MẢNH ĐẤT KHỔ
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
Tên tá điền dẫn Mến men theo bờ ruộng. Hắn có vẻ rành rẽ lối đi, rảo bước đi nhanh như con sóc, Mến theo không kịp, muốn hụt hơi. Tên hắn là Sử. Đến một khúc rẽ, tên tá điền xăm xăm bước vào một đám cỏ gianh rậm rạp. Như có chủ định sẵn. Hắn dơ hai tay rẽ một lối đi đến một lúc xa bờ ruộng thì ngừng lại chờ. Hắn dọn một chỗ ngồi như một bãi đáp. Lớp cỏ gianh nằm rạp xuống như một cái ổ rơm. Hắn nói trổng: chỗ này được đấy chứ, kín đáo, đứng ngoài bờ ruộng không ai nhìn thấy. Mến ngượng giả lả:
— Này đứng đắn một tý nhé. Vả lại, tôi sợ rắn lắm.
— Chỉ vẽ, rắn rết gì nó cũng sợ người.
Tên nông dân sàm sỡ. Ngồi chưa nóng đít, tay hắn sờ soạng vùng ngực, nắn bóp rồi tiện thể tốc váy của Mến.
Mến làm như thể ngạc nhiên kêu lên, “Ô hay. Làm cái gì thế này. Tôi la lên bây giờ.”
— Bày vẽ. Chả gì hai thằng Khôi và Bảy sún đã đi qua đây rồi. Nói rồi hắn làm tới, một tay bịt mồm Mến và luôn thể để vào.
Mến đờ người chịu trận, tê dại không kịp phản ứng. Những ngón tay thuôn dài của con nhà khuê các lúc này xem ra hữu dụng. Hình như có một sự thỏa thuận ngầm nào đó nào ai hay. Sự dễ dãi quen thuộc như ngựa quen đường cũ.
Chuyện ấy vừa mới xong. Chóng vánh đến chết người. Tức mình, Mến chửi toáng lên. Chửi vu vơ, “Đồ phải gió nhà các anh. Tôi nhờm tởm bộ răng đen cải mả của đằng ấy.”
Nói rồi, Mến khóc rống lên ấm ức như hận đời, hận bọn đàn ông chó má, hận mình. Như khóc cho thân phậnngười, như buồn cho thế thái nhân tình.
Sử vội vàng kéo cái váy của Mến xuống, vuốt ve như dỗ dành cho có lệ. Cái váy kéo lên dễ dàng thì kéo xuống cũng dễ vậy. Khóc một lúc rồi tự mình nín bặt. Phủi quần áo bám cỏ gianh rồi Mến lừng lững đứng dậy ra về. Cái kẹp tóc rơi đâu mất, thành tóc xõa hai bên bờ vai, Mến cũng chẳng thèm tìm. Sử lần này lẽo đẽo theo sau.
Sau này cả ba tên tá điền di theo kháng chiến Việt Minh. Khồi nghe nói chết trận ở Điện Biên Phủ. Bảy Sún mất tích. Riêng Sử đã đeo quân hàm đại úy được chỉ huy một đại đội, đã về thăm làng.
Lúc này chuyện cũ đã qua rồi chẳng ai thèm nhắc tới nữa. Dù là một đời sôi nổi. Nói ra như lạc dòng.
Bọn ba tên tá điền mà gốc gác chỉ là loại trộm cướp, bọn trôi sông lạc chợ có thể từ làng Kẻ Noi – chuyên nghề ăn cướp – được ông Hậu Nhất thu dụng làm tay chân. Nhưng gậy ông lại đập lưng ông, nuôi ong tay áo. Máu côn đồ của chúng đã biến Mến thành một con mồi ngon.
Không lạ gì khi Việt Minh nổi lên, một lần nữa lại thu dụng chúng. Đó là một vòng luẩn quẩn mà sau này có tên đã nên ông nên bà.
Làng Yên Phú bỗng nhiên được coi như mảnh đất khổ, thứ mảnh đất chuồi sụp đổ dưới chân cả một quá khứ dòng họ, một nếp sống đạo đã thành nề nếp cũng như phong tục làng xã. Nó biểu tượng cho nhiều mảnh đất khác tương tự trở thành “sân khấu” của trò chơi quyền lực mà những kẻ thua cuộc còn sống sót cảm thấy như một bóng đè trên tâm tư mong được giãi bày, kể lể mà nhiều người đã quên hay chưa hề được biết những câu chuyện quá khứ đã có thời vàng son của nó.
Phải nói gia đình Mến là một gia đình danh gia vọng tộc, giầu nhất làng. Ông bà Hậu Nhất có ba người con gái và một trai. Mầu và Miên, một đôi như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau. Mầu dáng cao lớn khẳng khiu, mặt tướng đàn ông, khắc khổ tính nết cứng rắn và cương nghị. Miên trái lại mặt trái soan, da dẻ trắng bóc. Tính nết lại đoan trang, hiền thục. Có điều gì như chất súc tác kết hợp hai chị em lại? Đi đâu cũng có nhau, chị đi trước, em đi sau. Sau này rủ nhau đi tu, lập dòng.
Còn Mến thì vóc dáng con gái đang thì mà các vùng đồi, vùng sâu đều đẫy đà. Trông là bắt mắt, gợi dục. Tính nết lại sốc nổi, ăn nói cộc lốc, sỗ sàng. Được cái thân hình nở nang, phốp pháp đầy đặn. Chung quanh là một lô đám lực điền trực chờ như một bầy sói đói.
Trước khi qua đời, ông Hậu Nhất chia phần gia tài cho cả bốn đồng đều. Người con trai út sau là Nghị Tư không có tiếng tăm gì.
Phần Mầu, không biết có phải tình duyên trắc trở hay không, quyết chí đi tu. Đây là một điều bí mật chẳng ai đoán được. Và rủ luôn được Miên theo. Nhưng Miên thì có trắc trở gì về tình duyên cũng quyết theo chị giữ mình đồng trinh, khấn trọn đời sau này? Họ sau này trở thành Bà Nhất bà Nhì của dòng tu Mến Thánh Giá ở xứ Kẻ Tâng. Thủ tục lập dòng cũng cam go và nhiều thử thách, phải được bề trên chấp thuận.
Nhà dòng nằm trên một thửa đất có sẵn, cách xa nhà thờ chừng nửa cây số. Chỉ tốn công xây cất. Chung quanh có tường bít kín. Sau này hai bà còn xây thêm trường học cho trẻ nhỏ. Số các dì đi tu sau này cũng khoảng được 60 người. Họ tự canh tác trồng rau, nuôi tằm, nuôi gà vịt, nuôi heo. Ruộng của họ thì cho cấy rẽ, cấy thuê. Nhưng lúa về thì họ phải lo say, giã gạo làm các công việc còn lại. Nuôi 60 miệng ăn mỗi ngày thì ai là người lo trông nom chẳng biết nữa. Nhưng chắc là có chia cắt mỗi người mổi việc. Người lo việc bếp núc, người lo giặt giũ, người giã gạo, người lo việc nhà thờ. Lại có người lo việc dậy học như cô giáo Ven. Chủ quan mà nói, ít có ai xinh đẹp như cô giáo Ven. Tính nết điềm đạm, con cái nhà ai, ở đâu đến, học vấn đến đâu cũng mù tịt, chẳng ai biết.
Đó là một thế giới hoàn toàn khép kín với bên ngoài, với những bức tường kín cổng cao tường như một dòng tu kín.
Phần Mến, dùng gia tài bố cho, xây một căn nhà tây hai tầng, ngay lôi cổng chính vào nhà thờ. Cả làng chỉ có một căn nhà tây xây hai tầng như phá lệ, như thách thức ngạo nghễ. Nó cao khác thường. Bên cạnh lại có cây Ngọc Lan sừng sững có từ bao giờ, cành lá xum xuê cho bóng mát và tỏa hương thơm.
Dân trong làng từ ngoài phố đến xóm trong cũng như đi chợ búa, đi cầy ruộng thường dùng làm chỗ nghỉ chân. Nghe đâu việc xây cất là do rỡ gạch gói từ một căn nhà ở một miệt xa. Việc chuyên trở thật nhiêu khê, phải dùng thuyền đinh trở gạch ngói. Đến Cửa Cống Vọng lại phải thuê người dùng xe bò kéo về.
Nhiều tiếng dữ đồn ra là gạch ngói ấy là oan hồn những người chết oan uổng tử. Đêm đêm có nhiều bóng ma lởn vởn trên các cành cây ngọc lan.
Việc xây cất căn nhà còn đang dở dang thì nhà thờ xứ Kẻ Tâng cũng được xây cất theo. Để chống lụt lội vì là nền đất trũng và nền nhà thờ phải cần dùng đến hằng mấy trăm cây tre già, loại tre chịu nước. Tre già được vót nhọn đầu. Phải dùng vồ lớn với hai người bổ xuống hàng chục mét sâu. Hàng trăm thợ làm mỗi ngày mất gần ba năm mới xây cất xong. Kiến trúc nhà thời cần nhiều thợ có tay nghề. Phái mướn thợ từ Phủ Lý, Nam Định về nuôi ăn ở. Đó là những người thợ chuyên nghiệp làm rui mè, cột kèo, đục đẽo mà không cần đóng đinh. Lại còn tốp thợ nề, thợ xây tường thiếu sao được. Lại đến tốp thợ cưa, thợ xẻ. Chuông nhà thờ phải đặt từ bên Pháp về rồi làm cột kèo sao cho cân bằng để giữ được quả chuông kêu mỗi sáng chiều. Bao nhiêu là công khó.
Cố Thi là người từ Sở Kiện được bề trên gửi về trông lo việc xây cất. Ngoài cố Thi ra có lẽ chẳng ai làm được.
Rắc rối là căn nhà tây của Mến chắn ngang mặt tiền của nhà thờ, mặc dầu căn nhà cách nhà thờ khoảng 300 mét. Nhưng xét theo cái hướng nhà thì không ổn. Nó làm sao ấy. Chỉ còn cách rỡ đi và xây lùi vào chừng 10 mét. Bà Nhất bà Nhì đều khuyên can Mến nhượng nhà thờ. Nhưng Mến cứng đầu nhất định không lùi cho rằng mình xây trên đất nhà mình, mắc mớ gì đến nhà thờ. Nhưng quyền lực nhà thờ không nhỏ.
Vậy mà cố Thi kể như thua cuộc. Mến còn đành hanh, thuê bọn người chửi thuê ngày đêm vào nhà xử chửi cố Thi đủ điều. Cả tháng trời như vậy. Dân làng đều đứng về phe cố Thi nguyền rủa Mến thầm lặng. Chửi ai chứ chửi cha cố là không được, nhất là con nhà có đạo. Phần Cố mất ăn, mất ngủ đành xin về Sở Kiện. Nhà thờ coi như xây dựng xong mà cố đành bỏ đi.
Ngày cố lên xe tay về Sở Kiện. Dân làng đứng chặt hai bên đường tiễn đưa, nuối tiếc. Cố thong thả đi bộ ra đến căn nhà tây. Cố dừng lại, ngưởng cổ lên nói với thật to,
“Ta nhắn nhe lại rằng ăn ở xúc phạm đến thanh danh Chúa, ta thay mặt Chúa chúc cho các con gái làng này đều chửa hoang hết.”
Cố Thi
Nói rồi cố trèo lên xe tay đi thẳng.
Mọi người nín thinh sợ hãi. Lời nguyền đến là độc ác. Con gái con đứa đang yên lành bị chửa hoang là điều tối kỵ, trời đất khó dung tha. Tội một mình Mến cớ sao cố lại chúc dữ cho con gái cả làng? Họ tội tình gì?
Lời nguyền vậy mà như ứng nguyện. Một số con gái trong làng chửa hoang. Chẳng biết thật hư thế nào. Trong đó, một người trong họ hàng nhà Mến làm chửa hoang một cô gái người làm. Sau này người con gái ấy phải bỏ làng mà đi, tưởng là tha phương cầu thực, hóa ra là đi theo Việt Minh. Khi có cơ hội về làng đã đem xử trôi sông tên Lý trưởng.
Sau đó cha Phêrô Vũ Xuân Kỷ về thay và sau này ông cũng đi theo Việt Minh kháng chiến vì có người cháu là Vũ Đình Liệu móc nối. Sau này, Liệu được điều vào khu 9 trong Nam chống Tây trong suốt những năm kháng chiến. Lúc sau 1975, ông Liệu leo lên đến chức Phó thủ tướng. Và chiếm một biệt thự trên đường Tú Xương do “Ngụy quyền” chạy ra hải ngoại để lại. Ông bà sống nhờ lợi tức cho thuê thửa đất bên cạnh biệt thự xây làm trường học Quốc tế.
Cha Kỷ được đãi ngộ và trở thành Chủ tịch Ủy ban liên lạc tôn giáo, một cánh tay nối dài của cộng sản để chi phối giáo hội Thiên Chúa giáo. Nhưng bị tẩy chay, không mấy thành công nên chỉ là tước vị làm cảnh. Vậy mà lúc chết cũng được chính quyền cộng sản tổ chức quốc tang.
Phần Mến sau này tham vọng muốn có tấm chồng con đàng hoàng nên không tòm tem nhăng nhít bậy bạ.
Số là trong nhà xứ, có thầy giáo Toàn sắp sửa vào trường lý đoán. Nhưng trước khi vào trường lớn, theo luật buộc, thầy Toàn đi làm thầy Kẻ giảng hai năm. Đây là những năm thử thách. Thầy vừa dạy giáo lý cho trẻ con, vừa giúp việc nhà thờ, vừa giúp cha Kỷ làm sổ sách giấy tở. Phải nói thêm thầy trẻ, vừa có học, phong thái trí thức mà đứng đắn. Răng lại trắng chứ không nhuộm đen.
Mến đã ngấp nghé và có mồi chài đôi lần. Nhưng thầy Toàn vẫn né tránh được. Đến một lần nhà Hậu Nhất có giỗ chạp mời cha xứ Phê rô Kỷ, dĩ nhiên có thầy Toàn đi kèm. Mến cố ép thầy Toàn uống say. Đến khi cha Kỷ về trước còn để lại mình thầy Toàn. Mến đưa thầy Toàn đã ngà ngà say trở về nhà xứ lúc đã khuya khoắt. Trên đường đi về và lúc đó, dưới ánh trăng vằng vặc, Toàn còn kịp nhìn thấy cây thánh giá Chúa trên tháp chuông nhà thờ, đầu Chúa như cúi gục xuống. Rồi có đám mây đen trôi qua che lấp mái chuông nhà thờ.
Hình như Chúa đã khước từ.
Chuyện gì có thể xẩy ra thì đã xẩy ra. Gần một bụi duối, Toàn đã ngã quỵ. Phần Mến, có thể đây là lần đầu đóng vai chủ động. Có thể chính Miến tự mình vén váy lên. Thân thể rần rật. Toàn thân tê cứng đỏ ửng lên, tràn trề lai láng.
Nhưng trộm nghĩ rằng kim chích vào thịt thì đau. Còn thịt chích vào thịt thì còn tùy. Đã bao lần Mến đã trải qua. Bao lần, không nhớ hết được. Và đã bao lần như thế. Chỉ mình Mến cảm nghiệm những phút giây tràn trề lai láng và những lần đầy nước mắt.
Đó cũng là lý lẽ ở đời. Cái làm cho cuộc đời đủ cái lý do tồn tại của nó: cái có và không có. Cái được cái mất.
Chúa đã chứng giám tất cả tấn kịch đời từ trên cao. Toàn như tỉnh một giấc mơ trở về thực tại. Chưa bao giờ trong đời Toàn cảm thấy thất vọng và ê chề như thế. Toàn tìm cách tránh mặt Mến như một mặc cảm tội lỗi.
Chỉ độ một tuần sau, ngựa quen đường cũ như người chân đã lấm bùn. Toàn rơi vào vòng tay Mến, không phải tại bụi duối mà ngay tại nhà Mến.
Khi biết truyện lẹo tẹo của thầy Toàn, Cha Kỷ đã tự một mình đến nhà Hậu Nhất sau thánh lễ buổi sáng để nói lời phải quấy. Đây có thể nói là việc hiếm hoi vì cha Kỷ vốn kỵ cánh nhà giầu, ít giao thiệp lui tới. Ông bà Hậu Nhất ngọt nhạt khôn ngoan khéo léo đổ tất cả trách nhiệm do Toàn quyết định.
Cha Kỷ thất vọng ra về. Cánh cửa lim nặng nề mở ra, sau đã đóng sập lại như kết thúc một tấn màn kịch. Từ nay cha mất một người con tinh thần, một linh mục tương lai. Ngày đám cưới buộc lòng cha phải cử hành lễ hôn phối, nhưng nhất quyết không tham dự đám cưới. Các bà Nhất, bà Nhì, theo gương cha, dù là em ruột cũng không dự đám cỗ.
Riêng gia đình ông Trùm Tuy, cánh tay mặt của ông bà Hậu Nhất, có mặt trong việc tổ chức đám cưới, quán xuyến cỗ bàn, tiếp khách. Trong chiếc áo the đen, trong có áo cánh trắng hiện rõ ra bên ngoài. Quần trúc bâu trắng. Ông tất bật đầu này đầu kia. Con trai ông, thầy Thông cũng được mời. Nhưng từ xưa cũng vốn kỵ cánh nhà giầu nên tuyệt nhiên không muốn ai nhắc nhở tới chuyện này. Giờ này ông Thông ở đâu không ai biết. Mà cũng chẳng ai mấy quan tâm, có thể trừ Mến vàToàn.
Phần nhà Hậu Nhất thì tổ chức linh đình, hàng trăm tá điền được tạm thời bỏ công việc đồng áng, giúp việc dựng rạp, trải chiếu đỏ cạp điều, mổ trâu, mổ bò tới tấp, ai vào việc nấy tươm tất. Thật là một khung cảnh nhộn nhịp. Tiếng người gọi nhau ơi ới, tiếng lợn bị mổ thịt kêu eng éc.
Ngày lễ rước dâu, dẫn đầu đám rước thuê đâu được một cụ già râu tóc bạc phơ, rồi đến Toàn bưng quả tráp phủ khăn đỏ. Các hòm sính lễ đều do nhà gái chu cấp, khuân vác. Tá điền mặc quần áo vải xanh, chân quấn sà cạp, bụng thắt giây lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ, trông như bọn lính khố đỏ. Nhưng đẹp hơn. Họ xếp hàng một trịnh trọng, kẻ bưng tráp quả phủ khăn đỏ, kẻ gồng gánh trầu cau nghe theo lệnh của viên xã trưởng được coi như trưởng ban nghi lễ. Ông này tỏ ra oai phong lẫm liệt đầy quyền uy, sắc mặt khó đăm đăm, sai một ly cũng không được.
Người ta cũng không quên một con lợn quay đặt trên mâm quả, phủ vải đỏ do hai người khiêng. Trông lúc này sao mà nó vô duyên chẳng giống ai. Nó là một con vật chết, thui chín vàng giữa đám người sống. Nó trơ trơ mắt như mở trố, nhìn mà chẳng thấy gì. Nhưng nó lại là biểu tượng trong ngày đám cưới không có nói là không xong.
Hình như, sau đó, không có cái cảnh lại quả như thường lệ.
Đâu đây, có đội kèn, có cả kèn tây, trống đánh thùng thùng làm cho buổi lễ thêm hùng khí. Trẻ con xúm chung quanh đội kèn mở to mắt, gióng tai nghe thích thú..
Ông bà Hậu Nhất ngất ngưởng ngồi ghế chủ tọa, ghế bọc gấm đỏ, trạm trổ, sơn son thếp vàng. Cạnh đó là ông bà thông gia. Bố mẹ Toàn gốc nhà quê, nhà mùa khép nẹp rụt rè. Ngày đám cưới con, ông bà gạt lệ, ngậm bồ hòn vì biết mình đã mất một người con. Tội nghiêp ông bà và buồn cho Toàn. Mọi chuyện như đã an bài, như đã định sẵn. Kẻ thì cười cười nói nói, kẻ thì bề trong khóc thầm. Cuộc sống có những điều không hiểu được..
Cách đó không xa là ghế dành cho cha Kỷ bỏ trống. Ghế dành cho hai bà Nhất, bà Nhì cũng bỏ trống luôn. Nhưng điều đó xem ra không ảnh hưởng gì đến buổi lễ.
Trong ngày đám cưới, trong chiếc áo lương the mầu xanh, Toàn ngượng nghịu đóng vai chú rể không hề dám nói một lời với bố mẹ mình. Cái nỗi khổ thầm kín của Toàn là người có ăn học, không phải một người nông dân, nhận thức được bản thân và vai trò lập thân của một người trai của mình là: tậu trâu, lấy vợ, làm nhà thì Toàn hụt hai điều, chỉ được một điều. Hơn ai hết,Toàn hiểu thân phận mình, hiểu miệng thế gian độc địa của người đời. Toàn ngượng ngập trong cảm giác nhục nhã, càng cố đóng trọn vai trò càng tỏ ra vụng về. Nhất là khi nhìn thấy bố mẹ làm Toàn thấy xấu hổ, thương cho bố mẹ.
Ông bà Hậu Nhất thì hãnh diện ra mặt, miệng cười tươi rói đón chào mời khách.
Cả một đoàn xe tay từ trên tỉnh về đến 30 chục chiếc, xếp hàng dài hàng loạt như khoe cái giàu sang. Càng xe bóng loáng, ghế ngồi bọc vải trắng tinh sang trọng. Họ xem ra thoải mái và sang trọng hơn cả chủ nhà. Nhiều ông bà nói bô bô, vái lậy nhau bẩm ông nọ, bẩm bà, một điều thưa cụ, hai điều thưa cụ kia, rối ra rối rít ồn ào, náo nhiệt hẳn lên, nổi bật trong đám dân quê.
Nó có sự pha trộn bát nháo của một đám đông nửa tỉnh, nửa quê. Nó có sự quá độ về tập tục, một thứ văn hóa lễ phép đến trở thành lố bịch, giả dối không cần thiết. Sự nhún nhường che dấu sự cao ngạo. Chữ “không dám ạ” kéo dài trở thành màn giả dối của nếp sống thị thành.
Phần cô dâu, môi đỏ chót, đầu đội khăn xếp màu vàng, mặc yếm lụa đỏ mà lồ lộ hai núm vú. Bụng thắt khăn nhiễu mầu vàng. Giây sà tích bằng bạc buộc ngang lưng, thả dài xuống dưới váy lĩnh tận bắp chân. Chân đi hài cườm.
Phải nói là Mến đẹp hơn bao giờ, tươi rói của một cô gái đang thì, con nhà giầu.
Các nghi lễ cưới hỏi được diễn ra một cách trịnh trọng. Có tiếng pháo nổ lẹt đẹt, thỉnh thoảng có tiếng pháo đùng nổ đinh tai nhiều chập, Xác pháo đầy sân. Đám trẻ con tò mò bu quanh. Nhiều đứa bạo dạn trèo lên cành cây, bờ tường để nhìn cho rõ.
Nhà thờ ai đó đã trang hòang hoa lá trên bàn thờ và lối đi lên đầu các hang ghế bằng các bông huệ, hoa cúc vàng và hoa thược dược.
Chuông nhà thờ kêu kính coong từng hồi inh ỏi như thúc dục, hoan hỉ mừng vui như đón chào, khác hẳn sự nghiêm trang của cha Kỷ. Đàn nhà thờ mở đầu với bài Magnificat. Tiếp theo ca đoàn nhà thờ hát các bài thánh vịnh. Bên ngoài khi lễ tất, Chuông nhà thờ lại một lần nữa theo lệ vẫn tiếp tục đổ do ông bõ kéo.
Đám cưới sau hai ngày nhộn nhịp rồi cũng xong, ai về nhà nấy. Đoàn xe tay kéo các dân thành thị một lần nữa trong tiếng lạy ông, lạy bà đến mỏi miệng lần chót. Dân làng tiếp tục công việc đồng áng. Người ta tạm quên những ngày vui đã qua.
Phần cha Kỷ, đã đến giờ của cha, Ông lẳng lặng bỏ nhà xứ mà đi không một lời từ giã con chiên. Nhà xứ như rắn mất đầu. Giáo dân vẫn đến nhà thờ đọc kinh, chỉ trừ không có cha làm lễ. Giáo dân một thời vắng cha xứ. Phải dợi cho đến khi Tây về lập bót bề trên mới gửi tạm cha già Tích về coi xứ.
Sự ra đi của cha Kỷ như báo hiệu một cơn giông tố như ập xuống chưa biết lúc nào.
Nhưng công việc nhà xứ nay Toàn phải ra vào mỗi ngày để tính sổ sách, trả công cho tá điền, v.v..
Tình hình chung có nhiều biến động bất thuòng và nhiều dấu hiệu chẳng lành. Có những vụ bắt người dẫn đi ban đêm không xét hỏi, không biết dẫn đi đâu. Ông trùm Tuy của nhà xứ bị dẫn lên Trại tù Lý Bá Sơ hầu như biệt tin tức, một năm sau mới được thả về.
Trường hợp Lý trưởng bị bắt trói gô sau đó cho vào rọ trôi sông. Những người có tai mắt trong làng có khi đêm phải kiếm chỗ ngủ tạm. Không khí bất an bao trùm lên xóm làng trong nỗi sợ sệt.
Các trai tráng trong làng, nhất là các tá điền hầu hết đều tham gia vào du kích như trường hợp các tên Khôi, Bảy Sún hay Sử. Trai tráng thợ thuyền vắng bóng. Nó báo hiệu một xã hội xã thôn đang tan rã từng mảnh của một miền đất khổ. Một mùa thu với lá vàng úa, ảm đạm.
Cánh nhà giầu đã mau chân chạy thoát lên Hà nội. Chỉ có một lần cánh nhà Hậu tự cho người tát ao cá, tiếng là vậy, nhưng chính là để vớt các hũ vàng bạc châu báu chôn cất dưới ao. Có lẽ chỉ còn sót lại các bà nhà Dòng và gia đình Mến.
Quang cảnh làng ruộng đất nay bỏ hoang vì không có tá điền. Chỉ còn một số thửa ruộng tốt chung quanh làng còn canh tác được.
Vậy mà năm nay lại mưa tầm tã lũ lụt ngập cánh đồng. Cánh đồng chiêm hay đồng mùa đều ngập ráo trọi như một biển hồ, không phân biệt đâu là chân trời nữa. Kịp đến khi tạm ráo, mặt trời ló dạng, tá điền, phần lớn là phụ nữ vội vã ra đồng gặt lúa ngập nước làm xẩy ra vụ chết đuối 3 phụ nữ ngay trước mặt tiền căn nhà hai tầng của Mến. Mến đã bỏ tiền ra mua ba cỗ áo quan giúp chôn cất. Nhưng người chết vẫn cứ chết. Những cái chết oan ấy lấy chi đền bù được.
Bà mẹ một trong những cô gái chết oan, sót con, mỗi ngày vào buổi chiều ngồi ôm gối, khóc con ỉ ôi suốt cả tháng trời gần nhà Mến, ai mà không động lòng. Tiếng ới con ơi là con, sao con bỏ mẹ con đi nghe não nuột.
Chẳng bao lâu sau lại xẩy ra một vụ chẹt ô tô đến hi hữu, cũng cạnh nhà Mến, chỉ cách căn nhà hai tầng chừng 200 mét. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến xe hàng chạy trên Quốc lộ xuôi phía Nam. Xe chạy ì à ì ạch nào có nhanh gì. Trẻ con ngày nào cũng chạy theo đuôi theo xe như một trò chơi. Tài xế phải bóp còi inh ỏi. Vậy mà có một chị quẩy một quang gánh bên vệ đường. Không hiểu phản ứng thế nào lúc xe chạy qua chị lại hốt hoảng nhảy ra phía đường thay vì giạt vào bên bờ. Chị bị bánh xe phía sau đè ngiến lòi cả ruột. Một cái chết tình cờ như một oan trái định mệnh không cắt nghĩa được. Một người phụ nữ ăn mày chết gục bên hông nhà Mến. Chọn chết ở đâu không chết, lại chọn bên cạnh nhà Mến.
Những cái chết oan khiên đó tuyền là phụ nữ được người đời hiểu là do Chúa phạt. Phạt ai? Còn ai vào đây nữa. Mà tại sao không phạt đích danh thủ phạm. Tội ai người đó chịu. Lại chọn những người vô tội? Chúa phạt là câu nói đổ oan tiếng ác cho Chúa. Chúa nào làm thế.
Ở nhà quê, dư luận nhiều khi cho rằng có sự can thiệp giữa người sống, người chết, giữa oan hồn và ma quỷ là chuyện cơm bữa. Nhiều người quả quyết trên các cành cây ngọc lan bên cạnh nhà Mến về đêm có những bóng ma đàn bà xõa tóc lởn vởn hiển hiện rồi biết mất. Hoặc có những tiếng kêu bất thường như tiếng quạ kêu, tiếng chó tru, tiếng mèo hoang nghe đến rợn tóc gáy. Những hiện tượng thiên nhiên bình thường bỗng chốc biến thành những đe dọa của thần thánh hay ma quỷ.
Nhưng thực sự như thế nào khó mà kiểm chứng.
Trong căn nhà tây hai tầng, nhiều người đồn thổi đồ đạc bị di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Cửa nẻo vô cớ bật tung. Tiếng cành cây ngọc lan vô cớ gẫy làm vỡ đổ các chậu hoa trước cửa nhà. Hình như có một sự sắp xếp nào đó như có sự hiện diện của ma quỷ quấy nhiễu.
Ai cũng đổ quyết là căn nhà Mến có ma.
Nhiều người còn quả quyết là Mến trò chuyện với những bóng ma bằng cách gõ nhịp như một thỏa hiệp. Chẳng hạn một gõ là đúng. Hai gõ là sai, v.v..
Nhưng điều chắc chắn là sau này Mến đâm dở người. Nói lung tung, lảm nhảm hay nói một mình. Sự bất thường ấy làm Mến gầy xọp đi, ăn ngủ không ngon. Toàn đã thuê mướn các thầy thuốc Bắc nổi tiếng từ trên tỉnh về để chữa trị. Mỗi ông chẩn đoán một cách. Có ông đề nghị phải cúng kiếng, nhưng Toàn không chịu. Chữa hết các thầy thuốc Nam đến uống các thuốc lá, thuốc xông. Có ông thầy địa lý, đòi phải đởi hướng cửa ra vào nhà Mến ra hướng đường cái. Nhưng kết quả đều không khá gì. Chỉ kéo dài thêm thời gian mà tật bệnh vẫn còn đó vô phương cứu chữa.
Phương cách cuối cùng là nhờ các bà nhà dòng xin lễ cầu bình an. Kết quả đi đến đâu không ai biết mà mạng sống của Mến mỗi ngày như chỉ mành treo chuông.
Phải chăng Chúa đã ngoảnh mặt làm ngơ hay Chúa đã khước từ vì tôi lỗi đã qua nào ai biết được? Tử thần như trực chờ gõ cửa. Số phận con người như đã được an bài.
Bệnh trạng kéo dài như thế đến hai năm đến hồi kết cục. Ông Trùm Tuy đã bắt đầu nghĩ đến hậu sự cho Mến. Sự lo lắng của ông xem ra mỗi ngày một trầm tư. Cha xứ không có, ai lo phần thiêng liêng trong giờ phút lâm tử? Chết không lo được phần hồn sang thế giới bên kia lưu lạc vất vưởng..
Nhưng nói cho cùng đó chỉ là chuyện nhiều phần hoang đường. Thật ra đó chỉ là chuyện thay vật đổi ngôi, thịnh suy có lúc. Đất mước chuyển mình theo chiều lộn ngược. mọi sự đổi dời như mảnh đất chuồi sụt lở dưới chân lôi kéo theo cả một thể chế, lịch sử con người như một trận hồng thủy.
Lịch sử câu chuyện làng Yên Phú so với chiều kích đất nước chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ. Suy ra lịch sử biên thùy Viêt Nam nói riêng đã được vẽ đi vẽ lại mất đất, mất biển nào ai hay. Và lịch sử thế giới đã bị tàn phá, chế ngự gần như tuyệt vọng và phá sản mà dòng lịch sử ấy được coi như một dòng sông Hủi cuốn trôi phăng đi như lục bình trôi nào xác người, củi mục và rác rến đủ loại dưới gọng kìm cộng sản. Không phải chỉ vài triệu sinh mạng mà hằng trăm triệu sinh mạng chết không một nấm mồ. Tưởng như con người rơi vào nỗi tuyệt vọng mà câu chuyện của Mến chỉ là hạt cát trong biển cả như điểm khởi đầu.
Và vẫn cần tin vào lời thơ chí tình của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện khi ông thống thiết lên rằng:
“Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, đêm tàn
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng. […]”
Nguyễn Chí Thiện, Sẽ có một ngày
Và bao giờ sẽ là cái ngày đó? Xa hay gần. Nào ai biết được. Nhưng vẫn tin rằng: sẽ có một ngày cái đuôi cộng sản như loài rắn độc ngoe nguẩy, hết quẫy.
Cho nên cuối cùng chả có chi để trách Mến hoặc bất cứ ai khác như Toàn, như cha Kỷ, như ông bà Hậu Nhất và phe cánh nghà giầu làng Yên Phú.
Họ tất cả chỉ là những lục bình trôi trên dòng sông hủi.
Vì thế Khi Việt Minh nổi lên với chính sách tiêu thổ kháng chiến, căn nhà tây hai tầng đã bị san bằng địa. Kịp đến khi Tây về đóng đồn, lập bót, nhận thấy cây ngọc lan ngăn tầm nhìn quan sát toàn khu vực đã cho người đốn chặt đi.
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.