Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - BA TÔI

11 Tháng Sáu 202212:29 SA(Xem: 5161)
GS. Huỳnh Công Ân - BA TÔI

BA TÔI

 

Tuỳ bút Huỳnh Công Ân

 

image002

 


Ba tôi không học nhiều, ông chỉ có bằng Sơ Học, nhưng dưới thời Pháp thuộc và ở nhà quê đối với mọi người như vậy cũng gọi là học cao. Chương trình học thời đó bằng tiếng Pháp nên ông nói được chút đỉnh tiếng Pháp. Ông lại viết chữ rất đẹp nên trong phong trào thanh niên tiền phong ông được người ta giao làm thư ký.

 

Đến lúc ông lấy má tôi và tôi được sinh ra thì ông xin nghỉ về nhà chăm lo vợ con.

 

Quê tôi ở ấp Bến Đồng Sổ, xã Lại Uyên, quận Bến Cát thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Những năm cuối thế chiến thứ hai, quân phiệt Nhật đóng ở nước ta nên máy bay Đồng Mình thường đến oanh tạc. Mỗi lần như thế ba tôi dẫn vợ con đi ẩn núp tránh bom.

 

Lúc đó tôi gần được 2 tuổi vừa biết nói nên đến chỗ núp nào cũng nói líu lo, những người núp chung xua đuổi chúng tôi đi chỗ khác vì họ sợ chỗ núp bị lộ sẽ bị liệng bom.

 

Ba tôi có tất cả 7 anh em, người anh thứ hai và cô út thứ tám mất sớm tôi không hề biết mặt. Bác ba tôi từng theo Việt Minh đánh Pháp. Một hôm, ông cùng một số đồng chí phục kích một đoàn công voa của lính Pháp, tịch thu được một xe thuốc lá thơm. Khi đem về nộp cho các “anh lớn” thì họ bảo đây là đồ của bọn thực dân, không nên dùng. Nhưng lúc ông đứng gác trước bộ chỉ huy nhìn vào trong, thấy các “anh lớn” đang phì phà những điếu thuốc thơm của “thực dân” với vẻ khoái trá. Ông biết mình bị lừa gạt nên bỏ về thành.

 

Trái với bác ba tôi, khôn ngoan và mưu lược, ba tôi hiền lành và thật thà. Sau này cả hai đều xuống Sài Gòn lập nghiệp. Tuy không có nghề may nhưng bác ba tôi có tiền nên mở một tiêm may ở đường Matelot Manuel, quận 6 (nay là đường Tôn Đản, quận 4) và ba tôi may công cho bác ba tôi. Mõi ngày ba tôi đi bộ từ nhà thuê ở Phú Nhuận đến tiệm của bác ba tôi làm việc tới chiều tối lại đi bộ về nhà.

 

Ba tôi thứ tư, người thứ năm cũng theo Việt Minh, ông chết vì bom của máy bay Đồng Minh. Khi còi báo đông vang lên, đang ở dưới hầm, đột nhiên chú năm tôi leo lên trên trong khi mọi người ở trên đều nhảy xuống hầm. Họ vô sự trong khi chú Năm tôi lãnh một miễng bom chết không kịp trối.

 

Chú sáu tôi là người con trai út nên ở lại quê phụng dưỡng ông, bà nội tôi. Tới khi ngoài 30 tuổi nhờ người mai mối cưới thím sáu tôi là người ở quận 4, Sài Gòn. Thím sáu tôi theo chồng về quê ở đến bây giờ và bà là người duy nhứt của thế hệ trước tôi còn tại thế.

 

Cô bảy tôi theo các con sang Mỹ và mất ở bên đó. Trước khi cô bảy tôi mất, tôi có sang Mỹ thăm cô ở nhà dưỡng lão.

 

Sau này, nhờ dành dụm được một số tiền ba tôi mua một căn nhà lá ở một con hẻm của đường Matelot Manuel, đối diện chợ Cầu Cống và mở một tiệm may. Ban đầu, ông vừa cắt vừa may đồ cho khách. Về sau ông chỉ cắt, việc may giao cho thợ. Trong đợt di cư năm 1954, lần lượt ba tôi thuê bác Phó Nhỏ và anh Chức là những người di cư làm thợ may cho ông. Sau này có thêm anh Đức và cô Tư đến học việc. Anh Chức tới tuổi động viên nên xin vào làm cảnh sát. Anh Đức thì ngoài việc học may, ba tôi nhờ anh lấy xe đạp chở tôi đi thi hay đi đây đó lo công việc học của tôi. Cô Tư có chồng đi tập kết nên sau 1975, con trai cô ấy làm phường đội trưởng, phường 13, quận 4.

 

Ba tôi là một người chồng gương mẫu và là một người cha nghiêm khắc. Ông không hề biết rượu chè, trai gái. Suốt ngày ông ở nhà lo cắt quần áo cho khách. Thú vui duy nhứt là đánh cờ tướng. Má tôi lại không thích ba tôi chơi cờ. Mỗi lần chú hai Tôn ( anh em họ của ba tôi) đến rủ ba tôi đánh cờ là bà lộ vẻ không vui. Ngoài ra, ông có một thói quen không tốt là hút thuốc lá. Tôi còn nhớ ông hút thuốc Mélia vàng mà bao thuốc có hình một cô đầm ngồi bên sạp bán thuốc lá. Chính vì hút thuốc lá mà ba tôi bị tai biến mạch máu não và từ trần năm 1992.

 

Như đã nói trên, ba tôi quê ở Thủ Dầu Một còn má tôi thì quê ở Trà Vinh. Một người ở miền Đông, còn người kia ở miền Tây, hai người chẳng quen biết gì nhau. Tôi nghe kể lại rằng năm 1942 hay 1943 gì đó ông ngoại tôi đi buôn bán có tới ga xe lửa Bến Đồng Sổ, nơi có gia đình bên nội tôi. Ai đó đã làm mai mối cho hai gia đình khi má tôi mới vừa 20 tuổi (ngày xưa, gia đình nào có con gái cỡ tuổi đó đều phải lo kiếm mai mối để gả con mình đi) và ba tôi được 22. Một cuộc hôn nhân không phát xuất từ tình yêu thế mà họ ở với nhau cũng được nửa thế kỷ đến khi ba tôi mất và có với nhau 6 mặt con. Gần 20 năm sau má tôi mới đi theo ba tôi.

 

Có người nói rằng dù chưa yêu nhau trước khi cưới nhưng sau hôn nhân, sống với nhau rồi thì tình yêu cũng đến. Trường hợp của ba má tôi thì tôi không biết có phải đúng như vậy không. Tuy nhiên, tôi nghe má tôi kể rằng mỗi lần ba tôi cỡi xe đạp đi từ nhà qua Chợ Cũ để mua vải về may đồ cho khách thì má tôi đi bộ lên Cầu Mống để nhìn về hướng Chợ Cũ ngóng chờ ba tôi đạp xe trở về mới an tâm.

 

Lúc nhỏ, mỗi khi tôi phạm lỗi nếu là má tôi đánh thì không đau, nhưng nếu là ba tôi thì như trời giáng. Một tay ông nắm tay tôi, tay kia quất roi vào mông, tôi không chạy đâu được. Vậy mà chứng nào tật nấy, buổi trưa ba tôi bảo tôi coi chừng tiệm để ông ngủ trưa vậy mà tôi bỏ mặc ông nằm ngủ đi qua rạp hát Nam Tiến ở Bến Vân Đồn xem chớp bóng hoặc ban đêm khi chùa Hoà Hiệp Tự làm lễ có hát bội, tôi trốn nhà đi xem tới khuya, lần nào về nhà ba tôi cũng cho tôi một trận đòn đích đáng.

 

Nhờ mở tiệm may, ba tôi nuôi vợ và đàn con 6 đứa no ấm. Riêng tôi được đi học đến hết bậc đại học và có việc làm bảo đảm cuộc sống sung túc cho đến cuối tháng 4 năm 1975.

 

Tôi còn nhớ vẻ mặt đau khổ của ba tôi lúc ông được tin người em kế tôi, một phi công trực thăng của sư đoàn 3 không quân, Biên Hoà mất tích khi máy bay bị bắn rơi trong cuộc chiến An Lộc năm 1972. Ngày đó, ông nằm chờ tin con trong phi đoàn của em tôi và tuyệt vọng khi buổi chiều hợp đoàn của em tôi trở về không mang một tin tức nào về dấu vết của nó. Còn gì đau đớn hơn cho một người cha khi biết mình sẽ vĩnh viễn mất đi một đứa con.

 

Tình yêu người mẹ đối với con rất rõ nét trong việc mang nặng, đẻ đau, ẳm bồng, bú mớm, ru ngủ… nhưng tình cha cũng không kém tuy âm thầm, kín đáo hơn.

 

Ngày tôi tốt nghiệp đại học, ba tôi không giấu được sự hãnh diện về việc đã hoàn thành thiên chức làm cha của mình. Ông đã mời các người lối xóm thân thiết dự một buổi tiệc ăn mừng con mình ra trường tại quán Tư Sanh ở chợ Xóm Chiếu.

 

Ba tôi mất khá sớm, lúc ông vừa được 72 tuổi. Năm đó tôi vừa định cư ở Canada không lâu dù thương tiếc nhưng không có phương tiện về thọ tang chỉ biết nhờ vợ tôi và các em tôi còn ở Việt Nam lo liệu tang sự.

 

Cuộc đời của ba tôi rất bình lặng với nghề thợ may khiêm tốn nhưng đối với tôi, ông là biểu tượng của một người cha lặng lẽ, cần mẫn sống âm thầm chu toàn cuộc sống cho vợ con.

 

Công cha như núi Thái Sơn, chỉ khi nào ta nhìn lên mới thấy núi ấy cao và vĩ đại như thế nào!

 

Viết nhân ngày Từ Phụ ( Father’s Day) 2022

Huỳnh Công Ân

 

28 Tháng Mười 2011(Xem: 113262)
Mùa Thu là mùa lá rụng, nhìn lá rụng để nghĩ đến cuộc hành trình của Lá, và nhớ đến những tình cảm ắp đầy yêu thương của đời người.
19 Tháng Mười 2011(Xem: 140075)
TRÁI THÔNG KHÔ- Thơ Đào Duy Bình - Nhạc Đắc Thọ – Phạm Tấn Phước trình bày
14 Tháng Mười 2011(Xem: 131471)
Hoạt cảnh "Ngày xưa Hoàng thị" là một công trình của các chs NQ khóa 14 đóng góp
09 Tháng Mười 2011(Xem: 132088)
Rồi tôi sẽ phải sống cho quen dần với những ngày, những tháng đầy nỗi ngậm ngùi, trống vắng như thế này cho đến bao giờ?
07 Tháng Mười 2011(Xem: 123463)
Ôi nhớ sao là nhớ. Nhớ những mùa Thu ở Biên Hòa, tuy không nai vàng ngơ ngác nhưng rất vui và khó quên.
07 Tháng Mười 2011(Xem: 131571)
Khi những chiếc lá xanh bắt đầu đổi màu và những cơn gió lạ buổi chiều xô đi cái nóng hâm hấp của mùa Hè là chúng ta cảm nhận mùa Thu đã về.
01 Tháng Mười 2011(Xem: 107430)
Từ khoảng cách rất xa của nửa vòng trái đất, tất cả chúng em, những học trò của Cô xin gửi lời cầu nguyện cho Cô được bình yên ở cõi vĩnh hằng .
20 Tháng Chín 2011(Xem: 125064)
... mừng hôn nhân với hạnh phúc tuyệt vời luôn bền vững đến với hai cháu Đông Phương và Quang Vinh.
17 Tháng Chín 2011(Xem: 121118)
Màu tím man mác buồn của một loài hoa mộc mạc ngày nào không biết có còn vương vấn trong lòng ai một hoài niệm đã xa rồi hay không!?
10 Tháng Chín 2011(Xem: 103070)
Sau lễ cưới tổ chức ở nam Cali vào ngày 10/9/2011 xong, gia đình bạn sẽ tổ chức lễ ra mắt hai cháu với bà con, họ hàng, thân hữu ở quê hương Biên Hòa một tuần lễ sau.
31 Tháng Tám 2011(Xem: 104265)
Tôi viết mấy dòng này như là lời cảm ơn gửi đến Ban Chấp Hành hội Ái-Hữu cựu học sinh Ngô Quyền, ban Tổ-chức, và những khuôn mặt đầy nhiệt tình, thiện chí ...
26 Tháng Tám 2011(Xem: 104680)
Bài hát “Về lại trường xưa thân ái” của Trần Kiêu Bạc đã làm tôi mất ngủ. Đêm tiễn đưa đứng lên cầm bài hát, hát với các em, tôi được đọc từng câu ca thấm thía làm sao.
24 Tháng Tám 2011(Xem: 113872)
khi viết lại những dòng này, dư âm ngày hội ngộ vẫn ẩn hiện đâu đây , hình ảnh của bản nhạc "một thời áo trắng" vẫn còn đây...
21 Tháng Tám 2011(Xem: 101989)
giọng cười của anh Nguyễn Hữu Hạnh, dáng nghệ sĩ điêu luyện cũa anh Võ Đình đang bắt giọng cho thầy cô và các bạn cùng hát bản nhạc "Về lại trường xưa thân ái“
15 Tháng Tám 2011(Xem: 109367)
Mang “kỷ niệm trường xưa” chất chứa trong hơn hai trăm trang TTNQ 2011, chúng tôi đã tròn “nhiệm vụ” trao tặng quí thầy.
12 Tháng Tám 2011(Xem: 113286)
Mỗi thành viên của Đại gia đình Ngô Quyền là một cánh én mang lại mùa xuân hạnh ngộ khi đến với nhau...
12 Tháng Tám 2011(Xem: 121832)
Những ngày sinh hoạt với HAIHCHSNQBH cho tôi cảm giác đầm ấm trong tình đồng nghiệp và tình thầy trò. Cám ơn Hội đã cho tôi cơ hội hưởng được thời gian tuyệt vời đó.
06 Tháng Tám 2011(Xem: 118855)
Ý Thơ: Hà Thu Thủy Nhạc: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Đỗ Hải Ca Sĩ: Thanh Duyên
06 Tháng Tám 2011(Xem: 108205)
Từ quê nhà, cách nửa vòng trái đất xa xăm, tôi xin kính lời chúc đại hội thành công viên mãn... Rồi kỷ niệm 60 năm, ai còn ai mất? Xin hãy trọn cuộc vui. Thời gian ơi! xin chậm lại.
06 Tháng Tám 2011(Xem: 124693)
Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.