Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ IX)

09 Tháng Giêng 201511:42 SA(Xem: 24189)
Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ IX)
1609717_318568511646445_337833020663465982_n
(Nguồn: Tủ sách Tuổi Hoa - 1975)

KỲ IX

Chương 4
 
 
Trân đến địa điểm tập hợp từ 6 giờ sáng. Trời còn sớm, ẩm sương. Đứng nơi đầu con dốc nhỏ đợi các bạn, Trân thấy cô đơn quá. Giờ này tại An Lợi, anh đang làm gì ? Anh đã thức dậy, lo cắt đặt công tác cho các bạn hay đang giở chồng cours, đọc sơ qua vài bài học ? Chỉ còn nửa tháng nữa là đến ngày thi phần nhất. Trân không lo sợ hồi hộp như năm rồi, mà Trân nôn nóng chờ mong. Trân muốn được hoàn trả món nợ học vấn càng sớm càng tốt. Để chứng tỏ cho mọi người biết rằng Trân vẫn cố học dù đã ra đời, nhưng nhất là, để chứng minh sự cố gắng của Trân đối với anh. Nghe anh An nói, anh đã qua kỳ thi viết như anh ấy, anh đang chờ vào thực tập. Trân mừng và thầm cầu nguyện cả anh cùng anh An cùng đậu. Có thế mới tỏ rõ trời đất chí công và giúp các anh có điều kiện dễ dàng hơn trong những việc làm sắp tới. Người lớn, luôn luôn lo lắng cho con em, không muốn cho con em làm bất cứ việc gì có thể ảnh hưởng không tốt đến việc học. Tuổi trẻ, những người muốn làm việc này, việc nọ, chỉ có một cách cố học, không để vấp ngã một chặng nào, mới lấy được lòng tin của người lớn.
Thủy, Quỳnh, Hồng đến một lượt với nhau trên chiếc xe gắn máy của Quỳnh. Thắng xe không ăn lắm, lết xuống con dốc nhỏ khiến cả ba kêu oái oái. May mà dừng kịp trước khi đụng phải cánh cổng trường cách không đầy một thước. Các nam nữ sinh ghi tên trong đoàn công tác cũng lục đục tới trước cổng trường. Thủy mặc âu phục. Nhỏ hỏi Trân :
- Coi được không, nhỏ ?
- Đẹp lắm. Gọn gàng nữa. Có lẽ tao cũng phải may một bộ như mày mới được.
- Để đi công tác ?
- Chứ gì.
- Mày làm như công tác kỳ này sẵn sàng lắm vậy. Mấy năm mới có một lần chứ bộ.
Hồng hỏi :
- Anh An đâu ?
- Anh ấy ở An Lợi đợi sẵn. Định đã liên lạc với anh ấy. Chút nữa hỏi Định thì biết ngay. Nhưng mà Quỳnh, mày định đi xuống An Lợi bằng xe gắn máy hả ?
- Ừ, tao có người quen dưới ấy. Đem xe theo để tiện bắt liên lạc, công tác xong tụi mình kéo tới vườn cây người đó phá chơi.
Cả bọn vỗ tay reo mừng. Định tới với chiếc xe cam nhông mượn được của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn. Giáo sư L. cầm máy phóng thanh nói lớn :
- Các em học sinh đứng vào từng toán như đã phân chia để điểm danh rồi lên xe.
Tiếng điểm danh từng toán vang lên. Chen lấn nhau và chen lấn với những tiếng cười nói ồn ào. Hồng hỏi Định :
- Mấy giờ mình về anh Định ?
Định cười :
- Chưa đi mà chị đã đòi về rồi à ? Khoảng ba, bốn giờ chiều.
Hồng xí một tiếng :
- Người ta hỏi cho biết chứ bộ !
Định cười nói huề rồi lo cho các toán lên xe. Con trai leo xe như khỉ trong lúc bọn nữ sinh luống cuống buồn cười. Anh tài xế vui vẻ nói với tất cả trước khi lên xe mở máy :
- Giữ thành xe cho chắc nghe quý vị. Coi chừng xe thắng gấp thì té nhào cả bọn đó.
Thủy nói lớn :
- Cám ơn anh đã báo trước.
Quỳnh tiếp :
- Nhưng hy vọng anh không thắng gấp !
Tiếng hát vang lên lồng lộng trong gió. “Đoàn người tưng bừng về trong cơn gió, hồn như đám mây trắng lững lờ, giang hồ không bờ không bến đẹp như kiếp Bô-ê-miên…” Gió mát đến lạnh. Tóc bọn con gái rối tung. Đến ngã ba Tam Hiệp xa lộ thì xe thắng gấp. Lần thứ nhất. Bọn nam sinh hú lên khoái chí trong khi bọn nữ sinh la rền trời. Lúc xe bon bon trên xa lộ, tự nhiên nam nữ chia đôi, con trai về một phía, con gái phía khác. Định cầm đầu phe con trai, thách thức :
- Hai bên hát đua. Bên này hát xong một bài thì bên kia phải hát tiếp một bài tức thì. Chậm trễ một chút kể là thua.
Rồi không đợi bên nữ sinh đồng ý, Định bắt giọng cho các bạn hát ngay : Ôi tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi, trong tiếng hờn trong máu lửa ngợp trời, từng giây nghe quê hương xót xa đầy trong cơn thê lương…
Phe nữ sinh hướng cả về phía Trân chờ đợi. Trân cười bảo các bạn yên chí, mình sẽ thắng. Những ù ú u u ù bên con trai vừa dứt, xe đã tới ngã tư xa lộ Vũng Tàu, Trân bắt giọng : Tôi đi từ Ải Nam Quan… Giọng hát của phe nữ sinh vang lên giữa những ánh mắt ngạc nhiên của khách lạ bên đường. Bên con trai có những tiếng chỉ trích :
- Ăn gian, không giao hát trường ca…
Bên con gái vẫn hát. Thủy nói vọng qua :
- Ai bảo không giao trước, rán chịu.
Đến bài thứ ba của cả hai phe thì đến địa điểm. Định ra dấu cho các bạn ngưng hát rồi tự tuyên bố thắng cuộc :
- Phe con trai thắng vì hát ba bài khác nhau trong khi phe con gái tuy hát ba lần nhưng chỉ là một bài. Hoan hô phe ta…
Bọn con gái phản đối ầm ĩ. Giáo sư L. không hiểu rõ đầu đuôi nhưng cũng cười vui. Anh An đứng chờ sẵn, hỏi :
- Có chuyện gì mà vui thế ? Quý vị ?
Định khoe :
- Tụi em chia phe hát thi và phe con trai toàn thắng…
Hồng kêu :
- Ăn gian mà vinh dự gì.
Trân nhận thấy Định luôn luôn tính toán. Định có vẻ là một con người mưu cơ, nhiều khi đến quỷ quyệt. Nếu Định được hướng đúng đường thì với bộ óc ghê gớm đó, Định làm được nhiều việc đáng kể.
Con đường dẫn vào trại tạm cư gồ ghề. Chiếc xe chạy chậm, lo tránh đồng bào và trẻ nít đi ngược chiều. Hai người lính gác cổng hạ sợi dây xích ngăn xe xuống, cười chào đón đoàn công tác. Vượng của Trân và một người trung niên mặc quần áo đen tiến ra tiếp giáo sư L. và Định. Người trung niên được giới thiệu là trưởng trại tạm cư, bắt tay giáo sư L. và Định. Bàn bạc với nhau một lúc thì anh trở lại với bọn học sinh :
- Hôm nay, chúng mình có hai việc để làm. Việc thứ nhất là phân phát phẩm vật cho đồng bào tại một số trại. Việc thứ nhì là giúp đoàn công tác chúng tôi dựng sườn dãy nhà cho đồng bào sắp từ Bình Dương về. Yêu cầu các bạn chia làm hai toán. Các bạn có thể tìm bạn bè mình thích đi chung một toán, nhưng dù sao thì số lượng hai toán cũng phải ngang nhau.
Học sinh nam nữ phân chia xong xuôi, Thủy, Hồng, Quỳnh và Trân còn dùng dằng chưa quyết. Trân hỏi anh An :
- Anh dẫn toán nào ?
Anh An đáp :
- Tao đi với toán dựng nhà.
Trân đẩy Thủy về phía anh, nói nhỏ vào tai người bạn gái : “Về phe ổng đi”. Thủy kéo theo Hồng, Hồng níu Quỳnh. Cuối cùng, Trân đâm ra lạc lõng. Toán anh An, với Hồng, Thủy, Quỳnh trở nên đông hơn toán của anh. Định nói :
- Bên đó đông quá, yêu cầu chị Trân qua bên này…
Thế là Thủy được dịp trả miếng Trân : “Về phe ổng đi”.
Công tác ở An Lợi không khác việc ở Bình Dương là mấy. Có khác chăng là nơi đây phần đông là đồng bào thiểu số, Thượng, Miên. Những người dân thiểu số thật hiền lành, chất phác, nhận từng phẩm vật trao tặng không kêu nài, chê bai gì cả. Định vừa làm việc, vừa kể cho Trân nghe :
- Hồi nãy, tôi phát cho một bác người Thượng cục xà bông thơm, bác ấy trợn mắt nói với tôi rằng : “Bộ cậu chê tui ở dơ lắm sao mà cho tui xà bông ? “. Tôi đành xin lỗi cho xong. Chị nhớ lấy điều đó nghe.
Trân cũng vui miệng kể lại :
- Thì mới rồi đây, Trân phát cho một chị người Miên một bộ quần áo… đàn ông. Chị ấy đem trả và nói : “Cái này làm sao tôi bận ?”.
Anh đang đào hố rác với một số nam sinh, ngừng tay hỏi :
- Ở đây có tay nào viết bài đăng báo không ?
- Chi vậy anh ?
- Để làm một màn phỏng vấn mọi người. Mỗi người chỉ cần kể một kỷ niệm của mình cũng đủ để viết thành một bài báo dài giá trị rồi…
Giáo sư L. cũng góp tiếng :
- Theo tôi nghĩ, kỷ niệm để giữ riêng vẫn quý hơn…
Tự nhiên Trân nhớ đến buổi sáng đi chơi với anh ở Thủ Đức, Trân cười. Nhìn về phía anh, Trân cũng bắt gặp anh cười. Bốn mắt nhìn nhau đồng loã.
Đột nhiên, trong bầu không gian vắng lặng mà vui tươi với công việc làm không ngơi tay, mà tiếng chuyện trò cũng không ngớt, một tiếng nổ vang lên dữ dội. Tất cả ngừng tay làm việc hỏi nhau :
- Chuyện gì vậy ?
Anh nhíu mày hướng về phía tiếng nổ, cũng là hướng toán anh An dựng nhà. Anh nói :
- Có lẽ một trái nổ cũ, khi nơi này còn là vùng giao tranh phát nổ… Không hiểu có ai bị nạn không ?
Trân bỗng thấy mí mắt giựt mấy cái. Rồi trong tầm mắt Trân, một đám đông từ xa kéo lại. Những gương mặt học sinh tái xanh nhớn nhác chạy nhanh về phía Trân. Một em nữ sinh vừa nói vừa run :
- Lựu đạn nổ hai ba người bị thương…
Trân chạy lại phía đám đông đang khiêng những người bị nạn. Anh cũng chạy lại. Trân kêu lên thất thanh :
- Anh An ơi ! Anh có sao không ?
Anh An, trong tay hai học sinh mười một, phía trước ngực đẫm máu, khẽ lắc đầu và gượng nói :
- Nhẹ thôi, chắc không sao.
Anh đỡ anh An vào trong lều. Ba học sinh nam nữ khác cũng được chuyển vào. Tương đối, các em này nhẹ hơn. Lộc bị xây xát nơi khuỷu tay vì tiếng nổ làm em sợ quá, té nhào xuống đất. Quát bị một miểng nhỏ nơi chân. Thân bị hai vết sau lưng. Riêng anh An, bốn năm vết lớn nơi ngực, môt miểng nơi tay. Trân khóc nhìn anh băng bó cho anh mình. Giáo sư L. lo lắng cho Lộc, Quát, Thân. Quát kể :
- Em đang chặt một nhánh cây thì vướng phải một sợi dây, em dằng đứt dây mới thấy trái lựu đạn rơi xuống. Anh An đứng gần đó nghe em kêu chạy ngay lại, đẩy em về phía sau và lấy chân đá trái đạn đi. Nhưng nó đang lưng chừng không thì nổ…
Anh An nói với anh :
- Mày lo tiếp tục công việc. Để tao nghỉ được rồi.
Trân hỏi :
- Anh liệu có sao không ? Em lo quá.
- Không sao. Lựu đạn loại thường, Vượng đã lấy mảnh ra hết.
Công việc bị ngưng trệ đến gần tiếng đồng hồ mới tiếp tục. Nhưng từ đó trở đi, việc có vẻ uể oải hẳn. Mọi người xoay quanh vụ nổ. Anh cho biết thỉnh thoảng nơi đây vẫn xảy ra một vụ tương tự. Tuy nhiên, may mắn là chưa lần nào nguy hiểm đến chết người. Trân bỗng dưng lo sợ vu vơ. Anh An đã bị nạn. Rồi một ngày nào, đến lượt anh ?
Hai giờ rưỡi, giáo sư L. ra lệnh trở về. Vị giáo sư trẻ, có tiếng là nhiệt huyết trong trường ít nói hẳn. Có lẽ ông mải lo đến việc phải trình bày cho gia đình ba học sinh bị nạn hiểu rõ tai nạn của chuyến đi. Định cũng không dấu được vẻ bồn chồn, lo lắng. Quỳnh nói :
- Thôi, bỏ vụ đi vườn nghe tụi bây.
Không đứa nào phản đối cả. Anh An không chịu về, đòi ở lại trại. Anh cũng căn dặn Trân không nên nói cho ba má biết, sợ ba má buồn. Anh tin tưởng vết thương sẽ mau lành, tuần sau trở về, người nhà sẽ không còn thấy gì nữa. Lúc tiễn đoàn công tác ra xe, Trân đã tần ngần nhìn Vượng. Như hiểu ý Trân, anh đã nói :
- Mỗi người đều có một số phần. Trân lo lắng cũng vậy thôi. Mình ăn ở hiền lành, chắc trời chẳng hại.
Rồi anh pha trò cốt để Trân vui :
- Có lẽ An nó có làm điều gì quấy nên bị trời phạt đó, Trân à.
Xe chạy nhanh trên đường trường. Nhưng không có tiếng hát nào vang lên cả. Cũng như tất cả, Trân nghĩ đến vụ nổ. Trân lo cho anh An. Và thầm lo cho cả anh nữa. Vượng ơi.


Chương 5

Hc trò của Trân vừa về hết, Trân xuống bếp lo cơm nước cho bốn đứa em thì anh đến. Câu hỏi đầu tiên của anh là :
- Làm bài được chứ, Trân ?
Trân nghĩ rằng anh rất hài lòng với câu đáp của mình :
- Rất hoàn toàn.
Anh cười. Nụ cười ý nghĩa vô cùng. Rồi anh xem, năm nay, nhất định tên Trân sẽ có trên bảng danh sách thí sinh đậu. Trân ước tính, ít lắm, Trân cũng được Bình thứ. Quà tặng cho anh đó. Cho mối tình thầm lặng của chúng ta.
- Tôi cũng vừa xem kết quả.
- Anh đậu rồi ?
- Và An nữa.
- Trân mừng quá. Trưa nay, anh ở lại dùng cơm với Trân nghe ?
- Trân quên An mất rồi.
- Bây giờ Trân mới thấy tình cảm làm con người trở thành bạc bẽo. Trân đáng trách quá anh Vượng nhỉ ? Anh An không về cùng anh ?
- An thay tôi điều hành công việc đằng An Lợi. Chúng tôi đã hoàn thành xong hai dãy nhà, còn dãy nhà cuối nữa là chu toàn công tác, cả bọn mới yên tâm từ giã đồng bào được.
Trân nhắc lại lời mời :
- Anh ở lại dùng cơm trưa với Trân chứ ?
Anh gật đầu :
- Chút nữa tôi sẽ trở lại.
Bữa cơm trưa đó thật vui. Đãi anh thi đậu món tôm lăn bột Trân vẫn thường nghe nói anh thích. Đãi anh thi đậu món canh ngót Trân trồng được sau nhà. Và cuối cùng, đãi anh và Trân, đãi mối tình mình món xào mực ống. Thằng Chí nói :
- Kỳ này anh Vượng ốm nhom.
Anh gầy lắm đó nghe Vượng. Trân mong sao dãy nhà cuối hoàn thành để anh và anh An trở về nghỉ ngơi. Chẳng thà các anh bận rộn với việc tổ chức lớp hướng dẫn học sinh vừa thi đậu vào lớp 6 Ngô Quyền đi. Chứ công tác cứu trợ nặng nhọc, tiêu dùng nhiều sinh lực của các anh quá. Anh khen Trân :
- Món ăn ngon lắm. Trân khéo tay thật.
Như một người chồng khen vợ. Như những lời mật ngọt mà Trân nghĩ rằng ai, trên đời này và trong tình yêu, cũng ước ao.
- Chút nữa, cơm nước xong, tôi sẽ cho Trân biết một tin quan trọng.
- Anh làm Trân hồi hộp quá.
- Hãy nén hồi hộp lại để chút nữa mà vui mừng.
Don mâm cho nhanh. Ăn tráng miệng cho chóng. Hối bốn đứa em đi rửa miệng. Chế bình trà. Dọn bộ tách. Trân bận rộn, vướng víu buồn cười. Chắc anh cười Trân nôn nóng. Tại anh bí mật chứ đâu phải tại Trân.
- Xong xuôi rồi, anh nói cho Trân biết đi.
Anh cười, khá lâu mới chịu nói :
- Sau khi Trân có kết quả xong, tôi sẽ theo ba má đến nhà Trân thưa chuyện…
Trân đỏ mặt vì sung sướng. Tiếng anh như ước mộng :
- Lễ chạm ngõ chỉ để chính thức hoá cho chúng ta. Trân đợi tôi đến ngày ra trường…
- Ba má anh đã bằng lòng ?
- Và cả ba má Trân nữa kìa. Trân chưa biết chuyện đó à ? An đã nói với hai bác…
- Hôm nọ, Trân có nghe má Trân nói sắp có người tới dạm. Nhưng không ngờ là anh…
Vượng ơi. Tình mình đẹp quá. Vuông tròn quá. Vì Trân, vì tình yêu, anh đã biến đổi từ một chàng trai quan niệm vị kỷ thành một thanh niên lấy con đường hướng tha làm bước tiến. Cũng từ tình yêu, Trân vui với hoàn cảnh riêng, quên đi những nỗi buồn đã vương vào hồn mình, quên cả thân phận côi cút. Má anh An, Trân đã xem như mẹ ruột, như người mẹ trong tấm hình lớn lộng khuôn treo giữa nhà kia. Bác ba của Trân nghĩ đúng, và có lẽ bác đã hài lòng thấy Trân dần chiếm được cảm tình, sự thương yêu trìu mến của má anh An. Trân cảm được sự trìu mến tự thâm tâm chứ không phải còn bởi bất cứ lý do nào khác. Tình yêu là phép mầu phải không Vượng. Phép mầu xoá lấp những khổ đau.
 
 (còn tiếp)
 
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76188)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76776)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73826)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73925)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72652)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72003)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75524)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74203)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80491)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74063)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75832)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69090)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73723)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69335)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66504)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73065)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65422)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76738)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!