Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NGƯỜI MẸ

17 Tháng Năm 20221:01 SA(Xem: 4732)
Nguyễn Thị Thêm - NGƯỜI MẸ
Cô Ba

NGƯỜI MẸ

 


Đây không phải là mẹ tôi. Mặc dù tôi yêu kính Mẹ tôi nhiều lắm. Hàng đêm tôi thắp hương nguyện cầu cho vong linh Mẹ tôi siêu thoát, an lành trong ánh sáng Từ Bi của Đức Phật A Di Đà.

 

Chiều nay tôi nhận được tin buồn từ một người em ở Canada gửi tới. Em báo tin Vương Anh Vũ con của cô giáo Huỳnh Thị Ba đã từ trần. Tôi ngẩn người một lúc thật lâu. Trong tôi có một cái gì dâng lên nghẹn ngào. Cách đây chưa đầy một tháng. Vương Anh Khanh, em của Vũ vừa trút bỏ tấm thân tứ đại đau khổ này mà ra đi. Bây giờ tới phiên Vũ. Tôi nghĩ đến cô giáo của tôi. Người Mẹ của những đứa con bạc phước này mà không cầm được nước mắt.

 

Cô Ba, cô giáo lớp Nhất ngày xưa của tôi là mẹ của Vũ và Khanh. Cô thật đẹp, một nét đẹp mặn mà, quyến rũ. Cô có đôi mắt thật buồn và sâu lắng. Chúng tôi rất sợ và kính yêu cô. Cô dạy rất nghiêm khắc và rất thành công. Những ngày xưa đó, chúng tôi hay đến nhà cô để ôm những quyển vở học sinh cô chấm xong lên trường. Được cô phân công là vinh dự cho chúng tôi. Đối với tuổi thơ ngây, cô giáo là một hình ảnh tuyệt vời mà học sinh nào cũng mơ ước. Thuở ấy, Vũ là một cậu bé rất đẹp trai, là con của cô giáo nên chúng tôi nhìn Vũ đầy ngưỡng mộ.

 

Cô Ba dạy chúng tôi lớp Nhất (tức lớp 5 bây giờ) là một cô giáo có tiếng khó nhất trường Tiểu học Long Thành. Cô có nguyên tắc dạy học riêng của mình. Học sinh phải vào nề nếp, trật tự và học ra học, chơi ra chơi. Trong giờ học lớp im phăng phắc, tiếng giảng bài của cô không lớn nhưng cả lớp đều nghe rất rõ ràng. Vở tập phải đánh số không ai được xé một trang vở nào. Tựa bài phải viết mực đỏ. Những phần quan trọng phải lấy thước gạch đít cẩn thận. Mỗi quyển vở, mỗi môn học đều được cô quan sát theo dõi kỹ càng.

 

Chúng tôi học cô năm lớp Nhất để thi bằng Tiểu học. Sau đó thi tuyển vào Đệ Thất công lập trường Trung Học Long Thành. Tôi thi đậu Tiểu Học và đậu thủ khoa kỳ thi tuyển đó. Nhà nghèo, ba tôi quyết định bắt tôi ở nhà phụ gia đình. Chính cô đã gặp trực tiếp ba tôi để khuyên cho tôi học tiếp. Vì thi đậu thủ khoa nên tôi được học bổng của chính phủ suốt 4 năm Trung Học. Ơn cô giáo Ba tôi không bao giờ quên.

 

Rồi tôi cũng tốt nghiệp Sư Phạm để làm cô giáo cùng về trường xưa dạy chung với cô. Cô vẫn đẹp, vẫn nghiêm và đạo mạo. Phong cách của một nhà mô phạm lâu năm. Tôi gần gũi cô hơn, tôi thông cảm cô hơn và trong tôi cô vẫn là cô giáo mẫu mực mà tôi yêu kính.

 

Thế rồi cơn sóng đời đưa tôi trôi dạt xa bờ. Tôi không gặp lại cô từ sau khi tôi rời quận lỵ Long Thành để đi theo chồng xa xứ. Bẳng đi mấy chục năm sau, khi ở nước ngoài tôi được tin từ các bạn học cũ. Cô tôi đã về hưu theo biên chế mới của nhà nước bây giờ. Điều đau lòng hơn, cô phải chăm sóc ba đứa con đều bị bệnh nằm một chỗ.

 

Tôi về thăm cô một buổi sáng tháng 7 trời thật đẹp. Cô bước ra trong ánh sáng lờ mờ của căn nhà đã lâu năm không được sửa sang. Cô thật đẹp với mái tóc bạc và làn da trắng mong manh. Đôi mắt cô tuy không còn tinh anh nhưng vẫn sắc sảo và đẹp. Tôi ôm lấy cô thương quá đỗi. Cô là bà tiên trong câu chuyện cổ tích. Một bà mẹ đã 80 chăm sóc 3 đứa con đã tráng niên nằm một chỗ. Ba đứa con đều học giỏi tốt nghiệp đại học và có việc làm đàng hoàng. Nhưng thật bi ai, từng em đã bị những bất trắc về bệnh tật và tai ương để biến thành người tàn phế.

 

Vũ, Khanh và Thư. Ba em ở ba căn phòng nhỏ ẩm thấp, Cô lo cho em này vệ sinh xong lại chạy lo cho đứa khác. Mỗi em là một loại thuốc, mỗi em cần một chăm sóc khác nhau. Cô như con thoi qua lại trong ba phòng của ba đứa con. Chỉ có bà mẹ mới biết nỗi đau và tâm trạng con mình để chăm sóc. Cô chịu đựng làm một thùng rác để các con trút hết những khổ đau và bất mãn mà các em mang vào người. Cô yêu thương chia sẻ để cho các con tin cậy gởi gấm bao nhiêu tâm sự muộn phiền. Trái tim người mẹ như những hạt kim cương chói sáng rực rỡ, những góc cạnh tuyệt vời của yêu thương và tha thứ.

 

Cô nghẹn ngào kể về cuộc đời đầy bất trắc của những đứa con thân yêu. Trong đôi mắt và câu chuyện, tôi không hề bắt gặp sự than van hay phiền trách các con. Cô chỉ kể đến các em trong sự thương yêu và lo lắng. Cô chỉ lo không làm được trọn vẹn nhiệm vụ chăm sóc các con, không làm cho các con vơi đi sự đau đớn về thể xác và sự bất mãn cuộc đời trong tâm hồn. Phòng khách cô tiếp chúng tôi chỉ cách phòng Hoàng Thư một bức màn, nhưng tôi không dám bước vào, tôi biết em rất nhiều mặc cảm và không muốn tiếp xúc người ngoài.

 

Tôi bước ra về trong những bước chân chênh vênh buồn. Buồn cho số kiếp của cô tôi, buồn cho định mệnh ác nghiệt để những những người con khôn lớn nhìn mẹ mình làm vệ sinh cho mình mà không thể làm gì khác hơn.

 

Mùa Vu Lan, những người con có hiếu đều muốn làm một cái gì để dâng lên Mẹ mình. Đều muốn ôm lấy mẹ mà nói hai tiếng cám ơn. Muốn hôn mẹ thật ngọt ngào để diễn đạt tình yêu thương vô bờ bến. Tôi nghĩ Vũ và Khanh cũng đã làm điều đó khi rũ áo ra đi. Chiếc áo trần gian cũ kỹ, nhàu rách tả tơi đã làm khổ các em bao ngày. Bây giờ đã đến lúc các em trả lại cho trần thế. Các em đã trả xong nợ của một đời người. Một món nợ trả thật lâu, thật dai dẳng bây giờ mới dứt. Hãy yên nghỉ đi các em, hãy để mẹ tiễn em lần cuối. Hãy để người mẹ yêu quý vuốt mắt các em, gắp cho các em những thức ăn mà các em yêu thích lần cuối cùng trong làn khói hương đưa tiễn. Trên khoảng không trung bao la đó, các em hãy nhìn xuống mẹ mình mà thương kính và lạy tạ công đức sâu dày. Hãy phù hộ cho mẹ đủ nghị lực vượt qua nỗi đau to lớn đang chồng chất lên vai của một người mẹ già.

 

Tôi nhớ cô đã nói với tôi: “Không biết cô có đủ sức để lo cho các em không? Cô chỉ sợ cô mất đi thì các em làm sao, ai lo, ai săn sóc.”. Cô ơi! Cô đã đưa các em đến đoạn cuối cuộc đời. Cô đã làm tròn hay vượt lên bổn phận của một bà mẹ. Mang nặng, đẻ đau, nuôi con khôn lớn. Giúp con thành nhân, thành đạt và cúi người xuống để mang dùm con gánh nặng đời người.

 

Tôi biết, khi mọi người chia buồn với gia đình về cái chết của Khanh và Vũ thì trong lòng họ cũng thầm mừng cho cô đã nhẹ gánh nặng về con cái. Nhưng với trái tim của một người mẹ, cô đau khổ, thương con biết chừng nào. Cô thà vất vả, mệt nhọc lo cho con nhưng luôn mong con mình hiện hữu bên cạnh. Được nhìn con, nắm tay con, săn sóc cho nó còn hơn nhìn con vĩnh biệt cuộc đời. Nỗi lòng của một bà mẹ là trái tim từ ái mà mọi tôn giáo đều ca ngợi. Nó vượt lên trên không gian, thời gian và trên tất cả để làm thành một thế giới đầy yêu thương và ấm áp.

 

Cô ơi! Em thương và kính trọng cô tận đáy lòng. Người học trò ngày xưa không chỉ ngưỡng mộ một cô giáo trẻ đẹp uy nghi, mà người mẹ, người bà như em cũng vô cùng ngưỡng mộ cô ở địa vị một bà mẹ đã 80 tận tình chăm chút cho các con đã ngoại tứ tuần. Những nghiệp duyên cô đã vương mang từ kiếp trước bây giờ cô đã trả xong, các em đã yên lành về với vùng trời bình an trong thế giới vô hình. Cô hãy an lòng và cầu nguyện cho các em: Vương Anh Khanh và Vương Anh Vũ.

 

Hoàng Thư ơi! Chị biết giờ đây em cũng đang khóc. Khóc thương các anh, khóc thương cho mẹ và khóc cho chính mình. Một cô giáo dạy cấp hai trẻ đẹp, độc thân tương lai hứa hẹn như em mà giờ phải nằm một chỗ, đang chờ bàn tay yếu đuối của mẹ săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và cả vệ sinh cá nhân. Một tai nạn trên đường đã giết chết tuổi hoa mộng của em, hủy hết tương lai phía trước và đày đọa bà mẹ già tội nghiệp.

Đời là như thế, không ai lường trước được, thôi thì hãy chấp nhận và đừng bi quan. Nước mắt em rơi, lệ cô sẽ chảy gấp nhiều lần hơn. Sự bất cần đời của em sẽ làm trái tim cô bị đau như bóp nghẹt. Đừng mang ý nghĩ hủy hoại mình, hãy để mẹ vui với những hy sinh còn lo được cho con những lúc tuyệt vọng nhất.

 

Hoàng Anh ơi! Hãy yêu thương mẹ nhiều hơn. Dù các em có một vườn hoa với đủ loại hồng rực rỡ, nhưng không sánh được với một đóa hoa hồng bằng giấy thô sơ mà các em gia đình Phật Tử gắn lên áo cho em. Đóa hoa đó tượng trưng cho người mẹ yêu quý của mình còn hiện tiền. Người mẹ ở bên cạnh mình, hết mực yêu thương, hy sinh cho mình. Đừng tìm Phật đâu xa, Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát là bà mẹ già đang ở bên cạnh mình đó em ơi! Một bà mẹ đẹp nhất tôi từng chứng kiến.

 ........

Thưa các bạn,

Người con gái bệnh tật của cô tôi đã qua đời sau hai người anh vài tháng. Cô lo đám tang cho con trong nước mắt tiếc thương nhưng cũng nhẹ lòng là đã lo cho con mồ yên mả đẹp. Có lẽ cái chết của hai người anh đã làm Hoàng Thư suy sụp tinh thần rất nhiều. Em không thể đương đầu với bệnh tật đang hành hạ em hàng ngày lẫn nỗi cô đơn thấy mình lạc lõng trên cõi đời này thật vô vị. Em sống chỉ làm khổ cho mẹ và là gánh nặng cho người mẹ già tội nghiệp nên em đã buông tay. Hoàng Thư đã về với hư không, trả tấm thân tàn tạ đầy khổ ải lại cho đất và trần gian. Ba người con của cô tôi đã lần lượt rũ nhau đi về nơi họ đến. Các em đã trả cái nghiệp bản thân mình cũng như cô tôi cũng đã hoàn tất bổn phận và nghiệp mạng của mình với con cái.

 

Cô tôi có 4 người con, hai trai, hai gái. Ba người đã bỏ cô ra đi chỉ còn lại cô con gái út tên Hoàng Anh rất có hiếu với cha mẹ. Nhiệm vụ săn sóc các anh chị bệnh đau Hoàng Anh không thể làm thay mẹ. Em còn phải đi làm và có trách nhiệm với gia đình chồng con. Bây giờ các anh chị đã ra đi, mẹ già không còn vướng bận, em bàn với chồng phải lo cho cha mẹ an hưởng tuổi già.

 

Căn nhà của cô đã quá cũ, hư hao nhiều chỗ và đầy những kỷ niệm đau buồn nên thầy cô quyết định bán đi để về ở với con gái. Đất đai vườn tược Hoàng Anh rất rộng, cô thầy về cất nhà gần con để hôm sớm có nhau. Cuộc sống của cô tôi bây giờ đổi khác, cô khỏe mạnh ra, thầy cũng vậy. Thỉnh thoảng học trò cũ nhớ cô, họ rủ nhau xuống thăm rất vui và hạnh phúc.

 

Hoàng Anh cũng biết cả đời mẹ vất vả lo lắng cho sinh hoạt gia đình và chăm sóc con cái chưa từng được đi đâu. Cho nên em thường tổ chức những chuyến đi chơi ngắn ngày trong nước để mẹ được thưởng thức cảnh đẹp của quê hương mà mẹ thường dạy học trò.

 

Cô giáo tiểu học của tôi năm nay đã gần 90. Hôm qua nghe tin cô đang cố gắng vượt qua sự tấn công của con Covid 19. Tôi quả thật rất lo cho cô. Ở nơi xa, tôi không biết làm gì chỉ gửi những lời chúc lành đến cô.

 

Bây giờ là tháng năm, tháng của những người con tri ân Mẹ. Cô không phải là Mẹ tôi, nhưng đã từ lâu tôi coi cô như một người mẹ. Tôi cám ơn cô đã giúp tôi tiếp tục được đến trường. Tôi cám ơn cô đã cho tôi một tấm gương mô phạm chân chính. Tôi cảm phục cô với hình ảnh một người mẹ tận tụy hy sinh cho con.

 

Mong rằng cô tôi đầy đủ sức khỏe và nghị lực để vượt qua trận chiến gay go này. Nguyện ơn trên gia hộ cho cô giáo Huỳnh thị Ba của tôi mau bình phục.

 

Nguyễn thị Thêm.
10/5/2022

 

 

 

 

 

28 Tháng Mười 2011(Xem: 113265)
Mùa Thu là mùa lá rụng, nhìn lá rụng để nghĩ đến cuộc hành trình của Lá, và nhớ đến những tình cảm ắp đầy yêu thương của đời người.
19 Tháng Mười 2011(Xem: 140087)
TRÁI THÔNG KHÔ- Thơ Đào Duy Bình - Nhạc Đắc Thọ – Phạm Tấn Phước trình bày
14 Tháng Mười 2011(Xem: 131477)
Hoạt cảnh "Ngày xưa Hoàng thị" là một công trình của các chs NQ khóa 14 đóng góp
09 Tháng Mười 2011(Xem: 132097)
Rồi tôi sẽ phải sống cho quen dần với những ngày, những tháng đầy nỗi ngậm ngùi, trống vắng như thế này cho đến bao giờ?
07 Tháng Mười 2011(Xem: 123469)
Ôi nhớ sao là nhớ. Nhớ những mùa Thu ở Biên Hòa, tuy không nai vàng ngơ ngác nhưng rất vui và khó quên.
07 Tháng Mười 2011(Xem: 131575)
Khi những chiếc lá xanh bắt đầu đổi màu và những cơn gió lạ buổi chiều xô đi cái nóng hâm hấp của mùa Hè là chúng ta cảm nhận mùa Thu đã về.
01 Tháng Mười 2011(Xem: 107434)
Từ khoảng cách rất xa của nửa vòng trái đất, tất cả chúng em, những học trò của Cô xin gửi lời cầu nguyện cho Cô được bình yên ở cõi vĩnh hằng .
20 Tháng Chín 2011(Xem: 125070)
... mừng hôn nhân với hạnh phúc tuyệt vời luôn bền vững đến với hai cháu Đông Phương và Quang Vinh.
17 Tháng Chín 2011(Xem: 121122)
Màu tím man mác buồn của một loài hoa mộc mạc ngày nào không biết có còn vương vấn trong lòng ai một hoài niệm đã xa rồi hay không!?
10 Tháng Chín 2011(Xem: 103075)
Sau lễ cưới tổ chức ở nam Cali vào ngày 10/9/2011 xong, gia đình bạn sẽ tổ chức lễ ra mắt hai cháu với bà con, họ hàng, thân hữu ở quê hương Biên Hòa một tuần lễ sau.
31 Tháng Tám 2011(Xem: 104268)
Tôi viết mấy dòng này như là lời cảm ơn gửi đến Ban Chấp Hành hội Ái-Hữu cựu học sinh Ngô Quyền, ban Tổ-chức, và những khuôn mặt đầy nhiệt tình, thiện chí ...
26 Tháng Tám 2011(Xem: 104683)
Bài hát “Về lại trường xưa thân ái” của Trần Kiêu Bạc đã làm tôi mất ngủ. Đêm tiễn đưa đứng lên cầm bài hát, hát với các em, tôi được đọc từng câu ca thấm thía làm sao.
24 Tháng Tám 2011(Xem: 113875)
khi viết lại những dòng này, dư âm ngày hội ngộ vẫn ẩn hiện đâu đây , hình ảnh của bản nhạc "một thời áo trắng" vẫn còn đây...
21 Tháng Tám 2011(Xem: 101991)
giọng cười của anh Nguyễn Hữu Hạnh, dáng nghệ sĩ điêu luyện cũa anh Võ Đình đang bắt giọng cho thầy cô và các bạn cùng hát bản nhạc "Về lại trường xưa thân ái“
15 Tháng Tám 2011(Xem: 109369)
Mang “kỷ niệm trường xưa” chất chứa trong hơn hai trăm trang TTNQ 2011, chúng tôi đã tròn “nhiệm vụ” trao tặng quí thầy.
12 Tháng Tám 2011(Xem: 113295)
Mỗi thành viên của Đại gia đình Ngô Quyền là một cánh én mang lại mùa xuân hạnh ngộ khi đến với nhau...
12 Tháng Tám 2011(Xem: 121836)
Những ngày sinh hoạt với HAIHCHSNQBH cho tôi cảm giác đầm ấm trong tình đồng nghiệp và tình thầy trò. Cám ơn Hội đã cho tôi cơ hội hưởng được thời gian tuyệt vời đó.
06 Tháng Tám 2011(Xem: 118860)
Ý Thơ: Hà Thu Thủy Nhạc: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Đỗ Hải Ca Sĩ: Thanh Duyên
06 Tháng Tám 2011(Xem: 108212)
Từ quê nhà, cách nửa vòng trái đất xa xăm, tôi xin kính lời chúc đại hội thành công viên mãn... Rồi kỷ niệm 60 năm, ai còn ai mất? Xin hãy trọn cuộc vui. Thời gian ơi! xin chậm lại.
06 Tháng Tám 2011(Xem: 124698)
Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.