Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - Nhìn Lại Thời Mới Lớn.

25 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 63795)
Nguyễn Trần Diệu Hương - Nhìn Lại Thời Mới Lớn.

NHÌN LẠI THỜI MỚI LỚN

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

CHS Nguyễn Trần Diệu Hương là một cây bút sáng tác rất dồi dào, từng được trao tặng giải thưởng “Viết Về Nước Mỹ” do nhật báo Việt Báo tổ chức. Tuy rời Việt Nam rất trẻ và theo học đại học tại Hoa Kỳ, tâm tình của Diệu Hương lúc nào cũng dạt dào niềm mến yêu quê hương đất nước trong đó có ngôi trường cũ thân yêu của một thuở đầu đời.

 

Có nhiều điều để nhớ thời đầu vào lớp Sáu trung học công lập Ngô Quyền. Thời có chiếc áo dài đầu tiên trong đời, con gái bắt đầu điệu hơn một chút, bắt đầu biết soi gương, má bắt đầu ửng đỏ khi có một người khác phái nhìn mình lâu lâu một chút. Thời bắt đầu có chiếc quần xanh dài thay cho quần short của thời tiểu học, con trai bắt đầu bể giọng, mặt lấm tấm mụn dậy thì.

So với các em teenagers bây giờ, thời mới lớn của chúng tôi ở Việt Nam trước năm 1975 yên bình, thơ mộng hơn nhiều, mặc dù chúng tôi thiếu thốn hơn các em ở Mỹ rất nhiều. Còn nhớ đi học năm tiếng mỗi ngày ở trường, dưới trời nắng nhiệt đới của miền Nam mưa nắng hai mùa, chúng tôi ít khi dám uống nước vì phòng vệ sinh rất hạn chế về số lượng, cũng như tiện nghi tối thiểu. Do vậy, cứ mỗi lần đi học về, vừa đặt cặp xuống, chúng tôi tu ừng ực từng ly nước lớn.

Một khúc của con đường Quốc Lộ 1 từ rạp Biên Hùng đến trường là con đường rất nhiều nam sinh đã vừa đi, vừa hát bài “Ngày Xưa Hoàng Thị”, đó là chuyện của những anh chị ở đệ nhị cấp. Chúng tôi, lóc nhóc, lố nhố ở lớp Sáu, lớp Bảy, không thuộc hết bài hát, và ở tuổi mười một, mười hai, chúng tôi cũng không hiểu hết bài hát, chỉ nhái theo điệu hát với hai câu hát rất dễ nhớ “Em tan trường về, trường tan em về ...”

Hồi đó, thành phố Biên Hòa vẫn còn nguyên vẻ tỉnh lỵ, vắng và bình yên như tuổi học trò mới lớn của chúng tôi. Và chúng tôi nhìn đời bằng ánh mắt trong vắt đầy màu xanh bích ngọc. Còn nhớ Biên Hòa chỉ có năm trường trung học, một trường tư thục của Công Giáo, một trường bán công, hai trường tư thục, và trường Ngô Quyền của chúng tôi, trường trung học công lập lớn nhất miền Đông Nam Phần. Cho nên có được phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo là một điều rất đáng hãnh diện.

Không giống như những trường công lập lớn hơn ở Sài Gòn, trường nam và trường nữ riêng biệt, trường trung học công lập duy nhất ở tỉnh lỵ của chúng tôi chia ra buổi sáng dành cho học trò con gái, buổi chiều dành cho học trò con trai mỗi ba ngày trong tuần, ba ngày kế tiếp của tuần, ngược lại, buổi chiều cho con gái, buổi sáng cho con trai. Tuy vậy, cũng có những lớp “thiểu số”, nghĩa là vẫn có nữ sinh trong những buổi học mà hầu hết mang đồng phục quần xanh dài, áo chemise trắng; và vẫn có nam sinh trong những buổi học tà áo dài trắng bay tha thướt cả sân trường.

Dù là nam hay nữ sinh, dù là “lính mới tò te” của lớp sau, hay “những người sắp bước vào đời” lớp mười hai, chúng tôi đều không hổ danh “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Không hiểu quỷ, hay ma (nếu có) có quấy nhiễu các thầy cô hay không, chứ “hàng ngũ thứ ba” của chúng tôi chắc chắn đã làm phiền các thầy cô rất nhiều, nhất là những thầy cô mới ra trường, mới lên bục giảng lần đầu.

Để hỗ trợ tinh thần những thầy cô giáo mới (chưa có kinh nghiệm trấn áp những quậy phá), và hạn chế sự đùa giỡn quá trớn của học trò đứng hạng thứ ba về tinh quái và phá phách, hồi đó, trường có các thầy cô giám thị, chuyên về giám sát và kỷ luật học trò. Thầy cô giám thị nào hiền nhất cũng có một bộ mặt rất nghiêm khắc, lúc nào cũng sẵn sàng “morale, lecture”; thầy cô nào khó hơn, thường lăm lăm cây roi dài trong tay (giống như “thiết bảng của Tề Thiên Đại Thánh”), thật ra chỉ đe dọa chúng tôi, chứ chưa hề đánh ai, dù chỉ là “giơ cao đánh khẽ”.

Ấy vậy mà chúng tôi vẫn phá phách như thường. Có những lúc đổi giờ học, đang chờ thầy, cô giáo của giờ kế tiếp, những thầy cô trễ, hay những “hoa khôi học trò” đi ngang (nhất là đi ngang những lớp có nam sinh), có đủ thứ âm thanh bát nháo từ trong phòng học vọng ra, làm người đang đi đầy bối rối, cố gắng rảo bước nhanh hơn. Nếu có thầy cô nào phàn nàn “tệ nạn” đó với phòng Tổng Giám Thị, y như rằng ngay ngày mai, sẽ có một thầy, cô giám thị xuống thăm lớp đó với “thiết bảng” trong tay… Cả lớp đoàn kết hơn bao giờ hết, ngay cả những hoc sinh đạo đức, hiền lành nhất không hề mở miệng chọc ai, đồng loạt lên tiếng:

- Chắc là lớp bên cạnh đó thầy (cô)!

Trưởng lớp, hay trưởng ban kỷ luật khúm núm, ngoan hiền phân giải:

- Thưa thầy (cô), không phải tụi em đâu, lớp này “hiền” nhất khối mà. Thầy (cô) điều tra kỹ lại coi, không tụi em mang tiếng hàm oan.

Thầy (cô) giám thị không có bằng chứng, vả lại, từ bục gỗ nhìn xuống lũ học trò, mấy chục cặp mắt mở to, ngây thơ vô… số tội, đành mang “thiết bảng” quay về, sau khi hăm he một câu quen thuộc:

- Liệu mà học hành. Muốn sướng thân sau này thì phải lo học. Cha mẹ các em làm việc cực khổ, nuôi các em ăn học, không phải gởi các em đến trường để chọc phá người khác, nhớ chưa! Lần sau mà còn tái phạm, cả lớp ra đứng ngoài cột cờ nửa giờ, nhớ chưa!

Thầy (cô) giám thị vừa khuất bóng sau khung cửa lớp, những con mắt ngây thơ vụt biến thành tinh quái, và dĩ nhiên những ngày kế tiếp, “đâu lại vào đó”, đẳng cấp thứ ba, sau quỷ và ma, tiếp tục chọc phá thiên hạ.

Cũng có lúc không may, có nhân chứng đi theo giám thị, phe ta đành ra cột cờ, đứng phơi nắng tập thể, ngửa mặt nhìn “cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu...” trước cả trăm ánh mắt thương hại từ những ô cửa lớp khác.

Phải công bằng mà nói, học trò con gái vốn hiền, ngoan hơn học trò con trai. Nữ sinh thì âm thầm hơn, không gây ồn ào như nam sinh. Phe áo dài thì lâu lâu hay ăn vụng trong lớp. Trong cái cặp to phình khệ nệ mang đến trường, sách vở thì ít, mà me dốt vừa hái… trộm bên nhà hàng xóm tối hôm qua thì nhiều. Thông thường, chủ nhân của những cái cặp nặng nề, nhưng đầy hấp dẫn đó thuộc “xóm nhà lá”, nghĩa là những dãy bàn cuối lớp, càng xa tầm nhìn của thầy cô càng tốt. Vẫn là me dốt, nhưng nếu là me dốt chiến lợi phẩm hái trộm, ngon hơn me dốt đi mua nhiều. Cũng là me dốt, nhưng nếu là me dốt ăn vụng trong giờ học, ngon hơn ăn trong giờ ra chơi nhiều.

Tiết mục ăn vụng thường xảy ra trong giờ của các thầy. Đơn giản là vì hồi nhỏ các thầy là nam sinh, không rành “chiến thuật” ăn vụng trong lớp như các cô. Một điểm nữa, là cũng như thủy tổ loài người, các thầy đều có… “cục Adam”. Phản xạ tự nhiên khi thấy ai ăn chua trước mắt mình, dịch vị bị kích thích, trào ra đầy miệng, phái nữ nuốt nước miếng không rõ ràng như phái nam với “cục Adam” của thủy tổ phái mạnh. Nếu lỡ thầy cô thấy nữ sinh ăn vụng me chua, thầy phải quay mặt về phía bảng đen để… nuốt nước miếng, chờ trong vòng vài giây đồng hồ, đủ để phe ta “tẩu tán tang vật ra khỏi hiện trường”. Dĩ nhiên, hồi xưa thời còn ngồi ghế học trò, thầy là nam sinh, không ăn vụng me dốt như nữ sinh, nên thầy cho qua, không phê trong sổ đầu bài, hay nhắn nhủ lại với phòng Tổng Giám Thị, hay giáo sư hướng dẫn của lớp.

Những lớp đệ nhất cấp (từ lớp Sáu đến lớp Chín) có số thứ tự nhỏ thường là những lớp quy tụ những học sinh đậu cao trong kỳ thi tuyển vào lớp Sáu của trường trung học công lập, nên các thầy cô không mất thì giờ giảng bài nhiều vì học sinh thường hiểu bài rất nhanh, không mất nhiều thì giờ giảng đi, giảng lại, còn dư giờ, các thầy cô giáo trẻ vẫn còn mang máu sinh viên, cho cả lớp có “giờ ra chơi tại chỗ”, nghĩa là ngồi tại chỗ, hát hò, hoặc mang bài giờ kế ra làm (nếu hôm qua lo đi chơi quên làm bài tập). Và dĩ nhiên bao giờ cũng có lời dặn dò đi kèm:

- Tôi cho các em được tự do đến cuối giờ, nhưng nói nhỏ, để khỏi ảnh hưởng đến lớp bên cạnh.

Có thầy (cô) còn mang guitar ra, tay đàn miệng hát, nhiều bài tụi lớp Sáu, lớp Bảy “tập làm người lớn”, nhưng chưa phải là người lớn, nên không hiểu hết nội dung, nhưng đứa nào cũng vểnh tai lén nghe, coi bộ còn chăm chú hơn nghe giảng bài. Tôi còn nhớ một trong những bài hát đã đi vào lòng chúng tôi là bài “Mộng Dưới Hoa” phổ từ thơ của thi sĩ Đinh Hùng, một trong những thi sĩ Việt Nam tài hoa nhất của thế kỷ hai mươi. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nghe bài “Mộng Dưới Hoa” bất kỳ ở đâu, tôi vẫn thấy trước mặt cả lớp 7/1 của chúng tôi ngồi yên nghe thầy Huỳnh Quang Phận dạy môn Công Dân, ngồi ở góc lớp, tay ôm đàn guitar rất nghệ sĩ, miệng hát “Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…”.

Còn nhớ, khi thầy vừa hát xong, hơn 50 cái miệng trong lớp đồng loạt hỏi:

- Em nào vậy thầy?

Thầy cười: “Bí mật, có điều không phải là các em ở trung học đệ nhất cấp đâu”.

Cả lớp lại nhao nhao:

- Phải gởi gạo nuôi từ từ thầy, chỉ cần ba năm nữa tụi em lên đệ nhị cấp!

Vậy đó, “thứ ba học trò” luôn luôn quậy phá dữ dội vì phe ta dù là học trò nhưng lại là đa số, đến mấy chục cái miệng, luôn luôn nhớ đến câu “Đoàn kết là sống”. Các thầy cô dù ở vị thế cao quý thứ hai theo quan niệm Nho Giáo “Quân, Sư, Phụ” nhưng lại là thiểu số, nên vẫn bị học trò chọc phá. Tuy vậy, dù thầy cô có dễ đến đâu, dù có quậy phá đến đâu, chúng tôi vẫn biết dừng ở giới hạn cần có, giới hạn thầy trò.

 

 

Sau này, khi học trong trường đại học ở Mỹ, tôi lại nhớ quay cuồng hai năm đầu ở trung học Ngô Quyền của mình. Học sinh ở Mỹ, kể cả học sinh tiểu hay trung học, khác xa với chúng tôi thời đó. Ở một thời đại khác, ở một nền văn hóa khác, tôi không dám mơ tưởng đến khoảng cách lễ nghĩa giữa thầy và trò. Có điều hình như là cả một điều bất lịch sự, và vô phép khi một học sinh ra khỏi lớp giữa giờ học, đóng cửa đánh rầm sau lưng mình, trong khi thầy cô vẫn đang giảng bài, và các bạn trong lớp vẫn đang lắng nghe chăm chú. Thời trước năm 75, ở trường trung học Ngô Quyền thân yêu, chúng tôi dù có quậy phá đến cỡ nào, tận cùng tâm khảm vẫn có lòng kính trọng những thầy cô đứng trên bục giảng, dẫn dắt chúng tôi đến những điều hay lẽ phải đầu đời.

Những lớp học nằm gần phòng Tổng Giám Thị, “gần mặt trời”, thường rất ngoan, không hề quậy phá, nam sinh thì lúc nào cũng áo bỏ trong quần, nữ sinh luôn luôn có hai lớp áo dưới áo dài dù có hôm trời nóng hơn 100 độ Farrenheit. Không ngoan ngoãn, nề nếp cũng không được, bởi vì không may, phòng học của mình trong tầm nhìn của các thầy cô giám thị, thôi thì phải ráng “nín thở qua sông”, chờ niên học tới, học ở một phòng học khác, “xa mặt trời”, phe ta lại trở về với vị thế “thứ ba học trò”.

Ngược lại, những lớp “ốc đảo”, nằm ở góc sân trường, môi trường quậy phá thuận lợi, phe ta tha hồ làm đủ trò khi giáo sư không có mặt trong lớp. Chỉ cần cứ một đứa có mắt và tai đều ở tình trạng 20/20, đứng tựa cửa lớp, tay cầm vở, ra điều ta đây đang ôn bài cho giờ kế, rất ngoan hiền. Thực ra, đó là tai mắt thám thính của cả lớp. Cứ thấy thầy, cô, hay giám thị từ xa, là “người đứng tựa cửa lớp” quay đầu lại, hất hàm:

- Thầy (cô) … tới.

 

Lập tức, không khí ồn ào biến mất, đến lúc cả lớp tỏ thái độ “im lặng là vàng”, ai về chỗ nấy, rất nhiều tên còn khoanh cả hai tay để trên bàn, chứng tỏ là “em hiền như ma soeur”.

Với lớp chúng tôi niên học 1974-1975 cuối cùng của trường trung học công lập Ngô Quyền với đúng nghĩa của nó, vì chúng tôi không phải trả một đồng nào cho học phí, ngoài một khoản “niên liễm” rất nhỏ đầu năm, cho chi phí sinh hoạt học đường. Lúc đó, chúng tôi vừa chập chững một hai năm đầu của bậc trung học, nên chưa có khái niệm về chuyện “tình yêu học trò” mà chỉ có “khẩu chiến” và “bút chiến” với lớp con trai học cùng phòng học ở buổi chiều. Thật ra, không có nhiều “khẩu chiến” vì nhiều khi chẳng bao giờ chúng tôi biết mặt người cùng ngồi chỗ mình ở buổi kia, mà “bút chiến” thì nhiều. Và thư thì để trong hộc bàn. Thông thường “bút chiến” bắt đầu khi tự nhiên mặt bàn của mình bị một đốm mực to tổ bố, trông rất là mất thẩm mỹ, hay cái ghế ngồi tự dưng có dấu dép, chắc chắn là làm phiền lòng chủ nhân của những tà áo dài trắng tha thướt. “Bút chiến” lúc đầu chỉ có một nữ sinh và một nam sinh cùng ngồi một chỗ trong phòng học ở hai buổi khác nhau. Về sau, lan qua cả bàn, cả nhóm, rồi cả lớp cùng “tham chiến”. Đến lúc này, thư không những chỉ nằm trong hộc bàn mà còn đọc thấy “bút chiến” trên bảng đen, nơi vốn dĩ chỉ dành cho các thầy cô giảng bài. “Bút chiến” kéo dài rất lâu, nếu lỡ thầy, cô, giám thị nào đọc được những lời lẽ đầy khinh bạc trên bảng đen “bút chiến” lại trở về hình thái “chiến tranh du kích”, nghĩa là thư về những hộc bàn.

Tinh nghịch, quậy phá là thế, nhưng chúng tôi vẫn rất tôn trọng những nỗi đau riêng của từng đứa bạn trong lớp. Có lần chuông vào học reo vang, phe ta đã xong màn xếp hàng trước cửa lớp, giáo sư dạy giờ kế chưa đến, thầy giám thị cho vào lớp, thầy vừa quay lưng, mấy chục cái miệng cùng làm việc, không nói thì… nhai ( học trò con gái lúc nào cũng có quà vặt trong cặp sách). Ấy vậy mà có lần, một đứa bạn cùng lớp đến trễ, sau nhiều ngày nghỉ học vì mẹ vừa qua đời, mắt bạn hãy còn sưng mọng, đỏ hoe, và trên đầu có một cái “bandeau” trắng. Đó không phải là “headband” làm dáng, mà đó là tang mẹ, là nỗi mất mát lớn nhất đời người. Như một phép màu, không hẹn mà cả lớp cùng im lặng. Vì biết làm gì hơn, ngoài im lặng để chia sẻ nỗi đau không cùng, “tai họa lớn nhất đời người” của bạn. Còn hơn thế nữa, giống như quốc tang của cả nước khi có một “national public profile” qua đời, cả lớp cùng im lặng, ngoan hiền cả tuần lễ sau đó. Không hề có một sắp xếp, hay hướng dẫn nào, nhưng những bài học “Công Dân Giáo Dục” đầu đời đã khiến cả lớp cùng im lặng, không đùa giỡn, không nói lớn, để chia sẻ nỗi đau của bạn. Gần một tháng sau, khi mắt người bạn bất hạnh đã không còn sưng mọng, cái “bandeau” trắng được thay bằng một mảnh vải đen nhỏ đính bên cạnh bảng tên trường, “unofficial mourning” chấm dứt, “bút chiến” với lớp buổi chiều lại tiếp tục, mấy chục cái miệng lại hoạt động như thường khi thầy cô không có mặt trong lớp.

Bây giờ, và mãi mãi về sau, mỗi khi nhìn lại, hình như mỗi người đều đồng ý là thời trung học đệ nhất cấp (Junior High ở Mỹ) là thời đẹp nhất đời người. Hình như đó cũng là phần thưởng rất công bằng của đời sống cho những người sắp bước vào đời, và phải quay cuồng với nhiều lo toan cho đến ngày chấm dứt đời sống.

Với riêng tôi, những lúc đời sống bất an, tôi lại nhớ về ba mẹ, và nhớ về những con mắt ngây thơ, xanh ngắt màu bích ngọc của những đứa bạn thời bắt đầu vào trung học để tìm lại sự bình an của tâm hồn. Đó là “thuốc an thần” hữu hiệu nhất giúp tôi đứng vững trong mỗi thử thách của đời sống. Những người bạn thời mới lớn, một cách nào đó, đã để lại trong tôi những cảm giác bình yên với những ký ức không bao giờ nhòa.

 

                                                            ChsNQ Nguyễn Trần Diệu Hương

                                                                 Santa Clara, Mar 04 – Viết cho 7/1 ngày xưa

03 Tháng Hai 2009(Xem: 36882)
  Thế hệ chúng tôi ăn sinh nhật tuổi 18 của mình ngay năm 1975, bài viết này xin dành cho những bạn học, từ lớp 6 đến lớp 12 của trường Ngô Quyền năm 1975. Bao nhiêu người đã như một đàn chim tung cánh, bước ra khỏi cổng trường và bay đi tứ phương. Có những người hạnh phúc và thành đạt, có những người lầm than và khắc khoãi.
03 Tháng Hai 2009(Xem: 39309)
  . Mười ba năm đi dạy, là mười ba năm tôi sống hạnh phúc nhất đời tôi. Người thầy là con đò chở các em sang bờ khác. Cuộc hành trình không nhàm chán, rất thú vị và “tích lũy” kỷ niệm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 42888)
Trong đời làm việc của tôi, từ dân tới lính, ông là vị chỉ huy duy nhất mà tôi còn nhớ tới, với lòng kính trọng.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 38587)
  Một ngọn gió dịu mát của mùa Xuân đã đưa tư tưởng tôi bỗng dưng trở về nơi chốn cũ, nơi đó có bày chim con chưa ra ràng nhưng đã muốn tập tễnh bay lượn, vỗ đôi cánh non nớt như muốn tung bay ra khỏi tổ ấm êm đềm và sự che chở thương yêu của chim mẹ, muốn tìm hiểu chân trời ngoài kia bao la rực rỡ muôn màu ra sao .
02 Tháng Hai 2009(Xem: 46353)
Những ngày xa quê hương, lưu lạc xứ người, bận biụ với cuộc sống, tôi luôn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về xứ Cù Lao với dòng sông Đồng Nai yêu dấu; gần đây tôi có tìm đọc thêm về xứ Đồng Nai thuở ban sơ cùng sự nghiệp khai sáng miền Nam của Ngài Nguyễn Hữu Cảnh. Nay tôi xin ghi lại những sự kiện, kiến thức tìm học đựơc bằng tấm chân tình cuả người con đất Cù Lao Phố, Đồng Nai.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 34526)
  Năm đó, tôi về Việt Nam ăn Tết và cũng để mừng má tôi tròn một trăm tuổi. Đó là lần thứ hai tôi về Việt Nam . Kỳ trước về với vợ con nên đi đâu chúng tôi cũng dùng xe nhà của thằng em bà con cho mượn với tài xế (Thằng em này "biết làm ăn" nên bây giờ nó khá lắm). Kỳ này về một mình, tôi định nếu có dịp sẽ dùng xe công cộng một lần cho biết.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 38718)
Thôi thì:    “Đã mang lấy Nghiệp vào thân   Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!” (ND).  
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73726)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 36050)
         Xin vĩnh biệt anh…người bạn đời 37 năm!
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 34802)
Cảm xúc ghi lại sau ngày họp mặt gần nửa tháng.   Có dịp lắng lòng nhìn lại việc đã qua.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 42152)
  Ngày ấy chúng con là những học sinh lớp Đệ Thất B1, chúng con là những đứa bé vừa hơn 10 tuổi, và đến nay đã 50 năm nhưng hình ảnh Thầy Cô không thể xóa nhòa trong trí chúng con.
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76739)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!
26 Tháng Năm 2008(Xem: 28061)
Thắm thoát đã gần 9 năm kể từ ngày hội ngộ Ngô Quyền lần đầu tiên vào ngày 25 tháng 03 năm 1995 tại nhà hàng " Ánh Hồng " thành phố Westminster.