Tôi từng có một thời niên thiếu như thế
(Giai đoạn 1959- 4/1975)
Cuộc Cách Mạng Xanh
Ngày xưa vào thời niên thiếu, tôi được biết nước Việt Nam Cộng Hoà của tôi đã từng có những vị lãnh đạo tài ba, có thể tự tin giao tiếp với nguyên thủ các nước khác bằng ngoại ngữ Anh Pháp một cách lưu loát mà không cần phiên dịch. Có thể các vị ấy chưa được hoàn hảo về một số mặt, nhưng họ có một điểm chung là có lòng yêu nước thương dân, có tầm nhìn chiến lược ngắn hạn và dài hạn để quản trị xã hội và canh tân đất nước. Bên cạnh đó, chính phủ miền nam cũng có được những chuyên gia quản trị, những công chức được đào tạo bài bản tại các trường chuyên môn (Quốc gia Hành Chánh hay các trường chuyên ngành) dựa trên chế độ thi cử và tuyển dụng công bằng, chứ không xét trên yếu tố lý lịch xuất thân hay cơ cấu đảng phái. Do vậy miền nam VN đã có được những chuyên gia quản trị tài giỏi, sáng tạo, biết nhìn xa trông rộng, và hết lòng vì nước vì dân phục vụ.
Miền nam lúc ấy đã có một nền kinh tế tăng trưởng đồng đều trong mọi lĩnh vực, dù ở trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh tương tàn ác liệt. Đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển một cách rực rỡ, đã làm nên một miền nam VN phồn thịnh và là vựa lúa của Đông Nam Á. Chính phủ VNCH xem nông dân là tinh hoa của nông nghiệp, nên đã có những chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân. Nhờ vậy, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện. Bộ mặt nông thôn dần dần được thay đổi, thịnh vượng & sung túc hơn xưa.
Tôi còn nhớ vào tháng 3/1971, tỉnh Biên Hòa hiền hòa & tĩnh lặng của tôi có một sự kiện đặc biệt, được người dân háo hức đón chờ. Đó là ngày Người Cày Có Ruộng (NCCR) 26 tháng 3, đánh dấu năm thứ 1 chính sách cải cách điền địa của nền đệ nhị Cộng Hoà. Tiếng trống lân rền vang khắp nơi, rộn rã tưng bừng như ngày Tết. Xen lẫn với một rừng cờ vàng phất phới trong thành phố là các biểu ngữ được giăng khắp nơi:
“Biên Hòa hai sáu tháng ba.
Người cày có ruộng chúng ta cùng về “
hoặc “Chào mừng ngày Nông Dân Việt Nam 26/3”
Trong ngày trong đại ấy, có Tổng Thống VNCH về dự và khai mạc hội chợ triển lãm thành tựu Nông Nghiệp của miền nam. Lễ hội kéo dài một tuần. Đây là ngày hội lớn của giới nông dân nói chung và của người dân Biên Hòa chúng tôi nói riêng. Lúc ấy, cùng với gia đình, tôi được đi xem hội chợ triển lãm được tổ chức tại sân vận động Biên Hòa, nên có cơ hội quan sát các gian hàng triển lãm từ nông sản cho đến nông ngư cơ các loại. Tại hội chợ triển lãm, các nhà sản xuất trong & ngoài nước có dịp gặp gỡ, giới thiệu và chào mời giới nông gia VN các sản phẩm cơ khí Nông Ngư Nghiệp. Tôi còn nhớ lúc ấy, có nhiều đoàn các "lão nông tri điền" từ khắp nơi tụ hội về tham dự triển lãm. Các lão nông “thứ thiệt” săm soi thích thú trao đổi kinh nghiệm với nhau về máy cày, máy xới, máy đuôi tôm cho đến các loại giống lúa mới Thần Nông, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc... Người nông dân rất hăng hái đến với triển lãm và háo hức khám phá những kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp, vì từ nay, họ đã thật sự làm chủ và quyết tâm làm giàu trên mảnh ruộng của mình.
Chương trình người cày có ruộng là một điểm son của nền đệ nhị Cộng Hoà. Chương trình này đã tạo ra một tầng lớp tiểu nông đông đảo, thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Trong thời gian này, chính phủ VNCH cũng cho thử nghiệm và khuyến khích nông dân gieo hạt lúa mới Thần Nông, làm gia tăng đột biến năng suất trồng lúa, đồng thời chính phủ cũng mở rộng các chương trình tín dụng nông thôn để giúp nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua máy móc & nông cụ…. Kết quả là sản ngach lúa gạo thặng dư, đưa đến khả năng xuất cảng gạo gia tăng. Đời sống người nông dân sung túc, có của ăn của để.
Tôi còn nhớ, vào những năm 1972-1974, hình ảnh rất phổ biến tại miền nam là những người nông dân chơn chất, những “anh Hai Lúa”, những “ông già Ba Tri” từ các vùng quê “khăn gói” lên tỉnh, tìm mua máy cày, máy xới, máy bơm nước, các loại máy móc nông nghiệp tại các đại lý buôn bán nông cơ để dần dần tự cơ giới hoá việc canh tác của mình. Ngoài ra, cũng có rất nhiều nông dân lên tỉnh thành chỉ để mua sắm những đồ gia dụng giá trị như xe Honda, TV, Cassette, tủ lạnh, máy may…
Bên cạnh chương trình NCCR, các nhà quản trị VNCH dựa vào đặc điểm riêng của từng vùng miền mà hoạch định những chương trình dự án phù hợp. Ở khu vực miền tây nam phần, Ý thức được đồng bằng sông Cửu Long tuy là vựa lúa của Đông Nam Á, nhưng vùng đồng bằng này là hạ nguồn sông Cửu Long, khả năng rủi ro là khô hạn và nhiễm mặn có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi các nước ở vùng thượng nguồn tích trữ nước để xây đập thuỷ điện, nên ngay từ đầu thập niên 70s, các nhà hoạch định của VNCH đã có những dự án ngắn hạn, dài hạn, kể cả những kế hoạch hậu chiến như dự án nạo vét lòng sông, đào hồ chứa nước, kiến tạo những dòng sông nhân tạo, quy hoạch lại hệ thống sông rạch và ngăn cấm việc khai thác cát bừa bãi để bảo tồn tài nguyên môi trường trong khu vực. Những dự án này nếu không bị bức tử sau tháng 4/1975, thì miền tây sẽ mãi mãi vẫn còn bạt ngàn những ruộng lúa xanh tốt phì nhiêu, đời sống người dân luôn ấm no sung túc chứ không bao giờ có chuyện nghịch lý một miền sông nước trù phú lại phải lâm vào tình trang khô hạn & nhiễm mặn, khiến không ít người dân phải từ bỏ làng quê mà đi tha phương cầu thực khắp nơi như hiện nay.
Ngoài ra, chính phủ VNCH thời ấy đã có những hình thức khuyến nông đa dạng phong phú qua các phương tiện truyền thông như TV, Radio hay qua sách báo, tạp chí. Tôi còn nhớ khi xưa, mặc dù không biết gì về nghề nông nhưng tôi rất thích tìm đọc tạp chí “Hương Quê”- một tạp chí chuyên đề về nông thôn & khuyến nông, nhưng tôi ít chú ý đến những bài viết về kỹ thuật canh nông mà chỉ thích đọc các bài đoản văn, ký sự miền quê hấp dẫn của 2 nhà văn nổi tiếng miền nam là Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc. Một sở thích khác của tôi là mỗi buổi chiều, khoảng độ 5-6 giờ, tôi đều đón nghe chương trình “Gia đình Bác Tám” từ đài phát thanh Sài Gòn, với các nhân vật nông dân hiền lành chất phác dễ thương như ông bà Tám và hai con là Hiền & Lành, ông hàng xóm Chín đờn cò, bà Năm trầu với các chủ đề xoay quanh chuyện nhà nông. Nghe chương trình này, tôi tưởng tượng như mình được sống trong một làng quê êm ả thanh bình với những người dân thật thà chơn chất của miền tây nam phần giàu có & sung túc.
Khi hoài niệm lại những sự kiện đã xảy ra vào thời niên thiếu xa xưa, tôi đã liên tưởng về một cuộc Cách Mạng Xanh của chính phủ VNCH thông qua chương trình NCCR mang đậm tính nhân văn, với tôn chỉ lấy dân làm gốc. Chương trình này được thực hiện dựa trên tinh thần thượng tôn luật pháp, hòa giải và hòa hợp xã hội. Một mặt tôn trọng quyền lợi của chủ đất, khôi phục và bảo vệ Quyền tư hữu đất đai, mặt khác giúp cho toàn thể nông dân có ruộng cày. Chương trình NCCR được thực hiện ôn hòa, các bước thực hiện được tính toán cẩn trọng phù hợp với lòng dân, hoàn toàn khác hẳn với cuộc cách mạng Cải Cách Ruộng Đất “Vô tiền khoáng hậu - Long trời lở đất " chém giết kinh hoàng như đã xảy ra ở phía bên kia vĩ tuyến 17, để rồi có một kết quả đau thương là giới tinh hoa của dân tộc bị bức hại, người dân nơi ấy lâm vào cảnh oan khuất, lầm than và vẫn xơ xác đói nghèo.
Ngày xưa, thời niên thiếu của tôi rất hạnh phúc khi đã trải nghiệm gần 16 năm được sống, được hít thở không khí tự do, được chứng kiến những thành tựu ban đầu của một nền tự do dân chủ tuy còn non trẻ nhưng đã có những bước đi đột phá ngoạn mục với mục tiêu làm cho dân giàu nước mạnh trong chính thể VNCH. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên được những năm tháng vàng son ấy của Việt Nam nước tôi.
Thật vậy, tôi đã từng có một nước Việt Nam Cộng Hoà văn minh & nhân bản với những nhà hoạch định chính sách quốc gia tài giỏi vừa có Tâm vừa có Tầm, một lòng vì nước vì dân như thế trong quá khứ.
Phan Phú Hiệp