Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - Tập Hợp Giao.

22 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 74066)
Nguyễn Trần Diệu Hương - Tập Hợp Giao.

 

 TẬP HỢP GIAO

 

(Xin kính tặng thầy Phố, thầy Thu, Cô Minh Tâm với tất cả lòng biết ơn của 7/1ngày xưa.)

 

tap_hop_giao

 

 

Ngày xưa, người ta có câu “tứ đại đồng đường” để chỉ những gia đình có phúc, có đủ bốn đời: ông cố, ông nội, cha và con ở cùng một mái nhà.  Bây giờ ở tuổi nửa đời người, bên đời lưu vong, ít người có được diễm phúc đó, hay nếu có cũng không có được tôn ti trật tự kính trên nhường dưới như truyền thống gia đình Việt Nam.

 

 Ở một khía cạnh tương tự, tôi thấy mình vô cùng may mắn vì được ở trường hợp của “tứ đại đồng đường”.  “Tứ đại” của riêng tôi không phải là bốn đời trong gia đình, mà là bốn đời thầy trò.  Thầy Phố, thầy Thu, tôi, và một cô học trò nhỏ ở trường Việt ngữ đã tạo nên được bốn đời thầy trò.   Có nhiều điều để kể trong tứ đại, nhưng chỉ xin ghi lại điều cảm động nhất.

 

 Vào giữa thập niên 1970, trước biến cố đổi đời của miền Nam Việt Nam, chúng tôi được học môn Công dân giáo dục với thầy Nguyễn văn Phố.  Hình như lúc đó thầy chuyên dạy Toán, nhưng đến lúc chúng tôi vào Ngô Quyền, trường đang đà phát triển, mở rộng rất nhanh, thiếu giáo sư nên thầy dạy chúng tôi môn Công dân giáo dục. Thầy là người dạy chúng tôi những lễ nghĩa căn bản, biết kính trọng người già, biết dỡ mũ cúi chào khi đi ngang đám ma, biết giữ im lặng khi vào thăm bệnh viện… Thầy cũng đưa vào đầu chúng tôi những kiến thức đầu tiên về “Bản tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền”, về tổ chức Liên Hiệp Quốc với những ông Tổng thư ký đủ mọi quốc tịch và màu da được bầu ra bởi tất cả những nước thành viên. Thuở ấy, còn nhỏ xíu, ra chơi còn nhảy cò cò trước cửa lớp, không một mảy may lo âu về nợ áo cơm, điều thầy dạy nằm sâu trong tâm khảm của tôi.

 

 Gần 30 năm sau, mỗi năm đến tháng 12 ngày kỷ niệm thành lập LHQ, dù bận rộn tất bật đến đâu, đầu óc tôi vẫn quay về với lớp bảy một ở một góc của dãy lớp màu vàng ở trường Ngô Quyền, có cái dáng cao gầy của thầy Phố với những giờ Công dân giáo dục, với những kiến thức đầu tiên của chúng tôi về Liên Hiệp Quốc.

 

 Cũng năm đó, tôi được học Toán, môn Đại số với thầy Diệp Cẩm Thu. Hình như năm đó, thầy Thu mới ra trường, thầy còn rất trẻ, còn bối rối mỗi khi mấy chục cái miệng con gái trong lớp chúng tôi yêu cầu thầy hát vào một giờ học gần Tết Nguyên Đán. Thầy đỏ mặt, cười chống chế:

_ Tôi chỉ biết làm toán, không biết hát.

 

 Thầy Thu vốn ít nói nên chúng tôi không biết là thầy vừa đi du học ở Pháp về, có một điều quan trọng hơn, thầy cũng từng học Trung học Ngô Quyền như chúng tôi, và điều quan trọng hơn nữa thầy lại là học trò của thầy Phố. Hồi đó, khái niệm Tân Toán học mới được đưa vào trung học ở Việt Nam, không hiểu vì thầy Thu dạy dễ hiểu hay môn Tân Toán học có những vòng tròn, những chữ U quay đủ bốn hướng, có những phần giao nhau rất đoàn kết, gần ba thập niên qua, tôi vẫn nhớ đầy đủ những khái niệm về Tân Toán học với Tập hợp Giao, Tập hợp Hội… Hồi đó, nếu biết thầy cũng đã từng học Ngô Quyền chắc chúng tôi cũng đã “thấy người…giỏi, bắt quàng làm…đồng môn”.

 

 Niên khóa đó, mỗi tuần chúng tôi có hai giờ Đại số của thầy Thu, một giờ Công dân của thầy Phố. Còn nhớ vào ngày thứ ba mỗi tuần, chúng tôi có giờ thứ hai là giờ Đại số, giờ kế là giờ Công dân, khi chuông reng báo hiệu hết giờ thứ hai, thầy Thu bao giờ cũng xóa bảng sạch sẽ, sửa lại khăn bàn tươm tất, kéo ghế ngồi trên bàn giáo sư ngay ngắn, thầy không bao giờ quên làm điều đó. Nhưng đến giờ Đại số ngày thứ năm, có lúc thầy xóa bảng, có lúc không, và thầy không kéo lại ghế ngồi như ngày thứ ba. Hồi đó là trưởng lớp, có bổn phận nhắc nhở đội trực trong ngày bôi bảng mỗi cuối giờ, hành động đó của thầy Thu dĩ nhiên gợi được sự chú ý của tôi, nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản là hôm thứ năm thầy có giờ kế ở một lớp khác phải đến ngay, hôm thứ ba thầy không phải dạy ngay liền sau giờ Đại số ở lớp chúng tôi.

 

Hồi đó, thầy Thu còn rất trẻ, thầy vẫn đỏ mặt lên mỗi lần mấy chục cái miệng con gái cùng cất lên:

 _ Sao hôm nay (thứ năm) thầy không lau bảng dùm “ tụi con”?

 Biết thầy còn trẻ, mới ra trường, chưa có kinh nghiệm “trị” chúng tôi, những người đứng hạng thứ ba trong câu ngạn ngữ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, chúng tôi cố tình xưng “con” với thầy, thầy càng bối rối, phe ta càng toét miệng cười, cái cười rộng đến tận mang tai, không còn một chút gì là thùy mị, đoan trang của học trò con gái!

 

Mãi về sau, sau này, hơn ba mươi năm sau, tình cờ được dịp gặp lại thầy Phố trong những lần họp mặt Cựu Học sinh Ngô Quyền ở miền Nam California, tôi mới có câu trả lời chính xác tại sao thầy Thu chỉ lau bảng và sắp xếp bàn giáo sư tươm tất vào mỗi thứ ba. Là vì người dạy giờ kế, sau giờ Đại số của thầy Thu ở lớp7/1 ngày đó là thầy Phố. Tên giáo sư mỗi ngày ở sổ đầu bài đã cho thầy Thu biết điều đó, và thầy vẫn lặng lẽ thi hành bổn phận học trò với thầy cũ của mình.

 

 Hơn ba mươi năm trước, thầy Thu dạy chúng tôi những khái niệm đầu tiên của Tân toán học trong lớp của dãy lầu màu vàng của Ngô Quyền xưa ở Biên Hòa. Ba mươi năm sau, thầy trò chúng tôi ở xa nhau nửa vòng trái đất, tôi vẫn học được thêm về nghĩa thầy trò từ thầy Thu.

 

Dạo đó, thầy sợ chúng tôi ham chơi, không lau bảng, thầy Phố vào dạy giờ kế phải tự xóa bảng, và phải hít thêm bụi phấn vào phổi, thầy lặng lẽ lau bảng để gánh bớt bụi phấn cho thầy cũ của mình.

 

Ngẫm lại điều đó, tôi vẫn thấy mình chưa trả ơn được nhiều cho các thầy cô giáo cũ như thầy Thu đã làm, nhưng cho đến lúc được nghe thầy Phố kể về một “tình cờ gặp gỡ” khác giữa thầy và thầy Thu, tôi mới thấy tình nghĩa thầy trò của thế hệ thầy Thu cao quý đến độ nào!

 

 Sau năm 1975, đời sống trở thành “thương hải biến vi tang điền”, trật tự xã hội quay một góc ba trăm sáu mươi độ, tôi không còn được là học trò Ngô Quyền, và không bao giờ được thi Tú Tài như các lớp đàn anh, đàn chị. Nổi trôi cùng vận nước, thầy Phố cũng bị bắt buộc phải rời bục giảng, sống nhẫn nhục, cam chịu trong các trại cải tạo một thời gian, rồi thầy lưu lạc về tận Tây Ninh, thay vì cầm phấn viết bảng, thầy phải cầm kim khâu giày cũ. Vậy mà hình ảnh cao quý của thầy trên bục giảng ngày xưa ở Ngô Quyền không bao giờ mất trong lòng lũ học trò cũ, kể cả thầy Thu.

 

 Một ngày đầu mùa hè cuối thập niên 70, hai người thầy của chúng tôi đã dựng lại hoạt cảnh “người học trò Carnot vĩ đại về thăm thầy cũ của mình” ở một lề đường của tỉnh Tây Ninh. Tôi chưa bao giờ được đến Tây Ninh, chưa bao giờ được thấy những lề đường của tỉnh lỵ nhỏ bé này, nhưng tôi tưởng tượng được toàn bộ hoạt cảnh “Carnot” của thời đại.

 

Năm đó, thầy Thu đi chấm kỳ thi “học sinh giỏi Toán” ở Tây Ninh, tình cờ thầy thấy thầy Phố ngồi sửa những đôi giày cũ ở lề đường; thầy ngồi xuống chuyện trò với thầy Phố, vẫn ân cần, vẫn lễ độ như thuở nào thầy còn ngồi trên ghế học trò ở Trung học Ngô Quyền và thầy Phố vẫn còn đứng trên bục giảng trắng màu bụi phấn. Tôi không được có mặt ở đó để viết nên một điều mắt thấy tai nghe, có lẽ sẽ là câu chuyện cảm động nhất trong những ngày tháng cầm bút nghiệp dư. Nhưng một phần tư thế kỷ sau, được nghe thầy Phố kể lại câu chuyện, mắt tôi vẫn nhạt nhòa, tim tôi vẫn đập mạnh hơn đầy xúc động về tình nghĩa thầy trò của hai người thầy cũ của tôi.

 

Và như thế, tôi nghĩ là thầy Thu đã là một ông Carnot vĩ đại như trong một bài Quốc văn tôi được học từ thời lớp Ba, và như thế, cả hai vị thầy ngày xưa của tôi đã dạy thêm cho tôi một bài học về đạo làm người, về nghĩa thầy trò, ngoài môn Công dân của thầy Phố, và môn Đại số của thầy Thu mà tôi đã được học từ thuở còn là một con bé cột hai đuôi tóc với nơ đỏ đi học mỗi ngày ở Ngô Quyền.

 

 Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại ngồi ở ghế học trò của Trung học Ngô Quyền.

 

Dù chúng ta có lớn, có già đến đâu đi nữa, dưới mắt của cha mẹ chúng ta vẫn dại khờ như thời nhỏ dại. Dù chúng ta có một địa vị xã hội cao đến đâu, dù tài sản của chúng ta có hàng chục con số không ở phía sau đi nữa, chúng ta vẫn là học trò Ngô Quyền một thuở nào, và vẫn là học trò của các thầy cô với những con mắt ngây thơ, dại khờ của thời mới lớn. Công cha, nghĩa mẹ và ơn thầy luôn được trân trọng ở một góc nào đó trong tâm khảm vì không có những ân nhân đó, chúng ta không bao giờ lớn nổi thành người.

 

 Christmas 05, Santa Clara, CA.

 

 Nguyễn Trần Diệu Hương

 

 

21 Tháng Tám 2014(Xem: 15106)
Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hóa thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi.
15 Tháng Tám 2014(Xem: 28268)
Chuyện cổ tích của con kể bắt đầu bằng ngày xưa con có ba, ngày xưa con có má, ba má là mãi mãi ... là cho đi không đòi lại bao giờ ...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 25449)
GS. Nguyễn Xuân Hoàng giảng bài say sưa, trong đam mê dù triết học hay văn chương,... Vị thầy mà khoảng cách thời gian lớn hơn chúng tôi độ một giáp...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 24764)
Biết đến bao giờ tôi lại trở về? Để được sống yên bình ngắm hàng phượng vĩ vào mỗi mùa Hè, và sống lại thời xưa cùng các bạn vui chơi những ngày Hè thong thả....
14 Tháng Tám 2014(Xem: 15006)
Và trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 25153)
"Mẹ mày có khỏe không?' Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy. Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 29160)
Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 23285)
Những ước muốn thật xanh, thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời. Ai bảo”Người đi trên mây” dửng dưng? Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15251)
Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam…
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15283)
Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 20989)
Tiễn chân Quỳnh Giao về bên kia thế giới. Tôi lại nghĩ đến đời người, duyên và nghiệp. Quỳnh Giao là con chim quý đã có một phước báo từ kiếp trước nên tiếng hát đi vào lòng người.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 28178)
Khi tôi viết những dòng này thì đại diện gia đình đang chuẩn bị để lên những chuyến bay về tham dự buổi lễ gắn lon Chuẩn Tướng cho Việt
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 18004)
Hoàng ngồi trên xe lăn, tóc bạc trắng, áo pull đen, gầy yếu, thăm thẳm, tôi nghe thấy hơi ấm mỏng len qua những ngón tay của hai đứa tôi xiết nhẹ.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 17372)
Ngồi trong tòa soạn báo Việt Tribune, chúng tôi vẫn hồn nhiên “mày tao”. Như những ngày Văn Học năm xưa. Có chi thay đổi đâu! Tôi muốn mượn câu thơ của Phạm Nhuận để tặng Nguyễn Xuân Hoàng.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 15306)
Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau. “Cô có khỏe không? Em bé tên gì vậy cô? Em dễ thương quá!” Tám ẵm bé lên, áp má mình vào má bé.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 18380)
Với nữ lực của Vy, chắc chắn tác giả Người Đi Trên Mây sẽ luôn bước trên những đám mây mịn màng, bồng bềnh, thư thái nhất giữa nụ cười e lệ ...
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 22673)
Quỳnh nhắc lại chuyện tối qua, khi cả xóm bị khích động bởi tiếng kêu la giữa khuya của căn nhà đâu lưng bên kia hẻm.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 23220)
Nguyễn Xuân Hoàng là người nghệ sĩ đích thực, nhưng tư chất nhà giáo đặt ra những giới hạn không thể vượt qua cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật. Hình như A. Camus bảo nghề giáo là chỗ sa lầy ...
19 Tháng Bảy 2014(Xem: 20443)
Ông lại nghĩ đến người nghèo ở VN và những ngôi nhà bạc tỉ, dát vàng lộng lẫy. Ông nghĩ đến dàn khoan đang chễm chệ ngoài khơi và lời nói trịnh thượng của đại diện Trung Cộng.
18 Tháng Bảy 2014(Xem: 23117)
Xin được một lời cám ơn Thầy, cám ơn Cô. Cám ơn quý anh chị và các bạn đã thực lòng với trường xưa, cùng góp bàn tay mang bao nụ cười, niềm vui nhiều kỷ niệm trên hai chuyến đi về.