thường: Ăn học, thi cử rồi làm việc mưu sinh cho chính bản thân và cho gia đình của mình … Thì ngày giờ này, chúng ta làm gì có khung trời kỷ niệm để mà tưởng nhớ, vấn vương.

 

Nhắc đến tuổi học trò thì nhớ thời cắp sách đi học. Nhắc đến kỷ niệm gia đình thì nhớ nơi đã nuôi nấng chúng ta khi còn thơ dại. Giờ thì căn nhà cũ, những gốc cây xưa trước nhà hay sau nhà đã thay đổi hình dáng và đổi chủ không biết bao lần rồi.

 

Ngày còn nhỏ, chúng tôi thật là may mắn là nội, ngoại ở cùng tỉnh lỵ. Nên việc thăm viếng hai bên thật là dễ thực hiện. Khi còn nhỏ chúng tôi theo ba má. Nhưng khi lớn như các anh chị tôi có xe gắn máy được tha hồ tung tăng đi thăm viếng một mình. Còn tôi vì tuổi còn nhỏ không có dịp đi xe gắn máy, nhưng được đi với gia đình thì vẫn là những kỷ niệm khó quên.

 

Nhà ông bà nội tôi ở Bình Long. Từ Biên Hòa phải qua núi Bửu Long, Tân Phú rồi vào con đường làng. Nhà ông bà nội nằm sau cổng ấp chiến lược. Trên đường đi đúng vào dịp thu hoạch mía để nấu làm đường. Mía chở bằng xe bò. Chúng tôi đã xin vài cây mà ăn liền tại chỗ. Ngày còn nhỏ, răng tốt, ăn mía thật là ngon và ngọt vô cùng.

Vừa đến cổng ấp chiến lược đã nghe tiếng bà nội “Tụi nó dìa ông ơi !." Chúng tôi nhìn thấy ngay ông nội ra đứng trước sân để đón. Sau khi mừng con, cháu, bà nội đội nón lá đi ra sau nhà hái rau tươi vô nấu canh chua. Bà nội kho tiêu những con cá mới vớt lên ở những con rạch sát sân sau nhà. Cá tươi, rau tươi nó ngon vô cùng. Ngày còn nhỏ ba tôi thường thực hiện những chuyến viếng thăm ông bà nội cuối tuần. Để được thưởng thức cá tươi, rau tươi và hạnh phúc với những niềm vui gia đình từ ông bà nội.

 

Khi chiến tranh ngày thêm khốc liệt, nơi ông bà nội ở đã trở thành "vùng xôi đậu", không còn an ninh.  Các anh trai tôi đã là những thanh niên trai tráng, ông bà nội không muốn ba đem chúng tôi về thường.

 

Ba tôi kể lại, lần cuối cùng về thăm quê, ba tôi bàn với ông bà nội là muốn đem chú Út (em trai út của ba tôi đang sắp sửa thi Tú tài) về Biên Hòa ở luôn với ba má tôi cho an toàn. Không để chú đi về quê mỗi tuần như bây giờ rất nguy hiểm.

 

Bà nội cũng sợ mấy ông VC đêm về sẽ bắt chú Út vào bưng, như rất nhiều thanh niên ở vùng này. Nhưng cũng lại quá thương con, không muốn rời xa. Bà nội hẹn với ba tôi là thư thả chờ qua hè rồi hãy đem chú Út đi. Sau đó ở lại Biên Hòa luôn để học thi Tú Tài.

 

Câu chuyện trong gia đình chỉ bàn bạc có thế. Nghĩ là chỉ ở nhà mình biết mà thôi. Chiều đó chúng tôi về lại Biên Hòa. Chú Út đi theo chơi, vì gia đình tôi qua tuần sau thì có tiệc rất vui.

 

Nhưng không ngờ. Sáng hôm sau Ông Chú Bảy  (Em trai của ông nội tôi) đã bị giết một cách dã man. Ông Chú Bảy là một nông dân hiền lành, không có gia đình nên ông nội tôi cho ở gần vựa lúa căn nhà sau. Không ai biết nguyên nhân gì ông Chú Bảy bị thủ tiêu. Nhưng gia đình tôi biết đó là hành động như một lời nhắn gửi và dằn mặt gia đình.

 

Từ đó chú Út tôi ở lại Biên Hòa với gia đình tôi. Chúng tôi hết còn dịp về quê thăm ông bà nội. Bà nội tôi vì sợ hãi và khủng hoảng tinh thần nên sinh bệnh, không bao lâu thì mất. Ông nội quá buồn bực và bất an. Ông bỏ hết nhà cửa ruộng vườn. Đem theo bộ lư hương bằng đồng. Vài vật dụng cá nhân dấu ở chiếc xe ngựa. Ông giả đò làm một chuyến đi về tỉnh Biên Hòa chơi vài ngày thăm con cháu rồi trở lại. Nhưng đó là chuyến đi cuối cùng của đời ông. Ông đã ở lại luôn với gia đình Bác Hai tôi. Sau đó, vì thương nhớ bà nội. Lo buồn vì bỏ lại mồ mả tổ tiên. Tuổi già sức yếu ông nội cũng đi theo bà nội tôi vài năm sau đó.

 

Năm tôi đậu vào Đệ Thất Ngô Quyền (1968), chiến tranh leo thang, dầu sôi lửa bỏng. Quê nội tôi đã không còn đường về. Quê ngoại tôi không còn ai là người thân để có lý do về thăm. (Hai người anh của má tôi nghe nói đã bị Tây xử tử vì tội đi theo Việt Minh, không tìm được xác). Má tôi cũng không dám về quê mình, còn các anh tôi đang vào tuổi lính. Kể như quê nội, quê ngoại chúng tôi đã không còn nẻo đường về.

 

Từ đó chúng tôi chỉ còn biết quanh quẩn ở thành phố Biên Hòa. Vô tư với những ngày tuổi trẻ đầy hoa mộng. Không để ý đến chiến tranh vẫn đang khốc liệt. Sự sống và sự chết cận kề. Đạn pháo đêm đêm vẫn vọng về thành phố. Chúng tôi là những đóa hoa mới nở. Áo trắng, xe đạp, niềm vui thời con gái. Mộng mơ với đời đẹp như thơ. Chưa lần biết nghĩ: Các anh chiến sĩ đang mặc đồng phục màu lá rừng kia đang đối diện với lằn tên mũi đạn để chúng tôi hàng ngày tung tăng trên phố. Áo đẹp, xe xinh, hàng quán đầy những thức ăn ngon. Để chúng tôi hưởng trọn vẹn thời hoa bướm, các anh đã phải gát bút nghiên, cố chôn vùi đi những ước mơ tương lai cho chính mình để đi vào binh nghiệp.

 

Ngày ấy vô tư, tự cho mình vô tội. Ngụy biện để che dấu mặc cảm tội lỗi của mình. Bây giờ thì quá muộn để nói lời cám ơn các anh- Những người cựu quân nhân VNCH. Những Thương Phế Binh còn đang vất vưởng tại quê nhà.- Cám ơn tất cả những con dân Biên Hòa ... đã yêu thương và giữ gìn từng từng tấc đất, từng kỷ niệm chắt chiu.

 

Dù ta có đi xa bao nhiêu, đã ở những nơi có đời sống tốt đẹp nhất, phong cảnh nỗi tiếng nhất, ta vẫn giữ trong tim một hình ảnh quê hương. Chúng ta đa số vẫn giống như nhau khi nói về Biên Hòa. Con sông Đồng Nai vẫn vương vấn yêu thương với tình cảm nồng nàn chân thật nhất. Cuộc đời con người biến chuyển, vật đổi sao dời, sông Đồng Nai vẫn thế . Nước vẫn chảy êm đềm và người Biên Hòa vẫn luôn nhớ và nghĩ đẹp về nhau . Bởi con người thật của Biên Hòa là tượng trưng cho hình ảnh dễ thương, hiền hòa và trung thành với xứ sở. Nơi đã có rất nhiều anh hùng, những bậc tài danh lỗi lạc đã làm rạng danh hai chữ Biên Hòa.

 

Tôi đã đi qua rất nhiều nẻo đường, đã tiếp xúc nhiều người và đến nhiều địa danh khác nhau. Nhưng trong tôi vẫn hiện lên quê nhà ngày thơ ấu. Con sông Đồng Nai và những kỷ niệm của một thuở ngây thơ.

 

Chúng tôi luôn rất hãnh diện là người Biên Hòa.

 

Quảng thị Hoa 

01 Tháng Ba 2024(Xem: 1173)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1259)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 860)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1082)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1152)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1388)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1309)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1819)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1646)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1635)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1572)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1586)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1266)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 2339)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 1227)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 1234)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2859)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 1516)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri
28 Tháng Giêng 2024(Xem: 1483)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...