
Một người bộ đội từ miền Nam lấy được mấy ngày phép về thăm bố. Mẹ anh ta đã qua đời khi anh ta đi chiến trường B.
Gia đình chỉ còn một bố một con. Mười năm đi bộ đội, lặn lội từ chiến trường này đến mặt trận kia, thoát chết nhiều lần trong đường tơ kẽ tóc, cho đến ngày lấy Sài Gòn, anh mua được một “chiếc đài” định bụng mang về biếu cho bố. Anh ta biên thư trước báo cho bố biết sẽ về thăm nhà, nhưng không nói rõ ngày nào, vì thủ trưởng đã hứa, nhưng cứ hẹn lần hẹn lửa là công tác khẩn trương, hết chiến dịch đánh tư sản mại bản đến chiến dịch đổi tiền, linh tinh đủ thứ. Sau cùng anh ta lấy được phép. Từ Sài Gòn, anh ta đi tàu Thống Nhất về Hà Nội. Tại Hà Nội anh mượn chiếc xe đạp của em gái người bạn cùng đơn vị và cùng được phép về một chuyến. Nhà anh tuy thuộc một vùng quê nhưng không xa Hà Nội là bao. Anh cho bạn biết thăm bố, biếu bố cái đài xong ở chơi với bố một hôm rồi ra Hà Nội ngay. Ngày phép còn ít nhưng anh ta yêu cô em gái người bạn. Anh ta muốn lợi dụng thời gian còn lại để tìm hiểu nhau.
Nhưng người bạn anh ta chờ hết ngày này sang ngày nọ, phép chỉ còn có một ngày mà vẫn chưa thấy bạn về. Sốt ruột anh ta đi tìm bạn. Đến nhà nhưng không gặp ai, anh thấy chiếc xe đạp của cô em mình dựng trong nhà yên lòng ngồi chờ.
Mãi sau, người bố bạn về. Anh hỏi ông cụ “ngày phép đã hết sao anh ấy chưa chịu ra Hà Nội rồi trở lại đơn vị với cháu một thể?” Người bố hỏi lại, “Nó về hồi nào? Tôi cũng đang mong nó đây!” Anh không hiểu gì hết, đứng dậy đến bên chiếc xe đạp hiệu Phượng Hoàng. Một chiếc pê đan bị gãy. Cái vết cào ở cây đòn dông có vết chữ P là tên Phương em gái anh. Không thể nhầm được.
“Nhưng mà thưa bác anh ấy đã lấy phép về cùng ngày với cháu. Chiếc xe đạp này là của em cháu!”
Ông bố nghe xong lặng người, đầu gục xuống, hai tay bưng mặt. Một đỗi, không lâu lắm, bất ngờ ông đứng bật dậy chạy tuôn ra cửa băng ngược về phía bờ sông. Ông vừa chạy vừa hét tán loạn, “Bố giết con rồi! Con ơi, bố giết con rồi!” Chỉ hỏi tôi rằng chú là người ưa đọc sách có bao giờ chú được đọc một tác phẩm văn chương mô tả một thảm kịch tương tự như vậy chưa? Thành ra chuyến đi thăm cháu Hải ở Vĩnh Phú, mặc dù đầy nước mắt của hai mẹ con - Hải bị liệt không đi nổi, người ta phải võng cháu ra để chị đưa quà cho cháu - chị vẫn thấy thật ra mình chưa đến nỗi bi thảm lắm. Chị viết có lúc buồn quá, vì hai đứa con bị đi cải tạo tận ngoài Bắc, chồng thì chết, nhà thì bị chế độ mới chiếm đoạt, nhưng nghĩ lại nếu chị buông tay thì đám con của chị sẽ ra sao. Chị phải sống. Ít nhất còn có ích cho mấy đứa con. Bao giờ chúng được trả tự do hết hẳn tính. “Một trăm năm nữa nếu mấy cháu còn ngồi tù tôi cũng vẫn cứ chờ chúng nó.”
Một trăm năm nữa nếu con còn ngồi tù bà mẹ sẽ vẫn chờ. Tôi tin chị. Chị là chị dâu tôi nhưng chị giống mẹ tôi một cách lạ lùng, như thể chị chính là mẹ tôi, là hòn máu, là khúc ruột của mẹ tôi. Chìu chồng, lo cho con, chị hoàn toàn quên mình. Thư chị viết cho tôi khá dài nhưng tôi có cảm tưởng, sau khi đọc xong, rằng chị muốn nhắn một điều gì khác hơn là sự kể lể chuyến đi ra Bắc thăm cháu Hải.
Tôi lật qua lật lại tờ giấy viết thư màu vàng xỉn và mỏng lét, cái bao thư còn nghèo nàn hơn như làm bằng rơm rác. Cuối lá thư chị hỏi thăm Quỳnh và cháu có khỏe không, đang làm gì để sống. Chị không biết là Quỳnh đã bế con đi, chị càng không biết tôi từ nhà tù ra. Câu chuyện chị kể nghe tưởng như là kịch bản Ngộ Nhận của Albert Camus, hay xưa hơn, Vua Lear của Shakespeare. Cái ghê gớm là nó xảy ra trên đất nước mình, ngay trong đời sống mình. Nó không ở trong trang sách. Nó không ở trên sân khấu. Thảm kịch ấy đang diễn ra vô số, khắp nơi trên quê hương mình. Đất nước gì mà mỗi người cứ y như là một diễn viên. Người ta giả với nhau hết. Giả nhân, giả nghĩa, giả hình. Chế độ nói những lời đạo đức, người thừa hành nói những lời đạo đức. Chỉ có hành động là ngược lại thôi. Giáo dục là hàng đầu nhưng thầy giáo cô giáo phải đạp xích lô hoặc bán xôi để kiếm thêm cái sống, và trẻ con thì mở miệng là chửi thề suốt. Ông Mười Tân có lần nói những cái tiêu cực đó là điều xấu xa dễ hiểu. Nhưng nó chỉ là hiện tượng. Bản chất của chế độ là tốt, dứt khoát là tốt. Một lần tôi theo Quỳnh đến thăm ông Mười Tân, đúng ra là đến nhờ vả ông Mười Tân, giúp cho ba Quỳnh sớm ra tù.
Ông cụ bị nhốt hai năm vì tội tư sản mại bản. Ông Mười Tân không có nhà. Ông đi họp ở Hà Nội. Chị Mười nằm trên võng vườn sau. Nhà là một ngôi biệt thự xưa.
Tôi bấm chuông và chờ đợi khá lâu mới nghe tiếng dép đạp trên những hòn sỏi. Cánh cổng sắt nặng nề nhích ra và một khuôn mặt đàn ông lạnh nghiêm hỏi tôi hỏi ai. Quỳnh nói tên ông Mười. “Có chuyện gì?” Quỳnh nói “Chuyện nhà.” Ông ta lắc đầu, “Chú Mười đi Hà Nội chưa về.” “Tôi muốn được gặp chị Mười.” Quỳnh tiếp, giọng bực bội. “Nhưng anh chị là ai?” Tôi thọc tay vào túi quần ngó lên trời.
Buổi chiều đang xuống. Trời còn sáng nhưng mưa lất phất. Tôi nghe Quỳnh nói tên. “Xin anh chị chờ.” Tiếng sỏi khua dưới chân lạo xạo. Một đỗi lâu tiếng bước chân trở ra, cánh cổng mở. “Mời anh chị vào.” Tôi dắt chiếc Honda đi sau Quỳnh.
Con đường rải sỏi. Sân trước rộng. Một hồ nước lớn có thả sen. Những bụi hoa dọc theo đường. Tường cao. Tôi nhớ ngôi biệt thự của ông Phan mà tôi đã đến, đã ở, đã quen. Ông Mười Tân và ông Phan. Tại sao có những trùng hợp kỳ lạ? Tôi luôn luôn là kẻ đứng mấp mé bên cạnh những người quyền lực và những người giàu sang. Tôi có phải là kẻ ưu thích tiền bạc và quyền lực không? Tôi biết tận trong thâm tâm tôi câu trả lời là không. Tại sao tôi phải ưu thích những thứ mà nếu không có nó tôi vẫn tồn tại. Mà tồn tại để làm chi? Nhiều khi tôi tự hỏi như vậy. Tôi lớn lên trong chiến tranh và tôi đang thấy mình sắp chết trong một cuộc chiến. Bao nhiêu người cầm súng chiến đấu cho bên này, bao nhiêu người cầm súng chiến đấu cho bên kia. Những ông Phan và ông Mười Tân, không ai nghĩ kẻ khác yêu nước hơn mình. Trong cái ánh mắt lấp lánh tia nắng quyền lực của hai ông, tôi thấy phản chiếu thứ bóng tối của sự chết. Người ta làm việc tranh đấu và hy sinh là đi tìm cái sự sống, sự sống, chứ đâu thể là đoạt cho được cái chết, sự chết. Bàn tay luôn luôn ướt rịn mồ hôi của ông Phan và cái vết sẹo lớn trên trán kéo xuống tận mắt trái chẻ ngay đường chân mày của ông Mười Tân là những điều làm tôi sợ. Có lẽ họ cũng bằng tuổi nhau. Mái tóc ông Phan lốm đốm bạc khi tôi gặp ông lần đầu - có lẽ bây giờ đã bạc trắng như mái tóc của ông Mười Tân.
Có lẽ hai người đã có lần gặp nhau, đã cùng đi với nhau trên một con đường, và sau đó họ chia tay nhau mỗi người một ngả. Một người bên này, một kẻ bên kia. Và đó là đời sống sao? Tôi không muốn hiểu nữa. Mặc kệ.
“Có cậu Thăng ở nhà không?”
Ai như tiếng bác Ngô hàng xóm. Tôi chồm dậy.
“Cậu Thăng! Cậu Thăng!”
Tôi mở chốt cửa. Bác Tư gái đứng trước sân, tay cầm lá thư, sững sờ nhìn tôi.
“Trời ơi! Cậu Thăng, sao cậu ra nông nỗi này!”
Bà làm tôi ngạc nhiên. Tôi có làm sao. Sao tôi lại ra “nông nỗi này” là thế nào.
“Cậu như một người chết đuối mới vớt lên vậy?”
“Mời bác vào chơi!” Tôi sực nhớ mình vẫn đứng chận cửa.
“Ờ! Tôi có tin mừng, tôi muốn cho cậu hay tôi có tin mừng.” Bà Tư giơ lá thư trước mặt tôi. “Hai đứa nó tới được bình an rồi.”
“Mừng hai bác!” Tôi ngó lá thư trên tay bà Tư.
“Đây cậu đọc đi, cậu Thăng!” Bà Tư đưa lá thư cho tôi và ngồi xuống ghế.
Tôi với tay mở cửa sổ. Ánh sáng rọi vào, căn phòng xông lên một mùi ẩm mốc. Thư viết khá dài, chữ chi chít, kể lại chuyến đi hãi hùng và những hành động dã man của bọn hải tặc Thái.
“Mừng hai em đã đến!” Tôi đưa trả bà Tư cái thư.
“Cậu xanh quá đi. Mà cậu đi đâu biệt tăm biệt tích bấy lâu nay vậy?”
“...”
“Mấy tuần rồi tôi nhìn sang nhà cậu thấy cửa đóng im ỉm. Mà ban đêm cũng không thấy ánh đèn. Tôi tưởng cậu đã đi được rồi. Tôi mừng...” Ngừng một lát, bà tiếp “Mà cậu có được tin tức gì của mẹ con cô Quỳnh chưa?”
Tôi nhìn bà Tư, lắc đầu. Chắc hồi nhỏ bà phải là một cô gái đẹp. Hai con mắt bà trong và to, nụ cười, nước da và cử chỉ khoan thai của bà làm tôi nhớ đến mẹ tôi.
Mẹ tôi đã qua đời, mẹ Quỳnh cũng vậy. Bà Tư có lẽ cùng tuổi với mẹ Quỳnh và có lẽ nhỏ hơn tuổi mẹ tôi. Nhưng tôi kính yêu bà như kính yêu mẹ tôi. Cái vẻ từ mẫu nơi bà làm tôi ấm áp và an toàn. Tất cả những căn nhà trong con hẻm lầy lội này chỉ một nơi tôi có thể đặt chân được là căn nhà của ông bà Tư. Những lo âu của Quỳnh, những sợ hãi của tôi, chúng tôi không biết nói với ai ngoài ông bà. Có lẽ nếu cha mẹ tôi còn sống tôi cũng không tận tình phơi ruột phơi gan như đã làm như vậy với ông bà Tư.
“Thưa bác, chưa.”
“Ờ, mà để coi. Mới có ba tuần. Chắc chưa đâu!” Bà an ủi tôi.
“...”
“Mà thôi. Chút cậu qua nhà ăn cơm với tụi tôi. Tụi nhỏ đi rồi nhà vắng quá!”
“Cám ơn bác. Cháu còn no lắm. Nhưng chút nữa cháu sẽ qua.”
(Còn tiếp)