Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XXXIII)

16 Tháng Giêng 20151:17 CH(Xem: 21393)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XXXIII)
BUI VA RAC-nxh-2-large
Kỳ XXXIII

Ông Ba Trương Phi, cha Minh kể, theo kháng chiến đánh Tây rồi sau đó đi tập kết ra Bắc. Năm Sáu Hai, vượt Trường Sơn vào Nam, chiếm đấu ở miền Đông cho đến ngày Sài Gòn thất thủ. Năm Bảy Lăm, ông Ba Trương Phi về làng cũ ở Long Điền thì cả nhà ông không còn một ai sống sót! Ba Trương Phi không phải là tên của ông mà là tên của vợ ông. Bà tên thật là Ngô Thị Ba. Bà này cũng đi kháng chiến làm tới trung đội trưởng. Bà Ba cắt tóc cao, người to lớn, ăn mặc quần áo đàn ông con trai, nói to tiếng, bất bình chuyện gì thì kêu rầm trời lên nên người ta gọi là Ba Trương Phi.

Ông Ba Trương Phi này tên thật là gì trong tù không ai biết. Ổng nói ổng đào ngũ khi mang lon đại úy bộ đội để nuôi bà Ba Trương Phi vì bà bị đau thần kinh sau khi bị thương ở đầu trong một trận đánh. Dưới mắt chính quyền “cách mạng” ông Ba Trương Phi là một tên đào ngũ, sách động, sống bất hợp pháp. Hai vợ chồng mặc dù công lao hãn mã không được cấp một cục đất chọi chim nói chi đất làm ruộng. Ông Ba Trương Phi bất mãn và khinh thường cái đám đang cầm quyền trong xã. Bao nhiêu công lao kháng chiến của ông và bà, ông sổ toẹt. Ổng nói tao là thằng đánh giặc mướn ở miền Đông chớ không có kháng chiến kháng cháo con mẹ gì hết, chẳng có công lao công láo cái con c... gì hết. Cái thái độ đó của một người đã từng một thời đổ xương máu cho một chủ nghĩa mà ông cho là phục vụ nhân dân phục vụ con người, nay bị bỏ bê và bị buộc tội chống chính quyền địa phương chỉ vì không chịu đóng thuế nông nghiệp làm cho bọn cầm quyền mới ngứa mắt. Ba Trương Phi là người cầm đầu đám nông dân biểu tình kéo rốc lên Sài Gòn gây chấn động cả nước. “Có chết thì chết tao chống cho tới cùng!” Ba Trương Phi thường nói như vậy...

Cha Minh ngừng kể:

“Thấy chưa, đến như tên Ba Trương Phi này mà còn tù tội, nói chi anh và tôi, những người không có một chút công lao cho chủ nghĩa chế độ này. Nhưng mà,” cha Minh ngập ngừng “phải lạc quan mà sống. Đừng để cho chúng hành hạ mình, đừng để chúng thấy mình suy sụp. Chúa ở cùng chúng ta!”

Tôi không biết nói gì với Cha.

Nhìn Ba Trương Phi tôi nhớ Tư Long và càng nhớ Tư Long tôi càng nhớ Mười Tân. Thiệt là kỳ lạ, cứ cái gì người ta càng cố quên thì lại càng bị bắt nhớ. Tôi không muốn giữ trong đầu tôi cái hình ảnh Mười Tân chút nào. Đối với tôi, những ngày tháng qua đã quá chật chội trong ký ức tôi. Tôi đã sống được với một người con gái mà tôi vẫn nghĩ là tôi yêu cô ta và cô ta cũng yêu tôi. Cô đã cho tôi một đứa con. Nhưng cô cũng đưa đến cho tôi một người bà con “khủng khiếp.” Ai nói với tôi ông Mười Tân là lá chắn che cho tôi khỏi tù tội? Ai nói với tôi rằng Mười Tân là thần hộ mạng đưa cho tôi ra khỏi những cơn nguy biến của chế độ mới? Chủ nghĩa mà Mười Tân theo đuổi, tranh đấu, đổ máu để mà xây dựng, chắc chắn Mười Tân sẽ không bao giờ để yên cho ai làm hư nó, chống lại nó. Mười Tân lên án tôn giáo. Mười Tân đang tôn thờ một tôn giáo khác. Cứ cầu nguyện đi Phật Chúa có đem gạo đến không? Phải lao động thì mới có vinh quang. Nhưng Mười Tân cũng đưa ra một thứ giáo điều mới: kinh thánh Mác Lê Nin. Chống lại một giáo điều bằng cách đưa ra một giáo điều khác, Mười Tân có biết rằng ông đang đi trong vòng tròn hay không?

“Có người tìm cậu kìa!” Cha Minh vỗ vai tôi.

Tôi ngước mắt nhìn lên, Nhị Hà đang đi về phía tôi. Hôm nay cô ta lạ hẳn.

Cô không mặc quần áo công an, cũng không mặc thường phục kiểu Hà Nội nửa nạc nửa mỡ, mà hôm đầu tiên khi bước vào lớp học sau ngày mất Sài Gòn tôi đã nhìn thấy. Nhị Hà rất thiếu nữ Sài Gòn. Quần jean, áo thun có vẽ chữ “I Love NY,” đi giày thể thao hiệu Nike, Nhị Hà giống như một cô gái Sài Gòn chính cống.

“Chào thầy” Nhị Hà mở lời, “Em mang tin vui cho thầy.”


Tôi nhìn chăm vào mắt Nhị Hà. Tôi không đoán ra cô mang tin gì cho tôi. Quỳnh sẽ đến thăm tôi? Tôi sẽ nhận được quà thăm nuôi? Hay tôi sẽ được đưa đi công trường? Ở trong tù Kiên Giang này, người nào “được” gọi đi công trường lao động được coi như hên vì cực nhưng chắc chắn sẽ có ngày được thả ra, còn cứ ở đây ngày hai bữa cơm nước thơ thẩn qua lại thì “còn lâu” mới thấy cuộc đời.

Tôi đứng dậy, nóng lòng nghe Nhị Hà nói tiếp, nhưng cô chỉ nhìn tôi.

“Mời thầy.”

Và cô quay đi.

Tôi bước theo Nhị Hà, đi ngang qua giếng nước, chỗ rửa chén, rửa mặt, băng qua chiếc cổng hẹp, nằm dưới chiếc chòi canh lởm chởm mẻ chai và kẽm gai.

Cô dừng chân ở cửa vào căn phòng chấp pháp mà người tù nào cũng bị gọi lên “làm việc.”

“Thầy sẽ không được đi công trường đâu!” Nhị Hà nói, “em muốn cho thầy biết trước là đợt trả tự do kỳ ày có tên thầy.”

Tôi ngỡ ngàng, không tin lời nói của Nhị Hà. Tôi sợ mình nghe lộn. Tôi muốn hỏi lại cho chắc, nhưng tôi tự nghĩ tại sao phải làm vậy?

“Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa thôi, đợt điểm danh ba mươi người trước bữa ăn trưa là trả tự do chứ không phải gọi đi công trường. Chúc thầy trở lại cuộc sống bình thường.” Nhị Hà ngập ngừng, “em nghĩ là đồng chí Mười Tân có tiếng nói trong vấn đề này. Chào thầy!”

Nhị Hà quay mặt về phía chiếc cổng hẹp.

“Cám ơn!”

Tôi lúng túng, mừng rỡ, bỡ ngỡ.

Tôi đi thật chậm. Bờ tường lởm chởm mẻ chai. Người lính gác trên chòi canh. Giếng nước bên tay trái, nhà
bếp bên tay phải. Buổi sáng trong nhà tù không có chút dấu hiệu gì sẽ có đợt thả tù. Cái không khí “được” đưa đi lao động dưới U Minh hay chuyển trại, ra trại... bao giờ cũng ồn ào trước đó cả buổi. Tin tức loại này thường lộ trước. Sáu Phận hoặc tên “tù cò mồi” thường mang tin về báo sớm. Và mọi người lục đục thu xếp các thứ linh tinh. Hoặc xe nổ máy trước cổng nhà giam bóp còi inh ỏi. Lần này tuyệt nhiên không có gì. Mọi sự êm ả và lặng lẽ. Nhà bếp đã chuẩn bị phát cơm. Mọi người ơi ới gọi nhau chia thức ăn.

Tôi trở lại chỗ của tôi bên mương nước. Cha Minh vẫn còn ngồi dựa lưng vào tường.

“Anh được thả phải không?”

Cha hỏi tôi một câu cũng đột ngột như câu Nhị Hà đã nói với tôi trước đây mấy phút.

“Thưa cha...” Tôi ngập ngừng.

“Thằng Bình mới kiếm anh. Nó cho tôi biết.”

“Nhưng tại sao tên Bình?” Tôi thật bối rối lòng dạ.

“Như vậy là anh phải tốn tiền với nó và Sáu Phận rồi! Chắc chị ở nhà chạy chọt dữ lắm!”

Tôi ngồi xuống bên cha Minh. Tôi dựa lưng vào tường. Một giờ nữa. Sáu mươi phút nữa. Thời gian đối với tôi lúc này sao dài dằng dặc. Tôi muốn có chiếc đồng hồ để nhìn cây kim kéo thời gian chạy. Không có đồng hồ, tôi có cảm tưởng mọi thứ mọi điều đang bị đóng băng, ù lì.

“Cha có nhớ rõ tên Bình đó nói như thế nào không?” Tôi vẫn nghi ngờ tai tôi.

“Nó nói anh đã có lệnh tạm tha.”

“Thưa cha,... nhưng mà hắn có nói bao giờ thì tha không?”

“Nội trong ngày nay thôi. Nó biểu anh sửa soạn đồ đạc ngay bây giờ là vừa.”


(Còn tiếp)
10 Tháng Hai 2011(Xem: 136329)
Niềm vui đầu năm đến bất ngờ. Nhờ trang web Ngô Quyền, nhờ kỹ thuật khoa học tiến bộ, nửa thế kỷ sau mình tìm gặp được bạn bè. Xin cảm ơn tấm lòng thành của nhau, của những người xa xứ.
05 Tháng Hai 2011(Xem: 133240)
Và khi biết anh tuổi Mẹo, Duyên suýt bật cười vì chợt nhớ đến câu “thần chú” của mẹ ngày xưa: “Hợi Mẹo Mùi, là duyên tam hạp”. Mình là tuổi Mùi. Anh ấy là tuổi Mẹo, vậy là tốt duyên rồi!
02 Tháng Hai 2011(Xem: 121652)
hơn 1 tháng nữa bước qua tuổi 61 ta, trở lại một vòng tuần hoàn của cuộc đời. Bất chợt mình ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình. Mình lấy giấy bút ra, tính sổ cuộc đời, 60 mùa xuân mình đã trải qua, có vui buồn lẫn lộn.
31 Tháng Giêng 2011(Xem: 130753)
Anh biết không? Hương vị Tết bên này chỉ mới vừa phảng phất đôi chút chưa kịp đọng lại thì đã bay biến đi đâu mất rồi...
28 Tháng Giêng 2011(Xem: 114521)
Sau khi công việc xong, nhóm thường ghé quán bún riêu gần nhà Tùng để cùng chung vui. Từ đó hình thành Nhóm Bún Riêu
19 Tháng Giêng 2011(Xem: 127112)
Cám ơn và hẹn gặp lại các thân hữu nhé ! Mây trắng ngang trời đã quay về và sẽ quay về nữa… , rồi mây trắng lại bay đi…
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 138757)
Mãi cho đến bây giờ, mỗi tuần chị đều ăn khoai lang, không phải vì thích loại củ ngọt bùi mầu vàng cam, không vì phải ăn độn...
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 128624)
Đối với tôi, môn học nào với thầy – cô nào lại không để lại những kỷ niệm khó phai trong lòng của một người học trò.
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 129002)
Hôm nay lại dự tiệc nhà anh chi Kiệt Chung, ngoài Thầy Cô và bè bạn lại có sự tham dự số đông đồng hương Biên Hòa và thân hữu.
31 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 120834)
Từ quê nhà Việt Nam, ở Miền Trung giữa mùa mưa bão lạnh lùng , tôi rất vui và cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được email thăm hỏi của bạn gửi cho tôi từ nước Mỹ xa xôi.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 110418)
Cảm giác mỗi mùa Giáng Sinh tuyệt vời đến nỗi tôi tưởng như mỗi năm một lần, mình lại là đứa trẻ thơ mới lên tám tuổi, hình ảnh con búp bê tật nguyền lại chập chờn trở lại trong trí nhớ, y như năm nào tôi còn bế nó trên tay.
18 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 137161)
Ngày xưa ấy tôi và các bạn còn rất trẻ, hầu hết các Thầy Cô cũng rất trẻ. Ngày xưa ấy cách nay hơn năm mươi năm. Tuổi học trò, thời thơ mộng, thời gian đẹp nhất của con người nay còn đâu.
03 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 105726)
Như hôm nay mưa thì lại nhớ đến những cơn bão rớt ở quê mình, mái nhà xưa và bến sông ngập đầy nắng gió.
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 112574)
"Cô Ba ơi, con không nghĩ có một ngày con được về và đứng ở đây. Con vẫn còn nhớ mấy trái thị cô đã tặng cho con. Con xin cầu nguyện cho linh hồn của cô được yên vui ở cõi vĩnh hằng"