Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Đạt Thịnh - THƯ NGỎ GỬI ANH DU TỬ LÊ

06 Tháng Ba 201012:00 SA(Xem: 27443)
Nguyễn Đạt Thịnh - THƯ NGỎ GỬI ANH DU TỬ LÊ


Thư ngỏ gửi anh Du Tử Lê

blank


Houston ngày 23 tháng 2, 2010

Thưa anh Du Tử Lê,

Xin anh hiểu là tôi không muốn phải viết lá thư này; nó không đẹp cho tôi, không đẹp cho anh, và cho tất cả những người mà anh nêu lên trong câu chuyện hoàn toàn bịa đặt để vấy bùn vào mặt họ.

Ðọc những đoạn cô Hoàng Dược Thảo trích bài anh viết trong số Xuân báo Người Việt năm nay, tôi thấy lúng túng, không hiểu nguyên nhân nào khiến anh dựng đứng mọi việc lên như vậy.

Ðiều bịa đặt làm tôi khó chịu nhất là anh bảo là anh Phạm Duy nhờ tôi làm áp lực với anh để anh Phạm Duy không phải trả đúng giá cho những bài thơ của anh Nguyễn Tất Nhiên mà anh Phạm Duy phổ nhạc.

Như mọi người khác, tôi có nghe những bài thơ phổ nhạc đó, nhưng không hề biết đó là thi phẩm của anh Nguyễn Tất Nhiên; và tôi cũng chỉ biết tên anh Nguyễn Tất Nhiên sau khi đọc bài của cô Hoàng Dược Thảo.

Anh cũng quen anh Phạm Duy và tôi tin là những người quen biết anh PD đủ nhiều, đều hiểu PD là một master về chuyện hơn người trong những giao dịch về tiền bạc. Tôi muốn nói là trong những nhu cầu “trả giá” với anh NTN, anh PD đã không cần nhờ tôi hay nhờ bất cứ ai.

Tôi khẳng định anh Phạm Duy không hề nhờ tôi làm áp lực với anh trong việc trả giá những thi phẩm của anh Nguyễn Tất Nhiên được anh Phạm Duy phổ nhạc. Tôi cũng không hề hay biết gì về những liên hệ tay ba giữa anh, anh Phạm Duy, và anh Nguyễn Tất Nhiên.

Anh còn tưởng tượng ra câu đối thoại “Nếu không có PD thì ai biết NTN là ai?” mà anh viết “đấy là câu hỏi nhạc sĩ PD nhờ trung tá Thịnh chuyển cho tôi, để tôi chuyển cho Nhi ên.” Vi ệc người làm thơ, viết văn, sống bằng tưởng tượng là điều tôi hiểu, tôi cũng đã từng sống trong lớp da của những nhân vật tôi cấu tạo, nhưng với điều kiện tưởng tượng không trở thành những chuyện bịa đặt làm mất danh dự người khác.

Một đoạn bịa đặt khác:

“Người xếp trực tiếp của tôi kết luận: ‘...đã không phải trả tiền cho nhạc sĩ thì thôi, nay lại đòi tiền bản quyền thì... đó là điều có phần quá đáng...’

Kết thúc câu chuyện Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh muốn tôi thuyết phục Nhiên hủy bỏ vụ đe dọa kiện cáo. Nhạc sĩ Phạm Duy đồng ý sẽ đưa Nhiên một khoản tiền, ít hơn con số đòi hỏi. Như một quà tặng chứ không phải là chia tiền tác quyền.

Trước khi trả lời tôi hỏi Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh: “Thưa trung tá tôi không biết có đúng không rằng chuyện này nằm ngoài công việc của phòng Báo Chí?

Ông gật đầu: “Ðúng. Chuyện này nằm ngoài công việc của phòng. Những tôi thấy anh Nguyễn Tất Nhiên đối xử với ông Phạm Duy như thế có phần không đúng. Và tôi cũng nghĩ như ông Phạm Duy, anh là người duy nhất có thể can thiệp. Vì thế mà ông ấy tìm đến đây...”

Câu chuyện không còn là tưởng tượng nữa mà là bịa đặt 100%. Tôi tự hỏi : “anh DTL bịa đ ặt ra một chuyện hoàn toàn không có như vậy để làm gì?”

Anh không ghét tôi bằng cớ là mỗi lần gặp tôi anh đều vồ vập, thân mật; lần chót, khoảng ba năm trước, tôi gặp anh trong một bữa ăn thân hữu với đầy đủ bè bạn, những người đã cùng làm việc với tôi trong phòng Báo Chí Quân Đội

Không tìm được câu trả lời cho câu hỏi tôi tự nêu ra, tôi đã được góp ý của nhiều thân hữu. Một người cho rằng: Nên trả lời cho DTL bỏ bớt thói bịa chuyện như vậy, nhất là việc đã gán ghép một lời chê trách cho anh về một người đã chết: ‘...Đã không phải trả tiền cho nhạc sĩ thì thôi, nay lại đòi tiền bản quyền thì... đó là điều có phần quá đáng...’

Một thân hữu trong làng báo góp ý: “Anh không gặp DTL lâu rồi nên không biết ảnh đấy thôi, giờ này tệ lắm, không cần một tí sự thật nào cả, ảnh dựng lên những chuyện động trời. Nhưng để làm gì? Một cái lâu đài danh vọng trong đó mọi người, như anh, anh Phan Lạc Phúc đều đóng vai xấu để làm nổi bật vai trò đẹp của DTL”

Nguyên văn:

Ðó là khi tôi được mời qua phòng làm việc của Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh, (hiện cư ngụ tại Houston, Texas,) trưởng phòng Báo Chí mà, tôi là nhân viên.

Ông kể, nhạc sĩ Phạm Duy mới gặp ông, cho biết, Nguyễn Tất Nhiên đòi Phạm Duy phải đưa cho Nhiên 1 triệu đồng. Nhiên cần tiền mua một chiếc xe Honda, đi học. Nếu không, Nhiên sẽ nhờ luật sư đưa họ Phạm ra tòa.

Sau đó, Trung Tá Thịnh thuật lại lời của nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng, tôi là người “gây họa” cho ông. Bởi vì, nếu tôi không năn nỉ ông phổ nhạc thơ của Nhiên, thì đã không có vụ đòi tiền này. Chưa kể, ngoài phần nhạc, chiếm 50% một ca khúc, của Phạm Duy; ông còn là người viết thêm nhiều câu không có trong nguyên bản bài thơ. Ðiều đó có nghĩa, ngay ở phần ca từ, ông cũng đã chiếm tới 25%. Tóm tắt, mỗi ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên, phần của Phạm Duy là 75%. Phần Nguyễn Tất Nhiên chỉ có 25%.

Chưa kể:

“Nếu không có Phạm Duy thì ai biết Nguyễn Tất Nhiên là ai?!”

Ðấy là câu hỏi nhạc sĩ Phạm Duy nhờ Trung Tá Thịnh chuyển cho tôi, để tôi chuyển cho Nhiên.

Người xếp trực tiếp của tôi kết luận:

“...Ðã không phải trả tiền cho nhạc sĩ thì thôi, nay lại đòi tiền bản quyền thì... đó là điều có phần quá đáng...”

Kết thúc câu chuyện, Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh muốn tôi thuyết phục Nhiên, hủy bỏ vụ đe dọa kiện cáo. Nhạc sĩ Phạm Duy đồng ý sẽ đưa Nhiên một khoản tiền, ít hơn con số đòi hỏi. Như một quà tặng chứ không phải là chia tiền tác quyền...

Trước khi trả lời, tôi hỏi Trung Tá Nguyễn Ðạt Thịnh rằng:

“Thưa trung tá, tôi nghĩ không biết có đúng không rằng, chuyện này nằm ngoài công việc của phòng Báo Chí?”

Ông gật đầu:

“Ðúng. Chuyện này nằm ngoài công việc của phòng. Nhưng tôi thấy anh Nguyễn Tất Nhiên đối xử với ông Phạm Duy như thế, có phần không đúng. Và, tôi cũng nghĩ như ông Phạm Duy, anh là người duy nhất có thể can thiệp. Vì thế mà ông ấy tìm đến đây...”

Tôi cũng gật đầu:

“Vâng. Thưa trung tá, nhưng đó là việc riêng giữa cá nhân tôi với ông Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên...”

“Nhưng ý anh ra làm sao?” Trung Tá Thịnh sốt ruột, hỏi.

Tôi đáp:

“Xin trung tá nói hộ với nhạc sĩ Phạm Duy rằng, ông ấy nên đưa Nguyễn Tất Nhiên số tiền mà Nhiên nó đòi. Nếu không, tôi cũng sẽ đứng về phía nó!”

Cuối cùng, dường như nhạc sĩ Phạm Duy đã trả cho Nhiên một khoản tiền... Tôi không biết, cũng không hề hỏi con số. Nhưng tôi nghĩ, nhiều phần, là con số không nhỏ.”

Anh Du Tử Lê,

Anh đưa tôi vào cái thế phải chứng minh một việc tôi không hề làm, và đó là điều không chứng minh được. Không một nhân chứng nào có thể nói trước tòa án là tôi làm chứng bị cáo không ăn cắp, không hiếp dâm.

Người ta chỉ có thể chứng minh những việc đã xảy ra chứ không chứng minh được việc không xảy ra; việc anh kể là chuyện, theo lời anh, chỉ xảy ra giữa anh và tôi, trong phòng làm việc của tôi, anh nói có, tôi nói không, ngoài ra không ai nghe, không ai thấy cả.

Tuy nhiên, tôi có thể chứng minh bằng cách nhờ anh em, đồng đội, đồng nghiệp ngày xưa, chứng minh tư cách của tôi, chứng minh việc tôi kính trọng văn phẩm riêng của quý anh, kính trọng quyền tự do sáng tác của quý anh.

Tôi muốn chứng minh là nếu tôi không can thiệp vào địa hạt sáng tác của anh, người làm việc trực tiếp dưới quyền tôi, thì có lý nào tôi lại can thiệp vào những liên hệ tác quyền giữa hai anh Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên; người thứ nhất tôi chỉ quen, và người thứ nhì tôi không biết. Anh có chấp nhận cách chứng minh đó không? Anh có nhìn nhận là tôi để quý anh hoàn toàn tự do trong địa hạt sáng tác không?

Tôi không yêu cầu anh xin lỗi về những thiệt thòi danh dự mà anh gây ra cho tôi, vì tôi biết anh không xin lỗi bao giờ cả. Anh không biết nói câu “tôi xin lỗi”, dù chỉ vì tật xấu này anh đã chịu đựng rất nhiều đau đớn, và làm nhiều người khác đau đớn, trong đó có cả những người thân của anh. Anh thản nhiên bất chấp xúc động, bất chấp cảm nhận của những người chung quanh anh.

Anh em sống gần anh cho tôi biết tôi chỉ là nạn nhân mới nhất của anh, nhưng không phải là nạn nhân duy nhất.

Ðịa chỉ e-mail của tôi là Nguyendatthinh1@gmail.com anh có thể liên lạc với tôi nếu anh muốn thảo luận thêm về chuyện tác quyền của anh Nguyễn Tất Nhiên, chuyện mà tôi xác nhận với anh thêm một lần nữa là tôi không biết anh Nhiên, chưa bao giờ nghe tên ảnh trước ngày đọc bài của cô Hoàng Dược Thảo; về phần anh Phạm Duy, ảnh chỉ là người bạn uống rượu với tôi, ảnh chưa bao giờ nhờ tôi làm một việc gì cả, và cũng chưa bao giờ nói chuyện anh Nguyễn Tất Nhiên với tôi.

Một người bạn cũ của anh

Nguyễn Ðạt Thịnh

23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 57569)
Có người đã nhắc nhở đến nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên và các bài thơ về Giáng sinh của ông. Trong không khí của ngày Noël năm nay, có lẽ chúng ta cũng nên nhắc lại những bài thơ ấy.
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 47756)
Mỗi khi chán đời, chờ hoài không thấy cơn buồn tan biến, nhìn mặt mình trong gương ủ rũ, thảm thương hơn chiếc lá nằm lay lắt bên bờ cỏ, chờ gió chiều thổi xuống dòng đường lắm xe, tôi thường ghé nghĩa địa tìm người chết.
04 Tháng Tám 2010(Xem: 102476)
Tiếc thương thi sĩ vắn đời Thiên thu về lại với người thiên thu Tay cầm lưu luyến vần thơ Bóng anh còn đó chưa mờ thời gian
28 Tháng Năm 2010(Xem: 30149)
Phải nói rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên là một đóng góp hồn nhiên vào đời sống thi ca của chúng ta, mặc dù chữ nghĩa trong thơ anh - nhiều bài - vẫn còn ở thể quặng mỏ của ngôn ngữ. Nó là một thứ nham thạch ròng chưa bị tính bác học của ngoại lai xâm nhập, thẩm thấu và tác hại như một vài dòng thơ Việt Nam đã và đang chảy ra trong thi ca chúng ta.
14 Tháng Tư 2010(Xem: 24952)
Nhưng điều mà tôi ấn tượng về người bạn chốc lát này là lúc anh ngẩng mặt và vung tay về phía cái sân vắng lặng: “Năm ngoái, Nguyễn Tất Nhiên đứng ở nơi đây”.
11 Tháng Tư 2010(Xem: 72914)
Bài viết như một nén nhang tưởng niệm người đã khuất. Ở môt nơi bình an nào đó, tôi tin rằng anh đang mĩm cười. Không phải nụ cười khinh bạc, ngạo mạn mà là nụ cười hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò...
16 Tháng Ba 2010(Xem: 6986)
Anh nổi tiếng rất sớm. Vì thơ anh đi sớm hơn bước chân còn ngại ngùng bỡ ngỡ của thế hệ trẻ thời ấy trước sự tràn ngập của văn hóa phương Tây, qua hình ảnh người lính viễn chinh Mỹ, và qua phong trào hiện sinh mô phỏng trễ tràng trên đất nước đói nghèo, chiến tranh.
06 Tháng Ba 2010(Xem: 43311)
Viết bài này, người viết bày tỏ ở đây một sự nuối tiếc là: Bài viết của nhà thơ Du Tử Lê về Nguyễn Tất Nhiên đã không nói lên được tính chất phối hợp đến kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc. Đó là điều quan trọng nhất cần được nói tới.
06 Tháng Ba 2010(Xem: 9621)
Sau những ngày đọc kỹ bài viết của ông Du Tử Lê, và các bài phản biện của những người bảo vệ những điều Đúng, có Nhân – Nghĩa, tôi thực sự không ngờ ông Du Tử Lê lại “dựng lên” nhiều vấn đề không chính xác đúng như bài viết của Thủy và nhiều bạn khác đã nêu.
06 Tháng Ba 2010(Xem: 12482)
(Trích website báo Người Việt số ra ngày Monday, February 01, 2010)
02 Tháng Ba 2010(Xem: 65274)
Cái kinh nghiệm khổ đau của kiếp người có phải là một ấn chứng để tâm hồn vượt lên trên bão dông, để ngôn ngữ yêu nhau vẫn còn dù đã nhiều nghịch cảnh. Và, theo tôi, Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ thực sự mang đời sống mình làm ví dụ cho một trường hợp của khoan dung và từ ái?
16 Tháng Hai 2010(Xem: 79938)
Trước hết, bước qua năm mới, Thủy xin kính chúc mọi người được một năm an khang, hạnh phúc và thịnh vượng. Nhân đây, với tư cách là mẹ của hai đứa con của anh Nguyễn Tất Nhiên, Thủy xin trân trọng gửi đến quý Thầy, quý Bạn lời tri ơn chân thành sâu đậm nhất.
30 Tháng Giêng 2010(Xem: 91360)
Vậy khi một nhà thơ, nhà văn nào đã qua đời, thì, làm ơn, nếu không vì nhu cầu nghiên cứu tiểu sử để tìm hiểu cặn kẽ về bối cảnh và điều kiện sáng tác của họ, xin đừng khai thác đời tư của họ để phục vụ cho bất kỳ một mục đích nào khác hơn là góp phần cống hiến cho đời ba điều thật đơn giản, nghe rất nhàm tai, nhưng vô cùng cao quý, đó là: Chân, Thiện và Mỹ.
04 Tháng Bảy 2009(Xem: 84362)
(Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ th ứ 15 của anh / tháng Tám, 2008) Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi.