Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - HẠNH NGỘ

11 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 36336)
Nguyễn Trần Diệu Hương - HẠNH NGỘ

HẠNH NGỘ

 

hanh_ngo-large-content

 

Thời khóa biểu đã được chia ra đàng hoàng khi chúng tôi có hai người khách… không mời mà đến, nhất là đến vào đầu tháng mười hai, ngày ngắn lại và giống như mọi người Mỹ khác, chúng tôi phải chạy đua nước rút với kim đồng hồ với những project cuối năm với quà cáp, ân nghĩa như người Việt Nam tất bật vào những ngày cận tết âm lịch.


Danh đến từ Massachusetts -đúng ra là đến từ Việt Nam- và Hân đến từ Missouri. Cả hai sẽ ở nhà chúng tôi, những người bạn từ thời trung học ở quê nhà. Trước hôm hai người bạn cũ đến chúng tôi dù rất bận rộn cũng đã có một…hội nghị bàn…bầu dục ở phòng khách nhà An bàn chuyện đón tiếp, và chứng kiến cuộc hội ngộ của "Romeo-Juliette". Romeo và Juliette của chúng tôi chỉ giống những nhân vật của Shakespeare một nửa. Đó là một mối tình đẹp như mơ, làm cả lớp thầm ao ước. Ngày đó, Danh là cầu thủ bóng chuyền của trường, cao lêu nghêu có điều không được vạm vỡ cho lắm, vì thiếu dinh dưỡng. Ngày đó, Hân có đôi mắt buồn và đẹp như đôi mắt hiền lành của nai tơ. Từ đầu năm lớp mười, hầu hết con gái trong lớp đều thầm để ý đến Danh và hầu hết con trai đều len lén ngắm Hân bất cứ lúc nào có thể được. Nhưng một cách âm thầm, hai… cái đinh của lớp chỉ đến ý đến nhau, mà không chú ý gì đến thiên hạ. Cả hai rất kín tiếng. Chúng tôi chỉ khám phá được mối tình lặng lẽ này khi thấy cả một đoàn xe đủ loại: xe lam, xe ba gác, xe đạp, xe thổ mộ, xe bò (toàn là những loại xe nghèo nàn, lạc hậu ở Việt Nam vào thập niên 80) làm bằng phấn viết đủ màu ở nhà Hân. Đoàn xe được tạo thành từ bàn tay khéo léo của Danh với những viên phấn đủ màu. Bàn tay với những ngón thon dài của Danh rất nghệ sĩ, rất tài hoa, vừa đánh guitar vừa liệng những trái banh tròn vào lưới bóng rổ hay qua lưới bóng chuyền rất chính xác. Bàn tay đó cũng đóng góp được cho đội tuyển học sinh giỏi toán toàn tỉnh Khánh Hòa một điểm số toàn đội cao nhất miền Trung. Điều đáng nhớ nhất sau bao nhiêu năm tháng là cái dáng cao lêu nghêu của Danh ngồi dưới gốc cây sầu đông phía sau lớp học, đục đẽo những viên phấn màu, làm thành những chiếc xe rất đẹp, mặc dù lúc đó bạn chúng tôi chưa bao giờ qua một trường lớp nào về điêu khắc.
Chuyện tình học trò của họ đẹp như mơ, thanh khiết như tuyết trắng đang rơi. Chuyện tình làm "bể tim" nhiều người trong lớp và làm cả lớp thầm ao ước. Mỗi chiều Danh đạp cái xe cũ mèm đi ngang nhà Hân ít nhất hai lần. Từ trong khoảng sân nhỏ Hân đưa mắt nhìn ra. Bốn mắt gặp nhau với một cự ly ít nhất là hai mươi lăm thước, không hề nói được câu nào với nhau. Vậy mà họ vẫn làm chuyện đó mỗi ngày như nhu cầu ăn, uống.


Mãi về sau này chúng tôi mới được biết gia đình Hân cấm chơi với Danh vì ba Danh là một liệt sĩ của chế độ miền Bắc, trong khi ba Hân đang ở trong một trại "tập trung cải tạo" của Việt Cộng. Và vì lẽ đó, mãi gần mười năm sau chúng tôi mới đặt tên cho chuyện tình của bạn là chuyện tình Romeo-Juliette.
May mắn hơn hai nhân vật lừng danh của Shakespeare, hai người bạn "trai tài gái sắc" của chúng tôi không "mang xuống tuyền đài" chuyện tình thời mới lớn, mà họ được gặp lại nhau, tìm lại "một chút hương xưa" ở Mỹ. Mặc dù bây giờ "ván đã đóng thuyền" và "gạo đã thành cơm" cả hai đều đã có "một nửa còn lại" của mình.


Vì lẽ đó Mai Thi -người đạo đức bảo thủ nhất lớp- đã khuyến cáo chúng tôi không nên để "lửa gần rơm" nhất là "lửa cũ và rơm khô" thì dễ… cháy nhà thiên hạ. Nhưng bàn qua tán lại chúng tôi đều đồng ý sẽ sắp xếp để hai người bạn cũ gặp nhau. Gần hai mươi năm đã qua cả hai đều có gia đình riêng, nếu không ấm êm hạnh phúc thì cũng chưa hề có tiếng "chén bay, dĩa bay" vọng ra ngoài đến tai chúng tôi. Khi người ta bước qua tuổi " tam thập nhi lập " thì quan điểm về đời sống, về hạnh phúc so với thời mới lớn đã ít nhất quay một góc nhọn. Chắc chắn là như thế, như một với một là hai, nhất là khi bạn ở Mỹ xã hội thật sự "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Và nhu cầu ở đất nước cơ hội này thì bất tận.
Vì thế chúng tôi sắp xếp để Hân sẽ bay qua CA nhân một seminar cuối năm sẽ gặp được Danh, bay đến từ Massachusetts từ một lớp tu nghiệp chuyên ngành của trường Harward dành cho các kiến trúc sư từ các nước kém phát triển. Đó cũng là dịp để chúng tôi hội ngộ họp mặt vào mùa đông, chứ không theo truyền thống mùa hè như thường lệ.
*
Ngồi sau tay lái, xếp hàng trên đoạn đường vào khu vực "Passengers pick up" của phi trường SJC, sự kiên nhẫn của tôi tăng cao, khi tôi tưởng tượng đến khuôn mặt rạng rỡ của hai người bạn học cũ. Tình cảm của họ đã chiếm một ký ức thời mới lớn của chúng tôi và chắn chắn là một hồi ức tuyệt vời trong lòng "Romeo & Juliette".
Các em teenagers ở Mỹ bây giờ nếu biết về thời mới lớn của chúng tôi ở Việt Nam chắc sẽ tưởng lầm chúng tôi lớn lên ở "thời kỳ đồ đá". Các em có đủ thừa mọi thứ, từ thức ăn, áo quần, sách vở đến phương tiện giải trí. Các em đi từ thừa mứa này qua phung phí khác, mà không biết mình đang ở trong thiên đàng của vật chất, không biết quý trọng cha mẹ như thời mới lớn của chúng tôi. Những năm cuối Trung học của chúng tôi,, cả quê nhà ăn khoai sắn thay cơm. Áo quần của mọi người toàn màu tối, tối mù như tương lai, để đỡ tốn xà phòng giặt. Ở trong lớp, thỉnh thoảng lại nghe tiếng bao tử của đứa bạn ngồi cạnh sôi lên vì đói, để cũng chợt nhớ lại mình chưa ăn gì từ bảy giờ tối hôm qua. Về nhà, buổi tối phải học bài dưới ánh đèn dầu, do vậy chúng tôi lớn lên hầu hết đều bị cận thị. Lâu lâu, nhớ lại thời mới lớn của mình chúng tôi vẫn than thân "cùng một lứa bên trời lận đận". Chỉ có mỗi Hồng Châu bao dung và rộng lượng:
- Tụi nó có thời của tụi nó, mình có thời của mình. Ông bà, Bố Mẹ mình có bao giờ đi phân bì với mình đâu, mà mình đi phân bì với tụi nhỏ. Nghĩ kỹ lại đi chưa chắc hai đứa nhỏ dating, kissing, cầm tay, cầm chân hay còn làm nhiều chuyện gì gì đi nữa, đâu có để lại được kỷ niệm tuyệt vời như thời mới lớn của bọn mình "tình trong như đã, mặt ngoài còn e".


Mãi thả hồn về quá khứ, tôi đã đến khu vực dành để pick up hành khách đến phi trường San Jose. Giữa gần cả trăm hành khách đã cao to, trông lại càng vạm vỡ thêm với những cái áo khoác dày cộm của trời mùa đông gần thành phố sương mù, ven biển California. Tôi đã thấy Hân của chúng tôi vẫn nhỏ nhắn, vẫn tóc dài, rất con gái Việt Nam, trong cái áo khoác có mũ dính liền màu tím đậm, để tôi nhận ra Hân.
Thấy nhau từ xa nhưng phải gần mười phút sau chúng tôi mới gặp nhau. Vì xe nhích lên từng thước một, tất cả mọi người đều kiên nhẫn, như đã từng kiên nhẫn ở tất cả phi trường sau ngày mười một tháng chín rất buồn của nước Mỹ. Nhân viên an ninh ở phi trường kiểm soát xe theo kiểu "random selection" nghĩa là không có một quy tắc nào hết. Cái xe xếp hàng trước tôi đang bị kiểm soát rất kỹ. Nhưng bằng sự chuyên nghiệp của nhân viên an ninh và bằng thái độ tích cực công tác của người lái xe tiến trình kiểm soát chỉ mất khoảng hai phút. Khi xe vào được khu vực pick up passengers ngay trước cửa phi trường tôi đã mở ngay "cốp" xe sau, Hân liệng ngay cái carry on luggage vào và nhảy tót lên ngồi cạnh tôi, vẫn nhanh nhẹn như thời mới lớn. Bạn cười bằng cả miệng và mắt:
- Bây giờ tao không còn phải thương mày còng lưng chở tao trên cái xe đạp mi ni có hai cái bánh xe chỉ lớn hơn kích thước của bánh tráng cở lớn một chút!
Tôi đã "warm welcome" người bạn học thời nhỏ dại bằng một gói ổi tươi và một gói me ngào đúng như sở thích ngày xưa của bạn. Nhìn bạn thưởng thức những món ăn vặt của đàn bà con gái một cách ngon lành, tôi thấy công lao mình lặn lội xuống khu Việt Nam chạy đủ bốn vòng chu vi của khu Lion Plaza mới tìm được chỗ đậu xe để mua quà vặt được đền bù xứng đáng. Tôi vẫn không thích bon chen và vẫn tìm theo lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao" nên mặc dù ở cách San Jose chỉ nửa giờ lái xe, tôi chỉ đến Little Saigon của miền Bắc CA khi cần phải mua những đặc sản VN, hay dẫn khách từ phương xa đến thăm "quê hương mang theo" ở San Jose.
*
Tối hôm đó, Danh được đi đón bằng xe van cùng với nhiều người bạn khác. Và dĩ nhiên đi cùng cả nhóm, bao giờ đàn ông con trai cũng là người cầm lái (mặc dù tài xế phái nữ vẫn ít bị giấy phạt hơn tài xế phái mạnh!). nhưng Tuân đến từ Los Angeles không phải là dân địa phương nên tôi được ngồi ghế trước làm… con mắt thứ ba của Tuân. Thật ra tôi muốn ngồi trước để dễ dàng cho CD play những điều chúng tôi muốn nhắn nhủ với Danh và Hân. "Ban tham mưu" đã họp từ thứ bảy tuần trước và đã cố tình giữ một khoảng cách cần thiết một lằn ranh cần phải có giữa "Romeo và Juliette" của chúng tôi. Vì dù gì đi nữa mình cũng là người VN, vẫn chưa quên những bài học đạo đức từ thời nhỏ dại.
Có lẽ Danh từ Việt Nam chỉ qua tu nghiệp ở Mỹ trong vòng chín tháng nên còn bỡ ngỡ với phi trường quốc tế San Francisco, chúng tôi phải chạy hai vòng phi trường mới thấy cái dáng cao lêu nghêu của bạn. Không hẹn mà hầu hết chúng tôi đều đeo kính vào. Phải chăng đó là hậu quả đáng buồn của một thời mới lớn cơ cực, phải học bài dưới bóng đèn dầu tù mù, như tương lai của xã hội chủ nghĩa ở quê nhà.
Danh tay bắt mặt mừng với tất cả chúng tôi và nhìn Hân bằng một cái nhìn mang theo cả một quá khứ có mùi vị mặn của đại dương, có tiếng sóng rì rào của biển Nha Trang, có cả một thời mới lớn cay đắng nhiều hơn là ngọt bùi của chúng tôi. Dưới ánh đèn nhỏ bên trong chiếc xe, mặt Hân dường như đang đổi màu. Tôi vội bật ngay CD chạy bài "Đêm nay ta là thác đổ" của Trịnh Công Sơn có một câu hát hình như đến nhắn nhủ riêng cho "Romeo & Juliette" của chúng tôi "…vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia…." Với Hân đó không phải là lời khấn dâng mình cho đạo của một nữ tu, nhưng lời khấn với chính lòng mình với linh hồn của bố Hân khi ông bỏ mình ở một góc rừng heo hút của một trại cải tạo ở Việt Bắc.


Cuối năm lớp mười một Hân trốn khỏi quê nhà trên một chiếc thuyền mong manh như thân phận con người giữa biển cả. Sau đó, gần một phần ba lớp học lần lượt "bỏ cuộc chơi" bỏ lớp chuyên toán, không phải để theo chồng hay lấy vợ mà để đi tìm một bầu trời tự do, ở đó không có ai bị khủng bố, không có trại tù cải tạo dành cho những người hoàn toàn lương thiện. Và ở đó chúng tôi được học hành nên người, đàng hoàng, đủ sức để tự nuôi thân, đền đáp được ơn nghĩa sanh thành và đủ sức giúp những người già em bé bất hạnh ở VN ở Ấn Độ hay Phi Châu.
Cũng như Hân, khi đến Mỹ được tiếp cận với văn minh, nhờ đó chúng tôi mới hiểu nhiều điều qua sách vở, báo chí và qua những nhân chứng sống.
Và khi đọc được tác phẩm "Đại học máu" của Hà Thúc Sinh và "Đáy địa ngục" của Tạ Tỵ thì lòng thương bố được nhân lên theo cấp số nhân và Hân tự khấn với lòng mình phải quên hẳn Danh. Không ai chọn gia đình để sinh ra, nhưng nhân sinh quan của mỗi người đều bắt nguồn từ nguồn gốc của gia đình mình, bắt nguồn từ cái nôi đầu đời.

Tối hôm đó dưới ánh đèn ấm cúng của phòng khách nhà An, và ngọn lửa bập bùng từ lò sưởi nhìn Danh vẫn còn ngơ ngẩn, chúng tôi lại cho CD play bài "Còn tuổi nào cho em" và lại nhờ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắn nhủ Danh "…tuổi nào ngồi khóc tình đã ngàn thu…". Chắc chắn năm tháng đã lấy đi rất nhiều kiến thức lớp mười một chuyên toán ngày xưa, nhưng khả năng suy luận của chúng tôi chưa bị mai một. Nên Romeo & Juliette của chúng tôi, nhất là Danh hiểu rõ message. Mắt Danh đã buồn, chừng như càng chùng xuống khi Danh có dịp thấy tiêu chuẩn sống rất cao của An, và có dịp nhìn kỹ Hân, Thi và tôi. Nhất là Thi nhờ tâm hồn bình an, chế độ ăn kiêng gần như tuyệt đối và một tiếng thể dục mỗi ngày, gần hai mươi năm sau bạn còn giữ được dáng thon thả của một nữ sinh lớp mười một. Chừng như đến lúc đó, Danh mới thấy không những mình lầm mà hình như thân sinh của mình cũng đi lộn đường.

Chín tháng ở trường nội trú Harward, Danh vùi đầu vào tiếp thu kiến thức kiến trúc hiện đại, nên chưa có dịp đi đây đi đó ngoài con đường từ trường về khu nội trú. Khi tiếp xúc với chúng tôi qua email hay điện thoại, không đứa nào đề cập về điều kiện sống của mình. Do vậy khi nhìn nhà An, một trong những học sinh giỏi nhất ngày xưa, và là một người tỵ nạn tương đối thành công với phòng làm việc rất tiện nghi, phòng giải trí có cả "family theater" và phòng tập thể dục nhỏ nhưng có đủ mọi fitness equipment cần thiết, Danh ngẩn người đầy ưu tư. Chúng tôi đi ngủ sớm để cho Danh và Hân có thời gian riêng trong phòng làm việc của An. Và An thì rất tế nhị đã ngồi làm việc trước PC quay lưng về hai người bạn học cũ sau khi đã cẩn thận đặt một cái headphone lên đầu.

Dịp đó, chúng tôi chỉ gặp nhau hai ngày đủ để hội ngộ một ngày, nhắc chuyện xưa nhờ Danh tiếp tay trong việc cấp học bổng cho các em học sinh nghèo ở VN và trợ giúp thực phẩm thêm cho trại cùi ở Nha Trang. Ngày còn lại, chúng tôi chất đầy lên cái xe van của Tuân đi thăm thành phố mù sương San Francisco, thành phố nổi tiếng của thế giới về cảnh đẹp lẫn những quan niệm sống hết sức cấp tiến.
Đầu mùa đông, xe chạy ban ngày cũng phải bật đèn pha, trời lạnh dưới 10 độ nhưng lòng chúng tôi vẫn ấm, ấm vì sự che chở của quê hương thứ hai, ấm vì tình bằng hữu thời mới lớn. Lối đi dành riêng cho người đi bộ ở hai bên hông cầu Golden Gate chỉ có chúng tôi, với "nỗi niềm mang theo" riêng của mỗi đứa.

Phía có hai tổ quốc, nghĩa là chúng tôi những người VN lưu lạc ở Mỹ luôn bị những lo toan hàng ngày về công việc, sự vững chắc của công việc những "political competition" hàng ngày ở sở và cái "glass ceiling" không bao giờ thấy, nhưng cảm nhận rất rõ, lơ lửng trên đầu những người Mỹ gốc Á từ tầng lớp trung lưu trở lên. Chưa hết còn có những ưu tư khi nghe những bất hạnh triền miên của đại đa số người dân Việt ở quê nhà những bất hạnh từ mọi phía, mà khả năng trợ giúp của những người Việt lưu vong có tấm lòng thì có giới hạn.
Với Danh, nỗi ưu tư lại đến từ một phía khác. Danh không hề nói ra bằng lời nhưng bằng ánh mắt của bạn, chúng tôi hiểu được đó không phải chỉ là những vấn vương của tình đầu thời mới lớn mà còn là những mặc cảm của một người bị bỏ lại phía sau.

Chúng tôi tin là chín tháng tu nghiệp dành cho chương trình cao học ở Mỹ đã mở mắt bạn ra rất nhiều. Bạn của chúng tôi sẽ là một con én mới dù không đem lại mùa xuân, nhưng sẽ báo hiệu mùa xuân.
Ở hai phía của địa cầu, trên tất cả mọi kỳ vọng "cơm ăn áo mặc" hàng ngày, chúng tôi cùng có một ước vọng lớn, như thời trung học cùng cặm cụi bên nhau giải những đề thi cho học sinh chuyên toán. Ngày nào còn có cùng ước vọng, chúng tôi còn cảm thấy gần nhau dù đời sống đã muôn ngàn lối rẽ.

 

Nguyễn Trần Diệu Hương
Valentine 2004 - Viết cho 11C6 ngày xưa và riêng cho TTLH & NND

Cũng xin tặng cho BQL, TVC(Canada) , NTTT, BTTL, HPM(VN), LMT, LTKA(USA)

03 Tháng Hai 2009(Xem: 80772)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74239)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65799)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78571)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68874)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76290)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76877)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73917)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74024)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72750)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72107)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75616)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74314)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80568)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74156)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75918)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69272)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73862)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69441)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66622)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .