Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Minh Thủy- CHIỀU THU VÀ NHỮNG BUỔI HỌC ĐẦU ĐỜI.

12 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 97338)
Nguyễn Thị Minh Thủy- CHIỀU THU VÀ NHỮNG BUỔI HỌC ĐẦU ĐỜI.

CHIỀU THU VÀ NHỮNG BUỔI HỌC ĐẦU ĐỜI


633945020105346250_300x204

Vậy là con bé út của tôi đã đi học được hai hôm. Mọi học khu đều đã khai giảng niên khóa mới từ đầu tháng 9 mà mãi tới giờ, đầu tháng mười một, con gái tôi mới “cắp sách” đến trường cũng bởi nó bị “lọt sổ”. Chẳng là vì lợi tức của gia đình chúng tôi, nếu nói ví von theo kiểu tuổi tác, thì “trẻ đã qua già chưa tới”. Đơn xin nhập học vào lớp vỡ lòng trường công  cho con bé, một thì bị bác, một thì còn nằm mãi ở đuôi của cái “waiting list” dài ngoằng. Mà kiếm trường tư thì, eo ôi, chi phí cho một ngày gửi con “ăn học” tốn kém không thua một ngày lương kiếm được. Vì thế mà con bé vẫn phải ở nhà.

Mùa tựu trường đã qua hơn tháng rồi, con bé càng ngày càng háo ha háo hức chuyện đi học. Thấy thế, chúng tôi mới họp “hội nghị Diên Hồng”, lấy ý kiến của bố, mẹ, mấy anh nó xem có chịu “thắt lưng buộc bụng” để dành tiền đóng học phí trường tư cho con bé hay không. Vốn thương cô em út nhỏ xíu con, sợ đợi đến năm sau, đến tuổi chính thức được vào trường công thì cô nàng vừa nhỏ vừa nhát vừa dốt thì tội quá, nên mấy thằng anh của nó đành chịu “hy sinh”, rút bớt các mục vòi vĩnh vui chơi để cho Bé Út “ăn học”, và chỉ học “part-time” thôi, cho huề cả làng.

Ngày đầu tiên theo mẹ đến trường, con bé nhảy tưng tưng, có vẻ rất náo nức với một “kinh nghiệm mới”. Sau khi thở hắt ra một cái để nén cơn xúc động, nó “bye-bye” mẹ một cách bình tĩnh. Con bé háo hức đi học bao nhiêu thì tôi cũng hồi hộp không kém khi đi đón nó. Và tôi cũng không ngạc nhiên lắm khi được nghe cô giáo bảo nó đã khóc “off and on” trong nửa buổi học đầu tiên.

Vì vậy, buổi học thứ nhì hôm nay mới là một ngày... đáng sợ cho tôi đây. Sự náo nức đi học hôm nào đã biến mất ở con bé, mà chỉ còn những màn nói xa nói gần, “thôi, con hổng chịu lớn đâu”, “con muốn ở nhà chơi với mẹ”, “đi học một lần thôi” (!)... (con gái có khác, mấy anh nó ở tuổi đó chưa biết màn tâm lý chiến giáo đầu kiểu ấy đâu). Cho tới lúc ngồi trên xe đến trường trong một buổi sáng sương đục âm u, nó òa lên khóc làm tôi càng thêm khổ lòng! Dỗ dành lẫn áp lực mãi thì cũng chia tay được với nó, dĩ nhiên là... một cuộc chia tay đầy nước mắt!

Buổi sáng đưa con đến trường tôi thấy ảm đạm bao nhiêu thì đến khi rước nó, lòng tôi ấm áp bấy nhiêu. Ở ngoài sân chơi, con bé ngồi gọn trong lòng cô giáo, chỉ chỏ nói nho nhỏ với cô giáo gì đó. Tôi thấy cô giáo cúi xuống nghe và gật gật đầu. Chắc chắn là cô không hiểu được gì, vì vốn liếng tiếng Anh của cô học trò nhỏ này có gì đâu ngoài mấy chữ mà con bé nhập tâm từ cái Tivi như “Help, come on, please come back, wait for me...” Vậy mà cô cũng cười cười, nghiêng đầu hiền từ nhìn nó. Trông thấy tôi, nó ùa chạy tới và khoe: con chơi cát, con sơn màu, con lượm lông chim... rồi chạy lại ôm cô giáo, bye-bye cô trước khi ra về.

Tôi chợt cảm thấy đời sống dễ yêu quá. Đời sống với những tấm lòng, những chỗ nương tựa cho những đứa trẻ vừa bị bứt rời khỏi mẹ. Phải chi ai ai cũng đối xử tốt với tha nhân như vậy nhỉ! Nhìn con bé thỏ thẻ với cô giáo Mỹ, tôi chạnh nhớ tới một bà giữ trẻ mà tôi đã gửi nó khoảng hơn một năm lúc nó lên hai. Bà mới từ Việt Nam qua, chưa quen thuộc với cuộc sống ở Mỹ, nhưng bà cũng có vẻ hài lòng với điều kiện sống, dù khá chật vật, của mình và nhất là với công việc giữ trẻ ấy. Vào khoảng thời gian đó, nó chưa nói được nhiều, chỉ bập bẹ từng tiếng một hoặc diễn tả bằng tay chân. Cho tới khi tôi nghỉ việc, tôi thôi gửi nó nữa, bà vẫn thỉnh thoảng ghé nhà với dăm cái bánh, vài viên kẹo để thăm nó cho đỡ nhớ. Đó cũng là một tấm lòng Việt Nam thương yêu trẻ mà tôi đã từng chịu ơn. Ước gì có bà ở bên cạnh nó để nghe nó nói chuyện tiếng Việt như sáo và thật dễ thương ở tuổi lên bốn này.

Lần cuối cùng tôi gặp bà cách đây khoảng nửa năm, lúc chúng tôi đang tất tả dọn nhà. Chiều nay, tôi quyết định gọi cho bà, đưa số điện thoại mới để giữ liên lạc với người đàn bà dễ thương ấy hầu thỉnh thoảng dẫn con bé đi thăm bà vú nuôi đầu đời của nó. Thế nhưng, ở đầu dây bên kia, ngoài sự chờ đợi của tôi, có người trả lời là tôi đã gọi lầm số rồi.

Tôi bần thần nhìn buổi chiều đang xuống bên ngoài. Tia nắng vàng yếu của mùa thu mơ màng mỏng manh phiêu dật của tôi đã tắt từ lúc nào. Hoàng hôn cam nhạt đang bị pha lẫn bởi nhiều màu xám đục làm mờ dần tàn cây phong với những chiếc lá nâu khô héo úa đầu cành. Tự nhiên tôi thấy tiếc một cái gì đã trôi qua, đã không còn nữa. Sẽ không bao giờ còn thấy lại cái sân nhỏ trước nhà “bà bác” (mà con bé hay gọi) với bóng dáng hai bà cháu lom khom nhặt lá, xem hoa. Sẽ không còn buổi sáng đưa con tới, buổi chiều đón con về... Tôi đã ơ hờ đến đỗi quên không chụp cho bà với con bé một tấm hình.

Mà cho dù có bao nhiêu tấm hình đi nữa, thì liệu tôi có bớt u buồn tiếc nuối những cái bóng ấy không? Chưa chắc. Hình như tôi sinh ra cứ để chìm vào những hoài niệm mà tiếc chuyện đã qua. Nhất là những lúc trời đất giao mùa để cuối cùng choàng phủ khắp không gian những màu nắng, những sắc lá nên thơ hư ảo của một độ thu về.

 Có lẽ mùa thu đẹp vừa vì sự toàn hảo của thời tiết, sự mơ màng của màu sắc lẫn ánh sáng, và cũng vì tính cách không trường cửu của nó. Nếu nó kéo dài ngày này qua tháng khác thì người ta còn thấy nó đẹp không? Mà nếu nó chỉ đẹp vì nó ngắn ngủi thì hóa ra con người ta chẳng bao giờ được hạnh phúc hay sao? Cứ cái gì mất rồi mới thấy tiếc, cái gì không còn nữa mới thấy quí. Vậy thì đời sống buồn quá đi thôi.

Nhưng không sao, có thể mai sáng thức dậy, tôi sẽ nghĩ khác. Như nhiều lần đã xảy ra, sau một giấc ngủ, tôi sẽ nhìn sự việc một cách nhẹ nhàng dễ dãi hơn. Tại sao mình không tạ ơn đất trời và tận hưởng vẻ đẹp của mùa thu, vì mình đã biết rõ tiếp sau nó sẽ là một mùa âm u ảm đạm lạnh lùng. Hãy sống bằng hơi thở nồng nàn cho cái hiện tại đang có. Dòng đời rồi sẽ trôi, mọi sự tưởng sẽ không còn nhưng biết đâu sẽ có lúc chúng quay về, hay là chúng mãi còn ở đâu đó, dưới một dạng thức nào đó. Như nước thành mây và rồi sẽ thành mưa, rơi lại đầu nguồn. Như mùa thu dịu dàng êm ả ấy, qua một thời gian nhất định nào đó đủ để cho người ta chờ đợi, nhớ nhung, rồi lại sẽ trở về sau những ngày hạ nắng oi nồng.

Tháng mười một, 1995

NGUYỄN THỊ MINH THỦY

633945020962533750_85x100

31 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 120860)
Từ quê nhà Việt Nam, ở Miền Trung giữa mùa mưa bão lạnh lùng , tôi rất vui và cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được email thăm hỏi của bạn gửi cho tôi từ nước Mỹ xa xôi.
26 Tháng Mười Một 2010(Xem: 96631)
Có dịp nào gặp lại bạn bè cùng lớp ngày xưa....ngồi bên nhau nhắc nhở về những kỷ niệm của Ngày xưa thân ái....bên ly cà phê,ly bia....thì vui biết chừng nào ! Một thời học sinh trong sáng....nhiều mộng mơ....nhiều ước vọng....dã qua....!
25 Tháng Chín 2010(Xem: 115693)
Mến tặng Tuấn, một người bạn ở cùng dãy phố Nhất.
26 Tháng Tám 2010(Xem: 55959)
Tưởng là chỉ chào Thầy và vỗ vai bạn sau một thời gian dài không gặp, nhưng quý Thầy Nguyễn Văn Phố, Hà Tường Cát cùng các cựu nữ sinh NQ: Võ Thị Ngọc Dung, Phạm Thị Mỹ Dung, Nguyễn Trần Diệu Hương, và cựu nam sinh Phạm Huy Quyến (khóa 14) đã có một cuộc họp mặt nhỏ đầy tiếng cười và sự hồn nhiên của một thời Trung học.
24 Tháng Tám 2010(Xem: 97554)
Hôm nay, nhân Lễ Vu Lan xin gởi đến một cảm thông chân tình với tất cả những người phải cài hoa trắng...
14 Tháng Tám 2010(Xem: 30084)
Tôi tự nhủ, tôi không là kẻ độc hành từ khi rời mái trường Ngô-Quyền thân yêu. Tôi vẫn có những người bạn thân thiết ở khung trời CA, Orange County và hy vọng ngày nào đó chúng ta sẽ hội họp lại để liên hoan ngày cưới… của con chúng ta.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 45599)
Trong một buổi sáng đầu tháng Bảy đẹp trời và ấm cúng, cùng dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ, ngày họp mặt truyền thống kỳ 9 của hội Ái Hữu Chs Ngô Quyền, Biên Hòa (3 tháng 7, 2010) đã tưng bừng khai diễn với gần 200 thầy cô và cựu học sinh NQ về tham dự
25 Tháng Tư 2010(Xem: 93953)
Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97914)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.
20 Tháng Giêng 2010(Xem: 83194)
Tựa bài ghi nhớ này tôi chỉ muốn viết ra để kỷ niệm lần gặp gỡ Thầy, Cô cùng Bạn bè cựu học sinh Ngô Quyền hiện còn sinh hoạt cùng gia đình tại quê nhà (một vài bạn từ nước ngoài về đúng dịp nữa chứ) chứ không phải nói về lứa tuổi 17…bẻ gảy sừng…trâu bò gì cả nha các Bạn.
11 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 95619)
Nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu, dưới mái trường xưa, con đường ngập lá vàng rơi, nhớ chúng mình một thời rong chơi. Cuộc đời đổi thay, chúng ta mỗi người mỗi ngả, đối với tôi, đời sống thế nào? Ngày tháng phôi pha, xứ người xa lạ, lòng luôn ngóng về quê hương, nhớ từng nơi ngày đó chúng tôi đã đi qua, nhưng bây giờ cảnh cũ không còn và các bạn xưa cũng không còn, biết lưu lạc nơi nao?
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 100366)
Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư  ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại.
02 Tháng Mười Một 2009(Xem: 210435)
Mùa Thu, mùa của tình yêu, của nhớ nhung, lãng mạn và là… của em.
22 Tháng Bảy 2009(Xem: 92363)
Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi...
17 Tháng Bảy 2009(Xem: 75550)
Chuyến bay VN 7640 của Hàng Không Việt Nam cất cánh đúng 6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 9 năm 1994, trên đường bay đến Hong Kong. Trong đám đông thân nhân đang nhốn nháo vẩy tay trên sân thượng kia có đủ mặt bốn đứa con của chúng tôi, mặc dầu, qua cửa sổ máy bay, tôi không còn nhận ra chúng nữa.