Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hát Bình Phương - CHỊ TÔI

29 Tháng Giêng 20155:15 CH(Xem: 28317)
Hát Bình Phương - CHỊ TÔI

Ch Tôi

 

ao am me dan


 

Bây giờ đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy'', chị tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc khi sống trong nhà từ đường của gia đình. Đó là một ngôi nhà xưa, tuy đã được sửa sang lại mấy lần nhưng vẫn giữ nét cổ kính vì là nơi thờ phượng tổ tiên.

Trong nhà, những vật dụng bằng gỗ đều do ông Nội của tôi làm ra, vì ông vốn là thợ mộc. Từ cái tủ thờ, bộ ván gõ, cái bàn cùng sáu cái ghế trước tủ thờ cho đến tủ đựng chén dĩa, tủ đựng quần áo... như vẫn còn lãng đãng dấu tay của ông Nội tôi ngày trước.

Cù Lao Phố là nơi đại gia đình của tôi trải qua các thế hệ cả trăm năm nay. Không biết tự bao giờ mà ông bà Cố của tôi đến lập nghiệp nơi đây. Rồi đến ông bà Nội và

 

thế hệ cô, bác, ba tôi cũng được sinh ra và lớn lên ở nơi nầy.

Các anh chị em tôi cũng đã trải qua thời niên thiếu trong ngôi nhà cạnh dòng sông Đồng Nai, luôn có những cụm lục bình trôi lờ lững. Nước ngọt của dòng sông đã tưới mát ruộng đồng thành một vùng đất trù phú với cây ngọt trái lành.

Chiến tranh đã đẩy đưa một số thanh niên rời quê cha đất tổ, đi đến chốn thị thành để tìm sự bình yên rồi lập nghiệp nơi định cư mới. Bác tôi và ba tôi ở trong trường hợp đó. Rốt cuộc thì người ở lại thờ phượng ông bà là cô của tôi.

Chị Ba của tôi lại nối tiếp con đường của cô tôi, khi những đứa em phải sống xa quê và có vài đứa em họ phải rời cố quốc, xa quê hương hơn nửa vòng trái đất - trong đó có tôi - ra đi mà lòng ngậm ngùi nhớ thương quê cha đất tổ...

Má của chị là cô Hai của tôi. Nghe kể lại rằng, vào thập niên 30, có một người thanh niên từ đất Nha Trang vào Saigon làm việc. Rồi do duyên tiền định, ông gặp cô tôi có vài lần và đem lòng cảm mến.

Cô tôi thuở ấy rất xinh đẹp, được nhiều người trong làng để ý, nhưng lại phải lòng người khách phương xa, đã nhận lời cầu hôn với điều kiện là vẫn sống cùng cha mẹ ở Biên Hòa vì cô là con gái lớn, các em đã lập nghiệp xa quê.

Thế rồi chị Hai ra đời, khi được năm tuổi thì bị bệnh và mất. Chị Ba là đứa con gái kế, mang những nét đẹp của cả cha lẫn mẹ, đôi mắt to và làn da trắng hồng. Cô dượng đặt tên là Hồng, đúng là một đóa hồng nhung, càng lớn càng xinh đẹp.

Khi học xong lớp Ba ở trường làng, chị phải lên Biên Hòa học tiếp trường Nguyễn Du. Sau đó, chị học trường Nữ Công Gia Chánh vì không có điều kiện về Saigon học tiếp trung học. Thuở đó, trường trung học Ngô Quyền chưa được thành lập.

Sau đó chị nghỉ học, ở nhà phụ giúp cô tôi chăm sóc bà Ngoại, đứa em gái và thêm một đám em họ là năm anh em chúng tôi, được ba má tôi gửi về bà Nội nuôi dưỡng. Tuy là em họ nhưng chị xem như các em ruột vì chúng tôi sống chung với chị từ lúc còn rất nhỏ.

Khi các em đã lớn, chị phải đi làm để giúp đỡ gia đình. Chị chấp nhận học ít, mà lại muốn các em có cơ hội học cao hơn, để tương lai thêm phần sáng lạng. Chị tôi quả là một người chị tuyệt vời, hy sinh cho gia đình.

Dạo đó, cùng lúc với quân đội Mỹ đến Việt Nam để chiến đấu cho tự do của miền Nam, thì cũng có những hội truyền giáo người Mỹ đến VN để truyền đạo Tin Lành. Chị làm việc cho Hội Thánh Tin Lành ở Saigon.

Hội nầy chủ yếu là truyền đạo Tin Lành cho đồng bào thiểu số ở vùng Tây Nguyên, nên chị có nhiều lần đi Kontum, Pleiku... Các dân tộc thiểu số ở đây khi đã trở thành tín hữu Tin Lành thì có đức tin rất cao. Kinh Thánh được in bằng chữ của các dân tộc Tây Nguyên.

Chị đi làm ở Saigon, mỗi tuần về nhà một lần. Những chuyến xe đò Liên Hiệp, xe lô đã in bước chân của người con gái Biên Hòa nặng gánh gia đình. Biết bao nhiêu năm tháng chị đã hy sinh tuổi trẻ của mình.

Các em lớn lên đều yên bề gia thất, có một mái ấm gia đình riêng. Duy có chị vẫn còn độc thân để chăm sóc bà Ngoại và mẹ tuổi đã già. Chị lập gia đình rất muộn và có một đứa con gái duy nhất. Chồng chị cũng đã qua đời mấy năm nay.

Những ngày cuối của tháng 4/75, Hội Thánh Tin Lành rút về Mỹ, họ muốn đưa chị di tản theo nhưng chị đã từ chối vì không muốn xa gia đình. Thế là chị ở lại và cũng đã gặp nhiều khó khăn sau ngày mất nước, vì chị đi làm cho Mỹ dù chỉ là hội truyền giáo.

Cả một quãng đời của chị, từ hồi niên thiếu cho đến lúc tuổi già, chị vẫn sống ở Cù Lao Phố và lo việc cúng kiếng tổ tiên, thay cho những đứa em trai ở xa. Chị đã chứng kiến những thăng trầm của Biên Hòa trước và sau năm 75, mà chị cảm thấy vui ít buồn nhiều.

Cù Lao Phố gắn liền với cầu Gành và cầu Rạch Cát, hai chiếc cầu mang tính lịch sử hơn 100 năm, từ thời Pháp thuộc. Người dân Cù Lao muốn đi Chợ Đồn hay Biên Hòa phải sử dụng hai chiếc cầu đó.

Gần đây, hai chiếc cầu Hiệp Hòa và Bửu Hòa lần lượt được xây dựng, mới hơn, đẹp hơn và rộng rãi hơn. Cầu Gành và cầu Rạch Cát vẫn còn đó nhưng chỉ cho xe lửa và người bộ hành được sử dụng. Hai chiếc cầu vẫn còn ngạo nghễ trên dòng Đồng Nai nhưng đã vắng bóng xe cộ qua lại.

Chị nói với tôi, “Hai cây cầu mới tuy kiên cố và đẹp hơn hai chiếc cầu cũ, nhưng với chị, cầu Gành và cầu Rạch Cát vẫn còn là cái hồn của Cù Lao Phố.” Nó chứa đầy kỷ niệm mà người dân Cù Lao vẫn giữ trong lòng, của một thuở xa xưa.

Chị đang ở quê nhà mà còn nuối tiếc kỷ niệm, huống chi tôi đang sống bên kia bờ đại dương, đã xa quê hương suốt hai mươi năm. Với tôi, ký ức về Biên Hòa - Cù Lao Phố, đã ăn sâu vào tâm tưởng và bất biến theo thời gian.

Nghe chị tôi nói đã có dự án làm con đường mới dọc theo bờ sông và người ta đã đo đạc để giải tỏa bờ sông. Thế là trong tương lai, cái bến sông mà ngày xưa còn bé, anh chị em chúng tôi ngụp lặn trong dòng nước mát sẽ không còn nữa, ký ức của một thời tuổi trẻ như vụt bay xa...

Ngày ấy, những buổi chiều hè, tôi hay ngồi ở bến sông, nhìn ra cầu Rạch Cát, xem những dòng xe chạy trên cầu, thấp thoáng bóng dáng của người bộ hành trên lối đi gập ghềnh hai bên thành cầu. Những chiếc ghe chài lưới ẩn hiện trên sông đang bủa lưới. Từ xa ánh mặt trời rắc những tia nắng cuối cùng trước khi biến mất phía chân trời xa bên kia cầu.

Thỉnh thoảng chị vẫn nhắc đến ông Ngoại, người mà chị luôn kính trọng vì ông đã thay cha mẹ đã mất sớm mà lo cho hai người em gái, nuôi nấng tới tuổi lớn khôn, yên bề gia thất rồi ông mới cưới vợ. Còn má của chị cũng theo gương cha, suốt một đời lo cho các em và con cháu. Rồi đến đời chị cũng vậy, noi theo tấm gương hy sinh của những thế hệ đi trước. Ôi những tình cảm gia đình sao mà thiêng liêng quá!

Tôi còn nhớ khoảng thập niên 60, khi chị làm việc ở Hội Thánh Tin Lành của Mỹ, biết tôi thích sưu tầm tem thơ, chị vẫn dành thời gian rỗi rảnh để thu nhặt những bao thơ có những con tem từ Mỹ gửi qua Việt Nam cho nhân viên của Hội, để làm quà cho tôi. Mỗi lần nhận được những con tem Mỹ là tôi rất vui mừng, cám ơn chị và thấy thương chị vô cùng.

Tôi vẫn còn giữ quyển sưu tầm tem thơ của tôi ngày ấy, những con tem với hình phi thuyền Apolo 11, hình các vị tổng thống Mỹ, hình Giáng Sinh, hình bông hoa đủ màu sắc... tuy nay đã úa màu nhưng tôi vẫn cảm thấy như còn dấu tay của chị trên đó, dù đã hơn 40 năm qua. Biết làm sao nói hết được tình cảm của người chị dành cho đứa em gái nhỏ ngày ấy!

Tôi quên làm sao được những lần cúng Kỳ Yên ở Đình Bình Tự, cứ ba năm một lần, có gánh hát bội về làng là mấy chị em dẫn nhau đi xem hát đến tận nửa đêm mới lội ruộng về nhà. Những lần hát Hồ Quảng bằng tiếng Hoa ở Chùa Ông cũng không thiếu vắng chị em chúng tôi đi xem. Kỷ niệm của thời thơ ấu sao mà đáng yêu và đầm ấm quá!

Ngày tháng năm trôi qua, tất cả đều thay đổi theo dòng thời gian, cảnh vật và con người cũng đổi thay. Trong ký ức của kẻ xa quê, những gì của ngày xưa vẫn còn in trong trí. Cho đến một ngày trở lại chốn quê nhà, phải ngỡ ngàng trước cảnh vật đổi thay, tưởng chừng như không phải là chốn cũ của mình...

Một mùa Xuân nữa lại trở về trên quê hương. Không biết cây mai vàng trước nhà có nở hoa kịp vào dịp Tết để được chị cắt một cành mai đẹp nhất, trân trọng cắm vào bình hoa trên tủ thờ? Đó là nơi trang nghiêm giữa nhà, có hình của ông bà và cha mẹ, những người mà cả một đời gắn liền với vùng đất Cù Lao, nơi quê cha đất tổ.

Tôi ước mong chị có sức khỏe tốt để sống lâu dài trong ngôi nhà thân yêu của một đại gia đình. Nơi đó đã một thời là tổ ấm năm thế hệ của một gia đình con dân Biên Hòa. Vận nước nổi trôi đã phân tán các thành viên của gia đình chúng tôi, kẻ nơi góc biển - người ngoài chân mây...

Hát Bình Phương

 

 

12 Tháng Tư 2024(Xem: 602)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 436)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 498)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 709)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1199)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 856)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 798)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 767)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1527)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1133)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1240)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1195)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1074)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 1102)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1382)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1140)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1238)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 839)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1058)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1132)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.