Nhớ Lại Thời "Nhỏ Ơi"
Đã qua tuổi được gọi là "nhỏ" từ ... vài chục năm qua, chúng tôi vẫn bồi hồi nhớ lại thời mới lơn khi nghe chsNQ 14 Bùi Thanh Lam hát bài "Nhỏ ơi"
Đã từng là nữ sinh, ai lại không có một thời được nghe bạn bè cùng lớp gắn chữ "Nhỏ" trước tên mình thời Trung học. Chữ "nhỏ" đôi khi còn gắn với một danh từ khác để chỉ đích danh của một đứa bạn trong lớp, chẳng hạn "nhỏ mắt to", "nhỏ mọt sách", "nhỏ Cady" "nhỏ Bonjour", "nhỏ Pingpong", "nhỏ hài thêu", "nhỏ bình nước", "nhỏ Vành khuyên"... Hay những tên gọi chỉ dám gọi sau lưng (vì... lịch sự có thừa): "nhỏ Babilac", "nhỏ đít chai", "nhỏ ăn hàng", "nhỏ kênh kiệu"...
Dù có là nhỏ gì đi nữa, thời lớp 6 đến thời lớp 9 vẫn là thời "qualified" cho cái tên "nhỏ" và là thời đẹp nhất đời người.
Đã xa rồi thời đó, tưởng nickname "nhỏ" đã là một dòng sông thời thơ dại trôi ra biển lớn của dòng đời, không còn tìm lại được, nhưng cảm ơn nhạc sĩ Quang Nhật cảm ơn anh Bùi Thanh Lam, đã đưa chúng tôi về lại thời còn được gọi là "nhỏ", không những chỉ bởi bạn bè cùng lớp mà còn bởi người bạn, ngồi cùng chỗ, cùng phòng học vào buổi chiều.
Rồi những buổi chiều tan học, cả nhóm cùng đi bộ về nhà, hay những buổi trưa tan học,chở nhau trên chiếc xe mini "thả dốc Ngô Quyền" (quãng đường từ rạp Biên Hùng đến trường Ngô Quyền) lâu lâu lại nghe ở chiều ngược lại, "ai đó" la lớn "Nhỏ ơi".
Nghĩa là hai chữ "Nhỏ ơi" đi vào "văn học sử của học sinh" cả văn nói lẫn văn viết.
Mãi về sau này, tuổi học trò đã vuột khỏi tầm tay từ lâu. Hai chữ "nhỏ ơi" cũng đã phủ đầy bụi thời gian. Năm 2006, họp mặt chs Ngô Quyền toàn thế giới lần thứ nhất ở miền Nam California (có NQK8 Trần Hữu Phúc từ Đức qua, là một thành viên quan trọng của Ban tổ chức), lần đầu tiên chúng tôi gặp lại những cựu nam sinh Ngô Quyền đã từng gọi mình là "Nhỏ ơi" thời mới lớn.
Dĩ nhiên, bây giờ hai tiếng "Nhỏ ơi" không còn phát ra từ miệng, nhưng khi nhìn vào mắt nhau lần đầu sau 31 năm không gặp, chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng hai chữ "nhỏ ơi" và chợt thấy lại hình ảnh của thời mười ba, mười bốn trong mắt nhau.
Kỷ niệm tràn về, những dãy hành lang lớp học, sân trường trắng áo học trò sáng sớm thứ hai, hoặc thứ năm chào cờ tràn về tinh khôi như thời mới lớn, dù không ai nói với ai tiếng nào.
Dĩ nhiên, bây giờ chữ "nhỏ ơi" không còn thích hợp với chúng tôi. Nhưng cứ mỗi lần đi họp chs Ngô Quyền hàng năm, chắc là không chỉ chúng tôi, mà chắc là các anh chị lớp lớn hơn cũng thấy lại hai chữ "nhỏ ơi" trong mắt của một người bạn ngày xưa. Và trong một “khoảnh khắc ngàn vàng”, tưởng như mình vẫn còn là "nhỏ của ngày xưa".
Xin cảm ơn Nhạc sĩ Quang Nhật, người sáng tác bài hát "Nhỏ ơi". Bài hát không có những tư tưởng sâu lắng như ca từ của Trịnh Công Sơn, không đem về niềm tự hào dân tộc như lời ca của Phạm Duy, không dịu dàng, lãng mạn như lyrics của Ngô Thụy Miên. Nhưng cứ mỗi lần nghe "Nhỏ ơi", là thời mới lớn tràn về, những người bạn cùng lớp trong trí tưởng vẫn ngây thơ như một thủa nào đã xa; và có cả hình ảnh của "hình như là tình yêu" thoáng qua đầu đời.
Khi Quang Nhật sáng tác bài "Nhỏ ơi", có lẽ anh còn học Trung học nên lời bài hát rất tự nhiên, có cái e ấp, hồn nhiên của học trò. Bài hát được rất nhiều ca sĩ diễn tả, nhưng gần đây khi nghe NQK14 Bùi Thanh Lam hát, có lẽ anh Lam cũng thả hồn về thời đi học nên giọng của anh Lam có "nét ngây thơ" hơn các ca sĩ khác, dù một vài ca sĩ hát khác rất hay nhưng "kỹ thuật luyến láy" của họ đã lấy đi mất nét ngây thơ cần có của "Nhỏ ơi".
Nên đã tạo đủ cảm xúc cho chúng tôi nhớ lại thời "Nhỏ ơi" hơn bao giờ hết dù đã gần một năm nay, vì đại dịch cúm Tàu, chúng tôi không có dịp gặp lại Thầy Cô và bạn bè.
Ước mong ở lần họp mặt NQ kế tiếp, anh Lam sẽ dựng lại hoạt cảnh "Nhỏ ơi" như một thủa nào tan học vẫn nghe các anh gọi các chị là "nhỏ ơi".
"Nhỏ ơi", mình sẽ cùng thấy lại một thời gọi nhau là "Nhỏ ơi" trong một khoảnh khắc nào đó dù thời gian đã có bề dày trên mắt, trong tâm hồn của mình....
Nguyễn Trần Diệu Hương - JAN 2021
(Để nhớ tất cả "nhỏ ơi" của 9/1 thời đi học)
Đặc biệt tặng bài này cho các chs NQ K14, và K15)