Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Oanh - THOẢNG HƯƠNG BỒ KẾT

12 Tháng Tám 20176:46 SA(Xem: 17846)
Kiều Oanh - THOẢNG HƯƠNG BỒ KẾT
THOẢNG HƯƠNG BỒ KẾT

bo ket 2
Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi
Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai
Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai
Anh với em một đêm thu êm ái

Lời mở đầu bài hát trữ tình “Suối Tóc” của cố nhạc sĩ Văn Phụng đã đưa ta vào hình ảnh đẹp của người phụ nữ có mái tóc đen, óng mượt chảy dài trên đôi vai tròn, thanh tú. Nếu “Cặp mắt là cửa sổ của tâm hồn” thì răng và tóc cũng đóng góp một phần lớn trên khuôn mặt một người, dù nam hay nữ.

“Cái răng, cái tóc là góc con người”

Người có cặp mắt đep, mà răng cỏ xếu xáo, hay tóc tai lưa thưa, bù xù thì cũng giảm bớt ít nhiều về nhan sắc. Vì thế mà mái tóc cũng rất quan trọng trên vóc dáng con người. Chả thế mà các cô gái ngày xưa, khi vừa đến tuổi dậy thì đã bắt đầu biết trau chuốt, săn sóc mái tóc của mình bằng mọi cách. Thời mà, không có những loại thuốc gội đầu với mùi thơm nhân tạo, chưa có những loại kem, dầu làm bóng mượt tóc như ngày nay, các cô gái đã thường hái những lá cây trong vườn như bồ kết,

hương nhu, lá bưởi, lá xả, rồi nấu lấy nước gội đầu, vừa đơn sơ, giản tiện, đỡ tốn kém, mà lại thoát ra hương thơm tự nhiên, thoang thoảng bay xa.

Qủa bồ kết là 1 loại qủa màu vàng có hình dài hơi giống qủa me, khi phơi khô bồ kết chuyển thành màu đen, đem nướng lên bồ kết sẽ toát ra một mùi rất thơm, nên phụ nữ thời đó hay dùng bồ kết phơi khô, nướng lên rồi bỏ vào nồi nấu làm nước gội đầu, thay thế xà bông. Bồ kết mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam. Ngày nay bồ kết ít được dùng để gội đầu vì trên thị trường đã có hàng loạt thuốc gội đầu tiện lợi, đủ mùi thơm nhân tạo, tuy nhiên, gội đầu bằng bồ kết an toàn không bị dị ứng, vừa sạch gầu vừa có mùi thơm tự nhiên, đỡ bị rụng tóc. Ở đây muốn tìm một vài qủa bồ kết để nấu nước gội đầu cũng rất khó.

Nhắc đến bồ kết, khiến tôi càng nhớ đến Mẹ. Mẹ tôi có mái tóc dài chấm gót và đen nhánh, Mẹ tuy người Bắc nhưng rất ít khi Mẹ vấn khăn, quấn tóc đuôi gà hay búi tóc trần mà Mẹ luôn bới cao trên đầu và cài bằng những cây trâm nhỏ, có khị Mẹ bọc búi tóc bằng một cái lưới đen đan mỏng, nhìn rất đẹp.

Mỗi tuần Mẹ gội đầu một lần. Mẹ sửa soạn nước gội đầu rất tỉ mỉ. Buổi sáng, Mẹ đi chợ mua về 1 mớ lá hương nhu, vài trái bồ kết khô, mẹ ra vườn hái 1 nắm lá xả, lá ổi, Mẹ nướng bồ kết cho thơm rồi bẻ ra, bỏ tất cả vào 1 cái nồi thật to nấu sôi, khi nước bốc hơi toát mùi thơm ngát, mẹ thêm vào một muỗng café bột ngò thơm rồi nhắc xuống, Mẹ đổ ra 1 thau to, múc bồ kết ra vò cho thật kỹ, bồ kết sủi bọt trắng như bọt sà bông. Mẹ pha nước lạnh vào nồi nước gội đầu cho vừa, bỏ bồ kết vừa vò trở lại nồi nước rồi cứ thế mà múc nước bồ kết, hương nhu gội đầu, Mẹ gội thật kỹ cho đến khi hết thau nước, Mẹ vắt nước 1 quả chanh xả đều trên tóc rồi tráng sơ với 1 gáo nước lạnh.

Mẹ vặn quạt hong tóc cho khô, tóc Mẹ bay thoảng theo gió lan xa, toát ra một mùi hương trong lành, thanh khiết. Mùi hương nhu, bồ kết hòa cùng mùi chanh thơm ngát thoảng trong buổi trưa Hè êm ả. Hôm nào mẹ không mua được lá hương nhu thì mẹ chỉ dùng bồ kết và lá ổi nấu nước gội đầu, tuy không đầy đủ nhưng ở bồ kết vẫn thoát ra mùi hương thơm dịu dàng. Mẹ không bao giờ dùng shampoo hay xà bông gội đầu. Có lẽ nhờ những cây cỏ thiên nhiên và bồ kết nấu thành nước gội đầu mà mái tóc của Mẹ tôi lúc nào cũng óng mượt.

Tôi mê nhất là mùi hương bồ kết tỏa ra từ tóc Mẹ. Cứ mỗi lần Mẹ ngồi hong tóc, tôi hay đến gần, xin Mẹ cho nhổ tóc bạc. Thật ra là để ngửi mùi thơm từ mái tóc Mẹ vừa gội thôi, chứ lúc đó Mẹ mới 30 tuổi, Mẹ chưa có sợi tóc bạc nào cả. Chiều con, Mẹ cũng cho tôi mân mê những sợi tóc dài mà Mẹ đang hong cho khô.

Chị tôi cũng có mái tóc dài qúa sống lưng, chị hay kẹp lại bằng chiếc kẹp ba lá sáng choang, chị đang tuổi dậy thì nên đã biết làm dáng, mỗi lần Mẹ mua bồ kết, hương nhu về gội đầu chị đều xin Mẹ mua cho chị 1 phần, và chị tôi cũng được gội đầu bằng bồ kết, chị mân mê chải chuốt từng sợi tóc dài một cách nâng niu. Tôi nhỏ hơn chị 6 tuổi, chưa biết làm dáng, chỉ thấy chị tôi vất vả chăm sóc tỷ mỷ từ tóc tai đến quần áo mà tôi thấy phiền quá.

Khi tôi đến tuổi dậy thì, Mẹ tôi lại nấu nước gội đầu bồ kết, hương nhu cho chị em tôi gội đầu hằng tuần, tôi thích nhất là lúc ngồi hong tóc, tôi không ngồi bên quạt để làm khô tóc như Mẹ, tôi ra ngồi bên hiên nhà dưới tàn cây ổi, chờ những ngọn gió hiu hiu thổi tung bay từng cọng tóc bồng bềnh để thoáng nghe mùi hương nhu, bồ kết nhẹ nhàng thoát ra từ mái tóc của chính mình.

Sau này, vì bận rộn học hành, rồi trên thị trường bắt đầu bán ra những loại dầu gội đầu đủ mùi thơm quyến rũ, chỉ việc mua về đổ vài giọt lên tay xoa vào tóc ướt rồi gội đầu là xong, tiện lợi vô cùng… không phải lách cách nấu nước bồ kết để gội đầu như xưa nữa, và từ đó mùi hương bồ kết cũng dần dần tan vào quên lãng.

Ở thôn quê, những người phụ nữ vất vả lắm, họ thường bận bịu, đầu tắt, mặt tối, lo cơm áo, gạo tiền nên chẳng có thì giờ chăm sóc tóc tai, cứ để đầu bù, tóc rối, bám đầy mồ hôi, có khi họ lấy khăn buộc lại cho tóc khỏi lòa xòa không vướng bận khi làm việc, ngược lại các cô tiểu thư, con nhà khá giả, họ chăm sóc mái tóc một cách kỹ lưỡng, chải bới gọn ghẽ, gội đầu sạch sẽ tươm tất lắm. Mái tóc làm tôn lên vẻ đẹp của khuôn mặt và dáng người. Hình ảnh những cô gái miền Nam áo bà ba, tóc búi cao thanh tú; hay những thiếu nữ Huế áo dài tím với nón bài thơ và mái tóc thề buông xõa sau lưng; hay là những mái tóc vấn đuôi gà của các cô gái miền Bắc. Thiếu nữ mỗi miền đều có một kiểu tóc khác nhau, một vẻ đẹp riêng biệt của một thời kim cổ.

Ngày nay, mái tóc được biến dạng nhiều kiểu khác nhau. Có những mái tóc dài uốn cong cong từng lọn thả dài xuống đôi bờ vai mềm mại. Cũng có những mái tóc cắt ngắn sát vào da đầu như kiểu tóc đàn ông, và rồi lại có những mái tóc uốn quăn tít… Tóc của phụ nữ Tây Phương thì lại có nhiều màu. Thời đại bây giờ, ta cũng ít thấy những suối tóc đen óng mượt tự nhiên, dìu dịu mùi hương bồ kết như xưa nữa, để thay vào đó và theo thời trang là những kiểu tóc uốn cầu kỳ và nhuộm thêm màu sắc, nhìn cũng lạ mắt, nhưng tôi vẫn thấy mùi hương bồ kết thoang thoảng trong những mái tóc dài óng ả của một thời xa xưa vẫn đẹp hơn bao giờ hết.

Mái tóc của phụ nữ từng làm xao xuyến tâm hồn các thi nhạc sĩ. Đã có không biết bao nhiêu bài thơ và nhạc được sáng tác để ca tụng mái tóc của người phụ nữ.

“Tóc Mây” của Phạm Thế Mỹ đã tôn vinh một mái tóc gợi tình theo gió bay và đổi màu theo từng mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông:

“Mùa hè vui đôi chân chấp cánh

Tóc mây hồng cho mắt long lanh

Trời mùa đông môi em thắp nắng

Tóc mây dài, chân vui đường vắng

Rồi mùa xuân cây thay áo mới

Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi

Rồi mùa thu xôn xao lá úa

Tóc mây buồn phủ kín tim tôi…”

Cho dù thời gian có qua đi, có những sợi tóc rụng rơi bay theo gió, những sợi bạc điểm màu thời gian, nhưng “Tóc Mây” của Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ vẫn thơm trong men say lạ thường, tóc vẫn ru lên những điệu buồn trong lòng tác giả:

Ôi tóc mây bay ru lên điệu buồn

Sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa

Ôi tóc mây thơm men say lạ thường

Tình ta xanh lá tóc mây không già

Nhạc sĩ Văn Phụng với “Suối Tóc” cũng tôn vinh vẻ đẹp của mái tóc qua dòng nhạc tuyệt với. Với ông, ngay cả những giòng suối thiên nhiên cũng không êm ả và đẹp bằng mái tóc huyền của người đẹp:

Anh muốn đưa em qua miền giòng núi xanh

Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm

Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền

Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em

Cũng chính mái tóc đã gợi cho ông nhiều cảm xúc, để dệt lên những nốt nhạc trữ tình như một bức tranh hoa thêu tuyệt đẹp:

Lòng anh muốn viết lên đôi vần thơ

Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa

Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta

Trong ý thơ cung đàn và suối tóc mơ

Và đây, Nhạc Sĩ Trần Tiến cũng ngậm ngùi nhớ về người xưa qua hình ảnh mái tóc trong nhạc phẩm “Tóc Gió Thôi Bay”:

Thuyền xưa xuôi dòng, người xưa đã có chồng

Buồn vui những tháng năm bên người yêu dấu

“Tóc gió thôi bay” những ngày thơ.

Tình em đóa hoa hồng lặng lẽ thơ ngây bên vườn

Tình em như khúc sông quê nhà khao khát con thuyền trôi

Tình em như gió gào, tình em như sóng xô

Dạt trôi đến bến bờ có người mong nhớ.

Hạnh phúc đợi chờ, tình yêu dẫu chia lìa

Dù xa nhau đóa hoa xưa vẫn cài trên mái tóc

“Tóc gió thôi” bay những chiều mưa

Vào năm, 2014 Nhạc Sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài thơ “Tóc Xưa” của Bác Sĩ Dương Văn Thiệt. Một bài thơ rất buồn và cảm động mà Bác Sĩ Thiệt làm tặng người vợ đã khuất khi ông tình cờ nhặt được sợi tóc của người vợ hiền còn xót, vương lại trên gối, sợi tóc đã giao động tâm tư, để ông sáng tác bài thơ “Tóc Xưa”, và đã được một Bác Sĩ bạn thân của ông gửi sang nhờ Nhạc Sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc.

Xin mời qúy vị cùng thưởng thức nhạc phẩm“Tóc Xưa”, thơ Dương Văn Thiệt, do Nhạc Sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác qua một vài hình ảnh trong youtube “Tóc Xưa” của Kiều Oanh với tiếng hát trầm ấm của nữ ca sĩ “Đoàn Thanh Tuyền”.

Kiều Oanh

(Viết theo cảm xúc từ những ca khúc trữ tình về mái tóc của người phụ nữ do các nhạc sĩ tên tuổi đã sáng tác)

"Tóc Xưa" Thơ Dương V. Thiệt--Ngô T. Miên Phổ Nhạc, Đoàn Thanh Tuyền trình bày

 

05 Tháng Mười 2012(Xem: 167390)
Ước chi Thu đừng đi qua, Thu ở lại dài lâu trong đời sống để mỗi người trong chúng ta quên đi những bộn bề phức tạp mà đắm mình trong sắc Thu muôn đời...
03 Tháng Mười 2012(Xem: 161575)
Giờ này anh đang làm gì bên kia nhỉ? có nhắm mắt thấy những giấc mơ của tụi mình không? Sao cả hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất đều mưa như thế?
29 Tháng Chín 2012(Xem: 168729)
... có lẽ khi càng lớn tuổi người ta thường nhớ và nhắc đến những chuyện xa lắc xa lơ như nuối tiếc một thời đã mất!
28 Tháng Chín 2012(Xem: 162760)
Ngày rời Biên Hòa tôi chỉ là một con bé ngây thơ, lứa tuổi đẹp nhất đời người. Ngày trở về tôi đã là người đàn bà đứng tuổi đầu hai màu tóc, ...
25 Tháng Chín 2012(Xem: 171930)
Thời gian khắc nghiệt đủ cho hai mái tóc xanh đã muối tiêu cả rồi... Ôi mối tình đầu của ta...!
21 Tháng Chín 2012(Xem: 134585)
Vui lên, những bạn bè thân. Ngày mai, còn biết có lần gặp nhau....
18 Tháng Chín 2012(Xem: 402752)
Xin được chia sẻ với bạn hữu món “quà tặng” đặc biệt của anh Nguyễn Ngọc Xuân, trân trọng cảm ơn anh Xuân đã dành tình cảm ưu ái cho các cựu HĐS Ngô Quyền Biên Hòa.
16 Tháng Chín 2012(Xem: 488055)
Vậy là chiếc huy hiệu Đạo Bửu Long đã hội ngộ với anh chị em chúng tôi, sau chuỗi ngày dài phiêu linh lưu lạc.
15 Tháng Chín 2012(Xem: 169639)
Nhạc và lời: Phạm Chinh Đông – Hòa âm: Cao Ngọc Dung – Ca sĩ Quốc An
12 Tháng Chín 2012(Xem: 144451)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối.
07 Tháng Chín 2012(Xem: 163095)
Tôi bất chợt nhớ lại ngôi trường xưa ở quê nhà, nơi tôi theo học lớp vỡ lòng, tôi nhớ và cảm thấy hạnh phúc đến nghẹn ngào cái lớp học tôi, với vài ba chục đứa học trò, mắt vằng vặc thơ ngây,
07 Tháng Chín 2012(Xem: 160982)
Vậy đó, ông nội và cháu có nhiều điểm giống nhau. Cháu sẽ lớn, sẽ trưởng thành. Ông một ngày nào đó sẽ ra đi.
07 Tháng Chín 2012(Xem: 171340)
Sáng tác và trình bày : NGÔ CÀN CHIẾU.... Nằm bên bờ biển vắng Đong đưa nhịp sóng vỗ về Dáng ai như rất nhẹ Về theo một bóng trăng thề
03 Tháng Chín 2012(Xem: 145368)
Nhân dịp giỗ đầu của Hà Bích Loan, tôi xin thắp nén tâm hương gửi đến bạn hiền, cũng là một người thầy tận tâm, người bạn thâm giao học rộng hiểu nhiều, hết lòng với bạn bè...
31 Tháng Tám 2012(Xem: 186221)
Xin giới thiệu một cách trang trọng những áng thơ văn viết về Cha Mẹ qua tình cảm biết ơn, nhớ thương và cả những cảm nghĩ ân hận khi không làm đúng bổn phận mình cho Đấng sinh thành.
29 Tháng Tám 2012(Xem: 247033)
Một đêm vui cùng với các đàn anh cựu học sinh Ngô Quyền khóa 1, trong niềm hạnh phúc “Gặp lại Thầy xưa”
28 Tháng Tám 2012(Xem: 138898)
... gồm những sáng tác của Tuyết Mai và các bài tưởng niệm của Thầy Cô, ACE trong Đại Gia Đình NQ để làm món quà cuối cùng thay nén hương lòng gửi đến người bạn, người em, người học trò NQ....
24 Tháng Tám 2012(Xem: 184796)
Thơ : Hà Thu Thủy Nhạc : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải. Ca Sĩ : Thanh Duyên
24 Tháng Tám 2012(Xem: 270933)
Mời thưởng thức hai tác phẩm tuyệt vời mới nhất của Hạnh Phạm
23 Tháng Tám 2012(Xem: 146381)
Mùa Vu Lan năm nay, tôi không nói về Mẹ. Tôi nghĩ về cô giáo Tiểu Học của tôi. Một bà mẹ đẹp nhất tôi từng chứng kiến.