Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Lữ Công Tâm _ Chiếc Lá Mùa Đông.

28 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 72003)
Lữ Công Tâm _ Chiếc Lá Mùa Đông.

 

Chiếc Lá Mùa Đông

 

 

* Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa. 

 

 

Cơn gió Santa Ana trái mùa mang nhiều hơi nóng xoáy mạnh từng chập lên những hàng cây sau nhà, làm cho những chiếc lá mùa Đông rơi vội vàng trên thảm cỏ xanh. Lòng tôi vẫn còn bồn chồn, xúc động sau cuộc đi thăm thầy Cảnh ở bịnh viện Fountain Valley trở về.

Theo thói quen khi ngồi vào bàn làm việc, tôi mở trang web của trường Ngô Quyền. Bấm vào mục tin buồn, thầy Dương Hòa Huân, tổng giám thị, đã ra đi trong tháng tư năm vừa qua, đến tháng tám tới lượt thầy Nguyễn Minh Mẫn. Như có một cái gì bất an khi tôi nghĩ đến thầy Cảnh. Thầy vừa là một người thầy của ngôi trường ngày xưa và cũng là một người bạn rất tích cực trong những công tác xây dựng cho hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền ngày nay. Những câu nói bông đùa của một người trong cơn bệnh với một tinh thần đầy lạc quan là mình sẽ bình phục sớm để dự tiệc tất niên của hội Biên Hòa và cùng tôi nhấp ly cà phê sáng nơi quán Tài Bửu ở góc đường Magnolia và Bolsa. Tôi đã nhìn thầy với một sự lo ngại trong căn bệnh của thầy, nhưng thầy đã nói tiếp, “Cô Huệ còn đẹp lắm, thầy chưa chịu chết đâu!” Linh cảm của tôi trong thời kỳ còn tại quân ngũ, thường những người sắp mất, họ hay có những câu nói rất tỉnh táo và tôi xem như là điềm gở, nhưng cũng cố an ủi thầy mau lành bệnh để tiếp tục những sinh hoạt vui vẻ của hội mình.

Một tuần sau đó, ngày 4 tháng Giêng 2006, một buổi chiều buồn lúc 6 giờ 30, những cú phone liên tục của bạn bè cùng trường là thầy đang hấp hối ở phòng 298. Tôi vội vàng đến ngay bệnh viện nhưng đã trễ. Thầy ra đi thật an bình trong những tiếng kinh cầu của nhiều bạn hữu cựu học sinh Ngô Quyền và những người thân đang vây quanh thầy trong lúc lâm chung. Tôi cố tập trung nhìn thầy thật kỹ, gương mặt như đang ngủ, như có một giọt nước mắt nào còn đọng lại giữa hai hàng mi khép kín. Tôi cố gắng ghi lại những hình ảnh thật còn sót lại sau cùng của thầy vì tôi biết rằng sắp tới đây khi họ di chuyển thầy ra nhà quàn, có nhìn lại được thầy thì gương mặt đã đổi thay bởi những sửa chữa của nhân viên phục vụ nhà quàn !

Thầy nằm đó trong tiếng cầu kinh phát ra từ cái máy phát thanh ở đầu giường. Linh hồn thầy đang ở đâu? Hãy cùng tôi về thăm lại ngôi trường xưa, nơi đã gắn liền với hơn một phần ba đời thầy, với phấn trắng bảng đen và trên bục gỗ giảng bài của lớp học, với những công thức toán hay những nan đề phức tạp, thầy đã từng hướng dẫn biết bao nhiêu học trò. Không một đáp số nào mà không giải được, chỉ có bài đáp số “số mạng” là thầy chịu bó tay phải không thầy!

Dòng tư tưởng của tôi bỗng trôi bềnh bồng chảy ngược về nguồn, bên xác thầy tôi thấy lại ngôi trường xưa, lúc đó là vào thập niên 60 lúc mà lực lượng Mỹ đổ bộ mạnh nhất vào Việt Nam. Cuộc sống của người dân Biên Hòa đầy xáo trộn, trường tôi lúc đó chỉ có hai dẫy lầu, đối diện với cổng trường là quán cà phê Phương Anh và quán Hoa Tình Thương, nơi điểm hẹn của những mối tình đầu học trò cho đến bây giờ cũng… chưa thành duyên nợ. Bước vào cổng trường, bên trái là phòng thí nghiệm, bên phải là dãy phòng học của trường bán công Trần Thượng Xuyên. Trung tâm sân trường là cột cờ, nơi mà mỗi buổi sáng thứ Hai, nam sinh phải mặc đồng phục quần trắng áo trắng thay vì thường ngày là quần xanh áo trắng, và nữ sinh phải là áo dài xanh thay vì áo dài trắng, nghiêm chỉnh chào quốc kỳ và hát quốc ca. Anh chị nào mà giỡn mặt thì biết tay của thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo. Lớp tôi À2 vào thời đó có những tên tuổi mà bây giờ cũng rất là thân thuộc với hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền ở hải ngoại như: Phan Kim Phẩm, Trương Kiến Xương, Lê Văn Tới, Đỗ Cao Thông, còn bên B1 thì toàn là những tay phá phách có hạng như: Võ Hải Dương, Lê Văn Thành, hai anh em sinh đôi Phùng Minh Đức và Phùng Minh Đạo. Lớp của tôi thì ở trên lầu, chúng tôi thường có cái thú từ trên cao có thể nhìn xuống sân trường ngắm các cô nữ sinh Ngô Quyền trong tà áo trắng tung tăng như những đàn bướm lượn trong buổi trưa hè.

Tôi bỗng chợt nhớ đến một bài viết về “Chất Nữ Sinh” của anh Lâm Thạch Sanh, cựu học sinh Ngô Quyền, trong giai phẩm Xuân vẫn còn gây những ấn tượng trong tôi cho đến bây giờ. Anh có bộ óc tưởng tượng rất là phong phú cho những cô nữ sinh thời ấy như những chất hóa học, đó là chất nữ sinh. “ Chất nữ sinh thường rất cứng trong những cuộc biểu tình, nhưng rất dễ tan trong rạp xinê”.

Còn biết bao nhiêu là kỷ niệm trở lại trong ký ức của tôi khi nghĩ đến mái trường thân thương cũ, đến tình thầy trò. Tôi còn nhớ đến từng cá tính những người thầy, mỗi người một đặc điểm như thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo trong sân trường luôn luôn với trang phục áo tay ngắn để lộ những bắp thịt rắn chắc, những tay học trò lì lợm phá phách đến mức nào thấy thầy cũng phải kính sợ. Cũng như những câu chuyện dí dỏm về vợ chồng thầy Mai Kiến Phúc. Thầy là người đỗ thủ khoa từ đại học sư phạm, bù lại cô Nguyễn Thị Kim Còn vợ của thầy thì lại đỗ đội bảng. Thời ấy, giờ học của thầy Phúc rất là khuôn khổ, học sinh nào đi trễ chừng năm phút thì sách vở sẽ bay ra cửa. Thầy là người thầy dạy Lý Hóa ở đệ nhị cấp mà chúng tôi rất khâm phục, vì khi thầy bước vào lớp chúng tôi chưa bao giờ thấy thầy mang theo sách để giảng bài, kể cả những lúc thầy đọc những bài toán lý hóa, dường như cũng nằm sẵn trong óc thầy mà ra. Rồi đến thầy Lâm Tấn Văn, đôi môi lúc nào cũng mọng đỏ như thoa son, cùng với phấn trắng bảng đen, thầy giảng những bài sinh vật học, mà không cần sách vở mang theo, sau bài giảng học sinh cảm thấy hình như mình đã thuộc bài rồi. Rồi hai anh em thầy Nguyễn Thất Hiệp và Nguyễn Bát Tuấn, hai anh em ruột thịt đã cùng dạy chung một trường. Thầy Thân Trọng Hưng trong những bài giảng văn thao thao bất tuyệt, thầy viết chữ Hán như rồng bay phượng múa…Còn nhiều thấy nữa mà tôi không kể hết ra được!

Thầy Cảnh thấy không? Trường xưa còn đó mặc dù có nhiều đổi thay của thời cuộc, nhưng may mắn thay trường vẫn còn mang tên của vị anh hùng Ngô Quyền. Các bạn cũng như các thầy cô đang chuẩn bị cho hội trùng phùng 50 năm ngày thành lập. Trường. Vui biết bao cho lần hội ngộ kỳ này, khắp thế giới hội tụ về đây để kỷ niệm khiến tôi không khỏi bùi ngùi nghĩ đến thầy. Ba lần trong bốn tháng, năm vừa qua, mở lại trang web, ba người thầy cũ đã ra đi vĩnh viễn. Đời người thật ra mong manh đến thế sao? Có phải cũng như những chiếc lá vàng mùa Đông, chỉ cần một cơn gió nhẹ có thể rơi rụng bất cứ lúc nào!

Mười một giờ ngày 17 tháng Giêng năm 2006 nơi nhà quàng số 5 Peak Family, sau hồi kinh siêu độ mà hầu hết những cựu học sinh Ngô Quyền và các bạn đồng nghiệp cùng tụng đọc cho thầy, anh Tô Anh Tuấn cùng với Ban Chấp Hành. đã thay mặt cho hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền đọc lời tiễn biệt Thầy. Bài đọc đã tuyên dương, ca ngợi thầy Nguyễn Phong Cảnh, khi nhắc nhớ đến hàng ngàn chs Ngô Quyền đã từng là học trò của thầy sẽ không bao giờ quên công lao của một nhà giáo tài giỏi, tận tụy với nghề nghiệp và  nhất là tấm lòng thương yêu học trò bao la của Thầy. Hội Ái hữu chs Ngô Quyền sẽ không bao giờ quên những đóng góp tâm sức của Thầy trong những ngày đầu đầy gian khó để thành lập và phát triển Hội cho đến ngày nay

Tôi đã nghẹn lời và chảy nước mắt, đã không nói hết được những gì mà tôi muốn nói với thầy trong bài cảm tưởng sau cùng để thay mặt cho hội Biên Hòa đưa tiển Thầy.

Nắp áo quan từ từ đóng lại, cửa trần gian của thầy cũng đã đóng lại vĩnh viễn từ đây! Nhưng cũng là lúc ở bên kia, cõi bình an của thầy đã rộng mở. Thầy đang ở một thế giới không có nợ nần, xung đột, không có hận thù, chiến tranh, cũng như cô Huệ, người bạn đời của Anh đã thương tiếc cho Anh những lời sau cùng, “Anh hãy an tâm ra đi vì người thân của Anh ở lại đã có bạn bè giúp đỡ”.

Cơn gió mùa Đông thổi mạnh, bên quan tài buồn, tôi cùng Mai Trọng Ngãi, Đỗ Hữu Phương, Tô Anh Tuấn, và vài người nữa tay nắm chặt quan tài như cố giữ lại những hình ảnh sau cùng, trên đường di chuyển quan tài qua nhà hỏa táng, biết chắc rằng chốc lát nữa đây những hình ảnh cuối cùng này và cả cái thân xác tạm bợ này rồi cũng sẽ trở thành tro bụi mà thôi!

Thôi thì “Cát bụi hãy trở về với cát bụi. Tro tàn hãy trở về với tàn tro”. Cái triết lý “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, chí lý lắm thay! Nếu thầy có sống khôn chết thiêng, thì phù hộ cho những người còn ở lại có được một tâm hồn bình an, và cho hiệu đoàn Ngô Quyền luôn luôn vững mạnh, biết đoàn kết và tha thứ cho nhau trong tình huynh đệ! Chào vĩnh biệt người thầy và cũng là người đồng hương đầy thân thương.

 

                                                                        Cali mùa Đông 2006

                                                                          LỮ CÔNG TÂM

 

 

 

12 Tháng Tư 2024(Xem: 606)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 443)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 504)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 711)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1201)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 856)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 799)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 768)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1534)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1137)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1243)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1198)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1078)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 1106)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1385)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1144)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1240)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 843)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1065)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1139)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.