GẤU TẬN TÂM LÊ PHỈ - HUYNH TRƯỞNG GIÀ LÀNG CỦA ĐẠO LÂM VIÊN
Vừa bước vào ngôi biệt thự xinh xắn trên đường Tương Phố yên bình phố núi mù sương, Sáo Lý Luận cất tiếng hót vang chào chủ gia trang ngay tức khắc:
- Anh Gấu Tận Tâm ơi, có em Sáo Lý Luận đến thăm anh đây…
Đáp lại câu chào của Sáo, một vị cao niên hiền hòa nở nụ cười tươi:
- Đợi anh một chút, anh đang dở tay…
- Anh cứ thong thả châm cứu cho cô, em đợi được…
Anh Gấu Tận Tâm đang điều trị chứng đau khớp gối cho bệnh nhân cuối cùng trong ngày của phòng châm cứu từ thiện tại gia, do anh thành lập hoạt động đã mấy năm qua...
Cuộc gặp gỡ này bắt nguồn từ “cái tích tuồng” của 50 năm trước, mà Sáo Lý Luận mới biết được nguồn cơn trong buổi ban mai ngày hôm ấy, phát xuất từ thông tin hết sức bất ngờ của Phó đạo trưởng Đạo Lâm Viên Phạm Văn Bình. Chuyện là vầy…
Chọn quán cafe Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương làm điểm hẹn, Sáo Lý Luận chỉ mong gặp và biếu anh Sóc Vui Vẻ - Phạm Văn Bình tập Kỷ yếu SBTT của gia đình cựu hđs.BH, nhân dịp Sáo đến Đà Lạt xả xì-trét cuối tuần vào năm 2017 mà thôi. Đến lúc gọi phone để nhận diện nhau, Sáo càng vui hơn khi có thêm một nhân vật rừng khác đi cùng anh Sóc:
- Giới thiệu với Sáo Lý Luận, đây là Tê Giác Điềm Đạm - Lê Thái Sơn…
Cùng là công dân Hướng Đạo nên Sóc - Sáo - Tê Giác nhanh chóng hòa đồng thân thiện, dù rằng ba anh em mới gặp gỡ lần đầu. Hẹn sẽ gửi Kỷ yếu SBTT biếu Tê Giác Điềm Đạm qua EMS, Sáo nhanh chóng chuyển hướng chủ đề cho đỡ ngại bởi Sáo không mang quà tặng dự phòng. Một kỷ niệm ngày thơ mà Sáo chia sẻ liền ngay sau đó, là trại hè Đà Lạt lúc Sáo chưa tròn mười tuổi, vẫn đang độ tuổi sinh hoạt ngành Ấu với bầy Bạch Phượng thuộc đạo Trấn Biên:
- Năm 1967 lần đầu tiên Sáo được ngủ lều trên đồi Cù Đà Lạt, nửa đêm trời đổ mưa tầm tã khiến tất cả trại sinh một phen tá hỏa run gân. Bầy chim non và bầy sói con được ưu tiên dời vào đạo quán Lâm Viên đối diện đồi Cù tránh rét, còn các anh chị Thiếu - Kha - Tráng sinh tiếp tục chống chọi cơn mưa phố núi suốt đêm thâu có ngủ được đâu?… Những ngày sau đó Đạo Trấn Biên đành phải giở trại, cuốn hết lều bạt gậy gộc (?!…) hành trang chuyển đến trường tư thục Việt Anh sinh hoạt cho đến ngày về. Cũng may là lúc đó học sinh đang nghỉ hè, nhờ vậy mà đơn vị Trấn Biên mới có chỗ để dung thân…
Nghe Sáo Lý Luận kể đến đây anh Sóc Vui Vẻ bật cười, hướng nhìn về phía Tê Giác Điềm Đạm:
- Cô có biết hiệu trưởng trường Việt Anh ngày đó là ai không? Là bố của Tê Giác đấy!…
- Úi mèn đét ơi, em biết không Sơn? Tên trường Việt Anh là thông tin duy nhất chị Mai biết và nhớ về trại hè năm đó. Lát nữa Sơn đưa chị Mai về nhà thăm ba của em liền. Hy hữu quá nghen Sơn…
Đó là lần đầu tiên Sáo biết danh tính của hiệu trưởng trường Việt Anh, một ngôi trường trung học tư thục nổi tiếng trước năm 1975 của Đà Lạt. Và lần đầu tiên Sáo biết anh Gấu Tận Tâm - Lê Phỉ là một huynh trưởng Hướng Đạo kỳ cựu của rừng Lâm Viên. Anh Lê Phỉ cũng đồng thời là một nhân sĩ trí thức trước năm 1975 được mệnh danh là nhà Đà Lạt học, với tất cả tình yêu và hoài bão anh luôn dành cho mảnh đất tình người Đà Lạt đôn hậu hiền hòa…
Anh Gấu Tận Tâm và em Sáo Lý Luận chuyện trò khá tương đồng tâm đắc, dù đó là lần đầu Sáo được “diện kiến” huynh trưởng già làng của đạo Lâm Viên. Chín mươi niên kỷ, nhưng Gấu Tận Tâm - Lê Phỉ vẫn hoạt bát và minh mẫn lắm. Anh nhớ như in, chia sẻ từng câu chuyện đời Hướng Đạo xưa & nay với cô em Sáo Lý Luận tuổỉ sáu mươi. Câu chuyện mỗi lúc thêm sôi nổi, cứ y như hai anh em Gấu & Sáo thân thiết từ lúc nảo lúc nào chứ không phải lần đầu quen biết, sau đúng 50 năm anh Gấu Tận Tâm rộng mở cổng trường Việt Anh đón cả đơn vị Trấn Biên vào sinh hoạt trại hè. Qua lời tâm sự muộn màng của Gấu Tận Tâm, Sáo Lý Luận biết rằng…
Năm 1940 Lê Phỉ rời làng quê Quãng Trị chuyển đến tỉnh Thanh Hóa, là nhiệm sở làm việc mới của cha anh. Ngay trong năm này Lê Phỉ gia nhập Hướng Đạo theo hướng dẫn của huynh trưởng Chu Đình Lợi, cũng là giáo viên năm cuối cấp Tiểu học của cậu học trò - thiếu sinh Lê Phỉ. Con đường học vấn của Lê Phỉ trải qua nhiều tỉnh thành miền Trung theo bước chân công cán của cha, cho đến lúc Lê Phỉ trưởng thành và chọn hướng đi riêng của cuộc đời mình. Anh Lê Phỉ từng dạy học, từng là sĩ quan quân lực VNCH để cuối cùng, anh trụ lại trên cao nguyên Lâm Viên từ năm 1955 sau khi anh rời quân ngũ.
Hơn tám mươi năm - kể từ ngày anh Lê Phỉ đặt bàn tay trái lên đoàn kỳ tuyên hứa - thì ba lời hứa và mười điều luật Hướng Đạo luôn cùng nhịp đập với trái tim nhân ái của anh. Cho dù anh ở cương vị nào & làm bất cứ công việc gì, cho dù anh phiêu bạt ở nơi đâu… thì huynh trưởng già làng Gấu Tậm Tâm - Lê Phỉ vẫn trước sau như một, luôn kiên định tinh thần một hướng đạo sinh chân chính cho đến lúc anh xuôi tay nhắm mắt lìa rừng…
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai
Tháng 6/2024