Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Thích Nữ Hằng Như - THIỀN DƯỚI ÁNH SÁNG KHOA HỌC

07 Tháng Mười 201711:46 CH(Xem: 9722)
Thích Nữ Hằng Như - THIỀN DƯỚI ÁNH SÁNG KHOA HỌC

Thiền Dưới Ánh Sáng Khoa Học

Thích Nữ Hằng Như

-------------------------------------------------------

 

THIỀN LÀ MÔN KHOA HỌC TÂM LINH THỰC NGHIỆM

            Sống trong thời đại văn minh, con người cần phải học hỏi để theo kịp trào lưu tiến bộ trong nhiều lãnh vực như Y học, Não học, Tâm lý học, Địa chấn học, Thiên văn học, Vũ trụ học v.v... Cho nên, trong bối cảnh sinh hoạt Thiền hiện tại, chúng ta cũng cần đặt vị trí Thiền vào môi trường sinh hoạt chung, để kịp thời ứng phó và thích nghi với bước tiến của nhân loại trong thế kỷ thứ 21 này. Chính vì lý do đó, trong chương trình hướng dẫn thiền sinh thực tập Thiền Phật Giáo, chủ đích là thiền Định, Hoà Thượng Thích Thông Triệt, Viện chủ Thiền Viện Tánh Không Nam California, ngoài việc cung cấp hành trang cho các thiền sinh về Kiến Thức Phật học, Thiền học, đã thêm vào chương trình giảng dạy về Kiến thức Khoa học Não bộ và Kỹ thuật thực hành thiền Định theo từng cấp lớp từ Thiền Căn Bản lên các khoá Trung Cấp Bát Nhã cao hơn. Đây là quan niệm mới mà Hoà Thượng đã áp dụng trong giáo trình hoằng hoá độ sinh của Ngài.

Theo quan niệm mới này, Thiền Đông phương ngày nay không còn là một khái niệm xa vời, đóng  khung trong khuôn  khổ tu hành của người xuất gia là tu hành để trở về với bản tánh bản tâm thanh tịnh, tức trở về với Phật Tánh sẵn có trong mỗi con người. Thiền ngày nay đã vượt ra ngoài  tôn giáo, đang là một phong trào phát triển khắp mọi nơi trên thế giới. Nó đã trở thành một trào lưu, một xu hướng được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Người ta xúm nhau thiền để xả stress, thiền để hoá giải trầm cảm, thiền để trị bệnh, thiền để tâm trí được sáng suốt, nhẹ nhàng... trước những áp lực nặng nề của đời sống.

            Không những thế các nhà Khoa học cũng tham gia nghiên cứu nhiều về Thiền. Như trong tạp chí Scientific American, trong đó các nhà Khoa học Thần Kinh Não bộ đã dùng máy PET (Positron Emission Tomography) chụp được 4 vùng trong não bộ: (1) TánhThấy (2) Tánh Nghe, (3) Vùng Giải mã khái niệm là vùng Broca và (4) vùng Nói thầm ngay tại vùng Ý chí vận động.  Những vùng này liên hệ đến các Tánh mà trong nhà Phật từng đề cập tới.

            Vào ngày 0-1/6/2016 trên trang blog của hai tác giả Chap và Zen là "HơiThở.vn"  có đăng một bài viết tổng hợp các bản tin nghiên cứu về Thiền mang tựa đề "Thiền Định Dưới Góc Độ Khoa Học" có nội dung như sau:

            - Giáo Sư Richard Davidson, Giám Đốc Phòng Nghiên Cứu Thần Kinh thuộc đại học  Winconsin, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc thử nghiệm với nhà sư Matthieu Ricard thuộc tu viện Shechen, Nepal.  Cuộc thử nghiệm này nhằm theo dõi sự thay đổi của tế bào não khi nhà sư nhập định, bằng âm hưởng của từ trường qua máy chụp ba chiều f-MRI.

            Ở trong trạng thái Thiền, nhà sư Ricard thực hành chủ đề quán tưởng đến một cá nhân nào đó với lòng thương cảm. Ngay khi đó âm hưởng từ trường của máy f-MRI ghi nhận các tế bào ở thuỳ não thuộc tiền trán của nhà sư có dấu hiệu hoạt động mạnh mẽ. Tiền trán bán cầu não trái này chính là nơi khích động tình cảm.

            Tổng hợp lại những lần thử nghiệm trước, các nhà khoa học nhận ra rằng tiền trán bán cầu não trái của người nào hoạt động nhiều là người đó đang vui mừng, đang cảm thấy hạnh phúc, hoặc họ là người luôn có tính tình vui vẻ và dễ dàng phục hồi sau khi gặp những biến cố tình cảm tiêu cực. Ngược lại những người hay buồn bả, lo lắng, sợ hãi hay sầu muộn, các tế bào não bên phải tiền trán hoạt động nhiều hơn. Giáo Sư Davidson đưa ra kết quả là có 67% thuộc mẫu người có cuộc sống hạnh phúc trung bình.  33% mẫu người có não thuỳ trái và não thuỳ phải thuộc tiền trán hoạt động thái quá, đây là những mẫu người luôn sống thật hạnh phúc hay quá đau khổ.

            Riêng hoạt động tế bào não của nhà sư Ricard vượt cao hơn bất cứ người nào mà Davidson  đã thử nghiệm trước đây. Ngay cả khi nhà sư không nhập định, máy đo cho thấy hoạt động của bán cầu não trái thuộc tiền trán vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy, nếu thực hành Thiền thường xuyên sẽ kích thích hoạt động của tế bào não ở thuỳ trái mạnh mẽ hơn, từ đó giúp cho con người có cảm giác vui vẻ, lạc quan, sẽ nhanh chóng vượt qua các trạng thái tâm lý tiêu cực nếu gặp phải. Thậm chí, mức này còn vượt xa so với những con người bình thường, và những người có tinh thần lạc quan tự nhiên không cần thực hành thiền.

            - Năm 1967 Giáo Sư Đại Học Harvard là ông Herbert Benson đã tiến hành nghiên cứu trên 36 người thực hành thiền Định và thấy rằng khi ngồi thiền họ xử dụng lượng oxy ít hơn bình thường tới 17%, còn nhịp tim của họ thì giảm bớt 3 hay 4 nhịp trong mỗi phút và sóng Theta ở não bộ gia tăng giống như trạng thái trước khi ngủ, trong khi toàn bộ não vẫn tỉnh táo.

            - Năm 1974 Tiến sĩ Tâm Thần Học, ông Gregg Jacobs trường Đại Học Harvard đưa ra kết quả nghiên cứu những người hành thiền có thể phát ra những làn sóng Theta, đồng thời phong toả phần não phía trước thuộc vùng tiền trán, là nơi nhận và xử lý cảm giác. Ngoài ra tế bào não ở vùng thuỳ Đỉnh, nơi phụ trách cảm giác về thời gian và không gian cũng giảm thiểu hoạt động. Nếu thuỳ Đỉnh hoàn toàn yên lặng, người ta có thể mất cảm giác về giới hạn vì cảm thấy vũ trụ "trở thành một".

            - Một cuộc nghiên cứu khác của Paul Ekman thuộc Trung Tâm Y Học, Viện Đại Học California, San Francisco cho biết thiền Định và Quán chiếu có thể chế phục được hạnh nhân (Amygdala) là nơi lưu trữ những ký ức sợ hãi. Ông Ekman khám phá ra rằng: Những người bình thường khi bị chấn kích, bất an, hoảng hốt hay nổi giận thì tuyến thượng thận tiết ra chất Adrenaline (Epinephrine), chất này điều khiển nhịp tim đập nhanh hơn, nhưng đối với các thiền sư cao cấp thì họ gần như khống chế được hoàn toàn những sự kiện này.

 

            - Riêng về Hoà Thượng Thích Thông Triệt trong dịp sang Đức quốc dạy Thiền Phật Giáo vào năm 2006. Hai đệ tử của Hoà Thượng là vợ chồng nữ  Bác sĩ Phạm Ngọc Thịnh và Bác sĩ Phạm Văn Phú đã tiếp xúc với Tiến sĩ Micheal Erb thuộc Phân Khoa Nghiên Cứu Não Bộ bằng Bức Xạ Học ở trường Đại Học Y Khoa Tubingen, Nam Đức. Hai thiền sinh này trình bày ý định của Hoà Thượng Thông Triệt muốn chụp hình vị trí 4 Tánh trong não bộ để chứng minh lời Phật dạy. Tiến Sĩ Erb đồng ý, sau đó ông mời thêm Tiến Sĩ Ranganatha Sitaram thuộc Phân Khoa Tâm Lý Y Học trường đại học Tubingen, Đức quốc cùng hợp tác.

            Thời gian chuẩn bị kéo dài hơn nửa năm.

            Đến tháng 6 năm 2006, Tiến sĩ Erb đề nghị chụp hình thử nghiệm thiền sinh. Sau đó chụp thử nghiệm Hoà Thượng Thông Triệt và tăng đoàn Tánh Không.
Thiền 1Thien 2

Tháng 6-2007 thì chương trình chụp hình và nghiên cứu não bộ của Hoà Thượng Thông Triệt, khi hành Thiền và không hành Thiền, bằng máy f-MRI chính thức bắt đầu.

            Liên tiếp các năm sau 2008, 2009, 2010 Hoà Thượng Thông Triệt từ Hoa Kỳ bay sang Đức nhiều lần để chụp hình não bộ. Lần chụp sau cùng của Hoà Thượng được Tiến Sĩ Erb thực hiện vào ngày 8 và 9 tháng 6, 2013 với kỹ thuật chụp ảnh chức năng cộng hưởng từ (f-MRI) và điện não đồ (EEG-256 channels).

            Kết quả Hoà Thượng đã chứng minh được vị trí của 4 Tánh mà trong kinh Bãhiya, đức Phật đã giảng dạy. Đó là Tánh Thấy nằm ở vùng thuỳ Chẩm, Tánh Nghe ở thuỳ Thái Dương, Tánh Xúc Chạm ở thuỳ Đỉnh và Tánh Nhận Thức Biết cũng ở thuỳ Đỉnh và giữa Tánh Xúc Chạm và Tánh Thấy. Cả bốn Tánh nằm phía sau bán cầu não trái. Đặc biệt  Hoà Thượng cũng chứng minh được vùng Tầm và Tứ ở thuỳ Trán.

            Khi Hoà Thượng nhập định thì các Tánh trong não bộ được tác động hiện lên ánh sáng màu vàng cam đậm trên màn hình, trong khi đó các vùng Ý Căn, Ý thức, Trí Năng và vùng Nói thầm hiện lên màu xanh.

            Khi Hoà Thượng thực hành nói thầm trong não (vọng tưởng) thì vùng tiền trán hiện lên màu vàng cam, tức là vùng Vọng Tâm bị tác động mạnh, còn vùng Tánh Giác phía sau hoàn toàn yên lặng hiện lên màu xanh.

            Vào đầu năm 2010, Tiến sĩ Erb chụp hình khi Hoà Thượng thực hành 4 tiến trình Định: (1) Định có Tầm có Tứ, (2) Định không Tầm không Tứ, (3) Định Chánh niệm tỉnh giác (4) Chân Như Định hay còn gọi là Định bất động (Akuppã Samãdhi).  Đặc biệt khi Hoà Thượng áp dụng chủ đề "Chú Ý Trống Rỗng" nhập định sâu, thật bất ngờ là cả 4 Tánh đồng mở hiện lên ánh sáng màu vàng cam trên màn hình.

            Sau 5 năm thử nghiệm qua nhiều lần chụp hình não bộ của Hoà Thượng Thông Triệt, hai vị Tiến sĩ Michael Erb và Ranganatha Sitaram đã nghiên cứu và đúc kết toàn bộ, viết bài tường trình. Sau đó, họ đã đại diện Đại học Tubingen tham dự Đại hội các khoa học gia thế giới về não bộ, trưng bày kết quả về chụp hình não bộ của Hoà Thượng khi thực hành Thiền và khi không thực hành Thiền, trong chương trình "Organization of Human Brain Mapping" (OHBM) được tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha, từ ngày 6 đến 10 tháng 6 năm 2010. Năm sau, cũng vào tháng 6-2011, công trình nghiên cứu này lại một lần nữa được triển lãm tại hội nghị OHBM ở Quebec, Canada.

            Nhìn chung, các kết quả chụp hình và nghiên cứu não bộ của những người thực hành Thiền, đã được một số các nhà Khoa học não bộ thế giới công nhận thiền Định có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động não bộ của con người.

            Đây cũng là một trong những lý do mà Hoà Thượng Thông Triệt đã quyết định mang Khoa học Não Bộ vào chương trình giảng dạy Thiền để giải thích những kết quả vi diệu do thiền Định mang tới. Mặc dù những nghiên cứu của Khoa Học không dừng lại một chỗ mà sẽ còn thay đổi, nhưng ít ra trong hiện tại chúng ta có thể nhờ vào ánh sáng Khoa học để kiểm soát việc thực hành thiền của mình. Chỉ cần thực hành thiền trong vòng từ 10 đến 15 phút là hành giả có thể biết ngay là mình thực hành đúng hay sai. Thực hành đúng, sau khi xả thiền mình cảm thấy khoẻ khoắn, nhịp tim nhẹ nhàng chậm lại, áp huyết hạ, tinh thần thoải mái vui vẻ. Ngược lại mình cảm thấy trong người bần thần khó chịu, nóng nảy, bực bội, có khi bị nhức đầu, áp huyết gia tăng ... thì đó là mình đã thực hành sai, cần phải điều chỉnh pháp tu cho đúng.

            Tóm lại, với cái nhìn mới, ngày nay Thiền không còn là một vấn đề bí hiểm khó thực hiện nữa, có thể xem Thiền là một Khoa Học thuộc về Tâm linh. Nhờ ánh sáng của Khoa Học soi rọi vào bộ não của con người nên việc tu tập Thiền không còn mấy khó khăn và kết quả không phải là một sự huyền bí nữa. Hễ tác động đúng Pháp, đúng Kỹ thuật thì tác dụng tốt, thân khoẻ, tâm an, trí tuệ tâm linh phát huy.  Nếu tác động sai Pháp, sai Kỹ thuật thì tác dụng xấu đưa đến bệnh tâm thể, bất an, dính mắc, trí tuệ tâm linh không phát huy, mà chỉ có trí thế gian lúc nào cũng suy nghĩ, tranh đua, ganh tỵ... mà thôi!

            Nguyên lý này đúng như lời đức Phật đã dạy là "Cái này có, cái kia có". Cho nên, người thực hành Thiền, cần khai triển năng lực Biết không lời của Tánh Giác để Tâm được hoàn toàn tĩnh lặng, thanh thản, chứ không phải khai triển năng lực Biết Có Lời của Ý thức, Ý căn hay Trí năng khiến cho Tâm lúc nào cũng dao động phiền não lo âu. Tu tập Thiền theo quan niệm mới này là đứng trên lập trường Khoa Học Tâm Linh Thực Nghiệm tức là hành giả phải có sự hiểu biết rõ ràng trong sáng về lý thuyết, không mơ hồ huyền bí, đó là có "cái nhìn Khoa học" về chủ đề, về pháp tu. Thực hành đúng để có kinh nghiệm về điều mình học (ngộ lý) tức là thể nhập cái lý đó trên thân, tâm và trí tuệ tâm linh, như thế mới gọi là "tâm linh thực nghiệm". Có đứng trên lập trường này, chúng ta mới cụ thể hoá được truyền thống nồng cốt của Thiền học Đông phương là mang lại sự hài hoà cho nhân sinh (human life) trong bối cảnh sống mới của xã hội hiện nay.

 

HỒI ĐÁP SINH HỌC TRONG THIỀN

            - Thiền là gì? Theo Phật Giáo Nguyên Thuỷ, Thiền tiếng Phạn là Dhyàna, tiếng Pàli là Jhàna hay Bhavana. Dhyàna tiếng Hán phiên âm là Thiền Na, dịch qua tiếng Việt là Tĩnh Lự có nghĩa là sự yên lặng. Còn Bhavana dùng để chỉ những phương pháp thực hành nhằm rèn luyện Tâm. Có hai phương pháp thực hành Thiền là thiền Định (Samàdhi Bhavana) và thiền Quán (Vipassanà Bhavana). 

            Theo nghĩa này thì Thiền là phương tiện (thực tập theo một phương pháp nào đó) để giúp chúng ta sống trọn vẹn với hiện tại và tìm được sự yên lặng an ổn trong tâm hồn. Nói cách khác  Thiền giúp ta quay về với "bản tánh thanh tịnh"  còn gọi là "bản lai diện mục" hay "Phật tánh" vốn có sẵn trong mỗi con người.  Như vậy Thiền là một phương pháp điều trị Tâm, giúp Tâm được bình an, bớt tán loạn. Khi Tâm bình an thì con người sẽ đón nhận sự việc bằng con mắt sáng suốt lạc quan hơn. Khi tinh thần lạc quan tốt đẹp thì tự nhiên thân thể cũng khoẻ mạnh, ngăn ngừa được những mầm mống gây bệnh trong người.

             Hoà Thượng Thông Triệt có lần chia sẻ với thiền sinh: "Hễ nói đến Thiền là người ta thường hay nghĩ đến thiền Định vì đức Phật qua phương thức thiền Định mà đạt quả Vô Thượng. Thực hành thiền Định là thực hành các chiêu thức hay kỹ thuật nhằm mục đích huấn luyện tế bào não vốn có quán tính động do suy nghĩ, xúc cảm, phiền muộn, lo âu, giận hờn... trở thành quán tính an tịnh, vắng lặng, thanh thản".  Nhưng huấn luyện cho Tâm thức đạt được yên lặng chưa phải là cứu cánh của người tu Thiền, mà phải đi đến chỗ sáng suốt giác ngộ giải thoát mới là mục tiêu. Cho nên Thiền có thể hiểu là trạng thái Tâm Linh.

            Trạng thái Tâm Linh là trạng thái Tâm định tĩnh sâu lắng nhưng sáng suốt của một hành giả đã chứng ngộ. Trạng thái này không thể dùng lời diễn tả, mà phải chứng Ngộ, chứng Thiền thì hành giả sẽ tự biết tự hiểu mà thôi. Người thực tập Thiền khác với người sống Thiền hay chứng Thiền. Người chứng Thiền hay sống Thiền là người thường xuyên an trú trong các Tánh. Họ không dính mắc với mọi thăng trầm, vinh nhục của cuộc đời, không động tâm đối với tất cả những pháp thế gian. Lúc nào và ở đâu trạng thái Tâm của họ cũng hoàn toàn thanh tịnh và hằng biết.

            - Hồi đáp: Có nghĩa là sự đáp ứng trở lại, tức là sau khi làm điều gì chúng ta sẽ nhận được đáp ứng của điều đó. Thí dụ: Sau khi tắm mình cảm thấy mát mẻ dễ chịu. Mát mẻ dễ chịu là kết quả đáp ứng sau khi mình tắm. Thí dụ khác: Một vị thiền sư hướng dẫn thiền sinh học giáo lý và thực hành Thiền. Muốn biết thiền sinh có thu thập những điều đã học hay không, vị Thiền sư đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm, thiền sinh trả lời, đó là sự đáp ứng của thiền sinh về sự học hỏi từ vị thầy của mình. Những sự đáp ứng (hiểu biết) này được gọi là "hồi đáp".

            - Sinh học: Là phần tác dụng bên trong cơ thể do các chất hoá học trong hệ thần kinh, trong tế bào não và trong các tuyến nội tiết tiết ra khi ta thực tập chủ đề nào đó trong Thiền. Những chất hoá học này thuộc sinh học, vì những chất đó vốn ở bên trong cơ thể còn sống của người hành thiền được tiết ra qua sự dụng công. Những chất đó có khả năng làm lợi hay gây hại cho cơ thể. Tác dụng những chất hoá học được tiết ra này gọi là "hồi đáp sinh học".

            Như vậy "hồi đáp sinh học trong Thiền" là thông qua Tâm thực hành Pháp (các chủ đề) do Phật hay Tổ dạy, cơ chế não bộ sẽ bị kích thích để tiết ra các chất nước hoá học làm lợi hay hại cơ thể. Làm lợi là thực hành đúng Pháp, đúng kỹ thuật, kết quả: Thân khoẻ, Tâm an, Trí huệ tâm linh phát huy.  Làm hại là thực hành sai Pháp sai kỹ thuật, hậu quả: Thân bệnh, Tâm dính mắc bất an, phát huy trí thế gian cố gắng, tranh đua ... nhằm phục vụ cho tham lam tự ngã.

 

SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA TÂM, PHÁP VÀ NÃO BỘ

            Khi chúng ta thực hành Thiền, nghĩa là chúng ta xử dụng Tâm. Tâm ở đây chính là Trí Năng Tỉnh Ngộ để thực hành Pháp Phật (Quán, Chỉ, Định, Huệ). Khi Tâm khởi động, xung lực thần kinh liền truyền thẳng đến những nơi liên hệ đến niệm (yên lặng hay dao động) do Tâm phát ra. Những tín hiệu này sẽ tác động vào trục dây chuyền trong Não bộ. Ở Võ Não thì có 3 vùng:

            1) Vùng tiền trán bán cầu não trái là vùng Ý Căn. Chức năng của Ý Căn là suy nghĩ, tính toán, lý luận, xét đoán, biện luận và Trí Năng suy luận, vẻ vời, tưởng tượng.

            2) Vùng tiền trán bán cầu não phải là vùng Ý thức. Chức năng của Ý thức là phân biệt, so sánh hai bên tạo ra các loại tâm như sân hận, lo âu, nghi ngờ, sợ hãi, suy luận, suy đoán v.v... mà chủ thể là "cái ta dính mắc triền miên".

            Cả hai vùng này thuộc Vọng tâm.

            3) Vùng thứ ba là phía sau bán cầu não trái là vùng Tánh Giác (Chân Tâm). Chủ thể là "ông chủ" hay "chân ngã" tạo ra những quá trình thanh thản, vắng lặng nội tâm, tỉnh giác, thầm nhận biết, tỉnh thức biết, nhận thức biết không lời.

            Bộ não kết hợp bởi 4 thuỳ: Thuỳ trán, Thuỳ Thái dương, thuỳ Đỉnh và thuỳ Chẩm. Nó gồm 2 phần: Vỏ Não và Hệ thống Viền Não. Hệ thống Viền Não bao gồm khu Đồi Thị (Thalamus), Dưới Đồi (Hypothalamus), Ký Ức Dài Hạn (Hippocampus), Ký Ức Ngắn Hạn, Cuống Não, Hệ thống Thần Kinh Tự Quản (The Autonomic Nervous System) và Tuyến nội tiết. Bên trong cấu trúc của những vùng này đều có chứa chất nước hoá học. Những chất nước hoá học này đều có 2 công dụng: làm lợi hoặc gây hại cho thân, tâm và trí tuệ. Tuỳ theo mức độ nội dung phát ra xung lực của Tâm, các chất nước hoá học có lợi hay có hại cho cơ thể sẽ được tiết ra.

 

TÁNH GIÁC

            Tánh giác nằm ở vùng Vỏ Não (Cotex), phía sau bán cầu não trái gồm Tánh Nghe, Tánh Thấy, Tánh Xúc Chạm và một Tánh khác sâu sắc hơn đó là Tánh Nhận Thức Biết. Tánh Giác là thuật ngữ trong Thiền Tông và Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Đức Phật gọi là Vô Sanh hay Hồ Nước Trong.  Phật giáo Phát Triển thuộc hệ Duy Thức, ngài Chân Đế (Paramãrtha 499-569, người nước Ưu Thiền Ni (Ujjayani) miền Tây Ấn Độ, gốc Bà-La-Môn, đến Trung Hoa năm 548) gọi là Bạch Tịnh Thức.

            Tánh Giác là cái Biết không có sự ganh đua vì không có tự ngã.  Trong Khoa Học gọi nó là Vùng Giác Tri Tâm Linh (Gnostic Sprituality) hay Vùng Kiến Giải Tổng Quát (General Interpretative Area). Hoà Thượng Thông Triệt gọi là vùng Biết Không Lời, tức là chỉ có sự tự nhận biết mà không có nói thầm trong não kèm theo trong đó. Chức năng của nó là kiến giải tất cả đối tượng của giác quan mà không có tự ngã can thiệp vào. Khi Tánh Giác có mặt thì phiền não, sân hận, lo âu, sợ hãi, tranh chấp, ganh đua, hận thù không có mặt, tâm người hành thiền trở nên an tịnh, trầm lặng và thanh thản, bởi Trí năng đã tỉnh ngộ không còn méo mó, mọi xúc cảm/ xúc động yên lặng. Theo đó tất cả năng lượng sinh học (bio-energies) bên trong cơ thể được khai triển đồng bộ. Tác dụng sinh học (bio-action) trong Thiền dựa trên sự có mặt của nó mà hoạt hoá.  Lý do, khi Tánh Giác có mặt, cùng một lúc Vỏ não và khu Dưới Đồi bị tác động.

            Qua đó hệ thống Đối Giao Cảm Thần Kinh, Hệ thống tuyến Nội Tiết đồng bộ bị tác động tiết ra những chất sinh hoá học, cụ thể là Acetylcholine. Chất này làm hạ huyết áp, hạ đường trong máu, cơ thể nhẹ nhàng (khinh an), tay chân linh hoạt, ký ức được tăng cường. Chất Dopamine cũng tiết ra, chất này mang đến sự lâng lâng, hỷ lạc cho thân tâm khiến con người cảm thấy vui vẻ lạc quan. Tuyến Yên sẽ tiết ra chất Endorphin giúp cho cơ thể bớt đau nhức. Đối Giao Cảm cũng tác động đến tuyến Tuỵ làm tiết ra Insulin giúp cho bệnh tiểu đường giảm dần, đi đến quân bình.

            Từ trên nguyên lý này, cho thấy Tánh Giác đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị hay điều chỉnh bệnh tâm thể giúp thân khoẻ mạnh, tâm an lạc nhờ dựa trên những tác động dây chuyền này giữa cơ chế Tánh Giác, khu Dưới Đồi, tuyến Yên và tuyến Nội Tiết.

 

HỆ THỐNG VIỀN NÃO

            Trong Hệ Thống Viền Não có nhiều khu vực như: Cơ Cấu Mạng Lưới (Reticular Formation) bên trong Cuống Não, Dưới Đồi (Hypothalamus), Đồi Thị (Thalamus), tuyến Tùng (Pineal Gland), tuyến Yên (Pituitary Gland), Tiểu não (Cerebellum) v.v...

            Khu Dưới Đồi là trung tâm quan trọng nhất vì nó là cơ chế biểu lộ các sắc thái Tâm (Tâm phàm phu, Tâm bậc Thánh hay Tâm Phật). Chức năng của nó là kiểm soát hệ Thần Kinh Tự Quản (The Autonomic Nervous System) và chuyển "tín hiệu tâm" từ Vỏ Não đến các trung tâm khác trong giữa não (Viền Não). Nó biểu lộ những nét bề ngoài hay sâu kín của vọng tâm (false mind) và chân tâm (real mind).

 Thien 3

Thí dụ: Khi biểu lộ những xúc cảm buồn, lo sợ, giận dỗi, tức bực, những tín hiệu vọng tâm đó liền truyền xung lực đến khu Dưới Đồi; khu Dưới Đồi truyền xung lực xúc cảm đó đến 4 nơi. Một ngả lên Đồi Thị (Thalamus), một ngả đến Giao Cảm Thần Kinh (Sympathetic Division), một ngả đi vào Tuyến Yên (Pituitary Gland), một ngả đi vào nội tạng, đặc biệt là tim. Do đó vui quá độ cũng đưa đến đứng tim và tức giận quá mức cũng có thể làm cho con người ta  ói ra máu.

            Chức năng của Đồi Thị (Thalamus) là khuếch tán tín hiệu tâm cảm xúc đi đến các vùng ký ức ngắn hạn, ký ức xúc cảm (Amygdala), ký ức dài hạn và khắp vỏ não. Khi tín hiệu xúc cảm truyền đến vùng Thân Thọ trên thuỳ Đỉnh, nơi đây liền truyền đến hệ Giao Cảm Thần Kinh. Ngay tức khắc, nét buồn, vui, giận ...  kia liền được biểu lộ ra ngoài gương mặt (đỏ bừng hay tái xanh) và trong ánh mắt (con ngươi nở to, tròng trắng đỏ ngầu, nước mắt ứa ra ... ) của ta.

            Chức năng của Giao Cảm Thần Kinh là tiết ra chất nước hoá học Epinephrine khi buồn phiền, lo âu, còn nổi giận thì tiết ra Norepinephrine. Cả 2 chất này đều gây ảnh hưởng xấu cho tim mạch, máu và những cơ quan nội tạng khác như bao tử, gan, thận, ruột v.v... Thân bệnh hoạn là do hai chất này gây ra.

            Như vậy chính Tâm tạo ra bệnh cho Thân, thông qua những chất nước hoá học bên trong hệ Giao Cảm Thần Kinh và bên trong hệ thống Tuyến Nội Tiết. Tâm này là Vọng tâm do tự ngã làm chủ vì ý niệm "Ta""Cái của Ta" xuất hiện trong đó.

            Còn Chân Tâm thì không có xúc cảm/xúc động vì  ý niệm "Ta""Cái của Ta" không có mặt, chỉ có dòng Biết không lời có mặt. Thiền Tông giả lập chủ thể biết đó là "ông Chủ" (the "Master") hay "Chân ngã" (the "True Self"). Khi dòng Biết không lời có mặt thì Khu Dưới Đồi bị tác động liền tiết ra Acetylcholine. Thần Kinh Tự Quản tác động vào Đối Giao Cảm Thần Kinh, làm cho đầu dây thần kinh này cũng tiết ra Acetylcholine. Tuyến Yên tiết ra Endorphin. Cuống não tiết ra Acetylcholine, Dopamine, Seretonin và Melatonin. Tuyến Tùng tiết ra Serotonin, Melatonin. Tuyến Tuỵ tiết ra Insulin. Nói chung, tuỳ theo từng chủ đề dụng công, khi ta phối hợp với chiêu thức hay kỹ thuật thực hành, và sử dụng niệm biết không lời hay trí năng tỉnh ngộ để điều hành quá trình dụng công thì các chất sinh hoá học (bio-chemical substances) làm lợi cho cơ thể sẽ được tiết ra.

 

TÁC DỤNG ĐỐI GIAO CẢM VÀ

GIAO CẢM THẦN KINH VÀO NỘI TẠNG

            Hệ Thần Kinh Tự Quản (HTKTQ) là một phần của hệ thần kinh ngoại biên. Nó là phương tiện để cơ thể biểu lộ những trạng thái xúc cảm (emotional states) và sự nhận biết (awareness) của chính mình. HTKTQ gồm những sợi dây thần kinh điều hoà hoạt động cơ trơn, cơ tim và các tuyến. Đường ly tâm của TKTQ chia ra: Đường Giao Cảm và Đối Giao Cảm.

            - Đường Giao Cảm gồm những đường đi ra từ phần giữa tuỷ sống, nó đáp ứng sợ hãi, tình dục, "chiến đấu hay tháo chạy (fight or flight)". Bất kỳ lúc nào khi tâm chúng ta lâm vào trạng thái rối loạn, căng thẳng lo âu, sân hận, sợ hãi... quá mức. Khi đó hệ Giao Cảm tiết ra 2 chất Norepinephrine (viết tắt NE, cũng gọi là Noradrenaline, viết tắt là NA) và Epinephrine (viết tắt EN, còn gọi là Adrenaline ) để thích nghi hoá với tình trạng tâm lý xúc cảm hay xúc động của ta vào thời điểm đó. Lúc đó nhịp tim sẽ đập nhanh, huyết áp tăng, đường trong máu tăng...  Dấu hiệu này nếu thường trực kéo dài, đưa đến sự mất quân bình cơ thể, tạo ra nhiều chứng bệnh  như mất ngủ, cao máu, mệt mỏi, tim mạch, táo bón và đặc biệt tăng độ đường nhiều trong máu, cuối cùng đưa đến bệnh tiểu đường, bệnh suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, bệnh đường ruột...

            - Đường Đối Giao Cảm đi ra từ não bộ hay phần dưới của tuỷ sống và điều hợp những hoạt động bình thường của thân . Vì vậy đường Đối Giao Cảm được coi là "bộ phận nghỉ ngơi và hồi phục". Hệ Đối Giao Cảm tiết ra Acetycholine (viết tắt Ach) để làm dịu NE do hệ Giao Cảm tiết ra và EN từ ruột thượng thận tiết ra. Acetylcholine có tác dụng làm đường và chất béo trong máu hạ xuống. Càng nhiều Ach, huyết áp càng hạ, máu mỡ hạ, nhịp tim, nhịp thở được điều hoà dưới mức độ bình thường, không bị bệnh béo phì, cơ thể linh hoạt, trí tuệ sáng suốt, phục hồi ký ức, trí năng sắc bén...

 Thien 4

            Nói theo ngôn ngữ Thiền, Đối Giao Cảm Thần Kinh chịu ảnh hưởng Trí Năng Tỉnh Ngộ, biết không lời, thầm nhận biết, tỉnh thức biết, tuệ trí không lời, nhận thức không lời, chân tâm, tánh giác hay "ông Chủ".

            Đối với kinh nghiệm tâm linh, Đối Giao cảm đóng vai trò chính. Thí dụ bằng phương thức thiền Định hay thiền Huệ, ta có khả năng làm cho tâm trở nên yên lặng trong trạng thái Chỉ (Samatha) hay tâm Định vững chắc trong trạng thái Định (Samãdhi).

            Tuy hai hệ Giao Cảm và Đối Giao Cảm đối nghịch với nhau, một tĩnh, một động. Hệ này tăng thì hệ kia giảm. Nhưng cả hai hệ đều tương tác với nhau hoạt động đều đặn hằng ngày trong cơ thể con người. Nếu không ý thức đúng vai trò của mỗi hệ, chúng ta có thể tham dự vào những hoạt động làm tăng cường sự hoạt động thường trực của hệ Giao Cảm như chạy bộ, bơi lội đường dài v.v... hay là trong khi thực hành thiền, ta cố gắng quá mức vào chủ đề dụng công như đì thân qua cách điều thân, đì tâm qua sự tập trung tư tưởng vào đề mục đến độ căng thẳng thần kinh cũng đưa đến bệnh tâm thể vì ta đã vô tình kích thích hệ Giao Cảm.

 

TRỤC DÂY CHUYỀN TRONG NÃO BỘ

            Trong não bộ hệ thống thần kinh và trong các tuyến nội tiết của con người có nhiều chất nước hoá học vừa làm lợi cho cơ thể mà cũng làm hại cho cơ thể. Khi thực hành đúng Pháp, đúng Kỹ thuật, ta sẽ tạo ra những tác động dây chuyền của trục: "Tánh giác + Hệ thống viền não + Dưới Đồi + Đối Giao Cảm Thần Kinh + Tuyến Nội Tiết + Cuống Não + Vỏ Não". Trục dây chuyền này sẽ tạo ra sự quân bình cơ thể, giúp Thân được khoẻ mạnh, Tâm sảng khoái, an vui, yêu đời và hài hoà với môi trường xung quanh. Trí tuệ được phát huy vì ký ức gia tăng và nhận thức được đúng hướng. Trí năng méo mó không xuất hiện. Nghiệp ác hay bất thiện không xuất hiện vì Hạnh nhân (Amygdala) không hoạt động.

            Trục dây chuyền này đóng vai trò tương tác lẫn nhau theo nguyên tắc: Cái này có, Cái kia có. Trong đó vai trò chính là Trí Năng Tỉnh Ngộ, còn cơ chế Tuyến Nội Tiết chỉ là nơi tiết ra các chất sinh hoá học do kết quả của sự phản ứng dây chuyền tác động giữa Tâm và Cơ Chế Tánh Giác, giữa Tánh Giác và Hệ Thống Viền Não.

 

VAI TRÒ CỦA TÂM, PHÁP, KỸ THUẬT VÀ NÃO BỘ

            Để có ý niệm rõ về Hồi Đáp Sinh Học Trong Thiền, chúng ta cần biết rõ vai trò của Tâm, Pháp, Kỹ Thuật và Não Bộ.

            1) Vai Trò Của Tâm: Tâm ở đây chưa phải là Chân Tâm, nhưng nó đã tỉnh ngộ và sáng suốt nhận ra Pháp nào là Pháp của Phật, của Tổ. Tu Thiền chúng ta phải theo Phật Thích Ca hoặc theo pháp của chư Tổ. Chúng ta xem đó là Chân lý và quyết tâm thọ trì chân lý đó không đi lang thang trạch pháp. Vì thế, việc tu học Thiền, vai trò Trí Năng Tỉnh Ngộ rất quan trọng. Nó mở khúc quanh mới trong cuộc đời tu tập của ta. Ta nhận ra giá trị của Pháp, không bị mê hoặc bởi những pháp có nhiều hấp dẫn giác quan như bùa chú, thần linh và hình thức bề ngoài vì những pháp nầy không có khả năng đưa ta đến tỉnh ngộ, chuyển đổi nhận thức, điều chỉnh bệnh tâm thể hay chuyển nghiệp. Tâm tỉnh ngộ là điều kiện cần thiết trước tiên của người chọn con đường Trí Tuệ Tâm Linh. Nó đóng vai trò quyết định sự nghiệp phát triển tâm linh của ta.

            2) Vai Trò Của Pháp: Pháp là chủ đề do đức Phật dạy trong Kinh hay Tổ dạy trong Luận. Chúng ta phải học và hiểu thật rõ ràng ý nghĩa rốt ráo, rút ra phần tinh tuý của chủ đề đó. Rồi nương theo sự hiểu biết đúng đắn đó để miên mật thực hành trong 4 tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi. Có miên mật thực tập ta mới đi đến thể nhập được chân lý mà ta vừa mới ngộ. Thiền là phải thực tập để kinh nghiệm những giá trị của ngộ lý trên thân, tâm và trí tuệ tâm linh của ta qua một trong các Tánh của cơ chế Tánh Giác. Do đó, chứng nghiệm chân lý là phần quyết định tối hậu trong từng giai đoạn thực hành của người tu Thiền. Trong Thiền, những tiến trình chứng nghiệm này được xếp là thân chứng, tâm chứng và trí chứng hay huệ chứng. Cho nên người tu thiền nếu chỉ thông suốt ý nghĩa trong Kinh, trong Luận mà chưa tự chứng nghiệm nghĩa lý đó thì xem như chưa trọn vẹn đường tu. Nói cách khác có ngộ lý mà chưa chứng nghiệm thì xem như cuộc hành trình của ta chưa khởi hành. Bởi vì chúng ta không học Kinh để làm Pháp sư, không học Luận để làm Triết gia, không nghiên cứu Kinh Luận để "xào nấu" rồi biến mình trở thành học giả Thiền. Chúng ta cần lãnh hội Kinh Luận để đi đến thể nhập tinh tuý của Kinh Luận mà chúng ta nhận thấy hợp với căn cơ và mục tiêu nhắm tới của chúng ta.

            Tóm lại, mục đích ứng dụng Pháp của Phật hay của Tổ là ta nhắm điều phục Tâm để tạo ra sự hoạt hoá cơ thể và mang lại lợi ích thiết thực cho thân, tâm và trí tuệ tâm linh. Đây là mục tiêu và nhu cầu của người hành thiền.

            3) Vai trò của Kỹ Thuật: Khi thực hành Thiền, cần nắm vững chiêu thức như: Thư giãn lưỡi, Thư giãn mặt, Nghe âm thanh, Nhìn ánh sáng nắng, Nhìn bóng tối. Cao hơn là các  kỹ thuật: Không định danh đối tượng, Không dán nhãn đối tượng, Không nói thầm trong não, Chú ý trống rỗng, Thở (Định niệm hít vào thở ra). Khi nắm vững kỹ thuật chúng ta sẽ thu ngắn được thời gian dụng công. Thay vì mất 10 hay 15 năm mới kinh nghiệm được cái biết không lời của Tánh Giác, chúng ta có thể chỉ mất chừng vài ba tháng sẽ kinh nghiệm ngay. Lý do là chúng ta thực hành thẳng vào cơ chế Tánh Giác. Hễ Tánh Giác hay Chân Tâm có mặt thì Vọng Tâm không có mặt hay ngược lại.

            Chức năng của cơ chế Tánh Giác là yên lặng, không lời, cho nên khi giác quan tiếp xúc với đối tượng chúng ta không sử dụng tư duy, biện luận, phân biệt, phê bình, không để tâm xúc cảm thương ghét khởi lên. Chúng ta chỉ giữ cái biết không lời về đối tượng, đối tượng như thế nào chúng ta thấy biết y như vậy, không phản ứng, không dính mắc, không định danh, không dán nhãn hay chụp mũ .. dù chúng ta thấy biết rất rõ ràng về đối tượng đó. Chúng ta biết như thật về đối tượng thì tín hiệu yên lặng, trống rỗng, không lời khế hợp với chức năng của Tánh Giác là yên lặng không lời. Lúc bấy giờ tâm sẽ hoàn toàn yên lặng. Tánh Giác sẽ tác động vào các cơ chế trong Hệ Thống Viền Não tiết ra các chất sinh hoá học có lợi cho cơ thể chúng ta.

            4) Vai trò của Não bộ: Ngày nay học và hành Thiền, chúng ta cần trang bị thêm Kiến thức về vai trò của não. Não chính là căn cứ của Tâm, của Ý, của Thức và của Tánh Giác. Con người hơn các động vật khác là nhờ có bộ não tinh vi với hằng trăm tỷ tế bào não (neurons). Khi Tâm phát ra những tín hiệu vui, buồn, xúc cảm thương yêu, ghét bỏ hay những suy nghĩ thiện hoặc ác, đạo đức hay phi đạo đức... thì não sẽ nhận và kiến giải những chi tiết đó rồi biểu lộ những sắc thái chân hay vọng ra ngoài bằng hành động, lời nói, cử chỉ, thái độ. Vì thế, khi một phần nào trong não bị hỏng thì tâm tánh, cử chỉ và hành động của người đó sẽ bị ảnh hưởng theo, mặc dù các căn bên ngoài còn nguyên vẹn mà thái độ vẫn không bình thường được.

            Những bệnh tâm thể, bệnh trầm cảm, bệnh suy nhược thần kinh, bệnh mất ký ức, bệnh liệt rung, bệnh ngu đần, bệnh chấp ngã đều do não gây nên. Con người được khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, trí năng sắc bén, trí tuệ sáng suốt cũng do chính não đóng vai trò. Chung qui cũng chỉ vì não có nhiều chức năng liên hệ đến tay chân, lời nói, học hỏi, nhân cách, sự thông minh, trí tuệ bình thường, trực giác, siêu trực giác. Nó cũng chứa nhiều hệ thống chất hoá học bên trong nó. Khi một phần nào trong não bị hỏng, nhân cách con người liền bị ảnh hưởng theo. Cụ thể như những người bị bệnh tâm thần phân liệt, bệnh tai biến mạch máu não, bệnh liệt rung, bệnh trầm cảm, bệnh mất trí nhớ. Trong trường hợp này Tâm không thể điều khiển được não để ra lệnh não hoạt động theo ý muốn của Tâm.

            Nói chung, khi Tâm thường xuyên căng thẳng như lo âu, sợ hãi, bực bội, nghi ngờ, não sẽ tiết ra các chất hoá học để thích nghi hoá với tình trạng căng thẳng đó. Nếu càng tiết ra nhiều chất hoá học phù hợp với tình trạng căng thẳng, các chất hoá học này sẽ làm hại những cơ quan bên trong thân như tim, thận, gan, máu và tế bào não. Những bệnh tâm thể là do chất Norepinephrine tiết ra thường trực quá nhiều trong Giao cảm thần kinh hay trong cuống não. Chất này theo máu vào trong ruột thượng thận, nó làm cho ruột thượng thận tiết ra Epinephrine và Cortisol.  Cortisol lại đi theo máu lên não, nó bó chặt tế bào não làm cho ta mất trí nhớ và bị bệnh liệt rung. Cuối cùng ta có khả năng bị bệnh ung thư.

            Như vậy Tâm thường xuyên thư giãn, não sẽ tiết ra các chất hoá học khác làm lợi cho những cơ quan bên trong thân. Thí dụ như các chất Acetylcholine, Dopamine, Seretonin và Melatonin...

            Tóm lại tuỳ theo Tâm thực hành Thiền như thế nào, mà não sẽ có phản ứng tốt hay xấu đáp trả lại khiến thân khoẻ tâm an, hay thân bị bệnh và tâm lo lắng phiền muộn. Tiến trình này gọi là "Hồi Đáp Sinh Học trong Thiền."

 

 

Hình SƠ ĐỒ: HỒI ĐÁP SINH HỌC TRONG THIỀN.

Thien 5

            Trên nguyên tắc, khi kết hợp chiêu thức hay kỹ thuật thực hành Thiền với chủ đề dụng công (Quán, Chỉ, Định, Huệ), ta đều tạo ra tác dụng là làm cho Tâm trở nên thư giãn. Đó là Tâm không dính mắc, không bị trói buộc vào bất cứ đối tượng nào. Tâm thấy biết như thật về đối tượng.

            Khi Tâm thư giãn, Não và phần bên trong Não là khu Dưới Đồi liền bị ảnh hường, các chất sinh hoá học được tiết ra theo hệ thống dây chuyền. Cuối cùng đưa đến Thân khoẻ mạnh. Ngay đó Tâm được sảng khoái an vui và hài hoà với môi trường xung quanh. Trí tuệ cũng phát huy vì ký ức được gia tăng, tập khí / lậu hoặc bớt tác động và nhận thức được đúng hướng. Đây là nguyên lý hồi đáp sinh học trong Thiền. Nguyên lý này dựa trên sự áp dụng đúng Pháp, tác động đúng vào Tánh Giác và kỹ thuật thực hành đúng mới đạt được kết quả. Nếu áp dụng sai Pháp, sai chức năng Tánh Giác và sai kỹ thuật thì kết quả sẽ mang lại nguy hại cho cơ thể và trí tuệ. Ta có thể bị huyết áp cao, tiểu đường, loét bao tử, mất ngủ, chán nản, tai biến mạch máu não, mất trí nhớ, sa sút nhận thức hay tẩu hoả nhập ma.

 

KẾT LUẬN

            Người sống với Thiền là người an trú trong chân tâm thường trụ của mình, tức luôn sống với chánh niệm một cách tự nhiên. Muốn đạt được trạng thái Thiền thì người ta phải tự mình học hỏi và thực tập để chuyển đổi nhận thức chủ quan sang nhận thức khách quan. Chuyển đổi thói quen tầm thường ích kỷ phân biệt, thương ghét, xúc cảm sang thói quen cao thượng, lặng yên, bình thản. Cho nên tuy nói Thiền Phật Giáo là Thiền theo Đức Phật, nhưng Thiền lại không phải là một tôn giáo mang ý niệm mặc khải cầu nguyện xin cứu rỗi từ một đấng thần linh nào. Ngay cả Đức Phật, Ngài cũng không dùng thần thông chuyển đổi nghiệp quả của con người. Trong kinh dạy chính ta làm chủ nghiệp của chúng ta; hay nói cách khác chúng ta tự làm chủ cuộc đời của chúng ta, không thần linh nào ban phước giáng hoạ cho chúng ta cả.  Cho nên, chúng ta đi đến chỗ giác ngộ, giải thoát, an nhiên tự tại, hay bước vào lò hoả ngục đau khổ trầm luân là do chúng ta tự chọn lấy con đường để đi mà thôi.

            Khởi đầu học và tu Thiền thì ai cũng như ai. Nhưng về sau, sự sai biệt sẽ hiện lên rõ ràng. Có nhiều người xử dụng tiền trán làu thông kinh điển giáo lý, ứng đối tài ba, nhưng không chú trọng vào việc thực hành nên cả đời cứ dẫm chân một chỗ. Có người dụng công miệt mài, nhiệt tâm cố gắng nhưng cũng không đạt được kết quả, vì gặp chướng duyên sinh ra chán nãn bỏ cuộc. Có người ngộ được lẽ Vô thường, nhận ra đời sống mong manh như sợi chỉ nên nỗ lực hành trì ngày đêm quên ăn mất ngủ lâu ngày sinh bệnh tật làm trở ngại đường tu.

            Ở những bước đầu khó khăn này. Ngày nay khi học Thiền và thực hành Thiền, chúng ta cần được trang bị thêm kiến thức Khoa học căn bản về Não bộ, về Hệ thồng Viền Não, hệ Thần Kinh Tự Quản, về Tuyến Nội tiết, về Kỹ thuật thực hành để chúng ta dễ nhận ra những giá trị căn bản của Thiền đối với đời sống con người thực sự dựa trên những yếu tố gì? Bởi vì Tâm Thiền chính là Não Thiền. Không có Tâm không có Não thì Thân này không có cách nào để sống sót, nói chi đến việc tu tập hành trì. Cho nên Kiến thức khoa học Não bộ và Kỹ thuật thực hành cộng với Kiến thức Phật học, Thiền học là hành trang thiết thực và cần thiết cho cuộc hành trình tâm linh lâu dài sau này của chúng ta. Bởi vì khi thực hành Thiền, chúng ta sẽ là người "độc hành độc bộ". Chúng ta đi một mình, thực hành một mình, không Thầy, không bạn, không kinh, không luận...  Hoà Thượng Thông Triệt ví cuộc hành trình của người tu Thiền giống như võ sĩ một mình lên võ đài chiến đấu với quần ma vọng tưởng, hay chiến đấu với chính mình để triệt tiêu những bản chất phàm tục, làm cho Tánh Giác hiển lộ vững chắc. Hoà Thượng cũng nói: "Đây không phải chúng ta ôm vào những mớ lý thuyết không lợi ích cho người tu Thiền, trái lại chúng ta cần có số kiến thức mới đó để hỗ trợ cuộc hành trình tâm linh được an toàn hơn".  Dĩ nhiên chúng ta cũng biết rằng tất cả những Kiến thức Phật học, Thiền Học, Khoa Học và Kỹ Thuật  thực hành chỉ là những phương tiện như là ngón tay chỉ mặt trăng hay là chiếc bè đưa chúng ta sang sông,  hoặc là cây gậy chống đỡ cho ta không bị té ngã. Khi chưa đạt được cứu cánh chúng ta cần trang bị đầy đủ tư lương nói trên, để vững tâm tiến từng bước một, trên con đường gập ghềnh nhiều chông gai thử thách hầu về lại được "Ngôi Nhà Thiền" còn gọi là "Ngôi Nhà Tâm Linh" của chúng ta. Khi đã vững vàng cứng cáp rồi thì chúng ta không cần cây gậy nữa hoặc đã tới bờ rồi chúng ta không cần ôm chiếc bè nặng nề, hay đã thấy mặt trăng rồi thì hãy buông ngón tay xuống để Tâm được hoàn toàn rỗng rang định tĩnh, không dính mắc bất cứ điều gì, ngoài việc chỉ duy trì dòng nhận thức không lời, phát huy trí huệ vô sư trong Tâm của chính mình, bởi trong kinh Phật dạy, Pháp còn phải buông thì nói chi là phương tiện!

            Chủ đề "Thiền và Khoa Học" hay "Thiền Dưới Ánh Sáng Khoa Học" là một chủ đề lớn, đòi hỏi nhiều nghiên cứu và thực nghiệm. Vì khả năng của kẻ học hậu còn hạn hẹp nên chúng tôi xin phép tạm dừng nơi đây. Bài viết chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Kính mong chư tôn thạc đức và quý vị học giả giảng dạy thêm. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(Ngày 6-10-2017)

 

TÀI LIỆU:

- Dựa theo giáo trình giảng dạy của Hoà Thượng Thích Thông Triệt cho các cấp lớp Thiền Tánh Không.

- "Thiền và Kiến Thức Thời Đại", tác giả THÍCH THÔNG TRIỆT, Tủ Sách Thiền Tánh Không ấn hành năm 2014, Phật lịch 2558.

- "Thiền Là Gì?, tác giả THÍCH THÔNG HUỆ, nhà xuất bản Phương Đông phát hành.

- "Thiền Định Dưới Góc Độ Khoa Học" (Chap & Zen) đăng trên blog HơiThở.vn, June 4-2017

- Tiểu đề: "Exploring the Theme: Inside the Brain",  PATHWAYS 2, đồng tác giả: Becky Tarver Chase, Kristin L. Johannsen, Keith S. Folse.

15 Tháng Mười 20221:15 SA(Xem: 4518)
Hai người là hai sự khác biệt, chị lãng mạn, mộng mơ bao nhiêu thì anh thực tế đời thường bấy nhiêu, nên hai vợ chồng đã nhiều phen bất đồng ý kiến, cãi nhau như ngày hôm nay.
15 Tháng Mười 202212:21 SA(Xem: 6481)
Ta mê công chúa tiền triều Thuở trăng chưa khuyết, thuở chiều chưa phai Phụ hoàng còn ngự trên ngai Bá quan kim mão, gấm hài muôn tâu.
14 Tháng Mười 202212:35 SA(Xem: 7071)
Những điều em nói đó Hai đường thẳng song song Chẳng phải ta chung phòng Hai đường chỉ còn một.
13 Tháng Mười 202211:27 CH(Xem: 4509)
Rồi thì lá sẽ vàng, sẽ khô và sẽ rụng. Đó là sự tuần hoàn của sự sống, là vô thường. Chấp nhận vô thường, chấp nhận cái chết sẽ đến với tất cả mọi người mọi vật thì ta sẽ bớt phiền muộn...
10 Tháng Mười 20221:52 SA(Xem: 5116)
Tôi và ông Sung bỗng trở thành hai bạn già tâm sự kể lể chuyện thời tiết trở trời, chuyện ốm đau và dặn dò nhau kinh nghiệm thuốc men cho đến khi không còn gì để than thở thêm
10 Tháng Mười 20221:43 SA(Xem: 4445)
Có lẽ Canada (và các nước Mỹ, Úc, Châu Âu) mắc nợ người Việt tỵ nạn từ… kiếp trước, nên kiếp này họ phải rước chúng ta qua, đón tiếp nồng hậu đám người chân ướt chân ráo mới đến
09 Tháng Mười 20224:53 CH(Xem: 7289)
Cuộn tròn nỗi nhớ trong chăn Gởi em thơ viết mấy hàng trong mưa Ví dầu mưa tạnh hay chưa Cội tình cũng đã xác xơ nhánh buồn.
08 Tháng Mười 20222:32 SA(Xem: 6817)
Ta ngồi ôm lấy chợ quê Bao năm gìn giữ vẹn thề trong tim Giữa đời bảy nổi ba chìm Phố reo tiếng hát gợi mềm giấc mơ.
08 Tháng Mười 20222:21 SA(Xem: 6187)
Bạn đã thấy Thu về rồi đấy nhỉ Trên sườn đồi, bên khe núi, vườn sau Lá trên cây nay đã đổi sang màu Đỏ tím thẩm hay úa vàng ảm đạm Khắp mọi nẻo sương lam giăng màu xám
03 Tháng Mười 202211:06 CH(Xem: 5339)
Khuê ơi, cho dù bây giờ tóc đã thôi bay như trong những ngày đứng gió, nhưng chẳng bao giờ tôi quên được cảm giác những sợi tóc dài của Khuê nương theo gió, đùa giỡn mơn man trên mặt tôi.
02 Tháng Mười 202211:18 CH(Xem: 5265)
Lịch sử nhân loại đã ghi lại những cuộc vượt thoát bi hùng của những dân tộc để trốn bỏ sự cai trị tàn bạo của một chế độ.
01 Tháng Mười 202211:39 CH(Xem: 20126)
Ngày ba tôi giã biệt trần gian, phố Biên mưa gió trắng trời. Mưa u hoài, như điệu nhạc buồn ru ba giấc ngủ thiên thu. Vậy là sau hơn chín mươi năm dung thân cõi tạm, ba tôi giờ đã an lành cưỡi hạc qui tiên…
01 Tháng Mười 202212:30 SA(Xem: 4580)
Nó đâu biết rằng trong tiềm thức di truyền của các con trâu còn lại trong đàn kia cũng được nhắc nhở như thế, và chính vì vậy nên bọn đó mới e sợ nó mà tránh xa... .
01 Tháng Mười 202212:06 SA(Xem: 6530)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: THU KHÓC TRÊN NGÀN - Nhạc Ngô Thụy Miên Lê Dung trình bày
25 Tháng Chín 202210:18 CH(Xem: 6297)
Năm năm ta với người chia cách Rằm trung thu đốt nén hương trầm Hương linh người chứng giám lòng thành Mâm cơm cúng vái người siêu thoát.
25 Tháng Chín 20221:25 SA(Xem: 6337)
Nhớ đêm gió mát trăng vàng Lang thang bãi biển rộn ràng khách du Mối tình Huyền thoại Thiên thu Hằng Nga cung Quảng viễn du lên Trời
24 Tháng Chín 20221:10 SA(Xem: 5379)
Nếu trước 1954 thành phố Hà Nội được mệnh danh là nơi “ngàn năm văn vật” thì trong khoảng thời gian 1954-1975 Sài Gòn xứng đáng với danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
23 Tháng Chín 20222:06 SA(Xem: 5378)
Tháng 8 năm nay, khi chúng tôi đến Munich thì thành phố đang tưng bừng tổ chức giải tranh tài Âu châu để kỷ niệm 50 năm Thế Vận Hội Munich 1972.
22 Tháng Chín 202211:34 CH(Xem: 5575)
Đây là con sông Nhỏ của tuổi thơ sao?... Đâu là con thuyền của ba tôi?... Tôi chỉ thấy một cồn cát trơ trọi nằm giữa một lòng sông gần như khô cạn.
22 Tháng Chín 202211:03 CH(Xem: 5944)
Vậy mà hôm nay, duyên cớ gì bỗng dưng tôi đi bộ ngang qua cái tủ sách, tò mò mở xem và tìm thấy cuốn sách của ông đang nằm bơ vơ!
22 Tháng Chín 202210:48 CH(Xem: 2978)
Tóm lại con người có hai phần thân và tâm. Cả thân và tâm đều quan trọng như nhau. Tâm gá vào thân để hiện hữu. Thân nhờ tâm chủ trì hướng dẫn để xử sự và hành động.
22 Tháng Chín 202210:30 CH(Xem: 5178)
Một lần nữa với nét mặt suy tư, ông nhắc với đám thanh niên rằng nhớ canh gác cẩn thận, ông sẽ suy nghĩ thêm và sáng mai sẽ có ý kiến.
20 Tháng Chín 202210:41 CH(Xem: 5972)
Bao giờ thôi hết hoang mang, Sống trong tỉnh thức - đang là nơi đây ! Khi nào mới hết lây quây, Cho ta ngắm lại khuôn đầy vóc xưa!
20 Tháng Chín 202210:27 CH(Xem: 6571)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: LỆ ĐÁ - Nhạc Trần Trịnh - Quý Hương trình bày
12 Tháng Chín 202212:40 SA(Xem: 4732)
Thì đó. Còn có ai, và có gì thích hợp hơn, là Phong trào giáo dục Hướng Đạo, để làm công việc cần thiết này. Tạo cho xã hội những công dân, với những đức tính trên.
12 Tháng Chín 202212:20 SA(Xem: 5358)
Như vậy, trong đầu tháng 9 năm nay hai ngôi sáng chói trong một thời gian dài, một tượng trưng cho một giòng họ quý tộc nước Anh và một trong phạm vi nhỏ hẹp hơn ở nước Việt Nam: điện ảnh...
11 Tháng Chín 202212:52 CH(Xem: 5815)
Buổi sáng… mưa buồn lặng lẽ rơi Nghe tin Ngọc mất dạ sầu tơi! Ninh Kiều một tối… tay nâng nhẹ Du lịch năm cô*… mắt rạng ngời Điệu nhạc Rumba còn khắc khoải Bài ca Tân cổ vẫn chơi vơi
11 Tháng Chín 202212:42 SA(Xem: 5221)
Tấm gương trong sáng, hiền đức uy nghi, và tấm lòng từ bi thương yêu chúng sanh của Sư Ông mãi mãi hằng hữu trong lòng mọi người.
11 Tháng Chín 202212:22 SA(Xem: 5158)
Năm năm lỗi hẹn đá vàng Trăng rằm vẫn sáng khăn tang cất rồi Tro người rải giữa biển khơi Sóng dâng từng đợt, lệ rơi từng dòng
11 Tháng Chín 202212:01 SA(Xem: 6796)
Vui chung cùng với bạn bè. Thầy xưa Trò cũ đâu dè gặp nhau Tuổi vàng dần sẽ qua mau! Hãy vui hiện tại mai đau xa vời?
10 Tháng Chín 20227:35 CH(Xem: 7076)
Từ em bỏ đất về trời Bỏ thân tứ đại, bỏ người trần gian Cuộc trăm năm, bỗng lỡ làng Nghìn thu tắt lịm tiếng đàn tri âm Em về cõi ảo cao thâm Dãi dầu sương tuyết, gió trăng chập chùng
10 Tháng Chín 202212:58 CH(Xem: 6108)
Sân ngập lá vàng trăng nhớ thu Dáng mờ xa khuất đỉnh sương mù Vân du mộng huyễn tình cay đắng Điện vỡ đêm tàn Nguyệt nhạt lu
10 Tháng Chín 20222:33 SA(Xem: 5940)
Ngày 11/9 tang thương Ba ngàn sinh mạng đổi nhường gian manh Khơi mào cho cuộc chiến tranh Đôi tòa tháp bỗng tan tành bể dâu.
10 Tháng Chín 202212:52 SA(Xem: 6475)
Tôi yêu cuộc đời Bằng tiếng hát reo vui. Còn ông! Hỡi nhà thơ nhiều tuổi Hãy hát như tôi bằng trái tim nóng hổi Đan ý thơ bằng những nụ cười tươi.
01 Tháng Chín 202212:50 SA(Xem: 16900)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 202211:04 SA(Xem: 7996)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
31 Tháng Tám 20223:17 SA(Xem: 5188)
Xin cám ơn sự cống hiến và sức sáng tạo bền bỉ của nhà văn Lê Lạc Giao và trân trọng giới thiệu tác phẩm “Mùa Địa Ngục” với các bạn đọc gần xa.
31 Tháng Tám 202212:38 SA(Xem: 6232)
Áo bay... Em có nhớ hôm nào ? Trăng sáng bên thềm gợi ước ao... Hương cốm vào thu tràn nắng mới Đầu xuân xác pháo nhuộm hoa đào.
30 Tháng Tám 202212:52 SA(Xem: 6578)
Không làm sao con kể Hết những điều mẹ làm Cả một đời gian nan Mẹ vì con tất cả. Chiều nay con nhớ mẹ Nhớ mùi mẹ ngày xưa Nhớ không bến không bờ Giá con còn có mẹ.
29 Tháng Tám 20221:48 SA(Xem: 6856)
Trước đó, ngày thứ bảy 13/8/2022, cũng đã có buổi họp mặt liên khóa CHS NQ BH, trong khuôn viên Nhã Viên quán,
27 Tháng Tám 20222:21 SA(Xem: 6993)
Hạ đi nắng đỏ bơ vơ Thu về lá chết ngẩn ngơ đứng chào Nửa Vòng Trái Đất Gặp Nhau Đâu gì ngăn cách cản rào dậu thưa.
27 Tháng Tám 20222:15 SA(Xem: 8006)
Gặp nhau đây - giữa đời thường Cũng xao xuyến cũng vấn vương nặng lòng Những chiều nắng xế vòm song Bút son ý thắm ngập giòng suối thơ
27 Tháng Tám 20222:00 SA(Xem: 7807)
Gặp em ở ngã ba đường Một phương về đất, một phương về trời Một phương ở lại làm người Để yêu thương - để khóc cười với nhau
27 Tháng Tám 202212:34 SA(Xem: 6915)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: BÂY GIỜ THÁNG MẤY - Nhạc Từ Công Phụng - Quý Hương trình bày
22 Tháng Tám 20229:31 CH(Xem: 2529)
Trên đây là tựa bài đăng trên trang 6 tờ nhật báo Công Luận, số ra ngày 23 tháng 4 năm 1936 được phát hành tại Sài Gòn, của tác giả TÂM THẬP LỤC Biênhòa
20 Tháng Tám 202212:26 SA(Xem: 5458)
Nhà tôi có một quán nước ở mặt đường, và căn nhà trong hẻm, nằm giữa Xóm Chùa và Xóm Đạo, gần chợ Đồng Tâm. Thực ra, trước khi tiểu Vinh có mặt, thì ngôi Chùa không phải lúc nào cũng êm ả như dòng sông
19 Tháng Tám 202211:54 CH(Xem: 5574)
Mong sao truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo sẽ mãi mãi trường tồn mọi lúc mọi nơi, để trở thành một trong những thước đo cho sự văn minh và phát triển của xã hội.
19 Tháng Tám 202211:26 CH(Xem: 4861)
Tình thầy trò sau hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua vẫn đầm ấm dù đôi bên ngày nay đều tóc bạc như nhau.
19 Tháng Tám 20223:00 SA(Xem: 5362)
Chốc nữa ra mắt cố nhân sau 50 năm bặt tin xa vắng anh có nhận ra cô gái xinh xinh tuổi hai mươi ngày xưa anh từng tương tư và thề nguyền sẽ cưới làm vợ không nhỉ?
18 Tháng Tám 202210:27 CH(Xem: 7134)
Mãi là nỗi nhớ dễ chi nguôi Dâng nén tâm hương lạy Phật Trời Linh hiển Thế Tôn Ngài tế độ An lành Cực Lạc, kiếp luân hồi.
18 Tháng Tám 202210:23 CH(Xem: 6466)
Mẹ ơi! Con biết mình bất hiếu Trăm ngàn cái lạy cũng bằng không Cúi đầu tạ tội con quỳ xuống Trăm nhớ nghìn thương chảy một dòng
18 Tháng Tám 20229:39 CH(Xem: 7860)
Nhà cũ đã vào tay chủ lạ Vườn xưa còn đọng bóng trăng lơi Bốn mươi năm lẻ, đời dâu bể Chạnh nghĩ tình quê luống ngậm ngùi.
17 Tháng Tám 202211:46 CH(Xem: 8245)
Chuyến du ngoạn Las Vegas lần này cũng là dịp để các thi nhân trường Ngô Quyền thỏa chí đam mê, sáng tác
17 Tháng Tám 202211:12 CH(Xem: 7360)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: NỖI ĐAU MUỘN MÀNG - Nhạc Ngô Thụy Miên - Quý Hương trình bày
17 Tháng Tám 202210:50 CH(Xem: 2898)
Tóm lại tu pháp mười hai nhân duyên, hành giả chỉ cần cắt đứt một mắt xích là phá vỡ được toàn bộ mười hai mắt xích. Hành giả thoát khỏi vòng sinh tử.
12 Tháng Tám 202211:31 CH(Xem: 6186)
Ngày tôi hát những câu ru con chết người đó má tôi đã cắt tóc, cạo đầu như dứt bỏ những thường tình mà một người phụ nữ phải có, để vượt lên thành một người phụ nữ tuyệt vời cao thượng nhất.
12 Tháng Tám 20229:45 CH(Xem: 6363)
Cành hoa trắng con cài lên ngực áo “Nhớ Mẹ Hiền”… vào Đại “Lễ Vu Lan” Mười Hai năm, Mẹ giã biệt trần gian Mà con tưởng Mẹ vẫn còn đâu đó…
12 Tháng Tám 20221:29 CH(Xem: 7190)
Biển xanh mây trắng tuyệt vời! Tro Anh theo nước tới Trời thênh thang! Tiễn biệt Anh lệ chứa chan! Cám ơn Thầy Bạn sẻ san tình sầu.
12 Tháng Tám 202212:59 SA(Xem: 6976)
Vĩnh biệt em mái tóc dài lưu luyến Đã theo anh xuyên suốt một quãng đời Vẫn giữ trong tim mái tóc buông lơi Của riêng anh thôi, chẳng ai thay thế.
10 Tháng Tám 20223:39 CH(Xem: 5609)
Qua thời gian nước Ý đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, tôi đã đến nước Ý hai lần nhưng nếu có cơ hội tôi muốn quay lại thăm nước Ý một lần nữa.
10 Tháng Tám 20221:32 SA(Xem: 11160)
Cùng với Hoàng Mai, em kính lời tri ân đến cô Nguyễn Khoa Diệu Dung và cô Hoàng Minh Nguyệt.
09 Tháng Tám 202210:56 CH(Xem: 4705)
8 năm kể từ lần sang Cali năm 2014, nay tôi mới trở lại thủ đô của người tị nạn Việt Nam. Sau 4 lần đến đây, lần thứ năm này tôi không còn bỡ ngỡ với thành phố này
08 Tháng Tám 202210:26 CH(Xem: 4779)
Viết như một nén hương gửi Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, nhân ngày 28 tháng 7 thay cho một người đồng môn nay đà quá vãng
08 Tháng Tám 20221:17 SA(Xem: 2906)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: BẢY NGÀY ĐỢI MONG - Nhạc Trần Thiện Thanh - Quý Hương trình bày
07 Tháng Tám 202212:26 CH(Xem: 7559)
em về ảo mộng chơi vơi nguyệt tà lẩn khuất bên trời sương tan em về dỗ giấc mơ tàn lung linh bóng khói bàng hoàng cung mê
31 Tháng Bảy 20223:11 CH(Xem: 6850)
Đến với Thầy Cô để được nhìn lại những ánh mắt khoan dung và độ lượng, đồng thời được nhắc nhở đến quý Thầy Cô kính mến không còn cũng như không đến được
31 Tháng Bảy 202212:37 SA(Xem: 10431)
Tôi thật sự quá xúc động với chuyến phiêu lưu đến North Carolina - Miền Đông nước Mỹ cùng Sáo lý luận Diệp Hoàng Mai…
30 Tháng Bảy 20229:25 CH(Xem: 5302)
Tạm biệt cô thầy, tạm biệt bạn bè Hai ngày vui quá ở trên xe Kính chúc mọi người đầy sức khỏe Hẹn gặp sang năm cũng dịp hè
30 Tháng Bảy 20224:07 CH(Xem: 7432)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: MÙA THU CHO EM - Nhạc Ngô Thụy Miên - Quý Hương trình bày
30 Tháng Bảy 20224:02 CH(Xem: 7813)
Đã biết chắc con đường còn rất ngắn Đừng bất an đừng buồn khổ phân vân Hãy đi tới bằng bước chân tự tại Bởi đời người sinh tử chỉ một lần.
30 Tháng Bảy 202212:26 CH(Xem: 7203)
Rồi một ngày ta ung dung nằm xuống Bên bìa rừng hiu quạnh bóng trăng soi Hiểu cho ta có đôi vầng nhựt nguyệt Bao yêu thương còn gởi lại trên đời
30 Tháng Bảy 202212:21 CH(Xem: 6637)
(Thương tiếc người bạn Phạm Trọng Lệ cùng trường Chu Văn An, cùng nghề dạy học trước đây và cùng họ Phạm)
29 Tháng Bảy 202212:59 SA(Xem: 8058)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
27 Tháng Bảy 20221:09 SA(Xem: 6761)
Không thể đắm chìm trong khối lãng quên Tự nhủ lòng mình sẽ không cô độc Trong nụ cười dường có ngàn tiếng khóc Ngô Quyền mãi đầy trong nỗi nhớ tròn vo.
26 Tháng Bảy 20221:17 SA(Xem: 6108)
Như vậy Vô Lậu Học là môn học giúp hành giả được tự do tự tại, đoạn tận mọi phiền não khổ đau, không còn rơi rớt trong luân hồi sanh tử.
23 Tháng Bảy 20223:36 SA(Xem: 11403)
Một lần nữa, Sáo chân thành cảm tạ quý thầy cô, các anh chị, các bạn và các em… về tất cả những yêu thương trường cũ trò xưa. Xin tạm biệt…
23 Tháng Bảy 20221:01 SA(Xem: 5638)
Xin cám ơn các CHS Ngô Quyền, cám ơn mọi người đã cho tôi cơ hội nhìn thấy "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" hôm nay qua Tiền Hội Ngộ và Đại Hội Ngô Quyền
22 Tháng Bảy 20221:50 CH(Xem: 6350)
Trời vô tình xui khiến Nàng gặp người nhẫn tâm Nàng chết trong âm thầm Đời nàng sao phận bạc. Tối nay lần tràng hạt Nguyện ơn trên từ bi Rước hương linh nàng đi Được về nơi cõi tịnh.
21 Tháng Bảy 202212:31 CH(Xem: 3277)
Một ngày đã qua, một ngày hạnh phúc. Ta cám ơn đời hôm nay có được Ngôi trường xưa, thầy cũ, bạn bè thân Dẫu đường đời còn lại rất gần Ta chấp nhận và mỉm cười an lạc.
19 Tháng Bảy 202211:25 CH(Xem: 5777)
Cám ơn các anh chị: Mai Bùi, Đạt Nguyễn, Kỷ Trần, Thêm Nguyễn, Tâm Lê, Ngọc Dung và Kim Dung Võ đã cung cấp những hình ảnh để thực hiện được trang hình ảnh này.
19 Tháng Bảy 20229:57 CH(Xem: 5329)
Ban Tổ Chức chân thành cám ơn các anh chị: Mai Bùi, Đạt Nguyễn, Kỷ Trần, Thêm Nguyễn, Ngọc Dung và Kim Dung Võ đã cung cấp ...
18 Tháng Bảy 20221:42 SA(Xem: 5313)
Xin chuyển đến Quý Thầy cô, đến những bạn hữu và nhất là gởi đến Chị Huệ, tay BẾP thượng thặng của trường chúng mình. Chị Huệ, tài nghệ của ...người này có đáng để ý không!
17 Tháng Bảy 20222:19 CH(Xem: 4004)
Nam Cali nắng ấm rạng rời Mừng thầy, đón bạn tiếng cười đoàn viên Biên Hòa trường cũ Ngô Quyền Đồng Nai tiếng gọi nối liền bờ vui.
17 Tháng Bảy 202212:02 SA(Xem: 5546)
TIỆC TIỀN HỘI NGỘ (Ngày 02/07/2022) Hình ảnh & Thực hiện Youtube: Nguyễn Thị Thêm
16 Tháng Bảy 20226:58 CH(Xem: 7826)
Xin tất cả nợ trần gian xóa sạch Buổi trở về thanh thản chẳng tơ vương Cõi Vô Ưu trên đỉnh trời chất ngất Dẫu thiên thu hay một thoáng vô thường.
15 Tháng Bảy 20226:57 CH(Xem: 5420)
Trưa nào em đến thăm Như loài hoa trinh trắng Bài tình ca anh tặng “ Hoa soan bên thềm cũ “ Mình thương nhau từ đó Mình thương nhau muôn đời.
13 Tháng Bảy 20224:44 CH(Xem: 4356)
Hãy mỉm cười hạnh phúc Dù bệnh đau nhọc nhằn Có anh luôn bên cạnh Gánh vác mọi khó khăn. Trân trọng cuộc tình này Yêu quá tình đắm say Đôi chân dìu chân bước Mắt tôi chợt cay cay.
13 Tháng Bảy 20222:52 SA(Xem: 7148)
Mắc mớ gì sao "LẠI CHÁN ĐỜI " Tội gì phải thế, cứ vui tươi Tình đời sau trước, không như ý Cuộc thế xưa nay cứ đổi dời
13 Tháng Bảy 20221:16 SA(Xem: 5167)
Trang thơ cháy thành tro tàn mà thương nhớ con không thể phai tàn . Ba sẽ thì thầm gọi tên con: Dương Thị An Xuyên Mãi mãi ba sẽ gọi tên con. Và không bao giờ ba muốn nói hai tiếng vĩnh biệt đâu con.
12 Tháng Bảy 202211:59 CH(Xem: 3269)
Trong bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của phước hữu lậu và phước vô lậu hay là phước đức và công đức khác nhau như thế nào?
11 Tháng Bảy 202212:05 SA(Xem: 5725)
Bài viết này tôi viết lại những gì tôi đã sống, đã trải nghiệm. Nó là một phần đời tôi cùng với nhiều người miền Nam khác cùng thế hệ- trong đó có nhạc sĩ họ Trịnh
10 Tháng Bảy 202210:47 CH(Xem: 2676)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: TÁC PHẨM "QUÊ CŨ TÌNH XƯA" - NHÀ THƠ THÁI HƯNG Nhạc nền: SUỐI MƠ - Văn Cao Tiếng hát: Ngọc Hạ
09 Tháng Bảy 20224:49 CH(Xem: 6575)
Thế giới tiếc thương người chính trực Toàn cầu ca tụng đấng tu mi Nara thành phố rền lởi nguyện Đất nước Anh Đào Dũng-Trí-Bi
09 Tháng Bảy 20224:37 CH(Xem: 7001)
Rằng: Về gom chữ ca dao Đốt rừng Nho, Lão tìm vào hư không Tự nhiên rất mực tâm đồng Như câu lục bát, vợ chồng đủ đôi. Ta đi về phía chân trời Hỏi vầng dương có ai ngồi ngâm thơ?
30 Tháng Sáu 20222:09 CH(Xem: 5236)
Ai kể chuyện mình? Ai xót thương? Nỗi đau. Của ai người đó biết, và người đó đau. Người khác khó lòng cảm cái đau không phải của mình. Làm sao so sánh.
28 Tháng Sáu 20221:13 SA(Xem: 10504)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!
27 Tháng Sáu 202211:27 CH(Xem: 7892)
Mùng ba tháng bảy năm nay Mừng vui hội ngộ Cô Thầy trò xưa Nắng mưa dầu dãi bao mùa Không quên mái ấm ân thưa tình hồng.
26 Tháng Sáu 20224:25 CH(Xem: 5415)
Ôi tình yêu người lính chiến miền Nam sao thơ mộng, lãng mạn nhưng cũng đầy đau thương, bi hận ...
25 Tháng Sáu 20221:32 CH(Xem: 2608)
Ta mê nghe hát Ả Đào, Hội Xuân vừa mở lễ nào vui hơn? Tuổi U chín chục nhớ ơn Trời cho khỏe mạnh keo sơn chúng mình! (1)
25 Tháng Sáu 20221:09 SA(Xem: 5239)
Tôi lan man nghĩ đến mình. Cả đời không nghiện gì nhưng về già hình như tôi nghiện Iphone. Phải công bằng một chút là tôi nghiện internet.