Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - Ơn Thầy.

12 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 71885)
Nguyễn Trần Diệu Hương - Ơn Thầy.

 

ƠN THẦY

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

 

Rất nhiều năm sau này, tôi bắt đầu hiểu được những hạt giống tốt thầy đã ra công gieo vào tâm hồn mới lớn của chúng tôi. Hạt giống năm đó, chưa đúng điều kiện, chưa thể nẩy mầm. Đến khi chúng tôi lớn lên, khôn ra, đúng thời điểm, hạt giống tốt ngày xưa nẩy mầm, đơm hoa, kết trái.

 

 

 

thay-content

 

 

 

Người Việt Nam với văn hóa Đông Phương có câu “Công Cha Nghĩa Mẹ Ơn Thầy”.

Từ thời Tiểu Học, thơ dại, học sinh đã được giảng dạy rất kỹ thế nào là Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn Thầy. Hình như trong mười năm đầu tiên đi học, chúng tôi đã làm ít nhất là ba bài luận văn về đề tài này. Hồi đó, còn ngây thơ, khờ dại, đứa nào cũng ngồi cắn bút, gãi tai mà chỉ có thể thấy được một phần của Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn Thầy. Lớn lên, “bước xuống cuộc đời”, dù có lạc quan đến độ nào, mọi người đều thấy không phải ai cũng thành thật với mình, không phải ai cũng chỉ bảo điều hay lẽ phải cho mình như cha mẹ và thầy cô.

Ở đây, xin được nói về Ơn Thầy, một trong những đạo đức căn bản của người Việt Nam.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ tên của tất cả các thầy cô từ Mẫu Giáo ở Việt Nam đến Đại Học ở Mỹ. Những thầy cô ở Mỹ không để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc như các thầy cô ở Việt Nam, nhất là những thầy cô ở trường Trung Học Ngô Quyền.

 

Năm lớp sáu, mới đậu vào Ngô Quyền, “ốc tiêu” nhất trường, lớp 6/1 chúng tôi có thầy Đức dạy Hình Học vừa mới ra trường. Cả thầy lẫn trò đều bỡ ngỡ với ngôi trường Trung Học công lập lớn nhất miền Đông Nam Phần. Hình như thầy bỡ ngỡ nhiều hơn chúng tôi, vì chúng tôi có đến hơn năm mươi đứa bạn cùng lớp, mặc dù chúng tôi đến từ nhiều Trường Tiểu Học khác nhau, từ Trịnh Hoài Đức, Nữ Tiểu Học, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khắc Hiếu… Đầu năm lớp sáu, niên khóa đầu tiên trường có đến mười hai lớp sáu, so với chín lớp sáu của niên học trước, nên tuần đầu tiên ở Trung Học, có một số giờ, chưa có giáo sư, chúng tôi chỉ được chép chương trình (curriculum) do các thầy cô giám thị đưa xuống. Chép chương trình, và dặn dò học sinh mới chỉ mất tối đa là nửa giờ, nửa giờ còn lại chúng tôi có dịp làm quen nhau, và kịp “kết bè kết cánh” để xứng đáng là “thứ ba học trò”.

Tuần thứ hai, chúng tôi bắt đầu có giáo sư chính thức, và bắt đầu vào học thực sự. Lần đầu tiên thầy Đức đến lớp với quần xanh dương đậm, và áo chemise trắng, với dây nịt đàng hoàng, thầy lại còn mang theo một cái cặp nhỏ, trông giống học sinh hơn là thầy giáo. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp thầy. Thầy vừa ra trường từ Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, còn lớ ngớ, và mang chất sinh viên nhiều hơn là thầy giáo. Chúng tôi tưởng lầm đó là một học sinh lớp mười hai đi lộn phòng học, thế là gần năm chục cái miệng đồng thanh:

-- Đi lộn lớp rồi!

Nhiều đứa còn chanh chua hơn:

-- Đi ra nhìn lại tên lớp học đi. Mắt mũi để đâu vậy? Có cần phải đeo kính không?

Một thoáng bối rối, nhưng thầy Đức bình tĩnh ngay:

-- Tôi là Đức, thầy giáo dạy Hình Học của các em. Lớp sáu một phải không? Chắc chắn là tôi vào đúng lớp, không lộn đâu. Các em trật tự lại.

Dĩ nhiên chúng tôi bẽn lẽn im ngay. Nhưng sau đó, trong niên khóa đầu tiên, biết thầy trẻ nhất trong các giáo sư và rất hiền, cả lớp chọc phá thầy nhiều nhất so với các thầy cô khác.

Có lần Tuyền bị gọi lên bảng trong giờ Toán, nó quên học bài nhưng đã rất tinh ranh để tránh khỏi điểm xấu.

Thầy hỏi:

-- Tại sao em không học bài?

Tuyền cười, tỉnh bơ:

-- Thưa thầy em có học. Nhưng tự nhiên bị gọi lên bảng đứng cạnh thầy, em run quá,

quên hết mọi định luật, định đề.

Mấy chục cái miệng con gái không hẹn mà cũng mở ra cười hết cỡ. Thầy Đức trẻ măng, có lẽ chỉ hơn chúng tôi khoảng mười tuổi, đỏ mặt lên, cho Tuyền về chỗ. Nhưng sau đó thầy dẹp ngay “mầm mống nổi loạn” bằng cách kể lại với giáo sư hướng dẫn là cô Nguyệt dạy Quốc Văn. Cô Nguyệt cũng trẻ nhưng đi dạy đã gần mười năm, nên cô đầy đủ kinh nghiệm để đưa chúng tôi “vào khuôn khổ”.

Ấy vậy, nhưng thầy Đức dạy rất kỹ, và đã tạo cho chúng tôi một căn bản rất vững chắc về Hình Học. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn nhớ lời thầy:

-- Các em phải giỏi Toán, mặc dù môn Toán không có ứng dụng thực tiễn trong đa số

 nghề nghiệp, nhưng khi giỏi Toán, các em sẽ giỏi khả năng suy luận, yếu tố chính để thành công trong tất cả mọi lãnh vực.

Lời thầy lúc đó chúng tôi chưa thấy đúng hoàn toàn, nhưng hơn 20 năm sau, ở tuổi nửa đời người, chúng tôi hiểu thầy không chỉ dạy chúng tôi các trường hợp tam giác bằng nhau, những khái niệm về đường thẳng, đường cong, mà thầy còn tạo nền tảng cho khả năng suy luận của chúng tôi.

Năm đó, chúng tôi cũng có cô Liên dạy Nữ Công, hướng dẫn chúng tôi những bài học nữ công gia chánh, thêu thùa, nấu nướng, nghệ thuật làm “nội tướng” sau này. Cô Nguyệt dạy Cổ Văn xây nền móng đạo đức Đông Phương cho chúng tôi “Trai thì trung hiếu làm đầu, gái thì đức hạnh làm câu trau mình”. Cô Thanh dạy Kim Văn, kiên nhẫn dạy chúng tôi kỹ thuật viết những bài văn ngắn mạch lạc. Thầy Mẫn dạy vẽ, dạy chúng tôi biết thưởng thức tranh Picasso. Thầy Tỵ dạy nhạc đưa vào hồn chúng tôi những nốt nhạc trầm bổng cùng những bài hát thiếu nhi có tiếng sáo diều vi vu của mơ ước tuổi thơ. Thầy Mẫn dạy Pháp Văn dẫn dắt chúng tôi làm quen với ngoại ngữ đầu tiên trong đời…

Thầy Long dạy Vật Lý giúp chúng tôi suy luận và phán đoán những hiện tượng căn bản trong đời sống. Cô Tuyết dạy Hóa Học đưa đường dẫn lối cho chúng tôi nhìn mọi hiện tượng dưới lăng kính khoa học, và biết yêu thiên nhiên hơn.

Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn các thầy cô, nhưng phá thì vẫn phá, và hôm nào quên học bài thì có đủ thứ lý do để biện hộ.

 

Vào năm lớp bảy, năm học rơi vào đoạn cuối của chiến tranh, thời sự rất là dầu sôi lửa bỏng, nhiều nước mắt đổ xuống, chúng tôi vẫn nghêu ngao bài hát thầy Tỵ dạy chúng tôi năm đầu Trung Học “Tổ quốc vấn khăn tang, mây che phủ đầu…”. Nhưng thế giới học sinh của chúng tôi chưa bị khuấy động nhiều. Nên chúng tôi vẫn yên ổn học hành, vẫn yên ổn phá phách, mặc dù lòng có đôi lúc chùng xuống trước “đại bác đêm đêm, vọng về thành phố”, trước những tin tức chiến sự trên báo chí mỗi ngày.

Đa số chúng tôi vẫn trẻ thơ, vẫn chơi cò cò trước cửa lớp, vẫn cột áo dài lên, chơi u mọi trong giờ ra chơi. Nhưng một vài đứa trong lớp đã bắt chước người lớn đến trường với một lớp phấn hồng nhẹ trên má, với một lớp son phớt trên môi. Chừng đó thôi, so với các em cùng tuổi ở Mỹ bây giờ thì không có nghĩa lý gì. Nhưng thời đó, thập niên 70, đủ để các thầy, cô lên tiếng. Mở đầu là thầy Bình dạy Pháp Văn, cuối giờ học, sau khi đã hoàn thành một bài học mới, biết chia động từ ở quá khứ gần và xa, thầy chợt tằng hắng:

-- Đáng lẽ đây không phải là lãnh vực thầy nói với các em, mà nên để các cô, hay ba mẹ các em đề cập đến, nhưng vì thầy muốn các em có một thời mới lớn ngây thơ, trong sáng như tuổi mười hai, mười ba của các em nên thầy phải nói. Thầy không có ý phê bình bất cứ em nào trong lớp nhưng thầy chỉ muốn nhắn nhủ với các em rằng: người ta chỉ cần trang điểm khi người ta cần che dấu những vết hằn của năm tháng. Ở tuổi của các em, em nào cũng đẹp như những bông hoa hàm tiếu, không cần phải trang điểm các em vẫn rất đẹp vì các em đang bước vào những năm tháng đẹp nhất đời người.

Sau đó đến cô Diệp dạy Kim Văn, giáo sư Hướng Dẫn. Cô người Huế, tuy còn rất trẻ, nhưng rất nghiêm khắc, mặc dù cô rất thương chúng tôi:

-- Tại sao đang còn trẻ không muốn làm con nít, mà muốn làm bà già ở tuổi mười hai, mười ba? Trang điểm lên, các em vừa bị già hơn, mà làn da non mới lớn của các em còn bị tổn thương bởi những hóa chất trong mỹ phẩm. Người ta làm ra mỹ phẩm để giúp cho những người trên ba mươi tuổi che bớt những vết nhăn, đâu phải để cho những người mới lớn như các em hủy hoại làn da đẹp tự nhiên.

Rồi cô Khang dạy Vạn Vật, rất ít nói, mà cũng lên tiếng:

-- Người ta chỉ đi đóng phim, đóng tuồng khi người ta trưởng thành. Không ai trát phấn bôi son ở lớp bảy đâu các em ạ!

Cô Tài dạy Đại Số, vừa khôi hài, vừa mỉa mai:

-- Các em hơn cô nhiều, “trò hơn thầy là lớp có phúc”. Cho đến lúc rời trường Đại Học Sư Phạm cô vẫn chưa biết trang điểm.

Mãi cho đến bây giờ, đã xa rất xa thời tươi mát của tuổi mới lớn, mỗi lần phải “điểm phấn tô son”, lời thầy Bình, lời cô Diệp vẫn còn vang vang bên tai tôi.

Ngoài những bài học căn bản của lớp bảy, các thầy cô còn dạy chúng tôi rất nhiều điều, từ đạo đức căn bản của một con người, một công dân tốt đến tư cách một người đàng hoàng. Những đứa ngồi bàn đầu, đứa nào lỡ dại rung đùi, đều bị các cô nhắc nhở:

-- Con gái phải có ý tứ, không ai ngồi rung đùi như vậy, các em phải nhớ giữ ý tứ.

Hồi đó, còn thơ dại, nhiều lúc chúng tôi cũng bực mình vì bị bắt bẻ từng chút. Nhưng lớn lên, hiểu thêm nhiều điều, chúng tôi vô cùng mang ơn các thầy cô thời Trung học. Đôi khi các thầy cô chỉ dạy nhiều điều vượt quá khả năng hiểu biết của chúng tôi lúc đó, nhưng đã vẽ một đường đi rất rõ ràng, chính xác cho chúng tôi đến đạo làm người. Chẳng hạn, thầy Phận dạy Công Dân, cứ mỗi lần xong bài học, còn dư giờ, thầy đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong quyển “Le Petit Prince” của văn hào St. Exupery, tiếng Việt là “Hoàng Tử Bé”. Cho đến cuối năm lớp bảy, chúng tôi đã nghe trọn quyển sách triết lý nổi tiếng đó, nhưng… “nghe thì nhiều mà hiểu chẳng bao nhiêu!”

Khi lớn lên, ở tuổi hai mươi, tôi bắt đầu đọc lại “The Little Prince”, và đọc đi, đọc lại rất nhiều lần bằng cả ba thứ tiếng Việt, Pháp và Anh. Đến lúc tôi hiểu rõ mọi ý nghĩa triết lý của anh chàng Hoàng Tử bé hạt tiêu nhưng có những tư tưởng siêu việt thì tôi càng cảm nhận “Ơn Thầy” xứng đáng đứng hạng thứ ba sau “Công Cha, Nghĩa Mẹ”.

Cũng như thầy Phận, thầy Chí dạy Cổ Văn, (thầy chuyên dạy Triết ở Đệ nhị cấp, nhưng vì thiếu giáo sư, thầy dạy lớp chúng tôi) đã đưa vào tâm hồn chúng tôi những triết lý cao siêu của Phật Giáo, những “chánh kiến, chánh ngữ, chánh nghiệp…” mỗi cuối giờ Cổ Văn. Dĩ nhiên ở lớp bảy, chúng tôikhông hiểu gì hết! Lời thầy nói vào lỗ tai bên này, bay qua lỗ tai bên kia, bay vào hư không. Ấy vậy, mà những danh từ triết lý đó vẫn nằm ở một ngõ ngách nào đó trong tiềm thức chúng tôi. Rất nhiều năm sau này, tôi bắt đầu hiểu được những hạt giống tốt thầy đã ra công gieo vào tâm hồn mới lớn của chúng tôi. Hạt giống năm đó, chưa đúng điều kiện, chưa thể nẩy mầm. Đến khi chúng tôi lớn lên, khôn ra, đúng thời điểm, hạt giống tốt ngày xưa nẩy mầm, đơm hoa, kết trái. Chúng tôi mới hiểu ra những tư tưởng tốt đẹp các thầy muốn gieo vào tâm hồn còn trong trắng của chúng tôi lúc đó.

Bằng nhiều cách khác nhau, ngoài kiến thức căn bản của hai năm đầu Trung Học, các thầy cô đã tạo được một nền móng vững chắc của đạo làm người trong tâm hồn của mỗi chúng tôi.

 

“Ơn Thầy” được chúng tôi khắc ghi ở một vị trí đặc biệt trong lòng khi chúng tôi trưởng thành. Những học sinh ngây thơ của 7/1 ngày xưa, có đứa đã đứng ở bục giảng của trường Đại Học trong nước, có đứa đã đóng những vai trò chính yếu trong những công ty lớn, những bệnh viện từ Châu Mỹ qua Châu Âu, đã góp được bàn tay xoa dịu những bất hạnh đến từ mọi phía của những đồng bào không may. Và cũng có những thầy cô đã vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời. Nhưng chúng tôi chưa có dịp nào để nói lời cám ơn từ tận đáy lòng, chưa mua được cho các thầy cô một món quà nhỏ nào. Nhưng hình như món quà lớn nhất mà chúng tôi đã mang lại cho các thầy cô là sự đóng góp của chúng tôi cho cả hai Tổ Quốc. Trong mỗi chúng tôi, có ba vị trí cao nhất trong lòng, chúng tôi vẫn dành cho Cha, Mẹ và Thầy Cô.

 

chsNQ Nguyễn Trần Diệu Hương

 

Với lòng tri ân sâu xa dành cho tất cả các Thầy Cô, những “người lái đò nhẫn nại” đã đưa chúng em đến bến bờ.

 

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76188)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76776)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73827)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73925)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72653)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72004)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75524)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74203)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80491)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74065)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75832)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69090)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73724)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69335)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66504)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73065)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65422)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76738)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!