Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Lê Du Miên - TRONG NỖI NHỚ TÔI

04 Tháng Ba 20181:25 SA(Xem: 17719)
Lê Du Miên - TRONG NỖI NHỚ TÔI

Trong Ni Nh Tôi

 

(Nhân đọc bài thơ “Em Về” của Nguyễn thị Thêm, đăng trong ngo-quyen.org)

 

 

ao trang

 

 

 

“Em về giữa mùa cao su thay lá

Những chiếc lá thật buồn thoi thóp trên cành.

Hướng em tới là một khoảng trời xanh.

Trên xe đạp leng keng: thùng, dao cạo mủ”

 

Tôi nhớ mang máng là gia đình tôi chuyển về Long Thành vào những ngày giáp tết. Hồi đó với đầu óc của một đứa trẻ bảy tám tuổi, thật sự tôi chẳng nhận thức được gì về những đổi thay chỗ ở liên tục của gia đình hay đúng hơn là những quyết định táo bạo của thày tôi, cột trụ chính với đôi vai gánh nặng một bầy con.

 

Bắt đầu khởi đi từ vùng Ngã Ba Ông Tạ, lúc đầu di cư, đó chỉ là một bãi người ta đổ rác, thày mẹ tôi cõng bầy con về vùng Đức Hòa, nói cho đúng là chúng tôi về vùng Lương Hòa, đồng chua nước phèn… Ở nơi đây dường như chưa đầy một năm thì chị hai tôi bước lên xe hoa về nhà chồng. Nhà chồng chị tôi ở mãi tận đồn điền cao su Helena thuộc quận Long Thành, Tỉnh Biên Hòa. Có lẽ bắt đầu từ đấy chúng tôi đã vướng mùi mủ cao su nên… có một đôi vài vương vấn…

 

“3 giờ sáng kẻng đánh nghe chan chát.

Kêu công nhân thức dậy nấu cơm ăn

Khói quyện bay, trên những nóc nhà tranh.

Cơm lao động, không gì ngon đùm bới”

 

Y chang như vậy, có khác chăng là khi ấy, những ngôi nhà của công nhân ở, chủ đồn điền người Pháp cấp cho, được xây cất tươm tất với kiến trúc Parisien đàng hoàng với những mái ngói đỏ. Ở nơi ấy chị hai tôi với tuổi độ đôi mươi đã bước vào đời nghiệt ngã, 3 giờ sáng đã phải thức dậy, chuẩn bị cho một ngày làm cật lực trên mảnh đất quê chồng… bán máu cho bầy muỗi rừng, cùng đành đoạn để cho lũ mủ cao su hút đến sức cùng lực tận… Và chắc khoảng chỉ chừng ba năm theo chồng về xứ lạ thôi khi chị mang bầu đứa con thứ hai được  bảy tháng… thì mang bệnh sốt rét rừng, cơn sốt làm vàng da… Và cuối cùng chị hai tôi đã cùng đứa con bảy tháng trong bụng từ biệt cõi tạm trần gian, từ biệt những mảng rừng cây xếp hàng ngang, hàng dọc thẳng tắp, xuôi tay chào vĩnh biệt những mủ nước, mủ chén, mủ miệng… và nhất là bầy muỗi đòn sóc ác độc… Bỏ lại trên đời một đứa con côi cút 11 tháng tuổi. Chị tôi qua đời tại Bệnh viện Phạm Hữu Chí, Biên Hòa… Gia đình lúc đó chẳng có khả năng đưa chị về Long Thành, nên thân xác chị đành gởi lại nghĩa địa Vườn Mít. Đám tang chị thảm não chỉ có gia đình vỏn vẹn sáu người tiễn chị trên một chiếc xe đẩy do Bệnh viện cho mượn… Và đám tang cha tôi… cũng tại Bệnh viện này chỉ sau hai tuần... Trong vòng chỉ hai tuần gia đình tôi có hai đại tang. Thương Mẹ tôi bây giờ trong nỗi đau tột cùng ấy, một thân một mình quằn lưng nhọc nhằn với bầy con nheo nhóc nơi đất lạ quê người chẳng một người thân…

 

“Dân cao su nhọc nhằn như vậy đó.

Da tái xanh vì thiếu ánh mặt trời

Giọt mủ trắng tinh đổi bằng những mồ hôi.

Thấm thía lắm. Cuộc đời dân phu cạo mủ

 

Chị hai tôi không chỉ đổi bằng những giọt mồ hôi mà còn bằng những giọt máu và cả mạng sống của mình …

 

Sau khi chị hai tôi theo chồng về Helena chừng một năm thì thày tôi lại bỏ Lương Hòa, khăn gói đưa gia đình về Long Thành, chúng tôi về gia nhập vào trại định cư Liên Kim Sơn cho gần với chị hai tôi và cũng là để kiếm kế sinh nhai sau vài ba địa danh đã không mang lại cho cuộc sống gia đình được ổn định. Dưới mắt của đứa con nít tôi chỉ nhìn thấy hai bên đường Quốc lộ 15 là những rừng cây trụi lá. Những cơn gió lùa những cụm lá bay xôn xao… Mùa cao su thay lá… Cũng chẳng buồn chẳng vui… vì những chỗ ở cũ cũng chưa đủ bén rễ vui buồn…

 

Về đây công việc làm ăn cũng khó. Thày tôi cùng vài người bạn liên lạc với đồn điền cao su An Viễn, xin  thầu công việc gọi là phạt chồi. Trong những khoảng cách của những hàng cao su thường thì cỏ và nhất là loại cây gọi là “chà hôi”mọc lên rất nhiều. Người ta cần phải làm phát quang đi cho cây cao su được tươi tốt hơn và cũng để dễ dàng, an toàn cho người công nhân cạo mủ qua lại giữa hàng cây nọ qua hàng cây kia… Khi nhận được công việc thày tôi đem người vào làm. Công nhân của thày tôi cũng khá đông, chở họ đi về cũng đầy vài ba xe “cam nhông”. Công việc cũng đang thuận buồm xuôi gió thì… chị hai tôi qua đời. Ông buồn quá sinh bệnh rồi đi theo chị tôi chỉ sau hai tuần…

 

Trong nỗi nhớ tôi về vùng đất Long Thành lại dậy lên như cơn lũ, khi chị tư tôi cũng vừa xuôi tay sau 78 năm ở trọ trần gian. Nỗi đau mất mát này còn đang âm ỷ…. Lại nhận email của người bạn, yêu cầu viết bài cho báo xuân Biên Hòa… Thú thật đã từ lâu quên cả viết lách. Cây bút bình mực để ở đâu tìm mãi cũng không ra… Tính vào trang nhà Ngô Quyền tìm tòi vài cảm hứng, vì tính điểm lại vài ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Ngô Quyền hải ngoại làm đề tài. Nhưng chợt bắt gặp bài thơ “Em Về” của nhà văn, nhà thơ Nguyễn thị Thêm. Đọc và nhận ra hình ảnh chị tư tôi cùng phảng phất loanh quanh chị là cái bóng tôi, cậu bé mười một mười hai, học trò lớp nhì, lớp nhất… nên chuyển hướng viết về hai người chị với rừng cao su. Câu chuyên nó mang dáng điệu lan man, tâm sự buồn. Báo Xuân mà kể chuyện buồn thật chẳng hợp tí nào. Nhưng suy đi nghĩ lại, có mùa xuân rồi cuối cùng cũng gặp mùa đông. Có ngày nắng đẹp nhưng cũng lại có những ngày mưa sa bão táp. Có ánh sáng chói chan rồi cũng lại có bóng tối âm u. Bông hoa nở rồi cuối cùng cũng tàn tạ. Thì xin người đọc cứ đón nhận nó với cái tâm buông thả, thảnh thơi…

 

Sau khi thày tôi mất, chị tư tôi nghỉ học phụ giúp mẹ kiếm cơm cho gia đình. Nhưng con gái lớn rồi tới tuổi “cập kê” rồi, phải lấy chồng thôi, mẹ tôi bảo vậy. Chị tư tôi có nhiều chàng trai trong xóm dòm ngó, theo đuổi. Chị tôi chưa muốn lập gia đình sớm vì còn muốn được giúp mẹ một tay lo cho các em. Nhưng mẹ tôi khuyên bảo mãi, con gái chỉ có một thời, lỡ mai này cái duyên nó hết đi thì lại ế, lại khổ… Cứ lấy chồng đi mẹ lo liệu được mà… Chị tư tôi về nhà chồng năm 19 tuổi. Chồng chị cũng lại là một công nhân cạo mủ cao su. Chỉ khác cái đồn điền. Đồn điền S.I.P.H, người ta thường gọi là sở cao su Bà Đầm. Chẳng hiểu là bà đầm nào. Chắc có người bảo sao lạ nhỉ. Vì thế nên mới có chuyện để nói… Dân di cư mà, tới vùng cao su thì hầu như đều vướng nghiệp cao su cả. Dĩ nhiên kinh tế gia đình lại gặp khó khăn hơn khi thiếu vắng chị. Sau một thời gian, để phần nào phụ giúp cho mẹ, chị đã đề nghị với bà mẹ chồng chị cho tôi được đi phụ cạo mủ cho chị, vì chị mới vào nghề và sức khoẻ yếu kém. Dĩ nhiên cuối tháng tôi cũng được chị chia cho một ít tiền, tôi chẳng nhớ là bao nhiêu, đưa về phụ chút đỉnh cho mẹ.

 

Công việc của tôi là sáng dậy sớm, đạp xe theo chị vào phần cây của chị. Mỗi ngày một khu vực khác nhau. Tôi chỉ việc đi bóc hết những mủ chén và mủ miệng trước để chị rảnh tay cứ việc tới cạo… Tôi nhớ là một phần cây cho một người phu là khoảng hơn 300 cây. Tôi bóc hết số cây xong là đạp xe về nhà chuẩn bị đi học, sáng 8 giờ vào học. Cứ ngày nào cũng vậy chỉ nghỉ ngày chúa nhật. Tôi theo chị tôi loanh quanh gốc cao su cũng hơn một năm. Khi anh rể tôi nhập ngũ, ngành truyền tin, làm tài xế, đơn vị tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3. Chị tôi bỏ rừng theo anh vô ở trong trại gia binh Phúc Hải, Biên Hòa. Tôi bị mất việc. Mất việc tôi lại thấy mừng. Sợ phải thức sớm và sợ muỗi đốt. Nhưng thật sự khi đi phụ chị mới thấy thương hai chị tôi. Cuộc sống quá lầm than cơ cực của người phu cạo mủ. Nhất là như chị tư tôi là dân cạo mủ nhưng không sống trong đồn điền nên bị thiệt thòi nhiều thứ…

 

“Lột mủ miệng, mủ chén gom cho đủ

Cân ký lô giao nộp đúng buổi chiều.

Mở miệng trên, cạo miệng dưới… mủ nhiều

Đứng nhón gót, thọt gia tăng mùa lá rụng.(*)

 

Những câu thơ tượng hình, không thể không nghĩ rằng nó mang dáng dấp lấp lửng Hồ Xuân Hương. Nhưng chính cái đó đã lột tả hết những khổ đau, nhọc nhằn của một đời dân cạo mủ. Ngày xưa nghe mấy cán ngố tuyên truyền là bọn chủ đồn điền đã từng đánh đập người phu đến chết và vùi thây gốc cây cao su. Chắc chắn là láo toét. Nhưng phải nói rằng có những người đã chết vì bệnh tật  bởi cái nghề này và nhất là thời gian đó thuốc men thô sơ và thiếu thốn.

 

Xin cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Thêm. Cám ơn “Em Về” đã cho tôi những nỗi nhớ. Nỗi nhớ dù không vui, nhưng nó vẫn là một quãng đời tôi thời thơ ấu.

 

“Chị Tư ơi!

Em nhắc lại một chút kỷ niệm giữa chị em mình trong những ngày ngồi nhớ chị vô cùng. Ngày chị đi em chẳng thể về tiễn chị một chặng đường. Buồn nào hơn chị ơi. Cầu xin chị thảnh thơi ở cõi Thiên Đường. Mùa xuân này chắc chắn hoa không nở nơi vườn nhà mình. Chị mãi còn trong nỗi nhớ của những người thân thương và đặc biệt trong nỗi nhớ em”.

 

Lê Du Miên

(12/2017)

 

*Những khổ thơ in nghiêng trích trong “Em Về” của Nguyễn Thị Thêm

 

 

 

18 Tháng Ba 2014(Xem: 28388)
nhìn hình ảnh các bạn hôm nay tôi nghĩ đến 1 cuộc chiến mới mà chúng-ta phải đối-diện Cuộc chiến này khốc-liệt hơn mà phần thua chắc-chắn về chúng-ta, đó trận chiến tuổi-già và bệnh-tật...
14 Tháng Ba 2014(Xem: 28318)
Một duyên may gặp gỡ đàn em, đàn anh, đàn chị Ngô Quyền, để cùng có một ước mơ “Mỗi năm chỉ có một ngày”
13 Tháng Ba 2014(Xem: 29839)
Em trai tôi, đàn giỏi hát hay, cờ tướng cũng hàng cao thủ, đá banh cũng được được, văn thơ cũng tàm tạm gọi là, nói chung theo như tôi biết chú ta có máu văn nghệ từ thuở nằm nôi.
07 Tháng Ba 2014(Xem: 30185)
Ngồi trong quán cà phê nghe nhạc và những dáng người qua lại, ly cà phê đã cạn và trà đá vẫn được châm đều. Trời chiều đã bắt đầu âm u… Hạnh phúc thay cũng còn những nụ cười…
07 Tháng Ba 2014(Xem: 30562)
Một cơn sóng nhỏ, lướt qua trái tim tưởng chừng già nua cằn cỗi của An. Và cơn sóng khác nhỏ hơn, đang ngậm ngùi lăn trên khóe mắt – đã nhiều dấu vết chân chim – của cô bạn học ngày nào của Nguyễn
01 Tháng Ba 2014(Xem: 30051)
chuyện kể rằng, mùa xưa mưa nắng mong manh lỡ làm nhạt nhòa chia phôi mùi hương cũ, nên mỗi khi gió chở mùa về, người ta thường hay nhặt lại nỗi buồn xưa xa ngái thương ai... thương mình...
28 Tháng Hai 2014(Xem: 33028)
Cuộc sống của con người buồn nhiều hơn vui. Biết nhận ra để biết sống với tha nhân và đem niềm vui đến mọi người. Cái khổ cái đau không ai tránh khỏi…
28 Tháng Hai 2014(Xem: 27371)
Dựa trên những hiểu biết và những tin tức mà tôi nhận được, tôi tin chắc rằng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng không mang cái nghiệp thật buồn của các nhà văn nhà thơ: sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa.
28 Tháng Hai 2014(Xem: 66313)
xin được giới thiệu những bài viết của Thầy, Chs NQ và các Văn hữu về những kỷ niệm trong suốt thời gian Thầy đã gắn bó với nghiệp cầm bút và cầm phấn sẽ lần lượt đăng trên trang nhà...
27 Tháng Hai 2014(Xem: 39917)
Mới đây đọc báo Reader’s Digest thấy người ta nói đến những ích lợi của cái CƯỜI, trong đó có nói là cười nhiều có thể làm cho người ốm bớt đi. Lý do gì mà các nhà khảo cứu lại quả quyết như vậy?
27 Tháng Hai 2014(Xem: 28509)
Xin cám ơn bạn bè đã chẳng ngại thời gian, không gian để đến với ngày vui. Xin cám ơn mọi người đã cùng nhau chia sẻ những vui buồn còn sót lại. Mùa Xuân nắng ấm còn trãi đều....
27 Tháng Hai 2014(Xem: 33094)
Anh không về hóa ra lại hay. Hãy để VN biến thành tro bụi trong ký ức. Nhưng anh không về mà cứ muốn em kể chuyện VN cho anh nghe. Em sẽ kể nhưng anh đừng khóc đấy nhé.
22 Tháng Hai 2014(Xem: 30139)
Cũng cần nói ra đây là lần đầu tiên tôi gặp Thầy sau không biết bao lần hẹn găp từ khi khi Thầy còn khỏe. Cứ hẹn rồi chưa gặp, hẹn rồi chưa đến... cho tới khi Thầy bệnh.
22 Tháng Hai 2014(Xem: 30037)
. Cũng lần đầu tiên, tôi bắt đầu học được một bài học từ người mẹ quê mùa chơn chất của mình: âm thầm chăm sóc, ban phát thương yêu, hằng ngày, hằng ngày…
21 Tháng Hai 2014(Xem: 27716)
Xin mạn phép được chia sẽ với các bạn ông bà anh chị em những điều sau đâyđể sức khỏe quí vị được an toàn khi đi về Việt Nam du lịch hay thăm viếng bà con gia đình.
14 Tháng Hai 2014(Xem: 30325)
Từng tuổi này rồi tại sao mình vẫn còn bâng khuâng, ước vọng và tìm hoài những ý nghĩa thật sự của hai chữ "Quê Hương" Buồn thật!
14 Tháng Hai 2014(Xem: 34706)
Trước và sau Tết, các anh chị tuổi Giáp Ngọ tưng bừng họp mặt mừng … “ô – vơ – xít” (over sixty). Bước qua cột mốc tuổi 60, các anh chị có cơ hội tự hào mình sống “Thọ” rồi còn gì. Không màng thổi nhiều ngọn nến màu tượng trưng số tuổi, các anh chị dành hơi sức nâng ly “Dô, dô!...” chúc tụng lẫn nhau.
11 Tháng Hai 2014(Xem: 36163)
May mắn hơn hai nhân vật lừng danh của Shakespeare, hai người bạn "trai tài gái sắc" của chúng tôi không "mang xuống tuyền đài" chuyện tình thời mới lớn, mà họ được gặp lại nhau,..
11 Tháng Hai 2014(Xem: 28299)
Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm Rằm đầu tiên của năm mới (Nguyên là thứ nhất, Tiêu là đêm, ngày Rằm tháng Giêng âm lịch). Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên bởi vì còn có...
08 Tháng Hai 2014(Xem: 43460)
Xin kính chào Cô lần cuối. Em sẽ cầu nguyện cho Cô mỗi ngày đến giỗ đầu của Cô. Xin gởi đến Cô một cành lan màu tím như màu áo tím Cô hay mặc thủa xưa khi Cô đứng trên bục giảng NQ.