Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tô Đăng Khoa - NGUYỄN LƯƠNG VỴ - THƠ NĂM CHỮ NGÀN CÂU VÀ CÚ-NHẢY-LÙI

27 Tháng Năm 20174:55 SA(Xem: 16660)
Tô Đăng Khoa - NGUYỄN LƯƠNG VỴ - THƠ NĂM CHỮ NGÀN CÂU VÀ CÚ-NHẢY-LÙI

TÔ ĐĂNG KHOA

 

NGUYỄN LƯƠNG VỴ - THƠ NĂM CHỮ NGÀN CÂU

VÀ CÚ-NHẢY-LÙI QUA NHỮNG GIẤC MỘNG ĐỜI

 Nguyen Luong Vy

Tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) ra đời đúng một năm sau tập thơ “Năm Chữ Năm Câu” và cũng là tập thơ thứ 9 của ông. Hai tập thơ tiếp liền trong hai năm, tuy tựa đề của tập thơ chỉ khác nhau có một chữ, nhưng về nội dung, thần thái, và mục đích hướng đến thì khác nhau rất nhiều. Trong tập “Năm Chữ Năm Câu, NLV đã tự mình thực hiện “cú nhảy sau cùng vàng câm trên bến lạ,” vượt qua giới hạn của ngôn ngữ để kinh nghiệm trực tiếp cái-không-lời. Từ kinh nghiệm đó, ông khai triển thiết lập ngôn ngữ để phơi bày cái-thấy “Có-Không thiệt rốt ráo” trong lãnh vực Thi Ca. Lần này trở lại với độc giả, NLV lại ung dung thực hiện những “cú-nhảy-lùi” rất ngoạn mục từ cảnh giới “vàng-câm-trên-bến-lạ” để trở về lại giấc mộng đời của nhân gian trong tập “Năm Chữ Ngàn Câu”:

 

Nhảy qua một giấc mộng:

Nhảy qua một bầu trời

Giấc mộng thì nửa vời

Bầu trời thì lộn ngược… 

(Không Đề I)

 

“Giấc mộng nửa vời,”“Bầu trời lộn ngược,”  đó là ngôn ngữ tiêu biểu được NLV dùng để mô tả thực chất giấc mộng đời trong cõi người ta. Nhận thức này là điều tất nhiên đối với NLV, người đã có được một cái thấy rốt ráo cùng tột bản chất hư ảo của ngôn ngữ và khổ nạn của đời sống nhân gian. Thật không dễ dàng gì khi phải sống trong một “bầu trời lộn ngược” vì điều đó đòi hỏi một tâm hồn thật trầm tĩnh, an nhiên tự tại, được nuôi dưỡng trong một nếp sống thăng bằng ẩn dật, và trên hết, một trí tuệ tâm linh có khả năng dung thông tất cả nghịch lý và điên đảo của cuộc đời.

Sống hài hòa, không dính mắc với “giấc mộng nửa vời” trong một “bầu trời lộn ngược” của nhân gian chính là phong cách “nhập thế” của ẩn sĩ. Thông thường, những nhà thơ thực hiện thành công“cú nhảy lùi” sau khi đã tự mình bước tới “bờ hương chín” là người có tâm hồn rất thanh khiết và yêu thương trần gian hết mực. Ngoài ra, họ còn có tính kham nhẫn rất thâm sâu.  Nói cách khác, lòng yêu thương và sự kham nhẫn là hai đức tính cần thiết để thi sĩ an trú và thi triển sức thấy, sức nghe giữa nhân gian. Thiếu hai đức tính này, thi sĩ sẽ tự hủy vì không thể nào (với trí tuệ và tâm hồn mẫn cảm của chính họ) lại có thể sống chung hài hòa với cái “giấc mộng nửa vời” trong “bầu trời lộn ngược” của nhân gian được. Chính trí tuệ và nhận thức của họ về cuộc đời sẽ biến họ thành những người cô đơn, “cuồng sĩ” trước con mắt nhân gian. Lịch sử thi ca và triết học đã chứng kiến biết bao nhiêu nhà thơ, triết gia tự hủy như thế chỉ vì trong “cú-nhảy-lùi” trở lại nhân gian, có thể vì họ đã bị “ma sát với thế tục” và tự mình “bốc cháy”. Đây là sự hiểm nguy luôn rình rập ở những “cú-nhảy-lùi” nhập thế của nhà thơ, và lắm khi còn nguy hiểm gian nan hơn việc phải “tự mình bước tới bờ hương chín.”

 

Vì sao NLV lại chấp nhận sự hiểm nguy, và đơn độc đến tột cùng như vậy để thực hiện “cú-nhảy-lùi” trở lại giấc mộng đời? “Cú-nhảy-lùi” đó mang ý nghĩa gì?  Hỏi như vậy thì chợt nhận ra đó vốn là những lời tự hỏi, tự đáp mà thi sĩ đã dùng để mở đầu tập thơ trong bài “Tự Hỏi Tự Đáp,” đoạn I:

Vì sao ghiền mần thơ?

Mần thơ là mần thinh!

“Mần thơ là mần thinh!” Phải chăng đó cũng là cái bí quyết trong toàn bộ thi nghiệp của nhà thơ NLV? “Mần thinh,” theo chỗ tôi hiểu có hai nghĩa: Trước hết “thinh” cũng có nghĩa là âm thanh. Thinh âm là đơn vị nhỏ nhất và căn bản nhất của Thi Ca. Thi sĩ là người biết phối hợp một cách tài hoa, tâm ý của chính mình và phong cách xếp đặt các thinh âm để tạo ra Lời và ý nghĩa trong từng câu thơ, bài thơ.“Mần thinh” còn mang ý nghĩa khác tức là “sự tĩnh lặng.” Vì thế, ta có thể khai triển rộng ra như sau đối với cõi thơ của NLV: “Mần thơ tức-là mần thinh, mần thinh tức-là mần thơ, mần thơ không-khác-gì mần thinh, mần thinh không-khác-gì mần thơ.”“Mần thinh”“mần thơ”: Đó là mối quan hệ mật thiết giữa “thể” và “dụng” trong thế giới Thi Ca NLV. Trọn đời NLV, ông sống trọn vẹn chí tình với từng con âm con chữ, ông chỉ “ghiền” một việc, đó là việc “mần thinh mần thơ”:

Nay còn ghiền chi nữa?

Ghiền mần thinh mần thơ!

(Tự Hỏi Tự Đáp – Đoạn II.)

 

Có thể nói rằng “mần thinh mần thơ” vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của đời thơ NLV.  Lầm lũi “mần thinh mần thơ” đã từng là phương tiện giúp NLV vượt qua các khổ nạn ngút ngàn của giấc mộng đời: Chính “Nàng Thơ” đã cứu rỗi đời ông. Nhưng khi đã tự mình vượt qua các khổ nạn đó,“mần thinh mần thơ” cũng chính là cứu cánh của đời ông. Nhưng giờ đây, Thơ đã thăng hoa và ở một mức độ càng lúc càng thâm sâu hơn. Trong tập thơ này, NLV “nhảy lùi” để nhìn lại các kinh nghiệm đời thường và rất thật của chính mình với một bút pháp rất thi vị, uyên áo và bình tĩnh lạ thường. Những ký ức buồn vui xa xưa và những khổ nạn mà ông đã từng trải qua trong đời được ông dìu về trong hồi tưởng nhưng không còn sức bùng lên như lửa ngọn mà chỉ tái hiện lại như những thước phim “câm,” lặng lẽ, nhưng không thiếu chất thơ qua tuyệt bút tài hoa của mình. Cả đời khổ nạn của ông đã được thi vị hóa trở thành một “Đời thơ không lửa ngọn” nhưng chắc chắn sẽ “Ngún mãi giấc xưa sau.” Vì lẽ? Vì ông đã rất tận tình với Thơ và với nhân gian. Dẫu cho nhân gian không lời đáp lại, thi sĩ vẫn tự móc mắt moi tim, tự mình kinh nghiệm tất cả nghịch lý điên đảo của cuộc đời mà bình thản “mần thinh mần thơ” để chuyển hóa tất cả khổ đau của giấc mộng đời. Vì nhân gian đau khổ, nên thi sĩ cũng đã đau khổ. Vì nhân gian bệnh, nên ông cũng bệnh. Nhưng thi sĩ “Nằm bệnh nhớ trăm nơi / Thấy bóng mình ngàn chốn”:

Đời thơ không lời đáp

Tự móc mắt moi tim

Thời gian vút bóng chim

Không gian chìm tăm cá

Đời thơ không quán xá

Chữ buốt giá tủy trời

Nằm bệnh nhớ trăm nơi

Thấy bóng mình ngàn chốn

Đời thơ không lửa ngọn

Ngún mãi giấc xưa sau…

Đời thơ không ngóng đợi

Mà động địa kinh thiên

Lóng xương mây tất nhiên

Rất thương ta thương bạn

Đời thơ không khổ nạn

Làm sao thấu được Thơ?!...

(Không Đề IV)

 

“Đời thơ không khổ nạn / Làm sao thấu được Thơ?” Những khổ nạn ngút ngàn cùng tột trong giấc mộng đời này, NLV đều đã tự thân trải nghiệm qua tất cả. Ông đã tự mình “nhảy qua” chúng nên có cái nhìn rất mới về bản chất của chúng. Với “cú-nhảy-lùi” trong tập “Năm Chữ  Ngàn Câu” nầy, độc giả chúng ta sẽ có cơ hội được nhìn lại các khổ nạn của nhân gian qua lăng kính định tĩnh của hồn thơ NLV. Trong biển khổ của giấc mộng đời đầy những “Ru. Thét. Gào. Im. Ngất. Động” đó, duy chỉ có NLV thấy ra được sự kiện rằng:“Nắng chảy dài trên vách mộ”“Mộ chảy dài trong kẻ tay.” Đó chính là thời gian và cái chết đang gậm nhấm và cuốn trôi tất cả giấc mơ nhân gian. Thế mà“Đời chẳng hay! Người chẳng hay!”

Sóng như bông – Bông như sóng
Ru. Thét. Gào. Im. Ngất. Động
Sóng nở gió – Bông nở em
Em nở ta. A! Cồi mộng!!!

Cồi mộng bay! Cồi mộng bay!
Đời chẳng hay! Người chẳng hay!
Nắng chảy dài trên vách mộ
Mộ chảy dài trong kẽ tay

Thấy hết! Không cần thấy nữa!
Biết hết! Không cần biết nữa!
Nghe không? Nghe không? Nghe không?
Nghe hết! Không cần nghe nữa!!!

(Ghi Chú Thơ Nguyễn Xuân Hoàng)

Nghe không? Nghe không? Nghe không? Chúng ta đã nghe ra được gì qua những thước phim “câm” từ “cú-nhảy-lùi” tuyệt kỹ này của NLV? 

Tựa đề của tập thơ này là “Năm Chữ Ngàn Câu.” Như NLV đã tâm sự trong lời tựa:“Ngàn Câu, là cách nói ước lệ, phỏng chừng, vì khi viết xong 50 bài Thơ năm chữ, nhẫm tính đã trên con số ngàn câu.” “Ngàn câu,” phải chăng, cũng là cách nói ước lệ cho sự phơi bày vô tận phương tiện lực của một ẩn sĩ có nội lực rất thâm hậu về chữ nghĩa? Vô tận phương tiện nhưng chỉ có một mục đích duy nhất. Cái mục đích duy nhất đó, đã được nhà thơ Bùi Giáng chỉ ra một cách rất thiện xảo như sau:

“Nói nghìn lời để dìu cái-không-lời về trong cái-không-nói.”

Bùi Giáng thật uyên thâm:“Dìu” được “cái-không-lời” về trong “cái-không-nói” là trách nhiệm vô cùng khó khăn cho những ai trầm mình trong lĩnh vực Thi Ca và Tư Tưởng. Đó là sự khác biệt giữa một bậc thiên tài và kẻ tài tử: Trong khi sự non nớt của kẻ tài tử được lộ ra trong sự “hợp lý” của cái-được-nói ra, thì sự vĩ đại của thiên tài lại được cảm nhận ở sự chiêm nghiệm về cái-không-nói tới.

Thành công của thơ của NLV chính là làm cho độc giả cảm nhận được cái-không-nói ra giữa những thước phim “câm” được đạo diễn từ những câu thơ “câm.” Tuyệt chiêu thơ “câm” của NLV nằm ở cái bí quyết:“Mần thơ là mần thinh.” Chỉ khi nào nội tâm thi sĩ đạt tới sự “mần thinh” một cách rốt ráo, thì bút pháp thơ “câm” mới đạt tới cảnh giới thượng thừa.

Chỉ với năm chữ rất đơn giản và bình dị“Mần thơ là mần thinh,” “cái-không-lời”“cái-không-nói” đã về “an trú” ngay trong ngôn ngữ “câm” nhưng lại rất thâm hậu, với thi pháp “năm chữ” rất điêu luyện, biến ảo kỳ tuyệt của NLV.

Xin tri ân thi sỹ NLV đã suốt đời “mần thinh mần thơ” và trải lòng mình cho nhân gian bước vào chiêm nghiệm cái-không-nói bàng bạc trong từng nổi khổ nạn của giấc mộng đời. Cảm ơn cái ngôn ngữ thi vị, uyên áo và định tĩnh trong tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” này.

Và sau cùng xin cảm ơn “cú-nhảy-lùi” ngoạn mục qua những giấc mộng đời trong tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” của thi sỹ NLV. Nó giúp cho chúng ta nhận biết được bản chất thật của đời sống này: “Thì ra là mộng đầy”. Đó cũng chính là nhận thức cần thiết để một ngày nào đó, khi đầy đủ trí tuệ và kinh nghiệm của tự thân, tất cả chúng ta sẽ cũng sẽ sớm nhận ra:“Mộng hết trốn trong mộng!!!”

 

Calif., 11.2014

Ghi chú: Những câu thơ năm chữ in nghiêng trong bài viết được trích từ tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu của Nguyễn Lương Vỵ.

03 Tháng Giêng 2014(Xem: 40983)
Tất cả anh chị em tôi đã sẵn sàng, một buổi sáng Chủ nhật tươi hồng đang mời gọi… Bên dòng sông Đồng Nai thơ mộng, anh chị em tôi sẽ hát vang vang “Nào về đây ta họp mặt cùng nhau.
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 35568)
Niềm vui mãi dâng trào hòa chung niềm vui của người tuổi thọ bác Ma Phiếu với người thầy kính mến Phạm Gia Hưng và từng người anh, người bạn, người em luôn hân hoan với mùa “Giáng Sinh Bên Đời”
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 41391)
Năm mươi lăm năm trên cuộc đời của anh không dài lắm nhưng anh đã để lại nhiều ảnh hưởng và đã gián tiếp đặt tên cho rất nhiều em thuộc thế hệ Việt Nam lưu vong thứ hai.
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 36728)
Tựa đề: Giòng Sông Tôi Và Em Nhạc & Lời: Phạm Chinh Đông Hòa âm: Cao Ngọc Dung Ca Sĩ: Quỳnh Dao.
20 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 40090)
thiếu mặt Mai Trọng Ngãi nên ai cũng ngần ngại và từ chối xin dành lại năm sau. “Rượu ngon không có bạn hiền” cũng như sinh hoạt Ngô Quyền không có tiếng cười vui.
20 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 45261)
Mùa Xuân 2014 Giáp Ngọ lại sắp trở về cùng với nàng tiên áo trắng. Xin mời quí anh chị em cùng thân hữu hãy thưởng thức những mùa hoa cũ để đón chào ngày mới.
14 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38447)
Này các bạn, quý vị vừa học được một bài học… Bất kể những gì tôi vừa làm với tờ giấy bạc này, quý vị vẫn muốn nó như thường, bởi vì giá trị của nó không thay đổi, nó vẫn là 20 đô la.
13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 52856)
Hứa thì hứa với lòng mình nhưng rồi viết vẫn viết khác và lời hứa bay đi, café, mưa và căn nhà ngói đỏ lúc nào tôi cũng thấy như ẩn như hiện trong các truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn-Xuân Hoàng.
13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38653)
Đi vào “Căn nhà ngói đỏ” là đi vào một Việt Nam đầy binh đao, ly tán, ngậm ngùi, hấp hối. Ở lại “Căn nhà ngói đỏ” là đối mặt với một quá khứ...
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38668)
(*Cảm tác từ bài thơ TẠ TÌNH của Tưởng Dung... em tặng chị...! )... xin hãy chỉ nốt cho em, bài học cách nào để uống viên thuốc thời gian, cho em buông lơi được, cho em quên được, cho em chết mất được một nửa trái tim mình đã thuộc về anh...
07 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 46251)
Tình của Cu Bưởi lại khác, vẫn treo lưng lửng giữa chừng, kết thúc cũng được, gọi tồn tại cũng chẳng sai. Cái di chứng của mối tình đầu còn ảnh hưởng anh ta đến tận bây giờ.
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43137)
*Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức: GIÒNG SÔNG TÔI VÀ EM - Nhạc và Lời Phạm Chinh Đông - Tác giả trình bày
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 49093)
(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”
05 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43480)
Tôi hay tin trễ, Thầy Trần Văn Tài qua đời không lâu, sau ngày tôi tình cờ gặp lại Thầy ở Trảng Bom. Những dòng chữ muộn màng này, thay nén nhang thơm tôi và các bạn lớp 10B4 năm xưa kính nhớ Thầy.
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48832)
* Xin đính chính đây không phải là bài viết của Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ mà là của một tác giả khác cùng tên. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. (Ban Điều Hành WebNQ)
30 Tháng Mười Một 2013(Xem: 53482)
Viết về anh cũng như tôi đang nhớ tới những kỷ niệm đầu tiên của tôi với cây bút. Bài viết ngắn này cũng ngắn ngủi như mối giao tình (chưa hề gặp mặt nhau) của hai anh em mình...
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 46573)
Con gái Ba đây chỉ muốn nói với Ba lòng biết ơn Ba đã nuôi dạy con khôn lớn, đã yêu con bằng tình yêu không điều kiện, đã để lại cho con một di sản tinh thần vô cùng quí báu.
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 38811)
Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt, những người đi làm xa nhà đều trông đợi vào ngày này để cùng về nhà xum họp, quây quần bên bữa cơm gia đình.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 40977)
Tôi lặng lẽ dọn dẹp nhà cửa từng ngõ ngách... tôi sắp xếp lại đời tôi từng góc cạnh... và bắt gặp mình vẫn miên man mong nhớ, mân mê từng mảnh kỷ niệm… thật chẳng muốn buông tay... thật không nỡ rời xa.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 50715)
Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Đắc Kiên. Hai nhà thơ. Hai thế hệ- Hai hoàn cảnh một từ trong cảnh tù đầy 27 năm cộng lại tại miền Bắc- một trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập với tư cách nhà báo-.