Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - MỘT GÓC BIÊN HÒA XƯA: TIỆM CHO THUÊ SÁCH NAM TẠO

19 Tháng Hai 202312:39 SA(Xem: 5135)
Phan Phú Hiệp - MỘT GÓC BIÊN HÒA XƯA: TIỆM CHO THUÊ SÁCH NAM TẠO

Một góc Biên Hòa xưa: Tiệm cho thuê sách Nam Tạo

NamTao 1

 

Trước 1975, bên cạnh việc giải trí và nâng cao kiến thức qua các phương tiện truyền thông phổ biến như TV, Radio, báo chí… người dân Biên Hòa (BH) quê tôi còn có thú tiêu khiển rất thanh tao là tìm sách và đọc sách.

Thời ấy, ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh người dân từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội thường có thói quen đến các nhà sách Huỳnh Hiệp, Thiên Tứ, Minh Trí... để tìm và mua sách. Khi gặp một quyển sách hay, họ tự nhiên giở trang đầu để đọc thử mà không gặp bất kỳ sự phàn nàn nào tự chủ tiệm. Lúc ấy, các nhà sách ngập tràn đủ mọi thể loại sách với nhiều nhà xuất bản (XB) khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả.

Nhưng không phải người dân nào cũng đủ tiền để mua sách mới về đọc, nên họ tìm đến những tiệm cho thuê sách với giá cả phải chăng phù hợp với túi tiền.

Tôi không nhớ rõ BH thời ấy có bao nhiêu tiệm cho thuê sách, nhưng tôi chỉ biết hai tiệm chính: một tiệm đối diện cổng trường trung học Ngô Quyền mang tên Dư Ậm và một tiệm rất nổi tiếng Nam Tạo, tọa lạc nơi góc đường Trịnh Hoài Đức và Hưng Đạo Vương.

Tiệm Dư Âm có lượng đầu sách cho thuê không nhiều, chủ yếu là sách tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao, Lệ Hằng, Nghiêm Lệ Quân, Nhã Ca… và các loại sách tuổi hoa (loại hoa xanh, hoa tím) giành cho phần lớn độc giả là các nữ sinh.

Tôi thích đến tiệm Nam Tạo để thuê sách hơn, vì nơi đây có rất nhiều sách đủ mọi thể loại, lại gần nhà. Tiệm Nam Tạo là một căn nhà trệt, có diện tích không lớn lắm, nhưng lúc nào cũng đông khách, nhất là vào buổi chiều sau giờ làm việc. Chủ nhân tiệm là một người đàn đông trung niên, rất lịch thiệp và vui vẻ với khách. Giúp việc cho ông là 1-2 thiếu niên khoảng 14-15 tuổi. Điều đặc biệt tạo cho khách nhiều ấn tượng thú vị là ông chủ có trí nhớ siêu phàm. Dù quản trị một số lượng sách đồ sộ trong tiệm, nhưng chỉ cần khách nói tên tựa quyển sách, là ông biết ngay sách đã cho thuê hay vẫn còn trong tiệm, sau đó ông bảo người phụ việc đến các ngăn kệ X, Y, Z tìm và giao sách cho khách trong một thời gian rất ngắn. Thỉnh thoảng khi vui chuyện, ông cũng có thể tóm tắt sơ lược nội dung của một số quyển sách đang thịnh hành khi khách hỏi.

Khách đến thuê sách chỉ trả một số tiền thế chân bằng nửa giá trị quyển sách, tiền thuê sách được tính theo ngày. Khi khách trả sách, chủ tiệm hoàn trả lại tiền thế chân hoặc giữ lại làm tiền gối đầu cho đợt thuê sách mới. Thời ấy, chưa có máy tính hoặc công cụ hỗ trợ nào, việc ghi chép sổ sách theo dõi hoàn toàn thực hiện bằng tay, nhưng ông chủ và các cộng sự phối hợp nhịp nhàng, ghi chép nhanh gọn chính xác, không xảy ra bất kỳ sai sót nào.

NamTao 2


Đến với tiệm Nam Tạo, dân ghiền đọc sách có thể tìm được bất kỳ thể loại sách nào, thậm chí khan hiếm ở các nhà sách lớn. Sách cho thuê đắt hàng nhất vào thời ấy là các bộ sách kiếm hiệp (Truyện Chưởng) của Kim Dung như: Anh hùng Xạ Điêu, Thần Điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ, Lục mạch thần kiếm, Lộc Đỉnh Ký, Ỷ thiên Đồ Long Ký…ngoài ra, còn có các loại sách tiểu thuyết tình cảm gia đình-xã hội của các tác giả trong nhóm Tự lực văn đoàn, các tác giả Quỳnh Dao, Lệ Hằng, Bà Tùng Long, Hồ Biểu Chánh, Lê văn Trương, Võ Hồng, Hoàng Hải Thủy, Nhật Tiến…; Có các loại truyện Tàu của nhà XB Xuân Thu ; Các loại sách học làm người ; Các loại sách loại khoa học viễn tưởng; Các truyện trinh thám Z-28; Các loại sách dành cho tuổi mới lớn của nhà văn Duyên Anh như Thằng Vũ, Chương Còm, Thằng Côn,Con Thuý… cùng các loại sách về giang hồ, nghĩa khí của ông; Các loại sách tuổi hoa ( hoa xanh , đỏ, tím); Các loại truyện bằng tranh của nhà XB “Sách Vàng”; Các loại sách về võ thuật, thể dục thể thao, và rất nhiều thể loại khác.

Khách đến tiệm Nam Tạo, ít khi thuê một quyển sách mà họ thuê rất nhiều sách, đặc biệt là các bộ truyện chưởng Kim Dung, nhiều người đã thuê trọn bộ về xem. Nhiều người mê đọc sách đến độ sau khi thuê sách tại đây, chưa kịp đem về nhà, mà họ ngồi trên xe gắn máy hoặc xe đạp giở sách đọc ngay trước cửa tiệm.

Ở tuổi thiếu niên thời ấy, tôi thường đến tiệm thuê các loại truyện phù hợp với lứa tuổi như: tuổi hoa (Loại hoa xanh, đỏ), truyện trinh thám, khoa học viễn tưởng, truyện kinh dị, truyện lịch sử, đôi khi là vài bộ truyện chưởng trong các dịp nghỉ hè và đặc biệt là các bộ truyện Tàu như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Phong Thần, Tây Du Ký…

Lúc còn sinh tiền, Ba tôi thích đọc nhiều truyện Tàu của nhà xuất bản Tín Đức Thư xã. Ông cũng cho tôi đọc thử vài quyển truyện Tàu như Đông Châu Liệt Quốc, Tiết Đinh San, Hán Sở Tranh Hùng… Tôi nhận xét hầu như tất cả truyện Tàu luôn đề cao những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa, về thuật dùng binh, dùng người với nhiều tình tiết gay cấn , diễn tả những âm mưu và các trận đấu quyết liệt giữa các phe phái, giữa các nước lân bang với nhau. Từ những trận thư hùng đó, luôn xuất hiện những người trung trực, kẻ gian xảo, nịnh thần, hôn quân và minh Chúa rất ấn tượng.

Từ sở thích mê đọc truyện Tàu, tôi chuyển sang mê truyện chưởng của Kim Dung lúc nào không hay. Phải công nhận Kim Dung Tiên Sinh có biệt tài viết truyện rất hay.Các câu chuyện của ông đều dựa trên những nghiên cứu về sự kiện lịch sử, văn hóa, y thuật, võ thuật kỳ bí của các thời đại xa xưa, qua đó, diễn đạt tình tiết có lớp lang rất ly kỳ, hấp dẫn và khó dự đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra, khiến truyện của ông như có ma lực quyến rũ độc giả phải tìm đọc hết chương này đến chương khác, hết quyển này đến quyển khác.

Một kỷ niệm vui là vào năm 1972, trong dịp nghỉ hè, tôi được gia đình cho đi thăm Ông tôi ở Vũng Tàu (VT) một tuần. Trước khi đi, tôi đến Nam Tạo thuê 7 quyển Anh Hùng Xạ Điêu (Trọn bộ 16 quyển) với ý định mỗi ngày đọc 1 quyển để giải trí.

Nhưng ngay từ những trang đầu tiên của quyển 1, có nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn đã cuốn hút tôi phải đọc tiếp. Kết quả là chưa đến 2 ngày, tôi đã đọc hết vèo cả 7 quyển. Các ngày còn lại ở VT, tôi cứ luôn nôn nóng mong sao cho sớm hết kỳ nghỉ để về Nam Tạo thuê tiếp số tiếp theo của bộ sách.


Tiệm Nam Tạo tọa lạc, trên đường tôi đi học hàng ngày, nên thỉnh thoảng trong các buổi chiều nhàn rỗi đi học về, tôi thường ghé nơi đây, không phải để thuê sách mà chỉ để xem danh mục sách mới về và để được hòa mình vào một không khí sinh hoạt văn hóa dễ thương là tìm sách và đọc sách của người dân quê tôi lúc bấy giờ. Thật vậy, sự kết hợp hài hòa giữa một thế giới sách muôn màu muôn vẻ tại tiệm này và sự khao khát kiến thức của những người thích đọc, đã tạo nên một nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của người dân tại một góc phố nằm trên con đường trung tâm sầm uất bậc nhất của Biên Hòa.

Cuối tháng tư năm 1975 miền Nam VN bước sang một Chapter mới. Cùng chung số phận với các nhà sách và cho thuê sách khác, tiệm Nam Tạo đã đóng cửa và toàn bộ sách bị thu gom để tiêu huỷ hoặc trôi dat nơi nào không ai biết. 
  

Trong những năm đầu thập niên 1980s, lúc còn học ở Sài Gòn, tôi có thói quen cuối tuần thường đi dạo tại chợ bán sách cũ ở đường Đặng Thị Nhu (Quận 1). Nơi đây có rất nhiều sách cũ phong phú với nhiều thể loại khác nhau.Tôi đến đây, chủ yếu là ngắm nhìn những sách ngày xưa mình đã đọc cho đỡ nhớ chứ không đủ tiền để mua lại tất cả. Đôi khi tình cờ, tôi cũng xem được một vài quyển sách xưa, bên trong trang bìa có ghi chú nhiều dòng ngày tháng và đã gạch đi. Tôi đoán đây là sách đã cho thuê và biết đâu, nơi xuất xứ của nó có thể từ tiệm sách Nam Tạo ở quê tôi năm xưa đã trôi dạt đến đây?

Ngày nay, những chiếc Smart phone, Laptop, iPad… đã dần thay thế các quyển sách cũ và làm thay đổi thói quen đọc sách của nhiều người. Nhưng riêng tôi, vẫn thích được cầm một quyển sách xưa trên tay, để cảm nhận lại mùi mực trên giấy ố vàng, được sờ chạm vào bìa sách và chầm chậm giở từng trang để khám phá những nội dung thú vị bên trong, và cũng để hoài niệm lại một thời niên thiếu háo hức đi tìm sách đọc tại Nam Tạo- Tiệm cho thuê sách một thời vang bóng- của BH xưa.

 

(Ảnh sưu tầm)

 

Hiep Phan—02/2023

 

28 Tháng Mười 2011(Xem: 113265)
Mùa Thu là mùa lá rụng, nhìn lá rụng để nghĩ đến cuộc hành trình của Lá, và nhớ đến những tình cảm ắp đầy yêu thương của đời người.
19 Tháng Mười 2011(Xem: 140086)
TRÁI THÔNG KHÔ- Thơ Đào Duy Bình - Nhạc Đắc Thọ – Phạm Tấn Phước trình bày
14 Tháng Mười 2011(Xem: 131477)
Hoạt cảnh "Ngày xưa Hoàng thị" là một công trình của các chs NQ khóa 14 đóng góp
09 Tháng Mười 2011(Xem: 132096)
Rồi tôi sẽ phải sống cho quen dần với những ngày, những tháng đầy nỗi ngậm ngùi, trống vắng như thế này cho đến bao giờ?
07 Tháng Mười 2011(Xem: 123469)
Ôi nhớ sao là nhớ. Nhớ những mùa Thu ở Biên Hòa, tuy không nai vàng ngơ ngác nhưng rất vui và khó quên.
07 Tháng Mười 2011(Xem: 131574)
Khi những chiếc lá xanh bắt đầu đổi màu và những cơn gió lạ buổi chiều xô đi cái nóng hâm hấp của mùa Hè là chúng ta cảm nhận mùa Thu đã về.
01 Tháng Mười 2011(Xem: 107432)
Từ khoảng cách rất xa của nửa vòng trái đất, tất cả chúng em, những học trò của Cô xin gửi lời cầu nguyện cho Cô được bình yên ở cõi vĩnh hằng .
20 Tháng Chín 2011(Xem: 125068)
... mừng hôn nhân với hạnh phúc tuyệt vời luôn bền vững đến với hai cháu Đông Phương và Quang Vinh.
17 Tháng Chín 2011(Xem: 121121)
Màu tím man mác buồn của một loài hoa mộc mạc ngày nào không biết có còn vương vấn trong lòng ai một hoài niệm đã xa rồi hay không!?
10 Tháng Chín 2011(Xem: 103075)
Sau lễ cưới tổ chức ở nam Cali vào ngày 10/9/2011 xong, gia đình bạn sẽ tổ chức lễ ra mắt hai cháu với bà con, họ hàng, thân hữu ở quê hương Biên Hòa một tuần lễ sau.
31 Tháng Tám 2011(Xem: 104268)
Tôi viết mấy dòng này như là lời cảm ơn gửi đến Ban Chấp Hành hội Ái-Hữu cựu học sinh Ngô Quyền, ban Tổ-chức, và những khuôn mặt đầy nhiệt tình, thiện chí ...
26 Tháng Tám 2011(Xem: 104682)
Bài hát “Về lại trường xưa thân ái” của Trần Kiêu Bạc đã làm tôi mất ngủ. Đêm tiễn đưa đứng lên cầm bài hát, hát với các em, tôi được đọc từng câu ca thấm thía làm sao.
24 Tháng Tám 2011(Xem: 113874)
khi viết lại những dòng này, dư âm ngày hội ngộ vẫn ẩn hiện đâu đây , hình ảnh của bản nhạc "một thời áo trắng" vẫn còn đây...
21 Tháng Tám 2011(Xem: 101991)
giọng cười của anh Nguyễn Hữu Hạnh, dáng nghệ sĩ điêu luyện cũa anh Võ Đình đang bắt giọng cho thầy cô và các bạn cùng hát bản nhạc "Về lại trường xưa thân ái“
15 Tháng Tám 2011(Xem: 109369)
Mang “kỷ niệm trường xưa” chất chứa trong hơn hai trăm trang TTNQ 2011, chúng tôi đã tròn “nhiệm vụ” trao tặng quí thầy.
12 Tháng Tám 2011(Xem: 113295)
Mỗi thành viên của Đại gia đình Ngô Quyền là một cánh én mang lại mùa xuân hạnh ngộ khi đến với nhau...
12 Tháng Tám 2011(Xem: 121836)
Những ngày sinh hoạt với HAIHCHSNQBH cho tôi cảm giác đầm ấm trong tình đồng nghiệp và tình thầy trò. Cám ơn Hội đã cho tôi cơ hội hưởng được thời gian tuyệt vời đó.
06 Tháng Tám 2011(Xem: 118860)
Ý Thơ: Hà Thu Thủy Nhạc: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Đỗ Hải Ca Sĩ: Thanh Duyên
06 Tháng Tám 2011(Xem: 108212)
Từ quê nhà, cách nửa vòng trái đất xa xăm, tôi xin kính lời chúc đại hội thành công viên mãn... Rồi kỷ niệm 60 năm, ai còn ai mất? Xin hãy trọn cuộc vui. Thời gian ơi! xin chậm lại.
06 Tháng Tám 2011(Xem: 124697)
Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.