Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Họ Chu - Những Gì Còn Nhớ.

24 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 35425)
Họ Chu - Những Gì Còn Nhớ.

                 

                        

                        Những Gì Còn Nhớ

 

Rời Sài Gòn tháng Tư năm 75. Đến Mỹ, Thượng Châu hợp tác với nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan xuất bản tờ báo Việt Ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ tên Hồn Việt, do nữ ca sĩ Khánh Ly làm chủ nhiệm.

 Sau đó, hội nhập đời sống Mỹ, đi làm việc ở SanDiego đã được 28 năm và sắp về hưu. Lâu lắm, không viết lách gì, nhưng bây giờ với tiếng gọi trường cũ Ngô Quyền, Thượng Châu rất sẵn sàng và vui vẻ đóng góp

 

Bốn mươi năm hơn! Không thể tưởng tượng, không thể ngờ. Mái trường Trung Học Ngô Quyền của thời niên thiếu. Tôi mài đũng quần ở đó, đến nay đã xa vời vợi, hơn 40 năm rồi! Tôi xin lặp lại để tự xác định với chính mình một sự thật quên bẵng. Nếu không có Phẩm, không có Tuấn chắc tôi chẳng có dịp để nhớ lại cái thời “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Nghĩa là không có bài viết nầy để ghi lại “ Những Gì Còn Nhớ”.

 

Qu’est que c’est…? C’est un… Sái.

 

Trước hết cha tôi là một người trọng nho, rất bảo thủ, nếu không muốn nói là cổ lổ sỉ. Lúc nào ông cũng dạy tôi Tiên Học Lễ Hậu Học Văn, rồi Nhứt Tự Vi Sư,Bán Tự Vi Sư. Ðôi khi ông lấy giọng Khổng Tử nói theo một cách tôn ti trật tự bất hủ: Quân Sư Phụ, và với ông cái gì Tây là nhứt…chứ không phải Mỹ. Ông nói với tôi “mày học ngoại ngữ Pháp tao còn chỉ được, chứ học tiếng Mỹ tao chào thua”. Vì thế tôi đã phải nghe lời cố vấn đó, ghi tên vào lớp Pháp văn và chọn môn nhiệm ý là Hán văn, mỗi tuần một giờ, cho ông vui lòng. Nói đến lớp Pháp văn Ngô Quyền, tôi tin chắc không người học trò Ngô Quyền nào có thể quên vị thầy khả kính độc nhứt vô nhị: thầy Đinh Văn Sái, cha của bạn học Ðinh Cẩn Cấp với cái tuổi đời xấp xỉ 60. Hình ảnh Thầy Sái không bao giờ phai lạt trong ký ức của tôi. Ông có khổ người cao to, ăn mặc đơn giản luôn luôn áo cộc tay trắng, thường xuyên đứng trên bục gỗ trong lúc giảng dạy. Thầy dạy vỡ lòng tiếng Pháp, bắt tụi nầy nói như vẹt… lặp đi, lặp lại từng câu thầy viết trên bảng đen. Nào là “Qu’est que c’est?” “C’est un…” gì đó… Ðến bao nhiêu câu Pháp văn trong cuốn sách dầy cộm…với Jean Pierre… Tụi nầy lải nhải, uốn lưỡi tập xì xờ cho ra vẻ Tây. Giờ chơi tụi nầy diễu nhau, cầm đủ loại lên đặt câu hỏi, bắt tên bạn mình phải trả lời. Nào là sách, vở, thước, tai, mắt, mũi đều bị đưa vào câu hỏi và câu trả lời. Thầy Sái đi ngang, có đứa chỉ thầy Sái đặt câu hỏi “Qu’est que c’est?” Tên kia quýnh quá trả lời “C’est un… Sái.” Rồi từ đó trở đi thành có cái huyền thoại trong lớp Pháp văn… mà đến nay tôi vẫn còn nhớ được.

Thầy Sái dạy chúng tôi lớp Ðệ Thất, Ðệ Lục đến năm Ðệ Ngũ được thầy Quyến thay thế. So hai thầy Pháp văn tôi học. Thầy Sái cổ kính, bảo thủ hơn. Thầy Quyến có vẻ trẻ trung, xì po, nói cho Tây hơn “noef”.

 

Vang bóng một thời

 

Lớp Pháp văn toàn là đực rựa. 99% là An Nam Mít, 1% là Tây. Cái 1% lai Tây nầy sáng sủa lúc nào cũng đỏ, đó là bạn Mai Quỳnh Lâm, Lâm là học trò cưng của thầy Sái. Nó ngồi trước tôi một bàn. Lớp Pháp văn bạn học tôi còn nhớ được như Nguyễn Ngọc Xuân, Diệp Cẩm Thu, Trầm Vĩnh Châu, Trần Minh Tâm hỗn danh Tâm lùn, Nguyễn Liễu, Lại Minh Lâm, Lê Tứ Hải, Nghiêm Thái Bình, Sơn con, Vinh con, Minh Hí v.v… và v.v… Lớp nầy có nhiều Minh. Tôi còn nhớ Ðặng Minh trọ học ở nhà ba má tôi, nó ở miệt rừng Long Khánh xuống Biên Hòa học. Ba nó làm xe lửa với ông già tôi nên chỗ quen biết ba tôi giúp nó. Tên Minh thứ 2, con chủ nhà máy xay lúa ở Chợ Ðồn, còn tên Minh thứ 3 là Minh Hí, tức Nguyễn Văn Minh. Tên Minh Hí làm tôi ăn cháo lươn một bữa đã đời. Y ngồi bàn trước, tôi ngồi bàn sau, không biết tên nào quẹt bút mực “bic” sau lưng áo trắng của nó mà nó đề quyết cho tôi. Tôi chối cách nào cũng không được. Nó theo tôi về tận nhà, khóc mếu máo với mẹ tôi khiến bà động lòng phải đi giặt áo tẩy mực cho nó. Dĩ nhiên, sau đó tôi bị quất mấy roi. Tôi gọi Xuân, Thu và Châu là nhóm bạn nhà quê vì tụi nó ở miệt Tân Uyên, có lần tụi nó rủ tôi về quê cho biết, dẫn tôi đi ăn bưởi thanh, bưởi ổi… rồi ra ruộng mía lau bẻ mía, xước vỏ ăn đến rách mép, máu rươm rướm tứa ra ở 2 bên mép. Lần đi chơi với Xuân,Thu và Châu thật thú vị. Nhờ tụi nó tôi mới biết lò đường, làm đường thẻ, đường tán. Tụi nó tập cho tôi xước mía lau, nhúng vào chảo đường đang sôi, lấy ra chờ nguội ăn ngon như kẹo kéo, mùi đường tươi thật tuyệt. Cho đến nay chỉ một lần duy nhất trong đời, tôi vẫn còn nhớ cái hương vị mùi mía tươi hòa lẫn đường mới, đầy ấp tình quê chân thật.

 

Nhứt Quỷ Nhì Ma Thứ Ba: Ngũ 3

 

Hai năm đầu ở Trung Học Ngô Quyền, có những vụng dại, dễ thương của tuổi ăn chưa no lo chưa tới ngây thơ, ngờ nghệch không thể tưởng tượng. Tô Anh Tuấn lôi tôi và Hoa Bang ra nghĩa trang người điên ở Dưỡng Trí Viện để luyện Toán Lý Hoá. Chung quanh mộ cao, mộ thấp. Cái có bia do thân nhân lập. Cái không có thân nhân, chẳng tên tuổi, bia để trần trụi một nấm đất thâm xì tội nghiệp. Ba tên nhóc tì tuổi chưa tới mười lăm thế mà dạn dĩ, chẳng sợ ma, ra giữa nghĩa địa người điên nằm dài trên mộ Bác Sĩ Hoài (người sáng lập ra bệnh viện) để dùi mài kinh sử. Ba đứa tui có nhiều kỷ niệm thiếu thời, không ai có được. Một chiếc xe đạp của Tuấn đã đèo tôi và Hoa đi từ nhà thương điên xuống Ngã Ba Vườn Mít, tới Đài Kỷ Niệm, ngang qua cổng trường Ngô Quyền, đổ dốc Kỷ Niệm theo đường Trịnh Hoài Ðức xuống bùng binh Sông Phố, quẹo mặt về chợ Biên Hòa ngang tiệm hình Phạm Lung ba của Phạm Sơn Danh cũng là bạn cùng lớp với tôi. Một chiếc xe đạp cũ kỹ nghèo nàn như thân phận của người chủ nó, nhưng chứa đựng rất nhiều tiềm tàng sinh lực, đầy nhựa sống, có bữa tụi tôi lên tới núi Bửu Long thăm Nguyễn Thanh Tùng, Lại Minh Lâm ở sân banh, Tuấn ốm còi nhưng dai phông. Nó chủ chốt đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm Biên Hòa. Từ phía sân banh đổ về khu Công Chánh, Thành Kèn, ngang nhà cao cẳng của chị em con Phương, con Loan… Tên Hoa ngồi sau đấu với Tuấn như bắp rang. Tôi ngồi trước hai chân gác đỡ trên ốc chuồng, có lúc mỏi quá chịu không nổi tôi đút chân luôn vô căm xe rách một mảng da dưới ngón chân cái bên phải, máu tươm tươi rói… Cũng chẳng có gì quan trọng ăn nhằm gì. Cuộc giang hồ vặt bằng xe đạp vẫn tiếp tục. Hai tên Tuấn và Hoa gả bán tôi cho đủ mọi người con gái chúng biết mặt và biết tên. Nào là Phương, Loan, Chi, Khánh… tùm lum tà la… Nhưng đến khi tôi rời Biên Hòa đi Sài Gòn học chẳng có một bóng hồng nào hết.

Hồi năm đệ lục, lớp chúng tôi đá banh vô địch. Thủ quân đội banh là Lại Minh Lâm, có cú sút mạnh như búa bổ luôn luôn chơi trung phong: Nguyễn Tấn Nghiệm góc trái với cái đầu đội banh số 1. Ðội banh có cả tôi, hai tên Tuấn và Hoa không hạp bộ môn thể thao. Tên Nguyễn Liễu đúng với tên cha mẹ đặt có vẻ liễu yếu đào tơ, thế mà Liễu chạy nhanh như thỏ, thấy banh là thấy nó liền. Ðội banh Lục 3 có một quái kiệt tên là Nguyễn Văn Biện. Tên Biện rât tếu, đá banh hay, và chính là con tắc kè độc đáo của lớp Lục Ba. Con tắc kè Nguyễn Văn Biện truyền nghề cho nhiều đứa khác, đến nỗi giờ học, nhằm cô giáo phụ trách, giữa lúc cả lớp đang im phăng phắc cắm cúi làm bài hoặc đang chăm chú nhìn cô viết trên bảng thì thế nào tắc kè cũng kêu. “Tắc… Kè...”. Tiếng vang đâu đó y hệt tiếng kêu của con tắc kè trên trần nhà. Có lẽ tắc kè đó chăng…? Ai biết? Thỉnh thoảng, lại còn có đôi ba tiếng kêu đáp lại (mặt tỉnh bơ chăm chú học và chỉ cần he hé miệng, tiếng kêu từ trong cổ họng chớ có há miệng nói đâu thì dễ gì bắt gặp) Thế rồi đôi khi hứng chí có cả bầy tắc kè cùng nối nhau réo gọi, Tôi không hiểu có cô giáo nào còn nhớ tiếng kêu tắc kè quái dị nầy không. Tuyệt nhiên, giờ mấy thầy không nghe tắc kè kêu. Ðó là điều lạ mà tôi không có cơ hội khám phá hoặc hỏi tắc kè Nguyễn Văn Biện tại sao?

                       

Cữ chụp hình ba

           

Bộ ba tụi tôi đi chơi với nhau hằng tuần, nhưng không có hình ảnh gì để lưu lại. Tôi nhớ có lần Hoa, Tuấn rủ tôi chụp hình ngay dưới cột cờ trường Ngô Quyền, tôi quá ghét chụp hình nhưng không thể từ chối được. Tên Tuấn vác máy hình sờ sờ nhờ bạn khác chụp giùm ba đứa, Tuấn và Hoa không chịu đứng giữa, vì cho rằng đứng giữa sẽ trôi dạt xa xôi hoặc chết. Tôi không tin dị đoan nên đứng gìữa chụp chung với Tuấn và Hoa. Nhưng rồi tôi đi xa thiệt, hơn mười ngàn dặm chứ ít đâu, không chết là may rồi. Từ Huế Mậu Thân tới An Lộc Mùa Hè Ðỏ Lửa, Cổ Thành Quảng Trị, Hạ Lào, rồi Ban Mê Thuột. Với bao địa danh kinh hoàng, thế mà phước nhà, tôi vẫn sống sót, và 20 năm sau may mắn gặp lại Tô Anh Tuấn tại Mỹ, giữa Thủ Ðô tị nạn VN. Hình như Tuấn có gửi cho tôi bức hình ba đứa, rồi vì dời đổi nhà cửa, tôi không biết đã cất kỹ ở đâu, tìm không ra nữa.

            Năm Ngũ 3 thật là đặc biệt dữ dằn đối với những học sinh lớn tuổi, ngồi cuối lớp tên nào cũng như thanh niên… Tụi thằng Lâm, thằng Hải, thằng Lê, thằng Hội là một lũ giặc không hơn không kém. Mấy tên lớn tới lớp sớm đấu láo, nghịch ngợm. Lúc đó, tôi lần đầu tiên nghe danh từ Dốc Sỏi, Lò Than hai địa danh rất quen thuộc với lính ở Biên Hoà. Sự thật mích lòng lắm, nhưng nói ra để nhớ những tên quái Đệ Ngũ 3.Tôi nhớ tên Sơn con bị mấy tên anh chị ở phía cuối lớp lột quần đo gì đó…Sơn dãy dụa phản ứng chẳng may rách quần, khóc mếu máo bắt đền. Cả tên Nghiêm Thái Bình và Vinh con (con chủ tiệm sách Minh Tâm) cũng là nạn nhân của trò chơi tinh nghịch nầy, nhưng không đứa nào dám thưa gởi. Ba đứa tụi tôi thuộc loại trung của lớp, chạy vắt giò lên cổ mới thoát được nạn đó.

            Năm Ngũ 3, gần Tết làm báo Xuân vui vô cùng. Từ đó một tên mới được chào đời chẳng có giấy khai sinh đó là tên Tô-Trần-Chu, rồi đẻ ra lưu bút chuyền tay xin chữ ký, bút tích và hình ảnh ngổ ngáo học sinh, thậm chí có đứa rất can đảm làm thơ: “Thương nhau tặng tấm ảnh nầy. Dẫu rằng thay đổi đừng phai cảm tình”. Tôi nhớ năm Ngũ 3 trung học Ngô Quyền có mở cuộc thi đua báo Xuân lớp Ngũ 3 do cô Ðặng Thị Trí hướng dẫn cố vấn văn chương viết văn, làm thơ, làm báo. Gần Tết học ít chơi nhiều, mấy tên lớn liều lĩnh mang cả pháo tống vào lớp, gài dưới bàn giáo sư, đốt mồi dài nổ tung khiến cô giáo la hoảng. Ác hại lớp Ngũ 3 nằm ở dãy trước, dưới lầu sát phòng thầy Giám Học và thầy Hiệu Trưởng nên hết chỗ chối chạy, nguyên cả lớp bị “chào cờ” trong thế nghiêm trước bãi cỏ cạnh phòng thí nghiệm, có đến 2 giờ đồng hồ. Thầy giám thị Tân, thầy Tổng Giám Thị Huân hăm he thế nào cũng không có tên nào dám khai ra thủ phạm.

            Ngô Quyền sản xuất ra nhiều nhân tài, đào tạo ra một thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và hai ký giả làm báo. Một là ký giả đàn anh Sông Phố, hai là Thượng Châu. Nghe nói không đích xác, anh Sông Phố đi du học Mỹ và ở lại luôn không có tin tức. Còn tôi, thương em không biết làm sao, lấy tên của nó đảo lại làm bút hiệu (Chu và Châu giống nghĩa nhau). Với bao nhiêu chiến trận địa danh tôi đã đi qua, rồi biến cố 75 tôi may mắn thoát khỏi Pleiku, Huế, Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang và cuối cùng là trận Long Khánh. Cứ rời khỏi mặt trận về Sài Gòn nghe BBC loan tin chỗ đó đã mất. Ngày 28-4-75 tôi rời Sài Gòn. Lúc đó tôi không nghĩ đi đâu hết, chỉ vỏn vẹn nghĩ tìm cách xa rời chỗ đạn bom nguy hiểm, lánh nạn một thời gian rồi về nhà lại. Có ngờ đâu đã gần 30 năm xa biền biệt.

Có một người quen gặp tôi nói “Tôi nghĩ là ông đã chết ở VN, đi như thế mà còn sống qua đây,quả là đại phước”.

            Và hôm nay, có cái hân hạnh viết lại trên tờ báo của cái “thuở ban đầu Ngô Quyền” sau 40 năm xa cách. Xin gửi lời chào tất cả bạn bè còn nhớ đến nhau.

 

                                                                        Họ Chu. chsNQ62

 

27 Tháng Ba 2009(Xem: 70595)
Tình nồng hương đượm mong manh, Dẫm chân ta bước cuộc tình lỡ duyên!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72757)
Vẫy tay chào hang yên chi hoa đỏ Chào khuôn sân đá cuội trắng rì rào Chào hàng sao chim tụ về làm tổ Chào tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72931)
Về lại Biên Hòa thăm con đường xưa Dốc học trò vẫn mang tên Kỷ Niệm
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72355)
Vẫn là mưa nghiêng nghiêng giăng trắng Trên hàng cây bãi cỏ sân trường Sao không giống ngày xưa sâu lắng Chiều tan trường bè bạn thân thương
23 Tháng Ba 2009(Xem: 69992)
Biên Hòa em vẫn thương hoài Ngô Quyền ngày trước, áo dài màu xanh.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72275)
Nếu một mai tôi chết, Xin đừng khóc cho tôi. Đường đời chia đôi ngả, Hãy chôn tình phai phôi.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72300)
Saigon ơi, xa rồi ta vẫn nhớ Những chiều xưa hai đứa lén hẹn hò!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72123)
Lưu bút ngày xưa kỷ niệm đầy, Tình thân bạn cũ hãy còn đây! Ngây ngô ghi vội đôi dòng chữ Đầy ấp yêu thương mỗi phút giây.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 71863)
ôi, mùa hè tuổi nhỏ hóa thân giữa màu hoa ôi, mùa hè êm ả phục sinh từ đôi ta!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 32806)
  Trong tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Ðạt, tác giả đã kể lại một chuyến về Việt Nam vào năm 1998, đặc biệt là ở vùng đất Biên Hòa, quê vợ của anh. Sau đây là trích đoạn tác giả về thăm một nơi chốn đã khiến anh bồi hồi với bao cảm xúc, đó là trường Ngô Quyền của vợ anh cũng như của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, người viết những bài thơ tình bất hủ mà anh yêu thích từ lâu.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 80360)
  ( Kính tặng Thầy Toán Nguyễn Văn Phố)
24 Tháng Hai 2009(Xem: 72875)
  Nay đất khách quê ngưòi: Thân biệt xứ. Áo công khanh rách nát giữ trong tim. Chút hương xưa là chút lửa êm đềm, Dùng sưởi ấm niềm riêng, chờ Hội lớn.
20 Tháng Hai 2009(Xem: 81561)
Ba mươi năm chờ đợi Hoa tàn, trăng tận, sông quằn mình trăn trở Ba mươi năm nhớ mong Lá héo, sao mờ, biển cồn cào dậy sóng
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76761)
  Đứng trước biển mùa Đông thêm cô quạnh Cánh hải âu đơn lẻ chập chờn bay Hải đăng xa nhạt nhòa trong sương lạnh Đá chập chùng, mong mỏi đợi chờ ai  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76718)
  Nhớ sao cứ nhớ quắt quay Ngô Quyền bạn cũ giờ đây ai còn?                  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76231)
Một chút mây trời, để nhớ thương, Bay qua thật nhẹ, trước cổng trường.  
16 Tháng Hai 2009(Xem: 76530)
Tặng Mai Trọng Ngãi, Đinh Hoàng Vân, Tiêu Hồng Phước, Tô Anh Tuấn và Phan Kim Phẩm.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 24402)
Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 38023)
... và như thế, Ngô Quyền hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là tổ ấm của chúng ta miên viễn, đời đời...
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90890)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 39361)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 87956)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 35478)
  Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 75327)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39776)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 40950)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 83584)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh
04 Tháng Hai 2009(Xem: 47215)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.