Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hoàng Mai Đạt - Ở MỘT NƠI KHÔNG CÓ TẾT

22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35846)
Hoàng Mai Đạt - Ở MỘT NƠI KHÔNG CÓ TẾT


Ở Một Nơi Không Có Tết


Hoàng Mai Đạt


o_mot_noi_noi_0_co_tet-large

Một buổi sáng sương mù ở trung tâm khu phố Little Saigon, Quận Cam. (Photo by HMĐ)


 

Càng về đêm, những lớp sương mù càng dầy đặc hơn. Nam California ít khi có sương mù. Vậy mà đêm 31 tháng Chạp hôm ấy, đường Bolsa ở góc Magnolia chỉ có những tia đèn mờ ảo từ mấy chiếc xe lăn thật chậm, không chói lọi với rừng ánh sáng từ những bóng đèn vàng hoặc đỏ nối đuôi trên các dòng xe hối hả trôi qua khu phố Little Saigon. Tôi rẽ tay lái ở góc đường đó, phóng về hướng biển với lòng nôn nao khôn tả, bất chấp tai nạn có thể xảy ra. Tôi lèo lách giữa những chiếc xe phải rà thắng trong sự cẩn thận, lao xe trong màn sương mù đang trôi cuồn cuộn từ đại dương vào đất liền. Tôi lái xe nhanh vì sợ đến trễ, không kịp giờ thăm em trong một dưỡng viện dành cho người lâm bệnh hiểm nghèo.Hơn một tuần trước, tôi từng đạp ga trên chiếc Honda để chạy theo xe cứu thương đến bệnh viện Fountain Valley. Ðêm hôm ấy em tôi bị tai biến mạch máu não, tê liệt nửa người bên phải. Bước vào căn phòng tối trong một khu mobile home, tôi đau lòng khi thấy đứa em thân thương mấy chục năm trước nay là một ông trung niên đang nằm bất động trên sàn nhà, đưa một tay quơ với trong không khí như mong nắm lại sự sống. Tôi nắm tay em trong lúc chờ các nhân viên cấp cứu đến giúp. Ðợi đến sau nửa đêm tôi mới rời bệnh viện để về nhà, thầm cầu nguyện cho em thoát bàn tay của tử thần.

Em thoát lần này, nhưng mà thân thể bị nhiều vết cào cấu trong cơn vật lộn trước móng vuốt của định mệnh để sống còn. Bác sĩ nói rằng ngoại trừ buồng phổi, hầu hết các bộ phận khác đều nát bét, hư hỏng tận cùng. Gan, bao tử, tim, thận – mà nhất là thận – đã đến giai đoạn gần như vô phương cứu chữa. Ðêm Giáng Sinh trôi qua với em tôi nằm gần như bất động trong một phòng bệnh, miệng không thể nói mà ánh mắt có lúc như giận dữ với số phận. Ðến chiều 30 tháng Chạp, họ chở em tới một dưỡng viện có y tá chăm sóc. Tôi đến thăm em đêm hôm ấy sau giờ làm việc.

Chiều hôm 31, tôi rời tòa soạn lúc 7 giờ rưỡi, mong đến dưỡng viện kịp thời trước 8 giờ, giờ đóng cửa. Mặc dù từng có kinh nghiệm lái xe trong giông tố và trong mưa tuyết, tôi vẫn thầm lo trong lúc lướt nhanh về hướng dưỡng viện. Sương mù quá dày, không cho tôi thấy xa hơn vài chục bước ở trước mặt. Vậy mà tôi vẫn chạy với tốc độ nhanh gấp mấy lần so với những chiếc xe bị tôi qua mặt. Ðến khi dừng xe trong bãi đậu và bước ra ngoài, tôi lại chùn bước, e rằng em không muốn thấy tôi.

Lần cuối cùng mà anh em chúng tôi còn hòa thuận với nhau có lẽ đã hơn 20 năm trước, mà cũng có thể là đã quá 30 năm, ngày chúng tôi mới đến Mỹ. Giờ nhìn lại, tôi mới nhận ra những giây phút hạnh phúc nhất của hai anh em là những dịp chơi banh football với mấy đứa bạn Mỹ ở Rillton, một thị trấn nằm trên đồi ở miền tây tiểu bang Pennsylvania.

Trong mấy năm đầu mới tị nạn tại Mỹ, tham dự môn thể thao football là cơ hội cho anh em chúng tôi hòa nhập với đời sống của người địa phương. Hai anh em đều được người láng giềng trợ giúp để gia nhập một đội thiếu niên ở Rillton. Em tôi khỏe mạnh hơn anh, có tài ném banh bầu dục nên được giao vai trò quarterback. Tôi gầy ốm, chạy nhanh, giữ được một chân receiver để chụp banh. Mùa đấu năm ấy em tôi ném được nhiều cú tuyệt, khiến cả xóm reo hò trong những trận đấu với các đội thiếu niên khác. Phần tôi, thỉnh thoảng tôi cũng chụp được vài trái ngoạn mục ở cuối sân nhờ chạy nhanh hơn mấy đứa Mỹ mập ù.

Mùa thu thời niên thiếu ấy qua mau. Anh em chúng tôi rời Rillton theo việc làm của mẹ đến một xóm lao động ở thành phố Pittsburgh. Xóm này không có sân banh, đường chật chội, đông xe, thiếu chỗ chơi cho trẻ em. Thỉnh thoảng hai anh em lần xuống một bãi đất trống gần một xưởng thép bị đóng cửa trong cơn suy thoái kinh tế vào cuối thập niên 1970. Bên dưới một cây cầu bắc ngang sông, em ném banh và tôi chạy chụp banh hàng giờ không biết mệt. Có khi chơi trong đêm tối, có lúc trong ngày bão tuyết, có khi trong một trưa mùa đông lạnh dưới 0 độ Farenheit, chỉ hai anh em với một trái banh xoáy trên không trung. Em ném mỗi lúc một mạnh, tôi phải chạy nhanh và xa hơn để chụp bắt, tạm quên những phiền não đang bủa vây trong đời sống của chúng tôi. Mỗi khi thấy tôi bắt được trái banh mà em ném vào những nơi hiểm hóc, giữa mấy chiếc xe đậu dưới chân cầu hoặc sát tường rào của xưởng, em đưa hai tay như ăn mừng một chiến thắng giữa thao trường với tiếng reo hò của hàng vạn người.

Ngày tôi bước vào đại học cũng là ngày những tiếng reo vui lắng xuống và tan biến vào trong quá khứ. Tình thân giữa hai anh em trôi xa dần như những đám bèo bị đánh vỡ giữa sông, mỗi đứa đến một bến bờ xa lạ. Cả hai đều mang những nỗi hoài nghi về mọi giá trị trong cuộc sống, tinh thần cũng như vật chất. Thế nhưng mỗi đứa hướng về một nơi. Tôi phấn đấu để tìm cái đẹp bên trên cuộc sống của đời thường, em lún dần trong thế giới của bạo động. Tôi cố gắng đóng góp cho đời, em thách thức định mệnh với lối sống ngoài vòng xã hội, bất chấp thành kiến. Trong hơn hai thập niên xa cách, thỉnh thoảng tôi nhận được những cú điện thoại vào giữa đêm khuya khoắt, để rồi sau đó phải tìm đường đến một sở cảnh sát hoặc một nhà thương để đưa em về một nơi nào đó mà em đang tạm trú. Có khi những cú điện thoại đến từ một tiểu bang xa, có khi rất gần, ngay tại khu phố Little Saigon này.

Tôi chùn chân trước khi bước vào dưỡng viện vì nhớ tới ánh mắt hận đời của em mà tôi từng thấy trong những lần thăm em trong bệnh viện. Trong ánh mắt đó cũng có sự đớn đau trước số phận khắc nghiệt giáng xuống một tuổi thơ bị bứng ra khỏi quê hương và không thể bám rễ ở mảnh đất mới.

Chỉ còn mười phút trước giờ đóng cửa, tôi nhất quyết bước vào để thăm em, cầm theo một cuốn sách nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay. Bước trong hành lang qua những phòng có những người nằm ngủ thiêm thiếp tưởng chừng như đang hấp hối, tôi chợt nghe có lời chúc mừng năm mới xuất phát từ một máy truyền hình. Lời cầu chúc tươi vui đó tan biến trong khoảng không của khổ đau mà tôi cảm nhận từ những thân xác đang nằm liệt trên giường. Ngay cả những người làm việc trong dưỡng viện này cũng ít cười, ít nói, chỉ yên lặng làm phận sự quen thuộc của một y tá, một điều dưỡng viên hoặc một thư ký.

Căn phòng có ba giường, một bệnh nhân. Em nằm ở giường giữa, đang mê man ở một thế giới khác. Cạnh giường là bình đựng chất dinh dưỡng được truyền vào cơ thể của em. “Ðó là thức ăn cho ông ấy,” một y tá nói cho tôi biết.

Nhìn thân hình hốc hác, toát mùi bệnh, tôi càng thương xót em. Sức khỏe của em sẽ yếu hơn vì mỗi tuần em cần được lọc thận ba lần. Bà y tá nói nhỏ điều đó với ánh mắt lo ngại dành cho tôi. Phòng chỉ có một chiếc ghế xếp cất trong góc. Tôi mang ghế ra ngồi sát bên giường, nói thì thầm những lời an ủi tưởng chừng như em đang lắng nghe. Lần giở cuốn sách nhỏ cầm trong tay nãy giờ, tôi lâm râm đọc Kinh Cứu Khổ cho em nghe. Từ một khởi đầu giống nhau mấy chục năm trước, chúng tôi đã đi hai hướng khác xa. Chúng tôi từng hoài nghi những niềm tin tôn giáo, cho đó chỉ là những thói quen mê tín. Thế nhưng từ khởi điểm đó, em xem thường cuộc đời, luôn tìm những khiếm khuyết trong cuộc sống. Còn tôi, từ những ngờ vực, tôi cất công đi tìm một ý nghĩa cao quí hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Trong năm phút cuối trước giờ đóng cửa, có lúc tôi ngưng đọc kinh, ngậm ngùi quan sát một cánh tay vạm vỡ từng ném banh cho tôi chụp nay nằm bất động, mang những vết bầm của thuốc và bệnh tật. Tôi không chắc những lời kinh sẽ cứu em, nhưng tôi biết đó là những gì mà tôi có thể làm cho em trong giây phút này. Có lẽ lời kinh sẽ cứu tôi hơn là cứu em. Những mối bận tâm trong đời thường tan biến khi tôi cất lời cầu nguyện. Tôi có thể mất hàng giờ để lo lắng về tiền nhà, về công việc, về những chuyện linh tinh ở sở làm. Thế nhưng lời kinh nhắc tôi nhớ giây phút dành cho em mới là điều quan trọng nhất trong lúc này.

Em vẫn không mở mắt lúc tôi xếp lại ghế và rời phòng. Bước trong hành lang của dưỡng viện, một lần nữa tôi nghe những lời chúc mừng năm mới phát ra từ một máy truyền hình. Nhìn vào phòng, tôi thấy một bà cụ datrắng đang ngủ gục trên xe lăn trước màn ảnh truyền hình. Tôi nói nhỏ một lời cầu nguyện cho bà, xong bước ra cửa mà không dám nhìn lại, sợ yếu lòng trước những cảnh khổ của kiếp người mà tôi không thể nào hiểu được.

Sương mù trắng đục vẫn phủ kín khu phố Bolsa khi tôi chạy ngang với tốc độ thật chậm. Về đến nhà, tôi ngồi lại trong xe và quan sát cây sung ở trước sân. Thân cây lớn hơn một vòng tay ôm, có lẽ từng nẩy mầm hơn một trăm năm trước. Những chiếc lá màu nâu úa của một loại sung California có hình dạng giống lá phong đã rơi rụng gần hết. Từ ngày dọn về căn nhà này, vào mỗi đầu Mùa Xuân tôi đều chờ xem những nhánh cây khô bắt đầu nảy mầm xanh. Lần nào cũng vậy, tôi đều nhận thấy có sự kỳ diệu ở những mầm xanh non, vui mừng trong cơn hội ngộ với niềm tin ở sự sống sau một Mùa Ðông chết lặng.

Mùa xuân sẽ trở về với cỏ cây. Những gì giúp cho cây sung trước nhà nẩy lộc cũng sẽ mang đến niềm sống cho tôi. Tôi biết vậy, mà sao lòng vẫn bùi ngùi trong đêm Giao Thừa, thương cho một kiếp người phải nương tựa vào lời kinh, lần đường trong sương mù.


Hoàng Mai Đạt

(Nguồn: hoangmaidat.wordpress.com)

24 Tháng Mười 2020(Xem: 10744)
Tên thanh niên không thèm ngoái đầu nhìn lại, nó ôm con gà ngồi ở yên sau. Chiếc xe rồ máy lao ra khỏi cổng. Chị Mận đứng yên như trời trồng miệng lẩm bẩm: - Không biết sáng giờ nó ăn uống gì chưa?
24 Tháng Mười 2020(Xem: 12676)
Căn nhà như chiếc áo rách toang Mưa tuôn, gió thổi sẽ tan hoang Tôi thân các cháu chờ người cứu Xin trời thương xót kiếp cơ hàn.
18 Tháng Mười 2020(Xem: 13292)
Khi xe lửa rời bến, tôi đứng ở cửa sổ để nhìn lại Huế một lần cuối thì khói xe lửa tạt vào mặt tôi và từ đó bụi khói vào mắt tôi làm tôi chảy nước mắt suốt một đoạn đường dài.
18 Tháng Mười 2020(Xem: 12615)
vẫn cằm vuông. vẻ cương nghị nét phong trần, theo thời gian, phủ dầy vai áo chiếc chemise carreaux thầy thường mặc như một chọn lựa dấn thân ngày tuổi trẻ cho tuổi trẻ lần cuối cùng tôi gặp lại thầy, đã quá tám năm...
18 Tháng Mười 2020(Xem: 13597)
Thế đành... dang dở... âu đành thế Thôi vậy... ngậm ngùi... cũng vậy thôi Bạn hỡi! Hãy quên đi bạn hỡi Đời vui như thuở mới vui đời!
10 Tháng Mười 2020(Xem: 11149)
Màu da ngâm ngâm hơi rám nắng, mũi không cao, mắt mí lót, mặt có những nốt tàn nhang li ti. Nụ cười cũng chẳng làm nghiêng nước nghiêng thành nhưng biểu cảm sự thành thực và thân thiện.
10 Tháng Mười 2020(Xem: 13570)
Thôi nhé! Nghìn thu em ngủ yên Nỗi đau chị không muốn khêu thêm Tiễn em bàn phiếm buồn rưng rức Những dòng chữ viết cũng ưu phiền.
09 Tháng Mười 2020(Xem: 13361)
Thôi thì trước mặt sông sâu Lá xuôi dòng nước biệt sầu thế gian Đẹp thay chiếc lá thu vàng Bềnh bồng trên nước thênh thang giữa trời...
04 Tháng Mười 2020(Xem: 12556)
Những giọt nước mắt của mùa thu yêu thương và hoài niệm. Rồi mọi thứ sẽ qua, rồi tôi cũng sẽ đi vào hư vô. Mọi vật đều vô thường. Hãy nghĩ như vậy để yên vui.
30 Tháng Chín 2020(Xem: 14693)
Dĩ vãng chợt về ta đứng lặng. Chuyện của ngày xưa, thu của Thu. Ta đến giữa mùa thu lá vàng. Ta đi màu sắc vẫn ngập tràn. Giữ mãi trong tim vàng, tím, đỏ Như giữ một thời đã sang trang.
30 Tháng Chín 2020(Xem: 13589)
Người đi vượt chốn ba đào Mùa thu ở lại ngắm sao nguyên cầu Thời gian cõi tạm bao lâu? Mùa thu ở lại ngậm sầu lá rơi! Mong người đến chốn đúng nơi Thành tâm chung sức giúp đời an yên
24 Tháng Chín 2020(Xem: 15130)
Trăng viễn xứ trở về trên bến đợi Lòng thuyền xưa rời bến đã lâu rồi Trăng viễn xứ mờ mờ trên bến cũ Lòng thuyền nào đã chứa nửa vầng trăng?!
24 Tháng Chín 2020(Xem: 13071)
Trăng Thu đủng đỉnh qua vườn Chén trà hỏi bánh người thương đâu rồi? Gió thu lùa vạt mây trôi Để trăng in đậm dáng người phương xa
19 Tháng Chín 2020(Xem: 12591)
Nguyện cầu cho sân si con người dịu lại, thấy được sự vô thường của cuộc sống. Nguyện cầu cho lửa mau tàn, cho người dân trở về nhà sinh sống bình an. Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.
19 Tháng Chín 2020(Xem: 14444)
Từ biệt Portland về Cali Hai nơi cháy lớn ở và đi Tàn tro mắt đỏ tôi xoa mãi. Tháng chín năm nay thật ai bi.
12 Tháng Chín 2020(Xem: 12893)
Viết vài dòng này để tạ tội với dì tôi đã một thời mù đôi mắt vì tình lụy và nhất là tạ tội với ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ vì tôi đã hiểu lầm ông. Hắt hơi là tình hận chứ không phải muốn hù dọa, khoe danh.
05 Tháng Chín 2020(Xem: 15752)
..Mỗi người sống chết an bài? Tin buồn loan tới Anh Hoài đã đi Một tuần Vĩnh biệt chia ly Thanh Hoài, Tường Cát viết chi, nói gì? Sinh hữu hạn, tử vô kỳ? Bạn hiền thân ái sầu vì mất Anh.
05 Tháng Chín 2020(Xem: 12177)
Gió Thu nhè nhẹ vẫy tay chào Nàng Thu xinh đẹp đã bước vào Lá đỏ nghiêng mình soi dòng nước Trăng vàng lộng lẫy giữa ngàn sao
05 Tháng Chín 2020(Xem: 13057)
Xuân đi, Xuân tới bao lần, Nhớ mùa Xuân cũ tần ngần ngóng trông Đất Trời, Biển rộng mênh mông? Niềm vui, hy vọng sẽ không phai mờ.?
04 Tháng Chín 2020(Xem: 12205)
Bây giờ Tháng Chín Mùa Thu Trăng treo đỉnh núi vọng mù tóc bay Biển đời gió đọng mưa lay Cầu mong được phút giây này bình yên...
29 Tháng Tám 2020(Xem: 12043)
. Các Tăng Ni dù không được tập trung cầu nguyện như những mùa Vu Lan trước, nhưng năm nay bà Tâm tin tưởng Thầy, Sư Cô và các vị Sư sẽ trì chú tụng kinh nhiều hơn ở mỗi đêm.
27 Tháng Tám 2020(Xem: 14111)
Cám ơn cháu cho ta giác ngộ Một lạy thôi rực rỡ hào quang Cử chỉ khiêm cung bát ngát sen vàng Ta học Phật, học từ đứa bé.
26 Tháng Tám 2020(Xem: 13877)
Rất muốn ngắm biển đêm bằng đôi mắt Tìm những điều ẩn ý dưới hoang mang Và muốn thấy giữa vô cùng tịch mịch Trăng lạc đường vì gió mãi lang thang.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 10036)
Buổi tưởng niệm kết thúc qua phần tri ơn của gia đình “Chúng con vô cùng tri ơn quý Thầy Cô và quý anh chị cựu học sinh Ngô Quyền đã mang đến cho ba chúng con một cuộc đời, một cuộc sống đầy ý nghĩa”.
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9455)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
22 Tháng Tám 2020(Xem: 14533)
Khủng khiếp ngoài trời lửa bốc nhanh Cali hỏa hoạn đã tung hoành Mây đen chế ngự vùng trời rộng Lửa cháy tràn lan khắp núi xanh
14 Tháng Tám 2020(Xem: 15408)
Ta đã mệt nhoài bao năm tháng Buông tay rủ sạch, ta rút lui. Ta nghe văng vẳng những hồi chuông. Tiếng mõ ngân nga vọng vô thường Khoan thai ta bước vào vô tận Một kiếp phù du chẳng vấn vương.
12 Tháng Tám 2020(Xem: 13907)
Tai nghe chim hót ngất ngây. Hồ Thu in bóng rừng cây muôn mầu. Vui lên xin chớ u sầu! Hẹn ngày tái ngộ bắt đầu thu sang ? Viễn du thế giới thênh thang . Ngày Xưa Thân Ái kiên gan đợi chờ...