Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ VIII)

01 Tháng Giêng 201512:16 SA(Xem: 24675)
Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ VIII)
1609717_318568511646445_337833020663465982_n
(Nguồn: Tủ sách Tuổi Hoa - 1975)

KỲ VIII

Chương 2
 
 
Mình đã đi bên nhau không biết bao nhiêu lần trên con đường bóng mát ấy. Anh đã bỏ một ngày công tác nơi trại tạm cư. Trân đã nói dối ba má đến nhà một người bạn. Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà dối mẹ qua cầu gió bay. Vượng ơi. Mình có tội lỗi không khi đi chơi với nhau. Im lặng nhiều hơn trò chuyện. Người ta vẫn bảo tình học trò thơ mộng. Tình mình như thế là thơ mộng ? Thơ mộng kỳ khôi. Những câu chuyện mình nói với nhau -- thỉnh thoảng -- chỉ câu chuyện không dính líu gì tới vấn đề tình cảm.
- Trân đã nộp đơn thi rồi chứ ?
- Đã xong rồi anh. Nhờ thầy hiệu trưởng giúp, Trân nộp đơn với tư cách một học sinh công lập.
- Bài vở thế nào ?
- Đã xong trọn vẹn một lần. Từ nay tới ngày thi, Trân có thể ôn lại lần thứ nhì.
- Và hy vọng ?
- Trân tin tưởng.
Chuyện học của Trân. Rồi im lặng. Rồi đi tới đi lui. Cây cao bóng mát. Con đường đá sỏi, vắng vẻ. Một lúc, anh đọc thơ. Thi sĩ dữ. Tôi trở về con dốc nhỏ. Một chiều nắng nhạt buồn tênh. Nắng chờn vờn thềm đất đỏ. Gợi hồn tôi nhớ mông mênh. Tôi trở về con dốc nhỏ. Đếm từng viên sỏi tàn dương. Đếm từng tia vàng tuôn đổ. Bám trên loang lổ vôi tường.
- Anh có vẻ thích con dốc nhỏ cổng trường mình lắm thì phải ?
- Tôi có một kỷ niệm khó quên ở đó.
- Anh có thể kể cho Trân nghe được chứ ?
- Câu chuyện có hơi lãng mạn và trẻ con.
- Tức là khi anh còn bé ?
- Khoảng lớp 8, lớp 9 gì đó. Tôi theo một cô nhỏ bên Trần Thượng Xuyên. Cô nhỏ thường đón xe trễ tại đầu con dốc. Tôi ra sớm cũng chịu khó chờ để về cùng xe. Được một năm thì cô nhỏ dọn nhà đi tỉnh khác mất. Tôi vẫn chưa biết tên.
Trân cười bảo anh :
- Anh chẳng khác chàng Trương Chi tình si thổi sáo.
Anh cười. Câu nói duy nhất hôm đó, có liên quan tới tình cảm chúng mình là câu nói của anh sau đó ;
- Trân có ghen không ?
Trân cười không đáp. Tiếng chim ríu rít đuổi nhau trên ngọn cây. Tiếng xe ngoài đường thỉnh thoảng vụt qua. Khung cảnh đẹp và thơ mộng quá. Nhưng quanh đi quẩn lại, câu chuyện vẫn không vượt khỏi giới hạn của câu thơ Kiều “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
- Bao giờ trường anh mới học lại ?
- Không học lại, nhưng sắp thi cuối năm.
- Như vây, anh sẽ phải cùng các bạn trong đoàn công tác trở về trường để sửa soạn thi ?
- Chúng tôi sẽ chia phiên nhau. Tới ngày thi của người nào, người ấy sẽ về.
- Trân lo sợ cho anh.
- Tôi chưa từng biết thi hỏng.
Nói xong, anh vội tiếp ngay :
- Xin lỗi Trân, tôi vô tình. Tôi quên đã có lần Trân không may.
- Trân không dám trách anh.
Vượng ơi. Trân thích cái tình yêu mờ ảo của chúng ta. Nó thoáng hiện trong những câu đối thoại tầm thường. Không như thứ tình yêu trắng trợn, rẻ tiền trong các vở tuồng xã hội. Anh yêu em. Em yêu anh. Những tiếng ấy nghe nó giả trá, mất hẳn sự thiêng liêng, cao quý. Mỗi con người chỉ có một con tim. Mình đã để trái tim nhìn nhau, mà không nói, như là sợ rằng nếu nói ra, tình yêu sẽ bay đi, tình yêu sẽ vỡ tan. Vượng ơi. Ngày gặp gỡ anh tại nhà Thầy Bằng, bác Trân, gần một năm về trước, có khi nào chúng ta ngờ rằng tình yêu lại đến. Trân ngày nay không còn là một cô nữ sinh ngây thơ ngày xưa nữa. Người con gái biết yêu, kể như đã trưởng thành, dù là trước tuổi pháp lý. Vả, Trân đang sống đời tự lập. Cô giáo Huyền Trân, ca sĩ học trò. Nhiều vị phụ huynh vì mến mà gọi Trân như thế. Họ là khán giả của đêm trình diễn Đại nhạc hội. Một anh phu xe xích lô, một hôm tình cờ Trân đón đi, đã nhìn Trân và hỏi có phải cô là cô nữ sinh hát trường ca hôm trước ? Anh phu xe khen Trân không ngớt – Trân hiểu sự thành thực của anh ta, nhưng trong cái thành thực đó vẫn pha thêm không ít khách sáo – và Vượng biết không, anh ta luôn luôn cằn nhằn cái ông điều khiển, đứng lù lù làm anh ta phải nghiêng qua một bên mới thấy mặt Trân được. Anh Vượng dễ ghét của anh phu xe xích lô, nếu Trân không nghe lời anh, lời Thủy, nhất định bỏ ban hợp ca, thì làm gì Trân được cái vinh dự đó. Lớp mẫu giáo Huyền Trân mở chưa đầy hai tháng mà hầu như mọi người đều biết tiếng. Trân tin rằng phải nhờ cái danh “cô ca sĩ học trò” phần lớn.
- Trân nghe tin Định sẽ tổ chức một buổi công tác cứu trợ tại An Lợi. Chắc thế nào Định cũng nhờ anh giúp đỡ.
- Nếu Định tới, tôi sẽ nhờ An giúp. Tôi đang bận lo công tác dựng nhà cho đồng bào. Đây có lẽ là công tác cuối cùng của chúng tôi trước khi từ giã đồng bào chiến nạn.
- Trân mong rằng ngày công tác Định tổ chức, sẽ có mặt mình. Trân rất muốn biết những gì anh đang làm. Đó là lý tưởng ?
- An đã khiến tôi nghĩ như thế.
Gần trưa, mình mới từ giã nhau trong quyến luyến. Trân trở về nhà để kịp lo cơm trưa cho mấy đứa em. Má Trân tới chơi hỏi :
- Con tới nhà bạn chơi vui chứ ?
Trân đáp :
- Dạ vui.
Trân thấy thẹn khi phải nói dối. Yêu nên phải nói dối. Đó có phải là tội lỗi không Vượng ?

Chương 3
 
Thủy uống nguyên một ống thuốc an thần. Nhỏ bạn của Trân dại dột quá Vượng ạ. May mà người nhà biết kịp. Nhỏ đang nằm trong bệnh viện. Người xanh và yếu hẳn sau khi nơi đây rửa ruột. Ba má Thủy nói nhỏ giận lẫy người lớn, đã mắng nhỏ bỏ đi chơi suốt một buổi chiều mà không cho ai hay biết. Trân không tin Thủy hành động với lý do như thế. Trân đợi lúc vắng người, quyết tìm hiểu cho ra sự thực. Thủy muốn giấu, nhưng rồi cuối cùng nhỏ cũng tâm sự thực. Trân hỏi :
- Tại sao Thủy lại bỏ đi lang thang suốt cả buổi chiều ?
Thủy đáp mà ứa nước mắt :
- Sáng hôm ấy, Thủy thấy anh An chở một người con gái.
Vượng. Con gái ghen thì dễ sợ lắm, anh ạ. Đừng bao giờ nói đến chữ ngờ ở những trường hợp này. Thủy vẫn thường được mọi người khen là hiếu để. Khi Trân có quyết định ra đi, Thủy biết được, nhỏ có nói với Trân, dù sao thì tình cha nghĩa mẹ vẫn hơn. Nhưng nhỏ đã định hủy mình. Tình yêu ươm tươi sự sống. Nhưng ghen nhiều khi giết chết sự sống. Tỉnh lỵ xôn xao khi nhà báo lấy được tin, đăng với hàng tựa đậm. Thủy khóc mà nói với Trân :
- Tao hối hận quá. Tao đã làm buồn lòng ba má tao.
Trân an ủi bạn :
- Tao sẽ hỏi lại anh An cho ra lẽ. Tuy nhiên, tao không tin rằng người con gái kia có liên hệ tình cảm với anh ấy.
- Không mà vòng tay ôm ngang lưng.
Trân muốn bật cười. Trân nhớ đến một bài hát vui thường hát trong những buổi sinh hoạt. Và thật khôi hài, Thủy là người đề nghị hát bài đó hơn ai cả. Bài hát có câu “Yêu nhau đâu cứ phải ngồi sau xe, ngồi sau xe chứ ngồi sau xe, chưa chắc đã là thương nhau”. Trân nói với Thủy :
- Không phải Trân bênh anh. Nhưng Trân tin rằng anh An chưa hề nghĩ đến người con gái nào. Có thể cô kia chỉ là bạn cùng đoàn công tác với anh ấy.
Thủy lắc đầu :
- Dù thế nào đi nữa thì tao cũng đã quyết quên đi. Tao muốn làm một người con ngoan hơn làm một người tình si.
Thủy nói thế nhưng sau đó thì lại khác. Có phải con gái thường thiếu cương quyết không anh ? Trân muốn làm ông Tơ bà Nguyệt. Trân muốn rằng mình nghĩ đúng, để khỏi gợn dù một chút tư tưởng xấu nào về anh An. Do đó, ngay ngày cuối tuần, khi anh An về, Trân cho anh biết ngay cớ sự. Trân nói :
- Đối với mọi người thì Thủy tự tử vì bị ba má la rầy, nhưng sự thực mà chỉ có Thủy, em và bây giờ là anh biết, là Thủy tìm cái chết dại dột là vì anh.
- Thủy dại quá. Và nông nổi nữa. Tao không ngờ.
- Nhưng cô gái là một người bạn trong đoàn công tác của anh chứ ?
- Nếu Thủy biết nghĩ như mày !
- Em mừng vì mình đoán đúng.
- Chị Phượng học cùng lớp tao trên Đại học. Hôm đó, tao chở chị về Biên Hoà sắm thêm một ít dụng cụ bếp nước. Chị nhát đi xe gắn máy nên phải ôm lưng tao. Chỉ có thế thôi.
- Nhưng Thủy đã ghen. Nó yêu anh, điều đó chắc anh đã biết từ lâu rồi chứ ?
Anh An chép miệng, đáp nhỏ :
- Tao biết chứ.
- Em sẽ cho Thủy biết sự thực. Tuy nhiên, em cũng mong rằng anh cho Thủy biết rõ lòng anh đối với nó…
Anh An không nói gì thêm. Tối hôm đó, khi Trân bảo đến nhà Thủy chơi, anh vội đưa cho Trân một cuốn sổ nhỏ và nói : “Nhờ mày đưa cho Thủy đọc tập này”. Rồi như thẹn thùng, anh quay trở lại phòng thật nhanh. Thủy và Trân ngồi trong phòng riêng của Thủy. Nhỏ lấy cuốn tập anh An gởi ra đọc. Và nhỏ khóc ngon lành. Em lấy cuốn tập nhỏ, hỏi bạn :
- Tao đọc được chứ, Thủy ?
Thủy gật đầu nhẹ. Trân lật cuốn tập. Những dòng chữ quen thuộc của anh An giúp Trân hiểu mọi chuyện. Thủy đã khóc vì sung sướng, Vượng ạ. Bây giờ thì Trân phải nhận là anh nghĩ đúng. Anh An đã yêu chứ không phải còn dửng dưng như Trân tưởng. Nhưng anh kín đáo quá. Anh âm thầm quá. Anh nghĩ đến Thủy từ ngày còn học tại Ngô Quyền. Anh vẫn ước mong được tiến tới với Thủy. Nhưng anh cũng lo sợ Thủy không thể đợi đến ngày anh ra trường. Anh yêu, và không muốn người yêu phải đau buồn vì chờ đợi. Đó là lý do anh câm lặng bấy lâu nay.
Vượng ơi. Tình yêu trăm nghìn bộ mặt. Thật khó lường, thật khó ngờ. Nhìn Thủy khóc mà lòng Trân mở hội. Tình yêu giữa Thủy và anh An đã mở ngõ. Thủy nói :
- Tao chờ anh An được mà. Tại sao anh không cho tao biết sớm ?
Những lời trách trong tình yêu nồng thắm mà chan chứa ý nghĩa. Trân bỗng muốn trêu Thủy. Trân cất tiếng hát nho nhỏ : “Yêu nhau đâu cứ phải giận nhau. Giận nhau chưa chắc đã yêu nhau thứ thiệt…”. Thủy nín khóc, cười méo mó dễ thương. Nhỏ nói khẽ với Trân :
- Đừng cho ai biết chuyện này nghe Trân.
Trân đã hứa với bạn. Nhưng Trân kể lại với anh. Trân thất hứa vì sao, anh biết chứ, anh Vượng ?

(còn tiếp)
 
06 Tháng Hai 2010(Xem: 84488)
Tôi chỉ nhớ mong manh rằng buổi trưa hôm ấy đứng ở sân thượng với gói quầ n áo trong tay nhìn ra phía xa, ngọn đồi huyền bí của tôi nay chỉ còn là một bóng mờ, chập chờn sau những đám khói đen mù mịt.
30 Tháng Giêng 2010(Xem: 91483)
Vậy khi một nhà thơ, nhà văn nào đã qua đời, thì, làm ơn, nếu không vì nhu cầu nghiên cứu tiểu sử để tìm hiểu cặn kẽ về bối cảnh và điều kiện sáng tác của họ, xin đừng khai thác đời tư của họ để phục vụ cho bất kỳ một mục đích nào khác hơn là góp phần cống hiến cho đời ba điều thật đơn giản, nghe rất nhàm tai, nhưng vô cùng cao quý, đó là: Chân, Thiện và Mỹ.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97910)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.
11 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 95617)
Nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu, dưới mái trường xưa, con đường ngập lá vàng rơi, nhớ chúng mình một thời rong chơi. Cuộc đời đổi thay, chúng ta mỗi người mỗi ngả, đối với tôi, đời sống thế nào? Ngày tháng phôi pha, xứ người xa lạ, lòng luôn ngóng về quê hương, nhớ từng nơi ngày đó chúng tôi đã đi qua, nhưng bây giờ cảnh cũ không còn và các bạn xưa cũng không còn, biết lưu lạc nơi nao?
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 100360)
Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư  ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại.
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 93985)
Cầm tờ thư của cô tôi ấp nhẹ vào ngực. Ơi! cô giáo nhân ái còn hơn bà tiên trong thần thoại đã dang tay cứu tôi trong nhiều lần khốn khó. Thời gian đi qua thật lâu rồi nhưng tất cả những gì về cô tôi đều nhớ. Bảy năm trời lớn lên từ một mái trường nên mãi mãi ngôi trường Ngô Quyền thân yêu ấy là một ngăn nhớ êm đềm trong quả tim tôi.
12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 97333)
Vậy là con bé út của tôi đã đi học được hai hôm. Mọi học khu đều đã khai giảng niên khóa mới từ đầu tháng 9 mà mãi tới giờ, đầu tháng mười một, con gái tôi mới “cắp sách” đến trường cũng bởi nó bị “lọt sổ”.
02 Tháng Mười Một 2009(Xem: 210424)
Mùa Thu, mùa của tình yêu, của nhớ nhung, lãng mạn và là… của em.
30 Tháng Mười 2009(Xem: 100946)
Đã vài năm qua, kể từ ngày lễ Halloween năm 2005, lúc nào bà Jenna cũng nhớ hình ảnh người giao pizza rất trẻ, chắc chưa đến tuổi hai mươi lúc đó, nhưng có thái độ chững chạc của một người đã đi hơn nửa cuộc đời, và có tấm lòng của một ông tiên trong những truyện cổ tích.
17 Tháng Mười 2009(Xem: 96055)
“Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một, như đường mía lau"
22 Tháng Bảy 2009(Xem: 92359)
Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi...
17 Tháng Bảy 2009(Xem: 75548)
Chuyến bay VN 7640 của Hàng Không Việt Nam cất cánh đúng 6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 9 năm 1994, trên đường bay đến Hong Kong. Trong đám đông thân nhân đang nhốn nháo vẩy tay trên sân thượng kia có đủ mặt bốn đứa con của chúng tôi, mặc dầu, qua cửa sổ máy bay, tôi không còn nhận ra chúng nữa.
04 Tháng Bảy 2009(Xem: 84597)
(Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ th ứ 15 của anh / tháng Tám, 2008) Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi.
02 Tháng Bảy 2009(Xem: 76327)
Với lòng biết ơn của Cựu HS Ngô Quyền với những “người lái đò” xưa đã đưa chúng em đến bến bờ thành công Kính tặng Thầy Nguyễn Phi Long, kính tưởng nhớ Thầy Phùng Thái Toàn
25 Tháng Sáu 2009(Xem: 93577)
Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy. Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ. Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.
27 Tháng Năm 2009(Xem: 87028)
  Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng ta quả thực rỏ ràng thấy được: Gốc cây trường trung học Ngô Quyền đã có nhiều cành ngọn và Nguồn trường xưa đã tỏa rộng khắp nơi.
16 Tháng Năm 2009(Xem: 58687)
“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ” Lương Thị Khá đ ang định cư ở Boston, Massachusetts.
15 Tháng Năm 2009(Xem: 77717)
Ở Việt Nam, mùa hè bắt đầu với những cành phượng đỏ nở rực cả góc trời, với tiếng ve kêu ra rả buồn xót xa, thì ở đây chỉ có hoa “jacaranda” và nắng ấm. Không biết từ bao giờ tôi đã yêu thích màu hoa “jacaranda”, thích ngang qua những con đường có trồng hoa rợp bóng, nhìn những cánh tím nhỏ li ti trải đầy trên đất, thêu từng mảng trên không, tôi cảm thấy dường như mình đang đi trong một giấc mơ.
14 Tháng Năm 2009(Xem: 75141)
Cha tôi cũng thường nói nhiều người trên đời này ưa làm anh hùng đến nỗi quên rằng mình có một bà mẹ. “Úi trời, làm anh hùng mà không có mẹ thì làm anh hùng mà chi!”
07 Tháng Năm 2009(Xem: 82250)
Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…