Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Thu Lê - TÔI ĐI TẬP THỂ DỤC

27 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 165163)
GS. Thu Lê - TÔI ĐI TẬP THỂ DỤC

 

Tôi Đi Tập Thể Dục.....   

 

  GS. Thu Lê

tap-the-duc-large-content

 

Những năm gần đây, tôi để ý thấy đề tài các câu chuyện của chúng tôi với bạn bè đều xoay quanh vấn đề già trẻ và sức khoẻ. Nếu không than thở về chuyện đau mình đau mẩy, nhức chân nhức tay thì cũng là đau bụng, đầy hơi, đau lưng, nhức đầu; hoặc là tích cực hơn với những chia sẻ, khám phá về một phương thuốc thần diệu nào đó, làm như có thể “cải tử hoàn sinh” cho nhân loại, hay “cải lão hoàn đồng” cho bà con. Phần tôi, thì rõ ràng là đang ý thức được một giai đoạn khác của cuộc đời mình và các bạn bè cùng tuổi, cái giai đoạn mà người ta gọi là “qua đồi bên kia”. Bọn tôi làm như để ý nhiều hơn đến cách ăn uống (thay vì chỉ ăn cho khoái khẩu), biết tập thể dục (ít nhất cũng đều nói đến đi bộ) và ngồi tĩnh tâm, thư giãn bên ly trà nóng (thay vì vừa đi vừa chạy vừa ăn và uống nước đá lạnh...).

Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tập thể dục cách đây vừa 12 năm khi 24-Hour Fitness có quảng cáo giá đặc biệt cho 2 vợ chồng, chỉ đóng lệ phí lúc đầu 300$ và mỗi người chỉ trả có 7$ một tháng. Chúng tôi quyết định đóng tiền đi tới chỗ tập thay vì mua xe đạp về nhà để vừa coi TV vừa tập. Tôi lý luận rằng ở nhà có nhiều việc vặt khác phải làm, chuyện tập tành sẽ lại khất lần, sáng hẹn đến chiều, chiều hẹn đến mai, như tôi đã nhìn thấy nhiều người khác khuân cái máy để chình ình trong nhà và chỉ siêng năng tập trong vòng 2 tuần đầu mà thôi. Nếu bây giờ cả hai vợ chồng rủ nhau đi tập, lại phải đóng tiền, không đi thì tiếc, nhất là nhìn quanh thấy mọi người tập, thì chắc mình cũng có thêm phần hứng khởi và giữ được kỷ luật!

 Thế là cả 2 vợ chồng chúng tôi rủ nhau đi và chắc cũng có tý ảnh hưởng trong việc người nọ phải làm gương cho người kia, hoặc cùng đi thì thấy vui hơn. (Tôi thấy tôi phải làm gương cho ông xã tôi nhiều hơn, bởỉ vì tôi để ý thấy lần nào tôi bận đi đâu không đi tập được là y như thấy ông ấy cũng ... trốn luôn!). Vì cả hai còn phải đi làm nên mỗi tuần cũng chỉ đi được 2, 3 lần. Thế là quí lắm rồi. Tôi nghĩ 24 –Hour Fitness không kiếm tiền gì ở chúng tôi được mấy vì chúng tôi đi tập kìn kìn, tập thật đáng... đồng tiền bát gạo. Họ chỉ kiếm được tiền ở những cô cậu có thiện chí, đóng 500, 700 đồng một lúc, trả cho 2, 3 năm liền, nghĩ rằng mình sẽ trở thành ngôi sao... Olympics tới nơi. Rồi chỉ vài tuần vài tháng đã bỏ cuộc, hoặc đổi đi chỗ khác... Mỗi lần chúng tôi đi tập giỏi lắm cũng chỉ kéo được 1 giờ đồng hồ là đã thấy... anh hùng thấm mệt, cộng thêm thời gian đi lại và tắm rửa sau khi tập, cũng thành ra mất 2 tiếng đồng hồ. Tôi tự nhiên thấy mình có một trò chơi mới, vừa tập vừa ngắm nhìn thiên hạ (tất nhiên là không để lộ liễu quá) cũng thấy vui vui!

 Nhìn quanh các cô, các bà, các ông, trẻ già có đủ, trong các bộ quần áo tập rất chi là phô trương (tài sản ?). Tôi có dịp nghiên cứu các loại quần áo của các cô gái trẻ. Phần nhiều các cô mặc quần sát người, ngắn trên mắt cá chân cả 2 tấc, và ngắn luôn cả phần trên, trông giống như cái quần gọi là hip hugger nghĩa là phía bụng và phía hông lòi ra cả tấc. Phần áo trên cũng sát người và ngắn hững ngắn hờ, phía sau lưng thì giống như hình chữ x, gọi là cái tank top thì phải. Như vậy là hở một khoảng giưã của người từ rốn trở lên đến một gang tay (midriff) mà tôi còn nhớ lúc tôi còn đi dạy, mỗi khi thấy học trò con gái mặc tank top là phải “chỉnh” ngay vì các thầy cô biết rằng nếu để các cô ăn mặc thế này ngôì trong lớp thì các học trò nam sẽ... khốn đốn vì không tập trung tư tưởng được và lời giảng của thầy cô sẽ rơi vào hư vô! Tuy nhiên, ở một nơi tập như thế này lại thấy thích hợp và thấy các cô rất ... ưa nhìn! Chỉ thỉnh thoảng có một vài bà già (thứ thiệt), ở cái tuổi mà “you put on the bras backward and they fit better” mà nếu cũng mặc loại quần áo này thì mình mới thấy... khổ con mắt. Cũng có lần tôi thấy có bà già mặc loại quần áo thung có một mảnh dán chặt vào người từ trên xuống dưới thì mình cũng thấy... động lòng trắc ẩn! Có ông thì đem cả một thùng nước lèo trên người, ỳ ạch đạp xe vất vả, mồ hôi chảy ròng ròng. Tôi nghĩ thầm không biết vị này đạp xe được bao lâu, nhưng lát nữa ra về, chắc sẽ thơ thới hân hoan lắm và sẽ tự thưởng cho mình một cái pizza... to tổ chảng! Thế là huề và con đường đi tới... chân thiện mỹ chắc còn xa.

 

Tôi không theo một chương trình tập nào với huấn luyện viên. Tôi bắt đầu đi tham quan một vòng nhìn tất cả các loại máy tập. Cứ nhìn cái hình dán ở mỗi máy, nhìn phần hình vẽ được bôi đậm là biết máy này giúp phần nào trên thân thể. Tôi tự hỏi cái viễn tượng của tôi ra sao? Còn nhớ một lần người ta tổ chức thi hoa hậu ở VN, ông xướng ngôn viên nói rằng để khỏi phải nhắc lại nhiều lần những tiếng “ vòng ngực, vòng eo, và vòng mông” mỗi khi giới thiệu thí sinh, ông xin mạn phép dùng chữ “vòng số 1, vòng số 2, vòng số 3” cho nó ... lịch sự! Chẳng cần phải viết thư hỏi Jane Fonda, tôi cũng biết mấy động tác căn bản tôi cần: Làm thế nào cho cái vòng số 1 lớn hơn được thì tốt, vòng số 2 nhất định phải nhỏ hơn, và vòng số 3 thì phải xoá tan được cái hình ảnh “tấm thân bồ tượng” hay “bồ sứt cạp” (là cái gì vậy??, to như cái bồ thóc, đầy nhóc cho nên sổ cả nẹp ra?)! 

Cả 3 mục tiêu đều xem ra rất khó thực hiện. Có tập mới biết, phần bụng là phần khó tập nhất vì nó chẳng ... dính vào đâu cả. Các máy gọi là “abs crunch” tôi thấy quảng cáo trên TV trông thì thấy hấp dẫn nhưng tôi cũng không tin tưởng lắm. Rất nhiều lần một ý nghĩ chạy vụt qua đầu tôi: Mình nên đi một lần cho bác sĩ lấy hết mỡ bụng (liposuction) rồi bắt đầu tu tỉnh, ăn... nhịn (không để dành) và tập thể dục phần bụng này thêm vào thì chắc dễ có kết quả hơn, cũng như mình đi mua nhà, vườn tược có sẵn, cắt xén đẹp đẽ, mình chỉ tiếp tục giữ gìn cho đẹp thì dễ hơn là một khu vườn tan hoang phải cầy bừa cắt xén từ đầu. Các bạn nghĩ có phải không?

Tôi chọn những cái máy có hình vẽ nhắm vào 3 mục tiêu kể trên, thêm 2 cái máy tập phần vai, cánh tay trên và sau lưng, hy vọng mình trở nên cứng cỏi, không bùng nhùng bèo nhèo, chảy ruột chảy gan ra, nhưng cũng không phải là loại “vai u thịt bắp”! Cộng thêm nửa giờ đi trên cái máy lifefitness có 2 bàn để chân vào và đạp như xe đạp. Làm được hết cả từng ấy thứ, mỗi thứ độ 4 sets, nếu mỗi set là 12 (vị chị là khoảng 48, 50 cái) là thấy hết tiêu mất 1 giờ. Chưa bao giờ làm con tính rõ ràng, nhưng tôi đoán chừng mình tiêu được khoảng 1000 calories bởi vì phần đạp xe đã nhìn thấy rõ là mất 300 calories rôì.

Hồi tôi còn ở vùng Ventura Oxnard, phòng tập tôi tới có nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha, thì quang cảnh tập có phần lè phè hơn và chỉ đông nhất là vào ngày thứ hai trong tuần (chắc là sau một cuối tuần ăn chơi thả ga, mọi người đều cảm thấy tội lỗi). Các cô cậu trẻ thì coi chỗ này là chỗ gặp gỡ, phô diễn thân hình, thịt thà. Hèn chi người ta gọi nơi này là “meat market”! Tập tành thì ít nói chuyện thì nhiều, hoặc vừa nói vừa tập vừa nhai kẹo cao su. Có người vừa tập vừa nói điện thoại liên miên, tất nhiên là không chú mục vào việc tập cho đúng, cho đều, và tôi đoán phần lớn đều hân hoan, mang tấm lưng... cánh phản hay bộ mông “một rổ thịt” ra về, nghĩ rằng mình đã làm tròn nhiệm vụ làm mình đẹp và thanh tú hơn. Tôi nhìn ông xã tôi, lúc nào cũng thủ quyển sách vừa ngồi đạp xe vừa đọc. Từ xa nhòm lại, tôi có thể biết cuốn sách bạn ấy đang đọc đến phần hấp dẫn vì thấy bạn ấy đạp chậm hẳn lại, ... lù đù như chuột chù phải khói! Thôi, cuộc đời chẳng có gì hoàn toàn. Điều quan trong là mình cảm thấy mãn nguyện, và cảm thấy “khoẻ”, phải không?

Từ hồi dọn tới Sherman Oaks, phòng tập ở Galleria là nơi thanh lịch nên trông đẹp đẽ hơn, lại là trung tâm thể thao (Sports Center của Magic Johnson) nên có cả hồ nước nóng, phòng hơi ướt và kho,â thì chúng tôi đi tập gần như mỗi ngày vì cùng đường sau khi đưa cháu ngoại đi học. Cũng ở chỗ này tôi mới bắt đầu có thói quen tắm ở đó sau khi tập. Phòng tập ở Galleria này nổi tiếng là có nhiều cô gái trẻ đẹp và ở đây người ta cũng tập tành thật sự hơn là đến để giao du như ở các nơi khác tôi đã đến. Phải công nhận là có nhiều cô rất đẹp, và rất tự nhiên, trắng đen có đủ, và cứ tự nhiên trong “bộ áo sinh nhật”, đứng chải đầu sấy tóc, bôi kem đánh phấn sau khi tắm. Mặc quần áo thường là giai đoạn cuối cùng trước khi ra về. Tôi tự nhủ mình có gì khác đâu mà ngại, không cố tình nhìn, nhưng vô tình vẫn thấy ở đầu mày cuối mắt.

Các bà già như tôi đến đấy không nhiều. Lớp aerobics mà thỉnh thoảng tôi vào thử thì gần như chỉ có 1, 2 người cỡ tuổi 35, 40. Tôi chắc chắn không có ai già như tôi và cũng không ai biết tôi già ... đến thế (??!). Đấy là lớp Boot Camp, chắc chắn không phải là lớp bắt đầu như “low stepping” và các vị cao niên không có gan vào lớp này. Thực ra mặt mũi mình không còn trẻ trung gì. Nhưng cách ăn mặc, dáng điệu cử chỉ, và nơi mình có mặt có thể gây nhầm lẫn. Tôi còn nhớ hồi mới đi tập, cũng bắt chưóc thiên hạ mặc quần shorts để tập cho đỡ nóng nực. Hàng ngày vào nơi tập cũng có những người mình gặp hoài tuy rằng không quen. Lạ gì văn hóa Mỹ friendly lắm, khi vô tình nhìn người nào lâu hơn một giây là cảm thấy phải “hi” bằng mắt hay bằng lời nói. Tôi cũng nhớ vài mặt quen kiểu này. Một hôm chàng thanh niên quen mặt nói “hi” với tôi, nhưng lại tươi cười nói thêm, “ You got a haircut. Looks nice!” Tôi khựng lại. “Hi, Hello, Sorry” thì là bình thường dù chẳng quen. Nhưng biết là mình mới cắt tóc và khen chứng tỏ anh này có để ý mọi khi tôi tóc dài? Tôi hơi lúng túng, vẫn đứng đó, ú ớ, “ Ya, ..I did”. Anh chàng vui vẻ nói chuyện tiếp. Tôi vẫn đứng đó trả lời, đưa mắt tìm ông xã tôi không biết lúc đó ở đâu. Vừa lúc đó con trai tôi đi làm về, cũng bước vào phòng tập. Tôi vội ngoắc thằng con và giới thiêụ với anh bạn trẻ cùng cỡ tuổi, “I'd like you to meet my son..” Tôi nghĩ tôi đã gửi cho anh chàng một message ngắn nhưng rõ ràng, dù rằng anh ta có thể chỉ là một người vui tính hồn nhiên. Tôi kể lại cho ông xã nghe, và tôi nhớ lại lời mẹ tôi hay nói ngày trước, “Y phục thì phải xứng kỳ đức’” và từ đó tôi không mặc quần shorts đi tập nữa!

Thực ra thì tôi không có sự chọn lựa. Chỉ vì lớp boot camp này đúng vào giờ chúng tôi đi tập sau khi đưa cháu đi học thì tôi vào cho tiện. Và tôi cũng chỉ ở được 30 phút là hết ... xí guách, mồ hôi vã ra như tắm. Cũng ở lớp này tôi học được một mớ động từ tiếng Anh về các động tác tay chân. Cứ nhìn, nghe và đoán chứ cũng chẳng hiểu anh huấn luyện viện nói cái chữ gì vì hắn nói nhanh quá. Những là jab cross-duck –pull-push- left leg up- left kick –right kick- front kick- back kick- drop down- crunch- extend- hold- stoop, switch-jumping jack-corner to corner, v.v... Cũng trong lớp này tôi biết 2 điều về tôi: Một là với tuổỉ lớn, khả năng cân bằng (balance) của mình rất dở. Vì vậy tôi hay chọn đứng gần cái cột để nếu lúc nào phải đưa một chân lên, dù là đá về phía trước hay sau, nếu thấy mình đứng một chân có mòi không vững thì ăn gian vịn tay vào cột một tý. Hai là “tốc độ”, tôi không làm nhanh, nghĩ nhanh được như trước. Các động tác tôi làm thường là chậm hơn mọi người độ 15, 20 giây. Phải hài lòng với 2 động tác trong khi mọi người đã làm được 3. Tôi tự an ủi ,“Ít ra mình cũng còn động đậy được.” và phải hết sức cẩn thận vì nhỡ té què giò thì thật hại con cháu.

Practice makes perfect! Tôi thấy mỗi thứ một tý cũng làm tôi cảm thấy "khoẻ". Cả năm tập, cân lượng vẫn thấy không thay đổi. Có thay đổi chứ, vì có bắp thịt nhiều hơn mà bắp thịt thì cân nặng hơn mỡ đấy. Đi tập chỉ là một phần nhỏ trong sự lưu tâm về sức khỏe của tôi. Ông xã tôi thường không tin nhiều lắm vào tài năng "lang vườn, lang băm" của tôi, luôn luôn có phương thuốc cho mọi trường hợp để giữ gìn sức khoẻ. Báo nào cũng đọc và chi tiết nào cũng nhớ (đại khái thôi) để làm thí dụ cho con cái giữ sức khoẻ. Thí dụ:

1. Cố uống mỗi ngày 7 ly nước nhé. Đó là bí quyết giữ gìn sắc đẹp. Nếu không, thận phải làm việc nhiều quá sẽ bị bệnh thống phong (gout).

2. Sáng cũng chịu khó xay 5 thứ rau lấy nước: mướp đắng, táo xanh, dưa leo, cần tây, ớt bell xanh. Chắc biết có tác dụng gì (giảm huyết áp, mỡ, đường trong máu?) nhưng chắc chắn ăn rau quả mỗi ngày không có hại. Người ta cần 5 khẩu phần rau quả mỗi ngày cơ mà. Để nhớ ăn rau quả, tôi thường phải cắt sẵn đủ thứ để vào bát thì chồng con tôi mới ăn. Và bí quyết của việc ăn uống là “Đáng ăn 10 phần thì chỉ ăn 7 phần" thôi, nghĩa là khơng bao giờ ăn no, ăn cố.

3. Bây giờ không phải đi làm nên cũng không sợ mất ngủ nên uống trà lu bù, nhất là trà xanh. Người ta bảo là rất tốt vì nó cũng làm giảm lượng mỡ trong máu. Chẳng biết có đúng không, nhưng cứ nhớ là mình đi ăn tiệm tầu nhiều thịt nhiều mỡ, uống một ly tra tầu sau đó thấy... được lắm chứ thay vì uồng nước đá lạnh hay soda. Cũng như nếu mình ăn thịt bò nhiều thì một ly rượu vang đỏ sau bữa ăn phải là tốt?

4. Ăn ớt, ăn tỏi cũng tốt, cũng bổ. Người ta chả làm thuốc tỏi đấy thôi. Tôi cũng cĩ một thời làm rượu tỏi uống. Một người bạn cho một bài nói về ích lợi và lịch sử của rượu tỏi . Lâu ngày cũng quên khơng rõ nguồn gốc chi tiết ra sao, đại khái là xuất xứ từ Ai cập, nơi sa mạc nóng bức, khí hậu khắc nghiệt mà người dân có vẻ khỏe, hỏi ra thì mới rõ là nhà nào cũng ngâm một chai rượu tỏi uống quanh năm . Rồi cả những phương thuốc lạ lạ như làm sữa chua Tây Tạng (làm lấy ở nhà để uống) và thứ gì thì cũng kèm theo tiểu sử của món thuốc hay gương sáng của những người đã có kinh nghiệm dùng thuốc đĩ rồi. Có lần tôi được một mẻ cười vì món thuốc nào đó có những vị thuốc bắc mà một tiểu thư người Trung Hoa uống. Tôi được một mẻ cười vì tờ giấy tả tiểu thư đó họ Bành nên tôi bảo bạn tôi là uống cái này “chắc là sống đến đời ông Bành tổ….!!” Người Á châu mình có cái tệ là không sợ uống thuốc lạ, không tên không tuổi. Cái gì cũng thử chứ không cẩn thận như người Mỹ. Nhưng đến bây giờ mà mình vẫn… chưa sao thì chắc cũng đủ an tồn .

5. Khi làm giường thì quỳ xuống, để sức nặng vào 2 bàn chân và gót chân để gân cốt được giãn ra, giữ lưng cho thẳng. Cũng không bỏ lỡ một dịp nào xoa bóp bàn tay và giữa lòng bàn chân vì chỗ đó coi như trung tâm gặp gỡ của thần kinh đi đến vài bộ phận trong thân thể. Nói một cách khác thì nếu cái đầu óc là "hard drive” thì tay chân là “key board”. Bóp mạnh vào vài chỗ ở chân tay là kích thích thần kinh và làm cho máu lưu thông tới vài vùng trong cơ thể. Tôi cũng mua được một cái bàn lăn chân, trông giống như cái bàn tính của người Trung Hoa để vừa ngồì xem TV vừa chà chân. Lâu lâu lại đứng mấp mé ở bực thang lên lầu hay ngưỡng cửa để làm giãn gân phía dưới bàn chân. Bàn chân mình quả thực xài nhiều nhưng lại bị bỏ bê nhiều nhất. Tôi học được điều này năm ngoái khi tôi đau chân cả mấy tháng. Uống 3 viên motrin 800 mỗi ngày mà không thấy có một tý hiệu quả nào. Vậy mà chỉ tập lặt vặt 5 môn võ của therapist bầy cho là thấy khác hẳn. Bây giờ phải coi các cái vụn vặt đó là một phần của đời sống hàng ngày cũng như đánh răng rửa mặt vậy.


Còn nhiều nhiều nữa, những phương thuốc lẩm cẩm của tôi. Thôi để các anh chị và các em mách nước thêm cho tôi với nhé. Internet cũng cho mọi người nhiều tin tức và phải nhận là mình được giáo dục nhiều hơn nhờ những tin tức luân lưu từ các người bạn cỡ tuổi tôi. Nhưng nói chung, ngồi chuyện ăn uống cẩn thẩn, tập thể dục hàng ngày, chúng ta cần giữ được cho tinh thần thoải mái, ít lo phiền, biết nghỉ ngơi, biết đủ, là thấy mình đi trên con đường tới hạnh phúc.

 

THU LÊ (6/3/2005)

06 Tháng Mười 2012(Xem: 152129)
Nợ chữ nghĩa vẫn còn mang nặng, nhưng từ đó cho đến mãi về sau này con người ấy không sao quên câu chuyện “nhánh cây liêm sỉ” của Dì Hai.
05 Tháng Mười 2012(Xem: 167399)
Ước chi Thu đừng đi qua, Thu ở lại dài lâu trong đời sống để mỗi người trong chúng ta quên đi những bộn bề phức tạp mà đắm mình trong sắc Thu muôn đời...
03 Tháng Mười 2012(Xem: 161579)
Giờ này anh đang làm gì bên kia nhỉ? có nhắm mắt thấy những giấc mơ của tụi mình không? Sao cả hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất đều mưa như thế?
29 Tháng Chín 2012(Xem: 168738)
... có lẽ khi càng lớn tuổi người ta thường nhớ và nhắc đến những chuyện xa lắc xa lơ như nuối tiếc một thời đã mất!
28 Tháng Chín 2012(Xem: 162770)
Ngày rời Biên Hòa tôi chỉ là một con bé ngây thơ, lứa tuổi đẹp nhất đời người. Ngày trở về tôi đã là người đàn bà đứng tuổi đầu hai màu tóc, ...
25 Tháng Chín 2012(Xem: 171934)
Thời gian khắc nghiệt đủ cho hai mái tóc xanh đã muối tiêu cả rồi... Ôi mối tình đầu của ta...!
21 Tháng Chín 2012(Xem: 134590)
Vui lên, những bạn bè thân. Ngày mai, còn biết có lần gặp nhau....
18 Tháng Chín 2012(Xem: 402769)
Xin được chia sẻ với bạn hữu món “quà tặng” đặc biệt của anh Nguyễn Ngọc Xuân, trân trọng cảm ơn anh Xuân đã dành tình cảm ưu ái cho các cựu HĐS Ngô Quyền Biên Hòa.
16 Tháng Chín 2012(Xem: 488068)
Vậy là chiếc huy hiệu Đạo Bửu Long đã hội ngộ với anh chị em chúng tôi, sau chuỗi ngày dài phiêu linh lưu lạc.
15 Tháng Chín 2012(Xem: 169651)
Nhạc và lời: Phạm Chinh Đông – Hòa âm: Cao Ngọc Dung – Ca sĩ Quốc An
12 Tháng Chín 2012(Xem: 144456)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối.
07 Tháng Chín 2012(Xem: 163172)
Tôi bất chợt nhớ lại ngôi trường xưa ở quê nhà, nơi tôi theo học lớp vỡ lòng, tôi nhớ và cảm thấy hạnh phúc đến nghẹn ngào cái lớp học tôi, với vài ba chục đứa học trò, mắt vằng vặc thơ ngây,
07 Tháng Chín 2012(Xem: 161011)
Vậy đó, ông nội và cháu có nhiều điểm giống nhau. Cháu sẽ lớn, sẽ trưởng thành. Ông một ngày nào đó sẽ ra đi.
07 Tháng Chín 2012(Xem: 171350)
Sáng tác và trình bày : NGÔ CÀN CHIẾU.... Nằm bên bờ biển vắng Đong đưa nhịp sóng vỗ về Dáng ai như rất nhẹ Về theo một bóng trăng thề
03 Tháng Chín 2012(Xem: 145373)
Nhân dịp giỗ đầu của Hà Bích Loan, tôi xin thắp nén tâm hương gửi đến bạn hiền, cũng là một người thầy tận tâm, người bạn thâm giao học rộng hiểu nhiều, hết lòng với bạn bè...
31 Tháng Tám 2012(Xem: 186229)
Xin giới thiệu một cách trang trọng những áng thơ văn viết về Cha Mẹ qua tình cảm biết ơn, nhớ thương và cả những cảm nghĩ ân hận khi không làm đúng bổn phận mình cho Đấng sinh thành.
29 Tháng Tám 2012(Xem: 247040)
Một đêm vui cùng với các đàn anh cựu học sinh Ngô Quyền khóa 1, trong niềm hạnh phúc “Gặp lại Thầy xưa”
28 Tháng Tám 2012(Xem: 138909)
... gồm những sáng tác của Tuyết Mai và các bài tưởng niệm của Thầy Cô, ACE trong Đại Gia Đình NQ để làm món quà cuối cùng thay nén hương lòng gửi đến người bạn, người em, người học trò NQ....
24 Tháng Tám 2012(Xem: 184805)
Thơ : Hà Thu Thủy Nhạc : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải. Ca Sĩ : Thanh Duyên
24 Tháng Tám 2012(Xem: 270946)
Mời thưởng thức hai tác phẩm tuyệt vời mới nhất của Hạnh Phạm