Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NHỚ MÁ

19 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 74656)
Nguyễn Thị Thêm - NHỚ MÁ

NHỚ MÁ

me-large-content

 

Cuối tuần này là ngày giỗ má, con nhìn lên bàn thờ thấy má nhìn con như cười cười, như muốn nói một điều gì đó.

Hôm nay mấy đứa nhỏ tới nhà, khi bầy cháu chạy ra ngoài vườn sau đùa giỡn, mấy mẹ con con mới nói về ngày giỗ má. Má biết Nhi nói với con như thế nào không? Nó nói như vầy:

 -Bà ngoại mình thì dễ ẹc. Cúng ngoại một dĩa rau luộc, một chén chao hay nước tương ngoại cũng cười.

 -Bởi ngoại không có ăn món gì ngon. Bây giờ mình nấu nhiều món ngon cho ngoại thưởng thức chớ chị Hai. Thu Em trả lời chị như vậy.

Không biết má có về để dùng những món ăn chúng con dâng cúng hay đã đầu thai về một nơi êm ấm sang trọng nào rồi. Nhưng nghe mấy đứa cháu nói về ngoại mà con thương má vô cùng. Má lúc nào cũng hy sinh. Cuộc đời má gắn liền với lam lũ. Con nhìn vào đôi mắt má, đôi mắt chịu đựng và tha thứ. Má giản dị và thương yêu cho đến làm thế nào cũng được. Một chén nước tương, một dĩa rau luộc, một vài miếng tàu hủ kho trong ngày ăn chay hay một dĩa rau với chén mắm kho ngày thường cũng là xong một bữa. Cái áo bạc màu mưa nắng hay cái áo bà ba sang trọng, cái quần đen vải ú hay vải mỹ á đối với má nó cũng như nhau. Má thà mặc cái quần sờn lai để tặng bộ đồ mới cho người khác. Với má, họ cần bộ đồ đẹp hơn đi ăn cưới cho có với thiên hạ hơn là má mặc đồ này. Má nhìn đời bằng đôi mắt riêng, đôi mắt của một con người chia sẻ và bảo bọc, dù người bảo bọc chẳng phải thân thuộc, họ hàng.

Kể từ khi con biết để nhớ thì hình ảnh má đi vào ký ức con là một bà già. Hình ảnh này cứ làm con ray rức. Trong con một nỗi buồn dâng lên vừa thương vừa giận. Không phải con giận má không xinh đẹp, hay chưng diện như má bạn bè con. Con không hề đem má so sánh với người khác. Má là má của con, là người sinh con ra và nuôi con khôn lớn. Là người đã đem hết cuộc đời hy sinh cho mái gia đình cơm no áo ấm. Là người phụ nữ với đôi tay gầy yếu nâng đở cho cả gia đình bên chồng và bên mình.

Con chỉ giận má sao có thể quên mình là một người phụ nữ. Có phải chăng khi đã có con, lo cho con, người phụ nữ quên đi mình cần phải làm đẹp cho chồng. Má ơi! Chưa bao giờ con thấy má trang điểm hay mặc quần áo sang trọng. Con chưa bao giờ thấy má đi song bước bên ba. Con chưa bao giờ thấy ba và má nắm tay nhau âu yếm. Chúng con càng lớn càng thấy má lẻ loi, cô độc. Nhất là con, con là con gái, con nhìn má như nhìn cuộc đời con mai này trưởng thành. Và như vậy con quay quắt với những tư tưởng không vui của một mái ấm gia đình. Má có biết như vậy hay không? Má có biết nhiều khi con nhìn má mà con muốn khóc một mình trong tuổi mới lớn. Má quá nhiều việc phải lo, phải làm, má tất bật trong công việc. Má không có thì giờ hay không hề nghĩ đến con gái mình đã đến tuổi dậy thì, đã nghĩ gì về má, về hôn nhân, gia đình và tình yêu. Má nhìn đứa con gái duy nhất của mình với đôi mắt đầy tự tin khi đi học xa nhà. Má chưa hề lo cho con học hành thua chị kém em. Má cũng không băn khoăn khi con thiếu thốn phải bươn chải hay dùng nghị lực để vượt qua. Má chỉ dặn con mỗi khi gặp mặt ”Khôn ba năm, dại một giờ. Con đừng làm má mang xấu với người ta”. Ôi chao! Hành trang con đi học xa nhà chỉ ngần ấy mà sao con thấy quá nặng. Niềm lo sợ duy nhất của má đã giết chết tuổi mộng mơ con gái của con. Đã làm con chai lì và dửng dưng với những tình cảm đầu đời. Con đã không thể cho những người lầm lũi theo con một lời nói dịu dàng, một cái nhìn thông cảm. Con của má đã không hề có được một mối tình vắt vai trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Để bây giờ nghĩ lại con thấy mình buồn cười, thấy mình thật thiệt thòi, vô vị trong thời con gái mộng mơ.

Đúng hay sai, tốt hay xấu con cũng không biết. Con chỉ biết từ trong vô hình nào đó con đã đi theo dấu chân của má cho đến hết cuộc đời. Từng bước, từng bước, bánh xe đời đưa đẩy con đã làm vợ, làm dâu, làm mẹ một cách tận tụỵ thủy chung. Má rước bà nội con từ quê về phụng dưỡng suốt hơn 40 năm trường. Một bà già gần 70 làm dâu phục vụ cho mẹ chồng tuổi đã 94. Một bà già ăn trầu ngoái làm dâu một bà già răng đều rưng rức nhai trầu xỉa thuốc. Cái hình ảnh bà nội dành ăn cau hơi già để dành cau non cho má vì má phải dùng ống ngoáy, bây giờ nghĩ lại con thấy mắt mình cay cay.

Còn con, con đã lần theo những lời má dặn để làm dâu cho mẹ chồng con hơn 30 năm. Suốt bao nhiêu năm chăm sóc, những lúc thay tả, lau rửa, chích thuốc, đút cơm, hay những lúc ngồi một bên trong phòng lọc máu con thấy mình bất hiếu chưa lo cho má được như thế này. Những lúc oan ức hay gặp nhiều trắc trở, mệt mõi, con tưởng như mình ngã xuống không phương cứu chữa thì hình ảnh má hiện về. Má cười trong đôi mắt cảm thông và khuyên con hãy cố gắng. Má ơi! sự cực khổ hy sinh của con có thấm gì so với má. Một người đàn bà phục vụ mẹ chồng,vlo lắng cho em chồng, cháu chồng, con chồng. Và người đàn ông mình hết lòng thương yêu chăm sóc lại đi san sẻ tình yêu với đôi ba bà vợ. Chăn gối lạnh lùng, một lời giận dỗi cũng không, một lời than phiền không có, chịu đựng tình đời, một kiếp chồng chung.

Má ơi! Khi con đi dạy, mỗi lần má ghé thăm con. Má ngừng xe lam trước cửa nhà. Má bước xuống xe với cái giỏ xách xanh xanh trong đầy những trái cây trong vườn. Con mừng như ngày xưa má đi bốc hàng từ Sài Gòn về bán với đầy đủ thức ăn thành phố. Con đi dạy, lương có thể mua bằng mấy giỏ thức ăn như thế nhưng sao những thứ má đem ra cho con nó ngon quá đỗi. Đôi khi những trái bưởi má để dành cho con, da nó đã khô nhăm nhúm. Trái sầu riêng đã nứt ra, má lấy dây cột lại vì nó là trái sầu riêng tơ đầu mùa ngon lắm con à!. Má hiện ra trước cửa. Cái khăn rằn má đội lên đầu, một nửa hững hờ rơi xuống vai, mái tóc búi cao đơn sơ. Cái đơn sơ nhất vẫn là bộ đồ quen thuộc mỗi lần đi ra ngoài phố quận. Ôi! Má của con bao năm bất biến, để bây giờ tóc đã bạc màu cứ đến ngày giỗ má là con khóc vì xót xa, thương cảm.

Có phải má làm như vậy là đúng là tốt không hở má? Sao má không cho con một ký ức về một người mẹ trẻ trung, xinh xắn hạnh phúc. Cho con một niềm vui hoan lạc hơn là u buồn, chua xót. Má ơi! Trong cuộc đời má, có bao giờ má nghĩ đến những điều này không? Hay má vẫn cam chịu, nhịn nhục và câm nín. Đôi khi con giận dỗi với cái câm nín, nhịn nhục của má. Con thèm được thấy má nổi giận, la hét hay một lời phân trần. Má của con ơi! Sao đôi mắt má thật buồn, đôi môi như níu lại những lời muốn nói.

Má có thật yêu thương ba không? Má có thật tha thứ và bằng lòng với những lúc ba cận kề một người phụ nữ khác trẻ trung không phải là má? Khi con biết yêu, có chồng, có con, con thương má thật nhiều. Con muốn ôm má để chia sẻ và an ủi. Nhưng đôi mắt má bình thản, cuộc sống bình lặng, vẫn chăm sóc tận tuỵ cho ba. Vẫn yêu thương các đứa em khác mẹ của con tận tình. Vẫn nhìn và chăm sóc chúng nó chu đáo chẳng khác con đẻ. Con thật thua cuộc, đầu hàng và xôn xao những ý tưởng về cha mình là đúng hay sai.

 Có một lúc nào đó con lại có ý nghĩ là má hận ba con nên không thèm chăm sóc lấy mình. Má muốn nói là đời má đã lỡ không còn gì vấn vương ham muốn. Nhưng con cũng thất bại vì thấy má thật tình lo lắng cho ba, chăm sóc ba hết lòng còn hơn một người phụ nữ bình thường được chồng yêu quý. Má ơí! Má là một người phụ nữ phi thường mà con hết lòng khâm phục. Trái tim má như hoa sen ấm áp, hương sen tỏa ra thơm ngát, dịu dàng. Người mẹ nhà quê xấu xí nghèo nàn của con là một bến bờ yên bình cho những con tim thiếu thốn tình thương trú ngụ.

 Các em con, những đứa em cùng cha khác mẹ cũng từ má mà xích lại gần và yêu thương nhau hơn. Chúng con không được má dạy về sự phân biệt hay ghét bỏ người dì ghẻ mà lại được má dạy cho là cùng dòng máu hãy bảo bọc yêu thương nhau. Cái má bỏ ra nhiều quá, bao la quá, cho nên khi má ra đi ba thấy mình hụt hẩng như mất đi một phần đời. Có những lúc chiều xuống, ba ngồi trước thềm nhìn mông lung. Đôi mắt ba đầy muộn phiền và nhung nhớ. Đôi mắt đó, chúng con không tìm thấy khi những người vợ lẽ đã bỏ ba ra đi trước má. Có lẽ ba đã hiểu được giá trị đích thật của hai chữ yêu thương và hy sinh mà má đã trao ra.

Cuối tuần là ngày giỗ má. Lần giỗ thứ 24 mà chúng con tưởng niệm. Con lại ngồi viết vẩn vơ về một đấng sinh thành. Thú thiệt, đến bây giờ, tóc đã pha sương mà con vẫn hoài đặt cho mình một câu hỏi:

-Má ơi! Má có yêu ba con không? Tình yêu má to lớn như thế nào để có thể bao dung như thế?

Má ơi! Con nhớ và thương má biết bao nhiêu.

Nguyện Má an bình nơi cõi Phật hay có một đời sống mới đẹp tươi, hạnh phúc trong kiếp tái sinh.

 

Con gái của má.

Nguyễn Thị Thêm

18/4/13

03 Tháng Hai 2009(Xem: 80790)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74259)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65819)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78679)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68884)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76296)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76932)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74004)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 74103)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72828)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72187)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75623)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74325)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80571)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74258)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 76050)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69390)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73981)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69560)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66744)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .