Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Anh Tuấn - KHI MÙA THU TỚI

28 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 82260)
Nguyễn Anh Tuấn - KHI MÙA THU TỚI

KHI MÙA THU TỚI

anh_tuan-content

Nguyễn Anh Tuấn

 

Diệu Hương có liên lạc và nhờ tôi viết một bài nhân dịp Thanksgiving. Thú thật, tôi không phải là văn sĩ hay thi sĩ, nên văn chương chỉ ngần ấy thôi. Có nghĩa là 4 năm học Việt Văn ở trung học đệ nhất cấp cộng thêm 3 năm ở đệ nhị cấp. Đúng ra thì hình như học Việt Văn tới đệ tam thì hết. Lên tới đệ nhất thì được học Luân Lý Học và Tâm Lý Học.

Nhớ ngày nào ở đệ tam tôi ngán môn Việt Văn lắm, nhất là cổ văn. Bài "Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong" là một bài văn tế do Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, một đại công thần triều Nguyễn soạn và đứng chủ tế lễ, truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Chúa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn vào tháng chạp năm 1802, tại Thuận Hóa. Giọng thầy Thân Trọng Hưng sang sảng như để hồn vào bài văn tế:

"Than ôi! Trời Đông Phố vận ra Sóc Cảnh, trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay; nước Lô hà chảy xuống Lương giang, nghĩ mấy kẻ điêu linh những từ thuở nọ, cho hay sinh là ký mà tử là quy; mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ."

Thế mà tôi học hoài không thuộc. Nó có vẽ vừa tàu vừa ta. Tôi nuốt hoài mà sao nó không vô. Mà lạ nhỉ, không ai biểu, mà sao tôi nhớ vanh vách những bài thơ của TTKH. Từ bài thơ "Hai Sắc Hoa Ti Gôn", "Bài Thơ Thứ Nhất", "Đan Áo Cho Chồng" và "Bài Thơ Cuối Cùng". Tôi đang ở tuổi vừa mới lớn, đang khát khao được nghe, được học những bài thơ tình của Hàn Mặc Tử, của Xuân Diệu, của Lưu Trọng Lư, để hình dung "con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô". Có lẽ thiếu vắng những lãng mạn của văn thơ tiền chiến, nên khối óc tôi filter out bài Văn Tế của ông Nguyễn Văn Thành chăng? Bây giờ nhìn lại, đọc lại bài "Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong" mới thấy nó hay, có ý nghĩa khi biết được những địa danh "Đông Phô, Sóc Cảnh, Lô hà, Lương giang". Giọng người Huế của thầy Thân Trọng Hưng ngày ấy như vẫn văng vẳng đâu đây. Lên đến đệ nhất tôi mê môn "Tâm Lý Học" và "Luân Lý Học" của thầy Lưu Ngọc Bích. Không biết các bạn ban Pháp Văn (1A2) ngày xưa đó, còn nhớ hay không. Giọng thầy Bích với tiếng Bắc thật nhẹ nhàng và những thí dụ thầy đưa ra thật dể hiểu cho môn học thật trừu tượng như "Luân Lý Học" và "Tâm Lý Học". Rồi môn Vật Lý của thầy Mai Kiến Phúc với những vận tốc đều, với vật thể rơi, với năng lượng và về sau nầy tôi có dịp tìm hiểu thêm qua phương trình nổi tiếng, nói sự liên hệ giữa năng lượng và trọng lượng của Einstein, E=mc² . Một vị thầy khác cũng đã khuyến khích và thường kêu tôi lên bảng làm toán đó là thầy Kỷ. Thầy dạy Lượng Giác Học (Trigonometry). Đối với tôi, đây là một môn toán mới mà tôi chưa bao giờ nghe. Nào sin, cosine, tangent, sin2 t + cos2 t = 1. Tới giờ thầy, tôi biết thế nào tôi cũng lên bảng làm toán. Thầy chia bảng ra làm hai, lần nào cũng vậy, một bên là tôi, một bên là Liên (em cô Tốt). Liên học giỏi và rất thông minh. Lần nào Liên cũng giải xong trước tôi. Thầy Kỷ lần nào cũng nói "mầy lại thua con Liên nữa rồi". Tôi về học ngày học đêm để cố làm xong trước Liên. Vì có được những vị thầy tận tâm như vậy, năm đó lớp tôi, tỉ số đậu tú tài hai rất cao. Bên lề những nhọc nhằn và những dễ thương của học trò tỉnh lẽ, tôi 17, 18 tuổi cũng có những mộng mơ của tuổi thần tiên. Chưa hề có một tình yêu. Lặng lẽ nhìn những tà áo trắng với chiếc nón lá trong sân trường ngày ấy .

“Áo em trắng quá, mà tôi thì khờ khạo.
Áo trắng đi rồi, tôi ngơ ngẫn nhìn theo.”

Tôi có về thăm lại Biên Hòa năm 1999. Gặp lại người bạn cũ, Hồ Văn Nho. Bạn dẩn tôi về nhà bạn và đãi cho tôi một bữa ăn gia đình rất đầm ấm. Tôi đi thăm lại trường cũ, nhưng người ta đã đóng cổng. Tôi ngẫn ngơ cố tìm lại hình bóng cũ của mình, của bè bạn năm xưa. Nhớ đến những tà áo trắng, nhớ đến chiếc nón lá. Nhưng, chỉ có những cơn nắng gắt của mùa hạ, và mây trắng bay. Tôi ao ước được nhìn lại chiếc nón lá năm xưa, nhưng hình như ít có ai đội nón lá như những ngày tháng cũ:

“Nón rất Huế nhưng đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng.” 

(thơ nói về nón lá, tác giả: không biết)

 Qua những thăng trầm của thời cuộc và vật đổi sao dời, cái nón lá cũng đi theo vận nước nổi trôi và đang đi vào lịch sử. Có lẽ 50, 100 năm sau, nó sẽ được người ta nhắc đến trong bảo tàng viện: "Đây là chiếc nón lá mà người Việt Nam ta dùng 100 năm trước", như bài thơ viết: "Nón rất Huế, nhưng đời không phải thế". Đúng vậy, đời không phải thế. Tôi không chua chát với đời, nhưng chỉ ghi lại những gì mình yêu mến, đã không còn thấy nữa ở những người trẻ hôm nay. Ngày xưa trong ca dao có câu:

“Trời mưa thì mặc trời mưa . 

Em không có nón thì chừa em ra” 

(Ca dao) 

Chiếc nón lá sẽ mai một và mất dần như những con vật của thời tiền sử.


Biên Hòa bây giờ có nhiều người hơn tôi tưởng tượng. Nhà cửa cất ra tận lề đường.Tôi không nhìn lại được góc phố năm xưa trên đường Trịnh Hoài Đức nữa. Dấu vết năm xưa nay chỉ còn trong dĩ vãng. Một nỗi buồn len lén tràn ngập trong tôi.

“Sông xưa rày đã lên đồng ,
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng đâu tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”
(Trần Tế Xương)

Trời đã bắt đầu trở lạnh và những cơn mưa đã bắt đầu rơi trên thành phố. Mùa thu đã đến ngoài đầu ngõ. Mùa thu ở đây không rực rỡ như ở vùng New England (Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, and Connecticut), nơi đã làm tôi say đắm trong những ngày đầu đến Mỹ. Mùa thu ở thung lũng hoa vàng chỉ bàng bạc với những lá vàng khiêm tốn, nhưng cũng đủ làm cho tâm hồn mình trầm xuống với cảnh vật của đất trời. 

 Mùa thu thường làm mình nhớ về kỷ niệm. Tôi nhớ đến kỷ niệm năm đầu đến Nhật. Nhớ đến một đêm tối đang ngồi học bài trong phòng mình ở cư xá sinh viên, bổng nghe văn phòng gọi tên mình trên speaker "Betonamu no Gu wyn An Ton-san o-denwa desu" (Sinh Viên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn có điện thoại ). Tôi vội vã chạy xuống văn phòng từ lầu 3 cư xá. Vừa bắt điện thoại lên, nghe bên kia đầu máy , "Tuấn hả , Ẩn E đây". Lúc đó dân Ngô Quyền đi học ở Nhật có Ẩn E , Trần Thị Kim Ngân , Lâm Thị Mỹ Yến và tôi . Ẩn E đi học ở Chiba (một thành phố nằm dọc theo vịnh Đông Kinh về phía đông nam của thành phố Tokyo khoảng 1 giờ tàu điện). Tôi lên tiếng "ừ, Tuấn đây". Giọng Ẩn E nghe như muốn khóc, "Thằng Vạn chết rồi ", tôi hỏi lại vì không muốn tin đó là sự thật. Ẩn E tưởng tôi không nhớ "Mầy nhớ thằng Vạn không, nhà nó ở Tân Vạn đó. Nó ra trường, rồi đi Võ Bị Đà Lạt ". Tôi nhớ chứ, nhà Vạn gần một con rạch ở Tân Vạn. Nhớ năm 68, tôi đến nhà Vạn chơi. Rồi hai thằng kéo lên núi Châu Thới ngồi trên một tảng đá, nhìn xuống phía dưới là một đoàn tàu chạy qua. Khói tàu tỏa ra theo làn gió thoảng, sao thấy thanh bình quá, dù một thanh bình trong khoảng khắc, một thanh bình trong không khí dầy đặt chiến tranh của Mậu Thân vừa xong. Tôi hỏi Vạn, đậu tú hai xong, định làm gì. Vạn trả lời là thích đi Võ Bị Đà Lạt. Vạn hỏi tôi, còn mầy. Tôi trả lời là tôi thích đi Quân Y. Vạn đi Đà Lạt như ý. Còn tôi không đi Quân Y mà đi học xa. Không làm bác sĩ, mà đi làm về semiconductor. Nghe Vạn chết , tôi thở dài. Trở về phòng thay đồ, đi về phía nhà ga Okubo, đi đến Shinjuku, rồi đổi qua đường tàu Yamate chạy quanh thành phố Tokyo. Ngồi trên tàu điện nhìn qua khung cửa kiếng, trời mưa râm râm. Đông Kinh về đêm, sáng rựng ánh đèn. Người ta đi lại tấp nập, nhưng trong lòng tôi đầy những buồn tênh. Tôi trở về cư xá khi trời quá nữa đêm và sương mù xuống. Tôi khe khẻ hát "Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Tokyo, suốt đời làm chia ly.."

Những người bạn Ngô Quyền ở Nhật năm xưa bây giờ thì mỗi người mỗi ngã. Ẩn E thì ở Nhật, nhận Tokyo làm quê hương, tôi biết làm sao Ẩn E bỏ Tokyo được. Còn Ngân thì ở Canada. Yến ở Úc và tôi... thì vẫn tiếp tục đi làm về semiconductor ở miền bắc Cali.

Người Mỹ có phong tục rất hay, có ngày Thanksgiving để tạ ơn trời, để tạ ơn gia đình, tạ ơn bạn bè, tạ ơn những người chung quanh đã giúp mình. Tôi nhận lấy phong tục nầy. Xin được tạ ơn trời, tạ ơn cha mẹ, tạ ơn gia đình, tạ ơn thầy cô : thầy Phúc, thầy Hiệp , thầy Kỷ , thầy Bích, thầy Quyến (Pháp Văn), thầy Lan (Anh Văn), thầy Văn (Vạn Vật), thầy Hưng, cô Oanh (Sử Địa) và tất cả những thầy cô ở Ngô Quyền năm xưa. Tôi muốn viết một bài để tạ ơn thầy cô như nhà văn, nhà giáo Nguyễn Xuân Vinh viết trong "Thầy Còn Nhớ Tôi Không". Nhưng giáo sư Nguyễn Xuân Vinh viết hay quá. Tôi không thể nào viết một bài hay như thế được, xin thầy cô nhận nơi đây như những lời tạ ơn của em trong mùa lễ Tạ Ơn. Cũng xin tạ ơn các anh chị trong ban Chấp Hành Hội Ái Hữu CHS Ngô Quyền Biên Hòa đã tạo cơ hội cho chúng ta có dịp tìm lại nhau sau một quãng thời gian dài xa cách tưởng như không còn dịp gặp nhau nữa. Tôi đã tìm lại được những người bạn cũ, những bạn của một thời mới lớn: Đặng Văn Toản, Đỗ Cao Thông, Võ Hải Vương, Huỳnh Xuân Hóa. Cũng xin tạ ơn các bạn Phan Kim Phẩm, Lê Văn Tới, Trương Kiến Xương, Huỳnh Quan Minh, và cô láng giềng, đàn em, Diệu Hương, lúc nào cũng sốt sắng liên lạc các anh chị khác cho những cuộc họp mặt Ngô Quyền ở miền bắc Cali.

Và cũng không quên tạ ơn nước Mỹ, người Mỹ đã mở rộng vòng tay đón nhận những người Việt Nam tỵ nạn chúng ta. Tôi cũng xin được tạ ơn và ngã mũ kính cẩn trước những bậc tiền bối, những đàn anh, những người bạn cùng trang lứa và những người em đã ngã xuống cho quê hương. 

“Some people come into our lives and quickly go. Some stay for awhile and leave footprints on our hearts. And we are never, ever the same.”

 

Thung Lũng Hoa Vàng

Mùa Lễ Tạ Ơn 2010

 

Nguyễn Anh Tuấn

 

08 Tháng Hai 2014(Xem: 43469)
Xin kính chào Cô lần cuối. Em sẽ cầu nguyện cho Cô mỗi ngày đến giỗ đầu của Cô. Xin gởi đến Cô một cành lan màu tím như màu áo tím Cô hay mặc thủa xưa khi Cô đứng trên bục giảng NQ.
08 Tháng Hai 2014(Xem: 40414)
Trang nhà Ngô Quyền Biên Hòa, sẵn sàng chia sẻ thông tin vui – buồn cùng thân hữu. Hãy đến với “Ngôi nhà chung” của chúng ta, vào bất cứ ngày giờ nào trong tháng của năm...
08 Tháng Hai 2014(Xem: 32953)
Sáng qua, bạn Trần Văn Thông và Hoàng Minh Chiếu có gửi tin nhắn đến bạn bè, báo tin về sự ra đi của anh Lê Quang Luật, CHS NQ khóa 7, cũng là anh trai kế của bạn Lê Thị Kim Hạnh, CHS NQ khóa 8.
07 Tháng Hai 2014(Xem: 34304)
Ngày đầu năm niềm vui qua mau, nỗi buồn lại đến vội, trên trang nhà Ngô Quyền chúng ta đón nhận tin hai bạn đồng môn đã bỏ gia đình, bè bạn đi về miền miên viễn,
06 Tháng Hai 2014(Xem: 40205)
Hay ông muốn đất, trời cùng chia sẻ một nỗi niềm đau đáu về quê hương đất nước? Một đất nước tươi đẹp, một dân tộc hiền hòa mỗi năm mỗi mong đợi mùa Xuân.
05 Tháng Hai 2014(Xem: 45203)
Hà đợi cho tàn hết một tuần nhang, mở cửa ra trước hiên nhà, cầm tách trà rót xuống mặt đất tân niên. Những cánh mai trong tách như theo nhau trôi vào lòng đất.
31 Tháng Giêng 2014(Xem: 36270)
Hãy tha thứ một chút cho nhau, cho người thân, cho con cái. Các bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Trái tim sẽ mở rộng ra và niềm vui có chỗ len vào. Các bạn sẽ hạnh phúc.
30 Tháng Giêng 2014(Xem: 44192)
Tựa đề: Mẹ Ơi Nhạc & Lời : Anh Hoài Tiếng hát : Phạm Chinh Đông - Quỳnh Dao
30 Tháng Giêng 2014(Xem: 38162)
Trước mắt tui hiện ra một Biên Hòa ngày tuổi nhỏ với những em gái lần đầu tiên mặc áo dài trắng chạy xe đạp tung tăng ồn ào từng đám trên đường tỉnh lộ với những anh lính chiến thân quen hiền lành mặt xạm đen màu nắng cháy,
30 Tháng Giêng 2014(Xem: 35796)
Như thế đó, mùa đông năm nay ở Mỹ, giao mùa Tết Nguyên Đán, các chs NQ quên nhiều thứ nhưng chưa bao giờ quên "công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy".
29 Tháng Giêng 2014(Xem: 34118)
Quán Huỳnh Của bán rất nhiều món ăn, món nào cũng ngon, nhưng món làm cho quán nầy nổi tiếng là món cháo lòng.
26 Tháng Giêng 2014(Xem: 38233)
Hàng năm, cứ tết đến, nhìn cặp bánh chưng xanh, nhìn những rộn ràng mua sắm, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những ngày tháng cũ, những ngày tháng êm đềm, vui vẻ dưới mái ấm gia đình
25 Tháng Giêng 2014(Xem: 34532)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: "Hoa Xuân" Nhạc Phạm Duy - Hà Thanh trình bày Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube
24 Tháng Giêng 2014(Xem: 36327)
Khi những tờ lịch trên tường mỏng dần đi, cảnh gia đình sum vầy tròn vẹn, cảnh những phiên chợ tết đông vui lại dày lên trong ký ức, cho tôi lại thèm trở về để được tận mắt nhìn những lề đường quê nhà trở thành chợ rộn rịp,
22 Tháng Giêng 2014(Xem: 35586)
Mùa xuân sẽ trở về với cỏ cây. Những gì giúp cho cây sung trước nhà nẩy lộc cũng sẽ mang đến niềm sống cho tôi. Tôi biết vậy, mà sao lòng vẫn bùi ngùi trong đêm Giao Thừa, thương cho một kiếp người phải nương tựa vào lời kinh,
21 Tháng Giêng 2014(Xem: 33510)
....nhất là với các bạn trẻ rằng mặc cho những sự bộn bề về các giá trị đạo đức trong nền giáo dục VN hiện tại, nơi đây vẫn còn tồn tại một tình cảm đẹp đẽ và cao quý trong mối quan hệ Cô và Trò...
16 Tháng Giêng 2014(Xem: 38254)
Bài tạp ghi sau đây, ký dưới bút hiệu Hạnh Viên, đã được bạn Nguyễn Thị Minh Thủy viết và đăng làm ba kỳ trong thời gian tác giả phụ trách mục “Cảm Niệm” trên một nhật báo ở Nam California.
16 Tháng Giêng 2014(Xem: 31852)
Khi bạn bè chúng tôi họp mặt tân niên, nhóm Anh Văn khóa 9 CHS NQ cũng có cuộc họp tân niên ở Bửu Long. Hi vọng rằng sẽ có sự kết nối yêu thương thêm nữa cho những lần sau, vì chúng tôi cũng đã đã có lần gặp gỡ.
15 Tháng Giêng 2014(Xem: 35200)
Ở trên đời có những mối tình như cơn lốc, khi qua rồi thì để lại những tàn phá đau thương. Cũng có những mối tình đơn phương, nhẹ nhàng, thâm trầm và sâu sắc...
09 Tháng Giêng 2014(Xem: 39492)
Tựa đề: Gọi Nhau Mùa Đông. Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông. Trình bày: Tác giả và Quỳnh Dao.