Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm - THẰNG KHỈ

02 Tháng Giêng 20248:28 CH(Xem: 2028)
Nguyễn thị Thêm - THẰNG KHỈ
thằng khỉ  NTT

- Má ơi! con đang lái xe mà buồn ngủ quá. Thằng con giọng nhừa nhựa gọi về.

- Cái gì? Tới đâu rồi? Tui hỏi con

- Còn xa lắm, đường lại kẹt xe. Má ơi buồn ngủ quá. Phải làm sao?

- Thì con tấp vô cây xăng nào đó, nằm nghỉ một chút rồi đi.

Tui lo thiệt đó bà con. Mấy thằng con tui làm việc nhiều, lúc nào chúng cũng thấy mỏi mệt. Lái xe là phiêu phiêu buồn ngủ. Mà cái này cũng có ngoại lệ nha. Lái xe ở Nhật con tui tỉnh queo vì đường hẹp, quanh co nhiều ngõ rẽ rất gắt. Con đường nhỏ lại sát với nhà dân, hai xe chạy qua phải ép vào nhau mới qua mặt được, thế thì căng thẳng thần kinh làm sao buồn ngủ. Ở Đức, nhà thằng con ở trên triền núi nhiều dốc xuống lên chạy quanh co thấy sợ nó cũng tỉnh queo, trong khi tui chóng mặt và hồi hộp vô cùng. Lái xe ở Mỹ, đường xá thênh thang, freeway chạy ngon lành con tui dễ chán nên nó hay buồn ngủ.

Mỗi lần đi xa với con là tui thủ nào cam lột từng múi sẵn, táo cắt từng lát, nước uống và đồ ăn vặt. Thỉnh thoảng tôi đưa tay bóp bóp vai con rồi đút cho nó ăn. Con tui từng đó tuổi tui lo từng đó năm. Nó có gia đình con cái, nhưng mỗi lần đi xa bà nội đều cụ bị đồ ăn vặt cho cháu, đồ ăn vặt cho con. Ngồi một bên chăm chút lo cho nó ăn. Nó bớt buồn ngủ, lái xe tỉnh táo mạng già tui mới được thọ thêm tuổi. Có lần con dâu tui ngứa mắt phải nói:

- Mom đừng lo cho cho anh ấy. Anh phải có trách nhiệm với cả nhà. Lái xe an toàn cho vợ cho con.

Ừa hén! Con tui đã trưởng thành, một sĩ quan cao cấp con cái đùm đề mắc gì tui phải lo cho mệt cái thân già. Nghĩ là vậy, nhưng mỗi lần đi xa, tui lại cứ lo. Hết quay sang bóp vai, hỏi có buồn ngủ không rồi đút thức ăn cho nó. Thiệt là mẹ già hổng giống ai. Tui cũng nói thiệt, cái điều tui lo cho sinh mạng con tui nhất là giao thông. Lái xe là vấn đề nguy hiểm, sinh tử nhất của mọi người dân ở Mỹ. Cái chết vì bệnh, vì tai nạn sở làm hay nguy hiểm khi công tác chẳng có nhằm nhò gì với tai nạn lái xe. Mình lái có cẩn thận nhưng chắc gì người khác cẩn thận hay không uống rượu lái xe. Chuyện bất ngờ may rủi lúc nào cũng có.

Mỗi lần con tui gặp mấy người lái xe cà giựt, khi thì quá chậm, khi quá nhanh, quẹo cua ẩu, qua mặt bất ngờ đầy nguy hiểm nó muốn nổi giận là tui vội nói:

- Có gì đâu. Con coi như là ba con đang lái xe. Già rồi hơi lẩm cẩm ai chẳng vậy. Hoặc là

- Không sao, không sao. Chắc người ta đang vội. Mình có lúc gặp chuyện bất ngờ cũng muốn chạy nhanh cho kịp.

Cứ như vậy tui khuyên con tui nên xí xóa, ai làm việc gì cũng có nguyên nhân. Hít sâu một cái, nghĩ thông cảm cho người ta là mình hết bực...

 

- Má ơi! Nhà có gì ăn không? Con đói bụng. Thằng con lại lôi tôi tui về lại câu chuyện dang dở. Tui nói với nó:

- Cái thằng khỉ! Về mà ăn, má chuẩn bị hết rồi. Còn buồn ngủ hết?

- Con còn xa lắm. Mà má có thương con không?

- Thương cái con khỉ.

- Vậy con về con sẽ thọc lét má. Ai biểu má chửi con "Con khỉ"

Tui phì cười. Thằng này nói là làm. Nó thích bồng tui xoay nhiều vòng cho tui sợ la oái oái. Nó cũng thích thọc lét cho tui cười hăng hắc nó mới tha. Tui sợ nhột, nó thích thọc lét nên mỗi lần nó về là tui bị nó rượt chạy vòng vòng khắp nhà. Hai mẹ con như hai đứa con nít.

- Má ơi! Chừng nào con về tới, má nhớ cho con hun 10 cái nha

- Ừa! Về rồi tính. Mà đã cạo râu chưa?

- Chưa! Cho má nhột đã luôn. Một, hai, ba. Má ra mở cửa.

- Cái thằng khỉ, mới nói còn xa mà kêu ra mở cửa.  Mày cứ phá má...

Tôi chưa nói hết câu tiếng chuông cửa kêu inh ỏi, liên tục. Vậy là nó đã về tới. Cái thằng lúc nào cũng cà rỡn làm tui không biết đâu mà lần. Tui ra mở cửa, nó hù tui một cái hết hồn rồi đẩy hai đứa con vào lòng bà nội. Hai đứa cháu ôm chầm lấy tui cười như nắc nẻ. Thì ra cha con nó âm mưu chọc phá bà nội chơi.

Năm nay gia đình thằng con trai lớn tui không về vì bận công tác, tui cũng mới qua thăm cháu về nên chỉ có gia đình thằng út về với mẹ. Đường xa đi về nên nó mang lỉnh kỉnh là đồ đạc. Nhà con gái 4 phòng, ngày thường hai phòng cháu trống trơn vắng vẻ vì cháu đi học xa. Bây giờ nghỉ lễ mấy đứa cháu ngoại đều về. Tôi lấy tấm nệm hơi queen size ra, con cắm điện và bấm nút, nệm phồng hơi căng cứng. Cha con nó ngủ ở dưới, tui leo lên giường. Chăn nệm ấm êm, mấy cha con ăn xong, tắm rửa, lên phòng quậy bà nội một hồi rồi ôm nhau ngủ khò.

Tui nằm trên giường nhìn xuống. Thằng út tui lúc mới qua Mỹ chỉ có 4 tuổi bây giờ đã có con học lớp hai rồi. Thời gian qua nhanh quá, nó đã đã là một người lính giải ngủ đang có nghề nghiệp ổn định. Đối với tui nó luôn là đứa con út tinh nghịch hay pha trò và hay làm nũng với mẹ. Chiều qua, nó ôm tui quay mấy vòng, hun miết lên má mẹ làm tui muốn nghẹt thở. Râu lún phún cạ vào mặt tui nhột và hơi đau. Tui lại nhớ đến ba nó. Ông chồng của tui thích để râu, bộ  ria mép khiến anh ấy chững chạc và có vẻ gì đó trông đểu đểu lẫn quyến rũ.

Thằng út tui đi lính hải quân. Căn cứ chính của nó ở San Diego. Tui đã vào đó mấy lần, đi mua đồ miễn thuế, đi ăn và thăm viếng căn cứ. Tui đã được leo lên chiếc USS Boxer và đi khắp chiến hạm này. Khi đi về trong tui thật nặng nề và vô cùng cảm xúc. Con tàu lớn như một building, trên cùng là bãi đáp để máy bay chiến đấu lên xuống. Ở một góc là những trụ súng phòng không to lớn và thật lạ. Ở dưới cùng sát sàn tàu là nơi để những xe tăng lội nước ra vô xuất trận. Máy móc, vũ khí tối tân làm tui choáng váng. Con tàu thật lớn với mấy trăm lính Thủy Quân Lục Chiến và thủy thủ đoàn sẵn sàng chiến đấu. Những nơi lính ngủ, những chỗ lính ăn, những con đường lưu thông trên tàu, những cầu thang sắt dựng đứng chật hẹp làm tim tui co thắt. Tất cả đều dành cho chiến đấu, còn những phương tiện ăn, ngủ, giải trí dành cho quân nhân đều thật nhỏ bé và giới hạn bào mòn sức khỏe người lính.

Con tui những chuyến công tác dài 6 đến 8 tháng không được về nhà cũng như không được liên lạc gia đình vì để bảo vệ bí mật quân sự. Ngoài biển cả mênh mông, vất vả khó khăn, hiểm nguy căng thẳng khi bảo vệ vòng đai biển Thái Bình Dương. Tui thương con đứt ruột. Nhiều khi nghe tin tức trên TV tui ăn ngủ không yên, chờ tin con mòn mỏi. Người mẹ như tui yếu đuối khi đối diện với những tin tức quân sự dồn dập hàng ngày. Tui đã thoát khỏi lo sợ của một người vợ lính trong cuộc chiến tại VN, giờ đây lại thấp thỏm không yên khi làm một người mẹ có con là lính Mỹ. Con tui đứa lớn đi lính không quân mấy năm liền phải đi công tác nước ngoài. Ý, Nhật, Đức. Đứa nhỏ hải quân lúc nào cũng lênh đênh trên chiến hạm. Cả hai đứa đều trong công tác bảo vệ đất liền và vùng biển của các nước bạn đồng minh. May là tôi còn có con gái nếu không bà mẹ già là tui bơ vơ không biết ở đâu.

Thú thật tui thật xót khi cái lưng con tui bị đau thắt rất nặng, hậu chấn của những lần vác vũ khí nặng nề leo lên những bậc thang thẳng đứng trong tàu. Tai nghe tiếng nổ của máy bay và tiếng súng bắn đi đã ảnh hưởng nặng về  thính giác. Tui đã khuyên con giải ngũ để về làm một thường dân lo cho gia đình. Mộng hải hồ, mộng làm người lính biển chạm mặt với hiểm nguy đã thỏa mãn. Con tui đã hoàn tất nghĩa vụ đóng góp tuổi trẻ, trí óc và sức khỏe cho quốc gia này. Hai đứa con trai của tui thay mặt cha mẹ tạ ơn đất nước cưu mang gia đình mình, nối tiếp nghiệp lính của cha và làm một người công dân xứng đáng.

Thằng út của tui được sinh ra muộn màng và nghèo khổ khi đất nước đã sang trang. Cha đi tù Cộng Sản nên 13 năm sau tui mới sinh ra nó. Cha già con muộn, mẹ lại phải lao động ngoài nông trường cao su với cái bụng bầu to vượt mặt. Con tui uống nước cơm nhiều hơn sữa mẹ. Ăn nước rau luộc nhiều hơn ăn canh hầm thịt chan cơm. Quần áo nghèo nàn tung tăng chơi giỡn ngoài vườn, ngoài đường lộ đầy bụi. Vậy mà nó vẫn lớn lên bụ bẫm xinh đẹp, rất vui tính thân thiện với mọi người. Nó thích trồng trọt, nuôi gà, nuôi chim, nuôi cá, rùa, chó, mèo... Ước mơ làm người lính chữa lữa để cứu người. Lớn lên mỗi tháng nó đều đi hiến máu vì máu nó là máu O. Nó nói chỉ cần ăn một miếng thịt bò là đủ cứu một mạng người sao mình không giúp họ. Hết ý với con tui.

Bây giờ con tui đã giỏi lắm rồi khi làm một người nội trợ. Nó có thể nấu phở ngon hơn tui ( Nó tự hào nói vậy khi ăn phở tui nấu hôm nay.) Nó có thể gói bánh tét, làm sushi, làm bánh bột lọc, nấu bún riêu...và nhiều món khác. Nhất là món bò beefsteak nó làm rất ngon. Mỗi khi tới thăm, con tui chuẩn bị bữa ăn sáng cho mẹ rồi mới đi làm. Chén bát nó không cho tui rửa để đó chiều nó về rửa máy. Muốn ăn gì nó sẽ đi chợ và nấu cho mẹ ăn. Buổi tối, nó tắm rửa cho con, đọc sách cho con ngủ mới về phòng mình.

Thằng khỉ, thằng chó con, thằng ba trợn là những từ yêu thương tui hay dùng để gọi nó mỗi khi nó thọc lét để chọc tui cười. Tui biết con tui rất có hiếu và yêu mẹ. Lúc nào nó cũng muốn làm cho tui vui và hạnh phúc. Đi với con, tui không hề được bỏ ra một đồng nào. Đi chợ, đi shopping muốn gì cứ việc lấy bỏ vào xe, nó trả tiền. Phone tay nó mua, hàng tháng nó trả tiền. Muốn gì nó sẽ mua online đem tới tận nhà. Lâu lâu nó gọi phone order thức ăn mang tới cho mẹ. Đi chơi xa những nơi không phải ở Mỹ, nó mua cho tui đường line internet 10$ một ngày. Tui mặc sức gọi phone, chơi game vào  tán gẫu, nhắn tin. Nó là vậy, rất hào phóng với bạn bè, anh em, con cháu và mọi người.

Con là núm ruột của mẹ. Con tôi đã lớn, ra đời nhưng nó vẫn là thằng út để mấy con chị nó yêu thương mắng mỏ, để tui lo lắng nhiều nhất trong nhà. Con của nó kêu tui là "Bà Nôi" con thằng anh nó lại kêu tui là "Bà Nụi". Không có đứa nào gọi đúng hết mới tức cười nhưng nghe giọng non nớt thật dễ thương.

Tui lại mỉm cười khi nghĩ đến câu nói của người VN khi không hài lòng về một người nào đó: " Làm như BÀ NỘI của người ta" Ừ! Thì ra làm bà nội cũng ngon lành và lớn lắm chứ bộ. Nhà mỗi đứa con đều dành riêng cho BÀ NỘI một căn phòng ấm cúng, Có cái bàn để laptop, ghế ngồi êm mông, chăn nệm sạch sẽ và nhất là cái ly riêng, đôi dép riêng của bà nội.

Thôi thì, trăm sông đổ về biển, mọi sự việc rồi cũng là vô thường. Một ngày nào đó tui cũng sẽ đi xa. Giữ trong lòng con là những gì tui đã làm cho nó với tất cả yêu thương. Tui giáo dục con hơi khắc nghiệt. Con trai tui vẫn bắt vào bếp phụ mẹ nấu ăn làm bánh. Ngoài vườn bắt trồng cây cắt cỏ. Tập cho con yêu thương loài vật, cây cối hoa lá thiên nhiên nên con tui rất thích đi cắm trại, leo núi và sống ngoài trời. Ngày hè bắt chúng xuống làm phụ anh rể sửa xe, sơn xe và học về máy móc để có thể giải quyết những bệnh của chiếc xe mình làm chủ. Bây giờ những điều tui dạy đã ứng dụng thiết thực cho các con tui khi có một gia đình riêng, một chiếc xe riêng.

Con tui đã về nhà, sẽ dẫn tui đi ăn, đi chơi, đi shopping mua sắm. Ối là la làm mẹ thật là hạnh phúc. Tui lại nhớ đến đứa cháu nội con của nó hôm qua giang rộng cả hai tay hết cỡ để diễn tả thương bà nội bao nhiêu. Nó ôm tui hôn miết lên mặt không chịu buông. Nó nói nó hun bà nội giống ba.

Nhìn cái mỏ chu chu của thằng con đưa ra chực chờ hôn phá mẹ, hai tay nó đưa ra lo le thọc lét, tôi tuột vội xuống giường chạy ra khỏi phòng:

- Thằng khỉ gió đừng thọc lét mẹ, mẹ đầu hàng.

 

Nguyễn thị Thêm  

 

 

 

24 Tháng Hai 2024(Xem: 1374)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1296)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1789)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1632)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1626)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1508)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1567)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1255)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 2323)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 1215)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 1222)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2838)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 1496)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri
28 Tháng Giêng 2024(Xem: 1461)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 1579)
Không biết mấy chục năm sau những lứa tuổi học trò ngày nay tại Việt Nam họ cũng sẽ họp mặt trường lớp cũ, họ cũng có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường xưa với thày cô, bạn bè,
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 1466)
Tôi chỉ kể chuyện cá nhân chứng kiến (bên đây), và xem video ( bún chửi Hà Nội), chớ không vơ đũa cả nắm cho bất cứ nơi chốn nào.
26 Tháng Giêng 2024(Xem: 1785)
Thưa đó là những thành phần có ăn học, được các chính phủ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cho học bổng đi học tại Pháp, tại Mỹ,
15 Tháng Giêng 2024(Xem: 2789)
nhưng thành phố của tôi có những góc nhỏ duyên dáng và dễ thương khiến người dân bản địa sẽ nhớ hoài như: con đường đẹp dốc tòa, con đường Nguyễn văn Trị (NVT) dọc theo bờ sông
11 Tháng Giêng 2024(Xem: 1428)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ, Mỹ Tho.