Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ CẤM TÚC TUẦN 21

15 Tháng Tám 202010:12 SA(Xem: 9646)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ CẤM TÚC TUẦN 21


                                     NHẬT KÝ CẤM TÚC TUẦN 21

                                                               Nguyễn Trần Diệu Hương


Thứ hai 3 tháng 8


Ở tuổi 21, Spencer Rollyson không quan tâm lắm khi anh có những triệu chứng  sơ khởi của COVID-19. Không ngờ chỉ vài tuần sau, đã có lúc chừng như Coronavirus cướp được cuộc đời còn rất trẻ của anh.

Khởi đầu Spencer chỉ có cảm giác sốt nhẹ trong vòng vài ngày. Nhưng chỉ 10 ngày sau, anh cảm thấy mệt mỏi và yếu đi rất nhiều. Spencer đến phòng cấp cứu của bệnh viện khi thân nhiệt của anh lên đến 103 độ Fahrenheit (39.5 độ Celsius).


Bệnh viện đã cho Spencer lấy các loại test cần thiết: X-rays, CT scan để tìm căn nguyên cơn sốt và sự mệt mỏi của anh. Mọi kết quả thử nghiệm đều bình thường, không có vấn đề. Nhưng chỉ hai ngày sau đó, bệnh trạng của Spencer có chuyển biến xấu, anh được chuyển qua phòng điều trị đặc biệt ICU. 

Các bác sĩ cho Spencer biết cơ thể của anh đã dùng hết năng lực để chiến đấu với Coronavirus đến nỗi cả tim và hệ thống hô hấp của anh kiệt sức, và máu anh bị nhiễm trùng. 


Coronavirus không thể quật ngã sức trẻ của một thanh niên 21 tuổi, không có bệnh mãn tính. Nhưng nhiều tuần sau, trong quá trình hồi phục, nhịp tim của Spencer vẫn phải được theo dõi. Và dù còn rất trẻ, Spencer sẽ phải uống thuốc điều hòa huyết áp mỗi ngày ít nhất là một năm nữa để tránh được những di chứng  nguy hiểm đến tính mạng.


Anh thanh niên 21 tuổi ở Alabama đã chia xẻ với mọi người, nhất là các bạn trẻ cùng thế hệ với mình:

"COVID-19 đã gần như lấy đi mạng sống của tôi tháng trước. Đây không phải là một căn bệnh thường không cần quan tâm. Xin giữ an toàn, đeo khẩu trang, rửa tay cẩn thận. Tôi xin nhắc lại đừng coi thường Coronavirus"


Thứ ba 4 tháng 8


Một chuyến bay của Delta Airlines cất cánh từ Detroit, Michigan đã phải bay trở lại nơi vừa cất cánh vì có hai hành khách không chịu đeo khẩu trang.


Mặc dù từ vài tháng trước, cũng như tất cả các công ty hàng không khác, Delta Airlines đã ra thông báo hành khách phải mang face mask trong suốt chuyến bay.

Để giữ an toàn cho hành khách trong suốt mùa đại dịch, các chuyến bay của Delta Airlines chỉ cất cánh với khoảng 60% tổng số chỗ ngồi được bán vé, các ghế ở giữa được bỏ trống. 

Tất cả hành khách không chịu mang khẩu trang không những chỉ bị đưa khỏi chuyến bay mà còn bị cấm bay với Delta Airlines trong suốt thời gian người Mỹ vẫn còn phải chịu đựng, và sống với đại dịch.


Cho đến hôm nay, đã có hơn 130 người  bị đưa vào danh sách "no-fly" (cấm bay) vô hạn định trong database của Delta, cho đến lúc nào tình hình khá hơn, yêu cầu bắt buộc mang khẩu trang khi lên máy bay được bãi bỏ.

 

Chính quyền Liên bang để các Công ty hàng không tư nhân tự quyết định chính sách của mình để giữ an toàn cho cả khách hàng và nhân viên; từng bước chậm nhưng chắc khôi phục ngành hàng không, và du lịch. 


Vào trung tuần tháng 5, yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, có ngoại lệ cho hành khách dưới 2 tuổi, và hành khách có vấn đề về hô hấp được miễn trừ face mask covering.

Ba tháng trôi qua, tình hình đại dịch không khả quan hơn, nhiều quốc gia đã bắt đầu bị cúm Tàu đợt 2 (như Việt Nam chẳng hạn), không một ai được miễn trừ. (no exception).


Vào ngày 7 tháng 8, United Airlines , American, và Alaska Airlines yêu cầu  tất cả các hành khách phải mang khẩu trang, không có biệt lệ. Các em dưới hai tuổi, và hành khách có bệnh hô hấp sẽ không được miễn trừ. Nghĩa là không muốn mang mask thì không được đặt chân lên máy bay.


Nếu ai tháo mask ra trên chuyến bay sẽ bị tiếp viên hàng không của Alaska đưa một thẻ vàng cảnh cáo (giống hệt thẻ vàng cảnh cáo cầu thủ chơi xấu trong các trận soccer trên sân cỏ). Vi phạm lần thứ hai, sẽ bị cấm bay trên Alaska Airlines cho đến lúc nào COVID-19 không còn có thể tung hoành ở Mỹ. (Lạy Trời, ngày đó mau đến).


Tưởng cũng nên nhắc thêm, face shield không được coi là thay thế cho face mask, nếu bạn muốn mang thêm face shield ngoài khẩu trang, đó là lựa chọn cá nhân. Nhưng nếu không có face mask (vi phạm quy định thời đại dịch của các công ty hàng không) thì không thể di chuyển bằng đường hàng không vào thời điểm này.


blank



Ngoài Delta, Alaska, Hawaiian, Jetblue, và Southwest cũng để ghế ở giữa trống để giữ an toàn cho hành khách trong thời COVID-19.

Cho đến nay, rất may là chưa có hành khách hay tiếp viên hàng không nào bị nhiễm cúm Tàu, nhưng đã có nhiều nhân viên TSA (phụ trách việc kiểm soát an toàn ở các phi trường) bị Coronavirus tấn công. Không hiểu là họ bị nhiễm COVID-19 từ nơi làm việc hay từ nơi khác?


Thứ tư 5 tháng 8


Hôm nay Johns Hopkins University đưa ra một thống kê đáng quan ngại: thế giới đã có 20 triệu người bị nhiễm Coronavirus, con số người bị cúm Wuhan lấy mất cuộc đời đã mấp mé mức 750 ngàn người (3/4 của con số một triệu)! 

Chỉ 3 tháng sau, ngày 2 tháng 4 , có một triệu nạn nhân cúm Tàu. Hơn 3 tháng sau, ngày 28 tháng 6 có 10 triệu người nhiễm COVID-19. Và chỉ cần 3 tuần (chưa đến một tháng), con số 10 triệu đã nhân đôi thành 20 triệu!!! 


Cũng nên nhắc lại thế giới đã đổi khác khi trường hợp COVID-19 đầu tiên xuất phát từ thành phố Vũ Hán, bên Tàu vào tháng 12 năm 2019. Thảm họa toàn cầu bắt đầu từ đó, và không biết đến lúc nào mới thật sự chấm dứt?! Nên nickname của COVID-19 là cúm Vũ Hán, hay cúm Tàu không có gì là oan ức, hay kỳ thị, mà đó là sự thật.  Rất tội nghiệp cho sự thật trong trường hợp này bị "chụp mũ kỳ thị"!


blank



Ở mỗi địa phương, chính quyền làm hết sức trong khả năng của họ để giữ đời sống bình yên hơn. Chẳng hạn ở quận hạt Santa Clara, hệ thống xin tín hiệu để người đi bộ băng ngang đường vẫn được bấm nút (push button) đã được thay bằng motion sensor system (chỉ cần di chuyển bàn tay gần hệ thống này, tín hiệu có người muốn băng qua đường sẽ gởi đến đèn giao thông ở các ngã tư.)


Đến hôm nay, quận hạt đã lắp đặt hệ thống sensor mới ở 25 ngã tư đông đúc, có nhiều người đi bộ, thuộc vùng có mật độ dân số cao  nhất ở San Jose để giúp người đi bộ an toàn hơn, hạn chế được việc lây lan Coronavirus. Chính quyền đã làm hết sức, mỗi người dân cũng phải "tận nhân lực" trước khi "tri thiên mệnh".


Thứ năm 6 tháng 8


Bác sĩ Brian Stonehocker  ở bệnh viện của trường Đại học Alberta ở Edmonton, Canada đã nhắc mọi người đeo khẩu trang bằng cách đính trước đầu xe của ông một miếng vải lớn có màu sắc và hình dáng giống hệt một  cái khẩu trang y tế. 


Chiếc xe Volkswagen Passat  2019 màu xanh đậm của ông chạy trên đường phố Edmonton với chiếc khẩu trang bằng vải xanh có băng keo dán màu trắng tựa như dây đeo, nằm giữa hai đèn trước của  xe, với kính chiếu hậu ở hai bên của xe trông giống như hai lỗ tai của con người;  nhắc mọi người nhớ đến tầm quan trọng của việc mang face mask trong thời đại dịch.


blank


Không chỉ muốn cho các tài xế chạy ngược chiều có một nụ cười hiếm hoi trong lúc Coronavirus vẫn đang tung hoành ở Canada cũng như trên toàn thế giới, bác sĩ Stonehocker còn muốn nhắc mọi người sự vất vả của các thiên thần áo trắng trên tuyến đầu chống đại dịch.


Chiếc xe vô tri, vô giác, không có đầu óc, còn biết mang khẩu trang thì con người, động vật cao cấp nhất, biết suy nghĩ, biết phải trái, lẽ nào lại bỏ ngoài tai những lời khuyên của các chuyên gia y tế?


Thứ sáu 7 tháng 8


Nhật ký hôm nay xin dành cho 


"Có một chút riêng còn sót lại

Thì xin dành sẵn để phần ta

Một mai khi hết đời lưu lạc

Nước mắt anh em sẽ vỡ òa"


Chưa hết đời lưu lạc mà nước mắt của anh chị em chúng tôi đã tràn mi vì chỉ trong vòng bốn ngày (từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 8 năm 2020) có đến 3 cựu giáo sư Ngô Quyền, Biên Hòa đã vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ “bầy học trò... già” nhưng chưa lúc nào quên câu "ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy".


Thời Trung học, cái chết hiện hữu ở đâu xa lắc, xa lơ, không có trong gia đình, trong trường lớp của chúng tôi. Lớn lên, trưởng thành, mới biết đời là vô thường, dấu chấm của cuộc đời có thể ở rất xa, có thể nằm trong tầm tay với.

Vậy mà chúng tôi vẫn thương tiếc cựu giáo sư Sử Địa Hà Tường Cát. Thầy cũng là một cựu huynh trưởng của tổ chức Du ca, và Đoàn Thanh Niên Thiện Chí của thập niên 60 và 70. Thầy đã để lại lòng yêu nước vô bờ trong mỗi chúng tôi qua các bài Việt Sử, và tinh thần làm việc thiện nguyện (qua các hoạt động hiệu đoàn) theo các cựu học sinh Ngô Quyền suốt cuộc đời. Thầy mất cùng ngày 3 tháng 8, chỉ trước cựu giáo sư Anh Văn Đào Thị Nga chưa đến hai tiếng đồng hồ.


Chúng tôi chưa hết bàng hoàng vì định luật "sinh, lão, bệnh, tử" đã lấy đi hai Thầy, Cô giáo cũ của mình thì lại được tin Thầy Giám học Phan Thanh Hoài cũng nhắm mắt xuôi tay sáng sớm ngày 7 tháng 8 năm 2020. Bóng mát lớn nhất của Hội cựu học sinh Ngô Quyền, cuối cùng cũng bỏ chúng tôi mà đi. Cái dáng cao gầy, và tấm lòng của Thầy sẽ ở lại với chúng tôi rất lâu, có thể sẽ theo chúng tôi cả đoạn đời còn lại.


Cũng xin thắp nén hương lòng cho cựu giáo sư Lý Hóa Nguyễn Trường Hải - người có đến "Tam Quốc Tiến sĩ" từ Việt Nam, qua Pháp, đến Mỹ-, đã vĩnh biệt gia đình, đồng nghiệp, và học trò vào đầu tháng 6 năm nay.


Xin mượn hai câu thơ của học trò Thi sĩ Đông Hồ khóc Thầy:


      "Ân sâu, nghĩa nặng, tình dài,

Khóc Thầy khóc mãi biết đời nào nguôi" 


để tiễn đưa tất cả  quý Thầy Cô đã qua đời trong tám tháng đầu năm 2020.


Trong thành tựu của tất cả cựu học sinh Ngô Quyền ngày hôm nay ít nhiều có công lao của quý Thầy Cô.

Học trò ở khắp thế giới thành kính thắp nén hương lòng và góp phần cầu nguyện cho quý Thầy Cô được an nhàn, thênh thang ở hạc nội mây ngàn 


Thứ bảy 8 tháng 8 


Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 8, ở Hoa kỳ trung bình mỗi ngày số người mới nhiễm (morbidity) cúm Tàu là hơn 54 ngàn người, khả quan hơn so với hơn 65 ngàn người trong hai tuần cuối tháng 7.


Thế nhưng số người thiệt mạng (mortality) vì COVID-19 trung bình mỗi ngày lại ở trên con số một ngàn trong hai tuần lễ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2020, trong khi liên tiếp 7 tuần trước đó, số người Mỹ bị Coronavirus lấy mất cuộc đời trung bình mỗi ngày chưa bị chạm đến mức 1,000.


Phải nhìn toàn cảnh trước khi có kết luận, như người đứng đầu việc nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ở Massachusett, bác sĩ Rochelle Walensky đã lên tiếng "Ngay cả với so với con số bệnh nhân COVID-19 mới (morbidity) mỗi ngày vào giữa tháng 5 chỉ ở 18 ngàn, cũng không có gì lạc quan về đại dịch"


Trong khi màu xám của đại dịch cúm Tàu vẫn bao trùm thế giới nói chung, và Hoa kỳ nói riêng, các nhà khoa học đang làm việc hết sức để nghiên cứu thuốc chủng ngừa hữu hiệu, các chính trị gia đang bạc tóc tìm một giải pháp tương đối để cân bằng phục hồi kinh tế và an toàn của người dân, thì mỗi một người dân bình thường xin hãy góp phần chống đại dịch bằng việc đeo khẩu trang, và hạn chế việc đi lại không cần thiết.


Hãy nghe con số thống kê của Maryland để có thêm kiên nhẫn trong việc "tự cấm túc" dài hạn.  Trong số những nạn nhân mới đầu tháng 8 của tiểu bang Đông Bắc nhỏ, nằm cạnh thủ đô DC , Bộ Y tế đã ghi nhận 

nguyên nhân do:


- 44% đã tham dự họp mặt đại gia đình.

- 23% tham dự  party ở sân nhà.

- 21% tham gia một hoạt động ngoài trời.


Bác sĩ Robert Redfield, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm ở Hoa Kỳ cũng đã khẩn thiết kêu gọi :"Vì đất nước, vì cuộc chiến chống lại COVID-19 , tôi kêu gọi mọi người làm 4 điều đơn giản:


1. Mang khẩu trang

2. Giữ social distance 6 feet

3. Rửa tay

4. Tránh xa các đám đông không cần thiết”


Ông còn nhấn mạnh "Tôi không yêu cầu một số người làm những điều trên. Tất cả chúng ta phải thực hiện cả bốn yêu cầu.”


Chủ Nhật 9 tháng 8 


Bệnh viện Phụ sản Quốc gia Peru đã dành khoảng một nửa số giường bệnh để chăm sóc những phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID-19. Từ tháng 4 đến đầu tháng 8, hơn hai ngàn bệnh nhân nhiễm Coronavirus đã sinh con ở đó, với 120 em bé sơ sinh có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính ngay khi mới chào đời.


Anh chồng Martinez vừa trở về Peru tháng 11 năm ngoái, sau 5 năm làm trong một cửa hàng điện tử ở Chile. Cô vợ trẻ Alvarez, mới bước vào tuổi 24 biết mình có thai trước khi đại dịch cúm Tàu đến Peru. Cả hai vợ chồng cùng làm việc cho một nơi chuyên may khẩu trang của một người bạn.


Không may, Martinez nhiễm Coronavirus và qua đời vào tháng 6. Alvarez cũng có positive  test nhưng không hề có bất cứ triệu chứng nào.

Không lâu sau đó, Alvarez chuyển bụng và được đưa vào bệnh viện cuối tháng 7. Trong cơn đau của lần đầu sinh nở, người sản phụ trẻ quên mất là chồng mình đã qua đời tháng trước vì cúm Vũ Hán. Cô thều thào qua lần khẩu trang:


- Chồng tôi đâu? Tôi muốn chồng tôi đến đây.

Nhưng người góa phụ trẻ đã phải "vượt cạn" một mình.

Alvarez và cô con gái sơ sinh (bị mồ côi cha vì COVID-19 ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ) được điều trị tách biệt ở khu vực cách ly của Bệnh viện Phụ sản Quốc gia Peru.



blank

Courtesy of Rodrigo Abd  - Associated Press


Sinh con xong, Alvarez không còn nhà để về vì do đại dịch Coronavirus, đã lâu cô  không đi làm, tiền dành dụm đã dốc ra hết lo cho tang lễ chồng. Một người bạn tốt bụng đã mở lòng và mở cửa cho cả gia đình gồm hai mẹ con Alvarez và cái hộp gỗ có hình thánh giá đựng tro cốt của Martinez ở nhờ.


Từ hoàn cảnh đau lòng của cô Alvarez ở đất nước Peru nghèo khó thuộc Nam Mỹ, chúng tôi bỗng liên tưởng đến những người dân lao động ở  quê nhà đang có chiều hướng bị COVID-19 tấn công lần thứ hai (second round). Từ ngàn dặm, xin góp phần cầu nguyện cho đồng bào ở Việt Nam. Với hệ thống y tế hiện tại, với mật độ dân số quá cao, hơn bao giờ hết, những người dân nghèo Việt Nam đang dãi dầu kiếm sống trên khắp nẻo đường đất nước cần được sự bảo bọc của Phật, của Chúa để sống còn, bình yên trong đại dịch.


Nguyễn Trần Diệu Hương
Trung tuần tháng 8/2020


16 Tháng Giêng 2014(Xem: 38336)
Bài tạp ghi sau đây, ký dưới bút hiệu Hạnh Viên, đã được bạn Nguyễn Thị Minh Thủy viết và đăng làm ba kỳ trong thời gian tác giả phụ trách mục “Cảm Niệm” trên một nhật báo ở Nam California.
16 Tháng Giêng 2014(Xem: 31859)
Khi bạn bè chúng tôi họp mặt tân niên, nhóm Anh Văn khóa 9 CHS NQ cũng có cuộc họp tân niên ở Bửu Long. Hi vọng rằng sẽ có sự kết nối yêu thương thêm nữa cho những lần sau, vì chúng tôi cũng đã đã có lần gặp gỡ.
15 Tháng Giêng 2014(Xem: 35202)
Ở trên đời có những mối tình như cơn lốc, khi qua rồi thì để lại những tàn phá đau thương. Cũng có những mối tình đơn phương, nhẹ nhàng, thâm trầm và sâu sắc...
09 Tháng Giêng 2014(Xem: 39496)
Tựa đề: Gọi Nhau Mùa Đông. Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông. Trình bày: Tác giả và Quỳnh Dao.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 38399)
Là một người khách không mời trong đêm từ giã năm 2013, tôi đã cùng thầy Phạm Gia Hưng từ Virgina, và hai đàn anh Lữ Công Tâm, Ma Thành Tâm cùng count down đón mừng năm 2104 tại nhà thầy Mai Kiến Phúc.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 41009)
Tất cả anh chị em tôi đã sẵn sàng, một buổi sáng Chủ nhật tươi hồng đang mời gọi… Bên dòng sông Đồng Nai thơ mộng, anh chị em tôi sẽ hát vang vang “Nào về đây ta họp mặt cùng nhau.
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 35576)
Niềm vui mãi dâng trào hòa chung niềm vui của người tuổi thọ bác Ma Phiếu với người thầy kính mến Phạm Gia Hưng và từng người anh, người bạn, người em luôn hân hoan với mùa “Giáng Sinh Bên Đời”
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 41401)
Năm mươi lăm năm trên cuộc đời của anh không dài lắm nhưng anh đã để lại nhiều ảnh hưởng và đã gián tiếp đặt tên cho rất nhiều em thuộc thế hệ Việt Nam lưu vong thứ hai.
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 36835)
Tựa đề: Giòng Sông Tôi Và Em Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông Hòa âm: Cao Ngọc Dung Ca Sĩ: Quỳnh Dao.
20 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 40094)
thiếu mặt Mai Trọng Ngãi nên ai cũng ngần ngại và từ chối xin dành lại năm sau. “Rượu ngon không có bạn hiền” cũng như sinh hoạt Ngô Quyền không có tiếng cười vui.
20 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 45268)
Mùa Xuân 2014 Giáp Ngọ lại sắp trở về cùng với nàng tiên áo trắng. Xin mời quí anh chị em cùng thân hữu hãy thưởng thức những mùa hoa cũ để đón chào ngày mới.
14 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38451)
Này các bạn, quý vị vừa học được một bài học… Bất kể những gì tôi vừa làm với tờ giấy bạc này, quý vị vẫn muốn nó như thường, bởi vì giá trị của nó không thay đổi, nó vẫn là 20 đô la.
13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 52867)
Hứa thì hứa với lòng mình nhưng rồi viết vẫn viết khác và lời hứa bay đi, café, mưa và căn nhà ngói đỏ lúc nào tôi cũng thấy như ẩn như hiện trong các truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn-Xuân Hoàng.
13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38658)
Đi vào “Căn nhà ngói đỏ” là đi vào một Việt Nam đầy binh đao, ly tán, ngậm ngùi, hấp hối. Ở lại “Căn nhà ngói đỏ” là đối mặt với một quá khứ...
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38671)
(*Cảm tác từ bài thơ TẠ TÌNH của Tưởng Dung... em tặng chị...! )... xin hãy chỉ nốt cho em, bài học cách nào để uống viên thuốc thời gian, cho em buông lơi được, cho em quên được, cho em chết mất được một nửa trái tim mình đã thuộc về anh...
07 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 46362)
Tình của Cu Bưởi lại khác, vẫn treo lưng lửng giữa chừng, kết thúc cũng được, gọi tồn tại cũng chẳng sai. Cái di chứng của mối tình đầu còn ảnh hưởng anh ta đến tận bây giờ.
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43223)
*Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức: GIÒNG SÔNG TÔI VÀ EM - Nhạc và Lời Phạm Chinh Đông - Tác giả trình bày
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 49113)
(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”
05 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43508)
Tôi hay tin trễ, Thầy Trần Văn Tài qua đời không lâu, sau ngày tôi tình cờ gặp lại Thầy ở Trảng Bom. Những dòng chữ muộn màng này, thay nén nhang thơm tôi và các bạn lớp 10B4 năm xưa kính nhớ Thầy.
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48839)
* Xin đính chính đây không phải là bài viết của Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ mà là của một tác giả khác cùng tên. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. (Ban Điều Hành WebNQ)