Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NĂM HỢI NÓI CHUYỆN CON HEO

05 Tháng Hai 20191:30 SA(Xem: 17723)
Nguyễn Thị Thêm - NĂM HỢI NÓI CHUYỆN CON HEO

NĂM HỢI NÓI CHUYỆN HEO

 

Nguyễn Thị Thêm

 

heo

 


Thế là chúng ta chuẩn bị bước qua năm Kỷ Hợi.

Hợi hay Heo là con vật được xếp cuối cùng trong Thập Nhị Chi tức là 12 con giáp. (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi). Nói theo thời gian thì giờ Hợi là khoảng từ 9 giờ tối tới 11 giờ đêm trong 24 giờ mỗi ngày.

Người miền Nam kêu là heo, người miền Bắc gọi là lợn. Heo là một con vật thường được nuôi để làm thịt (heo, gà, vịt), là tài sản nhỏ của mỗi gia đình người Việt ở nông thôn. Không như chó nuôi để giữ nhà, nuôi mèo để bắt chuột, người ta nuôi heo để làm thịt hoặc bán lấy tiền. Có người nuôi heo nái để bán heo giống.

Khi chọn heo để nuôi nái người ta thường chọn con heo dễ ăn, ít phá phách. Nhất là có nhiều vú để sinh nhiều con và nuôi con khỏe. Vì vậy tục ngữ VN có câu: "Nuôi heo chọn nái, cưới gái chọn dòng"

Trong những buổi tiệc lớn như ma chay, giỗ, chạp không thể thiếu món thịt heo. Vì qua bàn tay khéo léo của đầu bếp thịt heo được biến chế rất nhiều món ăn hấp dẫn.

Người Việt Nam ta lại còn có tục lệ quay nguyên con heo dùng làm phẩm vật dâng lên Thánh, Thần trong các dịp lễ cúng đình làng. Làm sính lễ nhà trai đem đến nhà gái trong ngày lễ hỏi hay lễ cưới. Những buổi tiệc trọng đại như mừng thọ, tân gia hay khai trương người ta cũng thường quay heo để đãi khách.

Con heo quay thường được chọn heo sữa hay heo vừa mới lớn không quá to. Heo được quay vàng tươm, miệng ngậm một cành hoa. Người ta đặt con heo lên một cái khay bằng với kích thước. Bên trên trùm một miếng giấy kiếng hay khăn màu đỏ trịnh trọng. Nếu là cúng đình, con heo sẽ được đặt lên kiệu và khiêng đi.

Nếu đám cưới hay đám hỏi con heo quay phải do hai thanh niên khiêng đến nhà gái.Theo tục lệ, còn có những mâm quả như xôi, trà, bánh, trái cây, rượu và trang sức cho cô dâu.

Mỗi khi nhà trai mang sính lễ đến nhà gái, ngoại trừ nữ trang được đeo vào cho cô dâu, còn mọi thứ đều phải được hồi quả. Hồi quả là nhà gái phải để lại một ít hay phân nửa phần lễ vật gửi lại cho nhà trai. Con heo quay cũng phải được hồi quả khi nhà trai làm lễ cáo biệt.

Bên Trung Hoa ngày xưa có tục lệ: Nếu đêm động phòng cô dâu không còn trinh trắng thì ngày hôm sau trong lễ lại mặt, nhà trai sẽ hồi quả cho nhà gái cái đầu heo mà hai lỗ tai bị cắt. Đó một sĩ nhục cho gia đình cô dâu và số phận cô dâu ở nhà chồng phải chịu vô vàn bi thương. Tục lệ này ngày nay chắc không còn vì đời sống đã thay đổi nhiều. Vấn đề trinh tiết mặc dù được coi trọng, nhưng không đến nỗi khắc khe như xưa.

Thịt heo là loại thịt thông dụng nhất trong thực đơn gia đình Việt Nam. Từ con heo người ta có thể chế biến ra hàng trăm món ăn khác nhau đầy hấp dẫn. Từ những món ăn bình dân nhất đến những món cầu kỳ được chiêu đãi trong những bữa tiệc sang trọng. Tất cả các phần của cơ thể con heo từ thịt, đầu, đuôi, xương, da heo, lỗ tai heo , lòng heo, giò heo đều được sử dụng và biến chế độc đáo. Có thể nói con heo là người bạn gần gũi nhất với con người khi sống cũng như khi chết. Một sự dâng hiến vừa kỳ thú vừa đau thương mà có lẽ từ tiền kiếp số mạng của heo đã được đặt để như vậy.

Tuy nhiên trên thế giới cũng có dân tộc không ăn thịt heo. Đó là những người theo Hồi giáo, họ kiêng cử thịt heo. Cho nên khi những thuyền nhân VN được đến trại tị nạn ở Mã Lai có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt cũng vì sự kiêng cử này.

Con heo ăn tạp nên cơm dư, cháo cặn, rau lang, rau muống, chuối cây, đầu cá, đầu tôm thứ nào cũng là thức ăn của heo được. Có khi nấu chín, có khi ăn sống cứ đổ vào máng là heo ta cứ "táp" ngon lành. Ngày xưa ở nhà quê, lúa được xay ra, gạo dùng cho người, cám cho heo cho vịt. Thức ăn của heo chỉ là cám trộn với chuối cây băm nhỏ. Hoặc gạo nấu với rau trong vườn chung với các thức ăn dư thừa. Con heo tuy chậm lớn nhưng thịt chắc và ngon.

Kể từ khi việc chăn nuôi heo biến thành kỷ nghệ thì thức ăn được chế biến sẵn. Thức ăn được chế biến với đầy đủ chất dinh dưỡng để con heo mau lớn. Những loại thuốc kích thích tăng trọng lượng khiến con heo lớn nhanh, nhiều mỡ và có nhiều mầm bệnh. Do đó thịt heo không còn được ngon như xưa.

Họ nhà heo có nhiều từ để gọi: Con heo đực dùng để truyền giống gọi là Heo Nọc. Heo cái nuôi để đẻ con gọi là Heo Nái. Heo con đang bú mẹ là Heo Sữa hay Lợn Bột. Heo nái đã đẻ nhiều lứa gọi là Nái Già hay Lợn Xề. Heo đực hoặc cái đã thiến nuôi để bán làm thịt gọi là Heo Thịt. Heo nuôi thịt thường được thiến để mau lớn. Heo cái không thiến khi tới tuổi động đực sẽ bỏ ăn và sút cân. Heo đực không thiến khi nấu chín thịt sẽ bị hôi giái rất khó ăn.

Ở VN ta sau này nhờ có nhập vào một giống heo lớn, lông trắng có tên là US Yorshire lai tạo với heo ta nên việc chăn nuôi thêm phần phát triễn. Những trại nuôi heo giống, heo thịt được mở rộng. Các loại heo như heo mọi, lợn ỷ (heo nhỏ con, mõm ngắn, bụng xệ, chậm lớn), lợn lang (lông đốm đen trắng) dần dần không ai nuôi nữa vì lợi ích kinh tế không cao.

Tuy là con vật nuôi trong nhà rất gần gũi, nhưng con heo lại không được nhiều thiện cảm với loài người. Nơi nào dơ bẩn nhất là chỗ dành cho heo, thức ăn cho heo chỉ là đồ cám lợn. Những danh từ dành cho heo cũng không đẹp đẽ chút nào. Như "Đồ mặt heo" hay "Ăn tạp như heo", "Dơ như heo", "Ngu như heo", "Mập như heo". Trong văn chương hay thơ nhạc con heo cũng ít được đề cập hay thi vị hóa.

Sau này khi phim sex được phổ biến, người ta lại dùng từ "Phim con heo " để ám chỉ loại phim có tính cách khiêu dâm.

 

Trong 12 con giáp, con heo là con vật đứng cuối cùng. Vì vậy những người tuổi cầm tinh con heo tánh tình hiền lành chất phát, điềm đạm ít nóng nảy. Tuy nhiên họ thích hưởng thụ, thích ăn ngon và thường mơ cuộc sống sung túc.

Về phẩm chất, người tuổi Hợi khá tốt bụng,vui vẻ, xuề xòa, tốt với bạn bè và thường ít tính toán thiệt hơn. Trong tình yêu, người tuổi Hợi thường trung thành và chung thủy với người mình yêu. Tuy nhiên không phải người tuổi heo nào cũng tánh tình đều giống như vậy. Tâm tính con người cũng lệ thuộc và chịu ảnh hưởng từ gia đình, giáo dục và môi trường sống.

Nuôi heo không phải để làm cảnh hay tiêu khiển. Nuôi heo là tiết kiệm, là chịu cực khổ chăm lo cho heo mau lớn bán lấy tiền. Cho nên một cách nào đó con heo còn gợi lên ý nghĩa của tài lộc. Ở VN người ta thường làm những con heo đất để giữ tiền tiết kiệm. Những ngân hàng cũng lấy biểu tượng con heo để quảng cáo cho thương vụ của mình. Ở Đức, nhiều nơi chọn hình con heo con làm biểu tượng cho sự may mắn và phát tài.

 image002


Nói tới heo, không ai có thể quên nhân vật Trư Bát Giới trong Tây Du Ký. Tây Du Ký là một quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Ngô Thừa Ân. Kể lại chuyện đi Tây Thiên thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng. Câu chuyện hay đến nỗi người ta tin rằng đó là chuyện thật trong lịch sử. Thực ra Đường Tam Tạng là có thật còn các nhân vật như Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tịnh, Bạch Long Mã chỉ là hư cấu.

Truyện Tây Du Ký đã được chuyển thành rất nhiều phim và tài tử đóng phim đã trở nên nổi tiếng. Rất nhiều bài viết, tham luận nói về chuyện Tây Du Ký dưới góc nhìn của Phật Giáo.

Theo truyện, vì si mê Hằng Nga Thiên Bồng Nguyên Soái đã phải trả giá cho sự lầm lỗi của mình. Ngài bị đày xuống thế gian với hình dạng nửa người nửa heo. Theo phò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh được đặt tên là Trư Ngộ Năng hay Trư Bát Giới.

Trư Bát Giới có đủ tật xấu, bản năng tham dục tiềm ẩn trong con người. Tám giới cấm của nhà Phật Trư Bát giới đều vướng phải hết: Tham ăn, tham ngủ, tham của cải, tham sắc dục, nịnh nọt và dối trá. Cho nên bao nhiêu hư hỏng, phiền não, rắc rối đều từ đó mà ra. Khi nhiệm vụ đã viên mãn, Trư Bát Giới cũng không thể thành Phật chỉ được làm Tịnh Đàn Sứ Giả. Có người nhận định 5 thầy trò Đường Tăng cũng ví như một con người. Đường Tam Tạng tượng trưng cho thân thể hiện thực. Tôn Ngộ Không là cái tâm con người hay bay nhảy, biến hóa và biết giác ngộ. Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng. Sa Ngộ Tịnh là bản tính và Bạch Long Mã là ý chí của con người.

 

image003

 

Mặc dù vậy Trư Bát Giới vẫn làm cho người ta thích thú theo dõi và thấy thật gần gũi. Hình ảnh họ Trư làm cho cốt chuyện thêm sống động, hài hước. Tuy nhiều thói hư tật xấu nhưng lại vui tính, lương thiện và rất là con người.

Con heo tính hiền lành, cuộc sống lúc nào cũng no đủ, chỉ ăn rồi ngủ. Mặc dù nó ụt ịt dễ thương nhưng dơ dáy, bạ đâu nằm đó, ăn ị thất thường nên chỉ nuôi trong chuồng hoặc thả rong. Tuy nhiên ngày nay có nhiều người lại coi nó như một loại thú cưng nuôi trong nhà như chó với mèo. Họ chăm chút, tắm rửa và coi như bạn. Thật là đổi mới, cuộc sống đầy đủ con người cũng tốt hơn ra.

Đã bước vào những ngày của tháng chạp. Giờ này trong lòng mỗi người Việt Nam đều nghĩ đến Tết. Hoa cúc trong vườn đã nở. Những chậu hoa Lan đã hé những nụ vàng, đỏ thật đẹp. Gió mùa Xuân đem đến cho mọi người niềm hy vọng và thương nhớ khôn nguôi.

Tôi nhớ quê nhà trong những ngày giáp Tết. Má tôi dành những trái bưởi, cam, quít quày chuối thật đẹp tròn trịa để chưng Tết. Ngoài vườn hoa mồng gà, hoa cúc, bông thọ đã khoe màu. Cây mai trước nhà chi chít những hoa vàng. Những chậu kiểng được ba tôi tỉa cắt công phu. Những quày dừa đã được cắt xuống để chuẩn bị kho thịt. Dừa khô gói bánh đã được tước vỏ sẳn sàng. Quày cau tươi cũng được anh tôi leo lên cắt xuống biếu bà con.

Trong sân nhà, gà, vịt sẵn sàng ngộ lỡ có khách đường xa. Bột nếp chuẩn bị để gói bánh ít, bánh tổ. Lá chuối đã phơi, dây lạt đã héo, nếp mới sẳn sàng để má gói bánh tét rước ông bà.

Hàng năm má tôi đều chơi hụi heo. Con heo cũng đã chịu giá xong, chỉ chờ ngày 27 Tết là làm thịt. Chơi hụi heo là một cách dành dụm để các gia đình trong xóm đều có đầy đủ thịt để làm cổ trong ba ngày Tết.

Má nhận thịt đem về rồi phân ra: Thịt này làm thịt kho tàu, thịt này dồi canh khổ qua. Thịt này làm giò, chả, nem. Thịt này ướp nướng... Mỗi thứ má tính toán sắp đặt sẵn để những ngày Tết mâm cỗ gia đình luôn được thịnh soạn đầy đủ và sung túc. Hôm đó cả nhà có một nồi cháo lòng thật ngon ăn với bánh tráng đa An Nhơn, Bình Định quê cha.

Tôi lại nhớ những ngày làm công nhân sau 30/4/75. Cuối năm ngoài các nhu yếu phẩm phân phối ăn Tết. Cả đội được nhận heo thịt từ công ty chở xuống. Tính theo đầu người và tiêu chuẩn quy định mỗi đội được nhận heo. Heo được chở về sân đội và làm thịt. Tiếng heo kêu la vang cả khu vực nhà công nhân. Nhà nào được chọn để làm thì nhà đó được nhận thêm ít lòng heo để trả công nấu nước, củi lửa và dọn dẹp sau khi chia xong. Mỗi đội gồm nhiều tổ. Mỗi tổ cử 1 hoặc 2 người lanh lẹ đại diện tổ mình đến phụ làm. Người này cũng sẽ được chia phần trong số đồ lòng làm ra.

Heo được xẻ thịt, cân ký và tính toán phân phối theo từng tổ. Tổ trưởng nhận thịt rồi lại chia ra theo đầu công nhân. Chiều tan dần, trên ba ga xe đạp của mỗi người công nhân có thêm phần thịt heo để dùng cho ngày Tết. Tôi tin chắc chiều hôm đó khói bếp sẽ bốc cao hơn và các đứa trẻ sẽ có một bửa cơm thật ngon miệng.

Ngày xưa tôi cũng đã từng nuôi heo thịt và nuôi heo nái. Mỗi khi đi làm về tôi chở thêm một bao rau heo. Đó là một loại rau rừng mọc tràn lan trên những cánh đồng bỏ hoang hay trong những khoảng cách của hàng cao su mới trồng. Rau heo đem về băm nhỏ nấu với gạo, cám, đầu tôm, đầu cá. Thế mà mấy anh ủn nhà tôi táp ăn ngon lành.

Có một dạo tôi nuôi heo nái. Chẳng là con heo thịt nhà tôi nuôi tới kỳ động đực mà tôi không biết. Nó bỏ ăn, nằm vùi. Hoa của nó nở to. Mọi người nói tôi thả nọc đi chứ không thôi nó sút ký bán lỗ vốn. Tôi còn lưỡng lự thì dịp may, một ông đem heo đi thả nọc mà con heo nái quá dữ sút chuồng chạy mất. Ông ta tính giá rẻ bởi chẳng lẽ chở con heo nọc đi về.

Thế là con heo nhà tôi có bầu và đẻ ra một lứa heo dễ thương hết sức. Những con heo ú nù, hùng hục bú mẹ lăng căng chạy khắp trong chuồng. Lại phải kêu cái ông thiến heo thổi cái còi te te vào nhà hoạn cho chúng. Khi bầy heo con đủ lớn, nhiều người đã đến nhà chọn mua chúng đem về nuôi. Tôi chừa lại một con heo út để nuôi còn lại bán hết. Heo mẹ tôi thả thêm hai kỳ nọc nữa là tôi cũng bán. Thật lòng tôi thấy nuôi heo nái mình cũng mang ác nghiệp. Tạo thêm nhiều heo con để thiên hạ sát sanh. 

Con heo đi vào đời sống của người dân VN. Nó góp phần không nhỏ trong ẩm thực của mỗi gia đình. Nó đứng cuối cùng trong thập nhị chi nhưng nó cũng gần gũi với con người nhất. Cứ nghĩ tới con heo là tôi lại nghĩ đến cái lỗ mũi thật to và hai lỗ tai rất bự. Cái lỗ mũi ấy ủi đất, đào xới phá phách không thể nào chê được. Nhưng nhìn mặt con heo tôi lại thấy nó thật hiền lành dễ thương thân thiện lẫn chút dí dỏm.

image004


Hy vọng năm 2019 năm con heo mọi người, mọi nhà đều được hưởng lây tính thoải mái, vô lo của nó mà cuộc sống an lạc hơn. Xã hội cơm no áo ấm, giảm bớt tranh chấp hòa nhã với nhau. Như vậy thế giới sẽ hòa bình, con người sẽ được sống sung túc. Ước mong sẽ có nhiều con heo đất thật no đủ, mập mạp cho mỗi gia đình.

image005

16 Tháng Giêng 2014(Xem: 38507)
Bài tạp ghi sau đây, ký dưới bút hiệu Hạnh Viên, đã được bạn Nguyễn Thị Minh Thủy viết và đăng làm ba kỳ trong thời gian tác giả phụ trách mục “Cảm Niệm” trên một nhật báo ở Nam California.
16 Tháng Giêng 2014(Xem: 31900)
Khi bạn bè chúng tôi họp mặt tân niên, nhóm Anh Văn khóa 9 CHS NQ cũng có cuộc họp tân niên ở Bửu Long. Hi vọng rằng sẽ có sự kết nối yêu thương thêm nữa cho những lần sau, vì chúng tôi cũng đã đã có lần gặp gỡ.
15 Tháng Giêng 2014(Xem: 35257)
Ở trên đời có những mối tình như cơn lốc, khi qua rồi thì để lại những tàn phá đau thương. Cũng có những mối tình đơn phương, nhẹ nhàng, thâm trầm và sâu sắc...
09 Tháng Giêng 2014(Xem: 39569)
Tựa đề: Gọi Nhau Mùa Đông. Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông. Trình bày: Tác giả và Quỳnh Dao.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 38466)
Là một người khách không mời trong đêm từ giã năm 2013, tôi đã cùng thầy Phạm Gia Hưng từ Virgina, và hai đàn anh Lữ Công Tâm, Ma Thành Tâm cùng count down đón mừng năm 2104 tại nhà thầy Mai Kiến Phúc.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 41080)
Tất cả anh chị em tôi đã sẵn sàng, một buổi sáng Chủ nhật tươi hồng đang mời gọi… Bên dòng sông Đồng Nai thơ mộng, anh chị em tôi sẽ hát vang vang “Nào về đây ta họp mặt cùng nhau.
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 35624)
Niềm vui mãi dâng trào hòa chung niềm vui của người tuổi thọ bác Ma Phiếu với người thầy kính mến Phạm Gia Hưng và từng người anh, người bạn, người em luôn hân hoan với mùa “Giáng Sinh Bên Đời”
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 41451)
Năm mươi lăm năm trên cuộc đời của anh không dài lắm nhưng anh đã để lại nhiều ảnh hưởng và đã gián tiếp đặt tên cho rất nhiều em thuộc thế hệ Việt Nam lưu vong thứ hai.
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 36964)
Tựa đề: Giòng Sông Tôi Và Em Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông Hòa âm: Cao Ngọc Dung Ca Sĩ: Quỳnh Dao.
20 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 40135)
thiếu mặt Mai Trọng Ngãi nên ai cũng ngần ngại và từ chối xin dành lại năm sau. “Rượu ngon không có bạn hiền” cũng như sinh hoạt Ngô Quyền không có tiếng cười vui.
20 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 45321)
Mùa Xuân 2014 Giáp Ngọ lại sắp trở về cùng với nàng tiên áo trắng. Xin mời quí anh chị em cùng thân hữu hãy thưởng thức những mùa hoa cũ để đón chào ngày mới.
14 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38495)
Này các bạn, quý vị vừa học được một bài học… Bất kể những gì tôi vừa làm với tờ giấy bạc này, quý vị vẫn muốn nó như thường, bởi vì giá trị của nó không thay đổi, nó vẫn là 20 đô la.
13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 52924)
Hứa thì hứa với lòng mình nhưng rồi viết vẫn viết khác và lời hứa bay đi, café, mưa và căn nhà ngói đỏ lúc nào tôi cũng thấy như ẩn như hiện trong các truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn-Xuân Hoàng.
13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38691)
Đi vào “Căn nhà ngói đỏ” là đi vào một Việt Nam đầy binh đao, ly tán, ngậm ngùi, hấp hối. Ở lại “Căn nhà ngói đỏ” là đối mặt với một quá khứ...
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38711)
(*Cảm tác từ bài thơ TẠ TÌNH của Tưởng Dung... em tặng chị...! )... xin hãy chỉ nốt cho em, bài học cách nào để uống viên thuốc thời gian, cho em buông lơi được, cho em quên được, cho em chết mất được một nửa trái tim mình đã thuộc về anh...
07 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 46676)
Tình của Cu Bưởi lại khác, vẫn treo lưng lửng giữa chừng, kết thúc cũng được, gọi tồn tại cũng chẳng sai. Cái di chứng của mối tình đầu còn ảnh hưởng anh ta đến tận bây giờ.
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43435)
*Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức: GIÒNG SÔNG TÔI VÀ EM - Nhạc và Lời Phạm Chinh Đông - Tác giả trình bày
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 49310)
(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”
05 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43697)
Tôi hay tin trễ, Thầy Trần Văn Tài qua đời không lâu, sau ngày tôi tình cờ gặp lại Thầy ở Trảng Bom. Những dòng chữ muộn màng này, thay nén nhang thơm tôi và các bạn lớp 10B4 năm xưa kính nhớ Thầy.
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48992)
* Xin đính chính đây không phải là bài viết của Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ mà là của một tác giả khác cùng tên. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. (Ban Điều Hành WebNQ)